TIỂU NGUYỆT
Nhớ một Chuyến Thăm Nuôi
Nhớ một Chuyến Thăm Nuôi
Tùy bút
Tàu chạy gần đến ga Gia Ray má bảo tôi ra cửa chờ, nếu đến ga tàu ngừng thì mình xuống nhanh hơn. Đứng ở cửa gió hiu hiu, cơn buồn ngủ ập đến, tôi cố xua đi nhưng cơn buồn ngủ vì mệt như từ trong ruột ngủ ra, làm tôi suýt té xuống tàu. Sợ quá, tôi bước vào ghế ngồi, mắt đăm đăm nhìn ra ngoài cửa. Tàu sắp dừng, chị ngồi kế bên má tôi nhắc: “Còn một chút nữa tới ga, má con bà xuống được rồi đó!”. Thế là chúng tôi vội vàng bước về phía cửa, xuống tàu. Chờ cho tàu chạy, má tôi mang giỏ bánh tráng; tôi chất hết chỗ còn lại vào hai chiếc gióng, gánh lên vai. Chúng tôi bắt đầu đi.
Nắng chiều rớt xuống, hanh vàng hai bên đường tàu vắng vẻ, buồn bã. Tôi cảm thấy lo, nhưng không dám nói, sợ má chùng lòng. Buổi chiều buồn tênh không một bóng người. Tôi gánh chạy thật nhanh, má lúp xúp chạy theo. Chúng tôi lọt giữa cánh rừng chỉ toàn đám cây cằn cỗi, cố vươn lên tìm chút nhựa sống. Má tôi giục: “nhanh lên con! Chắc mình xuống còn xa lắm mới đến ga, cố lên kẻo trời tối, ở giữa rừng nguy hiểm!”. Chúng tôi cắm đầu chạy và không ai dám nói một lời gì thêm như sợ tiếng động làm ánh mặt trời bỏ trốn. Hai má con lặng lẽ chạy trong nỗi lo âu, sợ hãi.
Chúng tôi chạy mãi, không thấy một bóng người nào mà ánh sáng trời đã bắt đầu tối dần, trong lo âu thắc thỏm. Tiếng chim rừng từng hồi kêu vang, càng làm má con tôi thêm sợ. Cổ khô rát, tôi thèm uống miếng nước, nhưng không dám dừng chân. Hoàng hôn dường như buông xuống rất nhanh, một màu tím ngắt phủ dần trên đám lau sậy bên đường, như giục má con tôi nhanh thêm nữa. Chúng tôi cắm đầu chạy như đuổi theo mặt trời đang chạy phía xa. Đôi chân mỏi nhừ, tôi ước thầm trong bụng “giá như được nghỉ một lát uống miếng nước thì hạnh phúc biết bao!”. Chúng tôi lầm lũi chạy giữa rừng nhờ ánh sao soi đường. Những con ma trong chuyện kể của bà nội ngày xưa như hiện dần trước mắt, tôi run run muốn khóc. Hình ảnh những con ma áo choàng trắng xóa, xõa tóc, nhe nanh cười; khiến chân tôi muốn khụy xuống. Má biết tôi rất sợ ma nên an ủi: “Không sao đâu con, mình ở hiền sẽ gặp lành, chạy chút nữa sẽ tới, còn không xa đâu”. Tôi chỉ biết “dạ” và cắm đầu chạy với đôi chân rã rời, vai đau không chịu nổi.
Cuối cùng chúng tôi cũng đến ga Gia Ray.
Tôi lê đôi chân, tiến lại chiếc ghế gỗ dài dành cho hành khách chờ tàu, ngồi phịch xuống. Má thở dốc, cố cười, đưa tôi chai nước mới chạy đi mua được. Tôi uống một hơi dài, cảm thấy rất ngon, như vẫn còn thèm uống nữa. Chúng tôi bày bữa ăn chiều trong ánh đèn le lói của nhà ga, bánh tráng chấm mắm mà má con tôi mang theo. Một buổi ăn tối đơn sơ, nhưng tôi nhớ mãi, không hề quên. Ăn xong, tôi nằm dài xuống chiếc ghế nghỉ, đôi chân rã rời, mệt mỏi.
Đang thiu thiu ngủ, tôi bỗng giật mình khi nghe tiếng ồn ào chung quanh. Tôi ngồi dậy. Má tôi hớt hải sắp xếp gọn gàng chỗ đồ thăm nuôi vào hai chiếc gióng. Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra, mở to đôi mắt nhìn, thấy những anh du kích đang lùng sục, la hét, bắt chúng tôi phải chuyển đi, không được ở nhà ga. Thấy tôi ngơ ngác, má tôi nói: “Nhanh lên con! Hôm nay lễ ngày 2 tháng 9, họ bắt chúng ta phải tập trung về ủy ban, không cho nằm ở nhà ga. Mình phải lại đó, họ canh giữ, sáng mai mới được đi!”. Tôi cùng theo đoàn người nằm ở nhà ga về ủy ban theo sự chỉ dẫn của các anh du kích.
Đêm đó không sao má con tôi chợp được mắt, một lát du kích lại dẫn người về, suốt đêm. Muỗi cắn khắp người, vo ve bên tai không thể nào ngủ được dù tôi quá mỏi mệt vì cả buổi chiều hôm trước. Thương má ghê! Đã đau lưng lại không thể nằm yên, má cứ đưa tay xoa lưng hít hà khiến tôi xót cả ruột. Trăn trở mãi rồi chúng tôi cũng thiếp đi.
Trại cải tạo ba tôi đang ở có tên là Z30A, chúng tôi xuống ga Gia Ray băng rừng theo đường tắt dân đi làm rẫy. Những bận thăm trước, chúng tôi xuống ga Long Khánh, rồi trở ra chứ ga Gia Ray tàu không ngừng. Đây là lần đầu tiên chúng tôi thử đi vì nghĩ sẽ nhanh và gần hơn, nhưng lúc nầy, tôi nghĩ, chắc là lần cuối cùng, sẽ không bao giờ có lần nữa. Mỗi lần đi thăm, má tôi thật vất vả nhưng bà luôn mong đợi ngày ra đi - trễ nhất là hai tháng. Lo chuẩn bị mua sắm, nào bánh tráng, thịt kho, ruốc khô, mì gói, bột ngũ cốc, đường đen chặt thành cục vv... Tàu ngày ấy ít chuyến, cũ kĩ, rất chật; không khi nào còn có chỗ ngồi, phải chen nhau đứng mỏi rã đôi chân. Vào đến ga Nha Trang phải xuống, chờ một lát lên chuyến tàu khác vào Sài Gòn. Người đông,chen lấn nhau để ra ga, không ai chịu nhường ai vì sợ không còn chỗ. Nhiều khi leo được lên tàu, không có chỗ, phải đứng một chân, mỏi vô cùng.
Chúng tôi thức dậy trời đã sáng, du kích cho phép chúng tôi ra đi. Má con tôi gánh đồ chạy lại sân ga, tìm mua thứ gì để ăn rồi lên đường. Má tôi mua mớ măng rừng dân mang đến ga bán; măng còn nóng hổi, rất ngon. Mua thêm ít bún ở chợ sát ga, cùng nhau ăn sáng vội vã, rồi lên đường. Nỗi vui sắp được gặp Ba thúc giục tôi quên hết mỏi mệt, đau nhức, vì đã gánh chạy suốt buổi chiều hôm trước.
Tôi gánh chạy theo đường mòn của người dân thường lên rẫy, Má đội giỏ bánh tráng theo sau, tiến về phía trại Ba tôi đang ở. Hai bên đường toàn là nương rẫy trồng đủ thứ, nào bắp, khoai, đậu, mè… Qua hết đoạn rẫy bao la của dân làng, là khu dành cho trại cải tạo. Hai bên đường trồng bắp bạt ngàn, trái to trông rất ngon. Chúng tôi nghĩ đã đến mùa thu hoạch, họ đang bẻ bắp chất đống bên đường, chờ xe chở về trại. Thấy chúng tôi đi qua, họ dừng tay nhìn chằm chằm, có lẽ để xem chừng có ai là người quen hay không. Má tôi chân rảo bước, mắt dán vào đám người đang làm, vấp té văng giỏ bánh tráng xuống đất. Má không chịu ngồi dậy đi tiếp mà nằm dài dưới đất khóc nỉ non, như trẻ con bị mẹ đánh. Mắc cỡ quá, tôi gánh chạy một mạch không dám ngoái đầu nhìn lại. Anh cán bộ trẻ bước lại đỡ má dậy nói: “Má ơi! đứng lên đi, má có sao không? Con đỡ giỏ bánh cho má đi tiếp nhé! ”. Má tôi đứng dậy: “Trời ơi! Hôm qua giờ đi mệt muốn chết, ở gì mà xa lơ xa lắc, mỗi lần đi thăm khổ không chịu được”. Anh cán bộ đỡ giỏ bánh lên giúp, má đội lên đầu đi tiếp; mắt nhìn mấy chú đang cải tạo phía dưới đám bắp, cười, như chia với tay họ vậy.
Chúng tôi đến nơi thăm nuôi, ngồi chờ cán bộ nhận giấy. Một tốp người đang bị tập trung cải tạo đi ngang qua, mỗi người đều có cái bọc mang trước ngực. Tôi thắc mắc hỏi má: “Ai cũng có cái bọc để làm gì vậy má?”. Má cười: “Họ mang theo hái rau để cải thiện bữa ăn đó con”. Một anh lại sát bên má con tôi, nhìn - không dám nói gì. Thương anh, má tôi nói: “Đưa cho anh cây bánh tét đi con, tội nghiệp!”. Tôi đưa anh ta cây bánh tét dặn: “Anh cho mấy người cùng ăn nhé!” - anh gật đầu cảm ơn, rồi chạy theo mọi người đang đi hàng dọc phía trước.
Một phụ nữ khoảng ngoài sáu mươi mang theo cái xách tay và một cái thùng nhỏ, mệt mỏi bước vào chỗ cán bộ vừa nói, vừa khóc:
- Xin cán bộ cho tôi gặp con trai tên (...) Hôm qua tôi đã đến, con tôi đang bệnh cần chuyền máu gấp. Tôi về mua mang vào, cán bộ cho tôi gặp kẻo không kịp”.
Người cán bộ cúi đầu không nói gì bước vào trong, một lát có người ra nói với bà:
- Tôi dẫn bà đi gặp con trai, rất tiếc anh ấy đã không chờ bà được. Chúng tôi đã chôn anh ấy rồi, mời bà theo tôi.
Bà khóc thét lên:
- Con ơi! Sao không chờ mẹ? Mẹ mang máu vào chuyền cho con đây, sao con không chờ mà bỏ mẹ ra đi thế con ơi!
Bà bước theo chân người cán bộ vừa khóc vừa kể lể nghẹn ngào. Mọi người có mặt ai cũng rưng rưng nước mắt. Tôi lâm râm cầu nguyện cho anh, mong anh được về cõi an vui.
Tôi đem giấy thăm nuôi trình cho cán bộ trực và ngồi chờ như bao nhiêu người khác. Một lát, Ba tôi cùng mấy người từ trong cổng trại bước dần ra. Nhìn thấy Ba, tim tôi bỗng đau nhói. Ba bước chậm, lòm khòm, ốm nhom. Ba vào căn láng, đưa mắt tìm. Tôi chạy lại ôm Ba. Ba vỗ vào lưng tôi nhè nhẹ: “Con gái phải khổ vì Ba rồi, cảm ơn hai má con!”. Má tôi òa khóc:
- Chỗ bữa trước còn không? Anh đói hay sao mà ốm nhom vậy?
Ba cười:
- Anh em trong này ít có người thăm nuôi nên anh chia cho họ, gọi là... Em thông cảm.
Ba kể đủ chuyện, từ chuyện ở trong này Ba sống như thế nào, làm gì, đã gặp những ai, đủ cả... Ba lấy trong túi áo ra hai chiếc vòng làm bằng nhôm sáng bóng với những hoa văn đẹp:
- Ba cho hai chị em con mỗi đứa một chiếc, của người bạn tù làm giúp đó.
Tôi đưa hai tay nhận lấy:
- Cảm ơn Ba! Cho con gởi lời cảm ơn người bạn tù của Ba nữa nhé! Đẹp quá! trong này có người giỏi quá!
Ba cười:
- Nhiều người có tài lắm con, có người giỏi tiếng Anh, có người giỏi nhạc, có người giỏi châm cứu, bác sĩ, kỹ sư gì đủ cả. Nói chung nơi đây rất nhiều nhân tài, Ba cũng học nhiều điều lắm nên đỡ buồn.
Tôi nhìn sang gia đình thăm nuôi bên cạnh, một người tù còn trẻ măng, chắc anh là sĩ quan mới ra trường. Bà mẹ đi thăm cùng người yêu của anh, nhìn anh chị thật đẹp đôi. Chị có mái tóc dài ngang lưng, nước da trắng hồng thật đẹp. Hai anh chị nhìn nhau ngượng ngùng, nói thật khẽ. Tôi thật thương kính chị ấy, vừa đẹp, vừa sang, vừa chung tình, vất vả đi thăm người yêu. Rất nhiều người chồng cải tạo, ở nhà có chồng khác, như bà vợ ông đại úy Tính ở quê tôi. Vợ đại úy Tính theo chồng khác bỏ mấy đứa con cho bà nội nó trông nheo nhóc, tội nghiệp.
Ba hỏi thăm việc nhà, những người bà con. Một lát, anh cán bộ bước lại chỗ chúng tôi đang ngồi - nói:
- Anh được trại cho phép người nhà ở lại đêm nay, anh vào chuẩn bị.
Đêm ấy Ba ở cùng với hai má con tôi, Ba mang hết chỗ má con tôi thăm nuôi vào trại. Sau đó, anh cán bộ đưa hai má con tôi vào căn phòng chung quanh che bằng lá và nói:
- Đây là phòng dành cho gia đình được qua đêm, cô và chị ở đây lát nữa chú sẽ đến, không đi lung tung đấy nhé!
- Dạ vâng!
Tôi đẩy cửa phòng bước vào, căn phòng lâu không người ở nên bụi và mùi mốc hơi ẩm. Mở cửa sổ chống lên, rồi lấy chổi quét nhà. Hai chiếc sạp bằng cây rừng kê cao làm chỗ ngủ, tôi lau dọn sạch sẽ vẫn còn mùi ẩm mốc. Dãy phòng nằm quay lưng sau một đám bắp sắp thu hoạch. Trước mặt dãy phòng là con đường thẳng tắp đến khu trung tâm trại, có bồn trồng hoa. Tôi không dám đi đâu, chỉ quanh quẩn bên căn phòng và ngắm những trái bắp trong vườn phía sau; nghĩ lát nữa đây mình có thể bẻ bắp nướng ăn, nếu đói. Đêm ấy chúng tôi được sống bên nhau - Ba được một chút tự do dẫu ít ỏi. Ba xách nước cho hai má con tôi tắm, nấu chè khoai môn cho má con tôi ăn. Tôi sung sướng và hạnh phúc, coi như bù lại phần nào nỗi vất vã chiều hôm trước. Ba háo hức tranh thủ thời gian một đêm được tự do sống cho gia đình, trong căn láng trại u tối, nơi rừng hoang với hai mẹ con tôi, dẫu Ba còn sáu đứa con nữa ở nhà đang chờ đợi từng ngày.
Chúng tôi nằm bên nhau mà không chợp mắt, chuyện vãn cả đêm. Có lẽ, ai cũng nghĩ, hãy tận hưởng phút giây sum vầy đầm ấm nầy, như sợ nó biến mất sau ánh bình minh.
Đêm sâu, núi rừng im vắng, chỉ nghe tiếng thì thầm suối khe, tiếng kêu bơ vơ của loài chim rừng, não ruột. Tôi nằm yên lắng nghe, mà lòng lại nơm nớp lo sợ những tia sáng của buổi ban mai chiếu qua khung cửa sổ mở.
Rồi một đêm đã trôi qua! Bình minh đang đến. Ngày mới lại bắt đầu. Ngày mới đã mang đến sự chia ly cho gia đình chúng tôi. Ba chúng tôi nghẹn ngào nhìn nhau. Ba tôi bước theo chân người cán bộ, mà dường như mỗi bước chân đang bị vướng víu bởi sự thương tiếc, ưu phiền.
Tháng 2. 2015