TIỂU NGUYỆT
NIỀM VUI MỖI NGÀY
NIỀM VUI MỖI NGÀY
Tôi đã đi qua bốn mùa xuân hạ thu đông sáu mươi lăm năm ròng rã, trải qua biết bao truân chuyên, đổi thay, dâu bể cuộc đời; ngoái nhìn lại, tôi thấy thương mình quá, chưa lúc nào tôi chăm chút cho bản thân mình, dù là việc nhỏ nhất, như sắm sửa cho mình một chiếc áo đẹp để có thể vui cùng bạn bè, chị em mỗi khi có dịp gặp gỡ. Tôi thương các con cháu của tôi, luôn nghĩ rằng, mình nuôi các con không được đầy đủ, thiếu thốn mọi bề; ăn chỉ để no lòng, miễn sao học thật tốt. Và cũng nhờ những lời khuyên nhủ, dỗ dành, mong ước các con phải thay mẹ bước vào ngưỡng cửa đại học. Và các con tôi không làm tôi thất vọng, tất cả đều tốt nghiệp đại học và có công việc làm ổn định.
Từ bấy giờ, tôi sống cho tôi, sống cho những ước mơ, hoài bão mà bấy lâu nay tôi phải tạm giữ kín trong lòng. Sáng thức dậy thấy mình còn hít thở, lòng tôi an vui, cảm ơn cuộc đời đã cho tôi còn thấy bình minh bừng sáng, còn cho tôi nghe được tiếng chim ríu rít trên cành. Tôi muốn mở toang lòng mình, mang yêu thương đến cho tất cả; với mong ước mọi người đều được an vui, hạnh phúc, khỏe mạnh.
Thức dậy bốn giờ sáng chào ngày mới - chào một ngày đầy yêu thương, an lạc rồi lên nhà Minh, chờ chị Non và Sa cùng đi xuống tháp Trầm Hương tắm biển, đón mặt trời lên, hít thở không khí trong lành (miễn phí). Phải nói là biển Nha Trang là bãi tắm lý tưởng, nước trong vắt, xanh thẳm, không sâu, không cạn; mới hơn bốn giờ sáng mà người đi tắm thật đông, thường là những người lớn tuổi như chúng tôi, tắm sớm còn về cho con cháu đi làm, đi học. Đứng trước biển tôi thấy mình thật nhỏ bé, ước muốn mình là một hạt nước để hòa vào biển bao la xanh thẳm; để thấy mình cũng mênh mông, rộng lớn như lòng biển dạt dào. Mặt nước trong xanh, phẳng lì, một vài con sóng nhỏ vỗ bờ, ru êm, trong tôi bao cảm xúc rạt rào. Thế rồi, tôi hòa vào biển, nhấp nhô theo con sóng, hòa vào tiếng cười vui, chuyện trò của các chị, các cô - nào Diễm, Hồng, Cẩm, An, Khánh, Thu, Cúc, Minh, Nguyệt, Tuyết Mai, Hồng My, nào Mộng Xuyến, Thu, Sa, Lê, Non, Tuyết, Phượng…; ai cũng cười vui, náo nức, ngụp lặn, nằm ngửa, nằm sấp, soải tay, soải chân; riêng tôi, chỉ đứng trong cạn, ra ngoài một chút hỏng chân là uống nước. Tôi bắt chước các chị, nằm xuống đập tay, đập chân, nhưng chân vẫn chìm nghỉm không nổi lên được. Các chị kéo tôi ra ngoài, tôi sợ lắm, miễn nhúng nước ướt thấy khỏe lắm rồi, các bà chị thương yêu ạ!
Mọi người bơi ra ngoài hết, chỉ những người chưa biết bơi là ở trong bờ. Tôi thường tắm chung chỗ với chị Khánh và Cẩm, hai người này tắm cả năm rồi mà cũng không dám bước thêm ra chút nào. Có con sóng lớn vỗ vào, ba chúng tôi cầm tay nhau cùng nhảy lên, có khi người này ngã, người kia kéo lại, vui lắm, cười nhiều lắm và có khi cũng uống nước lắm lắm. Nước biển mặn chát, uống là sặc, là ho, không ngon chút nào mà vẫn phải uống. Minh và chị Non bơi ra ngoài, một lát quay vào chỗ tôi, làm chỗ dựa để tôi nằm soải tay tập bơi, nếu đứng dậy không được là vịn tay cho tôi có thế đứng lên. Thương và biết ơn vô cùng những người bạn quý mến của tôi ơi!
Mặt trời lên ửng đỏ ở cuối chân trời xa, biển sáng rõ dần và mỗi lúc một đông người hơn. Nhiều người muốn được tắm biển, thư giãn để bắt đầu cho một ngày mới đang về. Có người nói rằng, mình ở ngay kho thuốc là biển mà không tận hưởng, còn tìm kiếm ở đâu xa (đó là lời bác sĩ). Và ai cũng nói tắm biển khỏe người, bớt đau nhức xương khớp; riêng tôi, mới tắm hơn một tháng, tôi thấy mình khỏe hẳn, ăn ngon, ngủ ngon, cả ngày người bồng bềnh và luôn mơ thấy biển - biển xanh thẳm vỗ về, ru êm tôi, đôi khi biển buồn, biển giận đập tôi ngã sóng soài mình đầy cát, uống đầy nước. Dù bị sóng đập, uống nước, nhưng tôi luôn thích được nằm xuống đập tay, đập chân, cảm thấy mình bồng bềnh, nhẹ tênh, được biển vỗ về, nâng niu, thật thích thú. Đôi khi, tôi chợt thấy biển rộng hơn, mênh mông hơn vượt tầm nhìn của tôi, khiến tôi càng yêu thích, mạnh mẽ nằm xuống tập nâng đôi chân, tập đứng dậy, dù chới với muốn ngã nhào. Dù tôi nằm, tôi đứng hay ngã nhào, biển vẫn rạt rào ru êm bằng những con sóng đều đặn, êm ái. Không biết biển có hiểu được lòng tôi không, mà sao tôi nghe như biển rì rào cùng tôi rằng, tôi cứ thoải mái vui đùa, thả lỏng người hòa nhập vào biển, sẽ thấy biển mênh mông vô cùng, vô tận. Và thật vậy, biển là người mẹ “trùng dương” bao la vô tận trong trái tim tôi!
Khoảng sáu giờ kém mười lăm, chúng tôi lên bờ tắm lại nước ngọt và ra về. Cơn gió buổi sớm sao mà mát mẻ, mát từ bên ngoài vào cả bên trong và tôi thấy lòng thật nhẹ nhàng, vui thích. Tôi hít thở cơn gió trong lành sớm mai vào buồng phổi, nghe niềm vui dâng tràn theo ngày mới đang về. Có hôm chúng tôi ghé quán ăn sáng rồi về nhà, hôm nào con dặn sẽ mua đồ ăn sáng ở nhà là về thẳng luôn. Minh vừa lái xe vừa nói chuyện ríu rít như chim, tôi ngồi sau không nghe rõ bạn nói gì, thấy bạn cười tôi cũng cười theo; tiếng cười chúng tôi hòa tan trong gió sớm rộn ràng, giòn giã. Tôi thấy cuộc sống này sao mà dễ thương, đáng yêu đến vậy. Chúng tôi như uống cả trăm thang thuốc bổ, bởi một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ cơ mà! (người xưa nói như vậy thật không sai).
Về đến nhà, tắm rửa, ăn sáng uống thuốc rồi tấp tểnh đi lên quán cà phê Đương - nơi nhóm thể dục chúng tôi gặp mặt mỗi sáng. Nhóm khoảng mười người, có khi đủ mặt gồm mười hai người; có người bảy mươi, trên bảy mươi, dưới bảy mươi, có người hàng năm, hàng bốn; đặc biệt có một chị tám mốt tuổi, chúng tôi thường gọi đùa là “bé hai”, miệng nhai trầu mỏm mẻm, cũng ham vui có mặt để cười đùa, thư giãn cùng nhau. Chúng tôi gặp mặt mỗi sáng chỉ để cười giỡn, nói chuyện vui; mỗi người một câu không ra chuyện gì, vậy mà cười sao giòn giã, như bắp rang nổ. Nhiều khi không biết nói gì, người nọ nhìn người kia, bỗng cười ngặt ngoẽo không nín được. Thấy ai quen đi ngang qua không nhìn vào, thì nói dóc ghê không chịu nhìn vô, còn khi họ nhìn vô, lại nói nhìn gì dẫy, rồi cả nhóm cười òa, làm chị đi ngoài đường cũng cười theo. Vui thật!
Chúng tôi, mỗi người một vẻ, mỗi người một tính cách, nhưng có một điểm chung là “thích cười”. Những cái tên Non Trương, Hà Xuyến, Nhàn Võ, Quang Minh, Vân, Chi, Hoa, Lài, Ly, bé Hai, bé Ba, Thủy, Son rất thân thương với tôi; dường như mỗi ngày không gặp họ là tôi thấy nhớ và buồn lắm. Xin cảm ơn cuộc đời đã cho tôi có những tình thân và niềm vui gặp gỡ những người bạn dễ thương này.
Cà phê Đương , menu gồm cà phê sữa, cà phê đen, trà tắc, nước thơm ép, ổi ép, cam, chanh, cà rốt đều cùng một giá là mười nghìn, ai muốn uống gì cũng mười nghìn, dù thêm sữa, thêm cà phê, thêm gì chút chút cũng vậy. Ở đây, có chị Hà Xuyến tóc bạc trắng dù mới sáu mươi tuổi, được biệt danh là “bà tiên Lạc Long Quân”; bởi nhà chị ở “tuốt” dưới đường Lạc Long Quân, lên đây bốn, năm cây số, vậy mà không sáng nào là chị không đến. Khuôn mặt chị phúc hậu, hiền từ, rất dễ mến, lại vui tính, nên mới gọi là bà tiên. Thật vậy, bà tiên đến là có món ăn, bữa thì khoai mì luộc, bữa thì xôi ăn với bánh tiêu, có cả hạt dưa, hạt bí, cắn lắc cắc vui lắm. Còn một món ăn đặc biệt nữa là “cơm chiên muối é” của chị Non, vừa béo béo, thơm thơm vị é, vừa ngọt ngào với cà rốt, xúc xích xắc nhỏ - thật đậm đà. Tôi ăn món này riết rồi ghiền, hôm nào cũng hỏi chị, còn cơm nguội không; hôm nào còn cơm nguội là chị dặn lát nữa đừng ăn gì, để bụng ăn cơm chiên muối é là mừng lắm.
Chủ quán bận bịu, có ai đến mua gì, các chị trong nhóm ai cũng có thể lấy bán giùm, không biết giá thì gọi vọng xuống nhà dưới - bì muối bao nhiêu tiền, bì hạt nêm bao nhiêu, chai dầu ăn bao nhiêu, bà Đương ơi? Khách đến uống cà phê, chủ quán bận, có Chi pha cà phê bán giùm, nhiều khi còn ship hàng giùm cho chủ quán luôn. Tôi hay đùa với Đương rằng, không được tính tiền ly cà phê của Chi, không trả tiền công thì thôi còn tính tiền là không được nhe bà Đương! Đáp lại tôi là tiếng “ô cơ” của bà Đương làm cả nhóm có dịp cười vui, bả nói nửa tây nửa ta, mệt quá bà Đương ới ời. Tội nhất là em Son, coi nhà, bán hàng, đưa xe cho Đương đi chợ, coi giùm quán, có hôm về đến nhà mười giờ, có hôm trễ hơn nữa, vậy mà hôm nào cũng có mặt, vui cùng mọi người. Có hôm còn gọi điện hỏi ai chưa ăn sáng, thì chạy đi mua giùm bánh canh mang tới cho mọi người nữa. Thật dễ thương!
Đúng tám giờ hoặc tám giờ hơn một chút là tôi phải về, quét dọn nhà cửa sạch sẽ, lau chùi bàn thờ Phật, thay nước rồi đọc kinh. Ngày nào cũng đều đặn như vậy, không nghỉ; dù có hôm các bạn xúi tôi nghỉ một bữa, nhưng tôi luôn tập cho mình thói quen không đổi những gì mình đã đề ra; bởi tôi nghĩ, hai thời kinh sáng tối rất cần thiết, để tôi có thể trở về một cách thuận lợi và nhanh chóng hơn. Tôi hòa theo tiếng chuông, tiếng mõ, hòa theo lời kinh Phật dạy và nhận ra rằng, những lời Pháp nhũ như những giọt cam lồ tưới mát tâm hồn tôi, để tôi hiểu sâu sắc hơn sự nhiệm mầu của Phật pháp.
Tôi thầm cảm ơn Trời Phật đã cho tôi nhân duyên được đọc kinh Phật, hiểu Pháp Phật. “Con từ vô thỉ nhẫn đến ngày nay, bị vô minh che đậy nên điên dảo mê lầm, lại do sáu căn, ba nghiệp quen theo pháp chẳng lành, rộng phạm mười điều dữ cùng năm tội vô gián và tất cả các tội khác nhiều vô lượng, vô biên nói không thể hết; mười phương các đức Phật thường ở trong đời, tiếng Pháp không dứt, hương mầu đầy lấp, pháp vị ngập tràn, phóng ánh sáng sạch trong chiếu soi tất cả…” (Lời sám hối trong kinh Pháp Hoa). Và tôi nghĩ, mình đã được hàm ân của chư Phật phóng ánh sáng chiếu soi vào tâm hồn.
Xong thời kinh, lòng tôi nhẹ nhàng vô cùng, hân hoan chuẩn bị nấu bữa trưa chờ con và các cháu tan học, tan làm về cùng ăn. Tôi ăn gì cũng thấy ngon, có lẽ lòng mình vui nên ăn gì cũng ngon như lời ông bà ta thường nói xưa nay chăng? Rau muống luộc chắm mắm, chan chút nước rau, tôi hít hà khen ngon. Con gái gắp bỏ thịt cá vào chén tôi, nó la “mẹ ăn gì cũng nói ngon, rau muống “bổ phẻ” gì đâu mà khen hoài, cứ ăn như vậy thiếu chất, mai mốt bệnh thì mệt á chớ ngon gì mà ngon”. Tôi không cãi, không nói gì, nhưng vui lắm, vui vì thấy con cái nó thương mình, lo cho mình, như uống nhiều thuốc bổ vậy.
Ngủ trưa dậy, con đi làm, cháu đi học, tôi bắt đầu mở máy. Những con chữ hiện rõ nhiều dần trên màn hình máy tính theo đôi tay tôi rạt rào trên bàn phím. Những trang viết ngày càng dày hơn, cũng như những ước mơ trong tôi, ngày càng được tôi truyền tải qua những nhân vật truyện ngắn, truyện dài, tùy bút một cách rõ nét. Có người từng hỏi tôi rằng, họ đã đọc nhiều truyện ngắn, tùy bút của tôi, họ thấy những nhân vật chính thường là những người bình dân, nghèo khổ và vì sao tôi chọn tầng lớp này? Tôi xin trả lời rằng, tôi cũng là một người bình dân, nghèo khổ; hơn ai hết tôi hiểu họ muốn gì và ước mơ gì? Tôi như người nhắn gởi những ước vọng, khát khao của người lao động, bình dân, nghèo khổ qua ngòi bút. Tôi “nói giùm” họ cũng chính là nói cho chính mình, mong ước những người được may mắn hơn hiểu rõ và cảm thông. Viết là để mong cầu cho cuộc sống mình và những người thân yêu được an vui, hạnh phúc hơn.
Tôi viết đến năm giờ chiều là tắt máy, bắt nồi cơm rồi chuẩn bị đi bộ tập thể dục. Tôi soải chân bước đều lòng phơi phới theo ngọn gió chiều mát mẻ. Tôi ngang qua cánh đồng lúa xanh rì, lòng tôi trải rộng theo sóng lúa rập rờn và chợt thấy lòng lao xao nỗi nhớ về Quê nhà dấu yêu khuất xa ở phía chân trời. Quê Nhà với tôi là nỗi nhớ, là nguồn cảm hứng để trang bản thảo mỗi ngày một dày thêm.
Kết thúc một ngày là thời kinh tối, có hôm ở tại nhà, có hôm theo chị Non vào chùa Thiên Phú. Lòng tôi nhẹ nhàng, phơi phới, như vừa được tắm trong Hồng ân của chư Phật, để tôi thêm vững bước trên con đường trở về như lời sám hối trong kinh Pháp Hoa “Nguyện đức A Di Đà cùng các Thánh chúng, tay cầm đài hoa tiếp dẫn đệ tử trong khoảng sát na sanh ra trước Phật đủ đạo hạnh Bồ Tát rộng độ khắp chúng sanh đồng thành Phật đạo”.
Ánh trăng tròn đầy vành vạnh sáng ngập cả sân vườn.
Tháng Tư - Mùa Phật Đản 2567