TIỂU NGUYỆT
Ông BA PHÁT Và
Con Ngựa “HỒNG CẮN”
Con Ngựa “HỒNG CẮN”
Truyện ngắn
Hai cha con ông Ba Phát cùng hốt những củ sắn mì vừa được bà Bảy - chủ rẫy sắn, mới cân xong, bỏ vào bao, dưới cái nắng hanh buổi xế chiều oi bức. Mồ hôi ướt đẫm áo ông - ông thầm mong ngọn gió nồm dịu mát thổi tới, cho bớt đi sự oi nồng của cái nắng hanh hao đầu mùa hạ này. Ông nghĩ, mọi khi, giờ này là đã có gió nồm lên rồi, hôm nay, nó trốn đâu mất, hay đi lạc nẻo nào, mà chờ hoài không thấy?. Nóng ơi là nóng!.
Ông nhìn Lộc - con trai ông, mồ hôi chảy ròng trên mặt, lòng nghĩ thương con; có mấy tháng hè nghỉ học vui chơi, lại phải theo cha lên tận miền đất đỏ Sơn Thành mua sắn, mua bí; phải chi thong thả một chút, cho con về quê ngoại vui chơi, hết hè lại đến trường. Ông Ba Phát thoáng nhìn con, lòng dâng tràn thương cảm:
- Nhanh lên một chút nghen con, xong rồi mình đi mua ít bí đỏ nữa, kẻo anh em thằng Tạo và chú thím Hào đợi.
Lộc “dạ”, rồi vội vàng hơn, hai tay nhanh nhẹn bỏ sắn vào bao, cột lại cẩn thận. Ông Ba Phát lại chỗ mấy mẹ con bà Bảy đang lặt sắn bỏ dồn đống, để tính tiền.
Ông kéo vạt áo lau mặt, nói với bà Bảy:
- Ngày mai, chị nhổ cho tui như hôm nay nghen. Tính tiền để tui còn đi mua bí đỏ, và đường nữa, kẻo tối.
Bà Bảy nhìn thẳng lên gương mặt sạm nắng, nhễ nhại mồ hôi của ông Ba Phát, liền nói:
- Anh uống miếng nước đã, nghỉ một lát cho khỏe rồi mới đi.
- Còn đi xuống nữa chị ơi, nghỉ cho khỏe, sợ không kịp.
Bà Bảy liền rót đưa cho ông ly nước đá lạnh, rồi lấy tờ giấy lúc nãy ghi số cân vừa đọc, vừa nói, giọng ôn tồn:
- Tất cả 15 lần cân, mỗi lần 20 ký, và 13 ký lẻ. Tổng cộng 3 tạ và 13 ký - bà ngước nhìn lên, ngập ngừng - tui bớt cho anh 13 ký lẻ, tính chẵn 3 tạ thôi.
Ông Ba Phát uống hết ly nước, rót thêm ly nữa, làm một hơi, rồi trả ly về chỗ cái phích nước. Ông đốt điếu thuốc, hít một hơi, giọng khẽ khàng:
- Chị bớt bao nhiêu, hay bấy nhiêu, về dưới đó bán lúc nào cũng hụt ký. Sắn mới nhổ, cân nặng chị à. Cảm ơn chị nghen!
- Mai tui sẽ thêm cho anh nhiều hơn, bữa nay vậy là được rồi. Mỗi ký 700 đồng, 3 tạ là 210 nghìn, nghen anh Ba.
- Chị Bảy tính giỏi đó nghen. Có người tính tới tính lui, cả buổi, chờ bắt mệt.
Bà Bảy cười, bà nghĩ, không biết ông khen thiệt hay đùa; chứ cái món “tính rợ” này, có nhằm nhò gì với bà đâu. Ngày trước, bà mở tiệm tạp hóa dưới thị trấn, người ta mua một lúc nhiều món, tính nhẩm một “loáng” là xong, có gì đâu. Nhưng nghe ông khen, bà thấy vui, giọng cởi mở:
- Nghe anh Ba khen, thấy vui à. Ngày mai, tui sẽ bán cho anh một số bí đỏ hái ở gần nhà. Anh khỏi đi mua chỗ khác nghen.
Ông Ba Phát mở bóp đếm tiền, đưa cho bà Bảy, giọng vui vẻ:
- Tiền đây chị Bảy. Đếm cho đàng hoàng, lộn thì khổ. Mai chị hái sẵn bí đỏ, để cân sắn xong, tui đưa xe xuống nhà chở bí luôn.
Bà Bảy đếm tiền rồi cất vào túi. Ông Ba Phát chào mẹ con bà, rồi lại vác những bao sắn ông đã mua ra chỗ để chiếc xe ngựa. Hai cha con ông mỗi người vác một bao, gần đến chỗ để xe, bỗng thấy bảy, tám người đứng vây quanh một ai đó, thật khác thường. Ông chợt giật mình, thốt lên:
- Chết cha. Chắc con ngựa cắn ai rồi.
Lộc đi phía sau, tiếp lời:
- Đúng là con “Hồng Cắn” không sai chút nào, thấy ai lại gần là “đớp” liền. Thiệt không chịu nổi nó.
Một người trong số họ nhìn thấy cha con ông Ba Phát, liền nói lớn:
- Cha con ông xe ngựa về rồi kìa, kêu ổng đưa bà ấy đi xuống bệnh xá chích thuốc đi, kẻo nhiễm trùng đó.
Ông Ba Phát vội bỏ bao sắn xuống đất chạy lại, thấy người phụ nữ khoảng gần 40, đang ôm cái vai, nhăn mặt đau đớn. Giọng ông hốt hoảng:
- Cô có bị sao không? Tôi xin lỗi. Để tôi đưa cô đi chích thuốc.
Người phụ nữ bị con ngựa cắn, mặt mày tái mét, ngước nhìn ông, giận dữ:
- Tui bị sao, thì ông có thế cho tui được không, mà hỏi? Ông chạy xe ngựa mà không giữ ngựa cẩn thận, để cắn người, lỡ chết ông có đền được không?
Ông Ba Phát dịu giọng:
- Xin lỗi cô! Tui nghĩ, để chiếc xe ngựa chỗ vắng vẻ thế này, không ai qua lại, chắc không sao; ai ngờ, nó lại cắn cô. Để tui đưa cô đi chích thuốc nghen. Xin cô bỏ qua cho.
Mọi người thấy ông Ba Phát nói như vậy, khuyên chị ta bỏ qua, để ông đưa xuống bệnh xá chích thuốc khỏi lo nhiễm trùng. Chị ta đứng lên, giục:
- Đi thôi. Ông nên cẩn thận với con ngựa này đó, nó cắn người lâu thành thói quen, đụng ai cũng cắn, có nước chết.
Ông Ba Phát quay lại dặn con trai:
- Con ráng vác hết mấy bao sắn chất dồn đấy, ba đưa cô ấy đi chích thuốc rồi về liền, nghen con.
- Dạ. Ba yên tâm đưa cô ấy đi chích thuốc đi, để đấy cho con.
Ông Ba Phát lấy xe, chở người phụ nữ bị ngựa cắn xuống bệnh xá; lòng hoang mang, suy nghĩ - cuộc sống này sao mà gian khổ, lắm điều quá. Mọi thứ cứ bề bộn phải lo toan - hết việc đồng ruộng, lại chạy xe lên tít Sơn Thành, mua từng trái bí, bánh đường, củ khoai; về bày giữa chợ, kẻ chê sắn không dẻo, không bột, người chê đường không thanh, bí không ngon. Cân một ký, lời một hai đồng, họ thêm một củ là đúng vốn. Có bà còn nói: “Đi chợ không thêm, nằm đêm ngủ không được”, thiệt khổ. Làm đầu tắt mặt tối như vậy, cũng vẫn cứ túng thiếu, nghèo khổ; có lẽ, cái nghèo như cái “nghiệp” phải mang. Ông chợt nhớ câu hát, mà người cháu họ hàng xa với ông thường hát vui: “Gánh cái nghèo, cha đem đổ trên non, cha cong lưng mà chạy, nó vẫn còn theo sau”. Tuy nghĩ vậy, ông vẫn tự an ủi mình, cứ cố gắng hết mình, sống hết lòng mỗi ngày, phải sao hay vậy, cho nhẹ người thôi.
* * *
Ngày ông học tập về, ông muốn có một công việc làm, kiếm tiền, để giúp đỡ cho gia đình; bù lại những tháng ngày vợ ông phải một mình nuôi con khó khổ, lại còn phải thăm nuôi ông; không quản đường sá xa xôi, tàu xe khó khăn. Nhìn trước, nhìn sau, chẳng có việc gì để làm, thanh niên trong làng kéo nhau lên rừng tìm trầm, đãi vàng hết - vàng, trầm đâu không thấy, chỉ thấy “vàng da”, bủng beo vì sốt rét. Ông được một người bạn ngày xưa cùng làm chung ở Quận, giúp ông tìm mua lại một chiếc xe ngựa, hướng dẫn bày ông cái nghề này. Vợ chồng ông vay mượn anh chị em, và những người bà con họ hàng mỗi người một ít, góp lại được bốn chỉ vàng. Ông Đệ - bạn ông, dẫn ông tìm cả nửa tháng, mới mua được chiếc xe và con ngựa Hồng này, vừa đủ số tiền ông mượn được; bởi ông không đủ tiền để mua con ngựa tốt hơn. Chiếc xe đã hai chỉ vàng rồi, còn con ngựa nữa, con nào cũng bốn, năm chỉ, có con bảy, tám chỉ; riêng con ngựa Hồng này, có biệt danh là con “Hồng Cắn”; vì cái tật cắn người, và sợ vật lạ, nên nó chỉ nửa số tiền so với những con khác - đúng hai chỉ, không bớt đồng nào. Ông nghĩ, mình ít tiền, mua nó về, mình yêu thương, chăm sóc nó, và cẩn thận hơn, chắc cũng không sao.
Ngày ông đưa con ngựa “Hồng Cắn” về, ông nhờ vợ nấu mâm chè, nồi xôi, cúng ông bà, các bác, cầu mong được may mắn, bình an. Ông dắt con ngựa ra giếng, xối nước, tắm rửa cho nó thật kỹ. Ông nhìn nó với ánh mắt đầy yêu thương, vừa kỳ đất, vừa nói chuyện với nó, như để nhắc nhở, khuyên nhủ chính mình nữa. “Mày về đây, làm việc cùng tao, tao sẽ coi mày là bạn. Sẽ luôn yêu thương mày, sẽ cho mày ăn ngon, uống ngon; mày cũng sẽ vì tao mà làm việc, giúp tao kiếm tiền nuôi vợ, nuôi con; đừng có cắn người, tao không có tiền lo cơm thuốc cho người ta đâu. Có tao bên cạnh, sợ gì ai bắt nạt mày, mà cắn người, phải không? Vậy nha, tao nói rồi đấy, đừng làm tao thất vọng, đấy nghen”. Ông nói một hơi như nói với một người bạn, không hiểu con ngựa có hiểu những gì ông nói không; nhưng hai tai nó dựng thẳng, đôi mắt nó chớp chớp, long lanh nhìn ông trìu mến.
Ông đăng ký vào “Hợp Tác Xã Vận Chuyển Thô Sơ” của thị trấn, đến mùa được điều động đi chở lúa từ các kho của hợp tác xã Nông nghiệp về kho lương thực của huyện. Hết mùa chở lúa, ông chạy xe lên Sơn Thành mua sắn, bí về chợ huyện bán. Con ngựa rất biết nghe lời ông, ít khi cắn bậy nữa, chỉ ai chọc ghẹo nó, hoặc có ý làm nó hoảng sợ, là nó nhảy chồm tới, cắn liền. Ông đã năm, bảy lần chở người đi chích thuốc vì bị nó cắn như vậy rồi, ông nhìn nó có ý trách không biết nghe lời ông - hình như, nó cũng nhận ra lỗi của nó, nên chỉ hý lên một tiếng, liếc nhìn ông lem lép, sợ sệt.
Có lần ông chạy xe về gần tới Phú Nông, nó nhìn thấy tấm bạt lợp trên cái quán bên đường, bị gió hất một góc, bay phần phật; nó hoảng sợ chạy lồng lên. Ông cố ghìm dây cương thật chặt, nhưng nó cứ mang chạy; rồi cả ngựa và xe rơi xuống mương dẫn nước bên đường; may cho ông là mương cạn nước, vì đã cuối vụ lúa, và xe không chở hàng hóa gì.
Lộc học một buổi, buổi còn lại đi cắt cỏ cho ngựa. Học lớp mười rồi mà ngày nào cũng phải ra đồng cắt cỏ, ông sợ con trai không có thời gian học hành, nhưng đành phải “ngó lơ” chứ biết làm sao. Như lời ông đã hứa với con ngựa Hồng Cắn, lúc nào cũng có cỏ tươi cho nó, dù trời mưa nắng, hay những ngày có bão cũng vậy; rồi cho nó uống nước đường trộn với cám đầy đủ; buổi tối, ông còn xay bột gạo bồi dưỡng thêm cho nó nữa. Ông thầm nghĩ - mình thương nó, nó sẽ thương mình thôi! Ông tin, dù là con vật, nó vẫn có sự cảm thông, sự chung thủy.
***
Ông Ba Phát trở lại thì đã năm giờ chiều, vội vàng cùng con trai đưa sắn lên xe, chạy vào đội 2 mua mấy bánh đường và bốn, năm chục ký bí đỏ; rồi xuống chỗ hẹn, thì đã thấy 2 cỗ xe của anh em Tạo và chú thím Hào đợi đấy rồi. Chú Hào nhìn ông, giọng lo lắng:
- Sao trễ vậy anh Ba? Tụi em chờ nãy giờ hơn tiếng đồng hồ rồi.
Ông Ba Phát chỉ vào con ngựa, cười:
- Tại cái con này nè, lại trở chứng cắn người, phải đưa họ đi chích thuốc, nên trễ.
- Trời tối rồi, mình chạy xuống chỗ khúc cua qua khỏi cầu Lạc Mỹ, tấp vào nghỉ, chờ trăng lên rồi mới đi. Trời tối đi nguy hiểm, nghen anh Ba?
- Ừ, vậy cũng được.
Ba chiếc xe ngựa nối đuôi nhau chạy xuống, qua khỏi cầu Lạc Mỹ thì tấp sát vào lề, nằm chờ. Bấy giờ cha con ông ba Phát mới cảm thấy đói bụng, ông liền lấy mấy cuốn bánh mua khi chiều đựng trong hộp cơm ra, đưa cho Lộc một cuốn, rồi nói:
- Ăn đi con, rồi nằm ngủ một giấc, cho khỏe.
Lộc “dạ” rồi cầm cuốn bánh cha đưa cắn ăn ngon lành. Ông ba Phát vừa ăn, vừa ngẫm nghĩ, mới hơn bảy giờ, mà vắng teo, thỉnh thoảng mới thấy chiếc xe chạy ngang qua; ở vùng này sao mà buồn hiu, nhìn qua, nhìn lại chỉ thấy núi rừng, nương rẫy, một màu xanh trải dài, tiếp nối; làm ông chạnh lòng, nhớ về những tháng ngày lao khổ khi ông còn ở trong trại. Những buổi tối ngày ấy, ông cảm thấy màu xanh của núi rừng như huyền bí, thâm u hơn; ông thấy mình như lọt thỏm vào đêm mênh mông, u tịch cùng nỗi nhớ nhà da diết. Mới đấy, mà nghe như chuyện “cổ tích”, đã vời xa!
Mặt trăng đã bắt đầu nhô lên, ánh sáng vàng nhạt mờ mờ, rồi rõ dần. Ông Ba Phát lấy thùng nước đường ngựa uống móc dưới gầm xe, rồi gọi lớn:
- Trăng lên rồi, dậy đi xuống chú Hào ơi, Tạo ơi!
Mọi người bật dậy chuẩn bị để về. Ai cũng nhìn nhau, không ai chịu chạy trước. Ông Ba Phát thấy vậy, liền kêu xe anh em Tạo chạy trước, chứ con Hồng Cắn mà chạy trước, lúc chậm lúc nhanh tùy thích, không theo ý mình được. Nhưng Tạo và chú Hào muốn đi sau, an nhàn hơn, con ngựa cứ theo xe trước mà chạy, chủ không cần điều khiển; nên không ai chịu chạy trước. Ông Ba Phát cảm thấy buồn, giống như mình cũng “nạnh nhau”, so đo như họ; nên dù con Hồng Cắn có trở chứng, ông vẫn cứ phải đi phía trước.
Ánh trăng sáng vằng vặc một màu vàng trải xuống từ trên cao, soi rõ ba chiếc xe ngựa lọc cọc chạy trên con đường vắng hoe. Âm thanh “lóc cóc” đều đều vang dội trong đêm nghe đơn điệu và buồn bã. Xe ông ba Phát chạy trước, tiếp đến là xe chú thím Hào, rồi đến xe của anh em Tạo.
Thỉnh thoảng có một vài người đi xe đạp ngược chiều vội vàng. Ông Ba Phát cảm thấy tất cả như lùi lại phía sau, xa dần - vùng đất đỏ, nương rẫy, lẫn nỗi vất vả, nhọc nhằn, mồ hôi và cơm áo. Ông chỉ thấy ánh trăng soi rọi, mát dịu, thấm đẫm trên con đường, trên nương rẫy, ruộng lúa, trong tâm hồn - ông thấy thật dễ chịu, hít thật sâu làn gió mát trong lành vào lồng ngực; như muốn uống những giọt trăng vàng óng ả tràn ngập vào tâm hồn.
Gần tới cầu Đồng Bò, con Hồng Cắn bỗng lồng lên, chạy thật nhanh, cứ ép sát về bên phải; có lẽ, nó thấy “cái bóng” của cây bạch đàn phía bên kia đường, hay một vật gì đó, làm nó sợ chăng?. Ông Ba Phát hoảng hốt, ghì chặt dây cương, hét lên: “Mày làm gì vậy, hả Hồng? Muốn chết à? Dừng lại đi”; nhưng dù ông la hét, cố ghìm nó dừng lại, nó vẫn cứ mang chạy ép lần về bên phải, sát lề cỏ; rồi một bánh xe sụp xuống lề bị sụp lõm, kéo theo cả người, ngựa, lẫn xe nhào xuống mương nước đầy ắp. Ông Ba Phát loi ngoi trong mương nước chảy mạnh, hét lên: “Lộc ơi! Con bơi vào bờ đi, đừng có theo cha”, rồi chụp ôm được cái gọng xe, đỡ cho con ngựa khỏi hụp xuống nước. Ông hụp lặn trong nước, cố đỡ cái đầu con ngựa; nhưng vì chiếc xe nặng chìm xuống, kéo theo, làm ông đuối sức.
Nghe lời cha, Lộc bơi vào bờ, dù cậu rất muốn được giúp cha phụ đỡ cho con ngựa khỏi chìm xuống nước. Lộc khóc, khi nhìn thấy những quả bí trôi bồng bềnh theo giòng nước; bao nhiêu mồ hôi công sức của hai cha con, trong phút chốc bỗng mất tất cả. Lộc chạy dọc theo con mương, cố tìm cây vớt những trái bí; nhưng nước chảy mạnh, cậu đành nhìn theo, thở dài.
Ông Ba Phát cảm thấy lạnh, cái lạnh buốt thấu xương, nó làm tê điếng cả người ông. Ông thấy một giây trôi qua, sao mà dài quá đỗi. Một màu đen thẫm vây bủa lấy ông, khiến ông chới với, hụt hẫng. Ông nghe tiếng kêu khóc, hoảng loạn của Lộc văng vẳng, mờ xa dần, xa dần; rồi bỗng thấy mình như được nhấc bổng lên cao, những màu sắc trắng, đỏ, xanh, vàng, nhảy múa trong chiếc đầu tê cứng của ông. Giây lát, ông cảm nhận được mọi vật lờ mờ, qua ánh sáng dịu dàng của ánh trăng khuya.
Ông Ba Phát vụt ngồi bật dậy như chiếc lò xo, nhìn thấy con trai khóc thảm thiết, cố lay gọi cha dậy; khiến ông bàng hoàng cảm nhận tất cả những gì đã xảy ra như một giấc mơ. Lộc vui mừng la lớn: “Cha tỉnh dậy rồi. Cha con sống rồi chú Hào ơi, anh Tạo ơi”.
Ông Ba Phát đứng dậy, loạng choạng bước lại chỗ con ngựa đang được anh em Tạo và chú Hào cấp cứu. Đôi chân ông muốn khuỵu xuống, khi thấy con ngựa nằm im lìm. “Không cứu được rồi” - tiếng nói của chú Hào xoáy vào ông nỗi đau đớn. Trông ông ngơ ngác như người mất hồn, lầm thầm: “Sao lại như vậy? Mới đấy mà!”.
Ánh trăng trên cao vẫn vằng vặc sáng, ông không còn thấy những giọt trăng lóng lánh, êm dịu, tươi mát; mà là nỗi buồn thương, đớn đau ngút ngàn.
Ông vuốt con ngựa từ đầu đến bụng, đến chân, chỗ nào cũng nóng hổi, mềm mại. Nước mắt ông ứa ra, ông khóc, vì con ngựa hay vì chính mình không biết; rồi ông nấc lên “Hồng Cắn ơi! Vĩnh biệt mày!”.
Con Hồng Cắn nằm im lìm, đôi mắt bỗng mấp máy, ứa ra những giọt lệ tròn, long lanh, như những hạt sương khuya.