TIỂU NGUYỆT
Quê Người
Truyện ngắn
Tình yêu làm đất lạ hóa Quê hương
Chế Lan Viên
Quê Người
Truyện ngắn
Tình yêu làm đất lạ hóa Quê hương
Chế Lan Viên
Hạnh Ngân bước vào hội trường của khách sạn Hương Sen, khách mời tham dự buổi hội thảo về đề tài “Ảnh hưởng của nền Văn Hóa Phật Giáo đối với đời sống xã hội” đã đông đủ. Nàng bước lên phía trước theo sự hướng dẫn của một nữ thành viên trong ban tổ chức, nàng ngồi vào hàng ghế khách mời dành cho trường đại học Văn Hiến. Đây là lần đầu tiên Hạnh Ngân tham dự một buổi hội thảo qui mô như thế, nàng cảm thấy mình thật hân hạnh và may mắn được là khách mời trong buổi hội thảo quan trọng nầy.
Hạnh Ngân nhìn đồng hồ đeo tay, sắp đến giờ khai mạc. Một chàng trai trạc 32, 33 tuổi vội vã bước lại chiếc ghế trống bên cạnh nàng, ngồi xuống và quay sang mỉm cười chào nàng làm quen. Hạnh Ngân cúi chào đáp lễ, nhìn tấm giấy trên bàn, biết anh là người đại diện cho thư viện Phương Mai.
Buổi hội thảo bắt đầu. Cô MC xinh xắn trong chiếc áo dài xanh mầu da trời nói lời giới thiệu: “Kính thưa quý đại biểu! Có thể nói trong tâm hồn của mỗi chúng ta, đều thấm đượm ít nhiều triết lý sống của nhà Phật. Những hình ảnh về ngôi chùa hàng ngàn năm gắn bó mật thiết với làng xã VN; những tư tưởng, tình cảm và nếp sinh hoạt của văn hóa Phật Giáo đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong phong tục tập quán, trong văn học và nghệ thuật của người VN rất phong phú và đa dạng. Để mở đầu buổi hội thảo về “Ảnh hưởng của nền Văn Hóa Phật Giáo đối với đời sống xã hội”. chúng tôi xin được trân trọng giới thiệu Giáo sư Tiến sĩ Cao Huy Anh có đôi điều chia sẻ, mở đầu cho chương trình hôm nay. Xin kính mời Giáo sư…”.
Hạnh Ngân bị cuốn hút theo giọng nói ấm áp, nồng nhiệt, lôi cuốn của vị Giáo sư có mái tóc bạc trắng về “Văn hóa Phật Giáo” thì bỗng cảm thấy vương vướng dưới chân. Nàng nhìn xuống thấy người bạn ghế bên cạnh đang cúi khom người nhặt một vật gì đó bị rơi dưới chân nàng. Hạnh Ngân co chân lại, rồi nàng đỏ mặt khi anh đưa trả cái túi xách của nàng bị rơi vừa nhặt dưới chân lên. Hạnh Ngân xấu hổ vì đã lơ đễnh đánh rơi túi xách mà không hay, nàng lí nhí “cảm ơn” trong sự e thẹn ngập ngừng. Thỉnh thoảng nàng liếc nhìn sang anh, giả vờ như vô tình, thăm dò chàng trai tốt bụng này; đôi khi bắt gặp ánh mắt nhau, anh cúi chào, mỉm cười thân thiện. Hạnh Ngân nghĩ thầm: “Một anh chàng khá đẹp trai, chững chạc, với vầng trán rộng thông minh; đặc biệt là ánh mắt thân thiện, nụ cười rộng mở; thật hân hạnh khi được làm quen với anh ta”. Nghĩ thế, nhưng nàng vẫn chú ý nghe lời thuyết giảng của diễn giả, bởi đây là cơ hội để nàng học hỏi, mở rộng kiến thức, mở rộng tầm nhìn về văn học - nhất là văn hóa Phật giáo, là cội nguồn của văn hóa dân tộc.
Khi Giáo sư Cao Huy Anh dứt lời, anh quay nhìn nàng trong tiếng vỗ tay còn rào rào. Anh thân tình chia sẻ:
- Ông giáo sư uyên thâm quá! Cô nghĩ vậy không?
Bị hỏi bất ngờ, Hạnh Ngân giật mình, trông nàng ngượng nghịu:
- Anh muốn hỏi nghĩ gì?
- Tôi muốn biết cô nghĩ thế nào về bài diễn thuyết vừa rồi? - Anh ngập ngừng, Xin lỗi! Tôi hơi đường đột.
Hạnh Ngân bình tĩnh:
- Dạ! Không sao. Bài nói chuyện của ông Giáo sư thật công phu, sâu sắc - đây là lần đầu tiên tôi được tham dự một cuộc hội thảo về văn hóa Phật giáo.
- Tôi cũng đã có dịp tham dự vài lần, mỗi lần như mở thêm ra một chút sự hiểu biết cũng như cách nhìn về văn học nghệ thuật Phật giáo đối với đời sống hiện thực quanh mình.
Qua vài câu trao đổi xã giao tình cờ nhưng hai người đều cảm thấy như tự nhiên hơn, thân thiện hơn. Hạnh Ngân rất vui vì được tham dự buổi hội thảo nầy, may mà chị Thảo của nàng đã về kịp. Nhận được giấy mời, Hạnh Ngân náo nức chuẩn bị cho chuyến đi ba ngày để tham dự cuộc hội thảo về Văn Học Nghệ Thuật mà nàng từng mong ước. Sắp đến ngày khởi hành, chị Thảo đi công tác cả tuần lễ, không ai đưa đón bé Trang đi học, đã nhờ nàng giúp giùm. Nàng tiếc vô cùng, tưởng là không tham dự được; may mà chị Thảo hoàn thành chuyến công tác quay về sớm hai hôm, thế là Hạnh Ngân vội vã lên đường; tự nhiên nàng nhận ra, đây là một duyên lành mà cuộc đời đã dành cho mình. Giống như từ một giảng viên trợ giảng cho khoa Ngữ văn trường đại học vừa được thành lập, Hạnh Ngân đã hoàn thành học vị tiến sĩ; để trở thành giảng viên chính thức của trường, rồi làm Trưởng khoa. Nàng luôn dành thời gian để đọc, nghiên cứu về Phật giáo, trước hết là để tìm nguồn an lạc cho chính mình, và sau đó là góp phần làm đẹp đời sống.
Yên lặng một lát, anh nói:
-Xưa kia, nhà tôi gần chùa, nên tôi hay vào chùa chơi; cảnh chùa trang nghiêm, thanh tịnh, cây cảnh xanh tươi cho tôi sự an bình. Tự lúc nào hình ảnh Đức Phật từ bi như luôn ở trong tôi, tôi luôn mật niệm hồng danh ngài những lúc có thể. Có lẽ, cô cũng có duyên sâu với Phật?
Hạnh Ngân bối rối - kể:
- Tôi là học sinh của trường trung học Bồ Đề, nên có học ít nhiều giáo lý của nhà Phật; từ đó Phật giáo là nền tảng tôn giáo trong tôi và tôi tin về sự nhiệm mầu không thể nghĩ bàn của Phật pháp.
-Tư tưởng Phật giáo đã góp phần củng cố đạo đức xã hội, tôn vinh những giá trị văn hóa dân tộc, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, góp phần tạo nên nhân cách con người.
Hạnh Ngân mạnh dạn:
- Chẳng hạn, Phật giáo đã có nhiều đóng góp đáng kể đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trên nhiều lãnh vực, trong đó nhìn thấy rõ nhất là lãnh vực giáo dục.
Anh nhìn nàng mỉm cười vừa tỏ rõ sự đồng cảm với những điều nàng nói, vừa nhận ra ở nàng có cái gì hay hay. Thái độ vừa cởi mở, vừa e ngại; vừa gần gũi, vừa xa lạ đã lôi cuốn anh.
Anh tiếp lời:
-Phật giáo đã trở thành một hệ tư tưởng - tôn giáo có sức sống lâu dài và có những ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống con người Việt Nam nói riêng và cả thế giới nhìn chung.
Hạnh Ngân nghĩ thầm, “Anh ta là người của thư viện, thảo nào…”, và có phần ngưỡng mộ anh về những gì hai người vừa trao đổi. Sự hiểu biết, tế nhị của anh làm nàng thêm kính mến. Phần anh, nhìn nét đoan trang, phúc hậu toát ra trên khuôn mặt chỉ phớt một chút phấn son, và trong giọng nói từ tốn của nàng, như cuốn hút anh.
Bất ngờ, anh tự giới thiệu:
-Tôi tên là Tâm, xin lỗi - cô có thể cho biết quý danh để tiện việc xưng hô, được không?
Hạnh Ngân e ngại, nghĩ thầm, nếu không có “ý gì” đang không lại muốn biết tên người ta làm gì - nhưng rồi nàng cũng cho anh biết tên mình. Sự cởi mở, thân thiện của anh đã làm nàng không còn ngại ngần, e dè mà trở nên tự nhiên hơn; trao đổi những suy nghĩ, những cảm nhận về tôn giáo cũng như về văn học nghệ thuật. Anh và nàng có cùng quan điểm, mong muốn có được môn học giáo lý Phật giáo trong chương trình học đường; để từ đó các em có thể xây dựng được một nền tảng đạo đức về sau.
Tiếng cô MC giới thiệu:
-Tiếp theo chương trình, xin kính mời nhà văn, nhà nghiên cứu Phật học Huệ Tâm có bài tham luận.
Anh bước lên sân khấu cùng tiếng vỗ tay rào rào trước sự ngạc nhiên có chút thích thú của Hạnh Ngân - “Hóa ra anh ta là một nhà văn, nhà nghiên cứu Phật học, được mời…”. Nàng ngưỡng mộ và kính trọng anh hơn khi nghe bài nói chuyện của anh. Giọng nói lưu loát, chân tình, không soạn trước; thỉnh thoảng chỉ liếc nhìn tấm giấy đặt trên bàn; như anh đã thuộc lòng, lấy ra từng lớp từ trong đầu. Tự nhiên Hạnh Ngân có cảm giác mình nhỏ bé, thiếu sót đủ thứ, khó mà sánh với anh. Giọng anh hùng hồn, lôi cuốn, cả hội trường lặng im theo dõi. Nàng nghe hơi thở mình dồn dập, hồi hộp, một thoáng bâng khuâng, một niềm lao xao khó tả.
Sau buổi hội thảo, ban tổ chức mời tất cả khách mời dự cơm trưa. Tâm đưa Hạnh Ngân lại ngồi chung bàn với mình, anh săn sóc nàng thật chu đáo. Tâm gắp bỏ thức ăn cho nàng, luôn miệng nói “Em ăn đi, món này lạ và ngon lắm đó!”. Hạnh Ngân mắc cỡ nhưng nàng cảm thấy vui, vì chưa bao giờ có người nào chăm sóc nàng kỹ như anh. Hạnh Ngân thấy món nào anh gắp bỏ cũng ngon, cũng thích. Tuy là bữa tiệc chay, nhưng là lần đầu tiên nàng cảm thấy rất “mê” ăn chay. Hạnh Ngân lại có ý nghĩ: “May mà mình có duyên tham dự được buổi hội thảo này”.
Sau bữa cơm trưa, Tâm mời nàng cùng đi uống cà phê ở một quán cà phê vườn. Hạnh Ngân e ngại, nàng lúng túng chưa biết trả lời ra sao thì anh đã nói:
- Hạnh Ngân đừng ngại, phía bên kia đường có quán cà phê tương đối thoáng mát; chúng ta cà phê nói chuyện vui một lát, coi như thư giãn, chờ giờ trở lại hội trường.
Tâm đưa Hạnh Ngân sang bên kia đường vào quán cà phê vườn Thảo Nguyên nằm thụt sâu trong con ngõ hẹp. Họ chọn một bàn dưới gốc cây sứ, bên hồ non bộ lớn nằm giữa khoảng sân rộng, có nước chảy róc rách, thoáng mát. Tâm gọi cho mình ly đen đá và cho nàng ly nước ép trái cây. Anh tự nhiên gọi mà không cần hói ý nàng, như cả hai đã từng quen vào đây và dùng hai loại nước nầy vậy. Cử chỉ nầy khiến Hạnh Ngân vừa ngạc nhiên, vừa thích thú, cảm mến. Hai người say mê nói chuyện, thảo luận về văn học, nhất là dòng thơ Phật giáo, hay gọi là “thơ Thiền”. Hạnh Ngân đã tiếp chuyện với Tâm một cách say mê, hào hứng, và vô cùng tâm đắc. Anh nói về tác phẩm văn học nào, nàng cũng có thể góp chuyện trôi chảy. Tâm cũng như Hạnh Ngân, cả hai đều thầm nghĩ; đây là nhân duyên mầu nhiệm đối với cuộc đời mình; đã sắp xếp, xui khiến được gặp gỡ nhau, ngồi bên nhau; cuốn hút như có sợi dây vô hình dần dần gắn kết hai tâm hồn họ lại, tuy mới gặp mà đã thấy như thân thiết nhau từ lâu lắm rồi.
Chương trình hội thảo hai ngày đã kết thúc. Họ trao đổi nhau số điện thoại, email, địa chỉ để liên lạc. Buổi sáng tiễn Hạnh Ngân lên xe về lại thành phố Phan Thiết, Tâm đã nắm chặt tay nàng: “Em đi bình an” - do dự giây lâu - “Và nhớ anh nhé!” Hạnh Ngân cảm thấy như mình chực khóc. “Dạ!” - Hạnh Ngân ngập ngừng: “Anh cũng vậy nhé!”
Những lời chúc, lời chào nhau mỗi sáng như không thể thiếu, đã đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho ngày mới. Những vần thơ đầy yêu thương, tin tưởng của Tâm qua email, luôn khiến nàng bồi hồi, xao xuyến, như chưa bao giờ được sống với cảm giác yêu thương sôi nổi, nồng nhiệt như vậy bao giờ. Đáp lại, Hạnh Ngân đã gởi đến anh từng cái nhắn tin bất chợt với những lời thơ nhung nhớ, mà từ trước chưa bao giờ nàng viết được trôi chảy, nhanh chóng.
Tâm đã có lần tâm sự, hình bóng Hạnh Ngân luôn hiện hữu trong anh, ngày nào không nói chuyện với nàng là anh không an lòng được, dù là qua điện thoại, qua mạng internet. Hạnh Ngân cũng vậy, nàng luôn nhớ, luôn nghĩ về anh; luôn hình dung ra anh đang đi, đứng, nằm, ngồi ở nơi thành phố cảng biển, cách xa nàng mấy trăm cây số. Dường như khoảng cách không thể ngăn được tình yêu thương đã nồng thắm trong trái tim mỗi người!
Rồi một ngày, anh đến thăm nàng - anh muốn biết nơi nàng đang sống và làm việc; để có thể hình dung ra nàng mỗi sáng, mỗi chiều, với cảnh vật chung quanh, cho nỗi nhớ thương thêm sâu đậm. Tâm được mọi người trong gia đình nàng đón mời, quí mến và xem anh như một thành viên trong gia đình. Dịp này, Tâm đã ngỏ lời mời nàng đến thăm quê anh, để biết nơi anh đã sinh ra và lớn lên. Nàng hứa, sẽ đến. Thâm tâm Hạnh Ngân cũng rất muốn hiểu rõ hơn về mảnh đất thân thương đã ôm ấp, nuôi dưỡng con người mà nàng ngày đêm yêu thương, ngưỡng mộ.
Trong một dịp đưa sinh viên đi thực tế gần nơi anh đang sống, Hạnh Ngân đến thăm quê anh. Tâm đón nàng ở bến xe, đưa nàng về quê anh cách đó hơn hai mươi cây số. Tâm chở nàng trên chiếc xe gắn máy cũ mà mẹ anh đã mua cho khi anh tốt nghiệp đại học. Trên đường từ bến xe về nhà, Tâm không ngớt trò chuyện, giới thiệu cùng nàng những nơi chốn đã ghi dấu tuổi thơ anh qua bao tháng năm nghèo khó, bất hạnh để đến trường. Hạnh Ngân cảm thấy vô cùng diễm phúc được ngồi bên anh, ngay sau lưng anh. Nàng khẽ ôm anh - một cảm giác say đắm, hân hoan, như đã được chạm vào da thịt người mình yêu thương, nhung nhớ bấy lâu.
Xe chạy dần vào cái thị trấn bé nhỏ, yên vắng, dễ thương. Hạnh Ngân nhận ra một tình yêu mới lạ sôi nổi, nhen nhuốm trong lòng khi Tâm dừng lại một phút bên con đường anh đi qua hằng ngày, ngôi trường xưa anh từng học - hình ảnh nào đối với nàng cũng quyến rủ, tuy xa lạ nhưng sao vô cùng thân quen. Có lúc, nàng có cảm tưởng như chính mình đã từng sống, từng ở, từng đi đứng nơi đây.
Tâm đưa nàng về thăm ngôi nhà cấp bốn, rêu phong, xưa cũ của anh, với sự hân hoan nồng nhiệt. Cảm giác xao xuyến yêu thương dạt dào ánh lên trong từng tia mắt nàng như từng đợt sóng mỗi lúc một dâng cao, đang vỗ nhịp vào trái tim bé nhỏ của nàng. Hạnh Ngân nhìn anh với lòng biết ơn, với sự kính trọng, yêu mến. Đồng thời, nàng cũng thầm ước nguyện với lòng, là sẽ yêu thương anh mãi mãi, dù gặp phải bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào. Hạnh Ngân tin rằng - đây là niềm hạnh phúc yêu thương của nàng.
Tâm đang sống với người chị gái đã lập gia đình, vì ba anh đã ra đi khi anh vừa tám tuổi, và mẹ anh đã mất sau khi anh vừa tốt nghiệp đại học một năm. Chị Nhàn - chị gái anh, rất yêu thương em trai mình; nên dù đã lấy chồng, có con, chị vẫn ở lại căn nhà của ba mẹ để có thể gần gũi, săn sóc, giúp đỡ Tâm những gì chị có thể.
Chị Nhàn nhìn Hạnh Ngân, chỉ cười tủm tỉm, có chút bẻn lẻn, e dè; nhưng ánh mắt nụ cười chị đã làm cho nàng rất yên lòng, khi anh đưa Hạnh Ngân về giới thiệu. Hạnh Ngân đến bên chị. Chị nắm tay Hạnh Ngân bóp nhẹ: “Cảm ơn em đã yêu thương thằng Tâm của chị, chị chỉ mong các em yêu thương nhau mãi như thế!”. Lời chỉ ngắn ngủi, đơn sơ là vậy, nhưng sao Hạnh Ngân nghe đôi mắt mình cay cay, sóng mũi nóng lên. Hạnh Ngân lí nhí nói lời cảm ơn chị: “Em rất hạnh phúc khi biết chị đã yêu thương, tin tưởng, nhận em là em!”. Ngước nhìn thấy chiếc bàn thở ba má Tâm, nàng ngập ngừng xin phép chị Nhàn và anh, được thắp nén hương. Chị Nhàn thoáng liếc nhìn Tâm, rồi vui vẻ đưa nàng lên gác. Tâm đốt hương đưa cho Hạnh Ngân. Hạnh Ngân lâm râm cầu nguyện, nàng thầm nguyện hứa sẽ mãi mãi yêu thương Tâm - xin nhận nơi này làm quê hương thứ hai của đời mình.
Hạnh Ngân đi theo sự hướng dẫn của Tâm một cách ngoan ngoãn, vui vẻ, như cả hai đã cùng dự định. Anh đưa nàng đến thăm An - người bạn học cũ rất thân của anh. Nàng nhận ra niềm vui và cả sự hãnh diện của Tâm, khi giới thiệu nàng với những người bạn của anh; như một sẻ chia cùng nàng những tình thân, những mối quan hệ gắn bó, mà anh đã sống. Hạnh Ngân được đón tiếp niềm nỡ, quí mến như họ đã quí trọng anh. Uống tách trà nhà An sao mà thơm lạ; ly cà phê ở Nguyên Khang, Ngọc Khánh, đậm đà tình nghĩa; nàng cảm thấy một niềm vui, niềm hạnh phúc sao mà thân thương, gần gũi quá.
Tâm giới thiệu cho nàng từng chỗ, từng nơi anh đi bộ thể dục mỗi sáng, mỗi chiều; nơi anh hay ngồi cà phê cùng bạn bè (hay một mình) vào những ngày rảnh rổi hoặc buồn. Kia là quán bánh xèo bên gốc Đa cổ thụ mà những chiều mưa lạnh anh hay ghé ăn để nhớ về người mẹ thân yêu hay làm cho anh ăn ngày nào. Con đường nhỏ này cũng có thể đi vòng đến khu vườn ao rộng sau nhà anh, những lần câu cá, bắn chim cùng lũ bạn trong xóm, thuở xưa. Anh vui như đang trở về với ký ức hồn nhiên ấy, được sống lại thời tuổi thơ nhiều ghi dấu êm đềm; khiến nàng có cảm nghĩ như một người bạn đang đồng hành cùng anh trở về những tháng ngày xa xưa thân ái, không thể nào quên.
Sau cùng, Tâm đưa nàng đến quán cà phê “Hoa Giấy”, nơi mà anh và vài người bạn văn hay ngồi thư giãn, trò chuyện thơ văn những ngày chủ nhật. Hạnh Ngân được gặp gỡ như gần hết những người bạn văn đang sống gần gũi bên anh. Nàng cảm thấy mình vừa là một khách mời đặc biệt, vừa là một thành viên thân thiết của quê anh. Người này hát, người kia đọc thơ cho nàng nghe, với sự quí mến chân tình. Nhận ra sự tự nhiên và chân phác của họ, Hạnh Ngân không còn e ngại, rụt rè như bản tính nhút nhát của nàng. Theo lời đề nghị của Tâm, nàng đã hát đáp tặng các anh một bài, như là để tặng cho chính anh vậy.
Buổi chiều, trước khi đưa nàng ra ga quay trở lại Phan Thiết, Tâm đưa Hạnh Ngân viếng thăm một ngôi chùa lớn. Anh giới thiệu cùng nàng về ngôi chùa. Sự hình thành và phát triển, cũng như sự linh thiêng, mầu nhiệm của ngôi chùa đối với Phật tử cả nước.
Bước vào cổng chùa, Hạnh Ngân thấy lòng an bình, thư thái; một cảm giác mới mẻ, vui tươi khi được hít thở bầu không khí tĩnh lặng rộng lớn, hòa mình vào khoảng không gian xanh ngát lá hoa. Tâm và Hạnh Ngân may mắn được gặp vị Sư trụ trì vừa từ trong chánh điện đi ra, Thầy đưa cả hai lên ngôi tháp mới xây, lạy Phật. Thầy lại hướng dẫn cho hai người đi nhiễu quanh tháp ba vòng; mới chịu bước xuống. Sự ân cần đặc biệt của Thầy trụ trì làm Hạnh Ngân xúc động vô cùng, nàng nghĩ rằng, Tâm và nàng, chắc đã có duyên lành với Phật pháp từ nhiều kiếp!
Đi bên anh, sống gần anh, nàng cảm thấy yên ổn, tự tin, bao nhiêu âu lo quanh đời như bỗng bay mất hết.
Gần đến giờ tàu khởi hành, khi tiếng còi tàu cuối cùng báo hiệu chuyển bánh -Tâm bối rối ôm hôn tạm biệt nàng, tay nắm tay không muốn rời xa.
***
Hạnh Ngân trở về sau chuyến công tác, và ghé thăm quê Tâm - những hình ảnh ấm áp, đằm thắm nơi quê anh luôn sống dậy, réo gọi trong lòng nàng. Nhiều đêm trăn trở, thao thức, không tài nào ngủ được.
Một đêm, khoảng gần ba giờ sáng - nàng ngồi bật dậy, lại bàn viết mở máy, gởi cho Tâm bài thơ ngẫu cảm vừa thoáng hiện:
NGÀY EM ĐẾN QUÊ ANH
Ngày em đến quê anh
Trời đang mưa, bỗng nắng.
Đất lạ, Quê Người,
Bỗng hóa thân quen
Bạn đông vui, bên tách trà thơm
Chuyện vãn thơ văn tiếng cười rộn rã
Bữa cơm tiễn đơn sơ sao ngon lạ!
Người tiễn đưa người, ấm mãi bàn tay.
02/2018