TIỂU NGUYỆT



Quyết Định Cuối Cùng
Truyện ngắn

Thu Trường nhún nhảy cầm quyển vở trên tay, hí hửng chạy sang nhà ông bà Sáu Toản như mọi bữa, nhưng vừa bước vào cửa, nàng chợt thấy một người là lạ, nước da ngâm ngâm đen, đang ngồi đọc sách ở bàn. Thu Trường vội cúi đầu chào, rồi chạy ra nhà sau. Anh ta gọi giật lại:
- Ê cô bé! Chạy đi đâu vậy? Vào nhà người ta chưa nói năng gì mà chạy lung tung.
Thu Trường quay ngoắt lại, mỉm cười - giọng tự tin:
- Cháu xin lỗi! Thưa, chú Tân đâu?
- Hỏi chú Tân chi vậy? - nhìn thấy nàng cầm tập vở trên tay, như chợt hiểu ra, anh cười hiền: “Nhờ chỉ bài hở? Đưa đây anh chỉ cho!”.
Thu Trường ái ngại, dò xét:
- Em không dám phiền anh, thôi để lát nữa chú Tân về em sang cũng được.
- Bộ chê anh không biết chỉ hả? Anh là Thuần - bạn học cùng lớp với Tân. Lại đây anh chỉ cho, không sao đâu.
Thu Trường nghe giọng anh thân mật, hiền lành, thoáng nhìn vầng trán cao với mái tóc ngắn gọn; nàng rụt rè bước lại chỗ anh đang ngồi. Nàng sẽ sàng giở quyển vở ra trước mặt anh, nhờ anh chỉ giùm bài toán thầy cho về nhà soạn ngày hôm qua, mà suốt buổi tối không nghĩ ra. Mỗi lần, có bài toán nào khó không giải được, nàng hay chạy qua nhờ Tân - người chú họ, giảng giúp.
Thu Trường đang học lớp Chín, nhưng ngoài giờ đến trường nàng còn phải phụ giúp ông Hưng - cha nàng, may quần áo, làm khuy, kết nút, để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Nhờ sáng dạ, khéo tay, chăm chỉ, nên dù không chính thức học may, nàng vẫn có thể ráp được áo quần cha nàng đã cắt sẵn. Làm riết rồi thành thạo, Thu Trường may đẹp như cha.
Ông Hưng có bệnh ho mãn tính, thường ho và kéo dài - đôi khi đến nửa tháng. Nhiều khi cơn ho dai dẳng, khó thở, làm ông mệt lã như muốn ngất. Mặc dù mẹ nàng đã ráng chạy chữa cả đông y, tây y, nhưng không hết hẳn vì ông ít có thời gian nghỉ ngơi, hay bồi dưỡng gì thêm ngoài ba bữa cơm rau mắm sơ sài.
Hết đo cắt, ông lại ráp, cứ thế ngày nào cũng miệt mài từ sáng sớm đến tối, may mà có Thu Trường phụ giúp một tay, nếu không, chẳng biết ông xoay xở làm sao cho kịp ngày giao đồ. Ông Hưng là một thợ may nổi tiếng ở xã nầy, đã mấy chục năm kinh nghiệm, đường chỉ sắc sảo, đẹp, giá cả phải chăng, đôi khi lại may giúp cho người gặp cảnh khó khăn; nên lúc nào cũng đông khách đến nhờ, dù nhà ở sâu trong xóm.
Thu Trường được bà con gần xa khen là “có duyên” nhờ dáng người thon thả, nước da bánh mật, mái tóc dài đen mượt. Đi học về đến nhà là nàng cột túm mái tóc lên gọn gàng, trông ngồ ngộ, trẻ con. Gương mặt Thu Trường sáng, tươi vui, dường như nơi khuôn mặt ấy không hề biết buồn giận bao giờ.
Quen biết Thuần qua vài lần nhờ anh chỉ bài, Thu Trường luôn quý trọng anh như người chú họ và thường xuyên được anh vui vẻ giành chỉ bài giúp thay Tân. Vì là năm cuối của bậc Trung học đệ nhị cấp; Thuần và Tân đang phải lo ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi Tú Tài phần 2 gay go, nên Thuần thường có mặt ở nhà Tân để học chung. Nhờ vậy, anh có dịp gặp Thu Trường thường xuyên. Những lần gặp gỡ nhờ chỉ bài, hay trò chuyện bâng quơ mưa nắng như thế, hai người luôn giành cho nhau sự quý mến, thân thiết - tình cảm ban đầu ấy lớn dần lên, với một chút bâng khuâng, một chút xao xuyến nẩy mầm trong tâm hồn của tuổi mới lớn; nhưng tuyệt nhiên không ai thổ lộ cho ai biết tình cảm sâu kín của mình giành cho người kia.
***
Thu Trường mặc chiếc áo dài trắng đồng phục, dắt chiếc xe đạp vừa bước ra sân để đến trường, thì gặp chú Hải ở trên quê xuống. Thu Trường khẽ cúi đầu “chào chú”.
- Chú xuống sớm, đi thị xã có việc gì gấp vậy chú?
Chú Hải vừa nói, vừa nặng nề lê bước vào nhà - giọng thiểu não:
- Đêm qua, cả nhà cô Tám mầy bị bom rơi đạn lạc chết hết trơn rồi, tao xuống báo tin cho ba má mầy chớ việc gì gấp? Tội nghiệp.
- Trời! Thiệt sao hả chú?
- Sao không thiệt? Chuyện sống chết nói giỡn được sao, cháu? - Dừng một phút, chú nói như ra lệnh - mầy vào thay đồ rồi đi với chú, nghỉ học vài hôm.
Ông Hưng nghe tiếng hai chú cháu nói chuyện tiếng được tiếng mất, lật đật bước từ nhà dưới lên. Ông ho một tràng dài như muốn ngất, rồi đưa tay chận ngang ngực, thở hổn hển:
- Chú nói lại tui nghe coi, chú mới nói cái gì?
- Đang thiu thiu ngủ, nghe tiếng máy bay rít ầm ầm, mọi người chạy hết vào hầm. Tui nghe một tiếng nổ lớn, cả căn nhà rung rinh như muốn sập. Rồi thì đủ loại tiếng nổ lớn nhỏ. Tui hoảng hồn, lắng nghe tiếng la khóc của mấy đứa nhỏ bên nhà chị Tám. Chờ máy bay đi khỏi, tui bò qua xem thử thế nào. Trời ơi trời! Tui thấy thằng Dũng với con Na mình mẩy bê bết máu, ôm xác anh chị Tám và thằng Tèo khóc ngất. Tui rụng rời tay chân, lật đật sắp ảnh chĩ và thằng Tèo nằm ngay ngắn trên nền sân gạch. Trời vừa mờ sáng, tui vội chạy xuống báo tin cho anh chị biết liền đây - Chú Hải bỗng khóc òa lên.
Bà Tính - mẹ Thu Trường, vội chạy lại đỡ chồng. Ông Hưng ôm ngực ho sù sụ không ngớt, hai tay ông run rẩy vịn vai vợ, cố gượng đứng vững. Hình ảnh cả nhà em gái ông như quay cuồng, chao đảo trước mắt. Ông thương em gái, cha mẹ mất sớm, hai anh em phải nương tựa nhau mà sống. Ông nhường ngôi nhà cha mẹ để lại cho em rồi xuống thị xã lập nghiệp với nghề may vá đã hai mươi năm nay. Thỉnh thoảng, một năm vài lần, ông về quê thăm lại căn nhà xưa và gia đình em gái. Hình ảnh hai anh em cùng thả diều trên cánh đồng khô lởm chởm đầy gốc rạ, cùng chạy trên bờ đê quay chong chóng năm nào như hiện ra, nhởn nhơ, réo gọi. Ông bật khóc rấm rứt trên vai vợ. Bà Tính ôm chồng, khóc theo.
Sau khi về quê chôn cất vợ chồng người em gái, ông Hưng đưa hai cháu còn lại là thằng Dũng và con Na về nuôi. Gia đình Thu Trường giờ đây là tám người - tám miệng ăn, khó khăn càng chồng chất.
Căn bệnh lao phổi của ông Hưng ngày càng nặng, thường xuyên đưa vào viện cấp cứu vì ngộp thở. Những ngày nằm viện, ông phải thở bằng oxy, vậy mà vừa khỏe là ông đòi xuất viện, về nhà lo chuyện may vá. Thu Trường biết rõ tình trạng sức khỏe của cha, nên xin phép bà Tính cho nàng nghỉ học để lo phụ giúp gia đình. Ông Hưng nghe vợ nói ý định của con, lắc đầu - không đồng ý. Thu Trường thao thức nhiều đêm, nàng rất mong được bước chân vào ngưỡng cửa đại học - đó là ước mơ lớn nhất của nàng khi đến trường. Từ những ngày còn tiểu học, nàng đã mơ được là một bác sĩ, ước mặc chiếc áo blue trắng hiền từ, thân thiện. Nhưng với hoàn cảnh khốn đốn như thế, làm sao một mình cha nàng có thể lo cho cả nhà. Nàng tự an ủi mình và cảm thấy an tâm khi nghĩ rằng, các em nàng sẽ thay nàng mặc chiếc áo blue trắng ấy. Cuối cùng, một buổi sáng, Thu Trường quyết định ở nhà, tự nghỉ học, và xin phép bà Tính đi học may áo dài ở tiệm may Thanh Bình ngoài phố.
Vài tháng sau, trong một lần vào viện, ông Hưng đã vĩnh viễn ra đi sau một tuần lễ nằm thoi thóp ở phòng cấp cứu. Giờ đây, Thu Trường thay cha quản lý tiệm may, nàng nhận may thêm áo dài cho học sinh giá rẻ, nên tiệm ngày càng đông khách. Thu Trường nhận thêm hai cô học trò, học việc và phụ giúp. Ngoài giờ học các em nàng còn phụ giúp chị làm khuy áo, tra nút, luôn tà áo, lên lai v v… nên công việc tiến triển tốt đẹp.
Cuộc sống êm đềm trôi qua theo ngày tháng. Bà Tính rất thương quý Thu Trường; bà luôn cầu mong sau này con gái bà có được tấm chồng thủy chung, nhận hậu.
Thu Trường càng lớn càng đẹp mặn mà, duyên dáng; nhiều người trong xóm, ngoài phố muốn có nàng dâu đảm đang, hiền lành như Thu Trường, nên đã nhờ người làm mối dọ hỏi với mẹ nàng, nhưng nàng luôn lấy lý do các em còn nhỏ, phải giúp các em đang đi học để từ chối.
Một buổi sáng đầu tuần, nàng nhận được bức thư của Thuần từ Kon Tum gởi về. Thư chỉ là những lời thăm hỏi, chuyện vui nơi miền đất cao nguyên núi rừng bạt ngàn, như một người anh đi xa lâu ngày nhớ em, vậy mà nàng cảm thấy trong lòng xao xuyến, nhớ thương bâng quơ. Tình cảm mơ hồ ấy, lớn dần lên với những bức thư tiếp theo. Thu Trường cảm thấy lòng dạt dào xúc cảm - một cảm giác mê mẫn, mới lạ, chơi vơi, khi đọc được cánh thư Thuần ngõ lời yêu nàng. Anh tâm sự là đã yêu nàng từ những ngày nàng là “cô bé”hay chạy sang nhờ anh chỉ bài. Anh đã yêu cô bé hồn nhiên, trong sáng, có đôi mắt sâu thẳm như cuốn hút anh, từ dạo đó. Anh đã giấu kín tình yêu đầu đời trong lòng để lo học cho xong đại học, có công việc ổn định, mới dám thổ lộ cùng nàng. Nhận biết con đang vui, bà Tính cũng nhận ra lòng mình đang rất hạnh phúc. Tiệm may của Thu Trường đông khách như vậy, mà vẫn thiếu trước hụt sau, vì sự ăn học tốn kém mọi bề của các em. Thằng Dũng, con An vừa vào đại học, tiền ăn ở cho hai đứa nơi xa khá nhiều, phải khéo léo lắm mới đắp đổi được.
Bà Tấn Phát - chủ một tiệm buôn lớn ngoài phố, muốn dạm hỏi Thu Trường cho Hiếu - con trai duy nhất của bà. Bà Tấn Phát đã nhờ bà Bảo - người bác họ của Thu Trường, đến dạm tiếng hỏi. Họ hứa nếu Thu Trường đồng ý, họ sẽ phụ giúp gia đình trả nợ, và lo học phí cho các em nàng đến khi tốt nghiệp.
Nghe tin, Thu Trường băn khoăn, dao động, không biết tính thế nào cho hợp lẽ; cảm thấy bao nhiêu khó khăn, trở ngại như cứ quấn chặt lấy nàng. Tiền nợ trong ngân hàng khá nhiều từ những ngày cha nàng bắt đầu lui tới bệnh viện. Xoay qua, xoay lại, là đến tháng đóng tiền lãi. Thu Trường như mệt nhoài với công việc dồn dập, rồi hết tiền này, lại đến tiền khác; xoay tít mù trong chiếc đầu luôn căng thẳng của nàng. Những lần như vậy, hình ảnh Thuần lại chập chờn trong nàng - giọng nói ấm áp, vầng trán rộng đĩnh đạc, nước da ngâm đen, với lời ngỏ yêu thương đằm thắm. Có lúc Thu Trường nghĩ, nếu mất anh, nàng sẽ đau khổ biết chừng nào, còn nếu kết hôn với anh, nàng sẽ phải xa nhà, xa mẹ và các em theo anh lên sống tận vùng cao nguyên xa thẳm, cách trở núi rừng, ai sẽ lo tiếp cho các em ăn học.
Bà Bảo lại đến nhà lần thứ hai, nhắc mẹ nàng cho họ câu trả lời, và lại hứa hẹn bao nhiêu điều tốt đẹp ở tương lai. Rằng họ sẽ giao cho hai vợ chồng Thu Trường quản lý cửa hiệu buôn, họ sẽ phụ giúp gia đình trả hết nợ và hằng tháng sẽ để nàng gởi tiền về lo cho gia đình. Nghe mẹ kể lại, đứng trước sự chọn lựa khó khăn, gian nan này, nàng muốn buông xuôi theo số phận, cái gì đến sẽ đến; nhưng sao trong lòng lại nghe chua xót, đớn đau. Thu Trường xin phép họ cho nàng một tuần lễ suy nghĩ rồi sẽ trả lời.
* * *
Ngày thứ nhất đã trôi qua, cái đầu khô nóng của nàng như muốn nổ tung. Nàng lo, rồi sợ; sợ đủ thứ - ưng người ta rồi biết có hạnh phúc không, khi mà lòng nàng đang hướng về người khác.
Ngày thứ hai tiếp đến, những kỷ niệm ngày nào khi Thuần còn học chung với chú Tân nàng, những chiều anh giảng giúp nàng những bài toán khó; những cái cú đầu nhè nhẹ khi nàng đọc định lý sai, những câu nói bông đùa dí dỏm cởi mở của Thuần. Tất cả như đang hiển hiện trước mắt, chạy qua đầu nàng như một cuộn phim; làm nàng thêm bâng khuâng, nao lòng.
Ngày thứ ba, tất cả những trăn trở, rối rắm như mớ lùng bung, nàng không biết tháo gỡ ở chỗ nào, không biết bắt đầu từ đâu, không biết phải trả lời ra sao. Đầu nàng riêm đau, tê nhức, mọi chuyện như mờ mịt; không biết lần ở đâu mà tháo gỡ cho êm xuôi. Bà Tính nhìn con chua xót, theo dõi nàng từng cử chỉ, nét mặt; biết được lòng con khó nghĩ, tối tăm; nhưng bà không dám có ý kiến gì, bởi đó là quyết định một đời của con; bà chỉ trộm nhìn, rồi lặng thầm quặn đau.
Ngày thứ tư, Thu Trường tỏ ra hơi bấn loạn, không bình thường. Nàng nghĩ, nếu từ chối chỗ sang giàu nhiều hứa hẹn kia, nàng cũng có thể tự xoay trở để lo cho các em mặc dù trước mắt có túng thiếu. Nhưng nếu đáp lại tình yêu của Thuần, kết hôn với anh; có nghĩa là nàng chấp nhận sẽ theo anh lên vùng cao nguyên xa xôi, ai sẽ kề cận, trực tiếp lo cho gia đình, lo cho các em ăn học. Thu Trường khó lòng mà chợp mắt được với bao ưu tư, suy tính phía trước. Nàng gầy hư thấy rõ.
Ngày thứ năm đã đến, chỉ còn hai ngày nữa là nàng phải trả lời cho bà bác họ và người đại diện cho gia đình bà Tấn Phát về cuộc hôn nhân của nàng. Thu Trường biết rằng, gia đình bà Tấn Phát là một gia đình danh giá, giàu có; nếu nàng ưng thuận với người con trai duy nhất của bà, sẽ ổn về tương lai của các em. Người ta yêu thương nàng, muốn nàng làm con dâu của họ, lẽ nào có thể bỏ bê các em và gia đình nàng? Cái đầu nhỏ bé của nàng lại nhói đau, rưng rức.
Ngày thứ sáu, chỉ còn một đêm nay nữa thôi, sáng mai bác Bảo cùng người nhà của bà Tấn Phát sẽ đến chờ nàng cho biết ý kiến như đã hứa. Cả đêm, Thu Trường đi lên, đi xuống, làm mẹ nàng xót lòng. Nàng nhiều lần mở cửa buồng, đi thẩn thờ ra sân, rồi lại trở vào. Bà Tính biết nỗi khó xử của con gái, hiểu nỗi lòng con. Bà Tính cũng không ngủ yên được, kể từ ngày bác Bảo đến thăm nhà.
Cuối cùng, bà gọi Thu Trường lại, giọng nhỏ nhẹ:
- Con à! Con nghĩ cho thật kỹ, hổm rày má thấy con như người mất hồn, gầy xanh, mà lòng thắc thỏm lo lắng. Má biết con rất khó xử, nhưng nếu con thương thằng Thuần sâu đậm như vậy, thì đừng đồng ý với bà Tấn Phát. Đừng lo cho má, các em con vài năm nữa thôi, rồi sẽ lớn, sẽ ra trường. Nếu ưng người xa lạ mà chưa hiểu nhau, chưa yêu thương nhau, có thể sẽ đau khổ suốt đời đó con ạ. Thôi, má chỉ tâm sự với con vậy, tùy con quyết định.
Thu Trường nghẹn lòng vì lời nói thiết tha chí tình của mẹ, mà không đáp lại được lời nào. Nàng cảm thấy rất thương mẹ, cảm ơn mẹ; nhưng chỉ yên lặng trở vào giường, cố dỗ giấc ngủ muộn.
Sáng hôm sau, Thu Trường dậy sớm, quét dọn nhà cửa, lau bàn ghế và nấu ấm nước sôi chế vào bình thủy, thì đã thấy bác Bảo và bà Tấn Phát đến nhà. Bà Tấn Phát ngắm nhìn cả căn nhà, hài lòng vì sự ngăn nắp sạch sẽ; bà cảm thấy vui vui, vì biết chắc chắn bà sẽ có cô con dâu thùy mị, đảm đang.
Thu Trường mời hai người vào nhà:
- Cháu chào hai bác, mời hai bác vào nhà ạ!
Bà Tấn Phát nhìn Thu Trường với ánh mắt trìu mến - bà thầm nghĩ: “Được con dâu nết na như thế còn gì bằng, đã đẹp người mà còn đẹp nết”.
Bà Tính rót trà mời khách:
- Hai chị qua sớm quá hen, mời hai chị uống tách trà.
Bà Bảo cười giã lã:
-Bà Tấn Phát nóng lòng, mới sáng sớm đã đến giục tui qua đây. Một tuần nay tui cũng lo lắm, không biết nó có đồng ý không. Theo tui, chỗ này người ta thương mình, lo cho mình đủ thứ như vậy; ưng về sẽ sướng, không khổ đâu mà lo - dừng một phút, nhìn thẳng lên mặt bà Tính, bà cao giọng - Sao? Thím và con Trường có đồng ý không, trả lời cho biết đi.
Bà Tấn Phát cười, niềm nỡ tiếp lời:
- Chị à! Nó mà về nhà tui, tui sẽ thương nó như con gái mình, sẽ giao cửa hiệu cho hai vợ chồng nó quản lý kinh doanh. Tui chỉ có một mình thằng con trai đó chớ nhiều nhõi gì, tui sẽ để tụi nó lo phụ giúp các em học hành, sẽ trả hết nợ nần và lo cho tuổi già của chị nữa.
Bà Tính mỉm cười, giọng nhỏ nhẹ, từ tốn:
- Dạ! Tui biết. Tui xin cảm ơn lòng tốt của hai chị. Nhưng đây là chuyện riêng cả đời của con, tui để nó tự quyết định. Tui gọi nó lên gặp, thưa chuyện với hai chị - nói xong bà Tính quay xuống dưới nhà gọi lớn: “Trường đâu? Con lên đây má có việc”.
Thu Trường “dạ” một tiếng lớn, rồi chạy lên, đứng dựa vào vách, vòng tay cúi chào. Bà Tính nhìn con:
- Sao? Con quyết định thế nào, nói cho hai bác nghe? Đây là chuyện hệ trọng cả một đời con, con tự quyết định đi, má không dám ý kiến.
Thu Trường nhìn mọi người - lặng đi một giây, điềm tĩnh thưa:
- Dạ! Con nghĩ mình còn phải lo cho má và các em học hành đến nơi, đến chốn mới lo chuyện chồng con cho mình. Con xin hai bác thứ lỗi cho, con không thể ra lấy chồng khi các em chưa học hành xong. Con biết hai bác rất thương con, nhưng… con xin lỗi!
Bà Tấn Phát nhìn nàng, gương mặt đỏ dần lên:
- Bác ước con là con dâu của bác, bác chỉ có mình nó nên phải lo sớm, sao có thể chờ các em con học hành cho xong được?
- Dạ! Con xin bác tha lỗi.
Thu Trường nhìn mẹ như thầm cảm ơn, nhờ có lời mẹ mà nàng có thêm nghị lực, niềm tin kịp lúc để có được quyết định sáng suốt cho đời mình.
* * *
Khoảng một tuần lễ sau, Thu Trường nhận được lá thư của Thuần gởi về. Nàng cầm bức thư mân mê giây lâu, thầm cảm ơn duyên lành đã giúp nàng vượt qua những trắc trở đang ập đến đời mình. Nàng đưa bức thư lên môi, rồi nhẹ nhàng mở thư ra xem:
“Cao Nguyên, ngày… tháng… năm…
Thu Trường yêu dấu!
Cao nguyên bụi mù, đất đỏ, ngày nắng như bốc lửa, đêm lạnh đầy sương. Anh nhớ em! Cô bé con ngơ ngác, hồn nhiên đã bị anh cú vào đầu bởi không thuộc bài. Cô bé có mái tóc như đuôi gà, có đôi mắt như tia lửa ấm, cuốn hút hồn anh. Ở đây, ngày ngắn, đêm dài, càng làm anh nhớ em khó mà ngủ được. Anh luôn nghĩ, giờ này em đang làm gì? Có thể em đã ngủ say, hay đang ngồi trên máy cọc cạch với công việc. Anh thương em vô cùng, em yêu dấu ạ.
Thu Trường yêu quý! Anh xin báo sớm cho em một tin vui. Anh sẽ được thuyên chuyển về quê nhà để công tác. Ngành bưu chính viễn thông ở quê mình đang thiếu. Anh đã làm đơn xin cả năm nay rồi, giờ đây mới được báo kết quả. Em có đón nhận anh không? Có vui khi anh được về bên em không? Hãy mừng cho hạnh phúc chúng ta, dù em chưa nói gì với anh, nhưng anh biết em cũng rất thương anh, phải không em yêu? Anh sẽ thưa chuyện chúng mình với ba má và xin cưới em.
Thu Trường yêu dấu!
Em biết anh là người không biết nói lời hoa mỹ để làm vừa lòng ai; cho nên, em yêu dấu ơi! Anh chỉ biết nói rằng “anh yêu em vô cùng”.
Nguyễn Thuần
Thu Trường hạnh phúc úp lá thư lên ngực, mỉm cười vui sướng - nàng cảm thấy rạo rực khi thoáng nghĩ đến lá thư đáp lại lời Thuần, sẽ viết vào buổi chiều.
01/2018

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt