TIỂU NGUYỆT
TRẦN HUIỀN ÂN
TRẦN HUIỀN ÂN
Trần Huiền Ân tên thật Trần Sĩ Huệ, sinh ngày 15 tháng 7 năm 1937, (trên giấy tờ ghi ngày 23-12-1938). Quê quán Làng Vân Hòa, tổng Sơn Xuân, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.
Hiện sống và làm việc tại Thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
* Hội viên Hội Văn Nghệ Dân Gian VN, Hội viên Hội Nhà Báo VN, Hội Viện Hội Khoa Học Lịch Sử VN.
*Từ năm 1957-1975: Dạy học, sáng tác thơ.
*Từ năm 1975 đến nay: Sáng tác thơ văn, nghiên cứu văn học dân gian và lịch sử. Ông đã xuất bản trên 40 tác phẩm gồm nhiều thể loại: Thơ, truyện ngắn, biên khảo - nghiên cứu.
Trong 4 tập thơ đã giới thiệu, có 2 tập xuất bản trước 1975 là Thuyền Giấy (thơ - 1967) và Năm Năm Dòng Sông Thơ (thơ - 1973). Và Lời trên lá ( thơ - 1997) Rừng Cao ( thơ - 2006)
Sau 1975 Ông sáng tác rất nhiều trong đó có Tuyển truyện Mùa Hè Quê Ngoại 2002 dành cho thiếu nhi. Ông nhận được nhiều giải thưởng văn học cũng như biên khảo, trong đó đáng kể là công trình biên khảo “Đất Phú trời Yên” được giải nhì (không có giải nhất) của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam năm 1996. Giải thường Văn học Nhà nước năm 2017.
“RỪNG CAO”
Những Hoài Niệm Và Ước Mơ
Về Quê Nhà Thương Yêu
Nhà thơ - nhà văn Trần Huiền Ân tên thật là Trần Sĩ Huệ, nguyên là giáo sư Việt văn của trường trung học Bồ Đề Hiếu Xương. Trước 1975, ông đã xuất bản hai tập thơ là Thuyền giấy (1967) và Năm năm dòng sông thơ (1973). Sau 1975, có Lời trên lá (1997), v à Rừng Cao (2007).
Tôi may mắn được là học trò của nhà thơ trong những năm đầu của bậc trung học. Trên bục giảng, ông là một nhà giáo nghiêm khắt, luôn quan tâm hướng dẫn học sinh vào nề nếp, khuôn khổ - bài về nhà phải soạn đủ, đến lớp phải thuộc bài - đó là “phương châm” dành cho học trò chúng tôi. Ngoài giờ học, nhà thơ rất thân tình, luôn gần gũi, thăm hỏi và giúp đỡ những học trò gặp khó khăn trong đời sống cũng như trong học hành; nên chúng tôi, luôn yêu quí và kính trọng người thầy giáo vừa là nhà thơ - nhà văn ngày ấy.
Tôi nhận được tập thơ “Rừng Cao” của nhà thơ Trần Huiền Ân từ một người bạn văn gởi tặng. Tôi vô cùng xúc động khi thấy tác giả là thầy cũ ngày xưa của mình, nên nao nức đọc với tấm lòng trân trọng quí mến.
Qua 41 bài thơ được tác giả chia sẻ, tâm sự trong “Rừng Cao”, đã cho tôi có những cảm nhận thấm thía, sâu sắc; về những hoài niệm một thời tuổi trẻ, một thời gian truân, nhưng thật trong sáng, nhẹ nhàng; và bao ước mơ canh cánh bên lòng về một quê hương còn gian khó, cách xa.
Quê nhà của tác giả là vùng Vân Hòa, Sơn Hòa với núi đồi chập chùng một màu “xanh xanh mãi chân trời”, “núi tiếp núi đời đời xanh cây lá”. Thảm cỏ trung nguyên trải dài, mượt mà xa tít, đã ôm ấp tuổi thơ tác giả, và nuôi sống bao ước vọng: “chưa một lần nghe sóng vỗ trùng khơi”, mà chỉ nghe tiếng róc rách của suối khe, len lỏi núi đồi; ngày đêm thì thầm réo gọi. Tác giả ví mình là “con thác” đổ xuống lưng đèo, để có thể len lỏi khắp cùng đồi núi xanh thẳm; hay là “mây” dàn trảng rộng trên cao, nắng rọi xuống bóng nước trong veo thơ mộng:
“Ta ở đây hoa vàng và lá tím
Núi thì xanh xanh mãi chân trời
Cây với cỏ suốt bốn mùa bịn rịn
Chưa một lần nghe sóng vỗ trùng khơi
Và cứ thế rồi cũng thành quen hết
Ta là ta con thác đổ lưng đèo
Ta là ta mây cao dàn trảng rộng
Nắng trong ngần rọi bóng nước trong veo...”
(Hóa Thân Vách Đá - trang 05)
Ai cũng có một quê nhà để thương nhớ, để trở về, nhất là với những người sống xa quê, luôn khắc khoải nỗi niềm xa xứ. Nhớ lại những năm tháng sống giữa đèo heo hút, những chiều mưa quạnh quẽ, hay những trưa nắng hanh vàng buồn bã; hình bóng ngôi nhà ngói đỏ ba gian giữa làng quê Phú Hiệp rợp bóng tre luôn ám ảnh, thúc giục tôi trở về. Đôi khi, một buổi xế chiều nào đó, trước mắt tôi là khoảng trời ngày xưa giữa quê nhà hiu hắt; cũng ngọn gió hiu hiu thổi, cũng ánh nắng xế hanh vàng, cả thời gian, không gian ngày ấy ngập tràn trong tôi; lòng tôi chùng xuống, bâng khuâng đến nao lòng; tôi lại nhớ quê da diết, lòng thắc thỏm cứ muốn về thăm lại ngôi nhà xưa, dù nới ấy, giờ đây không còn gì nữa cả. Tôi đã tìm thấy ở “Rừng Cao” một thời tuổi thơ tôi - một thời thơ mộng và lận đận. Ở “Rừng Cao”, nhà thơ Trần Huiền Ân luôn tưởng nhớ về quê nhà thương yêu một thời gắn bó, ở đó có Hòn Bà, Hòn Ông khắng khít, có “cây đa già tỏa mát trăm năm”, có “thảm cỏ đồi quê”, có “thác đổ”, có tiếng róc rách của suối khe, có tiếng võng ru hời; để tác giả bâng khuâng, thương nhớ, ao ước được quay về thăm lại. Đôi khi, niềm ao ước, nhớ nhung đó, cao lên tột độ; tác giả phải tự dặn lòng mình “quên người - Ta phải cố mà quên”. Mặc dầu dặn với lòng mình như thế, nhưng tác giả vẫn bồng bềnh theo nắng, bồng bềnh mưa bay, rồi gởi hồn theo gió, để:
“Úa vàng thu, lạnh ngắt đông
Là gió. Hồn ta theo sóng vỗ
Cuộn trào tan giữa hư không”
(Bồng Bềnh Sông Nước - trang 06)
Tác giả bồng bềnh “về lại bến xưa”, bồi hồi, tiếc nhớ những “chuyện cũ mịt mù xa”. Lời tự dặn ấy bỗng nhiên không nhớ nữa, ngất ngây với hoài niệm; và tác giả hiểu ra rằng - trọn đời đâu dễ gì quên được những ký ức, hoài niệm thân thương đã từng ghi dấu ấn sâu đậm như một vết cắt sâu thẳm:
“Lời tự dặn bỗng nhiên không nhớ nữa
Ngất ngây sông nước bồng bềnh
Ráng mây đỏ chân trời xa rực lửa
Ta hiểu... trọn đời đâu dễ quên...”
(Bồng Bềnh Sông Nước – trang 07)
Một hôm, tác giả “về xóm nhỏ”, ruộng lúa vẫn xanh ngát một mầu dù trải qua bao dâu bể, tang thương; vẫn “nghe mùi lá ủ thoảng hăng hăng”, vẫn “con bướm bay vòng vòng khóm đế”. Xóm nhỏ bấy giờ vẫn như thuở nào, với cái lạnh của rừng núi; đêm ngồi quanh bếp nghe tiếng bập bùng reo vui của ngọn lửa, nghe tiếng vạc đếm nhịp canh khuya, nghe tiếng gà thưa thớt não nùng; để sưởi ấm, để nhớ nghĩ, để buồn thương ôn lại những kỷ niệm một thời.
Nhưng rồi, tác giả không đắm chìm trong sự cô đơn, tiếc nuối, mà náo nức, ước ao, mơ về một mùa xuân đầy nắng ấm, tươi vui, hạnh phúc cho quê nhà.
“Ta về xóm nhỏ chào xuân mới
Vàng bông vạn thọ nắng thêm vàng
Bâng khuâng tựa thuở nào mong đợi
Trong lòng thương nhớ những mang mang...”
(Về Xóm Nhỏ - trang 45)
“Về rừng cao”! tác giả đã mời gọi người đọc về “rừng cao” với thiên nhiên hiền hòa, trong lành, với cây xanh, với suối mát: - gối đầu trên đá nhìn trời trong xanh, mây trắng nhởn nhơ, với “muôn vàn yêu thương trong từng tấc cỏ”, ong bướm khoe màu, ngay đến “cây gai lành ngạnh cũng nở hoa thơm”. “Rừng cao”, với trăng trong gió mát, với bữa cơm nhớ hoài bát canh bông bí dân dã, thắm đẫm nghĩa tình. Và lời mời thật chân tình - về rừng cao không những để hít thở không khí trong lành, hòa nhập cùng thiên nhiên, mà còn để cho nụ cười chân chất luôn nở trên đôi môi hạnh phúc.
“Và ai và ai
Gió sương dày dạn
Về đây một thoáng
Cho buồng phổi trong
Cho trái tim hồng
Cho xanh ánh mắt
Nụ cười chơn chất
Đời vui đời vui...”
(Về Rừng Cao - trang 51)
Tác giả ước mơ về một “ngày mai sẽ đến”, tươi hồng, rực rỡ; qua rồi những ngày gian khổ, để “bình minh xanh rực rỡ phía lưng đồi”, để em học trò mầu áo trắng hồn nhiên đến lớp.
“Ta sẽ thức mời em cùng ta thức
Bình minh xanh rực rỡ phía lưng đồi”
(Về Lương Sơn - trang 53)
Bài thơ “Tháng Ngày Cuối Hạ”, đã mở ra cho tôi thấy, ở đó một sức sống mãnh liệt, một tương lai ngời sáng cho tất cả. “Trăm hoa nở nụ”, rồi sẽ nở bừng rực rỡ trong ngày mai, ôi - có gì hy vọng hơn thế. Rừng Cao luôn mở tầm nhìn cho chúng ta hướng tới niềm tin tươi đẹp, niềm hy vọng đang chờ đợi ở tương lai. Một mầm xanh bừng lên, với những búp măng non đang “nhú mộng chào đời”, của một thế hệ mai sau đầy triển vọng.
“Và thấp thoáng nhẹ nhàng sương hạt nhỏ
Hàng tre già măng nhú mộng chào đời
Vườn còn lại đôi ba cành lá đỏ
Phía sau rào chiếc áo lạnh ai phơi”
(Tháng Ngày Cuối Hạ - trang 57)
Hình ảnh “Chiếc áo lạnh” chợt thấy của ai đó đã được phơi nắng, để ấm áp, để khô đi những giọt mồ hôi thấm ướt, như sưởi ấm cái lạnh, cái giá rét đã qua, rất gợi cảm, và thâm trầm.
Tác giả nghĩ rằng: “Nếu trái lòn bon không gặp vua, chắc chẳng có cái tên nam trân đài các”. Thực tế đời sống là như vậy - nếu xưa kia không tình cờ gặp vua thì lòn bon không được mọi người biết đến nhiều, không có cái tên đài các ấy. Nhưng dù có cái tên nam trân xinh đẹp như thế, lòn bon vẫn là lòn bon; hấp thụ mưa nắng của trời, hấp thụ đất lành của rừng xanh, cho vị ngọt ngào, như chính nguyên thủy của nó. Lòn bon không phân biệt vua chúa hay dân thường, vẫn ngọt ngào cho trái chín trĩu cành, dâng cho đời quả ngọt dịu lòng cơn khát.
“Nếu không tình cờ có buổi gặp vua
Chắc chẳng có cái tên nam trân đài các
Nhưng... chú bé chăn trâu, lão tiều tóc bạc
Vẫn ngọt ngào chung vị lòn bon”
(Nếu Trái Lòn Bon Không Gặp Vua - trang 71)
Dường như, Nhà thơ luôn “hoài cổ”, luôn nhớ ơn những thế hệ cha ông xa xưa đã dựng xây bờ cõi, với tấm lòng trân trọng hiếm có. Những nỗi niềm ấy, đã được nhà thơ bày tỏ cùng người đọc qua những vần thơ nặng tình. Nhớ trang sử xưa, chúa Nguyễn mở cõi; đất Thuận Quảng chia bờ, Hoành Sơn, Linh Giang hiểm trở, Hải Vân cao ngất tầng mây; như chia sẻ cùng người đọc một trang sử hào hùng của dân tộc. Và dấu trang trại của Lương Phù Già như còn đâu đó, ngọn cờ Văn Phong bay rợp phủ Phú Yên một thời vàng son oai hùng.
“Chuyện ngày trước trở về trong ký ức
Sớm lỡ quên chiều đã nhớ lại rồi
Trang khuyết sử vẫn sáng ngời nét mực
Thủy triều lau hai buổi nước đầy vơi
... Ơn sông núi sắt vàng trong lòng đất
Biển khơi xa là cá muối tràn đầy
Bao thế hệ cùng phơi gan trải mật
Cho đời đời lớp con cháu hôm nay”
(Ký Ức - trang 23)
Nhà thơ đã biết ơn bao thế hệ xưa kia đã “phơi gan, trải mật”, dựng xây bờ cõi, cho đời đời con cháu sau nầy tiếp nối gương xưa.
Sau bao năm thăng trầm, nhà thơ nhìn lại mình, và tự hỏi: “vừa lên bảy mươi già rồi chứ?”. Tác giả thấy mình có lẽ đã già thật sự, bàn tay lốm đốm da mồi, trán nhăn, tóc bạc; sống trong con hẻm vắng vẻ, mơ về quê nhà, lắng nghe “tiếng vượn hú đầu non”. Tận trong tâm hồn ông, là nỗi cô đơn, trống trải, nỗi cô đơn của người trí thức cầm bút, chỉ có trang viết để làm ấm lòng mình và tình người; nên tác giả đã “thắp đuốt tầm xuân giữa chợ ma” ; đốt sách để tìm hương khói cũ, vào những chiều đông lạnh giá. Thật não nùng!
“Bây giờ... đúng vậy, ta già thật
Đốt sách mà hơ ấm cõi lòng
Đốt sách xông tìm hương khói cũ
Giữa chiều hun hút lạnh vào đông...”
(Tuổi Già - trang 40)
Vượt qua “Rừng Cao” với bao hoài niệm khắc khoải, bao mơ ước cháy bỏng - nhà thơ đã thảnh thơi đón chào ngày hôm nay, với niềm tin yêu mới “Mùa xuân phía trước miên trường phía sau”. Hy vọng một mùa xuân đích thực, với hoa cỏ xinh tươi, cây cối đâm chồi, nẩy lộc, lòng người hân hoan chan hòa nghĩa tình, sẽ đến với mọi người:
“Xin chào nhau giữa hôm nay
Giữa hôm qua, giữa những ngày xa xưa
Tan rồi lạnh lẽo gió mưa
Vầng trăng viên mãn cũng vừa lên ngôi
Cổ cầm từng giọt thảnh thơi
Tiếng thơ vang vọng bao lời tâm giao
Cây đời nẩy lộc xôn xao
Mùa xuân rực rỡ cánh cào cào bay...”
(Vẫy Ngọn Cờ Lau - trang 80)
“Rừng Cao”, đã để lại trong lòng người đọc, một cảm giác mênh man, sâu lắng; một tình cảm yêu thương quê nhà thắm thiết, và niềm ước mơ, hy vọng một sự đổi mới tươi đẹp cho quê hương - Thật trân trọng thay!
05/2018