TIỂU NGUYỆT

Giới thiệu

Bài viết: DOÃN LÊ

SỐNG VỚI “MỘT NGÀY DÀI MỘT ĐỜI NGƯỜI”
 của Tiểu Nguyệt

 
          Tôi đặt cuốn truyện “Một ngày dài Một đời người” của nhà văn nữ Tiểu Nguyệt xuống bàn mà lòng vẫn mãi bâng khuâng. 45 năm rồi! Vâng, 45 năm, hơn nửa đời người, mà sao tôi vẫn cứ ngỡ như mới đây thôi! Tôi hiểu chính “Một ngày dài, Một đời người” đã làm cho tôi thấy lại, hay đúng hơn, tôi đã sống lại trong cái ngày hãi hùng, đau xót ấy.
          Tôi có mặt và ở bên cạnh chị Kim Trâm để chứng kiến những bi đát trong đoàn người chạy loạn giữa tiếng đạn réo, bom gầm, tiếng khóc la của người có thân nhân tan xác, tiếng gào thét của những người cha, người mẹ mất con. Tôi sống trong anh Tư của những năm trong tù cải tạo, và chị Kim Trâm cũng là hình ảnh vợ tôi ngày đó, phải thức khuya dậy sớm, vạ vật trên những chuyến xe khách chạy bằng than lên tận vùng sơn lâm chướng khí ở Quảng Nam để thăm nuôi tôi hàng tháng. Và chúng tôi sau đó cũng xăn ống quần lội ruộng cấy lúa kiếm cơm dù chẳng biết tát nước bằng gàu sòng, gàu nan…
          Cả một giai đoạn hãi hùng, tối tăm của đất nước đã hiển hiện một cách sống động và rõ nét trong từng câu văn của tác giả. Ai đã sống trong giai đoạn ấy đều thấy bóng dáng mình trong từng trang sách, đều có cảm giác như Tiểu Nguyệt đang kể chuyện của chính mình (người đọc). Qua hình ảnh Kim Trâm, tác giả đã khái quát hóa lại được cuộc sống và thân phận của những người miền Nam sau hơn 40 năm chiến tranh chấm dứt. Chiến tranh vẫn để lại những thương tích lớn, dai dẳng khó hàn gắn nổi như nhà văn Mang Viên Long trong phần giới thiệu đã nói: “Người ta đã tu sửa mới lại lại con lộ kinh hoàng, xây dựng lại nhà cửa, nhưng làm sao xoa dịu, bù đắp, hàn gắn lành lặn lại những mất mát, những vết thương tâm trong lòng hằng vạn con người, trong đó có bà Trâm?”. Đó chính là những thao thức và dằn vặt vẫn còn tồn tại trong xã hội chúng ta.
         Trong chiến tranh, dù phe nào chiến thắng, thì nhân dân vẫn là người hứng chịu nhiều đau thương, mất mát nhất, nên không thể nói như một câu ngạn ngữ La tinh rằng: “Nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh”. Tại Hội Nghị Quốc Gia Hòa Giải và Hòa Bình năm 1907. Andrew Carnegie đã nói: “Hội Nghị này, nhân danh nhân dân, nói rằng: Nếu bạn muốn hòa bình, hãy nhất trí cùng nhau gìn giữ hòa bình” (This Congress says in behalf of the people: Si vis pacem, para pactum, if you want peace, agree to keep the peace.) Đó cũng chính là thông điệp “Hãy gìn giữ Hòa Bình” khi rõ nét (4 chương đầu), khi bàng bạc (các chương sau) trong suốt tác phẩm “Một ngày dài, Một đời người”.
        Nhưng có lẽ tư tưởng chủ đạo mà tác giả muốn nói lên và khẳng định như một chân lí, là tình yêu thương, là lòng hy sinh và sức chịu đựng vô bờ của người VN mà người phụ nữ VN thể hiện rất rõ nét nhất.  Suốt trong 10 chương của truyện, nhân vật chính Kim Trâm đã nói lên đầy đủ điều ấy. các nhân vật như anh Tư, bà Dư, sư cô Diệu Nhân, cô Hai ở chùa v.v…kể cả người đàn ông nào đó đã giúp cõng bé Uyên trong ngày chạy loạn, đã tạo nên một xã hội nhỏ, thu gọn, đầy tính nhân văn sâu sắc để chúng ta thấy đàng sau mảng tối của chiến tranh dù có tàn nhẫn đến đâu, vẫn còn đó một bầu trời trong xanh của tình thương yêu, bao dung, đùm bọc.
         Cách dẫn truyện của tác giả cũng cho chúng ta nhiều hồi hộp, đợi chờ, thú vị mà tôi có cảm giác như chơi trò “ú tim”. Thật vậy. Có ai trong chúng ta mà không cầu mong cho mẹ con Kim Trâm sớm gặp lại nhau, và Uyên sẽ trở về trong vòng tay ấm của ông bà, cha mẹ để kết thúc câu chuyện bằng một quả ngọt tròn trịa. Khi sư cô Diệu Nhân xuất hiện lần đầu gặp mặt bà Trâm, chúng ta đã lờ mờ nhận ra rằng đó là Uyên. Nhưng sự gặp gỡ ấy cũng bình thường như bao cuộc gặp gỡ khác, chưa có một “tín hiệu” gì chắc chắn theo chúng ta suy đoán. Chẳng lẽ còn một nhân vật nữa sẽ xuất hiện.
             Cuộc gặp gỡ thứ nhì với một ít thông tin về nhân thân của sư cô Diệu Nhân do cô Hai cung cấp dù còn mơ hồ nhưng chúng ta vẫn ngồi chờ đợi thời khắc bà Trâm và sư cô nhận ra nhau. Nhưng một lần nữa chúng ta lại “hoài công”, sư cô vẫn “tỉnh rụi” và bà Trâm thì chỉ “xin địa chỉ và số điện thoại để liên lạc gởi tiền” về xây Quan Âm Các.
           Đến lần gặp gỡ thứ ba, sư cô ngả bệnh và bà Trâm tận tình chăm sóc. Đến đây thì rõ ràng tác giả đã đẩy sự quan hệ và tình cảm giữa hai người lên một bậc cao hơn, gần gũi hơn, khắng khít hơn. Nhưng rồi những câu trao đổi qua lại cũng “chơi vơi”. Lắm lúc ta tưởng chừng lần này hai mẹ con sẽ nhận ra nhau như khi sư cô kể lại  “nhớ nhất là những dịp tết được mẹ dẫn về quê thăm ông bà, được đi trên những đường làng rợp bóng tre mát” hay “những buổi trưa mẹ thường chơi thi hát với tôi, lúc nào mẹ cũng để cho tôi thắng mẹ…”. Ta hồi hộp chờ đợi bà Trâm sẽ nhạy bén từ những thông tin này, sẽ “động tâm cơ” mà phăng lần ra mối quan hệ máu mủ. Lại một lần nữa tác giả vẫn cứ bắt ta nôn nao chờ đợi, rồi đi theo tác giả qua tận Mỹ để chứng kiến cái chết của ông Tư. Lòng ta chùng xuống, ta không muốn ông Tư chết sớm vậy. Ông phải sống để còn gặp lại bé Uyên! Tác giả đã cho ta những phút giây sống với lòng thương yêu, từ bi, trắc ẩn, cùng chung những khổ đau với kiếp người.
            Bà Trâm, sư cô Diệu Nhân chưa đủ duyên nên chưa thể nhận ra nhau sao? “Hữu duyên thiên lí năng tương ngộ. Vô duyên đối diện bất tương phùng” lời xưa đã dạy thế. Chỉ đến khi đưa tro cốt chồng về lại chùa Khải Tâm tác giả mới “lấy nước mắt của người đọc”. Chúng ta hoàn toàn bất ngờ với “con cá nâu của mẹ!”. Vâng, đó không phải là những “con đường nhiều tre”, là “mẹ thường thi hát với tôi” trong kí ức của Diệu Nhân mà chúng ta tưởng chúng làm “cái duyên” dẫn đến cuộc hội ngộ của hai mẹ con. Mà cái duyên ấy chính là “con cá nâu của mẹ” trong kí ức xa xôi của người mẹ, và cái tên “Uyên” trong vô thức (the unconscious) của đứa con từ cõi xa xăm nào vọng về. Dường như ở đây đã có phần tham dự của Freud về phân tâm học, nhưng có lẽ chúng ta nên đến với “vạn pháp trùng trùng duyên khởi” của nhà Phật trong cuộc hội ngộ đầy nước mắt này, một cuộc hội ngộ đã gây một dấu ấn tâm lí sâu sắc cho người đọc.
          Bên cạnh những nghiệt ngã của chiến tranh, của cuộc sống chúng ta còn thấy được những điều đáng yêu, hóm hỉnh mang đến cho chúng ta vài phút giây thư giãn với những tâm hồn chất phác, hiền lành muôn thuở của người nông dân: ông Hào đội trưởng HTX, ông Hai a lô, bà Hưởng, bà Dư…. Đời sống sinh hoạt của những vùng quê lúc ấy được mô tả hết sức chân thực và sống động dưới ngòi bút của Tiểu Nguyệt.
          Một chi tiết rất nhỏ, có lẽ ít ai để ý trong phần kết của câu chuyện là ba mẹ con bà Trâm cùng nghe tiếng chim “thương con, nhớ cậu” vang lên. Ngày trước, có người đã viết bài thơ gì đó (tôi đã quên) nghe tiếng chim ấy kêu, nhưng ông nghe thành “bắt cô, trói cột”. Thế đấy, ngay trong tiếng chim kêu cũng chuyên chở tình yêu thương hay hận thù. Thật ra, nghe thế nào là do cái tâm của mình. “Nhất thiết duy tâm tạo” như kinh Phật dạy. Tôi chợt nhớ đến giai thoại giữa Phật Ấn và Tô Đông Pha xem tướng nhau, cũng tương tự như hai người cùng nghe tiếng chim, tùy theo tâm mà tiếng chim sẽ là nguồn yêu thương hay sân hận.
       Một tiểu tiết khác nhưng với tôi vẫn mang thông điệp yêu thương đến với chúng ta. Đó là sự có mặt hầu như đầy đủ những nhân vật phụ xuất hiện trong vài đoạn ngắn ở phần đầu câu chuyện mà ta đã quên đi đều hiện diện trong phần cuối của câu chuyện như Lành, ông Hào, bà Hưởng, ông Thãi…Họ là biểu tượng của tình người, luôn luôn hiện hữu chung quanh ta trong thăng trầm, buồn vui của cuộc sống. Bà Trâm chịu đựng đau khổ dằn vặt suốt 30 năm nhưng vẫn sống được đến ngày đoàn tụ chính là nhờ được nuôi dưỡng bằng tình thương yêu, không chỉ cho riêng đứa con bị thất lạc mà còn cho tất cả mọi người. Bà Trâm có một đời sống linh phong phú nên đã giúp bà đứng vững dưới những hiểm họa, nhất là sự đau khổ bất tận của một người mẹ mất con.
      Theo tôi “Một ngày dài, Một đời người” không phải là một tác phẩm tiểu thuyết (a work of fiction) với các nhân vật hư cấu (fictitious characters), mà là một tác phẩm hiện thực xã hội (a work of realism) mà những nhân vật như bà Trâm, anh Tư, ông Hào, Kim Lan, bà Dư v.v…là những con người có thực trong hoàn cảnh có thực của giai đoạn xã hội ấy. Tác phẩm đã nói cho chúng ta thấy:
   - Sự tàn khốc và dã man của chiến tranh, hậu quả tang thương không chỉ lúc ấy mà còn kéo dài thương tích qua nhiều thế hệ sau.
  - Tình yêu thương là chất liệu sống không thể thiếu cho con người, là giá trị nhân văn để phân biệt giữa người và vật. Tình yêu như một chất dung nham vẫn chảy nồng ấm trong suốt tác phẩm, khi nhẹ nhàng như khói sương, khi lắng đọng như trầm tích, khi ào ạt như sóng dâng.
  - Niềm tin tâm linh là thiêng liêng và huyền nhiệm, không thể thiếu để phát triển tánh nhân văn, mở rộng tấm lòng với mọi người và tạo niềm hy vọng tốt đẹp cho tương lai đang hướng tới.
      Tác giả chỉ là một chứng nhân qua nhân vật chính Kim Trâm, không đưa ra phán xét, không nghĩ thay, mà để người đọc tự tìm cho mình một lối tư duy, một câu trả lời đúng cho cuộc sống.
      Với bút pháp sống động, tác giả Tiểu Nguyệt đã xây dựng hình ảnh và tâm lí nhân vật rất ấn tượng, hợp lí, đúng như thực tế vốn có. Và vì thế người đọc như thực sự sống theo từng nhịp sống của Kim Trâm.
     Ngoài giá trị văn học và thông điệp nhân văn gởi đến chúng ta, theo tôi tác phẩm còn mang giá trị lịch sử trong thời kì chiến tranh của đất nước, vì có nhiều sử liệu quan trọng. Trẻ em của thế hệ sau 1975 sẽ hiểu hơn chiến tranh, rút được bài học để yêu chuộng và gìn giữ hòa bình.   
     Điểm cuối cùng tôi muốn nói là tác giả Tiểu Nguyệt đã đưa triết lí nhà Phật  vào trong toàn bộ tác phấm một cách nhẹ nhàng, kín đáo, thâm thúy. Những ai học Phật có thể dễ nhận thấy:
     - Đệ nhất Khổ đế là chân lí bất biến: oán tắng hội khổ (ghét sợ chiến tranh nhưng không tránh được), ái biệt li khổ (bà Trâm mất con, chồng và thân nhân chết, Diệu Nhân không còn được gặp cha và ông bà nội ngoại), cầu bất đắc khổ (mong ngày họp mặt đầy đủ nhưng không đươc như mong cầu).
     - Duy thức học, “nhất thiết duy tâm tạo” đã nói ở trên.
     - Luật nhân quả, mở rộng lòng Từ Bi và niềm tin thành kính vào Đại Nguyện Cứu Khổ của Đức Bồ Tát Quán Thế Âm.
       Đó là những gì mà nhà văn Mang Văn Long đã nói trong lời giới thiệu: “Trong từng chương truyện, người đọc sẽ tìm thấy triết lí sống của đạo Phật được chuyển hóa, vận dụng một cách tinh tế, nhuần nhuyễn, linh hoạt; là những giọt sương tưới mát cho bao cảnh đời khô héo”                                                               .
     
                                                                                   Doãn Lê
                                                              (Hội An tháng 3/ 2020)


  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt