TIỂU NGUYỆT

 
“TRĂM NĂM NGÀN NĂM”
Mãi Mãi Là Tâm Tình
 “HIẾN DÂNG CÁT BỤI”
 
“Trăm Năm Ngàn Năm” là thi phẩm thứ 11 của nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm trong 19 thi phẩm in riêng. Sách dày 119 trang, tranh bìa của Lê Triều Điển, trình bày bìa Ngọc Uyển, Văn Nghệ An Giang xuất bản vào Mùa hạ năm 2008.
Nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm tên thật là Ngô Tấn Thiền. Sinh ngày Rằm tháng 6 năm Giáp Thân, tại Châu Đốc (Thất Sơn - Miền Nam). Ông tốt nghiệp Đại Học Dược Khoa SàiGòn. Thơ văn được giới thiệu trên nhiều tạp chí văn chương tiêu biểu trong nước: Truyện Hay Thứ Tư, Tuần báo Nghệ Thuật, tạp chí Văn, Ngàn Khơi tuần san, Nguyệt san Đất Sống (đại học Dược Khoa), Tuần báo Khởi Hành, Tuần báo Quật Khởi, tạp chí Thời Tập,... Hiện đang sống và viết tại Thư trang Quang Hạnh - Sài Gòn.
Cuộc đời dẫu trăm năm hay ngàn năm, vẫn là cuộc vô thường ngắn ngủi, khổ đau của kiếp nhân sinh. Tuy vậy, tâm tình lắng đọng, được sẻ chia, là những rung cảm chân tình, với nỗi cảm thông sâu đậm dành cho nhau; để đời sống trở nên êm dịu, có ý nghĩa - trong một ý nghĩa nào đó, có thể chuyển hóa tâm thức, đem lại an vui cho tất cả. “Trăm Năm Ngàn Năm” mãi mãi là tâm tình “Hiến Dâng Cát Bụi”.
“Có phải hồn ta là tháp cổ
Ngàn năm phơi bóng dưới trăng nghiêng?
Bỗng nghe gạch rụng giang hồ quá
Động lá vàng rơi xuống gió đêm”
(Hóa Thạch Nằm Nghiêng Giấc Tử Sinh - trang 62).
Trải qua bao thăng trầm của kiếp nhân sinh đầy hệ lụy, tác giả đã có lần tự hỏi có phải hồn mình như ngôi tháp cổ rêu phong yên vắng? Ngàn năm đứng chơ vơ cùng mưa nắng, mặc cho bụi thời gian lặng lẽ đầy vơi, phủ lấp; nghe nỗi buồn, nỗi cô đơn gặm nhắm.
“Thiên địa ngủ vùi đêm nguyệt tận
Cháy lang thang đóm lửa chiêu hồn
Lửng lơ như bóng ngân hà nhỏ
Cô độc bay vào tận khoảng không...”
(Hóa Thạch Nằm Nghiêng Giấc Tử Sinh - trang 66)
Trong nỗi cô đơn tận cùng, nhà thơ thấy tâm hồn mình như đóm lửa sáng lập lòe, “lửng lơ như bóng ngân hà nhỏ”, càng chơ vơ, hiu quạnh giữa đất trời rộng lớn...
“Có phải tiền thân rụng xuống không?
Sao như âm vọng nẻo tang bồng
Sao như run rẩy từng hơi thở
Tận đáy hồn xanh có gió sương”.
(Hóa Thạch Nằm Nghiêng Giấc Tử Sinh - trang 66).
Trong cái đóm sáng nhỏ nhoi ấy, tác giả như thấy được “tiền thân” ngàn kiếp của mình đang vọng về, run rẩy trong từng hơi thở, với đôi mắt xuyên giấc mộng tử sinh; và nhà thơ đắm chìm đón nhận cái nóng lạnh, cái giá rét của đất trời, rêu phong phủ kín, với cuộc bể dâu, trầm mặc.
“Giữa nẻo đường bụi đỏ
Văng vẳng một bầy hương
(Phiêu bồng theo gió núi
Tan vỡ cuối không gian
Chợt nghe trong gió thoảng
Niềm hiu quạnh mênh mang)
Vật vờ treo đóm lửa
Đầu gậy trúc khều trăng”.
(Mượn Hồn Đá Tĩnh Vật, Xao Động Lời Phúc Âm - trang 95)
Nỗi bơ vơ và cô độc của kiếp nhân sinh giữa đất trời lồng lộng, niềm hy vọng hướng đến sự vĩnh hằng, an lạc còn xa vời vợi; dù vậy, nhà thơ vẫn mãi là người lữ hành với cuộc “hành trình cô lữ”, cố vươn tới, dù niềm hy vọng đó mong manh, le lói, xa xôi.
“Chập chờn trôi bèo mây
Bốn mùa sao lặng lẽ
Bên đường ngựa ngủ say
Thương hành trình cô lữ
Trăm năm về tàn phai
Bơ vơ như cổ thụ
Đứng giữa tháng năm dài”
(Mượn Hồn Đá Tĩnh Vật, Xao Động Lời Phúc Âm - trang 95)
Trong cuộc hành trình tìm kiếm niềm an lạc, vĩnh hằng cho đời người tạm gởi, nhà thơ vẫn hoài cô đơn giữa cõi đời mênh mông buốt giá này; và tìm hoài, tìm mãi, chưa có chút mãn nguyện, an vui.
“Phổ khúc ca sinh tử
Đành tóc trắng như sương
Âm thanh tràn giấc ngủ
Bạch phát tận mười phương
Có không phương riêng lẻ
Cho trăng vàng soi nghiêng?
(Mượn Hồn Đá Tĩnh Vật, Xao Động Lời Phúc Âm – trang 98)
“Khúc ca sinh tử”, tức khúc ca sống và chết - sự tìm kiếm vĩnh hằng trong cõi tạm vô thường vẫn luôn tiếp diễn, dù đã bạc đầu (bạch phát). Tóc trên đầu đã bạc trắng, nhà thơ vẫn còn lang thang, phiêu bạt mười phương trời, vẫn còn mỏi bước dặm ngàn xa, trong cuộc hành trình tìm kiếm...
“Ngẫm nghĩ đời thật lạ
Từng giây phút chiêm bao
Chênh vênh lời Trang tử
Bêu đầu đỉnh núi cao
Mượn hồn đá tĩnh vật
Đu mình đo vực sâu”.
(Mượn Hồn Đá Tĩnh Vật, Xao Động Lời Phúc Âm – trang 99)
Ngẫm nghĩ, cuộc nhân sinh thật khó hiểu, khó lường, đôi khi nhà thơ coi đó như một giấc chiêm bao, mà mộng thì không thực; cho nên, đành mượn lời người xưa (Trang Tử) mà tự an ủi, vỗ về cho chính mình - mượn cả “hồn đá” vô tri, vô giác; liều lĩnh kiếm tìm, với tia hy vọng mờ nhạt, sẽ tìm ra lẽ sống chân thực, lý tưởng tối hậu cuối cùng (như đu mình đo vực sâu).
“Như một loài ốc nhỏ
Bò lui tới ven đường
Nghe tận cùng rời rã
Bầy đóm sống dị thường
Chở hư vô muôn ngã
Chất cho đầy tháng năm
Từng hạt Kinh khẽ rụng
Xao động lời phúc âm”
(Mượn Hồn Đá Tĩnh Vật, Xao Động Lời Phúc Âm - trang 99)
Sau rốt, vẫn cảm thấy mình như con sâu đo, con ốc nhỏ quanh quẩn trên dặm dài, chẳng thể đạt được gì; tác giả nghe rã rời trong tận cùng sâu thẳm của hồn mình. Niềm hy vọng vẫn còn ở phía trước, như ánh đóm nhỏ nhoi, lập lòe chút ánh sáng, lùi xa dần, tựa lời Kinh chiều buồn bã - có thể làm xao động lời Phúc Âm (Thiên chúa) chăng?
“Châu thân nặng như đá tảng
Bỗng nhiên xuyên suốt giữa tà huy
Máu vừa thắm đẫm ướt chân mi
Thiên địa đầm đìa nhãn giới
Vỗ cánh chim trời vô lối
Thênh thang đáo tuế giang hồ”.
(Buổi Chiều Say Rượu, Bạn Vàng Nhớ Vợ Đến Thăm Lão Phu Và Kể Rằng - trang 22).
Tấm thân oan khiên nhiều đời, nhiều kiếp, nặng nề nghiệp chướng - bỗng có thể bay cao “xuyên suốt tà huy” với bao “huyết lệ” hân hoan đầm đìa trong sát na “chợt ngộ”, và đất trời cũng đang lồng lộng rọi soi! Niềm an vui vĩnh hằng đó; đã mở ra trong tâm hồn một cõi đời thênh thang, cho người lữ hành tiếp bước ngang dọc trong niềm an nhiên, tự tại.
“Bạn vàng huýt sáo dưới chân quê
Ngất ngưởng rượu say hồn kiêu bạt
Xe ngựa dừng ngang chân dốc
Chở đời người quá cảnh trăm năm
Chợt rụng đầy mấy chữ hoa nghiêm”.
(Buổi Chiều Say Rượu, Bạn Vàng Nhớ Vợ Đến Thăm Lão Phu Và Kể Rằng... - trang 22).
Hình ảnh người bạn thân thiết phiêu bạc; ung dung, ngất ngưởng giữa đất trời, chuếch choáng cơn say, dừng bước giang hồ, thả hồn vào cảnh giới Hoa nghiêm; tựa đám mây lành giữa hư không, chiếu soi khắp ba ngàn đại thiên thế giới, là một hình ảnh ẩn dụ (hay ước mơ) của nhà thơ, trong quá trình thao thức tìm cầu, của kẻ sĩ trước thời cuộc, trước cuộc đời, rất gợi cảm, thuyết phục!
“Bùng cháy tràng Kinh âm sắc
Đá tảng châu thân bừng mắt
Cõng đời như cõng núi qua sông
Gió mưa đầy hạt bụi ngàn”.
(Buổi Chiều Say Rượu, Bạn Vàng Nhớ Vợ Đến Thăm Lão Phu Và Kể Rằng... - trang 23).
Và rồi, tác giả cảm thấy nhẹ tênh trong cảnh giới “Hoa nghiêm”, thoát khỏi sự ràng buộc của tấm thân oan khiên, thoát khỏi những tham lam, dục vọng, níu kéo; bay bổng nhẹ nhàng trong niềm an nhiên, hạnh phúc, mặc cho gió mưa, bụi ngàn phủ kín.
“Nhảy suốt dặm trường ly biệt
Bỗng chốc lạ lẫm hình nhân
Tim vừa chuyển hóa hoa sen
Chớp mắt lạnh hoàng hôn xuống
Lơ láo côn trùng lên tiếng
Thiên nhiên mờ tỏ sắc không
Bạn ta gõ mõ chiêu thần
Từng bước lùa qua sương khói
Máu nở suốt đường xuyên lối
Bóng đêm chừa sót một ai?
(Trăng Khuyết - trang 118)
Mới vừa bước vào cảnh giới an vui, bỗng trong chớp mắt lại bị cuốn quay trở lại cõi mịt mù đầy cát bụi trần ai. Dù cố “từng bước lùa qua sương khói”, cũng bị cái bóng tối u minh ngàn năm bao phủ. Theo lời khuyên của các bậc Cổ đức “đi tìm an lạc, phải an lạc từng bước chân”:
“Tử sinh như cuộc hí trường
Khép mở phong màn nghiệp chướng
Ta vói kéo hoàng hôn xuống
Lạnh lùng một cõi đời riêng”
(Trăng Khuyết - trang 119)
Sự sống chết như cuộc diễn tuồng, quay tròn trong vòng nghiệp chướng luân hồi nhiều đời, nhiều kiếp. Kéo được phong màn nghiệp chướng kia, là sự chứng ngộ, bước ra khỏi vòng quay của nhân quả, luân hồi; thế nhưng, có mấy ai thoát ra khỏi vòng quay nghiệp chướng ấy?
Sống trên cõi đời, ai cũng đã từng khát khao, kiếm tìm một cuộc sống an vui, hướng tới sự an lạc vĩnh hằng đến rã rời thân xác, mà chân lý còn vời xa ở đâu đó. Theo tôi, sự xa lánh thực tại, để mãi mê chạy theo viễn ảnh - đó là cái bóng ảo tưởng, mê hoặc. Nếu mọi người biết dừng lại, bằng lòng với hiện tại, với những gì mình có - “đi tìm sự an lạc, phải an lạc từng bước chấn”, thì có lẽ, ai cũng sẽ thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng, an vui hơn. Tâm trạng bộn bề, trăn trở, và khát vọng vươn xa, chính là tâm trạng chung của tuổi trẻ một thời đất nước điêu linh, lòng người ly tán vậy.
“Hiến Dâng Cát Bụi” là thi phẩm thứ 7 trong 19 thi phẩm in riêng của nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm, gồm 15 bài thơ theo thể loại 7 chữ; sách dày 66 trang, bìa Lưu Nhữ Thụy, 3 phụ bản màu của Lưu Nhữ Thụy và Chóe, Nhà xuất bản Mũi Cà Mau ấn hành - 1989.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác bài hát “Để Gió Cuốn Đi” năm 1973, với tâm tình “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì em có biết không? - Để gió cuốn đi! Để gió cuốn đi!”. Cần một tấm lòng, chỉ để gió cuốn đi, bay xa... Nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm đã cho xuất bản thi phẩm “Hiến Dâng Cát Bụi” năm 1989, với dòng suy tư, cảm xúc “Mười năm một kiếp mây vô định, trôi dạt đời qua mấy bến bờ” (Ta Hiểu Người Là Cơn Gió Trắng - trang 51) cũng bằng tấm chân tình để “hiến dâng cát bụi” mà thôi!
Nỗi lòng của người nghệ sĩ luôn đau đáu, trăn trở, một chữ tình sâu nặng của kiếp nhân sinh tạm gởi, nhưng không chút vọng cầu, mà chỉ để “hiến dâng cát bụi”, mong đời vui mà thôi.
“Chắc biết đời lăn như bánh xe
Nên ta trầm tĩnh đến bao giờ
Sơn khê heo hút đau lòng vượn
Tiếng hú âm thầm theo bóng đưa
...
Thương xót tình người như bãi vắng
Đèn hoang vơ vẩn bốn phương trời
Muôn năm trái đất câm lời lẽ
Vời vợi quay tròn như bóng mây”
(Ngàn Năm Xuôi Ngược - trang 15)
Qua bao tháng năm trôi lăn theo bánh xe cuộc đời, nhà thơ đau lòng, nhớ nghĩ về quê xưa; rồi thương xót cho kiếp con người, mãi lăn tròn theo vòng đời xuôi ngược khổ đau - một định luật tự nhiên như sự hiện hữu trái đất, muôn năm cứ lặng lẽ quay tròn, vời vợi.
“Giữa lòng, ngọn sóng sầu thăm thẳm
Vỗ mạn thuyền qua con bến trưa
Ở cuối đại dương con ó liệng
Bóng nhòe trên mặt nước phôi pha
Mới hiểu hồn căng lên đỉnh cột
Lêu khêu chạy dưới đám mây trời
Nắng mưa dội xuống bờ cô tịch
Thuyền vẫn chưa rời khỏi bể khơi”.
(Trong Chút Ráng Vàng Rơi – trang 45).
Nhìn “chút ráng vàng rơi”, nhà thơ cảm thấy nỗi buồn dâng lên trong lòng, khiến ông ray rức, quạnh vắng hơn; và khi nỗi cô đơn đã căng tràn, nhà thơ đã chợt hiểu ra rằng - tháng ngày qua chỉ loay hoay với bao ưu phiền, chưa rời khỏi những u uất, bất an.
“Áo đã bạc theo thời tiết lạ
Hững hờ vắt ngược dưới chân buồm
Phất phơ râu tóc mờ cơn gió
Thổi dạt bèo mây theo gió sương
Đứng giữa khoang thuyền đời muốn khóc
Mơ hồ rụng xuống giọt cường toan
Chim trời mỏi cánh bên con nước
Lá xuống thời gian tiếng võ vàng”.
(Trong Chút Ráng Vàng Rơi - trang 46).
Tấm thân đã hao gầy, mê mỏi, đang trôi dạt theo sương gió vô định, mong manh; thời gian vẫn cứ trôi lặng lẽ, như chiếc lá rơi nhẹ nhàng, không một tiếng động, không một âm vang khiến lời thơ càng não nuột hơn. Giữa “con thuyền đời” chông chênh, trôi nổi, nhà thơ càng thấy nỗi cô đơn vây phủ, gặm nhấm, như chất “cường toan”bào mòn nhanh chóng mọi ước mơ, không còn thấy chút nắng ấm cho ngày mai.
“Mươi năm thất thểu về phương cũ
Nghe tiếng sơn ca dội xuống hồn
Rượu chuốt lưng chừng trăng lén mọc
Ngỡ lòng vừa thấm chút hơi men
Đời chẳng khác gì cơn nắng vội
Phơi chiều trong chút ráng vàng rơi
Tiếng tu hú mới rền trong gió
Hiu hắt vờn quanh bóng cỏ may”.
(Trong Chút Ráng Vàng Rơi - trang 47).
Đã mười năm qua, những năm tháng cũ cứ trôi dần, nhưng mọi hy vọng còn mờ xa phía trước; khiến nhà thơ chạnh nghĩ “đời chẳng khác gì cơn nắng vội”, hiu hắt buồn, “phơi chiều trong chút ráng vàng rơi”.
“Một lúc nằm nghe trong sóng vỗ
Tiếng đò ai gọi dưới cơn mê
Nửa đêm choàng tỉnh trên kè đá
Thấy ngọn cờ lau hiện bóng về
Cũng lạ, ngõ lòng chưa hé mở
Gió nào lại thổi lạnh hồn xưa
Mươi năm một kiếp mây vô định
Trôi dạt đời qua mấy bến bờ
(Ta Hiểu Người Là Cơn Gió Trắng - trang 51)
Lại mơ ước. Giấc mơ hiện về đêm đêm, thấy “ngọn cờ lau” tập trận thuở nào của Đinh Bộ Lĩnh. Có lẽ tác giả muốn mượn “Người xưa” để nhắc nhở mình; mười năm qua, trôi nổi giữa dòng đời như một kiếp mây vô định, trôi dạt khắp nẻo đường, chẳng biết đâu là bờ bến - sao không được như ngọn cờ lau?.
“Ta đứng bên nầy trông lặng lẽ
Bông quỳ rụng cánh xuống chân thềm
Mà thương chưa trót đời sương khói
Bảng lảng đi vào khung cửa đêm
Xưa nay ai biết hồn mưa gió
Sẽ gởi về đâu một cánh sầu
Nên suốt trăm năm thương hải đó
Lang thang gió chạy khắp rừng sâu”
(Ta Hiểu Người Là Cơn Gió Trắng - trang52)
Với tâm thức bất an, giá lạnh - nhà thơ nhìn quanh mình chỉ thấy nỗi quạnh hiu, rồi thương cuộc đời như khói sương bảng lảng, không biết sẽ trôi dạt về đâu, nỗi sầu gởi chốn nào? Và nhà thơ đã thấy cảnh “biển xanh biến thành ruộng dâu” (Thương hải biến vi tang điền), vô thường, có không - không có, trong cõi trầm luân. mà cảm khái:
“Ta hiểu người là cơn gió bạc
Thổi dầy ngã sống lớp mây hoang
Thì theo nhịp đất chim bay lạc
Bỏ lại quê xa chút bụi đường
Hôm qua sương xuống trùm phong thổ
Có trái xanh vừa mọc đó không?
Trăm bóng lênh đênh về vạn cổ
Ngậm sầu gieo xuống giấc trùng sinh”.
(Ta Hiểu Người Là Cơn Gió Trắng – trang 52,53)
Hiểu người là cơn gió lạnh, trống vắng, thổi lớp mây buồn trôi theo nhịp chim bay, bỏ lại quê xa mờ mịt ở phía sau. Sự khắc nghiệt của “khí hậu, thời tiết” bao trùm trời và đất, làm sao có được mầm xanh hy vọng vươn lên? Và tất cả như trôi về phía sau, rất xa; để nhà thơ mơ được hồi sinh, sống lại một cuộc đời mới, không còn bất an, ưu phiền của kiếp nhân sinh khổ lụy.
Dòng thơ Ngô Nguyên Nghiễm mãi là suối nguồn yêu thương, chí tình, chung thủy, chảy về bến đời quạnh hiu, để vun đắp cho cuộc sống, như những hạt phù sa cần thiết cho mọi dòng sông! Cái mới trong thơ Ngô Nguyên Nghiễm tôi bắt gặp được là sự ẩn tàng chiều sâu của tư tưởng, của cảm xúc sáng tạo. Thơ Ngô Nguyên Nghiễm bàng bạc triết lý sống đạo Phật, vi tế, như hơi thở êm dịu phả vào cuộc sống xót xa; cho dầu với nhà thơ - mãi mãi là “trăm năm ngàn năm hiến dâng cát bụi”.
Những ngày đầu năm 2019

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt