TIỂU NGUYỆT 
 

THÍCH THIỆN ĐẠO
 
      Thầy Thích Thiện Đạo, xuất thân từ Phật Học Viện Trung Phần Hải Đức Nha Trang, sinh năm 1943 tại Hòa Thịnh, Tây Hòa, Phú Yên; hiện nay trù trì chùa Phi Lai - Hòa Thịnh và chùa Phi Lai - Biên Hòa.
      Trước năm 1975, Thầy là Giám đốc Trung học Tư Thục Bồ Đề Tuy Hòa Phú Yên, và dạy học tại đó. Thầy đã tham gia phật sự tại Tỉnh Hội Phật Giáo Phú Yên từ năm 1970 đến năm 2005. Từ Năm 2005 đến nay (2018) Thầy tham gia phật sự tại Tỉnh Hội Phật Giáo Đồng Nai.
      Ngoài các công tác chuyên môn như: Hành chánh giáo hội, hoằng pháp và giáo dục, Thầy còn tham gia lãnh vực văn nghệ qua các tác phẩm rất có giá trị như: Chuyển hóa, Đường trở về, Giao cảm – có bút danh Lăng Già Tâm.
      Hiện nay Thầy là chức sắc có uy tín của Giáo hội, hoạt động trong các lãnh vực văn hóa, giáo dục, hoằng pháp, từ thiện xã hội.
 
                             Tâm Từ Rộng Mở
               Trong Tác Phẩm “ĐƯỜNG TRỞ VỀ”
                        Của HT THÍCH THIỆN ĐẠO
 
          Tháng chạp năm 2015 tôi may mắn được tham dự buổi gặp gỡ cuối năm và giới thiệu tác phẩm “Đường Trở Về” của Thầy Thích Thiện Đạo tại cà phê Đồng Dao, thành phố Tuy Hòa. Tôi được gặp lại thầy sau 40 năm kể từ năm 1975. Tôi rất vui vì biết mình có duyên lành sau những tháng ngày nằm viện, kịp có mặt trong buổi tối hôm ấy với bạn văn, đồng nghiệp, đông đủ thân hữu của Thầy - nhất là những người thầy năm xưa ở Trường Trung học Bồ Đề Hiếu Xương, và nhiều bạn học cũ của tôi. Tôi nhận được món “quà cuối năm” của thầy tặng.
       “Đường Trở Về” gồm có ba phần:
     -Phần I: Ý Thức Chuyển Hóa.
     -Phần II: Mặn Mà Hương Đạo.
     -Phần Phụ lục.
     Sách dày 206 trang - nhà xuất bản Hồng Đức 2016.
        Thật bất ngờ và vui mừng khi biết thầy của mình không những là một vị hòa thượng uyên thâm, mà còn là một nhà văn, nhà thơ. Cầm tác phẩm “Đường Trở Về” trên tay, tôi vô cùng xúc động và thầm nghĩ “Có đường trở về, ắt phải có sự ra đi”; đi đi, về về trong bể trầm luân. Thế rồi tôi liên tưởng đến những ngày còn bé, ba mẹ tôi nhiều lần sai tôi đi đến nơi nào đó, để làm những việc mà ba mẹ tôi cần nhờ giúp. Lần nào ba tôi cũng nhắc: “Làm xong, con nhớ về liền đấy nhen, đừng ham chơi không nhớ đường về thì khổ!”. Vậy mà, do mãi ham chơi nên tôi cứ la cà, nhiều khi không nhớ ba mẹ đã sai mình đi đâu, làm gì? Có khi, lúc trời tối sầm, không còn nhớ đường về nhà, để mẹ tôi phải chạy đi kiếm. Và có lẽ thầy giống như ba mẹ tôi ngày trước, đã chỉ cho tôi - mọi người, con đường trở về với Tự Tánh, với Thiện Lành, với cứu cánh giải thoát khỏi nỗi khổ đau trầm luân, để đời nầy được vui, đời sau cũng được vui!
       Đường Trở Về là tâm sự thao thiết, là tấm lòng bao dung, là Tâm Từ rộng mở, để đón chào mọi người. Thầy đã  nhắc nhở mỗi chúng ta hãy tự mình quay về với bản tâm thanh thịnh vô nhiễm đã sẵn có từ ngàn xưa, mà chúng ta đã quên, mãi trôi lăn theo giòng sinh tử, luân hồi khổ đau triền miên. Vì vô minh che mờ, chúng ta không nhớ mình là ai, từ đâu đến, sẽ đi về đâu, và mình đang làm gì? Sự khuyên nhủ, nhắc nhở như lời kêu gọi chí tình, tha thiết “Hãy dừng lại đừng rong ruổi tìm cầu nữa, chúng ta sẽ nhận diện được con người thật của chúng ta. Của báu không ở bên ngoài, mà ở ngay trong ngôi nhà tâm thức của chúng ta” (Người Xa Nguồn Cội - trang 79). Chúng ta đã lang thang trên khắp nẻo đi - về, vì danh lợi, vì tham sân, vì nhu cầu để vun đắp cho bản thân; và vì mê mải hưởng thụ nên quên hết lối trở về, để ngày càng lún sâu trong lầm lạc, u tối. Hãy lắng nghe lời của thầy chia sẻ: “Đã đến lúc chúng ta cần phải trở về với chính mình. Dù có bị trôi lăn vạn nẻo luân hồi hay hụp lặn trăm sông ngàn biển, chúng ta vẫn có thể vượt qua, nếu chúng ta thật sự biết hối đầu” (Người Xa Nguồn Cội - trang 80) - lời khuyên nhủ khẩn thiết làm sao, như lời dịu ngọt dỗ dành những đứa con đi lạc đang đứng bơ vơ giữa dòng đời vạn nẻo của người cha già.
        Tôi rưng rưng theo giòng cảm xúc khi suy gẫm về cuộc đời mình và tôi nghe cay ở mắt khi đọc câu “Dù có trôi lăn vạn nẻo luân hồi hay hụp lặn trăm sông ngàn biển chúng ta vẫn có thể vượt qua”. Tôi đã lăn lông lốc hết nơi này đến nơi khác, khi lên rừng, lúc xuống biển; không biết mình tìm kiếm cái gì, mà lúc nào cũng âu lo, buồn phiền, khổ sở. Vậy là tôi cũng có thể vượt qua, như lời thầy đã dạy? Tôi hân hoan lắm, vì đã nhiều lần tôi tự hỏi chính mình như thế, nhưng tôi không tự trả lời được. Và tâm tôi như được mở ra: “Cầu làm Phật tức là tìm về với tính giác, với con người thật của mình. Khi nào ta bắt gặp được con người thật của ta, tức là ta đã thể nhập vào thật tánh, chân như tánh, như lai tánh” (Tìm Phật Ở Đâu - trang 26). Tôi đã mãi mê tìm kiếm, lên rừng xuống biển trong vô vọng, nên tôi đã đánh mất sự an lạc vì vọng tưởng; vì mong cầu từ bên ngoài; và tôi không biết, không nhìn thấy con đường nào là đi đúng trên ngả rẽ của cuộc đời mình.
           Mầu nhiệm thay: “Tính giác có sẵn trong mỗi chúng ta, thế nhưng chúng ta đã quá nhiều trôi lăn chìm nổi theo trần lao, mãi tìm cầu ảo ảnh bên ngoài cho nên ta đã đánh mất ta” (Tìm Phật Ở Đâu - trang 26). Và “Phật không ngoài chúng sanh, chúng sanh không ngoài Phật. Phật và chúng sanh khác nhau ở mê và ngộ. Mê là chúng sanh, ngộ là Phật, mê thì bất an khổ não, ngộ là an lạc, tự tại” (Tìm Phật Ở Đâu - trang 25). Thế rồi, tôi chợt ngộ ra, tất cả mọi của cải, vật chất, chỉ là giả tạm, hư huyễn - ngay cả thân mình cũng thế. Mọi thứ rồi sẽ mất đi, trở về với cát bụi, tan biến theo thời gian, theo chuỗi nhân duyên vô thường, sau khi mình rời bỏ thân này. Và tôi cảm thấy nhẹ lòng hơn, an tâm hơn, khi đã hiểu ra được như thế. Tôi tập buông xả tất cả những vướng bận không cần thiết, để được nhẹ nhàng “nhẹ nhàng thì bay lên, nặng nề thì rơi xuống” như lời giảng của thầy hôm lễ Đại tường thân mẫu của thầy tại chánh điện chùa Phi Lai tôi đã được tham dự.
         “Vâng, cuộc đời là vô thường, con người là vô thường, tất cả các pháp đều vô thường. Cho nên nhận chân, thẩm sâu được chân lý vô thường thì mọi vọng duyên đều rơi rụng, không còn gì phải nhọc công ôm giữ, để phải thủ chấp một cách đáng thương” (Vườn Tre Lặng Gió - trang 168). Cuộc đời vốn vô thường cho nên mọi thứ có rồi không, không rồi có, mình không cần phải nhọc công ôm giữ lấy những cái ảo ảnh bên ngoài. Tôi đã hiểu được rằng, có mong cầu, tìm kiếm, gắng ôm giữ những “bọt nước” ấy, rồi cuối cùng chúng cũng tan mất, chẳng còn lại được gì, không thể mang theo khi ta xuôi tay. Thế rồi tôi tự nhìn lại, soi vào tận cõi lòng mình, và tôi cảm thấy tâm tôi an vui hơn; vơi bớt đi những phiền não đã và đang theo bám đời sống tôi từ bao năm.
        Những lời tâm huyết của thầy cùng với Tăng Ni đệ tử được chia sẻ trong tác phẩm thật đáng trân trọng. Thầy tự xem mình như một người đi trước, tạo thuận duyên cho đệ tử phát triển tính Phật vốn có trong mỗi người, trên bước đường gian nan đến với Phật. Thầy nhận mình là một người bình thường, lại càng không phải là thần thánh, nhưng thầy chỉ có tâm nguyện: “Đời đời được tu tập chánh pháp và được an trú trong chánh pháp, vĩnh viễn xa lìa tà kiến đảo điên” (Lời Huấn Thị Sau Cùng - trang 187), để tìm An lạc cho chính mình, và nâng đỡ, tạo điều kiện, cho mọi người tiếp bước. Thầy khiêm nhượng dặn dò các đệ tử, hãy luôn tỉnh giác trước sức mạnh danh lợi, vật chất; hãy luôn tôn trọng tất cả, không phân biệt cao thấp; hãy học hỏi để tuệ giác là ngọn hải đăng giữa biển đời tăm tối; hãy hiểu rõ giá trị phép tu “hành xả”, bất vọng, bất cầu; cẩn thận đừng rơi vào ngã chấp. Tôi càng cảm phục, trân trọng hơn khi nghe thầy nói: “Cho tới bây giờ, Thầy cảm thấy Thầy không là Thầy nữa, mà đã hòa nhập vào các con. Cho nên thay vì cảm niệm về Thầy, các con nên hướng về nội tâm các con. Khi nào các con biết nắm bắt được các giá trị tâm linh, tự nhìn rõ được bản tâm của các con, đó chính là lúc các con tôn vinh Thầy, và các con cũng tôn vinh chính các con nữa. Hãy nổ lực tu tập và phụng sự bằng tất cả nội tại của các con, chớ nên tìm kiếm và vay mượn bên ngoài”. (Lời Huấn Thị Sau Cùng - trang 188- 189)
     Đọc được “Đường Trở Về” của thầy Thích Thiện Đạo, tôi biết mình thật có duyên lành với Phật pháp. Tôi ý thức được lời Phật dạy: “Được thân làm người- khó, được thân người toàn vẹn - khó hơn; được gần gũi Phật pháp, lại càng khó hơn!”, nên có được tác phẩm “Đường Trở Về”; tôi như có “con đường” đi tới của đời sống mình, giúp tôi có thể tìm được an vui mỗi ngày trên con đường tìm về với niềm An Lạc vĩnh hằng, đích thực của đời người. Tôi nghĩ, đây là một tác phẩm thật cần thiết không những cho các đệ tử, Phật tử; mà còn cho tất cả những ai muốn trở về với cuộc sống An Vui - muốn trở về nguồn cội, về ngôi nhà Hạnh Phúc xa xưa của chính mình.
 
                                                                        10/2017
  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt