TIỂU NGUYỆT


Thương Lắm Quê Nhà
Tùy Bút

     Trăng đêm nay sáng quá, trên sông nhuộm một màu vàng rực rỡ ánh trăng. Gió mát làm tôi hiu hiu trôi dần vào nỗi nhớ. Nằm trên chòi rớ ngắm nhìn chung quanh, đèn điện trên cầu Bình Tân rực sáng nhưng không che lấp được ánh trăng rọi xuống lấp loáng trên giòng nước. Những chiếc xuồng câu khua mái chèo bì bõm quanh đây. Tôi có thể nhìn thấy rõ nỗi vất vả của bà con ngư dân đánh bắt trên sông nước nầy, từ nhiều năm nay. Họ thả những tấm lưới, những chiếc lờ rồi neo thuyền nằm chờ, rồi lại kéo lên tìm mớ cá, mớ tôm để sáng mai đem ra chợ. Tôi cũng thế! Kéo rớ cả đêm. Tú - chồng tôi, ra sức kéo, rồi chèo ghe ra giữa rớ giũ, trút cá mang vào. Tôi giúp anh lựa ra từng món, cá, tôm, cua cho vào mỗi thứ một cái giỏ rồi thả xuống sông để chúng còn sống, ngày mai mang ra chợ bán.
     Nhìn ánh trăng dịu dàng tỏa xuống một màu vàng ngập tràn trên sông, trên chòi rớ; tôi như mơ màng, lao xao cùng nỗi nhớ quê nhà.
     Trong cô độc và muộn phiền, tôi rất nhớ ngôi nhà ngói đỏ ba gian giữa làng quê thân yêu, mà ba chị em tôi đã sống cùng nội. Nhớ hàng cau nghiêng bóng bên giếng nước, nhớ gốc xoài tuổi thơ tôi đã nằm chờ gió lên, chạy lượm những trái xoài non vừa rụng. Nhớ đủ thứ! Nỗi nhớ quay quắt, cồn cào. Nhớ ơi những trái keo chín, được hai người bạn tuổi nhỏ phía bên kia hàng rào khều rớt bên hàng rào nhà tôi, tôi nhanh nhẹn chạy ra lượm vào; để rồi hai bạn ấy la lên: “Bà giỏi quá hen, người ta khều rớt chưa kịp lượm, chạy ra cướp mất liền hà!”. Tôi lém lỉnh, cười trả lời: “Tui lượm bên hàng rào nhà tui, có qua bên nhà bà đâu?”. Nhớ vô cùng những trò trẻ con cãi nhau vặt vãnh, đâm ra hờn giận lấp trổ rào không cho chui qua chui lại. Những kỷ niệm thân thương một thời thơ ngây  hồn nhiên, nhớ lại đến cay cả mắt.
     Chị em tôi đã lớn dần lên bên lũy tre làng, bên tình thương yêu  đùm bọc của bao người thân, xóm giềng. Rồi Đô - em trai tôi, đến tuổi mười tám - tuổi nghĩa vụ quân sự. Lần đầu tiên nghe nói đến chuyện cầm súng, đánh nhau, Đô sợ, bỏ trốn. Lập tức, sau đó - chính quyền thôn cắt khẩu mấy chị em tôi bỏ đi, không cần biết chúng tôi sẽ ra sao, khi sống mà không hộ khẩu, hộ tịch. Ruộng thì bị thu lại, hộ khẩu bị cắt bỏ. Chúng tôi sống giữa quê nhà không giấy tờ, không ruộng; dù ruộng nhà tôi đóng góp vào hợp tác xã rất nhiều.
     Chị em tôi mấy lượt đến thôn, xã năn nỉ, van xin họ đừng thu ruộng lại, nhưng vô ích. Tôi bàng hoàng, lo sợ, không biết phải làm sao khi chúng tôi phải sống mà không có việc làm để sinh nhai. Tôi chỉ biết khóc. Tôi thương chị Hai vô cùng - chị là đầu tàu, là trách nhiệm; tôi chỉ làm theo lời chị, sai gì làm nấy, ngoài ra không biết tính toán gì.
     Chị Hai thấy chung quanh xóm có người làm gạch, xin phép nội đào đất trong vườn làm gạch. Thế là hằng ngày chúng tôi lấm lem bùn đất, mồ hôi tuôn ướt áo, vật lộn với đất và nước để có thể kiếm tiền mua gạo. Chúng tôi xả đất xuống hầm, tưới nước, ủ lại. Hôm sau, cuốc bâm cho thật nhuyễn, rồi leo lên đạp, bắt đất bỏ lên bờ. Chị em tôi nắn từng viên gạch, phơi thật khô rồi bán cho lò gạch, mua gạo. Chị Hai thật giỏi, tay thoăn thoắt, nhanh nhẹn. Lấy khuôn đặt vào bột đất (rây bũn làm bột áo cho khỏi dính khuôn), hai tay bưng cục đất đã nắn tròn, đập mạnh vào khuôn; lấy dây cung cắt trên mặt, bỏ đất thừa ra ngoài và lấy viên gạch ra đặt trước mặt. Cứ thế tay chị thoăn thoắt, tôi cũng bắt chước làm theo nhưng không nhanh như chị Hai được. Cuộc mưu sinh khó khổ là vậy, nhưng tuổi trẻ, dường như đã khiến cho chủng tôi lạc quan, hồn nhiên, mau quên. Chị em tôi vừa làm vừa hát, nên nỗi mệt nhọc cũng giảm nhẹ, xua tan dần. Lấy công việc làm vui, cố gắng hết sức để có thể tồn tại. Tôi luôn nghĩ đơn giản khi xếp những viên gạch lên hàng, rằng những viên gạch chúng tôi làm ra sẽ dựng nên một ngôi nhà nào đó, một công trình nào đó, là tạo niềm vui và hạnh phúc cho người khác. Thế là chúng tôi  vui vẻ chăm chỉ làm; cảm thấy hạnh phúc vì mình cũng đã làm được việc có ích lợi cho nhiều người.
     Chị em tôi đào lâu cũng hết đất, bang cho bằng phẳng những hầm đã lấy đất làm gạch, rồi trồng rau muống. Trưa, chiều nào tôi và chị Hai cũng tát nước vào rau cho tươi tốt. Tới đợt cắt rau bán chị em tôi rất vất vả, cắt rồi bó; đem chất hết ngoài giếng tưới nước tủ lại cho tươi, sáng mai gánh ra chợ bán. Khuya dậy sớm chất rau vào gióng, gánh ra chợ. Tôi luôn cảm thấy tủi thân, nước mắt cứ chực rơi xuống, và có cảm giác như tôi đang gánh trên vai nỗi muộn phiền chồng chất hằng ngày. Tôi đã gánh trút tất cả giữa các buổi chợ cho vơi nỗi nhọc nhằn, như trút bỏ hết những nỗi đau, nỗi khốn khó, cho đời nhẹ bớt gian truân.
     Nhớ đêm trăng năm nào giữa thung lũng dưới chân đèo (nơi mà tôi đã từng sống, đã từng nuôi cá, nuôi thỏ, nuôi trăn) trong căn nhà chữ A (nói là nhà nhưng thật ra đó là cái trại che nắng, che mưa). Căn nhà nằm trên đồi, làm theo kiểu nhà sàn. Bên trong là chỗ ngủ cho cả nhà, gồm hai vợ chồng và ba đứa con. Bên ngoài là chỗ bạn bè ngồi chơi, mỗi khi có ai ghé thăm. Quanh năm chỉ ngọn đèn dầu leo lét, tối om. Những đêm trăng sáng, tôi không thể nào ngủ được; tôi ra ngồi trước hiên nhà mắt cứ dõi nhìn trăng với nỗi nhớ quê da diết. Có hôm con trai tôi bệnh, nóng sốt mê man, đèn hết dầu. Trong bóng tối lờ mờ ánh sao trời, tôi mò ra vườn hái trái chanh, để làm nước hạ sốt cho con. Bấy giờ, tôi nhớ ánh điện ấm áp quê nhà quá; và tôi ao ước được một chút ánh sáng nguồn điện ở quê, ao ước một chút tình thân chia sẻ bên mình, để có thể xoa dịu nỗi nhọc nhằn, vất vả; nhưng không dễ gì có được! Nước mắt tôi chảy lưng tròng trong bóng đêm, khi đắp chiếc khăn ướt lên trán đứa con trai cho bớt sốt. Tôi lâm râm cầu nguyện Trời Phật.
     Thế rồi, một hôm, có người bạn cho chúng tôi một dụng cụ để tạo ra nguồn điện, gồm mô-tơ và hệ thống cánh quạt. Chúng tôi đắp đập, ngăn dòng suối rồi đặt dụng cụ ấy vào chỗ nước chảy. Thế là có điện, dù chỉ thắp sáng; nhưng tôi rất vui và hạnh phúc.
     Hằng ngày, tôi chặt chuối bầm nhuyễn trộn cám cho đàn gà và vịt. Sau đó, mang giỏ đi cắt cỏ đem về thả xuống hồ cho cá ăn. Vậy là hết buổi, xong rồi lo cơm nước. Chồng tôi bận việc khác, anh chạy vào Đại Lãnh mua cá thồ ra Hòa Tâm bán cho người ta nuôi tôm. Thật vất vả, nhưng bù lại chúng tôi được bên nhau, được ngắm nhìn vẻ đẹp của thung lũng Hoàng Hoa. Đó là cái tên anh đặt khi chúng tôi đến ở đây, cho văn vẻ, cho thi vị; cho đẹp hơn, vui hơn khi sống giữa đèo heo hút. Gọi là Thung Lũng Hoàng Hoa bởi chung quanh núi rừng bạch đàn là những cội Mai Rừng, đến mùa xuân nở vàng cả thung lũng. Dân ngoài Hòa Xuân, Phú Khê hay vào chặt cành mang về chưng trong những ngày tết. Thung Lũng Hoàng Hoa luôn đẹp, luôn là nỗi nhớ, dù tôi có đi bất cứ nơi đâu.
     Một đêm trăng nọ, bầy bò nhà tôi sổ chuồng chạy đi ra ngoài. Chúng cứ thư thả, ung dung đi trên đường ray xe lửa, đâu biết rằng nguy hiểm đang đợi phía trước. Thế là chúng bị xe lửa mang. Tôi đau lòng khi nhìn thấy chúng bị tàu cán dập nát, máu me văng đầy. Tôi hoảng sợ và tôi nghĩ: “Sao kiếp sống lại khốn khó đau thương đến vậy, ngay cả những con bò?”. Dù sao, tôi cũng đã luôn an ủi, căn dặn chính mình là phải sống hết mình cho tương lai của các con. Tôi dần dần tìm lại được nỗi bình an, vui vẻ, gắng thu xếp lại mọi thứ, và sống tiếp, để làm chỗ dựa cho các con trong bất kỳ cảnh ngộ nào.
     Tôi lo lắng nhất là mùa đông. Mùa mưa lại về, mưa ròng rã suốt cả tuần, mỗi ngày mưa càng lớn. Chúng tôi chạy đi mua những cái bao cát, bao phân ure về xúc đất đổ vào bao chất trên bờ hồ đang nuôi cá. Chúng tôi dầm mưa để làm việc với lòng lo sợ, lẽ nào bao nhiêu công sức chúng tôi bỏ sẽ trôi theo dòng suối? Chạy lên chạy xuống trong mưa, hì hục làm việc. Tôi lo sợ, tôi tủi thân, và cứ thế nước mắt lại chảy. Trời không thương - không bớt mưa, mà ngày càng nặng hạt. Hồ nuôi cá của chúng tôi bị bể; cá trong hồ ào ào bơi ra suối, ra sông. Chúng tôi đứng nhìn, lòng ngậm ngùi mà chẳng biết oán than ai.
     Rồi chúng tôi trở lại căn nhà giữa ngả ba Đèo Cả. Bằng lòng với cái mình có và bắt đầu làm lại. Anh chạy xe thồ, tôi mở quán nước bán cho người qua lại, lên xuống Vũng Rô. Hằng ngày, anh dậy sớm chạy ra chợ Hòa Xuân mua cá Lóc, Lươn, Ốc rồi về chạy thồ. Quán của tôi thưa khách, nhưng cũng tạm. Chúng tôi để dành tiền và cố gắng xây lại căn nhà cho khang trang. Tôi mơ ước có được ngôi nhà xây bằng gạch, lợp ngói cho mát, có chỗ các con ở khi đang chui đụt giữa ngả ba đèo heo hút, không điện, không nước. Tôi vất vả xách từng thùng nước từ dưới suối lên con dốc thẳng đứng. Vậy mà chúng tôi vẫn sống, vẫn khỏe mạnh giữa ngả ba đèo quanh năm lộng gió. Căn nhà xây xong, chưa kịp đi đường súc thì một cơn bão rớt vào ngay Vũng Rô.
     Nghe đài báo bão, tôi đưa các con về thị trấn gởi bà Ngoại trong buổi sáng rồi trở vào ngả ba đèo. Khoảng hai giờ chiều trời bắt đầu đổ gió, mỗi lúc càng mạnh hơn. Mưa dầm dề, xối xả. Gió rít từng cơn rất mạnh, bão cấp 12. Hai vợ chồng tôi chạy sang ngôi nhà bỏ hoang bên kia đường trú bão. Trên quốc lộ xe chạy không nổi, nhích từng chút một rồi dừng hẳn. Một cơn gió mạnh rít lên, thốc qua, căn nhà vừa xây của tôi rung lên, nhún nhẩy, rồi đổ ầm xuống thành một đống gạch vụn. Tôi hoảng hốt nhoài người ra khỏi nơi trú bão chạy qua ngôi nhà của tôi vừa đổ, nhưng gió thổi nhấc bổng tôi lên cao và thảy tôi xuống cách chỗ trú hơn mười mét. Anh nhoài người theo, nắm tay tôi nhưng vuột khỏi, anh cũng bị gió tung lên rơi phía dưới tôi một đoạn. Hai chúng tôi bò lần về lại nơi căn nhà bỏ hoang, đôi chân tôi rướm máu, rát vô cùng. Đôi bàn tay đỏ lòm vì bám chặt dưới mặt đường. Tôi khóc rấm rứt, anh an ủi tôi “Bình tĩnh đi em, cố lên, còn người là còn tất cả”. Một đợt mưa phao trắng cả núi rừng từ hai chiếc xe chở toàn những can nhựa trắng. Trận mưa phao biểu diễn ngay trước mắt tôi, tôi hãi hùng nhắm mắt lại rồi mở ra. Trại nuôi dê của ông Khánh bên nhà bị gió cuốn bay trong mưa bão. Gió rít từng cơn như giận dữ, hung bạo giật tung tất cả cuốn lên cao. Những con dê kêu hãi hùng, bị thổi tung bay trong màn mưa trắng xóa. Tôi khóc to hơn, như trút bỏ những thương đau, cho nước mắt cuốn sạch tất cả, cho vơi nỗi đau đang xé nát trong lòng. Đâu rồi căn nhà mơ ước? Đâu rồi những tiếng cười vui? Trong tôi như sụp đổ hoàn toàn, hai chân tôi run không đứng nổi, hai bàn tay tôi ôm cây cột nhà sợ gió cuốn tôi bay. Tôi khóc, cứ khóc như thế không thể nào nín được. Rồi gió dịu dần và ngừng hẳn.
     Tôi lê chân sang ngồi bên đống gạch, ngói, vữa của ngôi nhà thân yêu vừa đổ xuống. Tôi sờ chúng như xoa nhẹ nỗi đau đang cào xé trong tôi. Tôi cố tìm một điều gì đó, một cái gì đó cho tôi bấu víu, cho tôi làm điểm tựa ngã lòng mình một chút; nhưng không biết tựa vào điều chi, tựa vào cái gì. Tôi lê chân rát buốt, lở lói đi chung quanh ngôi nhà để nhìn cho rõ, những viên gạch tôi đã mơ ước sẽ dựng nên ngôi nhà hạnh phúc.
     Rồi gió mạnh dần. Bão lại nồm.
    Tôi lật đật chạy trở lại ngôi nhà hoang ôm cây cột như cũ, sợ gió giật cuốn tung lên trời. Một màn mưa phao trắng bay ngược trở lại giữa những cơn gió rít hung dữ. Tôi rùng mình, chưa bao giờ tôi chứng kiến cơn bão nào mạnh đến thế. Hai tay tôi ôm chặt cây cột rát buốt. Gió mạnh hơn khi trước, hai trụ cổng Vũng Rô thôn đổ ầm xuống. Tôi giật mình, cố níu thật chặt không cho gió cuốn tung. Tôi khóc, tôi sợ và cố bám, bám thật chặt. Hơn mười lăm, hai mươi phút gió suy yếu dần, yếu dần và bão ngừng hẳn.
     Chúng tôi căng tấm bạt tạm che nắng, che mưa. Vợ chồng, con cái sống dưới tấm bạt che ngang phía trên. Tôi dọn từng viên gạch, cố xếp cho thẳng thóm để hy vọng xây lại ngôi nhà khác. Tôi làm việc cần mẫn, chăm chỉ. Hằng ngày xe lên xuống tấp nập, con đi tìm cha, vợ đi tìm chồng, gia đình tìm người thân đã chết trong cơn bão vừa qua. Ghe chìm rất nhiều và người chết cũng rất nhiều. Ngày nào cũng có xác chết chở lên, khiêng ngang qua nhà. Nhìn lại mình, tôi cảm thấy mình còn may mắn hơn, đỡ tủi thân. So với bà con, tôi chỉ mất ngôi nhà, trong lúc họ mất cả những người thân yêu.
      Trải qua những khốn khó, đau thương đã làm cho tôi vững vàng hơn, mạnh mẽ hơn. Những kỷ niệm đau thương ngút ngàn đã làm tôi tái tê; nhưng cũng có những kỷ niệm của tuổi thơ đã làm tâm hồn tôi nhẹ nhàng, êm dịu. Quê hương luôn sống trong lòng tôi với bao hình ảnh thơ mộng, êm đềm, khổ đau và hạnh phúc. Thương làm sao lũ bạn tuổi thơ, cùng hát hò, cùng đố vui, cùng chơi đủ trò; chơi quên cả thời gian, quên cả mỏi mệt. Thương những cánh diều làm bằng giấy vở học trò mà chúng tôi cùng thả, cùng chạy trên cánh đồng sau mùa gặt. Chúng tôi cười, chúng tôi giỡn, chúng tôi hát ca, cùng chạy trên những gốc rạ đau rát cả chân. Thương lũy tre làng quanh năm che bóng mát, để chúng tôi có thể rong chơi giữa những trưa nắng gắt. Thương những chiếc chong chóng lá dứa với tiếng cười giòn giã năm nào. Cánh đồng lúa xanh xanh trải dài tít chân trời, cầu Lưới Gõ, núi Đá Bia xa xa, mờ mờ với câu hát “Chiều chiều mây phủ Đá Bia”. Đâu đây là ngôi nhà ngói đỏ ba gian với giàn hoa mướp vàng rực rỡ; Nội tôi ngồi ngoáy trầu trên chiếc phản trước hiên. Tôi nghe cay sè đôi mắt.
        Quê nhà, dầu lắm tang thương dâu biển, nhưng vẫn luôn là nơi lưu giữ bao kỷ niệm, bao yêu thương, mà suốt đời tôi sẽ chẳng bao giờ quên được. Thung lũng Hoàng Hoa ngày nào bây giờ cũng chỉ còn trong ký ức mờ xa; lời dặn dò “còn người là còn tất cả” cũng theo giông bão xa khơi. Nhưng với tôi, Quê nhà là có thực, là đời sống gắn bó gần gũi cho đến hơi thở cuối cùng - Thương lắm Quê nhà ơi!
 
    04/2017


  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt