TIỂU NGUYỆT
Tiếng Khóc Giữa Đêm Khuya
Truyện ngắn
Tiếng Khóc Giữa Đêm Khuya
Truyện ngắn
Bà Diệp đỡ chồng bước xuống khỏi chiếc Taxi. Ông Chẩn - chồng bà Diệp, lảo đảo, tay vịn vào vai vợ, bước xiêu quẹo từng bước vào nhà. Bác tài mang giúp bà Diệp đồ đạc, vội vã bước theo bà. Bà Diệp mở khóa cửa: Căn nhà u ám, bụi bặm, lạnh ngắt.
Bà thở dài:
-Mới mười mấy ngày mà hiu quạnh quá không biết - rồi quay lại nói với bác tài - cháu kéo giùm chiếc ghế dựa lại đây cho ông ngồi tạm một lát, để thiếm dọn dẹp bớt mùi hôi rồi mới để ông nằm.
Bác tài xế “dạ”, chạy kéo chiếc ghế dựa phụ bà Diệp đặt ông Chẩn ngồi xuống. Bà Diệp nhìn thẳng vào gương mặt đầy đặn của bác tài, móc túi lấy tiền, gởi tiền xe và cảm ơn.
Ông Chẩn ngồi im, thở hổn hển, nhìn căn nhà trống huếch, giọng trầm thấp, buồn:
-Bà vào giũ chiếu, dọn giường trước cho tui nằm, rồi từ từ khi nào rảnh mới dọn dẹp nhà cửa. Tui chóng mặt quá không ngồi được nữa đâu.
Bà Diệp lật đật chạy vào giũ chiếc chiếu trải lại ngay ngắn, lấy chổi quét vội căn phòng rồi đưa ông Chẩn vào nằm trên giường - nghĩ thầm, mới mười ngày đi vắng, không có người ở mà căn nhà trở nên u ám thế này, không biết mai mốt sẽ ra sao?
Bà không dám nghĩ tiếp - bà sợ, nỗi lo sợ trong chiếc đầu khô khốc của bà làm bà Diệp dún cả người. Bà quét sơ căn nhà rồi xuống bếp bắt nồi cháo. Đôi mắt bà đỏ hoe, cay sè, như có khói bay vào. Bà Diệp dụi mắt, cố xua đi nỗi buồn lo, nhưng sao cứ nghe nghèn nghẹn ở cổ. Bà đã gọi điện báo với Dinh - Hằng (vợ chồng con trai cả), rằng hôm nay bà đưa ông Chẩn về, đã nhờ hai vợ chồng con trai về dọn dẹp nhà cửa trước; vậy mà nó phớt lờ như không hề nghe biết.
Vừa nấu nồi cháo bà vừa lau chùi, dọn dẹp lại gian bếp cho sạch sẽ. Như bao lần, bà cố nuốt nỗi buồn vào trong, tất bật với công việc, nhưng sao bà vẫn cảm thấy lao xao buồn, rưng rưng tủi phận. Chòm xóm nghe thấy, đã đôi lần nói với vợ chồng bà - với tuổi của ông bà bây giờ là phải được an nhàn, cậy nhờ con cháu; nhưng với ông bà Chẩn, thì hoàn toàn ngược lại. Đã không hề cậy nhờ được gì mà còn bị chúng hoạnh họe, làm khổ đủ thứ. Đã vậy, chúng luôn so bì rằng ông bà thương đứa này hơn, lo cho đứa kia hơn; dù thực tế không phải vậy, bà có nói bao nhiêu lần rằng bà yêu thương tất cả các con như nhau, tất cả đều là do núm ruột bà cắt ra; nhưng những lời tâm sự ấy như nước đổ lá môn vậy. Chúng nói, để nói; không hề để tai nghe. Lời trần tình, tâm sự của bà giống như cơn gió tình cờ thoảng qua tai chúng. Lâu dần, dù có đắng cay, khổ tâm đến đâu, vợ chồng bà Diệp cũng cắn răng ráng chịu một mình.
* * *
Ông Chẩn đang mạnh giỏi, một buổi sớm đang thả lờ, đánh cá trên sông; bổng nhiên cảm thấy đau nhức trong đầu - như có ai đập mạnh, rồi nôn thốc, nôn tháo, phải nhập viện ngay sau đó. Ông nằm viện gần hai tháng, nhưng các bác sĩ chưa tìm ra nguyên nhân, nên họ chuyển ông vào bệnh viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn để tiếp tục chữa trị.
Ông bà Chẩn vốn ít học, quanh năm chỉ biết đánh bắt trên sông, nên nghe nói sẽ chuyển vào Sài Gòn là lo sợ. Miền đất Sài Gòn với ông bà còn rất xa lạ, như một vùng đất xa xăm, mờ mịt nào. Ông bà đành phải gọi nhờ Dinh - cậu con trai lớn, đưa ông bà đi, chứ một mình bà sẽ không biết xoay trở thế nào, nếu có điều gì không may xảy ra. Bà Diệp im lặng trước những lời cằn nhằn của Hằng, miễn sao con trai bà đồng ý đưa giúp ba nó đi là được. Từ xưa, bà Diệp chịu khổ, một thân chạy đôn, chạy đáo để lo cho chồng, dù ông bà có những năm đứa con, nhưng bà cũng chẳng nhận đuọc sự phụ giúp của đứa nào - ngay cả những lời an ủi.
Nằm viện ở Sài Gòn được một tháng, ông đỡ hẳn. Bác sĩ cho xuất viện về nhà. Trong đầu ông Chẩn không còn những cơn đau dữ dội nữa, chỉ thỉnh thoảng đau riêm một chút rồi hết. Ông Chẩn phụ giúp vợ chèo ghe cho bà thả hoặc kéo lưới, chứ ông không đủ sức để kéo một tấm lờ như thuở trước.
Khoảng bốn giờ sáng, ông Chẩn chèo ghe, bà Diệp kéo lờ; họ bắt những con cá, con tôm trên sông rồi mang ra chợ bán. Trời mưa, trời gió, lạnh hay không lạnh, họ vẫn kiên nhẫn, chăm chút làm việc như đàn gà. Ngày trước, công việc này đối với ông bà thật nhẹ nhàng; nhưng từ khi ông Chẩn bị bệnh, họ vẫn tiếp tục làm để kiếm sống, nhưng trông rất mệt nhọc, khó khăn. Nhiều khi cả vợ chồng phải dừng tay, nghỉ một lát vì đuối sức.
Kéo xong những chiếc lờ, kiếm được một ít tôm cá, ông Chẩn chở vợ chạy ra chợ rồi về nhà nằm nghỉ. Họ cần có nhau, bên nhau, như hình với bóng - thiếu người này là người kia khó lòng mà sống được. Đôi khi, ngồi một mình trước hiên, bà Diệp rất sợ, rất lo về một ngày nào đó ông Chẩn từ bỏ bà ra đi vĩnh viễn; nên ông đau một, bà đau hai, ông không ăn, bà khó mà nuốt nổi. Hai vợ chồng vẫn thường im lặng nhìn nhau, trong nỗi cảm thông nghẹn ngào mà nước mắt cứ tự nhiên ứa trào ra; rồi cùng nói: ”Thôi đừng buồn nữa!” .
* * *
Bà Diệp đút từng muỗng cháo cho chồng, bà an ủi: “Mình cố lên! Ráng ăn vào cho khỏi bệnh, đừng bỏ tui một mình, tui sợ lắm!”. Ông Chẩn nhìn bà, ánh mắt long lanh, biết ơn. Ông gật đầu như đã quyết lòng sống bên bà, sẽ không bao giờ ra đi trước, bỏ bà lại một mình. Lòng ông Chẩn mong cầu vậy - vợ chồng trưa sớm có nhau, nhưng rồi luôn lo sợ khi nhìn thấy sức lực của mình ngày càng suy yếu dần. Nhìn ông nuốt từng muỗng cháo thều thào, bà Diệp bỗng như nghe lời Hằng vang vọng đâu đây: “Ông bà còn sức thì lo mà làm ăn, chừng nào nằm một chỗ, tụi tui mới nuôi”. Mỗi lần, bỗng nhiên nghe lại âm vang ấy bà Diệp đều cay đắng khóc thầm - bà đâu có muốn chúng phải nuôi ông bà, bà chỉ mong chúng biết yêu thương nhau, hiếu thuận, là bà yên lòng rồi.
Bà Diệp không hiểu sao, mấy đứa con trai của bà lại ghét em gái của chúng nhiều như vậy. Đứa em gái đã bất hạnh, phải dở dang chuyện chồng con, lẽ ra chúng phải thương yêu, an ủi, đùm bọc nhiều hơn, chứ sao lại ghét bỏ? Bà không thể nào hiểu nổi được lòng dạ của chúng, dầu năm lần bảy lượt bà đã khuyên nhủ, năn nỉ. Thuở nhỏ, bà thường nghe nói câu “sanh con chứ không thể sanh lòng”; đến tuổi già, bà mới hiểu. Nghĩ đến Thụy - đứa con gái duy nhất của bà, bà nghe xót xa trong lòng. Bà Diệp thương Thụy, nhưng không dám để lộ ra ngoài, vậy mà các con trai của bà vẫn cứ nói “thứ gì bà cũng giấu đút cho nó hết, tụi tui không phải là con à?”. Bà Diệp chỉ trả lời chúng vỏn vẹn một câu “Tao có thứ gì mà cho, còn bộ xương già này, tụi mày có lấy thì róc thịt ra mà lấy!”.
Thụy có hai đứa con, một gái, một trai; hai vợ chồng Thụy ly hôn, hai đứa con theo cha, Thụy về sống với ông bà Diệp. Thụy rất khổ sở vì các anh và chị dâu nói ra, nói vào. Thụy thương cha mẹ đã vì cưu mang mình mà bị anh chị nói nặng nhẹ, đay nghiến; cho nên khi có người muốn cùng cô xây dựng hạnh phúc, cô đồng ý ngay, dù không biết người ta như thế nào, miễn anh ta độc thân là được. Nhưng Thụy may mắn là gặp Hưng - chồng Thụy, rất hiếu thuận với cha mẹ cô, luôn yêu thương và chia sẻ cùng cô những vui buồn, khó khăn, dù Hưng không học hành bao nhiêu; chỉ là người thợ xây, hằng ngày đi làm công cho người ta. Vậy mà, tối nào Hưng cũng đưa vợ về thăm ông bà Chẩn, khi thì mua cho ông tô phở, khi thì bún, hoặc bánh canh. Mỗi khi nhận được lương, anh luôn mua lốc nước yến, lốc sữa, hay cho ông Chẩn ít tiền bỏ túi, khi muốn mua gì thì mua. Bà Diệp rất vui khi thấy con gái gặp được người tử tế, bà mừng cho con; nhưng cũng từ đấy, con trai và con dâu bà ghét cay, ghét đắng vợ chồng Thụy, luôn tìm cớ nói ra, nói vào. Đạo và Quyên (vợ chồng con trai thứ) bĩu môi: “Quí tô phở, tô bún quá há! Nó cho ông bà mấy đồng bạc lẻ đó rồi rút hết ruột non, ruột già của ông bà đó, có cái gì bà không luồn cho nó, tui biết quá mà”. Cả cuộc đời ông bà làm lụng vất vả, ráng lo cho các con đầy đủ với người ta, còn vay mượn thêm - làm gì có dư mà luồn đút cho đứa nào. Rồi bà Diệp lại nghĩ: “Thôi, đứa nào nghĩ sai thì kệ nó, đều là con cái mình sinh ra biết làm sao?”. Bà cố chịu đựng, vì không biết than thở cậy nhờ cùng ai, lâu dần trở nên thói quen, chúng ngỗ ngược, muốn nói gì thì nói; bà ngồi im như một tượng gỗ.
Bà Diệp ứa nước mắt nhớ lại: Khi Đạo bốn, năm tuổi; trong cơn nóng sốt mê man; Đạo trợn mắt, co giựt, làm bà Diệp hoảng sợ đưa con trai vào viện cấp cứu. Đạo bị bại liệt sau cơn sốt. Bà Diệp khóc hết nước mắt khi con trai bà không đứng dậy được nữa. Bà chạy chữa khắp nơi, ai chỉ chỗ nào hay, chỗ nào chữa khỏi, bà đều ẵm con tìm đến. Bà luôn cầu nguyện: “Xin cho con trai con bình yên, lành bệnh; con xin lấy thân này để trả cho hết món nợ này, con xin chịu tất cả những khổ đau thuộc về con”. Trong năm năm ròng rã, bà Diệp ẵm con đi khắp nơi để chữa trị. Bà Diệp ngâm rượu thuốc thoa bóp đôi chân cho Đạo, bỏ lửa than hơ nóng theo cách trị dân gian suốt ngày đêm, người ta bày gì bà cũng làm; và cuối cùng, có lẽ trời thương bà đã có lòng thành nên con trai bà đã đứng lên và đi được.
Lớn lên - Đạo xăm hàng chữ “Vì con mẹ khổ” trên cánh tay như để nhớ người mẹ đã vì anh mà khổ cực. Thời gian trôi theo sự quên dần của anh, những vất vả mà mẹ anh đã làm vì anh cũng trôi theo như bọt nước; hàng chữ trên tay anh vẫn còn đậm nét vậy mà anh đã quên, quên mất dòng chữ “vì con mẹ khổ” đã ăn sâu vào da thịt. Những lời chì chiết, nguyền rũa, so bì trong anh càng mạnh hơn trong những cơn say. Anh phun hết ra như con rắn độc phì phò phun nọc, mặc cha mẹ anh đớn đau, quằn quại thế nào cũng kệ. Rồi cuối cùng, anh cấm a dua theo anh chị; cấm đứa em gái đáng thương kia bước vào nhà cha mẹ, dù nó về cũng chỉ để chăm sóc, chia sẻ cùng cha mẹ những vất vả, nhọc nhằn mà thôi. Bà Diệp khóc hết nước mắt, còn ông Chẩn luôn an ủi bà với câu: “mình vô phước bà ạ”.
* * *
Bà Diệp gọi điện báo tin cho các con về nhà để họp bàn việc gia đình. Vợ chồng con trai lớn vừa bước vào đã nghe tiếng Đạo càu nhàu:
- Họp với bàn, tui không có gì để đóng góp. Nếu ổng mổ tui cố gắng lắm chạy được một triệu thôi, còn bao nhiêu là anh chị Hai và vợ chồng thằng Hào lo – anh ngập ngừng, còn vợ chồng con Thụy nữa, trai gái gì cũng như nhau.
- Chú nói gì? Tui cũng như chú thôi. Tiếng anh Dinh là con trai cả mà có hưởng gì đâu, tụi tui cũng tự lập, tự gầy dựng mới có được cái nhà để ở chớ giàu có gì mà chú nói còn bao nhiêu anh chị Hai. – Hằng lớn tiếng.
Dinh bước lại chiếc ghế dài ngồi xuống rồi thong thả nói:
- Bác sĩ bảo thế nào mà nói mổ xẻ? Đưa giấy tờ khám bệnh tui coi thử.
Bà Diệp mở tủ lấy xấp giấy tờ đưa cho Dinh - giọng từ tốn:
- Bác sĩ nói Ba tụi mầy có cục bướu trong cổ bao tử, nên ăn uống gì cũng đều nôn ói ra hết. Phải chạy tiền nhập viện để mổ, đâu khoảng gần trăm triệu. Giờ tụi con tính thử chứ Má biết làm sao.
- Trời ơi trời! Gì mà trăm triệu, 5 hoặc 10 triệu ráng chạy, chứ chừng ấy tiền đào đâu ra vậy?
Bà Diệp thở dài:
- Thì vậy tao mới kêu tụi bay về, để tính coi phải làm sao?
Hào - con trai thứ, em của Đạo, nãy giờ ngồi yên, đứng dậy lớn tiếng:
- Sao trăng gì nữa, mổ hay không mổ trước sau cũng chết. Chạy đâu cho ra trăm triệu để mổ mà bàn với chả bàn. Thôi mấy người tính gì thì tính, chứ tui không có tiền đâu. Tui về!
Thụy khóc thút thít, cô đứng lên thưa với mẹ và các anh chị:
- Theo em thì mình cố chạy chữa cho Ba dù có bán nhà. Các anh chị cứ ráng chạy tiền cho Ba mổ, khi nào bán được nhà Ba Má sẽ thanh toán lại. Không có nhà thì mình thuê nhà mà ở chứ Ba mất đi rồi, biết tìm Ba ở đâu hở các anh?
Bà Diệp nghe con gái nói thế bỗng khóc òa, nức nở. Biết rằng ai rồi cũng phải chết, nhưng bà không thể sống nếu ông bỏ bà ra đi. Còn người là còn tất cả, bà mong sao các con bà ai cũng nghĩ như Thụy, để có thể lo cho ông Chẩn. Còn nước còn tát, người xưa đã từng nói như vậy cơ mà.
Hưng đồng tình với Thụy:
- Thụy nói đúng đó các anh chị. Giờ chúng ta mỗi người cùng lo chạy tiền mổ cho Ba, khi nào bán được nhà Má sẽ trả lại. Mỗi người một tay, em cũng sẽ cố gắng để chạy tiền. Em nghĩ chúng ta chung sức sẽ làm được thôi.
Hằng quay đầu thầm thì với Quyên gì đó, rồi đứng bật dậy nói - giọng rõ ràng:
-Tui cố gắng lắm cũng chỉ chục triệu là cùng, ít bữa có tiền tui mang về cho Má. Ai có giỏi thì chạy đi, tui về.
Nói xong, Hằng kéo tay chồng bước ra sân. Quyên đứng dậy nói thêm:
- Còn con, Má biết đấy, tụi con vừa mới cất được cái nhà, nợ nần ngập đầu ngập cổ. Vợ chồng con gắng lắm chỉ 5, 7 triệu thôi. Hôm nào chạy có tiền con sẽ mang về cho Má để lo cho Ba.
Nói xong, hai vợ chồng Đạo và Quyên cũng ra về, chỉ còn lại hai vợ chồng Thụy. Thằng Út nãy giờ ngồi nghe các anh chị nói qua nói về, thở dài buồn bã. Út còn nhỏ quá, mới học hết lớp 9 hết hè này vào cấp III thì làm được gì. Út ôm bà Diệp khóc:
- Má ơi! Hay để con nghỉ học đi làm kiếm tiền phụ má cho rồi, học hành mà làm gì nữa.
Hưng nói giọng dứt khoát:
- Không được! Út phải là người thay các anh chị bước vào đại học. Anh sẽ lo cho em ăn học tới nơi tới chốn. Còn chuyện này em đừng lo, trời không nỡ phụ người có tâm bao giờ, để từ từ anh tính.
Có tính gì đi nữa, bấy lâu nay chạy chữa cho ông Chẩn hết tiền dành dụm còn nợ mấy chục triệu, đồ đạc trong nhà bán dần hết có còn gì giá trị nữa đâu. Từ khi ông Chấn bị bệnh đến nay đã hơn một năm rồi, hai hoặc ba tháng là phải vào Sài Gòn tái khám, mỗi lần tái khám tốn năm, bảy triệu.
Ông Chẩn ăn vào là nôn ra, uống chút xíu nước cũng ói mửa, cái bao tử của ông hình như không muốn nhận thức ăn nữa. Lần này vào tái khám, bác sĩ cho biết trong cổ bao tử ông Chẩn có khối u, cần phải mổ may ra ông Chẩn mới có thể ăn uống được. Bà Diệp bàng hoàng như rơi xuống giòng nước chảy xiết, không biết bám víu vào đâu, đành gọi các con về để bàn việc. Con trai và con dâu bà Diệp coi ông bà như món nợ, bỏ mặc thì sợ tiếng đời, còn giúp gì chút đỉnh là cơ hội cho chúng chì chiết, dạy khôn ông bà.
Ngày Thụy còn con gái, hết chăm con anh Hai, rồi tới con anh Ba. Thụy luôn đưa đón các cháu đến nhà trẻ, lo cháu để anh chị đi làm; trong xóm ai cũng nói sau này chắc anh chị sẽ thương yêu Thụy và lo cho em gái nhiều lắm. Nhưng không, anh Hai, anh Ba, anh Tư, ai cũng ghét cô và cấm không cho Thụy về nhà cha mẹ với lời tuyên bố: “Nó mà về cái nhà này là sẽ không có tụi tui, tụi tui không ưa cái thứ bỏ chồng!”. Bà Diệp vô cùng đau khổ, bà thương duyên phận con gái lỡ làng, hồng nhan truân chuyên nào ai muốn. Vậy mà các con trai, con dâu bà xem đó là cái cớ để hạnh họe, sỉ nhục em gái.
Vợ chồng Thụy thuê căn phòng ở khu trọ gần nhà. Căn phòng chỉ 20 mét vuông (luôn phòng vệ sinh), cho nên hôm tổ chức thôi nôi cho thằng Tí (con trai Hưng - Thụy), Hưng xin phép ông bà Chẩn sẽ làm ở nhà ông bà cho rộng rãi. Thế mà, Đạo cùng Hào nghe tin lật đật chạy về la hét om sòm: “Tụi mày không dẹp đi là tao đổ hết, không được về đây tổ chức cái gì nghe chưa?”. Vợ chồng Thụy vừa khóc vừa dọn qua nhà bên cạnh xin họ tổ chức cho cháu. Bà Diệp ấm ức: “Mắc mớ gì tới tụi mầy, nó tổ chức cho cháu vui cửa vui nhà làm gì mà dữ vậy. Nhà tao chớ có phải của chúng mầy đâu mà quyền hạn thế?”. Đạo đỏ mặt hét lớn: “Nhà bà thì mai mốt sống chết gì cũng ôm giữ đi nhen, đừng có mà kêu cái thằng này. Gì cũng con gái, tụi tui không phải bà đẻ ra à?”.
Bà Diệp chỉ thút thít, không dám khóc lớn, đưa tay quẹt nước mắt, đầu óc quay cuồng nhớ hết chuyện này đến chuyện khác. Bà nhớ, hôm bà đi chợ bán cá về, ghé vào quán Hằng (quán nhỏ bên đường bán cho công nhân điểm tâm, cà phê buổi sáng). Đói bụng quá, bà Diệp biểu Hằng chế cho bà gói mì tôm và cái trứng gà. Bà ăn xong đưa cho Hằng tờ mười nghìn, bà hỏi: “Bao nhiêu đó đủ chưa con?”. Hằng cầm tờ bạc trong tay, tần ngần hồi lâu, rồi nói: “Thôi, bao nhiêu đó cũng được.” Bà buồn, buồn tận trong lòng với câu nói của con dâu. Người ta thì thấy mẹ đói bụng lật đật mời mẹ ăn cái này, cái kia; còn con dâu bà, nhận mười nghìn mà còn nói “thôi, bao nhiêu đó cũng được”. Bà nghĩ, một gói mì nhiều nhất là ba nghìn, cái trứng hai nghìn; vậy mà nó còn nói bao nhiêu đó cũng được. Như thế, làm sao mà nó chạy tiền lo cho ông bà được khi bị ốm đau?
* * *
Càng về khuya, cảnh vật càng yên vắng; bà Diệp không sao chợp mắt được. Bà nhìn chồng năm im, thở nặng nề, đứt quãng như muốn hụt hơi. Bà Diệp lo lắng, nếu ăn uống không được ông sẽ không đủ sức. Cuộc sống không thể kéo dài với cái bao tử trống. Ông Chẩn nhìn vợ nước mắt cứ trào ra, không ngăn được.
Bà an ủi:
-Ông ráng uống chút sữa vào bụng cho khỏe, nó có ói mặc kệ, mình uống vào cũng đỡ ông à.
Ông Chẩn gật đầu. Bà Diệp pha ly sữa ấm, nâng ông Chẩn ngồi dậy và cho ông uống hết ly sữa. Vừa uống xong chưa kịp nằm xuống, ông Chẩn nôn ói ra cái thau nhỏ mà bà Diệp đã chờ sẵn. Bà Diệp lau sạch sẽ rồi đặt ông Chẩn nằm xuống. Bà Diệp nói nhỏ như thầm thì: “Mình cố ngủ đi cho khỏe”.
Nhìn ông Chẩn gầy nhom, da bọc xương, thở thoi thóp, hình ảnh ông hơn bốn mươi năm trước thoáng hiện về trong tâm trí bà. Một chàng trai hiền lành, rám nắng, quanh năm trên ghe, trên biển, tóc cháy vàng. Ông đến với cuộc đời bà như cơn gió tình cờ, khi ông theo người anh họ của bà đến nhà dự đám giỗ ông Nội của bà. Ông Chẩn nhìn bà như gặp lại người quen thân từ đời nào. Thế rồi hai người quen nhau, thương nhớ rồi yêu nhau, và thành vợ chồng. Giản dị là vậy.
Quanh năm sống trên sông, trên biển, chẳng biết xe đạp, xe máy là gì, chữ nghĩa thì chỉ biết đọc biết viết. Tuy “ít chữ” nhưng ông Chẩn nghĩ sao nói vậy; không biết nói lời lấy lòng ai, vậy mà cả xóm ai cũng yêu quí ông. Rồi con cái ra đời, lớn lên cùng với lưới chài trên sông, trên biển; chúng cũng như ông bà, như bao trẻ em khác quanh vùng, cuộc sống gắn liền với sông nước. Đôi lúc, nằm đêm - bà Diệp cũng cảm thấy nao lòng, rồi tự an ủi mình: “Do cái khó, cái khổ, không chữ, không nghĩa nên vậy thôi!”. Bà Diệp luôn nhắc nhở con mình ráng cố gắng nuôi các cháu học hành, đừng như ông bà mãi lo làm, không để ý đến học hành mà khổ cả mình.
Ông Chẩn cựa mình, mở mắt. Ông Chẩn nhìn vợ, gượng cười:
- Sao mình không ngủ một lát, tui không sao đâu.
Bà Diệp nhìn ông, ánh mắt âu yếm:
- Tui cũng không sao, chưa buồn ngủ. Ông hãy cố lên nhé!
- Bà đừng buồn vì lũ con nhé! Kệ tụi nó, mình nên vui vì còn có con Thùy hiếu thảo và thằng Út. Mai mốt tui có bề gì, bà ráng mà sống còn lo cho thằng Út.
Bà Diệp cố nhếch môi, gượng cười để vui lòng ông:
- Ông cứ nói xàm, có bề gì là bề gì? Ông phải sống còn lo cho thằng Út nữa chớ mình tui làm sao hả ông? Thôi, khuya lắm rồi, ông ngủ đi, đừng nghĩ ngợi lung tung.
Bà Diệp kéo chiếc mền phủ đôi chân như hai ống tre khô của ông rồi bước ra ngoài. Trăng vừa lên, ánh sáng dịu dàng tỏa xuống sân vườn một màu vàng óng ả, mơ hồ. Bà hít một hơi dài khí trời mát dịu, nghiêng vai, uốn mình một lát, rồi trở vào nhà. Bà bật chiếc đèn ngủ, và tắt điện, bước lại leo lên giường nằm phía trong ông Chẩn. Bà Diệp vẫn nằm bên cạnh, để coi chừng ông, lỡ ông có ho hoặc nôn ói thì đỡ ông dậy cho kịp lúc. Bà trằn trọc, nghiêng qua, trở lại, không tài nào chợp mắt nổi. Ông Chẩn đã thiêm thiếp ngủ, bà cố giữ tư thế nằm im, sợ ông tỉnh giấc.
Bà Diệp cảm thấy càng thương chồng, thương con - càng thương, bà lại càng buồn nhiều hơn. Các con trai của bà (không chỉ một mà cả ba đứa), đứa nào cũng thản nhiên để vợ xem thường bà, đay nghiến, vô lễ; leo lên đầu, lên cổ bà như với người dưng ngoài chợ. Nhớ lại thời bà làm dâu, mẹ chồng có la mắng gì, bà cũng luôn yêu kính, không dám hở một lời cãi lại; vậy mà sao bà luôn thương yêu, chưa nói một lời nặng nào với chúng, lại bị cả ba con dâu khinh rẻ, ghét bỏ? Mỗi bận nghĩ nhớ lại, lời Hằng xỉa xói với bà cứ vang lên bên tai, khiến bà không cầm được nước mắt: “Mẹ gì mà bỏ con, bỏ chồng đã chớ, con cũng bỏ. Cái ngữ ấy có nên nết đâu mà biểu chồng nó không bỏ, bà liệu mà dạy dỗ con gái để nó mang một bụng nữa về có mà đẹp mày, đẹp mặt!”.
Bà Diệp nhắm nghiền đôi mắt, như sợ thấy lại hình dáng Hằng hiện ra với gương mặt đỏ bừng, đôi mắt trắng dã; vậy mà nó vẫn cứ hiện về trước mặt bà. Thụy đành nhường con cho chồng nuôi vì sợ mang về bà sẽ khổ. Chồng Thụy đã có người khác ai cũng biết, về nhà còn đánh đập, hành hạ vợ, làm sao mà Thụy sống cho được đây. Còn Hân - vợ Hào, thì ra vẻ như người thanh lịch, ăn nói nhỏ nhẹ nhưng cay độc gấp ngàn lần những lời xỉa xói của Hằng. Gặp bà ngoài đường Hân không bao giờ chào một tiếng, coi bà như người không quen biết. Bà Diệp có sang thăm cháu, mua cho bì bánh, bì kẹo gì cũng mặc kệ, Hân chẳng thèm hỏi han. Đôi khi Hân còn mắng con, ăn kẹo sâu hết răng, hoặc ăn cái bánh đấy đau bụng, không dinh dưỡng. Ngày đám ông nội chúng, bà đi chợ sửa soạn, nấu cúng xong, cũng chưa thấy bóng dáng vợ chồng Hào - Hân. Bà Diệp sai thằng Út qua mời anh chị về, Hân trả lời ngay: “Hữu thỉnh, hữu lai, vô thỉnh bất đáo”. Nghe thằng Út về nói lại, bà Diệp giận đến run người, không hiểu nó học mót ở đâu cái câu chữ Tàu vô lễ ấy? Bà gắng tự an ủi mình, với ý nghĩ - thằng con mình có trọng mình đâu biểu nó trọng? Bà Diệp sợ bà con chòm xóm chê cười, người ta nói ra, nói vào; nên bà đã đích thân qua nhà mời hai vợ chồng Hào - Hân. Đến lúc ấy, vợ chồng Hào mới có mặt, đến dự đám giỗ ông nội mình.
Bà Diệp nằm xoay nghiêng lưng lại phía chồng, sợ ông chợt thức giấc, biết được - sẽ buồn. Bà cố nén nỗi buồn, cố xua đuổi nỗi tủi thân, nhưng sao nước mắt vẫn cứ đầm đìa chảy ướt bên gối. Tiếng Quyên - vợ Đạo, lại âm vang trong chiếc đầu đang nóng ran của bà. Hai tay Quyên nhéo vào bắp vế bà đau điếng, nhưng không đau bằng lời cay độc của Quyên: “Tui nhéo nè, tui đánh nè, bà có giỏi thì la đi, thử ai xấu hổ thì biết!”. Quyên đánh con, bà bênh cháu; càng bênh, Quyên lại càng đánh mạnh, đánh lẫy. Tức quá, bà tát vào mặt Quyên một cái, thế là Quyên như chờ có vậy, lao vào đánh bà túi bụi; vừa đánh, vừa mắng như mắng trẻ con. Vừa đánh, Quyên vừa la lớn: “Bà con xúm lại mà xem, mẹ chồng đánh nàng dâu”. Khi mọi người đến đầy nhà, bà Diệp bẽn mặt, không dám hở một lời. Mẹ chồng đánh nàng dâu, mà hai vế mẹ chồng cả tuần còn bị bầm đen, cả người ê ẫm.
Bà Diệp vội bật dậy, chạy xuống bếp, xô cửa bước ra sau vườn. Bà bỗng òa lên khóc nức nở, Một tay bà chèn lên ngực, một tay che lấy miệng.
Mặt trăng khuya thuợng tuần vẫn vằng vặc sáng.
TIỂU NGUYỆT
12/2017