TIỂU NGUYỆT
 
TƠ TRỜI 
DẢI TƠ LUNG LINH MẦU NHIỆM
 
Buổi sáng ngồi trước hiên nhà, nhìn lên bầu trời trong xanh cao vợi, tôi bắt gặp những dãi tơ trời từ trên cao chiếu rọi xuống, long lanh mầu sắc, trông nó mong manh như sương khói mơ hồ; tôi chợt nhớ đến bài thơ “Tơ Trời” của thầy Phan Long Côn vừa gởi đọc. Những dãi tơ trời ở đây, trải rộng trên dòng sông trước nhà tôi, chớ không phải trên cánh đồng còn nhiều gốc rạ hay trên sườn đồi mơn mởn cỏ non xanh như trong bài thơ. Nhưng cho dù những dãi tơ trời ấy buông xuống nơi đâu, nó vẫn long lanh, nhiệm mầu, gợi cho ta nhiều cảm xúc, an nhiên, thơi thới và hạnh phúc đón chào một ngày mới đang về.
“Trên cánh đồng còn nhiều gốc rạ
Trên sườn đồi mơn mởn cỏ non xnah
Lảng đảng sợi tơ trời
Trên cao ai thả xuống
Vương mắc nơi nơi…”.
Không biết ý của tác giả có như ý của tôi không, nhưng sự cảm xúc dạt dào của tác giả đã làm tôi xúc động và cảm nhận được cái đẹp, cái mong manh sương khói của những dãi tơ trời vương trên mái tóc, trên mắt, trên môi của người thương mà trong bài thơ đã diễn tả.
“Trên tóc ai thơm mùi sương sớm
Trên mắt ai bờ mi êm ướt
Trên môi ai ghi nốt nhạc hồng
Trong hồn ai mộng đã lên ngôi…”.
Những chủ từ “ai” được lập lại nhiều lần trong bốn câu thơ trên, đó là ngôi thứ hai số ít. Theo thiển ý của tôi, tác giả nói về một người “em” rộng lớn trong cái tình chung trải rộng khắp bốn cõi nhân sinh. Tác giả đã thấy được mùi thơm trên mái tóc như sương sớm, đã thấy được bờ mi êm ướt trên mắt, thấy được nốt nhạc hồng tươi tắn trên môi và mộng đã lên ngôi trong tâm hồn vừa rộng mở; cho thấy tác giả là một người nhạy cảm, dung dị, chơn chất mới mở cõi lòng nhìn thấy những điều như vậy. Những cảm xúc dạt dào ấy càng dạt dào hơn, để tác giả cũng đi và tơ trời níu kéo, cho dù những dãi tơ ấy mong manh, “gỡ ra lại vướng vào”, khó gỡ đến vậy.
Ai trong chúng ta lại không có một mối tình riêng, có thể đó là tình yêu nam nữ, tình bạn bè hay tình anh em v.v..., chúng ta đôi khi cũng như tác giả, thả hồn không bến đậu, để cho nó chảy dài suốt một dòng sông, về tận nơi chân trời xa xôi, ngút ngàn? Và chúng ta có thể tìm thấy chính mình hay có thể xa hơn nữa, tìm thấy lại những người xưa đã chìm vào hư vô, muôn trùng.
“Em đang chải tóc
Đưa anh vào hư vô
Anh cùng em trên những sợi tơ
Bên những người xưa
Dang tay ôm lấy tơ trời
Phi Lai trong suốt tiếng cười lời ru”.
Tôi bắt gặp một “Phi Lai” trong câu lục bát, phải chăng đó là một ngôi chùa vùng quê xứ Đồng Cọ? Nơi đây, có vị hòa thượng là một nhà thơ, nhà văn có tên tuổi trên văn đàn, là một nhà giáo mà bao thế hệ học sinh yêu mến. Có thể tác giả ví những sợi tơ trời như những vị thiện trí thức, những người yêu mến văn chương thường hay tụ tập về đây theo lời mời của hòa thượng? Tôi lại tự dịch nghĩa hai từ Phi Lai, phi là bay, lai là đến, phi lai là bay đến (theo thiển ý của tôi), những sợi tơ trời ấy cùng bay đến, hội tụ về đây để nghe một “Phi Lai trong suốt tiếng cười lời ru” chăng?
Một sự cảm nhận khi đọc bài thơ “Tơ Trời” của thầy Phan Long Côn, chỉ là cảm xúc khi bắt gặp một dãi tơ trời giao thoa cùng tôi. Xin kính gởi đến tác giả lời chúc sức khỏe, an vui mỗi ngày!
 
Bên dòng sông Tắc

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt