TIỂU NGUYỆT
Trôi Theo Dòng Đời
Truyện ngắn
Thanh như đang rơi vào một cái hố tối om, mỗi lúc một nhanh hơn, cuồng loạn hơn; để rồi cả người nàng tê điếng, với cơn hoảng loạn, đẫn đờ. Mấy ngày cuối cùng của bà Như - mẹ Thanh, như hiển hiện trước mắt nàng. Bàn tay gầy gò, chai sạm của mẹ, nắm chặt tay nàng, nước mắt ướt đẫm, dặn dò con gái trong niềm tuyệt vọng, đớn đau bằng giọng thều thào ngập ngừng, đứt quãng: “Ráng mà bảo bọc, nuôi dạy em nghen con!”.Trôi Theo Dòng Đời
Truyện ngắn
Thanh nhìn mẹ như ngọn đèn dầu trước gió, không biết phụt tắt lúc nào, nên hứa vội cho mẹ yên lòng với những lời dặn dò gần như tuyệt vọng của mẹ; nhưng lòng nàng thì rối bời, không biết phải làm sao khi mà mọi thứ cứ dồn dập xảy ra, quá bất ngờ, đau đớn, khi nàng còn quá trẻ. Thanh không biết mình sẽ ra sao, sẽ sống thế nào khi không còn mẹ?. Hình ảnh thằng Bình - em trai nàng, như quay cuồng trong chiếc đầu khô khốc nóng ran của nàng - một cậu bé năm tuổi, không biết “chết” là cái gì, đứng im lặng nhìn mọi người với đôi mắt ngơ ngác. Nó đâu có biết rằng, ngày mai khi thức dậy, sẽ không bao giờ còn nhìn thấy mẹ, không còn gần gũi, vòi vĩnh với mẹ được nữa. Nó có biết đâu rằng, từ nay, chị em nó phải là những đứa trẻ mồ côi, cam chịu cảnh đói cơm không ai đỡ, lỡ lời không ai binh.
Thanh thẩn thờ trước bàn thờ mẹ, mẹ ra đi thật bất ngờ, bất ngờ đến nỗi nàng không dám tin đấy là sự thật, dù mẹ nàng đã im lìm, đang nằm trong áo quan kia. Đôi mắt Thanh ráo hoảnh, khô khốc - dường như nước mắt nàng đã khô cạn, không còn một giọt để chảy xuống trên gương mặt tái xanh, đờ đẫn, lạnh lùng của nàng nữa.
Trước mắt Thanh là một bầu trời mịt mù, không chút ánh sáng hy vọng le lói. Không cha, không mẹ, không nghề nghiệp, vốn liếng; biết xoay trở thế nào khi Thanh tròn mười tám tuổi, vừa học hết phổ thông, mà bên cạnh còn một đứa em trai? Thanh đau nhói xót xa, khi Bình cầm tay nàng nóng lòng giục hỏi: “Mẹ ngủ gì lâu vậy chị Hai?”. Thanh lặng yên - không biết trả lời thế nào cho nó yên lòng, khi mà chính nàng cũng không hiểu hết được mọi việc đổi thay đang xảy ra quanh đời sống mình.
Thanh như bị cuốn dần vào trong cơn lốc đớn đau, tuyệt vọng - không còn nghe, không còn thấy những gì đang xảy ra quanh nàng nữa. Thanh thiếp đi trên chiếc ghế dựa trong rộn ràng tiếng trống, tiếng kèn, đưa mẹ về nơi an nghỉ cuối cùng.
***
Bà Như vốn là một cô gái quê, nhà nghèo, học cho biết đọc, biết viết, rồi nghỉ ở nhà ẵm em, phụ giúp mẹ cơm nước cho cả gia đình. Lớn lên, Như theo anh trai đi làm phụ hồ, kiếm tiền đỡ dần cho mẹ. Như gặp Tân, cũng là một thợ xây như anh trai mình, cùng chung làm nhiều công trình; cả hai hiểu nhau, thương nhau, rồi đi đến hôn nhân khi cô vừa tròn mười tám tuổi. Cuộc sống đơn giản với ước mơ giản dị nhưng rất êm ấm, đã cho họ một mái gia đình hạnh phúc. Ngày ngày cùng chở nhau trên chiếc xe đạp đi làm, cùng bên nhau mỗi sớm, mỗi chiều, ngay cả trong bữa cơm trưa gói sẵn mang theo đã khiến Như yên tâm, gắn bó. Hơn một năm sau, đứa con gái đầu lòng của họ ra đời. Tân luôn ước mơ có được một cuộc sống bên vợ con giữa làng quê thanh bình, yên ả; nên đặt ngay tên con là Thanh. Anh nói với Như, nếu chúng ta rán có thêm một đứa nữa, sẽ đặt là Bình - để làng quê mãi mãi được thanh bình, an vui. Nguyễn Thị Thanh - đứa con gái đầu lòng yêu thương của đôi vợ chồng hãy còn rất trẻ.
Thanh lớn lên trong sự đùm bọc tận tình của cha mẹ, của bà con nội ngoại nghĩa tình. Ai cũng trầm trồ khen vợ chồng Như - Tân đã có “một túp lều lý tưởng” thật sự, bên cô con gái nhỏ xinh xắn dễ thương.
Một buổi chiều mùng ba tết, năm 1968. Tân đạp xe đến thăm người bạn là chủ thầu hay gọi anh đi làm, cách nhà khoảng hai cây số. Trên đường trở về, tình cờ anh đã bị lọt vào giữa một cuộc phục kích, đụng độ của hai bên mà không hề hay biết gì. Không còn biết cách xoay xở nào khác là gắng đạp xe qua khỏi đoạn đường hiểm nguy - anh đã bị một mảnh đạn lạc ghim vào ngực, ngã xuống đường, Tân gắng gượng bò vào một ngôi nhà, nhưng chỉ được vài mét là không thể nhích thân đi nổi. Anh nằm im, máu trào lênh láng, rồi kiệt sức dần. Khi không còn nghe tiếng súng nổ, mọi người hớt hãi chạy tìm nhau trên đường, mới phát hiện ra anh đang nằm sóng soãi trên vạt cỏ bên vũng máu.
Như đau đớn, cảm thấy chơ vơ, như đang rơi xuống dòng nước chảy xiết; cô cố bám vào niềm hy vọng mong manh như chiếc phao cứu hộ duy nhất, là đứa con gái chưa tròn sáu tuổi, để làm điểm tựa còn lại cho đời mình.
Để có đủ chi phí cho gia đình khi thu nhập đáng kể của Tân không còn, Như nhận làm hai sào ruộng của ông bà nội Thanh cho. Ngoài những ngày mùa, cô ra chợ mua rau, củ, quả, đu đủ, chuối của những dân quê bán nhịn, rồi ngồi bán lại ở chợ, hết buổi mới về. Hai mẹ con như hai chiếc bè gỗ nương nhau trôi dần theo dòng đời, qua bao ghềnh thác, gian truân.
Như thấy mình vui hơn, an tâm hơn, khi hằng ngày nhìn Thanh lớn lên, hồn nhiên đến trường cùng chúng bạn. Thanh còn đây, mà ước mơ về Bình sẽ ra sao? Với Như, Thanh - Bình sẽ chẳng bao giờ toàn vẹn như lòng mong chờ của Tân. Từ ngày mất Tân - Như sống an phận, chăm chút với công việc, rồi thủ thỉ bên con mà thôi. Bà con trong xóm, ai cũng khen cô hiền lành, đảm đang; nên có nhiều đám nhờ người đến mai mối, muốn cùng cô xây dựng gia đình mới, nhưng Như lặng thinh, không dám nghĩ đến điều nầy. Thương con, nhớ Tân - cô chỉ muốn ở vậy để lo cho con học hành đàng hoàng như chúng bạn trong xóm - đó là niềm vui duy nhất của đời cô.
Trong một lần, Như đưa con gái đến dự đám giỗ ở nhà cậu mợ Ba - em trai của mẹ cô. tình cờ cô gặp Thuấn - cháu của mợ gọi bằng cô, trong một dịp nghỉ phép về thăm nhà. Thuấn mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống với người bác từ khi cha mẹ anh qua đời. Lớn lên, Thuấn đang theo học nghề sữa xe gắn máy thì đúng tuổi lính, anh phải trốn vào Biên Hòa làm công nhân cho một xưởng in. Được hơn nửa năm, trong lần đi giao hàng cho khách, dọc đường Thuấn bị quân cảnh bắt. Anh bị đẩy vào lính, làm quen với súng đạn, đeo súng đạn bên mình, mặc dầu anh rất căm ghét chúng.
Gặp Như, Thuấn thấy cô hiền lành, ăn nói từ tốn, hòa nhã - nhất là nghe những lời góp ý, nhận xét tốt đẹp của cô mình về Như, anh đem lòng tin tưởng yêu mến. Anh nghĩ, “có lẽ đây là duyên lành, đã đưa đẩy cho anh gặp được Như chăng? Phận mồ côi, không cha mẹ, muốn có được một người vợ đảm đang, hiền lành, đâu có dễ. Hai mảnh đời bất hạnh gặp nhau, có thể sẽ mang lại ấm áp cho nhau trong cuộc đời lắm gian truân ưu phiền nầy”.
Phần Như, ngồi đối diện với Thuấn, tự nhiên cô chợt cảm thấy lòng xao xuyến, bâng khuâng lạ kỳ. Có lẽ nỗi khao khát được yêu thương đã ẩn khuất bấy lâu đang trổi dậy trong nàng băng giá chăng?. Nhìn dáng vẻ thiệt thà, lời nói chất phác, với nụ cười hiền lành luôn nở trên đôi môi anh, Như cứ xuyến xao, xúc động - nhưng chợt nhớ đến bé Thanh, cô lại gắng kiềm nén lòng mình, không dám nghĩ thêm nhiều đến Thuấn nữa. Trong cô, đang băn khoăn nhiều nỗi sợ: Như sợ cô con gái buồn lòng, sợ lòng dạ người ta có yêu thương mình thật lòng không, hay chỉ là đùa vui trong thoáng chốc, vì mình đã dở dang, góa bụa?
Sau buổi gặp nhau ở đám giỗ nhà cậu Ba, Thuấn thường xuyên đến thăm hai mẹ con Như trong những ngày còn phép. Rồi một chiều nọ, trước khi trở về đơn vị, anh tìm đến gặp cô, tha thiết ngỏ lời yêu thương, và mong cô đáp lại. Dường như suốt buổi chiều hôm ấy, hai người đã có dịp gần gũi nhau hơn, cả hai đều nghĩ rằng, họ là hai mảnh đời hẩm hiu cô độc cần có nhau, cần được chia sẻ, yêu thương trong quãng đời còn lại. Và Như đã trao cho Thuấn những nụ hôn nồng nàn trước khi anh từ giã ra về.
Và một ngày đẹp trời dành cho nhân duyên đã đến, họ đến với nhau trong sự chúc phúc của gia đình và bà con chòm xóm. Dẫu biết đời lính không biết đâu là ngày mai, dường như không có ngày mai lâu dài - nhưng Như thương Thuấn, không muốn xa anh. Như luôn cầu nguyện hằng đêm, cho anh được an lành, sức khỏe, trở về vẹn toàn với gia đình. Cô thắc thỏm mỗi đêm khi nghe tiếng súng đâu đó vang lên, hay biết những trận đánh đã nổ ra đâu đó được báo tin trên đài vô tuyến.
Cưới nhau hơn một năm, Thuấn chưa kịp mừng với tin vợ vừa mang thai ba tháng; anh hụt hẫng khi đơn vị có lệnh di chuyển bỏ tây nguyên, rút chạy trên đường Bảy vào tháng ba năm 1975. Trong cơn hỗn loạn của dòng người ồ ạt rời bỏ thành phố, nhà cửa, tránh bom đạn, đi tìm sự sống, có người nói rằng, đã thấy anh trong đoàn quân ấy, khi qua đèo Tô - Na. Nhưng rồi, cả đơn vị tán loạn, tan hàng, mạnh ai nấy chạy, không ai biết được tin tức của ai nữa.
Như chờ đợi mỏi mòn, ngóng từng cái tin, dò hỏi đủ chỗ, nhưng anh vẫn biệt tăm. Có lẽ, anh đã nằm lại đâu đó trên con đường máu lửa, ngập tràn nước mắt, thương đau ấy rồi chăng?. Như khóc. Khóc cho thân phận mình, sao quá nghiệt ngã, sao quá đắng cay, khóc cho một tương lai mịt mờ trước mắt, với đứa con đang mang trong bụng. Đôi mắt cô đã nhòe, sức khỏe yếu dần, cô suy sụp hoàn toàn. Nhiều khi, cô muốn buông xuôi tất cả, mặc cho dòng đời đưa đẩy, xô dạt; nhưng sự sống trong người cô lớn lên từng ngày, đứa con co đạp từng hồi trong bụng; đã cho cô biết được rằng, cô cần phải sống, cần phải mạnh mẽ để vượt qua. Thế rồi, như một phép mầu, cô đứng lên vững chải trên đôi chân đã từng bị thương tích của mình, để sống và làm việc. Mấy tháng sau, cô sinh một cậu con trai kháu khỉnh - kết quả của một mối tình son sắc. Như đặt tên cho đứa con trai yêu quý nầy là Bình - lại ước mong Thanh - Bình cho quê nhà.
Hằng ngày, Như tất bật với công việc, hết ra đồng nhổ cỏ, dặm lúa, lại ra chợ tìm việc bán buôn, kiếm tiền lo cho các con. Thanh học một buổi, buổi còn lại trông em giúp mẹ. Cô luôn tự nhủ với lòng rằng, sẽ nuôi dạy các con nên người, để cuộc đời các con cô không gian khổ như đời cô, và để hai người chồng nơi xa xôi kia, mãn nguyện khi nhìn thấy mẹ con cô đang được sống an vui, khỏe mạnh.
Mấy năm sau, sức khỏe của Như suy yếu dần, như thân cây thiếu nước - cô đau bệnh thường xuyên. Bù lại, Như cảm thấy an tâm, khi con gái đã bước vào năm học cuối của bậc trung học phổ thông. Cô lo lắng, nhắc nhở con gái cố gắng thi cho đậu để có thể vào đại học, cao đẳng, may ra mới có một công việc ổn định cho tương lai. Ngày biết tin con gái tốt nghiệp phổ thông, cô làm mâm cơm cúng mừng. Tối hôm đó, Như thấy trong người ê ẩm, đau nhức rất khó chịu. Sáng hôm sau, cô ra vườn hái những loại cây thuốc nam người ta chỉ sắc uống như mọi lần, nhưng ngày càng nóng sốt, không thuyên giảm.
Ba ngày sau, đầu cô đau như có ai đập vào, nóng sốt mê man, nên bà con quanh xóm giục Thanh đưa mẹ vào viện cấp cứu. Sau khi khám, bác sĩ cho biết, cô bị xuất huyết bao tử, rất nguy hiểm, phải nhập viên thời gian lâu dài, hết sức cẩn thận, dễ nguy đến tính mạng. Sau khi chích cho cô một vài mũi thuốc theo toa chỉ định, cô y tá trực đưa Thanh mấy viên thuốc, rồi dặn:
-Em phải nhúng khăn nước ấm, lau người cho mẹ để giảm sốt nhen. Cho mẹ uống một viên nầy, một lát sẽ bớt nóng thôi. Nếu còn sốt thì báo cho y tá trực nhé!.
Thanh “dạ”, vội cho mẹ uống viên thuốc cô y tá vừa đưa, rồi đỡ mẹ nằm ngay ngắn. Thanh vừa nhúng khăn vào nước ấm, lau khắp người mẹ, vừa sợ hãi nhìn mẹ nằm thiêm thiếp, bất động. Cầm tay mẹ, bóp nhẹ, Thanh khóc:
-Mẹ ơi! Mẹ có sao không? Con sợ lắm.
Như thoáng nghe, ráng mở mắt nhìn con:
-Con đừng sợ, mẹ không sao. Mẹ không nỡ bỏ chị em con.
Như cố mở mắt để khỏi bị thiếp đi, nhưng đôi mắt cô nặng trĩu, cứ muốn ríu xuống, nhắm lại. Cô hoảng sợ, cảm thấy người cứ bồng bềnh như đang bay bổng lên cao, cô ráng gượng níu giữ lại thật chặt, sợ bị trôi vào khoảng mênh mông ấy. Nhưng rồi, cô không gượng lại được, cô buông tay, thả trôi theo một cách nhẹ nhàng. Cô thấy Tân nhìn cô mỉm cười, nụ cười hiền lành như thuở nào mới quen. Cô mừng rỡ, hỏi anh dồn dập đủ điều, nhưng anh chỉ mỉm cười, không trả lời cô một tiếng nào cả. Rồi Tân biến mất, tan vào đám mây quanh cô - cô chợt thấy Thuấn, cùng bảy sắc cầu vòng, đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím như nhảy múa trước mặt. Bất giác, cô sợ hãi, cô chới với, cố la thật to, nhưng không mở miệng nổi. Miệng cô cứng đơ, ú ớ, nghèn nghẹn, nước mắt cô chảy dài. Cô nghe tiếng con gái hốt hoảng la lớn:
-Bác sĩ, cô y tá ơi! Sao mẹ em thế nầy?
Cô loáng thoáng nghe có tiếng người xôn xao quanh cô, người cô mệt lã, nặng trĩu. Cô cầm tay con gái thì thào:
-Gắng bảo bọc em nghen con!
Vừa dứt tiếng, cô thấy cả người nhẹ hẩng, bay lên cao - ức lên một tiếng, rồi đôi mắt từ từ khép kín. Máu trào ra đầy miệng.
Thanh la thất thanh:
-Mẹ ơi! Mở mắt ra đi, mẹ ơi!
Thanh gào kêu, khóc la thãm thiết, nhưng đôi mắt Như cũng không hé mở, đã đóng chặt nghìn thu. Như đã tan biến vào hư vô, vào đám mây bảy sắc cầu vồng kia, để vĩnh viễn xa lìa cõi tạm, xa lìa hai người con yêu thương đã bao tháng năm gắn bó, hy vọng.
***
Thanh chở Bình đến trường Tiểu học số II Phước Hòa, rồi đạp xe thẳng đến trường mẫu giáo Hoa Hồng - nơi nàng đang có một chỗ dạy. Đã mấy năm nay rồi, kể từ ngày mẹ nàng mất đi; nàng không những chỉ là chị của Bình, mà còn chăm sóc, lo lắng như người mẹ, người cha. Năm nay, Bình chuẩn bị bước vào cấp II, Thanh nghĩ cần phải dành thời gian chăm chút em nhiều hơn nữa, để Bình chăm chú học hành, không chểnh mảng, la cà khi bước vào “tuổi lớn”. Sáng đưa đến lớp, trưa đón về, rất may là hai chị em có nơi học và dạy cùng đường, nên đỡ vất vã, tất bật cho nàng hơn.
Ngày nào cũng thế, dù bận bịu bao nhiêu là việc, Thanh luôn kèm dạy thêm cho Bình học mỗi tối. Bài tập về nhà phải làm đầy đủ, chuẩn bị chu đáo bài cho ngày mai, nàng mới yên tâm cho Bình đi ngủ. Có những chiều Bình nhớ mẹ, ngồi co ro một góc hiên nhà, buồn thiu - nàng phải vuốt ve, dỗ dành, lựa lời vui an ủi. Có hôm, Bình bỗng nhìn trời, hỏi nàng:
-Mẹ ở trển có thấy mình hông chị Hai?.
Nàng ôm Bình vào lòng, cười vui:
-Thấy chớ sao không? Em phải chăm học, biết nghe lời, thì mẹ mới vui, mới cười, biết hông?
-Dạ, em biết rồi. Phải học giỏi phải hông chị Hai?
-Ừ! Phải giỏi thiệt là giỏi vậy mới được.
Bình cười vui, khoe:
-Em nói chị Hai nghe, hôm nay, bài tập làm văn, em được cô giáo khen, đọc trước lớp nữa đó.
-Vậy à! Em của chị Hai giỏi lắm. Cô cho tả gì vậy em?
-Dạ! Đề bài là “Em hãy tả người mẹ yêu thương của em”. Chị Hai biết hông, em hổng nhớ mẹ thế nào, cắn bút thiệt lâu, xong em tả chị Hai thế mẹ. Vậy mà cô giáo khen, lạ hông? Em thương chị Hai thiệt thương luôn.
Thanh xúc động lặng im một lát, rồi ôm Bình vào lòng:
-Chị Hai cũng rất thương em.
-Vậy mà thằng Dũng con ông Hai xóm trước, nó nói “cô giáo bênh nó, chớ mẹ nó đâu còn mà tả. Nó tả tầm bậy”, có tức hông?
-Kệ nó đi em, không còn mà tả được mới hay chớ, đừng để ý nó chi.
-Dạ! Em biết rồi. Đứa nào nói gì kệ nó, phải hông chị Hai?
-Em của chị giỏi lắm.
Ở lớp, ở trường, có gì vui, buồn, về nhà Bình đều tỉ tê kể lại cho Thanh nghe. Thanh biết, em trai mình tuy nhỏ tuổi, nhưng rất nhạy cảm, thông minh, ai trêu chọc, không nhẫn nhịn mà cãi lại, có khi còn đánh nhau. Có hôm, vừa về đến nhà một đỗi, một người mẹ dắt thằng con trai đến nhà nàng. Bà ta nói:
-Mầy dạy dỗ em mầy thế nào, mà đến trường, nó đánh con người ta sưng mày, sưng mặt vậy hả?
Thanh nhìn Bình nghiêm mặt:
-Sao em đánh bạn ấy? Chị dặn thế nào mà không chịu nghe hở?
Bình ngập ngừng, sợ sệt:
-Em... em...
Không để Bình nói hết câu, bà ta giận dữ:
-Em, em cái gì? Mầy đánh nó sưng cái mặt kìa, đi học, chớ ăn cướp sao, mà đánh đấm?
Thanh nghiêm khắc:
-Xin lỗi chị! Trẻ con cãi nhau, đánh nhau là chuyện thường, để em dạy dỗ nó. Nhưng chị cũng nên xem lại con của chị thế nào nữa, chớ chưa hẳn tự nhiên xảy ra như thế đâu.
Chị ta hét lớn:
-Mầy còn bênh nó nữa hả? Cha mẹ mầy không còn nên tụi mầy không ai dạy hả? Còn cãi!
Bình đỏ mặt:
-Tại nó nói con là đồ không cha, không mẹ mà còn bày đặt làm như ngon, giỏi lắm. Tả mẹ mà tả ai đâu đâu á, có biết mẹ là ai đâu mà tả, nên con tức, cãi lại.
Chị ta còn vênh váo:
-Thì mầy không cha, không mẹ, nên nó nói thế, có sai đâu? Mắc mớ gì đánh nó?
Thanh đỏ mặt - giọng tức giận:
-Chị vừa nói gì? Không cha, không mẹ thì sao? Tụi tui có làm gì đụng chạm đến chị mà kêu quân không cha, không mẹ ra mắng. Chị giỏi thì dạy dỗ con chị cho ngoan ngoan, tự nhiên đi nói xấu, moi móc chuyện người.
Chị ta lôi tay thằng con, quay đi - rồi nói lớn:
-Đồ mất dạy! Đúng là lũ không cha mẹ! Đi về!
Hai chị em đứng tần ngần, nhìn theo hai mẹ con chị ta kéo nhau về, cho đến khi khuất sau con ngõ hẹp. Bấy giờ Thanh mới hiểu được hết ý nghĩa sâu sắc, thâm thúy của câu ca dao đã có từ xa xưa: “Mồ côi tội lắm bớ trời, đói cơm không ai đỡ, lỡ lời không ai binh”.
Thanh nhìn Bình xót xa, dịu dàng cầm tay em - dặn dò:
-Em phải ráng mà chịu, đừng có cãi, đừng đánh nhau. Phải học thiệt giỏi, nhớ chưa? Ai nói gì kệ họ, đừng để ý.
Bình khóc:
-Em cũng cố lắm chớ, nhưng tức quá em không chịu được. Em hứa sẽ cố bỏ qua, chị đừng buồn em nghen. Em xin lỗi!
-Không sao, em hiểu vậy là chị vui lắm rồi.
Thời gian yên ả, dần trôi - hai chị em vẫn sống giữa làng quê thâm tình. Thanh vẫn ngày ngày đi làm, nuôi em ăn học như lời mẹ đã trăn trối “Gắng bảo bọc em nghen con”. Thanh thương nhớ mẹ bao nhiêu, lại càng yêu quý em bấy nhiêu. Có nhiều người ngỏ ý, tỏ lời yêu thương, xây dựng hạnh phúc với nàng; nhưng nàng đều chân thật khướt từ. Với Thanh, hạnh phúc và tương lai của Bình, cũng chính là tương lai và hạnh phúc của nàng lúc nầy.
***
Sau khi làm mâm cơm cúng và thưa báo cho ba, mẹ và ba dượng biết, Bình đã tốt nghiệp đại học, chuẩn bị đi làm, Thanh đưa em ra nghĩa trang thăm mộ. Thanh, một tay ôm bó hoa, một tay cầm bì trái cây đi trước; Bình chậm rãi bước theo sau lưng, tay cầm bó nhang, chai nước. Cả hai rẽ vào dãy mộ có mộ mẹ đang nằm. Thanh dừng lại bên ngôi mộ xanh cỏ của mẹ, rót nước vào ly, cắm hoa vào bình, sắp trái cây ra dĩa. Bình lấy nhang đốt lên, đưa cho chị một ít. Hai chị em cầm nén hương, chắp tay trước mộ mẹ khấn nguyện.
Hình ảnh mẹ bỗng chập chờn trong tâm trí Thanh, với lời nghẹn ngào dặn dò, trăn trối. Thanh ứa nước mắt vì tiếc thương mẹ, rồi chợt mỉm cười hạnh phúc, vì đã làm tròn được ước nguyện cuối cùng của mẹ.
Hai chị em ngồi yên lặng bên mộ mẹ, có lẽ cùng đang nghĩ về một tương lai yên lành bên nhau giữa những cơn lũ của dòng đời.
07/2018