TIỂU NGUYỆT

TUỔI THƠ TÔI

TUỔI THƠ TÔI
Tuổi thơ tôi là câu hát ầu ơ ru hời ngọt ngào giữa một làng quê còn nghèo khó. Là câu chuyện cổ tích đêm đêm bên ngọn đèn dầu leo lét của người bà hiền lành thương cháu. Là cánh diều chấp chới những chiều êm ả gió nồm lên trên cánh đồng trơ gốc rạ. Là những chùm dú dẻ ươm vàng, những trái chiêm chiêm chín mọng. Là đêm trăng thanh bình dịu dàng sáng soi huyền ảo. Là bà bà, cháu cháu. Là chị chị, em em. Là những đợi chờ chuyến tàu sẽ xuất hiện dưới cầu Lưới Gõ. Là nhớ thương cha mẹ và các em. Và đi đâu, ai cũng biết, cháu bà Hai - chị em Thỉ Quyệt.
Thật đúng vậy, chị em tôi đi đâu cũng có đôi có cặp. Áo quần may phải cùng màu, cùng kiểu, mặc vào như hai chị em sinh đôi vậy. Có lần nội may cho hai chị em tôi mỗi đứa một bộ khác màu, vậy là chẳng ai chịu mặc, dù nội có la mắng hay năn nỉ cũng vậy. Đêm ngủ, nội luôn nằm giữa, hai chị em tôi nằm hai bên. Thương nội lắm, lúc nào cũng nằm ngửa, dù có mỏi cũng không được nghiêng qua phía nào; vì hai chị em tôi ai cũng đều giành nội “Sao nội lại nghiêng qua phía chị Hai” hoặc “Sao nội lại nghiêng qua bên em Quyệt” không đứa nào chịu cho đến khi cả hai ngủ say nội mới thoải mái nằm trở mình. Nửa đêm nghe tiếng súng nổ hoặc tiếng máy bay nội phải ẵm từng đứa đem vào hầm trú đạn, trong khi chị em tôi ngủ say như chết. Khi tiếng súng im ả và máy bay đi khỏi, nội bế chị em tôi trở ra giường. Cho đến bây giờ tôi được làm bà nội, tôi mới hiểu vì sao nội tôi thương chị em tôi như vậy.
Tôi nhớ có một buổi trưa, máy bay từ đâu kéo đến rầm trời, khiến cả làng sợ hãi, kéo nhau chạy hết ra giữa đồng, để họ nhìn thấy chúng tôi là những người dân vô tội, không thả bom vào mình. Nội dắt hai chị em tôi chạy theo mọi người, vượt qua một con mương dẫn nước vào ruộng dài và rộng mà trẻ em không thể nhảy qua được. Nội phải bồng chị Hai qua trước rồi quay qua bồng tôi. Nội sẩy tay rơi tôi xuống mương, uống mấy ngụm nước, sợ quá tôi khóc thét lên, nội phải dỗ dành, năn nỉ hồi lâu tôi mới nguôi ngoai. Nhiều lúc ngồi nghĩ lại, tôi thương nội vô cùng, ước gì nội tôi còn đó để chị em tôi chăm sóc, yêu thương.
Tôi lớn lên bên lũy tre làng xanh bóng mát, bên đồng ruộng thân yêu, cứ chiều chiều chạy ra bờ tre bên dốc Dòi quay chong chóng. Rồi chị Hai học hết Tiểu Học phải chuyển trường ra Tuy Hòa, ba mẹ tôi cũng từ giã miền Nam về quê hương sinh sống. Ba mẹ thuê nhà ở Tuy Hòa vì ba làm việc ở đó, vậy là chị Hai được ở với ba mẹ để bước vào bậc Trung học, còn tôi vẫn ở lại với nội và may mắn làm sao thằng em trai của tôi cũng ở cùng vì đúng tuổi vào học lớp Năm (lớp một bây giờ) khiến tôi vui, vì có chị có em..
Thằng Đô học thật giỏi, nhưng thiếu mẹ nên nó hay nhỏng nhẻo với tôi; đến bây giờ tôi cũng không thể hiểu vì sao ba mẹ tôi không để nó ở gần để chăm sóc mà gởi nó cho nội?. Có hôm hai chị em đi học trễ, trường đã đổ trống rao chuẩn bị vào lớp mà nó cứ nhỏng nhẻo không chịu chạy còn đứng lại vòi vĩnh để tôi phải năn nỉ dỗ dành; cho đến khi tôi phát khóc, nó vội vàng chạy cùng tôi, mới kịp giờ vào lớp. Nó là con trai nên thích chơi trò làm ná bắn chim, cứ trưa trưa chị em tôi không ngủ trốn nội lẻn ra ngoài đi dọc theo hàng rào tre, nó bắn chim tôi bẻ “măng dòi”. Thương lắm những tháng ngày xa xưa ấy, những tiếng cười giòn vang trong nắng gió, những cánh diều chấp chới reo vui, những trái xoài non thơm mùi mủ chua lè mà sao ăn ngon như vậy?.
Năm 1968 ba mẹ tôi xây nhà ở Hiếu Xương gần ga Đông Tác và đón nội về ở với ba mẹ. Vậy là chị em tôi được gởi ở lại với bà nội Bốn (em ruột ông nội tôi). Bà không chồng không con, mở một cái quán nhỏ bán đủ thứ, nào nước đá hột é, nước ngọt và có cả hàng tạp hóa nữa. Vậy là chị em tôi được ăn kẹo, uống nước đá thoải mái mỗi khi thích. Thương lắm bà nội Bốn của con, chúng con đã lén bà ăn bánh, uống nước đá hột é cho đầy bụng, cho no nê những buổi trưa bà đi nằm nghỉ ngủ, không cần biết bà có lời lỗ gì không, miễn chúng con vui và thỏa mãn; vậy mà bà không bao giờ rầy la, còn bảo các con thèm thì cứ ăn uống đi, không sao hết, cháu của bà là nhất. Giờ ngồi nhớ nghĩ lại sao cay sè đôi mắt. Tôi khóc ư? Tôi khóc vì nhớ thương bà. Thương lắm cái dáng lom khom, gầy guộc, chịu thương chịu khó của bà lầm lũi hai mùa mưa nắng; thương lắm cái giọng rè rè bà kể chuyện thời bà còn con gái, những chuyện bị “lùa” lên núi “học tập”, bị “lùa” xuống huyện coi chiếu phim. Bà cười đến chảy nước mắt, nhất là lúc bà kể trên màn hình xe lớn, xe nhỏ chạy ào ào, cả làng sợ bị xe đụng vội đứng dậy chạy lùi về phía sau nháo nhào, làm chị em tôi cười ngã nghiêng, ngã ngửa.
Cuối cùng tôi cũng học xong Tiểu Học nên về ở với ba mẹ để học đệ thất, còn thằng em tôi một mình sống với bà nội Bốn, thương em ấy ghê, chắc nó buồn lắm. Một buổi đi học, buổi còn lại tôi ẵm em (chúng tôi có chín chị em), đến nỗi hai bên hông tôi nổi hạt đen sạm, tím tái. Nhiều lúc bạn bè ghé nhà chơi, các em cứ đòi chị ẵm làm tôi mắc cỡ vô cùng. Cho nên, mỗi lần các bạn rủ về nhà chúng bạn chơi, tôi đi liền, dù bị mẹ la rầy cũng vậy. Nhà các bạn thường là ở quê nên luôn có xoài, có ổi, có những trái dưa leo non đầy phấn trắng làm tôi thích lắm. Vui lắm tháng ngày xa xưa ấy. Xanh hoài kỷ niệm ở trong tôi.
Tháng tư năm 1975, ba tôi phải vào trại cải tạo ở miền Nam xa lắc xa lơ, mẹ tôi tảo tần xuôi ngược vẫn không đủ nuôi bầy con dại nheo nhóc. Mẹ phải cắt một nửa số nhân khẩu về quê theo ruộng ông bà để lại mới khỏi bị đi kinh tế mới. Lúc bấy giờ tôi học cuối năm lớp 11, dù khó khổ mấy, mẹ vẫn cho chị em tôi theo học tiếp và tháng sáu năm sau (06/1976) tôi tốt nghiệp phổ thông. Bạn bè tôi ai cũng nộp hồ sơ thi đại học cao đẳng, riêng tôi dù cố gắng đi tới, đi lui, ký cho được cái lý lịch, đi miết mà họ không chịu ký. Mỗi lần đến ủy ban là nghe một bài giảng huấn dài lê thê, nhưng tôi vẫn kiên nhẫn ngồi nghe, ký cho bằng được để kịp thời hạn nộp hồ sơ dự thi. Cuối cùng họ cũng ký lý lịch cho tôi, thay vì xác nhận tôi khai có đúng sự thật hay không, họ lại phê:
1. Đề nghị đương sự trình giấy cha hiện cải tạo ở đâu?.
2. Xét lý lịch này cô không được đi đại học.
3. Không ai được quyền chứng nhận cho cô đi đại học.
Tôi nghẹn ngào nước mắt tuôn trào, muốn được đi học khó đến vậy sao? Cầm cái lý lịch như vậy, tôi thi thế nào đây? Tôi khóc miết đến mù cả mắt, cuối cùng muốn được đi học quá, nên tôi liều đem hồ sơ vào Nha Trang nộp thi Cao Đẳng Sư Phạm vào buổi chiều cuối cùng hạn nộp hồ sơ, may ra có gặp được chút may mắn nào không? Nhưng may mắn không mỉm cười với tôi, bao ước mơ vẫn còn hoài là mơ ước - nào là con muốn được làm một cô giáo hết lòng vì học sinh thân yêu giữa làng quê mình còn nghèo khó - nào là con muốn trở thành một dược sĩ để nghiên cứu và điều chế thuốc men, mang niềm vui, hạnh phúc đến mọi người. Con yêu chiếc áo blouse trắng ấy, ba ơi!. Đó là những ước mơ mà có lần ba tôi hỏi khi tôi còn học lớp Chín và ba đã nói, con sẽ được như vậy, nếu quyết tâm. Tôi có quyết tâm đấy chứ, nhưng đâu phải có quyết tâm là được; còn một yếu tố quan trọng nhất lúc bấy giờ là cái “lý lịch” quyền lực.
Nỗi buồn trong tôi ngày một dâng cao, cảm thấy mình cô đơn và lẻ loi lắm lắm. Tôi thu mình như một con ốc bể và tôi thương con ốc bể ấy vô cùng. Tôi nhớ có lần được đọc một bài thơ của Trúc Liên trong một quyển vở cũ của người anh họ. Tôi thích, tôi mê và tôi thuộc. Tôi ngâm nga hằng ngày. Nếu tôi nhớ không nhầm, bài thơ có tên là “Con Ốc Bể”, mấy mươi năm rồi còn gì?.
Người gởi về tôi
Một con ốc bể
Mang trùng dương sóng gió chốn xa xôi.
Về góp mặt một chiều xuân đô hội
Kinh kỳ nhớ
Tháng vơi ngày chờ đợi
Năm qua rồi mùa bước vội theo nhau.
Bể đầy vơi mây nước có lên màu
Chân đã đến nơi nào trên quốc thổ.
Người không nói nhưng lòng tôi đã rõ
Tin xuân về một hộp bé vuông thôi.
Run tay lần mở vội
Nồng mặn mùi biển khơi
Đâu hương đồng cỏ nội,
Đâu hương thắm lòng tôi?
Vạch rơm tìm bỡ ngỡ
Hư ảnh thoáng phai mờ
Vắng thơ người cách trở
Chiếc hộp vuông tay đóng mở không ngừng…”.
Và tôi ước gì mình là con ốc bể, để đêm ngày nhớ sóng vỗ trùng khơi và mơ mộng. Niềm mộng mơ của một người con gái với nỗi buồn.
Tôi trở thành “con buôn” bất đắc dĩ, theo những chuyến tàu vào ra, ra vào ngang qua ga Đông Tác. Tủi thân, buồn bã và mặc cảm. Tôi bị trôi lăn theo dòng đời hối hả, lên tàu, xuống tàu, nhảy tàu hằng ngày đã làm chai lì sự ngây thơ, hồn nhiên trong trái tim tôi. Tàu chưa kịp dừng tôi vội vội, vàng vàng đẩy gạo rồi nhảy xuống gánh chạy như mọi người, nếu không sẽ bị quản lý thị trường bắt giữ. Không hiểu sao, bảy chục ký mà gánh nghe nhẹ hễu, mỗi lần có du kích và quản lý thị trường rượt đuổi, còn bình thường tôi nhấc không nổi bốn chục ký chớ đừng nói chi nhiều? Thật lạ quá! Không nỗi khổ nào giống nỗi khổ nào, nhưng tôi cố tạo niềm tin và hy vọng để bước tới. Dù vất vả nhưng tôi nghĩ một ngày nào đó tôi sẽ được bước vào ngưỡng cửa đại học. Đêm đêm bên ngọn đèn dầu leo lét, tôi mở những trang vở cũ giấy đã úa màu để ôn lại với niềm vui và hạnh phúc. Và cho dù tôi có cố gắng đến đâu, thì cánh cửa đại học vẫn khép chặt trước mắt tôi, đành buông tay và về quê phụ chị làm một nông dân chân lấm tay bùn.
Tôi chẳng biết gì về ruộng đất, chị Hai sai gì tôi làm nấy. Nhổ cỏ, dặm lúa, tát nước, xay lúa, giã gạo, sàn sảy gì không biết cũng phải làm, làm riết rồi quen. Khó nhất là tát nước gầu dây. Tôi chúi mũi té nhào mãi, phải cả tuần, mười ngày mới tạm ổn.
Mỗi lần ruộng sạ là chị em tôi suốt ngày ở ngoài đồng để tát nước ra, có khi chín, mười giờ đêm mới về tới nhà; bởi ruộng nhà tôi là ruộng sâu, người ta sạ hết rồi mới tới ruộng nhà mình, phải tát cho khô nước lúa mới lên nổi. Đến mùa gặt, lúa bắt đầu “hườm” là đã cắt, cắt cho đến khi lúa chín rục cũng chưa hết. Sáng dậy ăn cục cơm nguội, rồi ra đồng cắt miết đến trưa mới gánh lúa về. Tôi mỗi đầu chỉ ba bó mà nặng ơi là nặng, phải nhón chân, hai vai sưng đỏ, vậy mà miệng cứ hát “gánh gánh gánh, gánh lúa về, gánh lúa về, gánh về, gánh về” làm chị Hai nổi khùng, mày có im ngay không, gánh không mệt sao mà hát hò miết vậy? Tôi cười trả lời chị, em hát làm niềm vui cho bớt mệt mà chị, cứ lầm lầm lũi lũi buồn chết được, ngao ngán quá Hai ơi! Chị thương em khẽ nói, thôi mày muốn hát cho vui thì hát đi, chị mày không hát nổi đâu. Vậy là chị chất lúa đầy gióng, gánh chạy nhịp nhàng như cô thôn nữ thật sự. Thương Hai ghê! Có gì nặng Hai làm hết.
Tôi buồn, một nỗi buồn dai dẳng đớn đau làm tê dại lòng tôi. Tương lai thì mù mịt, không lẽ suốt đời cắm mặt cho đất, cắm lưng cho trời, còn ước mơ thì sao? Tàn lụi ư? Không được. Sống mà không có ước mơ, sẽ ra sao đây? Và tôi tự nhủ thầm với lòng mình, phải có niềm tin và mơ ước; bỡi tâm hồn ta sẽ cằn cỗi nếu mất đi niềm hy vọng và ước mơ. Nghĩ vậy, tôi gắng học chữ kiên nhẫn, đem chồng sách vở cũ ra lật từng trang, từng trang, như tìm kiếm cái gì đã mất. Những trang vở nhòe đi vì nước mắt. Tôi thầm thì với chính mình, tìm gì vậy, tôi ơi!? Quên đi! Như lời nhạc sĩ Vũ Thành An đã nói - Hãy quên để mà sống, lâu rồi cũng sẽ qua. Và tôi đã tạm quên đi những ước mơ một thời cháy bỏng. Chỉ tạm thôi, để tâm hồn tôi được nhẹ nhàng, mềm mại, rung động (nếu như có thể).
Rồi cũng qua đi, như ngày nối đêm, đêm nối ngày không thay đổi, tôi tìm vui bên đồng ruộng xanh tươi; lòng tôi reo vui rập rờn theo sóng lúa, rung động dạt dào khi ngắm nhìn lúa trổ bông. Ôi những chiếc bông lúa phấn trắng “lách tách” nở bung nhẹ nhàng đón nhận ánh mặt trời, đón cái nắng, cái gió của đất trời để kết tinh thành hạt lúa, hạt gạo, đẹp làm sao. Tôi mê thích ngồi nhìn lúa trổ đến nỗi không có việc gì ở ngoài đồng, vẫn có mặt, chị Hai tôi thường nói tôi “khùng” hoài là vậy.
Tất cả vào Hợp Tác Xã. Ruộng nhà tôi không còn. Hằng ngày nghe theo tiếng kẻng. Đi làm cũng kẻng. Họp cũng kẻng. Tất cả đều kẻng. Tôi hãi hùng nghe cả tiếng kẻng trong mơ. Những thanh niên nam nữ phải đi công tác tận Sông Hinh Chí Tháng, ai về cũng bị sốt nên chị em tôi sợ lắm. Cho nên chị em tôi vào đội văn nghệ tham gia hát theo phong trào quần chúng để khỏi đi công tác. Lúc ấy đội văn nghệ thuộc hợp tác xã nông nghiệp chỉ hát theo phong trào. Những bài tôi thường hát như: Em trồng khoai lang tím. Dòng nước mát. Tiếng hò trên đồng lúa Tuy Hòa v.v… Rồi sau đó họ cho tập tuồng cải lương và đội đi biểu diễn ở khắp nơi. Tôi chỉ tham gia phần ca nhạc mở đầu, hát chung một bài tốp ca, một đơn ca hoặc song ca rồi nghỉ, vậy mà sao nghe mỏi mệt quá chừng. Tôi sợ nghe tiếng kẻng nhưng chẳng thà nghe tiếng kẻng tôi còn dễ chịu hơn phải đứng trên sân khấu như thế này. Khổ cho thân tôi, xin nghỉ họ không cho mà còn ghép tội. Tôi đành phải làm “con hát” bất đắc dĩ. Thanh xuân dấu yêu của tôi là thế đó! Là song hành cùng tiếng kẻng. Là tháng ngày rong hát khắp nơi. Là những bài ca đi trồng cây lúa. Là những lời thơ đất thép anh hùng. Là những nhọc nhằn bát cơm chan nước mắt. Tuổi xuân ơi! Vang vọng trong tôi những kỷ niệm buồn.
Trong đội có nhiều người cũng xin nghỉ như tôi, nên cuối cùng họ muốn đội văn nghệ thành đội chuyên nghiệp đi lưu diễn mang doanh thu về cho xã, nên thanh lọc ai xin nghỉ thì ra để tuyển thêm lớp khác vào. Vậy là chị em tôi được ra khỏi đội văn nghệ và nghe tiếng kẻng đi làm như trước. Một thời gian sau, có chính sách chia ruộng lại theo nhân khẩu, gia đình tôi nhận được một đám ruộng khoảng ba sào. Vụ mùa đầu tiên, bâm bang chuẩn bị sạ, lại bị thu hồi ruộng, với lý do Thằng Đô em tôi trốn “nghĩa vụ”. Họ cắt bỏ hộ khẩu mấy chị em tôi, chỉ còn khẩu của nội. Vậy là chị em tôi sống không hộ khẩu hộ tịch, ruộng đất cũng không còn, nên đào đất trong vườn làm gạch. Gian khổ nhiều và đắng cay cũng nhiều. Móc từng cục đất, nắn thành viên gạch, phơi khô bán cho họ nung lấy tiền mua gạo. Có được ít tiền mua gạo đổ vào lu là mừng lắm. Tôi ước gì như ngày xưa, không lo lắng chuyện cơm áo gạo tiền, chỉ việc học và học, sung sướng làm sao. Chị em tôi phải cố gắng từng ngày, luôn nghĩ những viên gạch chúng tôi làm ra, sẽ xây được những căn nhà mơ ước, những công trình có ích cho người dân, để làm niềm tin mà bước tới.
Rồi tháng ngày cũng qua đi, đất trong vườn ăn lâu cũng hết nên chị em tôi trồng rau muống ra chợ bán kiếm tiền mua gạo. Gánh gánh rau muống trên vai mà tôi nghe như gánh cả đất trời, cả nước mắt tủi hờn, muộn phiền chồng chất. Tôi rất sợ gặp lại bạn học cũ, chỉ quanh quẩn trong làng không đi đâu trừ những ngày về thăm mẹ và các em; đến nỗi mấy người bà con trong xóm nói - Sao tao thấy mày giống gà vậy? Sáng gà dậy là mày dậy, chiều gà vô chuồng là mày cũng vào giường đi ngủ. Không bạn không bè là sao? Tôi chỉ cười không nói gì, cố nhủ lòng đừng buồn, đừng tuyệt vọng. Tôi còn có một tình yêu kia mà - Tình yêu ư? Có phải đó là tình yêu không nhỉ, khi mà chúng tôi chưa một lần hò hẹn, chưa một lần được cầm tay nhau. Những khắc khoải đợi chờ một ngày mai chưa tới. Tôi cũng tự hỏi lòng có phải là tình yêu không mà nỗi nhớ cứ tràn về người ấy. Ở phương trời xa, người gởi tặng tôi những vần thơ, ví tôi như loài Hoa Muống Biển. Từ ấy tôi như loài Muống Biển. Nở hoài trong cằn khô, giữa mịt mùng gió cát, vẫn thắm màu thủy chung.
Từng chùm mây trắng, xám trên trời cao trôi lửng lơ về phía cuối trời in bóng xuống dòng sông Tắc trước nhà; tôi như thấy từng quãng thời niên thiếu đang trôi theo dòng nước êm đềm xuống cầu Bình Tân và tôi nghĩ, nó sẽ hòa nhập vào biển cả mênh mông.
Quê nhà 08/2013 - 2023