TIỂU NGUYỆT


VỀ PHI LAI
MỘT NGÔI CHÙA QUÊ

       
 
       Dường như lễ Phật Thành Đạo mùng tám, tháng chạp năm nào tôi cũng về chùa Phi Lai, kể từ hôm giới thiệu tác phẩm Đường Trở Về của thầy Thích Thiện Đạo. Sau bốn mươi năm mới gặp lại thầy (1975 - 2015), tôi rất vui mừng vì được biết vị thầy năm xưa đã từng dạy môn Anh văn lớp chúng tôi, giờ đây là một hòa thượng uyên thâm, nguyện dâng hiến cuộc đời cho Đạo Pháp; thầy còn là một nhà văn, nhà thơ dào dạt cảm xúc, gần gũi với đời sống, có uy tín trên Văn đàn.

       Đọc “Đường Trở Về” của thầy, mở ra cho tôi thấy con đường trở về cho chính mình thật rõ ràng và tôi bắt đầu học đạo cũng từ đó. Tôi biết, đây là một duyên lành cho cuộc đời vốn trầm luân, khổ đau của tôi, khi vừa trải qua một cơn trọng bệnh những tưởng không qua khỏi. Tôi như người say nắng giữa cuộc đời, gặp được cơn gió lành dịu mát. Mọi thứ dù có chút bỡ ngỡ, nhưng rồi tôi cảm nhận rất nhanh, như nắng hạn lâu ngày gặp cơn mưa rào vậy.
       Đường Trở Về là tâm sự thao thiết, là tấm lòng bao dung, là tâm từ rộng mở cho tất cả mọi người. Với tôi, đó là lời thầy nhắc nhở, để tôi quay về với bản tâm thanh tịnh, vô nhiễm đã có sẵn tự ngàn xưa mà tôi đã quên, mãi trôi lăn theo dòng sinh tử luân hồi vì vô minh che mờ, lang thang trên khắp nẻo tham sân, lo vun đắp cho bản thân. Tôi như người lạc đường đứng bơ vơ giữa dòng đời vạn nẻo, gặp được người dẫn dắt. Ôi lành thay!

       Phi Lai - một ngôi chùa quê, nằm khuất sâu giữa làng Mỹ Trung, xã Hòa Thịnh, Phú Yên. Trước mặt chùa là đồng lúa xanh ngát cho tôi cảm giác an bình mỗi lần “về” đây. Tôi dùng từ “về”, vì tôi xem đó như là ngôi nhà xưa của chính mình, để trở về an trú. Ở đấy, còn có thầy tôi - vị Ân Sư kính yêu xấp xỉ bát thập, đã dìu dắt đứa con lạc loài là tôi từng bước trở về với an vui, với tự tánh, với thiện lành, với hy vọng đời nầy được vui, đời sau cũng được vui.
       Mỗi lần về Phi Lai, tâm hồn tôi như mở thêm ra chút nữa; được gặp gỡ Quý thầy, gặp gỡ những thiện trí thức, nhà thơ, nhà văn khắp nơi được thầy mời về dự lễ. Tôi còn gặp gỡ, làm quen với các Phật từ chùa Phi Lai Biên Hòa - Đồng Nai, ai cũng hiền hòa, vui vẻ, thân tình; họ gặp tôi như gặp lại một người quen lâu ngày xa cách làm tôi xúc động, bâng khuâng, rồi hòa vào niềm vui hạnh ngộ như chính mình là một thành viên trong ngôi nhà chung của xưa kia.

       Nhìn ánh nắng chiều rớt xuống cánh đồng lúa xanh mơn mởn trước cửa chùa, tôi chợt nghe lòng ngập tràn cảm xúc. Nhớ đến bài thơ Tiếng Hát Chiều của thầy cảm nhận về nắng chiều. “Ngồi đây mà nghe chiều run rẩy”, hay “”Nắng chưa tắt nắng còn run rẩy”. Những cảm xúc thật đời thường, rất chơn thật, khi nhìn nắng chiều dần tắt. Ánh mắt của thi nhân nhìn mọi vật nhân cách hóa thật sâu sắc, trái tim của thi nhân rung cảm với cái đẹp của đất trời, vạn vật, lôi cuốn theo ánh nắng vàng mênh mang cuối ngày của một buổi chiều nào đó thật lãng mạn, thật thơ mộng. Nắng “run rẩy”, chiều “run rẩy”, chỉ có tâm hồn rộng mở mới cảm nhận được nắng run rẩy như thế nào, chiều run rẩy làm sao? Một buổi chiều đẹp. Một tâm hồn đẹp, nhạy cảm. Và tôi cũng chới với theo tia nắng đang run rẩy tắt ngoài kia, nhường cho hoàng hôn,  những giọt nắng cuối ngày biến mất cho sự tuần hoàn ngày và đêm. Cũng như Sinh và Tử vậy!

       Tôi nhớ một lần về Phi Lai trong dịp ngày Đại tường mẹ của thầy, tôi được nghe thầy giảng về chữ “Tâm” và chữ “Tình”. Tiếng thầy điềm nhiên, rõ ràng từng lời giảng thuyết thật dễ hiểu, thật gần gũi, chân tình, trước bao đệ tử đang ngồi chắp tay lắng nghe giữa chánh điện. “Sống phải có tình, luôn giữ tâm nhẹ nhàng. Nhẹ nhàng thì được bay lên, nặng nề sẽ rơi xuống”. Thật đơn giản nhưng cũng rất khó thực hiện, bởi không phải ai cũng có thể buông bỏ một cách nhẹ nhàng như vậy. Nhưng từ hôm đó, tâm tôi như được mở ra thêm, tôi cố gắng học sống nhẹ nhàng, dù mọi vướng bận, phiền muộn cố níu kéo. Tôi luôn nhớ lời thầy dặn thật đơn giản, thật đời thường mà lại rất sâu sắc, thâm thúy: “Nhẹ nhàng bay lên, nặng nề sẽ rơi xuống”, mà không ai muốn mình bị rơi xuống hố thẳm của phiền muộn, khổ đau cả.

       Những lời giảng của thầy cứ xoáy động vào tâm hồn tôi, để tôi hiểu rằng mình cần học hỏi thêm nữa, cần rèn luyện hơn nữa để vững vàng từng bước trên con đường trở về với tự tánh, với chính mình.
       Về Phi Lai còn để được ăn bữa cơm chay thấm đẫm nghĩa tình, được quay quần bên mâm cơm đạm bạc chan chứa niềm vui. Nhìn ai cũng vui tươi, hiền hòa, nói những lời hay, ý đẹp. Vui biết bao! Cho nên món nào cũng ngon, ngay cả món tương dằm thường ngày vẫn ăn, cũng không sao ngon bằng khi ăn ở đây. Người vui, cảnh vui, nên ăn gì cũng ngon chăng?

       Tôi nghe trong lòng một niềm vui vô bờ! Và mong mau đến mùng tám tháng chạp để về Phi Lai.
       Về Phi Lai.
       Về Phi Lai, nghe tiếng gió hát rì rào sóng lúa,
       Về Phi Lai, nghe đất thở thâm tình.
       Về phi Lai, trong một sớm bình minh,
       Nghe chim hót rộn vang mùa nắng mới.
 
       Tiếng chuông chùa công phu sớm tối
       Chạm hồn trăng nghiêng xuống giọt trong ngần!
       Về Phi Lai đi em!
       Về Phi Lai đi anh!
       
                Bên dòng sông Tắc         
                    11/2021
 
                 TIẾNG CÒI TÀU
 
 
        Một hồi còi tàu kéo dài ở phía xa, báo hiệu tàu bắt đầu vào thành phố, xé tan sự yên tĩnh của màn đêm đang bao phủ. Tiếng tàu chạy xình xịch, nhịp nhàng rền cả mặt đất, Hiền có cảm giác như con tàu chạy rất gần nhà, dù đường sắt cách nhà cô gần một cây số. Tiếng còi như làn sóng khuếch âm lan rộng, lan rộng, xé tan màn đêm vang xa theo gió, gieo vào cô những nỗi niềm bâng khuâng, luyến nhớ. Hiền thức giấc khó mà ngủ lại được, cô trăn qua trở lại cố nhắm mắt cũng không thể nào ngủ tiếp, bao niềm vui nỗi buồn cũng thức dậy trong cô.

        Hiền thương tiếng còi tàu của tuổi thơ vang xa theo nắng gió, theo cánh đồng lúa xuân thì bên một làng quê nghèo xanh xanh bóng tre. Tiếng còi chập chờn theo giấc ngủ thơ trẻ với bao ước mơ, hy vọng. Hy vọng một buổi sáng nào đó con tàu sẽ xuất hiện, đưa cha mẹ cô trở về. Ngày nào cũng vậy, cô luôn hướng mắt dõi tìm, gởi ước mơ theo con nước lặng lẽ trôi xuôi chảy từ cầu Bi đến cầu Lưới Gõ, dù niềm hy vọng ấy mong manh, le lói. Tiếng còi tàu rền rĩ, chênh vênh trong ký ức tuổi thơ cô.

        Tiếng còi tàu lại chông chênh đưa cô bước vào đời với những buồn đau, khó khăn, hờn tủi. Nghe tiếng còi hú trong cô lại xôn xao, lo lắng, hồi hộp. Đâu đây đội quản lý thị trường, du kích đứng đầy sân ga; cô phải tính toán, nhanh chân mới mong trót lọt, mới mong kịp lên tàu. Tiếng còi tàu hòa tan cùng mồ hôi nước mắt, hòa tan theo bước chạy hối hả, run sợ, lẫn tiếng rượt đuổi phía sau. Tiếng còi tàu khô khốc, chát chúa, buồn bã rền vang trong cô.

        Tiếng còi tàu cho cô hạnh phúc khi chờ đợi người cô yêu trở về từ một nơi chốn xa xôi nào đó, mà cô chỉ nghe nói chứ chưa từng đặt chân đến; dù anh chỉ về thăm cô trong giây lát rồi đi. Hiền yêu và chờ đợi anh, chờ đợi trong âm thầm, lặng lẽ. Anh xa xôi quá, tận bến bờ nào thăm thẳm. Thời gian là tiếng thở dài của đêm ngày nối tiếp lạnh lẽo, hoang vu. Năm tháng cứ trôi qua, nỗi mong chờ trong cô chợt hụt hẫng. Tiếng còi tàu chập chờn theo cô trên cánh đồng hợp tác, trên bãi cát sau nhà, trong đêm hoang lạnh mênh mông. Tiếng còi tàu trong cô run rẩy, chơi vơi.

        Tiếng còi tàu chao nghiêng theo cô mỗi lần vào trại Z30A thăm cha cô đang cải tạo. Nó giục giã, vội vàng, nôn nao, rền vang theo bước chân cô qua các rẫy, đồi, quạnh hiu, buồn bã. Nó bay theo nắng gió, vượt qua những rẫy bắp khoai, thúc giục cô gánh chạy thật nhanh cho kịp chuyến tàu trở về. Nó luôn đọng trong cô nỗi buồn tủi, hờn giận, dù chẳng biết giận hờn ai, buồn tủi điều gì? Tiếng còi tàu chao đảo, chênh vênh trong cô.

        Tiếng còi tàu về sau cũng như lúc bước vào đời, luôn rượt đuổi, hối hả, nhưng cô lại có anh bên cạnh để chia sẻ, lo âu. Tiếng tàu chạy hằng đêm bên ngôi nhà vách đất tổ ấm đầu tiên, ầm ầm, rền rĩ, rung chuyển nhưng cô nghe thân thương, quen thuộc. Tiếng còi tàu đã làm chai lì sự ngây thơ, hồn nhiên trong cô, để cô bước vững vàng hơn, không còn run rẩy, lo sợ, khi bắt gặp đội quản lý thị trường hay du kích. Tiếng còi tàu lúc này lảnh lói, chua chát, buồn bã, âm u!

        Tiếng còi tàu hân hoan tiễn đưa loài ngựa hoang dong ruổi, để người thỏa chí ước mơ về một thảo nguyên bao la, xanh tốt nào đó bên kia bờ đại dương xa thẳm. Rồi tiếng còi tàu bỗng trở nên xa lạ, dửng dưng trong cô; để cô thấy cuộc đời này thật vô thường, có đó rồi mất đó, sống nay chết mai, không biết đâu mà lường trước. Lòng người cũng vậy, đổi thay, thay đổi như trở bàn tay, không có gì là tồn tại lâu dài. Tiếng còi tàu giục giã cô buông bỏ những cái không cần thiết, để vững vàng hơn trên con đường trở về, tìm lại bản tâm chân thực của mình một cách rốt ráo. Tiếng còi tàu ngân vang, như tiếng chuông thanh tịnh trong cô.

        Tiếng còi tàu bỗng trở nên dịu êm, thương nhớ, giục giã người con đi xa trở về thăm quê, thăm ngôi làng xưa, thăm ngôi trường cũ và bạn bè thân quen. Tiếng còi lúc bấy giờ thật dễ thương, xao xuyến trong cô; để cô luôn mong ước được trở về thăm thầy xưa, bạn cũ; thăm con đường làng rợp bóng tre xanh, thăm biển quê hương những chiều hè nóng rát. Tiếng còi tàu trong cô rực rỡ niềm vui, chan hòa hạnh phúc.

        Hiền chợt thấy mình như trẻ lại mỗi ngày. Sáng tinh mơ mở cửa đón ánh nắng ban mai tươi mát, lòng an vui, khỏe khoắn soải bước thể dục cùng mọi người quanh xóm, kể những câu chuyện vui, rồi cùng cười, cùng giỡn. Hiền hay đùa rằng: “Sáng nào cũng uống vài thang thuốc bổ như vậy, để phòng chống tuổi già”; mọi người cùng vui và ủng hộ lời cô nói. Tiếng còi tàu trong cô ấm áp, quen thuộc và nhớ thương.

        Một hồi còi tàu kéo dài, ngân vang, át cả những suy nghĩ nhập nhòe trong cô. Và Hiền cảm thấy những tiếng còi tàu trong cô như nhòe nhoẹt, hòa lẫn vào nhau, rền vang; rồi trở nên im lặng, rỗng không, trong vùng ánh sáng chan hòa.
        Tàu đã vào sân ga!
 
          Bên dòng sông Tắc
            6/2022
       


  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt