TIỂU NGUYỆT


                          Xa Quê, Nghe Lại Bài Ca 
         “THAN THÂN TRÁCH PHẬN

Của NGUYỄN HỮU NINH
 
 

 
     Trong một lần vào Sài Gòn để khám bệnh, tình cờ tôi được nghe lại bài ca “Than Thân Trách Phận” của Nguyễn Hữu Ninh do Hoài Linh trình bầy, qua màn hình nhỏ trên xe tối hôm đó. Một bài ca với giọng điệu “xứ nẫu” quê tôi, nghe vừa buồn, vừa thương - chân chất, ngọt ngào; là một sáng tác ngẫu hứng của anh Nguyễn Hữu Ninh, đồng hương Phú Hiệp của tôi.
     Có một thời anh cùng những người bạn, ôm đàn hát vang bài hát nầy trên những chuyến tàu xuôi ngược chuyên chở công nhân (Phú Hiệp - Tuy Hòa) ngày ấy, đã làm tôi nhớ vô cùng tuổi thơ tôi giữa làng quê nhỏ bé, hiu quạnh.
     Thuở ấy, tôi học lớp nhất trường Cơ Bản, sống cùng nội ở quê, cứ chiều thứ bảy ra ga theo chuyến tàu ấy về thăm nhà ở Đông Tác. Dường như, chiều thứ bảy nào tôi cũng gặp anh trên con tàu ấy trong suốt năm học, lần nào anh cũng ôm đàn nghêu ngao bài hát này với dáng điệu say mê, hào hứng: “Thân, trách thân, thân sao cứ mà lận đận, mình trách mình, số phận sao hẩm hiu, bởi thân tui, tui cực khổ tui eo nghèo, nên dzợ tui nó không ở nữa, mà nó theo nẫu rầu...”, nghe riết rồi tôi thuộc lòng bài ca ấy của anh tự lúc nào.
      Với giọng khàn khàn, chậm rãi, rặt giọng “xứ nẫu” quê mình - tiếng hát của anh sao mà da diết, buồn thương quá đỗi.  Nghe mãi, mọi người dần “mê thích”, mỗi khi anh có việc gì không có mặt trên chuyến tàu ấy, mọi người như thấy thiếu một cái gì vậy. Anh ôm đàn hát, một hoặc hai người bạn của anh cầm mũ giơ ra trước mặt hành khách xin tiền, hết toa tàu nầy, sang toa tàu khác, rồi dừng lại ở toa cuối cùng. Các anh đếm tiền, chia cho những người hành khất trên tàu, gọi là chia sẻ cùng họ chút khó khăn trong cuộc sống. Ngày nào cũng vậy, ai cũng chờ nghe anh hát, để bỏ tiền vào mũ - như chờ chia sẻ niềm vui cùng anh và các bạn. Họ hiểu được việc làm của anh,  tấm lòng của anh, và muốn góp phần vào việc làm ý nghĩa ấy một cách tự nguyện, vui sướng!.
     Từ dạo ấy, dường như cả làng Phú Hiệp quê tôi, ai cũng hát được bài “Than Thân Trách Phận” của anh. Mỗi khi có cuộc vui, mọi người thường hay cất cao giọng hát “... em ơi, chớ bây giờ, em ở nơi đâu, để cho qua, qua trông đứng, nửa trông ngầu, canh phia. Hầu nào, qua Phú lỡ ăn ẩu chua, xuống Đại Lãnh uống nước ngọt, qua Hòn Chùa ăn mực nang...”. Bài hát ấy đã đi vào lòng người dân quê tôi, như một món ăn tinh thần, làm phong phú thêm tâm hồn người dân quê, vốn thiệt thà, hiền lành, quanh năm bên đồng ruộng với lũy tre làng xanh bóng mát, với làn điệu dân ca “Bình Phú”, thắm đẫm chất quê của người “xứ nẫu”.
     Nghe lại bài ca từ giọng hát của Hoài Linh, tôi như thấy một “Ninh đui” thật rõ ràng của thời tuổi trẻ. (“Ninh đui” là biệt danh mà mọi người trong làng đặt cho anh Nguyễn Hữu Ninh, bởi đôi mắt của anh bị cận thị nặng, luôn đeo kính dày cộm, mỗi lần hát, anh cứ “nhướng” lên trông tội nghiệp làm sao).
      Năm 1976, sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi về sống ở quê, tham gia đội văn nghệ thôn nên thường xuyên gặp anh hơn, vì anh là người tập cho chúng tôi những bài hợp ca, tốp ca, hay đơn ca. Anh vẫn như xưa, đen đen, gầy gò, mê hát, hễ rảnh rổi đôi chút là ôm đàn nghêu ngao bài “Than Thân Trách Phận” ấy, có lẽ đó là “bài ruột” của anh; cũng vẫn với giọng khàn khàn, chân chất ấy - khó ai bắt chước được.
     Anh rất chân tình với anh chị em trong đội văn nghệ, coi nhà của mọi người trong đội như nhà mình. Tôi nhớ, có hôm anh ra nhà tôi chơi, đói bụng, bèn hỏi: “Còn cơm nguội không bay?”; tôi chưa kịp trả lời, đã nghe tiếng chân anh dưới bếp lục cơm rồi. Ăn xong, không bao giờ dọn dẹp, đặt cái tô tại chỗ, rồi ôm đàn hát một cách say sưa.
     Mọi người trong đội văn nghệ, khi chuyện vãn vui đùa - đã đặt cho anh thêm một cái tên nữa là “Ninh ở dơ”, bởi lúc nào trông anh cũng luộm thuộm, tay luôn đưa lên cổ, lên mặt “kỳ cọ”. Vậy mà, mỗi khi tập văn nghệ, vắng anh là chúng tôi buồn, chúng tôi nhớ. Cái chất nghệ sĩ của anh thật “nghĩ sợ”. Ở dơ khỏi chê, áo quần trông như mấy ngày không bỏ giặt. Đặc biệt, anh có chiếc đồng hồ đeo tay tôi thấy nó cũng bình thường thôi, nhưng không hiểu sao anh cứ nhìn nó hoài, hễ nói một câu là anh đưa tay nhìn một cái, cứ liên tục như thế làm mọi người trong đội văn nghệ ngạc nhiên “hổng biết cái đồng hồ có gì mà ổng cứ đưa tay nhìn hoài vậy?”. Anh cười cười: “Kệ nẫu!”.
     Ngày anh làm đám cưới, cả đội văn nghệ cùng tham dự, anh ôm đàn hát say sưa với cái giọng khàn khàn đục đục ấy, hát đủ bài mà toàn những bài anh tự sáng tác, nghe tức cười làm sao. Anh hát: “Lý con chuột chuột kêu, chuột kêu chút chít, chút chít trong rương. “Trang! Lên đây hát với anh!”. Anh thương thì em chịu...”. Chúng tôi cười đến chảy nước mắt, cứ hát vài câu là anh kêu chị lên hát với anh bằng cái giọng lè nhè như say rượu vậy. Có bài ca vọng cổ “Thằng Ninh Sợ Vợ” tôi không nhớ hết, chỉ nhớ khi anh xuống câu xề, “người ta gọi tui là thằng Ninh gà chết hơ hơ hơ...”, anh “hơ” một hơi, làm cả đội cười không dứt được.
     Những năm tháng sau đó, bài ca “Than Thân Trách Phận” của anh luôn được mọi người quê tôi nhắc đến. Ai cũng có thể hát được, nhưng tôi chưa nghe ai hát hay như anh. Giọng ca của anh thật đặc biệt, vừa chân chất, ngọt ngào, vừa da diết, thâm trầm. Khi anh hát, anh như đắm chìm trong lời ca, hóa thân thành một người khác, đến nỗi chảy nước miếng cũng không hay. Cái hay ở anh nữa là, từng tiếng, từng lời rặt giọng “nẫu” một cách rất “quê mùa”, rất “nghệ thuật”. Có lần, tôi ghé nhà thăm, anh khoe: “Hôm qua, có người đâu ngoài sở Văn hóa thông tin, tới thăm tao. Họ biểu tao ôm đàn hát bài “Nẫu Ca” để họ quay phim. Tao hát một bữa đã đời luôn, ngay tại gốc Đào nầy nè”.
     Năm 2003, nghe tin anh bệnh nặng, tôi cùng những người bạn anh, hiện sống ở Nha Trang về thăm anh. Anh đang nằm thiêm thiếp, nghe có bạn xưa đến thăm, bỗng tỉnh táo ngồi dậy ôm đàn hát đủ bài, nhưng bài “Nẫu Ca” luôn được anh hát đi, hát lại nhiều lần, với sự đam mê, vui thích. Anh gầy gò, ốm nhom, chống chọi với căn bệnh “phổi” cả năm nay, vậy mà như hồi sinh, anh cười nói, hát ca, như không hề hấn gì. Lạ thay!
    Một tháng sau, anh ra đi (3/11/2003). Chúng tôi về tiễn đưa anh. Tôi như thấy lại hình ảnh anh, đã chụp hình cùng chúng tôi trước hiên nhà một tháng trước. Mới đó mà anh đã từ giã cõi đời, vĩnh biệt chúng tôi mãi mãi rồi!
     Nhiều năm sau, có lần tôi ghé gia đình anh - thắp nhớ anh nén hương, chị đã tâm sự với tôi: “Chị vừa nhận được một phong bì, của nhạc sĩ Phan Bá Chức gởi. Đó là tiền nhuận bút bài “Nẫu Ca” của anh Ninh. Trong thư số tiền chưa được một trăm nghìn, nhưng anh Chức gởi năm trăm lận. Vừa vui, vừa buồn Nguyệt ạ! Chị nhớ anh Ninh. Hồi ảnh còn sống cũng đã nhận tiền như vậy rồi”. Tôi cầm tay chị an ủi, chia vui, cảm thấy thương sự lẻ loi còn lại của chị vô cùng.
 
          ***
 
     Hình ảnh anh Nguyễn Hữu Ninh, ốm nhom, đen điu, với đôi kính cận dày cộm, ôm đàn nghên ngao đây đó năm nào, như chập chờn cùng tiếng hát Hoài Linh trong chiếc ti vi trên chuyến xe đêm “Nha Trang – Sài Gòn” trước mắt tôi. “... Hầu nào, em bắt ốc, anh hái rau, hai đứa mình chung sống không biết ngày mai sau. Hầu nào trái chuối chín cũng cắn làm ba, trái cam tư cũng cắn làm bốn, nửa trái cà cũng cắn làm năm. Bây giờ, em lấy nẫu, em ăn nằm, em bỏ qua, qua hiu quạnh, năm canh qua một mình...”.
         Tiếng hát chập chùng theo tiếng xe “ru êm” trên đường, khiến tôi như thấy dáng điệu anh rõ ràng hơn - nhất là trên những chuyến tàu lửa năm nào, cùng bài “Nẫu ca” đã đi vào lòng người, đi cùng năm tháng không quên.
 
                                                                8/2018


  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt