TIỂU NGUYỆT
XÔN XAO THÁNG BA

XÔN XAO THÁNG BA

Dòng sông trước mặt nhà sáng nay nước như trong và đầy hơn, để tôi cảm thấy lòng mình mông mênh theo dòng sông, mông mênh theo áng mây trong xanh trên bầu trời cao vợi. Tôi trải lòng theo con nước bập bềnh cùng hoài niệm của một thời tuổi trẻ. Tháng ba - tháng của nhớ thương, khắc khoải, tháng của hoang mang, lo sợ. Và trong tôi những ngày cuối của tháng ba năm ấy cứ nhập nhòe, vỡ vụn từng mảnh, để tôi thấy thật rõ ràng những ngày chộn rộn, lo âu, mỏi mệt ấy chênh chao trong tôi.
Tôi đi trong tháng ba đầy thương nhớ cùng nỗi buồn. Nhớ những buổi học cuối, chúng tôi từng nhóm đi quyên góp, ủy lạo (tiền, gạo, mền mùng, quần áo, thuốc men…) cho những bà con vừa từ đường Bảy trở về đang tập trung ở các trường học. Tôi đau theo nỗi đau của họ, tôi buồn theo sự mất mát, chia ly của họ và tôi khóc theo dòng nước mắt dường như đã cạn khô của họ. Tất cả những hình ảnh, âm thanh ấy cứ nhòe nhoẹt trong tôi.
Làm sao tôi quên được buổi sáng hôm ấy - buổi sáng tôi đến nhìn ngôi trường Trung học BĐHX lần cuối rồi theo gia đình chạy vào Nha Trang. Tôi không thấy ai, ngoài vài bạn học sinh lớp dưới và bác Thiền (người thầy hiền lành, vui tính, làm ở văn phòng, mà lũ học trò chúng tôi ai cũng gọi là Bác). Bác la tôi “Sao con còn đến đây? Gia đình chưa di tản à? Mau về đi con ơi”. Tôi không hiểu gì hết, ngây thơ hỏi thầy: “Sao vậy bác? Vậy là mình nghỉ học luôn hở bác?”. Bác nhìn tôi ngạc nhiên: “Con không biết gì thiệt đấy à? (rồi lắc đầu), thôi con về đi, không học hành gì nữa đâu con?”. Hình ảnh người thầy quý kính và lần gặp cuối ấy luôn in đậm trong tôi.
Lòng tôi rối bời không biết phải làm gì, vì sao phải di tản, bao giờ thì được đi học lại? Ngồi trên chiếc xe Dasu cùng gia đình chạy vào Nha Trang, tôi thấy bồn chồn, lo âu, thắc thỏm, dù chẳng biết vì sao? Không được đi học lại thật là khủng khiếp đối với tôi (tôi chỉ biết vậy thôi, ngoài ra không nghĩ được gì hơn).
Gần năm mươi năm trôi qua, mỗi lần tháng ba về, trong tôi vẫn cứ nhớ thương, hoang mang, khắc khoải. Dù thời gian đã bào mòn tất cả, mọi lo âu đã không còn, nhưng buồn thương day dứt vẫn sót lại trong tôi. Tháng ba năm nay, tôi gọi là tháng của kết nối yêu thương, tôi muốn sống một tháng ba thật trọn vẹn, chỉ có yêu thương, vui chơi, dã ngoại, du lịch, để bù lại những thiệt thòi của mấy chục năm qua.
Mở đầu là cùng nhóm bạn thể dục cà phê sáng - một ngày chủ nhật đầu tháng ba. Chúng tôi từng cặp đèo nhau bằng xe máy vào khu du lịch Hồ Kênh Hạ (Phước Đồng - Nha Trang). Tôi vui vì thấy địa phương nơi tôi ở, có một khu du lịch sinh thái đẹp như vậy. Lòng tôi vui theo con suối, theo cây cỏ lá hoa, theo hình ảnh được xây dựng nhân tạo đủ sắc màu, theo tiếng cười đùa của các bạn đã là các bà nội ngoại sáu, bảy mươi tóc bạc, da mồi. Chúng tôi vui chơi, đùa giỡn, bỏ hết những lo toan cơm áo, cháu con, để sống thật trọn vẹn một ngày chủ nhật mở đầu của tháng ba đầy yêu thương, kết nối. Ai cũng cười toe toét, rạng rỡ để ghi lại những tấm hình kỷ niệm. Hình tập thể, hình đôi, hình ba, hình bốn, năm… và hình cá nhân; ai cũng nói em đẹp quá, chị đẹp quá, có lẽ tất cả chúng tôi đều đẹp; bởi chúng tôi hồn nhiên, bỏ hết những muộn phiền của đời sống bên kia cánh cửa soát vé rồi.
Chuyến du lịch thứ hai - điểm đến là Đà Lạt, một ngày chủ nhật tiếp đó. Hai cô con gái và ba đứa cháu ngoại của tôi dự giải chạy 5km tại Thung Lũng Tình Yêu - Đà Lạt. Chúng thuê xe bảy chỗ, mời tôi cùng hai người bạn của tôi cùng đi cho vui. Tôi đã đến Đà Lạt mấy lần, nhưng lần này khác với những lần trước; khác bởi, tôi đi giữa tháng ba thương nhớ cùng hai người bạn và con cháu của tôi. Tôi mênh mang theo hàng cây, rẫy rừng, đồi núi, dốc đèo, vụt qua cửa kính của xe. Tôi mênh mang theo tiếng cười đùa của các cháu, vui theo sự hài hước của hai người bạn bên cạnh. Tiếng cười hôm nay sao giòn giã, rổn rảng, hòa tan cùng nắng gió, hòa tan cùng tiếng động cơ xe rì rầm đang lăn bánh.
Chúng tôi ghé thăm chùa “Ve Chai” - một kiến trúc thật lạ. Tất cả các trụ cột được chạm trổ hình con rồng, đắp dán bằng ve chai đủ sắc mầu. Đứng trước một công trình đồ sộ, độc đáo như vậy, tôi thấy mình thật nhỏ bé, rưng rưng bao cảm xúc. Và chúng tôi chụp hình lưu niệm trong cái lạnh ngai ngái của cao nguyên mù sương dù giữa trưa nắng gắt. Cặp ba chúng tôi, nghiêng qua, nghiêng lại tạo dáng trong tiếng cười lẫn giọng hài hước vui chưa từng có. Tôi nói với hai bạn rằng “cứ cười thật giòn, thật tươi như bắp rang nổ vậy, bởi tụi mình chắc gì có dịp cùng nhau như thế này”; vậy là chúng tôi cười “thả ga”, hồn nhiên như trẻ thơ giữa muôn vàn khách du lịch. Tôi muốn dang tay ôm cả cái nắng, cái gió, cái lạnh của xứ ngàn hoa, ôm cả cái mênh mang của đất trời đang bừng sáng trong tôi. Và tôi yêu vô cùng cuộc đời này với bao yêu thương đang trào dâng.
Buổi chiều hôm đó, chúng tôi đến Puppy farm, điểm du lịch có những thú cưng xinh xắn, dễ thương. Ba chúng tôi dạo chơi, ngắm nhìn chúng một lát rồi ra vườn hoa chụp hình. Một kỷ niệm đẹp ghi thêm vào nhật ký.
Đêm hôm ấy, chúng tôi ăn tối trong cái lạnh 15 độ C, chung quanh nhà hàng người ta bày những lò lửa đỏ rực, nhưng cái lạnh càng tăng dần về khuya làm chúng tôi phải vội vàng chạy về phòng, trùm mền kín mít. Dù vậy, vẫn không làm chúng tôi thôi nói chuyện hài hước, vui cười. Tư Kỳ - cháu ngoại năm tuổi của tôi, giọng ngọng nghịu “Sao lạnh dữ vậy, ông Trời ơi”, khiến cả phòng càng vui hơn (chúng tôi ở chung một phòng gồm ba giường); ai cũng thương vì câu nói thơ ngây của “chàng trai trẻ” đáng yêu này.
Sáng hôm sau, con và các cháu thi chạy tại Thung Lúng Tình Yêu, ba chúng tôi ăn sáng xong nhờ tài xế xe chở đi thăm một người bạn văn là anh chị Nguyễn Văn Học. Anh đón chúng tôi tại nhà thờ “Con Gà”, chụp cho ba chúng tôi vài tấm hình lưu niệm rồi đưa về thăm nhà anh.
Uống ngụm cà phê nóng anh mời, tôi thấy lòng mình thật ấm áp. Chúng tôi râm ran chuyện trò, chuyện thơ văn, đời sống và chụp hình lưu niệm. Chia tay ra về, anh tặng tôi tập thơ của anh vừa in “NHỚ MỘT NƠI NÀO XA LẮM” với bút hiệu Lãng Du, làm tôi bồi hồi xúc động. Tất cả gồm 100 bài thơ, 149 trang - đây là niềm tâm sự, sẻ chia của anh về “một nơi nào xa lắm” nhưng không xa, nó rất gần gũi, thân thương với anh, với bạn bè, với tất cả. Đó là nỗi nhớ, nỗi khắc khoải mà chuyến xe xuôi ngược của đời anh đã đi qua, lưu dấu lại. “Mùa thu xanh lá về chiều. Người xa để lại dốc rêu úa vàng. Nhạt màu nắng gọi thu sang. Ta tìm người cũ - vườn hoang mất rồi. Lá vàng rơi kín ven đồi. Người đi năm tháng một đời khó quên (trang 105). Hay “Chuyến xe đò sớm rời phố vắng. Tạ tình tri kỷ một khúc thơ. Người tiễn đưa người cay cay mắt. Bao giờ tái ngộ biết bao giờ?” (trang 69). Một món quà thật ý nghĩa cho đời sống vốn u buồn của tôi, để tôi yêu quý và trân trọng những gặp gỡ trong cuộc đời này hơn nữa. Trong tôi một nỗi lao xao khó diễn tả hết được bằng lời. Thương lắm Đà Lạt ơi!
Chủ nhật tiếp theo tôi lại có mặt ở Phú Hiệp - quê tôi, để thăm má tôi, thăm anh chị, các em và bạn bè. Vui làm sao được nhỏ Thu - em gái, may tặng bốn chiếc đầm dài, em nói cho chị “đổi mode”, sẽ dịu dàng, xinh xắn, đoan trang hơn. Mặc chiếc đầm dài đi trên con đường làng, tôi thấy mình trở nên dịu dàng, xinh đẹp, khác với chiếc áo bà ba đen của cô thôn nữ ngày nào. Tôi miên man cùng nắng gió quê nhà, cùng lũy tre, cùng tình làng nghĩa xóm. Trong tôi là nỗi nhớ thương dạt dào về một ngôi làng xưa đầy kỷ niệm.
Hôm sau, tôi lên xe đi Sông Cầu với cái hẹn (một người bạn quen đã lâu trên fb). Sông Cầu đón tôi với một cơn mưa nhẹ, cho tôi cảm nhận được sự tươi mát, lãng mạn của xứ dừa đầy thơ mộng. Lòng tôi dịu mát khi ngồi dưới gốc dừa, uống nước dừa, ngắm những tán lá lao xao cùng ngọn gió nồm dịu mát. Một Sông Cầu xinh đẹp đầy ấn tượng khi lần đầu tiên tôi đặt chân đến đang xôn xao trong tôi cùng tháng Ba đầy kỷ niệm.
Sáng hôm sau, tôi được bạn mời cùng tham gia với anh chị em, bạn bè của bạn một chuyến Qui Nhơn - Bình Định trên chiếc xe mười sáu chỗ. Chúng tôi vui, chúng tôi cười, chúng tôi kết nối yêu thương, như một gia đình thực thụ dù chỉ mới gặp nhau. Chúng tôi nắm tay chụp hình chung, hình riêng, đưa tay che nắng, thả tim, hình ngồi, hình đứng, đủ kiểu, trong tiếng cười rộn rã, giòn tan. Chúng tôi như chạy đua với thời gian, với nắng gió, với tiếng cười, chỉ để chụp hình lưu niệm. Chúng tôi chạy từ điểm này đến điểm khác - Kỳ Co, Eo Gió, nhà thờ Làng Sông…, chúng tôi rượt đuổi ông mặt trời như rượt đuổi chính mình sợ ngày mai tận thế, hay mình không còn hít thở được nữa vậy.
Chúng tôi dang người ngoài nắng, nở nụ cười tươi, mong có được những tấm hình đẹp. Và kết quả ai cũng bị rám nắng, nhưng bù lại có được niềm vui với tiếng cười, mà ông bà ta thường nói rằng, một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ; vậy là chúng tôi uống không biết bao nhiêu là thuốc bổ.
Không dừng lại ở đó, mới từ Qui Nhơn về có hai ngày, hẹn gặp Ca Dao (haibogiay) cà phê tặng em tác phẩm mới, em rủ thứ bảy này tụi em có chuyến đi Phú Yên, xe bảy chỗ mà mới có năm đứa, chị tham gia cho vui? Tôi nói chị mới đi về, em nói đi về đi nữa có sao đâu; vậy là ham vui, đồng ý liền.
Năm giờ sáng thứ bảy, Ca Dao đón tôi tại nhà bằng xe máy, chạy lên vườn nhà em ở Metro bỏ xe, rồi ra ngoài đường chờ xe đón. Phải nói là chuyến đi này ấn tượng nhất, bởi các bạn quá hài hước, quá vui, làm tôi cười suốt, có khi cười chảy nước mắt luôn. Tôi thấy mình trẻ lại và trong mắt tôi các bạn như thời còn cắp sách đến trường vậy. Vui nhất là lúc vừa đến quán cà phê Phố Hoa ở thành phố Tuy Hòa, các bạn dặn tôi, lát nữa tụi em sẽ giới thiệu chị học lớp E với các bạn thời Trung Cấp Sư Phạm. Tôi hơi ngại, mình có biết lớp E là lớp nào? - Thì chị cứ nhận mình là lớp E, ai nhớ đâu mà lo. Vậy ai là lớp trưởng để họ có hỏi mình biết trả lời chớ? - Biết chết liền á, không ai nhớ đâu chị. Một niềm vui mới lại bừng lên trong tôi, vậy là mình đóng vai một cô giáo, dù không thật. Thạch nhanh nhảu giới thiệu khi gặp các bạn - mình lớp A với bạn nè, Xuân lớp D, Hằng và Thủy lớp C, Thảo lớp B, còn chị Nguyệt lớp E. Tôi hết hồn khi bị người bạn kia hỏi lại “bạn lớp E?” - Ừ. Mình lớp E. Ai lớp trưởng quên mất hé? - làm sao tui nhớ hết được, tui nhớ cái tên tui là giỏi rồi nè. Ừ hen! Lâu quá! Nhưng mà sao tui hổng nhớ chút gì về bà vậy ta? Tui lớp E nè. Tôi chỉ biết nói “dẫy na”, làm cả nhóm cười vui hết cỡ. Một lát bạn ấy lại ngồi đối diện với tôi, nhìn bạn ấy tôi thấy sao quen quá. Sau nghe Thạch gọi tên bạn ấy là Hạnh nhà ở bên Phú Lâm, tôi nhận ra là người em cùng xóm liền hỏi thăm, phải thật lâu Hạnh và Nghiệp mới nhận ra tôi, cả hai đều nói lâu quá không gặp chị với lại mấy con quỉ kia giới thiệu chị lớp E, làm sao em nhận ra được. Và chúng tôi hỏi thăm nhau, không khí càng tươi vui, sôi nổi.
Chúng tôi đến Đồi Tím - một màu tím lãng mạn lao xao trong tôi, để tôi nhớ thương một “chiều tím, chiều nhớ thương ai, người em tóc dài…” nào đó, hay “tím cả chiều hoang” hay “ngàn thu áo tím”. Phía trước màu tím, sau cũng tím, trên cành tím, tất cả đều tím…, tím mênh mông, tím lãng mạn, tím xôn xao. Một màu tím nhớ nhung. Ôi! Đồi Tím!
Chúng tôi mỗi đứa chọn một chiếc áo dài bông bi màu tím, chiếc nón tím đồng phục mỗi em bốn mươi lăm nghìn, để có những tấm ảnh đẹp tím biếc. Và màu tím đã xôn xao trong tôi, trong các bạn tôi, trong mọi người khi nhìn những bức ảnh sinh động, lung linh sắc tím.
Ăn trưa xong, chúng tôi chạy thẳng đến Gành Đá Đĩa. Tạo hóa đã ban tặng cho Phú yên quê tôi một thắng cảnh vô cùng đẹp, vô cùng hùng vĩ, với những tảng đá xếp thật nghệ thuật, bên dưới là biển xanh thẳm với những cơn sóng vỗ xô bờ. Tôi mênh mang cùng nắng chiều, mênh mang cùng sóng biển, cùng mây trời; và trong tôi càng dạt dào hơn khi bắt gặp trời đất giao thoa ở cuối chân trời kia. Tôi muốn ôm cả nắng gió, ôm cả biển khơi, ôm cả cái mênh mang trời chiều nhạt nắng… vào lòng. Nhưng vòng tay tôi chỉ có niềm vui và tự hào mình là người con của đất Phú trời Yên, vậy thôi.
Chúng tôi về lại Tuy Hòa - thành phố đã lên đèn. Niềm vui trong chúng tôi vẫn dạt dào bên mâm cơm chiều vội vàng phía trước khách sạn. Mỗi người góp một vài câu chuyện vui, rôm rả, làm bữa cơm càng thêm ngon, thêm đậm đà hương vị quê hương.
Buổi tối chúng tôi đi thăm tháp Nghinh Phong về đêm lung linh đủ sắc mầu; chúng tôi cũng lung linh theo tháp với những tấm hình lúc xanh, lúc vàng, đỏ, tím… Rồi chúng tôi chạy đi xem nhạc nước, chụp vài tấm hình, trước khi về khách sạn.
Chúng tôi mệt nhoài với một ngày đầy nắng gió.
Sáng hôm sau, chúng tôi trả phòng sớm, thẳng tiến đến cao nguyên Vân Hòa. Không khí vùng cao nguyên mát mẻ, có lẽ vì vậy mà cao nguyên Vân Hòa được gọi là Đà Lạt 2 chăng? Chúng tôi mua vé vào khu du lịch sinh thái Long Vân. Tôi vui và tự hào về quê hương của mình đã thay da đổi thịt hoàn toàn, có rất nhiều điểm du lịch sinh thái, mà nơi nào cũng đẹp, cũng ấn tượng. Chúng tôi hân hoan trong cái lạnh ngai ngái, tươi mát của vùng cao nguyên núi đồi, dốc đèo xanh thẳm. Ôi muôn vàn là hoa, đủ các loại, rực rỡ, tươi đẹp. Nụ cười chúng tôi như tươi hơn, mắt chúng tôi sáng hơn, chân chúng tôi reo vui hơn; và cả mọi thứ chung quanh như bừng sáng theo tiếng cười vui của chúng tôi - đứng nghiêng người hết tất cả qua bên phải - đưa tay thả tim - cười thật tươi nè… 1. 2. 3… Vậy là chúng tôi cười, chúng tôi giỡn, chúng tôi điệu đàng, để có những bức ảnh đẹp kỷ niệm cho chuyến đi Phú Yên.
“Bác Tài” thấy tôi ngắm nhìn hàng tre phía bên kia khu ẩm thực luôn miệng khen đẹp, liền bảo tôi - cháu dẫn cô qua chỗ này có hàng tre đẹp lắm nè, tha hồ mà ngắm, tha hồ mà chụp hình. Hàng tre xưa quê tôi bỗng dạt dào theo cơn gió, dạt dào theo cái nắng vàng hanh, xuyến xao trong ký ức của tôi. Và “Hàng tre nghiêng xuống lối vào. Nhà em ngói đỏ sau rào bụt xanh” chợt thấp thoáng cùng hoài niệm, cùng nỗi khắc khoải nhớ thương. Tôi nhanh chân chạy theo bác Tài như mình đang trở về ngôi làng “Gò Tre” xưa của mình với bao cảm xúc dạt dào. Ngắm nhìn hai hàng tre thẳng tắp hai bên đường chụm đầu vào nhau rì rào trong nắng sớm, khiến lòng tôi ngẩn ngơ, bàng hoàng. Và tôi như bay bổng cùng nắng gió, dang hai tay xoay vòng, khe khẽ hát một ca khúc (tự biên, tự diễn theo cảm xúc về bài thơ Gò Tre đã viết năm nào) khi trầm, khi bỗng - Làng quê tôi rợp bóng lũy tre xanh. Không khí trong lành bốn mùa tươi mát. Đàn chim sẻ từ đâu về ca hát… Tôi muốn đưa tay lên chạm vào nắng gió, chạm vào niềm bâng khuâng, xao xuyến trong tôi; nhưng hai tay tôi chơi vơi trong hư không, nhịp nhàng theo đôi chân nhún nhảy dịu dàng, uyển chuyển. Bác Tài vội lấy máy quay lại cái khoảnh khắc đó - khoảnh khắc mà có lẽ sẽ chẳng thể có lần nữa.
Từ giã Long Vân, chúng tôi thẳng về Tháp Nhạn - thành phố Tuy Hòa, trong cái nắng gắt buổi trưa. Ngọn gió nồm dịu mát dạt dào từ biển thổi lên ngôi tháp cổ như xoa dịu cái nắng nóng oi bức. Chúng tôi ngắm nhìn, chiêm ngưỡng ngôi tháp rêu phong cùng tuế nguyệt như đứng đợi sự trở về của những người con đi xa không chút hờn trách, dù những đứa con ấy có nhớ đến sự chờ đợi của ngôi tháp cổ hay không. Có chút gợn buồn thoáng qua trong tâm hồn tôi, có lẽ tôi nhạy cảm quá chăng? Nhìn về phía Đông, thành phố Tuy Hòa nhộn nhịp với những dòng xe cộ tất bật cuộc mưu sinh. Dòng sông Ba vẫn lững lờ con nước xuôi dòng mang nặng phù sa bồi đắp cho vườn rau Ngọc Lãng. Cầu Đà Rằng thuở nào vẫn đón đưa người người từ bên kia về bên này và ngược lại. Tất cả như một dòng sông chảy mãi không ngừng.
Chúng tôi về tới thành phố Nha Trang lúc năm giờ chiều.
Vậy là tôi đã đi hết cuộc hành trình tháng ba đầy thương nhớ!
Bên dòng sông Tắc
Những ngày đầu tháng 4/2023