TIỂU  NGUYỆT


 Ba Chị Em
       Tùy Bút
 
     Ba chị em tôi sống cùng nhau với bà Nội, Ba tôi đang bị học tập cải tạo ở miền Nam. Má tôi buôn bán trên thị trấn nuôi các em tôi ăn học, ít khi về quê thăm bà cháu tôi. Chị Hai tôi vừa tròn hai mươi tuổi, chị xinh đẹp, hiền lành. Chị Hai đậu tú tài hai năm bảy mươi tư, thi đại học rớt nên chị Hai ở nhà ôn lại thi năm sau. Sau mùa xuân năm bảy mươi lăm, chị em tôi về làm ruộng ở quê Nội. Từ thuở bé đến lớn, chỉ lo học, không biết làm chuyện gì nặng nhọc, nhất là chuyện đồng áng thế mà chị ấy thật giỏi. Cắt lúa gánh chạy nhịp nhàng, chân thoăn thoắt, trong khi tôi mỗi đầu  chỉ ba bó lúa, gánh không nổi. Việc gì nặng chị Hai làm hết, tôi và Hùng - em trai tôi, phụ giúp thôi. Ngày mới về làm ruộng, chị em tôi bỡ ngỡ không biết làm thế nào, nhờ các cô, bác có ruộng bên chỉ giúp. Hùng còn nhỏ, học hết lớp mười xin nghỉ, không đi học nữa. Hùng nói “Học như hai chị đó, thi đại học có được đâu. Thôi em ở nhà phụ hai chị làm ruộng cho rồi”. Hùng học rất giỏi, thường được chọn đi thi “Đố vui để học” những năm tiểu học. Má tôi la “Con phải học hết mười hai, không vào đại học cũng được”, nhưng nó vẫn nghỉ.
     Ba chị em tôi, sống vui vẻ bên ruộng đồng. Ruộng nhà tôi hơi sâu, mỗi lần sạ rất là khổ. Hôm sạ được một ngày, chị em tôi mỗi đứa một cái thau, ngồi mỗi góc; múc nước trong ruộng đổ ra mương từ sáng đến chiều, ruộng khô mới về. Sáng sớm hôm sau ra ruộng múc nước tiếp. Ruộng kế bên trên cao, không chịu sạ trước, mà sạ sau ruộng nhà tôi hai ngày. Họ xả nước xuống lênh láng, chị em tôi đành khóc ròng, cùng nhau múc nước dần cho khô ruộng. Ông Khứ - người xả nước vào ruộng nhà tôi, thấy chị em tôi múc nước không thương, mà còn cười nói chế diễu:
     -Trời ơi trời! Coi ba chị em nó tát nước kìa, như tiểu thư con nhà giàu.
     Chị Hai tôi tức quá vừa khóc vừa nói:
     - Không ai ác như ông, không chịu sạ trước, chờ người ta sạ rồi xả nước vào. Vậy mà còn cười.
     - Tao muốn sạ khi nào tao sạ, mắc mớ gì tới tụi mày. Cha mày mang nợ máu ngồi tù mà còn bày đặt.
     Tôi tức quá hét ông ta, dù chưa bao giờ tôi hung dữ với ai:
     - Mang nợ máu gì, cũng nhờ cái người mang nợ máu đó mà ông mới có được hôm nay đấy. Ngày nào ông chạy lên nhờ vã, khi bị bắt quân dịch, ngày nào vợ chồng ông lên đi ngủ ké nhà cái người mà ông nói mang nợ máu đó đấy. Ông là người vong ơn bội nghĩa.
     Ông Khứ nghe tôi nói tức quá, nhảy lại chỗ mấy chị em tôi, vung cuốc đòi đánh:
     - Hôm nay tao đập chị em mày nè, giỏi kêu cha mày về mà bênh.
     Bà hai Thơ làm ruộng phía trước chạy lại bênh chị em tôi:
     - Mày ngon há, bữa nay mày mà đụng mấy chị em nó, là mày tới số rồi đó con. Tụi nó nói đúng đó! Mày vong ân bội nghĩa. Mới ngày nào cha má mày đặt cái máy gạo to tướng trên nền nhà ba má nó, nhà nó có lấy đồng tiền nào đâu, mới đó quên rồi hả?
     Ông Khứ nói lớ ngớ một lát rồi mang cuốc đi về.
     Ba chị em tôi không biết bón phân, mỗi lần như thế thường đi mượn người giúp. Thường thì mượn Dượng Sáu - chồng cô em gái họ của ba tôi, Dượng đến ruộng, bưng thúng phân ure trên tay, ra vẻ không vừa lòng:
     - Tụi mày ráng mà tập vãi đi chứ, tao có rảnh đâu mà giúp hoài. Như thế này là tụi mày bóc lột sức lao động của tao đó.
     Nghe Dượng Sáu nói thế, ba chị em tôi buồn lắm, bàn nhau tự mình tập làm. Hùng nói ra vẻ bất mãn:
     - Để em bón phân cho, đồ quỷ đó có khó gì, trước vãi không đều, sau quen dần thôi. Mượn ổng chút xíu, ổng nói nghe bắt ghét. Ruộng nhà mình nhiều, má đưa ổng làm năm sào chớ ít ha, còn bày đặt làm khó dễ này nọ.
     Thế rồi từ đó Hùng bưng phân bón cho ruộng, nó nhỏ xíu ốm nhom, bưng thúng phân nặng muốn té. Hùng ráng bưng đi xiêu quẹo, nó vãi chỗ xanh, chỗ đỏ không đều, nhưng rồi quen dần. Thương Hùng lắm, đêm nào nó cũng đi lấy nước vô ruộng. Ruộng nhà tôi làm chỉ có một mẫu, mỗi lần lúa chín, chị em tôi cắt chứ không mướn ai. Lúa mới “hườm”, chị em tôi đã bắt đầu cắt, cho đến lúa chín rục mới hết. Vất vả đấy, nhưng vui.
     Nhớ ngày Ba Má tôi chuyển vô Vũng Tàu làm việc, Tôi và chị Hai ở với Nội. Hùng và Hưng - em trai tôi, được đi theo Ba Má. Thềm nhà Nội tôi có một chỗ lở, Nội mua xi măng về trám. Hùng nhỏ xíu chạy lẫm đẫm in dấu chân chỗ vá trên thềm nhà khi mới trám, chưa khô. Chị Hai tôi, sáng nào cũng ôm dấu chân em ấy khóc nức nở, tôi mủi lòng khóc theo. Tôi và chị Hai dù cách nhau hai tuổi, nhưng như đồng trang lứa. Đi đâu người ta cũng tưởng sinh đôi. Mặc quần áo phải giống nhau, cùng màu, cùng kiểu, nếu không chẳng ai chịu mặc cả. Nội rất thương chị em tôi, đi đâu cũng dắt theo, nên trong họ hàng ai cũng biết.
     Ba Má tôi trở về quê, cất nhà bên Phú Lâm. Chị Hai lên trung học chuyển về ở với Ba má. Tôi với Hùng sống cùng Nội ở quê. Tôi học lớp nhất, Hùng mới vào lớp năm, em thường thức dậy muôn, đi học trễ. Hai chị em ngày ngày đến trường trong sự chăm sóc của nội. Chúng tôi sống bên lũy tre làng hiền hòa, quanh năm phủ một màu xanh mát. Người dân quê tôi hiền lành, quanh năm chỉ biết gắn bó, cặm cụi bên luống cày cùng ruộng đồng.
       Ngày ngày hai chị em tôi đến trường cùng các bạn trong xóm. Không có Ba Má nên tôi rất yêu thương và chăm sóc em vì nó còn quá nhỏ. Nhiều lúc nhớ Ba Má, Hùng cứ hỏi: “Em đố chị bây giờ nhà mình ăn cơm chưa? Hay, giờ Má làm gì? Ba làm gì? Chị nói đúng là giỏi…”. Những lúc như thế tôi chỉ ôm nó vào lòng vỗ nhẹ vào lưng an ủi, nước mắt rưng rưng, cố kềm lại không cho nó biết. Có gì ngon tôi đều nhường nó hết, tôi phải hát để dỗ cho nó ngủ, dắt nó đi chơi. Hùng rất thông minh, dạy qua một lần là biết liền. Hùng thích bắn chim, câu cá hay cùng tôi đi dọc theo bờ đê hái những chùm Dủ Dẻ chín thơm, những chùm hoa ướp trong túi ngan ngát hương suốt ngày. Tôi luôn gần gũi bên  Hùng bởi không còn niềm vui nào để khuây khõa nỗi nhớ thương Ba Má hơn thế. Trưa, hai chị em trốn nội rủ nhau đi. Tôi theo Hùng, bởi niềm vui của nó, cũng là hạnh phúc của tôi. Nhiều hôm trở về trong túi đầy hoa và Dú Dẻ chín, nó rất sung sướng. 
         Tôi nhớ, có hôm hai chị em đi học. Hùng nói gì tôi không chú ý làm nó hờn, đứng lại không chịu đi tiếp. Trường đổ hồi trống rao sắp vào lớp mà nó cứ ì ra, năn nỉ cỡ nào cũng không chịu đi. Tôi tức quá bỏ chạy trước một đoạn nhìn lại thấy nó vẫn chỗ cũ, cứ khóc. Nhìn thấy, tôi thương quá, chạy trở lại ôm nó vào lòng xin lỗi và cùng khóc với nó. Hai chị em lại cắm đầu chạy mới kịp vào lớp.
      Chúng tôi sống với nhau bên Nội nên đã nhận sự giáo huấn và ảnh hưởng tâm tính của nội rất nhiều. Chủ Nhật, Rằm hay mùng một nào Nội cũng về chùa, hai chị em cùng theo Nội. Tôi đọc thuộc rất nhiều kinh Phật mà chẳng biết hết ý nghĩa là gì, cứ đọc theo Nội thế là thuộc hết. Lớn lên tôi biết rằng đó là duyên lành của chị em tôi, mới được đi chùa, đọc Kinh Phật.. Những lúc khó khăn, tôi lâm râm cầu nguyện rồi mọi việc cũng trôi qua an lành. Chủ nhật hai chị em lên xe lửa về nhà, thăm Ba Má. Chủ nhật nào Má tôi cũng chuẩn bị những thức ăn ngon cho chị em tôi.
        Lớn lên, Hùng đúng tuổi phải đi nghĩa vụ quân sự. Năm 1982 lên đường nhập ngũ. Hùng lại phải tham gia chiến trường Cam-Pu-Chia và chiến sự xảy ra khi ấy rất ác liệt. Hằng ngày tôi và chị Hai ôm cái đài theo dõi với lòng thấp thỏm âu lo. Trước khi đi nó làm bài thơ tặng chị Hai và tôi, tôi cứ liên tưởng như lời trăn trối của nó vậy. Cả nhà ai cũng lo lắng. Tôi và chị Hai, chẳng biết làm gì hơn chỉ cầu nguyện cho Hùng được an lành sống sót trở về.
         Hùng trở về trong sự vui mừng của cả nhà và dòng họ. Cuộc sống lại tiếp diễn với những khó khăn, vất vả chưa hàn gắn, nhưng chị em tôi lúc nào cũng yêu thương nhau. Mỗi lần Hùng ghé về thăm nhà, tôi thường dúi cho nó ít tiền trong túi để tiêu vặt. Mỗi khi biển có cá nhiều, chị Hai mua gởi lên cho tôi. Vợ chồng Hùng về sống ở quê, nơi căn nhà của Nội, còn chị Hai đã dựng được ngôi nhà riêng trong xóm Ga.
          Năm 2000 tôi lại về sống ở thành phố Nha Trang. Hùng thường xuyên vào thăm, tôi cũng thường về quê thăm em và chị. Đầu năm 2003 Hùng bị bệnh, nó thấy khó thở và mỏi cả người. Tôi khuyên Hùng nên về Sài Gòn khám để biết rõ bệnh mà chữa chạy. Thế là bác sĩ phát hiện Hùng bị ung thư máu. Hùng ôm bệnh án trở về không chịu chữa và cho rằng với bệnh này không chữa khỏi. Hùng vẫn an nhiên không lo lắng chi cả. Tôi thường xuyên về thăm hơn, mỗi lần nhìn nó, tôi lại chảy nước mắt. Nó bình tĩnh và cười cười - còn khuyên tôi và chị Hai: “Mấy chị khóc chi cho mệt, ai rồi cũng sẽ phải ra đi. Giờ em đi trước, lên trên đó em tìm chỗ mai mốt mấy chị lên sau, sẽ gặp nhau thôi.”
     Hôm tôi về thăm, nó chỉ còn bộ xương, đi lại rất khó khăn. Tôi khóc, nó lại cười. Tôi cố giấu những giọt nước mắt làm vui với nó. Tôi chơi với nó một tuần. Trước khi ra về tôi tắm cho bộ xương nó lần cuối, không ngờ đây là lần cuối cùng chị em tôi được bên nhau. Tôi ra ga, nó đứng nhìn theo với đôi mắt buồn như van tôi ở lại, như chẳng muốn rời xa. Đôi mắt như xa xăm, ảm đạm. Tôi cúi đầu chạy không dám nhìn lại.
       Nửa đêm tiếng chuông điện thoại reo. Tôi run rẩy bắt máy. Tôi không nhúc nhích nổi, điện thoại rơi xuống sàn nhà. Đôi mắt ấy lại như hai ánh đèn pin phà vào tôi. Tôi lẩy bẩy ngã xuống, các con tôi đỡ tôi lên. Tôi đi lên đi xuống như lửa đốt. “Hùng vừa mới chết, sáng mai 8g30 liệm, em về cho kịp giờ đấy!” Tiếng chị Hai vang vang như còn bên tai. Sáng 6g30 xe lửa mới khởi hành, cả đêm tôi hết đi lên lại đi xuống không sao chợp mắt được.
        Xe lửa vừa vào ga, tôi chạy băng về nhà Hùng. Tôi vịn chặt cửa, hai tay víu cứng, không nhích nổi:
     - Trời ơi! em về trễ chỉ năm phút! Chị nói chờ nhưng mấy chú không cho sợ trễ giờ không tốt, đóng nắp quan lúc nghe tiếng còi xe lửa vào ga. - chị Hai gào lên thảm thiết.
     Tôi quay cuồng với ánh mắt ấy, như xa xăm, như níu kéo, như van nài tôi ở lại, vậy mà tôi cứ đi. Bao nhiêu hình ảnh của ba chị em tôi thuở nào hiện về, quay cuồng làm tôi chao đảo. Hình ảnh nó khóc nũng nịu để tôi phải dỗ dành, hình ảnh hai chị em đi bắn chim, hái Dủ Dẻ, thả Diều… Hình ảnh trên ruộng lúa ngày nào, ba chị em bị người ta diễu cợt, quay như chong chóng làm tôi không đứng vững. Quan tài nằm đấy, em tôi nằm đấy, nó đã ngủ giấc nghìn thu không bao giờ trở dậy. “Em đi mà không nói với chị lời nào, em hãy an bình nhé!”.
      Tôi nấc lên: “Em ơi!” rồi ngã xuống.
      Chị hai khóc thét lên. 
                                                                                      Tháng 04.2016
 

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt