TIỂU NGUYỆT


Bến Nước Mười Hai

Truyện ngắn

 

Thu Siêng sinh ra và lớn lên ở một làng quê có lũy tre xanh rợp bóng mát, nẻo đường làng êm ả quanh co, đã cho cô những buổi rong chơi giữa trưa hè cùng lũ bạn thời niên thiếu hồn nhiên, thơ mộng. Cô tẩn mẩn, vui thích với việc trồng hoa quanh nhà, chăm sóc mảnh vườn với nhiều loại rau xanh, tươi tốt. Người dân nơi đây quanh năm cần cù cày cấy bên ruộng đồng, rồi gắn bó với vườn rau, ao cá; nhưng trông họ bình thản, an vui với những gì mình có, trong tình làng, nghĩa xóm thủy chung.
Thu Siêng học hết lớp nhất đành phải nghỉ, bởi gia đình đang khó khăn, vất vả, không đủ tiền cho cô chuyển xuống thị xã ở trọ học. Cô an tâm ở nhà, lo đỡ đần mọi việc gia đình cho cha mẹ, với niềm vui thơ trẻ. Lớn lên, ngày ngày cô ra đồng nhổ cỏ, dặm lúa, chia vai gánh vác việc đồng áng nặng nhọc hơn; vậy mà nước da Thu Siêng trắng trẻo, mịn màng như da con gái thành phố. Thu Siêng không đẹp nhưng trong làng ai cũng bảo cô có duyên, nhất là đôi mắt như tỏa ra ánh nhìn sâu lắng, thu hút người đối diện; còn gương mặt dường như bao giờ cũng tươi tắn với nụ cười hồn nhiên, trong sáng.
Một ngày, Tuấn - chàng sinh viên luật năm thứ ba, đi cùng bạn là người anh họ của Thu Siêng ghé thăm nhà. Nụ cười của Thu Siêng có lẽ đã chạm đến trái tim của chàng sinh viên xa lạ, làm anh đắm đuối như bị “tiếng sét” bất ngờ, khó thoát.
Khi vừa thi xong năm cuối, anh nằng nặc thưa với mẹ - bà Xuyến, xin hỏi cưới Thu Siêng. Bà Xuyến thương con, và biết khó thay đổi lòng con, nên đã đồng ý, nhưng trong lòng bà vẫn chê Thu Siêng ít học, quê mùa, không xứng với con trai bà.
Riêng Thu Siêng, cô nghĩ đơn giản, rằng có một người vừa đẹp, vừa có học yêu thương mình; nên cô đáp lại tình yêu đầu đời của mình thật nhanh chóng, chân thành. Thu Siêng cảm thấy hạnh phúc và tự hào, bởi có được người yêu học hành giỏi giang; cả cái xóm nhỏ này có mấy ai được vào đại học?
Thế là đám cưới đã được tổ chức. Dần dà, Thu Siêng biết được lòng mẹ chồng, nên cô hết sức mềm mỏng, yêu thương, chăm sóc mẹ và các em chồng rất mực.
Năm 1972, Tuấn vừa nhận văn bằng tốt nghiệp trường Luật thì bị lệnh tổng động viên thúc giục, phải lục đục vào Thủ Đức. Chiến tranh ngày càng ác liệt, những trận đánh lớn nhỏ đã diễn ra ngày đêm, ở nhiều nơi; Tuấn hoang mang, lo ngại, và làm đơn xin xét thi vào trường võ bị Đà Lạt, để có thể kéo dài thời gian, sẽ được an toàn hơn trong tương lai. Trớ trêu thay, ngày anh mãn khóa, ra trường, đúng vào Mùa Xuân năm 1975. Một sự xáo trộn đột ngột làm anh không biết xoay trở ra sao, Tuấn đành phải trở về quê sau những ngày hoang mang chạy loạn.
Thu Siêng lo lắng, lòng thắc thỏm, băn khoăn khi thấy anh buồn. Để an ủi mình, và vỗ về nỗi buồn của Tuấn, cô cảm thấy càng yêu thương anh nhiều hơn, để bù đắp vào sự mất mác, hụt hẫng mà anh đang đối diện.
Tuấn ở nhà chưa được nửa tháng, rồi xin phép mẹ ra đi, nói là để tìm đường lập nghiệp. Dù đau đớn, nhớ thương, nhưng Thu Siêng cũng vẫn chìu ý anh - cô nghĩ: “dù anh có đi đâu, làm gì thì anh cũng là chồng của mình, rồi anh sẽ trở về thôi”.
Một năm sau, bao tháng ngày qua, Thu Siêng luôn lo lắng, nhớ thương và cầu nguyện hằng đêm cho anh được an lành và trở về. Cô đã dò thăm những người quen trong làng thường ra vào miền nam làm thuê, nhưng không tin tức gì của anh cả. Cô đâm ra bối rối và nghĩ ngợi mông lung “có lẽ nào anh không còn yêu thương mình nữa?”. Sau cùng, cô luôn dặn lòng rằng “đấy là người chồng mình yêu thương, dù anh có đi đâu thì cuối cùng cũng trở về với mình thôi”. Nghĩ vậy, Thu Siêng cảm tháy nhẹ lòng, an phận sống với bổn phận con dâu hiếu thảo trong gia đình.
Một buổi sáng, Tuấn bất ngờ trở về. Anh cho biết, đang rất cần một số tiền để mua đất làm vườn ở Long Khánh. Bà Xuyến gom hết tiền để dành và chạy mượn thêm của chị em bà để đưa cho anh. Bao nhiêu vàng cưới, tiền bạc dành dụm, Thu Siêng cũng đưa hết cho chồng. Tuấn ở lại với gia đình, khoảng một tuần, rồi vội vã ra đi.

***

Hơn tám tháng sau, Tuấn mang ba lô trên vai bước vào nhà. Anh chựng lại, sửng sốt nhìn người phụ nữ mang thai gần đến ngày sinh đang ngồi may chiếc áo cho con. Trông cô tái xanh, những đường gân nổi lên ở mặt và đôi tay trần, càng thấy Thu Siêng tiều tụy hơn. “Vợ mình đây sao?!” - Anh thoáng chút xao động, “Thì ra cô ấy đã có thai khi mình về lần trước!”.
Thu Siêng ngước nhìn lên, thấy Tuấn đang đứng tần ngần trước mặt. Cô lắp bắp không nói thành tiếng - người chồng mà mấy tháng nay cô thương nhớ, không hề có tin tức, để cô khóc suốt ngày đêm đã về đây sao? Nhớ chồng, thương con - cô khóc đến nỗi hai con mắt lúc nào cũng bèm nhem, ửng đỏ; mẹ cô khuyên can hết lời vì sợ cô bị mù mắt, nhưng cô vẫn không thể ngăn nổi những dòng nước mắt ràn rụa chảy. Thai nghén, cô không ăn uống được gì, cứ nôn thốc, nôn tháo; đôi khi mệt quá, cô phải lê bước đến trạm xá xã để nhờ chuyền nước. Nhờ sự tận tình chăm nom, an ủi của mẹ, cô cũng vơi đi được phần nào nỗi đau đang dằn vặt ngày đêm. Cô thầm nghĩ “mình cần phải sống vì con”, để nuôi dưỡng thai nhi, luôn máy động nhắc nhở cô.
Giờ đây, Tuấn đang trước mặt cô, như người trở về từ cõi chết. Cô mừng rỡ như muốn hét to lên; nhưng sao cô cứ lắp bắp, nghẹn ngào:
-Anh… anh Tuấn! Anh về đó sao?
-Anh đây, nhà không có ai à? Đi đâu hết rồi?
Thu Siêng nắm chặt chiếc áo nhỏ xíu đang may trên tay, cô cố ngăn dòng nước mắt đang chực trào ra - giọng cô run run:
-Thằng Tú đi học, má em mới về quê sáng nay, lát trưa xuống. Anh vào tắm rửa rồi em dọn cơm anh ăn.
-Ừ! Mẹ anh đã chuyển nhà về quê khi nào vậy?
-Dạ, đã ba tháng nay rồi. Anh ghé lại nhà rồi à? - Thu Siêng thoáng vui, anh tắm rửa, cơm nước rồi nghỉ cho khỏe.
-Sao em không hỏi han gì đến công việc của anh?
Thu Siêng gượng cười:
- Em đâu dám làm phiền anh - cô liếc nhìn Tuấn, xưa nay em luôn tôn trọng mọi quyết định của anh cơ mà.
Thu Siêng vội lấy áo quần, khăn tắm cho Tuấn, rồi xuống bếp nhóm lửa hâm thức ăn. Trong lòng cô bỗng rộn lên niềm vui - “anh ấy đã trở về, trở về với mẹ con mình”. Trái tim cô như reo vui, bao yêu thương đã tích tụ trong cô như tràn chảy.
Thu Siêng như linh hoạt hẳn lên, không còn chậm chạp, mỏi mệt như mọi bữa. Cô nhanh nhẹn dọn cơm ra bàn, rồi chạy lại cửa sau nói vói ra giếng:
-Anh ơi! Cơm đã dọn rồi, anh tắm nhanh vào ăn kẻo nguội.
-Ừ! Xong rồi đây!
Anh ngồi vào bàn cắm cúi ăn, không hỏi han gì thêm. Thu Siêng ngồi yên bên cạnh, chờ đợi những lời an ủi, yêu thương dành cho mẹ con cô - sự chờ đợi sao mà dài như muốn căng ra. Cô chờ đợi anh hỏi, nói gì cũng được, chỉ một chút thôi, cũng đủ làm cô vui, cô mãn nguyện rồi. Nhưng Tuấn cứ lầm lũi ăn, không nói năng gì cô cả, dường như anh đang ngồi một mình trong căn nhà trống.
Sự im lặng nặng nề đến nổi cô không dám xoay qua, trở lại - sợ tiếng động làm vỡ òa bao nỗi xót xa đang lắng đọng trong lòng. Cô thắc thỏm, lén nhìn anh, không hiểu trong đầu anh đang nghĩ gì, tính toán gì? Những câu hỏi cũ lại quay về trong chiếc đầu nhỏ bé của cô: “Anh có còn thương yêu mình không? Anh về luôn hay lại ra đi?”. Nhưng rồi cô tự an ủi như bao lần rằng “Đi đâu thì đi, anh ấy cũng là chồng mình, rồi cũng sẽ trở về thôi”.
Buổi tối, Thu Siêng thấy anh ngồi vào bàn học của thằng Tú - em trai cô, viết thư. Cô căng mắt trộm nhìn từ bên hông cửa phòng mình. Nhìn gương mặt đăm chiêu của anh, cô biết anh đang viết thư cho ai đó, rất quan trọng đối với anh. Bất chợt, cảm giác lành lạnh chạy rần khắp xương sống - cô thảng thốt: “anh ấy có người khác rồi?”.
Thu Siêng sờ tay lên bụng vuốt nhẹ, để xoa dịu cơn đau, nước mắt ràn rụa. Cô nghe hơi thở dồn dập, hai tay bấu chặt mép cửa, cố bình tĩnh an ủi mình: “Biết sao được! Anh ấy là người có học, mình không xứng. Nhưng đó là chồng mình, dù có đi đâu, sống với ai rồi cũng sẽ trở về với mình thôi”. Cô khẽ khàng lại giường nằm xuống và lau khô nước mắt, hiền lành như một con thỏ.
Sáng hôm sau, anh dậy sớm, về quê - xóm Tùng, ăn tết cùng gia đình. Thu Siêng còn lại, lặng lẽ như chiếc bóng. Anh không mời cô cùng đi, cũng không hứa hẹn khi nào trở lại. Anh đi rồi, cô dọn dẹp bàn học của thằng Tú. Cô xếp sách trên kệ lại cho ngay ngắn, vô tình bức thư anh viết khi hôm bỏ quên, rơi xuống. Cô ngần ngại cầm lên, một thoáng suy nghĩ bâng quơ, rồi mở ra. Thu Siêng đau đớn, cố nhìn cho rõ những con chữ đang nhảy múa trước mắt. Cô đọc chậm rãi, nước mắt nhòe ướt: “…Buồn quá! Về mà nhà mẹ không còn, anh phải ở ké nhà người ta. Có lẽ anh vào sớm hơn dự định – nhớ em!”. Thu Siêng ngồi bệt xuống đất, cầm bức thư trên tay uất nghẹn. Cô đau đớn khi đọc đến câu“ở ké nhà người ta”của anh. Cô khóc, khóc sưng cả mắt, rồi tự an ủi như bao lần. Cô xếp lá thư đặt vào chỗ cũ rồi vào giường nằm thổn thức, mặc nỗi khổ đau dằn xé, mặc cho nước mắt tuôn tràn.
Sáng hôm sau - ba mươi tết, Thu Siêng ra ga xe lửa về xóm Tùng. Dù Tuấn không mời, nhưng cô quyết định phải về, đó là bổn phận của người con dâu.
Cô uất nghẹn khi biết được ý bà mẹ chồng sợ cô đẻ trong nhà nhằm ba ngày tết sẽ xui xẻo. Bà Xuyến thúc giục cô phải quay về nhà mình gấp ngay trong ngày, khi cô vừa đến chưa được một buổi. Thu Siêng cảm thấy choáng váng, mỏi mệt - cô không thể về ngay trong ngày được. Cô năn nỉ bà Xuyến cho cô ở nán lại một đêm - một đêm ở nhà mẹ chồng, mà sao cô cảm thấy dài dặt quá. Thu Siêng đi ra, rồi lại đi vào, trăn trở, không thể nằm yên chợp mắt được. Cô luôn thầm cầu nguyện làm sao đừng để cho cô sinh con ở đây. Tuấn lánh mặt cô, cô ở nhà trên, anh xuống nhà dưới. Thu Siêng thấy lẻ loi, lạc lõng ngay trong ngôi nhà của người mình yêu, giữa cuộc đời bao la đầy sóng gió.
Buổi sáng mùng một tết, sau khi nấu mâm cơm chay cúng ông bà; bà Xuyến kêu Thu Siêng vào, bà nói rõ:
-Con lo vào thu xếp đồ đạc, ăn cơm rồi về đi. Không được ở lại, lỡ sinh thì khó cho mẹ.
Thu Siêng ứa nước mắt, ngước nhìn mẹ chồng:
-Chắc chưa đâu mẹ, con tính tháng sau mà. Khi nào anh Tuấn đi, con sẽ về.
-Không được. Gần ngày sinh không biết đâu mà lường, cái bụng con nặng quá rồi, con sinh trong nhà sẽ rất xui xẻo - bà bỗng dịu giọng, thương mẹ con nên về đi - rồi bà nói như ra lệnh, thằng Tuấn đâu, ăn xong đưa vợ mầy về bên đó đi nhen.
-Dạ!
Thu Siêng nghẹn ngào, lẽ nào mẹ chồng không coi mình là con? Thu Siêng uất ức, bấy lâu nay mình yêu thương, chăm chút, chìu chuộng, hết lòng lo cho gia đình chồng, lẽ nào họ không hiểu? Cô cảm thấy quanh cô là một màn đen mịt mù; chán chường với tình đời đen bạc. Đứa con trong bụng cô bỗng ngoi lên đạp liên hồi, cô đau nhói, đưa tay xoa xoa cái bụng căng cứng, rồi òa khóc nức nở.
Mẹ chồng cô bực bội:
-Mới sáng mùng một mà khóc lóc, xui lắm à. Tui nói không đúng sao mà còn khóc?
Thu Siêng nói qua tiếng nấc, ức ử:
-Dạ! Con biết rồi. Con xin lỗi mẹ. Ăn xong con sẽ về cho kịp chuyến tàu vô.
Ăn uống, dọn dẹp xong, Thu Siêng chào mẹ và các em, mang túi quần áo trên tay bước ra sân. Tuấn bước theo cô, hai người đi bên nhau mà không nói lời gì. Ra đến đường lớn, anh đi vọt lên phía trước cách cô hơn hai mươi mét. Thu Siêng cố đuổi theo cho kịp, nhưng không thể. Cái xách trên tay cô trĩu nặng, bụng sà xuống, làm cô bước đi rất khó khăn. Cô gắng bước từng bước, mệt mỏi. Thu Siêng muốn gọi Tuấn mang giùm túi xách, nhưng rồi lại nghĩ “có lẽ ảnh thấy mình bụng bầu xấu hổ nên đi cách nhau như vậy, thôi thì kệ, thương thì cố mà chịu rồi sẽ qua thôi”. Cô một mình, tay xách, bụng mang, lê lếch rồi cũng kịp tới ga xe lửa không phải trễ tàu.
Thu Siêng ngồi nghỉ trên chiếc ghế đợi của nhà ga, đôi chân cô rã rời, bụng đau trằn khó chịu. Cô nhìn quanh tìm anh, không thấy bóng dáng anh trên sân ga. Cô rơm rớm nước mắt. Một lát, anh quay lại bên cô - cô nói:
-Anh kiếm giùm em miếng nước, khát khô cổ, mệt quá rồi.
-Nước ở đâu mà kiếm, tàu sắp vào rồi. Thôi ráng chịu một lát về nhà rồi uống.
Tàu đến, anh nhảy lên toa, mặc cô ì ạch cố leo lên bậc thang, nhưng may sao, có người phía sau đẩy giúp cô lên. Ngồi trên tàu, lòng cô cũng “xập xình” xao động theo tiếng tàu chạy. Cô chới với theo cảnh vật thoáng lướt qua ngoài cửa sổ. Tất cả vụt ngang qua rồi biến mất, và cô ước sao, nỗi buồn trong lòng cô cũng trôi qua, tan đi như cảnh vật ngoài ô cửa kia. Cô nhắm mắt, ngôi nhà ngói đỏ ở quê với vườn rau xanh mát hiện ra trước mắt. Nơi ấy, có tuổi thơ với những chiều gió lộng, có tiếng gà buồn bã giữa trưa; nơi ấy có ánh trăng êm đềm đầy kỷ niệm, có giàn mướp hoa vàng, ong bướm lượn lờ. Và cô muốn trở về, về mái nhà xưa nơi cô đã từng lớn lên, với bao kỷ niệm êm đềm, thương mến. Niềm mơ ước, nhớ tưởng kia, đã đem lại cho cô giờ phút lãng quên êm ái.
Xuống ga, con đường về nhà còn khoảng một cây số, nhưng Thu Siêng cảm thấy bụng trằn đau quá, hai chân rũ rượi, miệng khát khô cả cổ. Cô gắng gượng từng bước, lếch bộ, dù mấy gã xích lô kề bên, đi theo mời mọc. Cô thoáng nghĩ, mình ráng được lúc nào thì được, xích lô làm gì tốn kém. Cô đã lo lắng, chắt chiu, dành dụm từng đồng, để cho việc sinh nở; lỡ không suông sẻ, biết cậy nhờ vào đâu. Cha mẹ cô đã lớn tuổi, lo cho cô đã nhiều, đã gom hết tiền bạc mua căn nhà dưới thị xã của người chú để lại, cho thằng Tú có chỗ ở đi học khi vừa hết cấp hai; và cô có điều kiện xuống thị xã học nghề “nữ hộ sinh, y tá”.
Thu Siêng chợt thấy Tuấn đi phía trước mình hơn mười mét - cô gọi lớn:
-Anh Tuấn ơi! Mang giúp em túi xách, nặng quá em đi không nổi.
Anh trả lời không ngoái đầu:
-Tự xách đi, sắp tới rồi.
Nói xong anh vội vã rảo bước nhanh hơn như trốn chạy - trốn chạy người vợ đã thương yêu tin tưởng mình hết lòng, đang mang trong người dòng máu của chính mình. Thu Siêng lại tủi thân, nước mắt ràn rụa. Cô ấm ức, thất thểu, mang cái túi xách như nặng trĩu dần trên tay, bước lầm lũi giữa ánh nắng chói chang, như đang dò đếm từng bước nỗi cô đơn, bất hạnh của đời mình.
Ngày hôm sau, anh lại ra đi. Anh đến và đi trong cuộc đời cô như một quán trọ - quán trọ miễn phí. Thu Siêng như chai đi cảm giác yêu thương, oán hờn. Có lúc, cô bàng hoàng như vừa trải qua cơn lũ, mọi yêu thương, giận hờn như theo cơn lốc xoáy cuốn trôi xa. Tâm hồn cô trở nên thầm lặng, yên tĩnh, đón nhận tất cả những khổ đau, bất hạnh một cách thản nhiên. Cô như dần hiểu ra được sự vô thường trong cuộc đời khổ đau này.
Đứa con trai kháu khỉnh được sinh ra sau khi Tuấn đi một tuần lễ - đó là món quà mà cuộc đời truân chiên ban cho cô. Cô thường cầm bàn tay nhỏ xíu của con trai đưa lên môi hôn, và thầm cảm ơn ông Trời đã cho cô hạnh phúc ngọt ngào được làm mẹ.
Nhìn con trai lớn lên từng ngày, cô như thấy hình ảnh anh hiện ra trước mặt. Bé Vĩnh giống Tuấn như khuôn đúc, mẹ chồng cô thường nói đó là bản sao của anh để lại. Cha mẹ, chị em, bạn bè, ai cũng khuyên cô nên quên anh đi, để có thể bước thêm bước nữa. Nhưng cô đã có niềm hạnh phúc bên con, với cô - đã mãn nguyện; anh có trở về, hay không trở về, cũng không sao. Tuy vậy, trong những giấc mơ bất ngờ, cô luôn thấy dáng anh thấp thoáng hiện về.
Thu Siêng bấy giờ đang là một cô y tá tận tụy, hiền lành, được bà con trong xóm tin yêu, nhiều chàng trai để ý, theo đuổi. Trong xóm, ai đau đầu, sổ mũi cũng chạy tới cô; ai sinh đẻ, bệnh tật dù nửa đêm, gà gáy, hễ gọi là cô mang túi thuốc ra đi. Thu Siêng vui với công việc bận rộn của mình, thoát dần khỏi nỗi đau, tìm thấy sự an lành trong đời sống. Mỗi lần chữa cho ai khỏi bệnh, cô thấy vui như chính mình vừa hết bệnh. Tâm hồn cô không còn nỗi u uất, trầm cảm, mà trở nên tươi vui linh hoạt, cởi mở hơn.
Rồi một ngày kia, Tuấn lại đột ngột trở về. Thu Siêng không còn vồn vã, hồi hộp đón chờ; trên nét mặt cô giá lạnh một nỗi hững hờ. Tuy vậy, Thu Siêng chăm sóc anh như người vợ hiền với sự cam chịu số phận. Nằm bên anh, có khi cô nghe yêu thương trỗi dậy, đôi lúc là sự xa cách, lạnh lùng. Nhiều lần tự hỏi, cô cũng không hiểu nổi chính mình đang nghĩ gì và sẽ ra sao với cuộc hôn nhân này.
Một đêm, Thu Siêng chợt như thấy lại Tuấn của những ngày xưa mới gặp, tâm hồn cô tràn ngập yêu thương. Cô đưa tay ôm ngang bụng anh - thủ thỉ:
-Bữa ở sân ga, em nhờ anh mang giùm cái túi xách, mà anh không mang, mua giùm cái vé tàu mà anh không mua. Lúc đó, em buồn lắm, và chỉ nghĩ đến cái chết mà thôi!
Tuấn đáp, lạnh lùng:
-Vậy sao không chết đi cho nhẹ nợ.
Thoáng nghe câu nói, Thu Siêng tê điếng, người như bồng bềnh, nổi trôi trên dòng nước chảy xiết. Đồng thời, cô nhận ra trái tim cô như đã đóng băng. Cô liếc nhìn anh, cảm thấy xa lạ, và kinh hãi, như nhìn một người từ hành tinh nào vừa đến. Một cảm giác “nhờn nhợn” chạy suốt thân cô và ngay sau đó, cảm giác “gớm tởm” đã khiến cô ngồi bật dậy...

***

Tuấn mang ba lô trên vai bước vào ngõ. Con Vện sủa ầm ĩ. Thu Siêng nói vọng ra:
-Im nào, Vện! - Cô bước ra, Ai đó? Mua thuốc hả?
-Anh đây!
Thu Siêng nhìn thấy Tuấn gầy gò, xanh xao như vừa trải qua cơn bệnh ngặt nghèo, lầm lũi bước vào. Con người vạm vỡ, hào hoa, trí thức, mà cô từng ngưỡng mộ xưa kia đâu rồi? Tuấn trở về lần nầy, ngồi trước mặt cô, như một con người hoàn toàn khác. Thu Siêng không vui, không buồn, không có chút cảm xúc. Lòng cô trống rỗng, dửng dung. Cô nhìn anh như một đám mây đen đã trôi qua cuộc đời mình.
Anh đã nói với Thu Siêng rất nhiều, đã xin cô bỏ qua những lỗi lầm, rằng anh đã mê muội từ bỏ một hạnh phúc mà lẽ ra anh được hưởng, để điên đảo chạy theo một cái bóng ảo mơ hồ.
Với giọng thiết tha, anh mong cô nghĩ lại, để bé Vĩnh có được cả cha lẫn mẹ. Nhìn anh - tự dưng cô thoáng chút buồn. Buồn vì anh là người có học (theo cách nghĩ của cô), mà không biết giữ mình, để sống một cuộc đời nhân hậu; lại chạy theo những cám dỗ phù phiếm, gian dối. Thu Siêng chỉ thấy anh thật tội nghiệp. Còn tình yêu? Cô nhận ra rất rõ, rằng tình yêu đã biến mất khỏi trái tim cô tự lúc nào mà chính cô cũng chẳng hay.

* * *

Hằng ngày, Thu Siêng đưa đón bé Vĩnh đi học, rồi ra trạm xá xã làm việc. Từ ngày mẹ cô mất, cô trở về quê; sống lại nơi ngôi nhà ngói đỏ ba gian xưa kia cô đã được sinh ra và lớn lên.
Từ nhiều tháng qua, hễ đến ngày rằm, hay mồng một, cô ăn chay, về chùa lễ Phật. Ngôi chùa xưa đầu làng mà mẹ cô đã từng dắt tay cô lui tới, viếng thăm, đã là nơi Thu Siêng tìm lại được thuở bình yên tuổi trẻ. Trong lòng cô cảm thấy an bình, thanh thản lạ kỳ. Nụ cười đã trở lại rạng rỡ trên khuôn mặt tươi tắn của cô như ngày xưa.
Thu Siêng chăm chút sửa sang lại ngôi vườn, trồng thêm cây ăn trái chen kẽ những luống rau xanh. Bữa ăn của mẹ con cô đạm bạc với rau củ cô trồng, nhưng rộn rã tiếng cười. Cô chia sẻ từng bó rau, trái bầu, trái bí cho bà con trong xóm, như chia sẻ niềm vui, hạnh phúc của mình. Lúc thư thả, cô cắt xén hàng rào dâm bụt thẳng, đều, đẹp, ai ghé vào thăm cũng khen. Và những khóm hoa vàng trước sân nhà, nhởn nhơ cánh bướm, đã điểm tô cho ngôi nhà thêm xinh xắn, dễ thương như thuở nào còn bóng mẹ.
Thu Siêng vươn vai bước ra sân sau hồi công phu sáng. Cô luôn có cảm giác nhẹ nhõm, thư thái trong lòng, sau mỗi buổi ngồi yên, lắng lòng theo lời Phật dạy. Cô như thấy mình được thoát ra khỏi dòng nước đục ngầu, chảy xiết, của kiếp nhân sinh đầy hệ lụy, truân chiên, mà cô đã tưởng rằng sẽ bị đắm chìm sâu dưới đáy lạnh.
Thu Siêng mỉm cười, cầm mấy cành hồng vừa cắt, bước vào nhà. Con Vện chạy lại dụi đầu vào chân cô quyến luyến, mừng rỡ. Cô vuốt nhẹ trên lưng con Vện: “Cảm ơn con!“
03/2018


  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt