TIỂU NGUYỆT 


Bức Thư Cho Ba
    
Tùy bút
 
 
     Nha Trang, ngày... tháng... năm...
     Ba kính yêu của con!
     Thế mà Ba ra đi đã hăm bảy năm rồi! Ngần ấy thời gian, gần nửa đời người, mà sao con nghĩ như mới hôm nào.
     Trời mùa hạ nắng như thiêu, như đốt; chiều nay bỗng đổ mưa, cơn mưa làm mát dịu cả đất trời. Tiếng mưa rơi bỗng nhiên gieo vào lòng con nỗi nhớ - nhớ quay quắt, hình ảnh Ba năm nào hiện về thật rõ như đang ở trước mặt con vậy. Ba nhớ không? Ngày con thi đậu đệ thất, Ba mua cho con quyển sổ, quà mừng con vào ngưỡng cửa Trung học; quyển sổ màu xanh lá cây đậm. Con mừng lắm và rất thích, lúc nào cũng bỏ quyển sổ ấy vào cặp mang đến lớp; bạn con, đứa nào thấy cũng theo hỏi, con có dịp khoe là quà thi đậu làm tụi nó ngưỡng mộ lắm. Con tập viết nhật ký, hằng ngày có gì con đều ghi vào hết, lâu lâu giở ra đọc lại, thấy ngồ ngộ, vui vui. Nhiều khi con đố các bạn ngày hôm đó lớp mình có sự kiện gì? Tụi nó trả lời, sai đúng gì cũng nhờ quyển nhật ký đó giải quyết, nghĩ cũng hay. Con đã giữ mãi quyển sổ ấy, dù cuộc sống lận đận chuyển không biết bao nhiêu lần nhà. Nhưng Ba ơi, con phải đành mất nó khi căn nhà bị sập vì cơn bão năm 93, con tiếc ơi là tiếc, mất ngủ cả tháng đó Ba.
         Ba ơi! Con nhớ Ba lắm, nhiều lúc vào giường năm chờ giấc ngủ, con ước gì được gặp Ba trong giấc mơ để con có thể biết được Ba thế nào, để có thể kể hết cho Ba nghe nỗi lòng con; những nỗi đau mà con đã gặp phải trong đời sống cô độc, mồ côi! Những thăng trầm trong cuộc đời con và gia đình nhiều, nhiều lắm; nhưng sao hăm bảy năm rồi mà Ba chẳng chịu về thăm con lần nào? Làm sao con kể cho Ba nghe đây? Con viết thư cho Ba dù biết Ba không đọc được, nhưng con tin, con cứ trải lòng mình cùng Ba, thế nào chắc là Ba cũng sẽ  cảm và nghe thấy tiếng lòng tha thiết nhớ thương của con Ba nhỉ! Nhiều khi con nghĩ, không biết nơi Ba đến có những gì? Ba có được khỏe không? Trong thế giới thênh thang ấy, Ba đã gặp những ai, làm gì? Ba có gặp mấy đứa em của con không? Tụi nó thế nào? Có thể một ngày nào đó không xa, con sẽ có dịp gặp lại Ba và các em khi rời xa cõi tạm nầy. Con đã chuẩn bị tất cả rồi, sẵn sàng để khởi hành chuyến đi xa vào cõi hư vô bất cứ lúc nào, vậy mà có lúc, bỗng dưng con thấy sợ. Con rùng mình khi nghĩ đến điều này, bởi  nghĩ đó là cuộc chia ly vĩnh viễn!
     Ba kính yêu của con!
     Hôm nay trời mưa rả rích buồn lắm, con cảm thấy đau nhức theo thời tiết bất thường nầy; và nghe như xương cốt cũng bị rệu rạo, hao mòn hết rồi. Nhưng Ba ơi - con phải ráng gắng gượng để tiếp tục bước đi, tiếp tục sống thôi. Ngày con ngã bệnh, con chỉ cầu mong sao thời gian còn lại dành cho đời con được hai năm nữa là đủ. Vậy mà qua hai năm rồi con lại muốn thêm chút nữa, con có tham lam quá không Ba? Nhưng Ba ơi, có lẽ con còn quá yêu thương cuộc sống nầy, những người thân yêu của con, và bạn bè, làng xóm. Hơn nữa, con còn muốn làm thêm những việc cần phải làm cho đời sống con còn lại.
        Con muốn viết, viết và viết. Viết lại tất cả những gì con đã trải qua, từ thuở ấu thơ đến bây giờ. Viết để trải lòng mình, để chia sẻ những gì mình đã học được, những gì mình cảm nhận được về cuộc sống đầy dẫy bất công, đầy dẫy khổ đau này; cho cuộc sống mỗi ngày một tốt đẹp hơn, tất cả mọi người mỗi ngày một an vui, hạnh phúc…. Con miệt mài từng giờ, từng ngày sống để viết, bằng khối óc chân thành, bằng con tim rộng mở. Con hiểu được rằng, ước nguyện ấy không đơn giản chút nào, bởi có niềm hy vọng hiến dâng và thành công nào mà không phải trả giá xứng đáng, Ba nhỉ? Nhưng con đã tự nhủ lòng phải gắng hết sức; dù là sự chia sẻ, đóng góp ít ỏi.
          Con nhớ lại hai năm trước, lúc con ngã bệnh một tuần, cả người con vàng khè, đầu con đau không thể nào mở mắt nổi; chỉ cần nhúc nhích một chút là nôn thốc, nôn tháo. Lúc ấy, con ước gì có Ba bên cạnh, được nghe lời Ba an ủi, để con vơi đi nỗi đau; hoặc một ai đó cho con tựa đầu giây lát, nhưng không ai cả Ba ạ. Con cô đơn khủng khiếp, buồn tủi vô cùng; sau nầy, ngồi nghĩ lại con thấy tê lạnh cả ngưòi Ba ạ. Hai mắt con nhắm nghiền, mở ra là thấy một hàng chai lọ treo lủng lẳng bên trên, con sợ lắm. Người ta đang chuyền nước cho con, chuyền liên tục đến nỗi không còn chỗ nào mà chích kim vào nữa. Con đau lắm, cái đau thể xác con còn cố chịu được; nhưng nỗi đau tinh thần như cấu nát trái tim con. Không đêm nào con ngủ được, hai mắt nhìn lên trần nhà ráo hoảnh dù con đã uống một liều thuốc an thần. Mắt nhìn lên trần nhà mà sao con thấy đủ thứ; con chới với, hụt hẫng khi người ta phụ tình con, người ta nỡ bỏ con chống chọi một mình với bệnh tật. Rồi con lại thấy những tháng ngày êm đềm ở quê nhà, sao mà vui, mà dễ thương đến vậy. Làm sao quên được những đêm trăng, cả nhà mình quây quần cùng nghe nội kể chuyện; những chuyện thời con gái của bà gian khổ ra sao, nhọc nhằn lắm và vui không kể hết. Rồi những ngày nhà ta chuyển về thị trấn, con khóc bù lu bù loa khi phải ở lại quê học cho hết năm với bà nội bốn. Bà rất thương và cho con mọi thứ, nhưng con vẫn nhớ nhà, nhớ ba má và các em; ai cũng nói con mít ướt, vì cựa là con khóc, khóc miết thôi. Nghĩ lại những ngày tháng ấy, mắt con vẫn còn cay sè, rưng rưng Ba ơi!
      Hình ảnh còn khiến con hãi hùng, là bệnh viện về đêm - đó là một sự yên tĩnh lạnh lẽo, buồn bã và tang tóc. Trong phòng, nhìn quanh, chỉ có một sự lạnh lẽo đến rợn người; quay qua, quay lại chỉ tiếng kêu rên của bệnh nhân. Một lúc là có ca bệnh mang vào, cả đêm. Nằm viện gần hai tháng, con chứng kiến không biết bao nhiêu điều. Ngày ngày bệnh nhân vào ra liên tục, người chết, người chuyển viện, người được xuất viện. Tiếng khóc lóc của người thân khi có người chuyển vào nhà xác, và vân vân…
     Ba kính yêu!
    Ngày xưa, con rất ham đọc sách; nhưng Ba sợ con học hành bê trễ nên cấm không cho, con phải giấu dưới vở để đọc và qua mặt Ba nhiều lần lắm. Giờ kể ra nếu biết, Ba có giận con không? Ba biết con ham đọc sách nhưng cũng ham học, phải không Ba? Con không được làm cô giáo như ước mơ, không phải vì con học dở, điều đó Ba biết mà; cho nên, con muốn các con của con phải thực hiện bằng được ước mơ đó; con đã cố gắng chăm lo chỉ dạy chúng để chúng sẽ làm thay cho ước mơ tuổi trẻ của con. Các con của con đã học hành đến nơi, đến chốn; đã thay con bước vào ngưỡng cửa đại học, thay con thực hiện những gì con đã từng mơ ước rồi - Ba ạ!.
     Ba kính yêu của con!
     Làng quê của mình bây giờ khác xưa nhiều lắm Ba à. Đường quê được mở rộng thoáng sạch phẳng phiu hơn, người ta làm một cây cầu mới thật lớn, thay Cầu Bi từ khúc cua vô Gò Tròn. Đường vào làng xóm đã trải bê tông hết rồi, cho nên trời có mưa gió gì cũng không sình, không lầy như xưa nữa đâu. Còn cái Dốc Dòi ngày xưa mùa mưa lũ qua lại khó khăn nay không còn nữa, người ta đổ đất nâng cao lên chạy một mạch là tới cổng nhà mình; ôi cái chỗ mà ngày xưa con đứng đấy cùng các bạn bày trò chơi quay chong chóng đã “biến” mất cùng tháng năm, sao mà nhớ quá.
          Lò gạch mọc lên rất nhiều, khói nghi ngút ngày đêm. Lũy tre làng còn được mấy cây đâu Ba, giờ đây không còn hình tượng của Gò Tre nữa mà giống như “Gò Gạch” vậy. Mấy mươi năm rồi mà, bể dâu, dâu bể; ai biết được năm, mười, hoặc hai mươi năm sau sẽ như thế nào, phải không Ba? Nhưng dù sao, những viên gạch từ bàn tay quê mình đã được sử dụng dựng xây bao ngôi nhà, bao công trình; đã góp phần ổn định đời sống bà con, quê hương sau bao năm tháng dài chiến tranh ác liệt! Nhiều lúc, nghĩ lại, nhìn lại quê mình, con rất vui và tự hào vì được sinh ra và lớn lên nơi làng quê hiền hòa, xinh đẹp này. Con ước mơ sao, sau này tất cả người dân quê mình cũng sẽ được no cơm áo ấm, sẽ được sống an vui trong yêu thương, bình đẳng. Ước mơ là thế nhưng biết đến bao giờ mới được toại nguyện? Dầu sao, còn sống, là vẫn còn phải nuôi ước mơ, nuôi hy vọng phải không Ba?
     Ba kính yêu của con!
     Ba của con lúc nào cũng tươm tất, cởi mở, vui tính - các bạn học cùng lớp với con đứa nào cũng khen “Ba của Nguyệt ăn mặc lịch sự ghê, lúc nào cũng có nụ cười thân thiện chào đón trên môi”. Bà con láng giềng ai cũng thương và quí Ba, bởi Ba thường cảm thông, gần gũi, giúp đỡ, thương yêu mọi người – nhất là những gia dình nghéo khó, neo đơn. Bà con trong họ nội ngoại cũng thế, ai cũng khen Ba giản dị, chất phát; đói bụng là kêu đói, cơm nguội bánh tráng gì cũng được cả. Con vẫn nhớ những ngày Ba học tập cải tạo tận miền nam xa xôi, Ba bị bệnh ốm nhom, tóc bạc hết trơn, trông già nua, tiều tụy. Có lần con vào thăm Ba phải chống gậy mới đi ra được, lần đó con rất lo sợ,  hoảng quá – con sợ Ba không qua khỏi cơn bệnh; con đã lâm râm cầu nguyện, mong Ba được chóng qua khỏi, an lành. Rồi những ngày được tha về, Ba của con cũng có được thong thả gì cho cam; ngày ngày Ba phải vất vả trên chiếc xe ngựa chở lúa cho hợp tác xã. Ba gắng hết sức làm việc mà có bữa nào ăn uống tươm tất đâu, có gì ăn nấy cho qua ngày, qua bữa.
     Càng nhớ, con càng thương Ba quá! Cực khổ cả đời, nhưng mới gom góp  sửa lại căn nhà, chưa ở được bao lâu lại ra đi - ra đi khi tuổi mới năm mươi tám. Ba ơi!
     Ba kính yêu của con!
     Hôm nay, Má con tuy trên tám mươi nhưng rất minh mẫn, không đứa nào “tranh luận” lại Má cả. Má con còn giúp Út Phượng nấu cơm cho đám thợ ăn để làm việc cho gia đình nữa đấy; Má làm gọn gàng, nấu ăn ngon, trong tụi con không đứa nào sánh kịp với Má hết. Tuy Má hay đau nhức tay chân, nhưng không sao, người già ai cũng vậy mà. Ngồi nghĩ - nhớ lại, những ngày chính quyền mới tiếp quản, họ kêu gọi nhà mình phải đóng một tấn gạo. Nhà mình không có tiền làm sao mua gạo để đóng đây, cho nên má con bị họ mời vào ủy ban hết lần này đến lần khác. Nội sợ quá, năn nỉ má “Con ráng chạy tiền mua gạo đóng cho họ đi, chớ họ mời hoài má sợ lắm”. Thế nhưng má con biết xoay trở ở đâu cho có tiền mua gạo đóng, tiền Ba để dành trong ngân hàng đã mất sạch rồi, họ có cho mình nhận lại đâu; đành cứ vào ủy ban ngày ngày thôi. Sau đó, họ giảm xuống còn 500 kg, rồi giảm xuống 200kg và dù giảm bao nhiêu má con cũng nói y cũ “Tui không có gạo nuôi bầy con lấy gì mà đóng, mấy ông có phạt gì tui cũng xin chịu hết”. Nội thì sợ run rét, má thì cứ vậy mà nói; thế rồi họ cứu xét nhà mình bảy, tám miệng ăn, chỉ mình má lo toan nên họ thôi không đòi nhà mình đóng nữa. Bấy giờ nội khen “má con mày vậy mà giỏi”. Má con là vậy đó, từ xưa đến giờ vẫn vậy; thẳng tính, cương nghị và giàu lòng nhân ái.
     Ba kính yêu!
     Ba ơi! Hai mươi bảy năm con không được “gặp” Ba, chẳng được trò chuyên thăm hỏi, hôm nay con mới có dịp viết thư cho Ba, nên đã “kể lể” dài dòng, nhiều chguyện “trên trời dưới đất” - con xin Ba đừng trách. Nghĩ nhớ đến việc gì, chuyện gì, con cũng đều muốn được tâm sự, chia sẻ cùng Ba hết. (Con đã dài dòng vậy mà vẫn cảm thấy chưa dủ!) Con hiểu rằng, cuộc đời như một giòng sông, lúc êm đềm, lúc chảy xiết; lúc trời yên gió lặng, giòng nước hiền hòa biết bao; nhưng khi có mưa to gió lớn, lũ tràn về, giòng nước hung hãn đến phát sợ. Cho nên con đã tự khuyên nhủ phải gắng hết sức, để giữ cho được “thăng bằng” (trong cuộc sống cũng nbư tâm hồn) dù lên thác hay xuống ghềnh, dù đau đớn bao nhiêu, con cũng phải vượt qua. Con mong Ba hãy tin con gái  của Ba  hôm nay không còn yếu đuối hay khóc nhè như xưa nữa, Ba nhé!
           Con xin tạm dừng bút để Ba còn phải làm việc, chúng ta đang ở hai thế giới khác nhau; bên này ngày, bên kia là đêm mà phải không Ba? (Đôi khi con nghĩ vậy). Con cầu chúc Ba đón ngày mới trong niềm hoan lạc ở cõi vĩnh hằng!. Cầu xin An lành sẽ đến với gia đình ta, đến với tất cả…                                                                                   Con của Ba.
                                                                                            06/2017
                                                                       
 

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt