TIỂU NGUYỆT

 

Chuyện Ngày Xưa Của Mẹ Tôi
Truyện ngắn

 

Chiếc xe mười hai chỗ của anh Hai tôi đang chạy vào con đường bê tông phẳng phiu dẫn vào làng, hai bên là ruộng lúa xanh mượt. Làng tôi hiện ra xanh xanh bóng tre, mái nhà ẩn hiện mờ nhạt dưới bóng cây phía trước. Tiếng cười nói vui vẻ của mấy anh em tôi khi biết chuyến đi sắp đến nơi, ai cũng cảm thấy thoải mái, nhẹ nhỏm dù vừa vượt qua một quãng đường dài hơn 400 cây số để được trở về ngôi làng thân yêu - nơi cha mẹ tôi đã từng sinh ra và lớn lên.
Trong lòng tôi sôi nổi bao cảm xúc trào dâng, buồn vui lẩn lộn. Ngang qua thửa ruộng ven đường, tình cờ nhìn thấy một phụ nữ đang cúi khom người cấy dặm, đã làm tôi giật mình. Tôi đưa bàn tay lên ngực nén trái tim đang đập mạnh và hít thở thật đều để ngăn bớt sự xúc động, hồi hộp. Hình ảnh mẹ tôi thuở nào chợt hiện ra, như thấp thoáng đâu đây. Tôi luôn gặp mẹ trong những giấc mơ; những cử chỉ, lời nói dịu dàng nhắc nhở, hay bàn tay âu yếm vỗ về tôi những khi tôi gặp chuyện không vui, những khi tôi vấp ngã, đã hằn in trong tâm trí tuổi thơ tôi như được khắc sâu tự bao giờ. Một thời, nhạc phẩm “Bông Hồng Cài Áo” của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã làm tôi xao xuyến rưng rưng mỗi khi nhớ về mẹ - mẹ như dòng suối diệu hiền êm ái chảy qua lòng tôi, cho tôi sự tươi mát hạnh phúc; có khi người là ánh đuốc soi đường thắp sáng trong những nẻo đường gai gốc tôi đi. Hình dáng mẹ trong tôi tuy gầy gò, nhỏ nhắn; nhưng có đôi tay vững chải, đã che chở, sưởi ấm, dẫn dắt năm anh chị em tôi đều đến được bến bờ an vui dù một thân trải qua bao khó khăn, vất vả. Những năm tháng, dù lẩn quẩn trong cảnh túng thiếu, mẹ vẫn luôn nhắc kể về chuyến thăm quê như một niềm vui lớn, một hạnh phúc hiếm hoi của đời bà. Mỗi lần về quê, mẹ luôn dắt theo một trong năm anh chị em tôi một người, thay phiên nhau, ai cũng được lần lượt theo bà về quê cả. Bà nói, để cho chúng tôi có dịp biết quê mình, nhớ quê mình, bà con xóm giềng - nơi đã chôn nhau cắt rún và nuôi dưỡng tuổi thơ của chúng tôi .
Từ dạo đó, khi không còn mẹ nữa, anh chị em tôi luôn nhớ lời tâm tình tha thiết của mẹ, và năm nào sắp đến tết, anh chị em tôi luôn cùng nhau trở về thăm lại làng xưa; dù nơi ấy bây giờ đã đổi thay, vắng dần người thân yêu cũ.
Trước mắt tôi, kia là gốc đa già đầu làng mà tôi và mẹ đã ngồi nghỉ trong chuyến mẹ con tôi về thăm khi tôi tám tuổi. Chân tôi đau rát khi đi bộ trên con đường đất (bây giờ đã bê tông hóa) dài năm cây số giữa trưa nắng chang chang. Mẹ tôi vỗ về “Con ráng chút nữa là đến nhà” như truyền cho tôi sức mạnh để tôi bước tiếp. Gốc Đa còn sừng sững đấy mà mẹ tôi đâu rồi? Tôi nghĩ, mẹ tôi chắc vẫn đâu đây, người đang dõi theo bước chân chúng tôi với niềm vui, với tình yêu thương vô bờ.
Tôi nhớ, nhớ vô cùng đêm trăng năm nào, trên vuông sân gạch, chúng tôi quây quần bên rổ đậu phụng nấu, mẹ đã kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời của cha và mẹ. Tôi nghe tiếng mẹ tôi như còn thì thầm bên tai...

***

Thịnh là trưởng nam của ông bà Chung, một gia đình giàu có ở xã Duy An, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông bà Chung rất ưng ý cô Tuyết, con của ông bà Thơ xóm trước, nên rất muốn chọn Tuyết làm con dâu. Hằng ngày, Tuyết ra chợ phụ giúp mẹ trông coi sạp hàng tạp hóa, cô ít nói, nhưng vui vẻ - trông hiền lành, nết na được cô bác khu chợ quý mến.
Rồi một ngày, ông bà Chung dạm hỏi Tuyết cho Thịnh và đám cưới được tổ chức trong sự mừng vui của cả làng; bởi Thịnh học giỏi, nhưng không ỷ lại sự giàu sang, mà có lòng thương tưởng đến mọi người . Hơn một năm sau, Thọ - cậu con trai của Thịnh ra đời trong tình yêu thương của cha mẹ, họ hàng. Thọ ra đời đúng vào thời gian cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, lan rộng, đang đi vào giai đoạn quyết liệt nhất. Học sinh ở các trường, từ lớp Bảy đến lớp Chín (1945 - 1951) đều phải tham gia tuyển chọn để sung vào bộ đội. Hạnh phúc chưa được bao lâu thì Thịnh cùng những thanh niên trong làng, theo đoàn quân nam tiến.
Tuyết thay anh chăm sóc cha mẹ, một mực yêu thương, chia sẻ; nhưng cô không thể thay đổi được những lời đay nghiến, quở trách xa gần của mẹ chồng và cô em gái lớn tuổi, khó tính. Tuyết vẫn luôn tự khuyên mình, hãy nên gắng sức làm vừa lòng họ, và cô nghĩ rằng đó là những người thân yêu của anh. Cô yêu quý anh, thương con - nên không thể xa lánh, ghét bỏ họ được. Những lời bóng gió nhỏ nhen của cô em gái ngày càng nhiều, càng gay gắt, làm cô không vơi được nỗi buồn và lo lắng.
Tuyết không hiểu sao mẹ và em gái lại đối xử tệ bạc với cô như vậy. Tình yêu thương của cô chỉ được đáp lại bằng sự ghét bỏ, xa lánh! Ngày rời xa gia đình về làm dâu, sống với Thịnh, cha cô đã dặn: “Con nên nhớ, “ái nhân nhân ái chi” - hễ thương người, thì người thương lại thôi !” - nhưng cuộc sống thực tế sao lại vậy? Cái cảnh mẹ chồng nàng dâu và nhất là những cô em chồng lớn tuổi Tuyết đã nghe nói nhiều, nhưng cô không nghĩ cô em chồng lại quá quắt như vậy. Tuyết làm gì họ cũng không vừa ý, và Tuyết như chiếc bóng lẻ loi trong căn nhà thênh thang ấy. Tuyết cô đơn, buồn tủi, nhớ anh và trong lòng cô luôn mơ về một chuyến vào nam để lập nghiệp và cũng là để tìm anh.
Rồi ngày ấy đã đến, như một số phận. Bà Chung nghe lời con gái, khéo léo gọi Tuyết đến ngồi bên, nói sẽ gởi mẹ con Tuyết về nhà mẹ đẻ, vì gia đình bà ngày càng khó khăn. Tuyết cảm thấy uất nghẹn, đớn đau, khi nghe mẹ chồng đòi gởi trả cô về nhà cha mẹ. Cô cũng cảm thấy bên nỗi đớn đau, còn có sự tủi nhục mà cô không đáng phải nhận.
Tuyết quyết định ôm con lên xe vào nam; như một sự chạy trốn xấu hổ, mà chẳng biết mình phải dừng lại nơi đâu? Cô không về nhà cha mẹ, cô không thể mang nỗi đau khổ, tủi nhục về nhà để cha mẹ phải ngày đêm phiền muộn vì mình!
Qua đèo Cù Mông, Tuyết dừng chân ở đất Phú Yên. Cô bơ vơ giữa xứ người. Sau một tháng mẹ con nấn ná tạm bợ nơi hiên chợ, sân chùa; Tuyết đã gặp được bà Hoài, như một duyên lành mầu nhiệm đưa đẩy. Tuyết được bà Hoài nhận làm con nuôi khi tình cờ gặp nhau trong một quán cơm ở bến xe ngoài thị xã. Như có một sự dẫn dắt, sắp đặt - họ đã đồng cảm và cần nhau khi hiểu rõ hoàn cảnh của nhau.
Tuyết theo bà Hoài về nhà. Bà Hoài là một phụ nữ không con, chồng chết, sống một mình ở vùng Thạch Chẩm, xã Hòa Xuân. Gặp được mẹ con Tuyết, bà Hoài rất vui, vì từ đây bà không còn cô độc nữa, bà cũng có con, có cháu vui cửa, vui nhà. Hằng ngày Tuyết cùng mẹ nuôi tráng bánh gánh ra chợ Hòa Xuân bán, và còn phụ giúp mẹ nuôi chăm sóc ba sào ruộng để có hạt ăn. Tuyết dò hỏi tin tức của chồng nhưng không ai biết gì về đơn vị của anh, cô lặng lẽ làm việc, và luôn âm thầm nuôi hy vọng đến một ngày nào đó.
Khoảng đầu Xuân năm 1952, như thường lệ, một buổi sáng gánh bánh ra chợ, Tuyết nhìn thấy một toán bộ đội giăng dây đón bộ hành qua cầu Bàn Thạch để kiểm tra. Có vài người đàn bà gánh gồng, bưng xách im lặng vội quay lại đi lối khác. Tuyết không hiểu việc gì xảy ra, thì người đàn ông vừa bước tới, nói cho cô biết rằng, họ kiểm tra “mù chữ” để chống giặc dốt. Ai cũng phải đi học lớp “bình dân học vụ” để biết đọc, biết viết. Họ viết chữ trên tấm bảng, ai đọc được thì cho qua, ai không đọc được họ ghi tên, nơi ở, bắt buộc phải quay lại, về nhà học. Ở thôn làng, đều có mở những lớp “Bình Dân học vụ” ban đêm, để dạy cho tất cả những người không biết chữ, không phân biệt tuổi tác. Tuyết gánh hai giỏ bánh lên cầu, và thật bất ngờ, khi người bộ đội đón kiểm tra cô lại là Thịnh. Tuyết vô cùng vui mừng khi gặp lại anh - người chồng yêu quí đã xa cách bấy lâu mà cô nhớ thương, hy vọng.
Thịnh cũng sững sờ khi nhìn ra Tuyết trong dáng hao gầy, nghèo khó. Anh cầm lấy bàn tay Tuyết mà cứ ngỡ là trong một giấc mơ. Tuyết đang đứng trước mặt anh, đôi mắt dịu hiền đăm đăm nhìn anh, mà không nói được câu nào. Có lẽ, Tuyết cũng nghĩ như anh - mình đang sống trong một giấc mơ chăng?
Cuộc gặp gỡ bất ngờ như một phép mầu, trước sự xúc động của bao người; nhất là những đồng đội của anh. Sau phút ngỡ ngàng, họ ôm choàng lấy nhau mà nước mắt cứ chảy dài…
Tuyết vẫn về ở cùng bà Hoài, cũng hằng ngày tráng bánh mang ra chợ bán; nhưng cô đã biết được tin tức anh, liên lạc được với anh, thỉnh thoảng được gặp nhau ở khu trại của đơn vị anh đóng dưới chân đèo Cả. Và họ cùng nhau chờ ngày ngưng tiếng súng, ngày hòa bình trở lại .
Sau bảy mươi lăm ngày đàm phán, Hiệp định Genève về chiến tranh Việt Nam đã được ký kết, hòa bình được lập lại. Sau ngày 20 tháng 7 năm 1954 tin “đình chiến” đã được loan báo rộng rãi, đem lại niềm vui to lớn cho toàn dân Việt, sau 9 năm gian khổ. Thịnh không theo đơn vị tập kết ra Bắc, xin được ở lại, đưa mẹ con Tuyết cùng bà Hoài về lập nghiệp tại Hòa Mỹ. Anh đã chọn nơi này làm quê hương thứ hai.
Anh cũng như Tuyết, chăm sóc bà Hoài như mẹ ruột, rất mực hiếu thảo. Bà không sinh ra Tuyết, nhưng nuôi dưỡng, đùm bọc mẹ con cô lúc khốn khó, bơ vơ. Cuộc sống hai vợ chồng anh êm đềm bên đồng ruộng, bên vườn rau, ao cá mà anh hằng mơ ước. Ước mơ đơn sơ, nhỏ nhoi là vậy, mà anh và Tuyết đã phải trải qua bao sóng gió, gian truân mới có thể thực hiện được.
Tuyết mở một cửa hàng tạp hóa nho nhỏ ngay nhà để bán cho bà con trong làng, còn Thịnh ngày ngày ra đồng chăm lo cho mấy sào ruộng. Cuộc sống khấm khá dần, và những cô con gái của họ lần lượt ra đời như những đóa hoa biết nói: Cúc, Hồng, Mai, Liễu. Thịnh muốn đặt tên cho con là những loài hoa, để mong cho đời con, có thêm ý nghĩa, vui tươi, không như đời của cha mẹ. Bông cúc vàng khoe sắc trước thềm xuân, đóa hồng đỏ thắm xinh tươi chưng trên bàn mỗi ngày, mai vàng rực rỡ báo hiệu xuân về, và cành liễu thắm bâng khuâng bên bờ hồ thơ mộng...
Hòa Mỹ là một xã nằm về phía tây nam thuộc huyện Tuy Hòa - thuở ấy, là một vùng quê có nhiều rừng núi. Nơi đây, vào những năm của thập niên sáu mươi sau ngày hòa bình, thường xuyên có tiếng súng nổ vì sự đụng độ của hai bên. Nhà nào cũng đào sẵn một hầm trú cá nhân, hay cho cả gia đình. Mỗi khi có tiếng máy bay oanh tạc, súng nổ là cả nhà vội chui vào hầm tránh đạn. Có khi cả làng phải ào chạy ra giữa đồng trong buổi trưa nắng gắt, vì tiếng súng và máy bay thả bom ầm ì gầm rú ngay trong làng. Khi tiếng súng im dần và máy bay cũng vắng tiếng, cả làng mới hoàn hồn dắt díu nhau trở về.
Người dân những vùng “xôi đậu” này đã dần quen với những cảnh như thế, vì cuộc sống gắn liền với thửa ruộng mảnh vườn. Ai cũng nghĩ, tiếng súng, tiếng bom không có gì lạ đối với họ, có thể trốn tránh; nhưng chỉ lo sợ đạn lạc thì không chừa ai bao giờ. Và, vào một buổi sáng mùa thu, Thịnh đã nằm xuống khi một viên đạn vô tình oan trái đã bay lạc vào giữa ngực anh. Anh chỉ kịp nói với vợ bằng tiếng đứt quãng, thì thào “Em đưa các con lánh đạn bom, xuôi về dưới huyện…” rồi trút hơi thở cuối cùng trong tiếng kêu gào, than khóc của vợ con.
Thịnh đã nằm lại đây khi cả nhà phải chạy về phố huyện. Sau cái chết tức tưởi nhanh chóng của Thịnh, tiếng nổ ngày càng nhiều, cảnh chết chóc tang thương diễn ra thường xuyên trong làng, ngoài bờ ruộng, kiềm giữ mọi người nằm mãi trong hầm trú ẩn. Sau cùng, họ đành cắn răng dắt nhau chạy từng đoàn xuôi về huyện. Tuyết đưa mẹ Hoài và các con chạy theo đoàn người. Ai cũng mệt mỏi vì lo sợ, chân tay rã rời, nhưng vẫn cố dìu dắt nhau mà bước.
Đến Phước Bình thì trời đã tối, mấy mẹ con Tuyết xin ngủ nhờ ở nhà một người ven đường. Ông bà chủ nhà thật tốt bụng, nấu cơm cho mấy mẹ con cô ăn, còn giúp cô tìm mua một miếng đất của người quen để làm nhà tạm ở. Thế rồi mấy mẹ con Tuyết cũng dựng được ngôi nhà nhỏ, lợp tole, bên cạnh chùa Ân Quang. Tiếng chuông chùa công phu sáng tối đã đem lại cho tâm hồn cô những giờ phút an tĩnh, vơi bớt ưu phiền, tin yêu cuộc sống hơn. Và cô đã ngày đêm chăm chút nuôi dạy các con với niềm ước mơ như Thịnh đã nói, rằng các con của mình sẽ học hành đến nơi đến chốn.
Nhà gần chùa, nên các con của cô luôn về chùa lễ Phật, nghe quý thầy cô thuyết giảng, nên đứa nào cũng chăm ngoan, biết thương người và hiếu thuận. Ngoài giờ đến trường, các con của cô luôn phụ giúp mẹ mọi việc trong nhà - nhất là khi cô cần đến. Có lẽ chúng cũng đã nhận ra sự bất hạnh của mẹ, và nỗi khó khổ của gia đình mình?
Tuyết mua củi của những người đi núi hái về, chẻ ra bó từng bó nhỏ rồi gánh ra chợ Tuy Hòa bán. Hai người con lớn của cô phụ mẹ gánh củi, trông nặng nhọc vất vả đấy, nhưng chúng vẫn luôn nở nụ cười chia sẻ với mẹ.
Đến mùa gặt, Tuyết lại ra đồng cắt lúa mướn; người ta khúm công mỗi ngày cũng hơn giạ lúa. Tuyết siêng năng, ai mướn gì cô cũng làm, để có thêm thu nhập, mua sách vở và học phí cho con.
Rồi Tuyết xoay sở mở tiệm tạp hóa lại tại nhà như trước, để đỡ vất vả, có thời gian ở nhà chăm sóc con hơn. Hai chị em Mai và Liễu muốn giúp đỡ mẹ nhưng loay hoay mãi không biết làm gì. Hai đứa rủ nhau đi mót lúa, bẻ măng; Tuyết biết được - rầy la con, vì sợ chúng lơ là việc học.
Sau năm 1975, Tuyết đưa các con trở về Hòa Mỹ - nơi Thịnh đã nằm xuống, gởi nắm xương mình và là quê hương thứ hai mà anh đã chọn để phần nào được gần gũi, sưởi ấm linh hồn anh. Tuyết dựng lại căn nhà ngói trên nền cũ và mở lại tiệm tạp hóa như khi anh còn sống. Hằng ngày cô như thấy được hình bóng anh, vẫn cái dáng gầy gầy, cao cao đi ra đi vào; và giọng nói ấm áp vô hình như vọng về từ cõi nào xa xăm, đã làm cô cảm thấy an tâm, vui sống. Hình ảnh anh luôn chập chờn trong cô - là niềm tin, động lực cho cô vững bước. Tình yêu đã vực Tuyết dậy từ bao nỗi truân chuyên, bất hạnh.
Hằng năm, cứ vào khoảng 17, 18 tháng Chạp Tuyết đều về thăm quê nội, về mái nhà xưa ở xã Duy An, huyện Duy Xuyên như một niềm hạnh phúc không thể thiếu. Năm này Tuyết dắt Mai đi theo, sang năm dắt Liễu, và năm sau nữa dắt Hồng hoặc Cúc hoặc Thọ. Tuyết thường kể cho các con nghe chuyện làng quê xưa ấy, về nắng gió, bão bùng, thiên tai, lũ lụt, về những kỷ niệm êm đềm tuổi thơ cũng như những ngày anh và cô gặp nhau; để các con của cô luôn nhớ, luôn hướng về quê cha “…Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người” (*) .
Các con của Tuyết đã dần dần trưởng thành, ai cũng được đi học đến nơi đến chốn. Mai, Liễu, Hồng là giáo viên dạy trường gần nhà; Cúc là cán sự điều dưỡng làm ở bệnh viện huyện; Thọ là kỹ sư nông lâm, công tác ở sở Tài Nguyên và Môi Trường. Các con của Tuyết đều đã lập gia đình, ai cũng có cuộc sống hạnh phúc. Hằng năm, các con cô đều tham gia cùng nhau chuyến trở về thăm quê, mà chúng gọi văn vẻ là “Chuyến Về Nguồn”.
Một sáng mùa thu năm 1985 - như anh, Tuyết đã ngủ một giấc dài và không bao giờ trở dậy nữa, sau ngày giỗ của anh. Có lẽ anh đã đón Tuyết khi biết cô đã hoàn thành trách nhiệm với các con. Có lẽ anh và Tuyết đang nắm tay nhau ở một cõi vô hình xa xăm nào.

***

Xe đã dừng lại trước ngôi nhà ngói đỏ ba gian của ông bà nội tôi, mọi người lần lượt xuống xe cười nói vui vẻ. Tiếng chị Hồng làm tôi giật mình:
-Sao mà đờ đẫn thế Liễu? Tới nơi rồi, sao không xuống?
Tôi như vừa trải qua một cơn mê dài, mỉm cười - lật đật xuống xe:
-Dạ! Em xuống liền.
Các cháu - con người em (con cô Ba của tôi) chạy ra chào đón, chúng vui vẻ phụ mang mấy thùng đồ trong xe vào nhà. Lòng tôi bâng khuâng khi ngắm khoảng sân rộng trước nhà, nơi đây ngày xưa cha tôi đã từng chạy nhảy, vui đùa; nơi đây ghi dấu bao kỷ niệm một thời của cha mẹ tôi. Năm nào tôi cũng về đây, mỗi lần về, tôi đều nao lòng với cảnh cũ, người xưa qua lời kể của mẹ. Một cảm giác bâng khuâng không tả được, chỉ biết rằng cái khoảng trời ngày ấy, cả không gian, thời gian như đọng lại nơi đây, làm tôi nuối tiếc, buồn bâng quơ.
Chúng tôi ra thăm mộ ông bà nội, ngoại; thắp nén hương, cầu nguyện.

Chúng tôi cùng dắt nhau đi thăm từng anh chị em họ hàng nội ngoại trong làng. Sự trở về của mấy anh chị em tôi, như sưởi ấm tình thân của họ hàng nội ngoại, như chất keo càng gắn kết chúng tôi lại với nhau. Tôi thầm cảm ơn mẹ tôi, người đã hy sinh cả cuộc đời vì chúng tôi, đã hướng cho chúng tôi biết nhớ về nguồn cội, để được hạnh phúc, để có niềm vui, niềm an ủi lớn lao cho đời mình.
Sau một ngày thăm viếng bà con, họ hàng; anh chị tôi đã mỏi mệt, ai cũng muốn nghỉ ngơi, ngủ bù vì đường xa . Riêng tôi, dù cố gắng nhắm mắt nhưng không tài nào ngủ được. Tôi nằm đó, trăn qua, trở lại với bao hình ảnh quay cuồng trong cái đầu nhỏ bé.
Tôi trở dậy, bước ra sân. Trăng đã lên cao, ánh sáng dịu dàng, óng ả tỏa xuống khắp sân vườn một vùng sáng bàng bạc, mênh mông; và tôi như thấy cha mẹ tôi từ trên cao đang nhìn xuống, mỉm cười.
11/2017
TIỂU NGUYỆT
(*)thơ Đỗ Trung Quân

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt