TIỂU NGUYỆT
 
  Con Dốc Cuộc Đời
             Truyện ngắn
 
 
     Chị Thảo bưng thau rau muống vừa xắc xong, mang lại thùng cám múc trộn cho đàn gà. Chung quanh chị, cả trăm con gà lớn nhỏ quây quanh, chị loay hoay vãi cám rau như mọi ngày cho đàn gà. Anh Huy - chồng chị Thảo, dựng chiếc xe đạp bước vào:
     -Ruộng gì mà mấy ông tý cắn hư hết trơn, chiều nay chắc cho mấy ổng một chầu quá! Mệt ghê!
     Chị Thảo ngước lên nhìn anh, ái ngại:
     -Mùa nào cũng vậy, chuột cắn phá tan tành. Chiều nay vô cửa hàng phân thuốc của bà năm Tạo mua mấy ống thuốc trộn lin cho tụi nó. Cứ kiểu này nó cắn ít bữa không còn một cây.
     Anh Huy vừa đi ra sau giếng vừa nói:
     -Trời ơi! Bà đừng nói tiếng “Chuột”, phải cữ chớ! Nói tên mấy ổng linh lắm, cắn hết bây giờ. Chiều bà vô mua mang cho mấy ổng đi, tui có việc bận rồi.
     Chị Thảo vung cả thau thức ăn vãi cho đàn gà, vẻ bực mình - giọng cằn nhằn:
     -Khéo kiêng với cữ! Bận gì? Bận nhậu với mấy thằng cha xóm trước chớ gì? Ngày nào cũng nhậu! Bắt mệt.
     -Nhậu hồi nào mà bà nói ngày nào cũng nhậu? Bà cứ dấm dẳng, ớn quá!
     -Mới tối qua ai té trong hàng rào? Có bao giờ ông chịu say, chịu mình nhậu đâu. Bữa trước rớt cả đèn của chiếc xe máy, sáng ra còn la mấy đứa nhỏ “Đứa nào làm rớt đèn xe của Ba vậy bay?” nữa chớ! Thấy bắt ớn!
     Anh Huy vùng vằng:
     -Bà nói vừa thôi, nói quá tui đi à!
     -Ông đi thì đi, ai cản nổi ông.
     Anh Huy lầm thầm một hồi rồi dắt chiếc xe đạp ra sân đạp đi. Chị Thảo cho gà ăn xong, rửa thau mang vô nhà. Chị buồn, cuộc đời chị quanh quẩn bên mấy con gà, con heo không thoát ra ngoài được. Không lúc nào chị được rảnh rang một chút - công việc cứ y như sắp hàng chờ chị từ nửa đêm: sáng lo cho heo, cho gà ăn, rồi chạy ra đồng nhổ cỏ, dặm lúa.  Chiều. Hết việc này đến việc khác, không lúc nào ngơi tay; vậy mà cái nghèo vẫn mãi đeo bám chị. Anh Huy ngày nào cũng rượu, say bí tỉ; lê thân về được đến nhà là may lắm rồi. Ngày nào bận quá nhờ anh chạy ra thăm ruộng một chút là anh cũng kiếm chuyện này, chuyện kia.
     Ngày trước hai vợ chồng chị Thảo cũng khá giả lắm, má chị cho chị rất nhiều tiền làm vốn khi vợ chồng chị mới cưới, ra riêng. Hai vợ chồng chị mở xưởng dệt, mới đầu cũng ăn nên làm ra; nhưng thời gian sau này xưởng dệt của anh chị càng ngày càng bế tắt, càng về sau càng khó khăn. Thời kỳ mở cửa vải vóc nhập về nhiều, sản phẩm anh chị làm ra không tiêu thụ được; máy móc của anh chị lỗi thời, thành phế liệu, bán chẳng ai mua. Thế là anh chị mất hết. Chị tiếc của đâm bệnh hoạn miết, anh Huy chiều nào cũng làm vài xị cho vơi nỗi buồn. Thế rồi nghiện rượu lúc nào chẳng hay, ngày nào không uống rượu là anh thấy rất khó chịu trong người. Cứ thế, ngày qua ngày, anh đắm mình trong men rượu, say sưa, không giúp được gì cho gia đình. Trên gương mặt chị lúc nào cũng buồn rười rượi. Thằng Như - con trai chị, học mới lớp chín đã nghỉ. Chị rầy la hết lời nó chẳng chịu nghe. Nghỉ học ở nhà luôn tuồng đi chơi, tụm năm, tụm ba cùng mấy đứa xóm Gò. Bắt chước học đòi nhuộm tóc xanh, tóc đỏ; tai đeo lủng lẳng như con gái. Chị sống thầm lặng cùng nỗi buồn không biết tâm sự cùng ai, nói ra sợ người ta cười. Chị tủi thân, nhiều đêm nằm khóc một mình, rồi chị tự an ủi “Cái số mình nó vậy, đành chấp nhận thôi!”.
     Anh Huy liệng chiếc xe đạp ngoài hàng rào, bước vào sân; vừa đi vừa nghêu ngao với những bước chân xiêu vẹo, giọng lè nhè như người buồn ngủ. Anh bước lên thềm nhà rồi ngã người nằm xuống trước hiên, dang thẳng tay chân; miệng hát líu ríu không nghe rõ tiếng gì. Chị Thảo nghe tiếng anh vội vàng chạy ra. Nhìn anh, chị lắc đầu; mới đó mà đã ngáy rồi. Chị ngao ngán thở dài thườn thượt, cái cảnh này dường như xảy ra hằng ngày. Chị lêu khêu khom người nắm hai vai anh kéo vô nhà. Chị cố hết sức kéo, thân anh nhích đi lệch xệch trên nền gạch. Vừa  đưa anh vô bên trong nhà, bỗng anh vùng dậy, nôn tháo ra ngoài, văng lấm bê bết khắp quần áo chị. Chị khóc thét lên:
     -Trời ơi trời! Sao thân tui khổ dữ vậy trời!
     Chị ngồi bệch xuống đất ôm mặt khóc, nước mắt nước mũi ràn rụa. Tiếng khóc của chị vang lên từng chặp cùng với tiếng ngáy hổn hển của anh trong bóng tối, nghe rợn người. Cứ thế chị khóc!
    Chị nhớ quá những ngày còn sống bên ba má, chỉ biết ăn rồi chơi, rồi học. Cơm có người nấu sẵn, việc có người làm. Những ngày thần tiên ấy sao mà sung sướng, sao mà hạnh phúc. Càng nhớ lại, chị càng thương ba má quá chừng. Giờ đây, ba má chị không còn, chị mới thấy rõ tình yêu của ba má dành cho chị, cho các con lớn ngần nào. Chị tủi thân, chị băn khoăn không biết những ngày sắp tới chị sẽ phải sống như thế nào, khi người chồng luôn say khướt, còn con trai không biết vâng lời - tất cả rồi sẽ đi về đâu?
     Chị nhắm mắt lại không dám nghĩ tiếp, chị sợ và lo lắng. Ngày ngày, chị cật lực làm việc; hết việc nhà rồi việc đồng áng, không có thời gian chăm sóc các con. Thằng Như đã hư hỏng, nhưng may thay lại có Vương - con gái lớn của chị, rất khôn ngoan, chăm chỉ. Vương làm việc ở công ty Thủy Sản, lương tháng được bao nhiêu mang về đưa hết cho mẹ. Nhờ Vương, nỗi buồn khổ vi chồng và Như cũng được an ủi phần nào. Chị vẫn cảm thấy còn may mắn, để gắng bước đi tiếp quảng đời còn lại của mình.
     ***
     Chị Thảo trút mấy bao phân xuống sân rồi trộn đều các loại lại để chuẩn bị chở ra bón ruộng. Chị đưa hai bàn tay gầy guộc xốc đều chỗ phân vừa trút ra, rồi hốt bỏ hết vào một cái bao cột lại. Thằng Tuân - bạn của thằng Như, ở xóm Gò, dừng xe lại trước cổng nhà - la lớn:
     -Như ơi! Mau lên, đi với tao lên xóm Trãng, tụi nó đang chận đánh thằng Chu, thằng Mí trên đó. Kỳ này cho tụi xóm Trãng về chầu ông bà luôn.
     Thằng Như vừa chạy ra, vừa tròng áo vào người, miệng hỏi tới tấp:
     -Sao mày biết? Tụi nó đi đâu trên đó mà bị đánh vậy? Mày báo cho thằng Cư, thằng Mẫn chưa? Tụi mình tràn lên dẹp trận này cho tụi nó ngán.
     -Tao báo rồi, thằng Mẫn chở thằng Cư chạy trước rồi. Nhanh lên!
     Chị Thảo nghe hai đứa nói chuyện, hoảng hốt:
     -Trời ơi! Mày ở nhà giùm tao, mày lên nạp mạng cho tụi nó đó sao - con ơi!
     Hai đứa không trả lời chị một tiếng, leo lên xe nổ máy chạy. Chị Thảo chạy theo chụp được áo thằng Như kéo lại:
     -Mày xuống ngay! Vô nhà. Ăn rồi không giúp được gì cho cha cho mẹ, toàn rủ nhau đi đánh lộn không à con. Mày đi đánh nhau được lợi ích gì cho thân mày, cho gia đình hả? Bữa nay mày đi là chết với tao à!
     Thằng Như đẩy tay chị Thảo ra, giục bạn:
     -Chạy nhanh lên kẻo bả kéo lại.
    Như giựt áo ra khỏi tay chị Thảo, thằng Tuân nổ máy, xe lao về phía trước. Chị Thảo chạy theo vừa khóc vừa kêu:
     -Như ơi! Mày không nghe lời má, chết có ngày con ơi!
     Chị lao theo đà xe chạy, loạng choạng, suýt té ngã. Chị đứng nhìn theo hai đứa như bóng ma u ám, nước mắt chảy ròng ròng trên hai gò má khô nhăn. Chị đưa tay quẹt nước mắt, bước thất thểu trở vào nhà. Chị mệt mỏi, u buồn; cứ nén chặt vào lòng. Chị  không biết phải làm gì, chỉ biết rấm rứt khóc một mình. Ba má chị đã không còn, anh chị em đều ở xa. Chị thèm một chút tình thân để chia sẻ,  để tâm sự, để gởi nỗi lòng; nhưng không dễ gì tìm thấy niềm an ủi ấy! Anh Huy không còn là chỗ cho chị tựa vai, dù là một thoáng chốc. Đêm đêm chị không ngủ được, thao thức với bao điều. Đôi mắt chị ngày càng trõm sâu, hốc hác thấy rõ. Đôi mắt sâu, làm cho hai gò má  nhô cao, trông khắt khổ; chị già đi trước tuổi rất nhiều.   Thời con gái, chị luôn mơ có một mái gia đình êm ấm, hạnh phúc; có người chồng hết lòng vì vợ con; có những đứa con xinh xắn, ngoan hiền; nhưng thực tế, đã bao năm vun đắp, lo toan, chị cũng không hề cảm thấy được chút gì như vậy. Chị cảm thấy như mình đang vượt lên con dốc quá cao so với sức lực của chính mình!
     Chị Thảo dắt chiếc xe đạp ra sân, rinh bao phân đặt lên xe, buộc chặt. Chị ra ruộng bón phân. Nhìn cánh đồng lúa xanh mượt, chị chợt cảm thấy mọi nỗi buồn phiền đã lắng xuống, lòng thư thái nhẹ nhàng đôi chút. Đồng ruộng, trời mây, sông nước, cây cỏ hiện ra trước mắt một màu xanh dịu dàng, êm ái. Những phút như vậy, chị muốn trải lòng cùng với đồng ruộng thân yêu, chị muốn gởi nỗi lòng cho gió lộng cuốn trôi. Sóng lúa rì rào reo vui dưới chân chị, tay chị đều đặn bung những nắm phân trên sóng lúa. Chân chị bước nhịp nhàng, chị làm việc lặng lẽ, với niềm hy vọng vụ mùa sẽ dược bội thu.
     Chị Thảo bung nắm phân cuối cùng rồi trút giũ cái thúng trên tay xuống ruộng. Chị bước lên bờ đi lại chỗ con mương rửa tay chân. Chị giật mình nghe tiếng Vương - con gái chị, chạy như bay trên bờ ruộng từ xa, tiến về phía chị. Vừa chạy Vương vừa kêu, giọng khẩn khoản:
     -Má ơi! Về nhanh lên! Thằng Như bị chém sả đầu đang nằm ở bệnh viện.
     Hai chân chị như muốn khuỵu xuống, chị đờ đẫn nhìn con gái đang chạy bươn trên bờ ruộng mà còn cảm xúc gì.  Chị cảm thấy bải hoải tay chân, người yếu mệt, không lê bước nổi. Chị ngồi bệch xuống bờ ruộng, hai tay ôm mặt khóc.
     Lát sau, chị ngước nhìn Vương, thều thào:
     -Ba mày đâu? Ổng có vào bệnh viện với nó không? Sao tui khổ dữ vậy trời.
     Vương ôm chầm lấy hai vai mẹ, khóc tức tưởi. Vương vỗ nhẹ trên lưng mẹ : “Mẹ ơi!”. Vương nhớ lại, đôi khi thấy ba ngồi một mình trong bóng tối, mặt buồn bã. Vương biết ông vì thất chí nên tìm quên trong men rượu, đắm mình trong những cơn say, đến nối không thể tự chủ được nữa. Vương đã có đôi lần nói với ba rằng ông làm vậy là tự giết chết đời mình và gia đình.  Cô luôn tìm lời  nhẹ khuyên ba,  hy vọng thức tỉnh ba, quay trở về cuộc sống vợ con gia đình như xưa; nhưng Vương đã thất vọng. Cứ thế ông trượt dài trong men rượu, bơi lội trong tối tăm của địa ngục.
     Chị Thảo mỏi mệt, lặng lẽ, tìm đến nhà những người quen thân trong làng để vay mượn ít tiền về lo thuốc cho con. Chị đau đớn nhìn viễn cảnh đen tối của chính gia đình chị, mỗi ngày một lún sâu vào nợ nần; nhưng chị không thể bỏ mặc tất cả, chị phải chạy trước, chạy sau; chị phải năn nỉ người này, cầu xin người khác để vay mượn. Thế rồi chị vẫn hằng mơ - mơ mình sẽ được trúng vé số độc đắc như ông Tám xóm trên, bà Hy ngoài phố; hy vọng lại nhen nhúm trong lòng chị nghèo khổ, cô độc.
      Thế là chị lao vào đỏ đen, những con số chằng chịt lúc nào cũng hiện ra  trong đầu chị. Chị Thảo như con thiêu thân, chị chạy tới am, tới miễu cúng bái xin số. Tối ngày tán đề, bàn số cùng mấy bà mê đỏ đen, cờ bạc. Càng ngày chị càng phờ phạc, hốc hác; xanh xao, chị không còn chút sức sống. Càng ngày, nợ càng chồng chất; nỗi hoảng loạn trong chị càng lớn; những con số trong chị càng chằng chịt hơn. Chị Thảo không còn là người phụ nữ dịu dàng, cam chịu như xưa; chị khác hẳn, khác đến nỗi chính chị cũng phải giật mình không nhìn ra mình là ai. Thế rồi, chị phải cho người ta thục căn nhà thân yêu của đời người - nơi sum vầy ấm áp của gia đình, để trả nợ. Chị đau lòng khi phải rời xa căn nhà - nơi đã chôn giữ biết bao kỷ nệm yêu thương mà chị đã từng trải qua. Chị đành thuê lại một căn phòng nhỏ, khoảng ba mươi mấy mét vuông; cho cả gia đình đùm túm, chen chúc nhau sống.     
        Một buổi trưa, tiếng còi xe hơi rú vang lên trong ngõ xóm, rồi dừng lại ngay trước cửa nhà chị Thảo. Mấy anh công an bước xuống xe, đi vội vào nhà chị. Căn phòng chật hẹp đầy bóng công an, họ đọc lệnh và còng tay thằng Như. Theo lệnh truy bắt, Như đã cùng lũ bạn cướp giựt trên con đường vào sân bay vắng vẻ. Toán công an hình sự đã chú ý và theo dõi lâu nay. Đêm qua, cả bọn bị bắt, Như may mắn chạy thoát. Theo lời khai của những đứa đồng bọn, Như đã bị bắt trưa nay để đưa ra tòa xét xử.
     Chị Thảo bơ phờ, im lặng - vịn hai tay lên cánh cửa, nhìn theo chiếc xe cho đến khi tiếng còi rú và chiếc xe chạy khuất!
 
     ***
 
     Những con số trong đầu chị Thảo như thúc giục chị; đã khiến chị ăn không ngon, ngủ không yên. Hết cúng bái, chị theo đi cầu cơ. Chị cùng mấy bà mê số đề ra ngoài gò mả giữa đêm vắng vẻ để cầu cơ. Bà Thụy, ở đâu không biết, có một miếng gỗ hình trái tim nho nhỏ; bà Thụy cho rằng đấy là miếng gỗ từ cái hòm của người đã chết, khó khăn lắm bà mới xin được. Chị Thảo là người rất nhát, luôn sợ ma; vậy mà theo bà Thụy cùng mấy người nữa ra gò mả giữa đêm khuya, để cầu xin số. Họ lấy một tờ giấy lớn ghi hết hai mươi bốn chữ cái, mười con số từ không đến chín và những dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. Bà Thụy lâm râm cầu nguyện và đọc câu thần chú. Bà Thụy đặt ngón tay lên miếng gỗ hình trái tim, bà hỏi:
     -Hồn là ai? Nam hay nữ?
     Miếng gỗ chạy dưới ngón tay bà theo những chữ cái ghi trên giấy để trả lời. Cứ thế bà Thụy hỏi gì, ngón tay chạy trả lời những câu bà hỏi. Hết bà Thụy rồi đến bà A, rồi bà B, rồi chị Thảo. Ai cũng hỏi chuyện gia đạo, chuyện số, chuyện đã xảy ra và sắp xảy ra. Cầu cơ xong, bà Thụy mời “Hồn” xuất ra với câu thần chú rợn cả người. Chị Thảo như người mất hồn, cứ đờ đẫn; nhiều khi anh Huy chế diễu: “Cầu cơ quá, ma nó hớp mất hồn rồi!”. Chị cứ trượt dài xuống con dốc với những con số với thảm cảnh đen tối, ngày càng bi đát.
     Một buổi chiều, chị Thảo đang ngồi may lại áo cho tay dài thêm, mặc ra đồng khỏi nắng. Ông Tư Ngọc dựng chiếc xe đạp ngoài cửa, chạy ào vào nhà giọng hớt hãi:
     -Thảo ơi! Thằng Huy bị xe chở đất tung dưới cầu Bi rồi.
     -Sao Chú biết?
     Chị Thảo không dám tin là có thật - chị hỏi đi hỏi lại máy lần, hy vọng chỉ là tin đồn. Ông Tư nhìn trừng vào mặt chị - la lớn:
     -Sao không thiệt? Chính tao mới thấy dưới đó lật đật chạy về kêu mày nè. Trời ơi! Lúc nào nó cũng say khướt, khổ dữ con ơi!
     Chị Thảo lật đật bung ra chạy. Chị chạy trong hoảng loạn, như đang bị cơn bão cuốn đi.  
       Anh Huy đã được đưa vô bệnh viện. Sau hai ngày nằm thoi thóp lặng im ở phòng cấp cứu, anh đã ra đi vĩnh viễn. Chị khóc, khóc thật nhiều khi người ta đưa cho chị số tiền bồi thường vì đã gây tai nạn cán chết chồng chị. Vương đã thay mặt mẹ nhận số tiền bồi thường. Chị bảo Vương mang số tiền vừa nhận được chuộc lại căn nhà chị đã cho người ta thục mấy năm qua. Mẹ con chị dọn về căn nhà cũ. Về lại ngôi nhà xưa, chị Thảo đã ngồi khóc mùi mẫn. Chị tự thề nguyện với lòng, sẽ không bao giờ dính vào trò chơi đỏ đen, cờ bạc, số đề nữa, với suy nghĩ, rằng chính anh Huy đã lấy thân xác anh để chuộc lại nhà cho mẹ con chị. Đó là cơ hội để mẹ con chị có được căn nhà chui ra, chui vô, ấm áp; thì không thể nào chị lại  lao vào vòng tham của những con số.
     Hằng ngày, chị an tâm với thửa ruộng, đàn gà; chăm chút ra đồng nhổ cỏ, bón phân, dặm lúa; và Vương vẫn cần cù với công việc kế toán ở công ty cũ. Trong những ngày được sống yên ả, sau những cơn giông bão vùi dập; nỗi buồn trong chị cũng vơi dần, nỗi lo lắng cũng vơi dần; và chị hy vọng một ngày nào đó Như được trở về, biết hối cải, sống cuộc đời tốt hơn, có ích hơn. Chị sẽ chăm lo xây dựng cho Như một gia đình, một tương lai sẽ sáng sủa. Niềm hy vọng đã bừng sáng lại trong mắt chị lõm sâu, sau bao thăng trầm, bất hạnh.
     Chị Thảo vừa bước lên bờ, tiến lại phía con mương để rửa tay chân, thì hồi chuông ở chùa Cảnh Tịnh cuối thôn cũng vừa vang lên. Tiếng chuông vang vang, ngân dài, êm nhẹ - như những lời thì thầm dịu dàng. Chị Thảo bỗng có cảm giác an vui, thư thái, như vừa vượt qua khỏi con dốc hiểm nghèo!
         
                 Tháng 04/2017
 
 

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt