TIỂU NGUYỆT

 
Cơn Gió Ngược
Truyện ngắn
 
Ông Sơn ra ruộng vãi phân về đến nhà, liền đi thẳng ra sau giếng. Bà An - vợ ông, nói vọng theo:
- Ông tắm nhanh rồi vào ăn cơm kẻo tối.
- Bà dọn cơm đi, tui xong liền đây.
Bà An vội vàng dọn cơm ra trước hiên, ngồi bó gối chờ chồng. Ông Sơn tắm xong, vừa ngồi vào mâm cơm, nghe tiếng xe máy ầm ầm chạy vào từ ngõ, ông ngước nhìn ra. Hân - con trai ông, chạy xe vào sân, dựng chiếc xe máy to kềnh, mặt lạnh tanh, thản nhiên bước vào nhà.
Ông Sơn cảm thấy lo lắng, không biết hôm nay sẽ có chuyện gì, mà thằng con trai ông lại về vào lúc này. Ông biết, Hân về nhà không phải thăm nom gì vợ chồng ông, mà mỗi lần về không chuyện này cũng chuyện nọ; lần nào cũng mượn tiền, nào là thiếu tiền học cho con, tiền điện đến rồi mà chưa có để đóng, tiền thuê nhà, tiền nước, tiền con đau… Hân không cần biết cha mẹ mình có tiền hay không có tiền, lời anh nói ra không phải là nói, mà hét to lên của kẻ đòi nợ, như sợ cha mẹ anh không nghe thấy những lời anh nói. Không có tiền, ông bà phải chạy đi mượn đưa cho anh, để anh đi nhanh ra khỏi nhà, như mua sự bình yên cho chính mình.
Bà An vội chạy xuống nhà dưới lấy cái chén, giọng dịu dàng:
- Con ngồi xuống ăn cơm luôn đi, sao về giờ này, lát nữa về, đèn xe cứ chói lòa vào mắt. Nguy hiểm!
Hân lạnh lùng:
- Tui không nuốt nổi đâu, ông bà chạy cho tui hai trăm triệu, nếu không, ngày mai tụi xã hội đen, nó xử tui đó.
Ông Sơn giật mình, hôm nay con trai ông đòi những hai trăm triệu chứ không phải một, vài triệu như những lần trước. Ông không hiểu, nó làm gì mà bắt ông phải chạy một số tiền lớn như vậy? Ông biết, gia đình ông sắp gặp “họa” lớn rồi. Nỗi lo lắng này đã ám ảnh ông từ mấy năm qua. Ông trở nên rất sợ gặp con. Chạy ở đâu ra số tiền ấy khi hai vợ chồng ông sống nhờ vào mấy sào ruộng và mảnh vườn trồng rau, củ của ông bà để lại; sống qua ngày, quanh năm không thoát ra khỏi cổng làng? Tấm bằng Tú tài một của ông ngày xưa chẳng giúp gì được cho bản thân ông nữa rồi. Cái quân hàm “quai chảo” ngày nào đổ mồ hôi mới gắn được, hôm nay cũng đã hoen ố, phai mầu! Cuộc đổi thay xoay chuyển đời ông đến rã rời mấy năm; trở về quê nhà Bình Chánh, tu sửa căn nhà cũ dột nát, cuốc dọn mảnh vườn hoang ngập cỏ, ông chỉ mong sự an lành.
Từ ngày Hân tham lam “mê” cá độ bóng đá, ông phải bán căn nhà dưới phố huyện Hà Lam trả nợ cho Hân bảy trăm triệu, còn chút đỉnh về sửa lại căn nhà cha mẹ ông để lại ở quê; ông không đi đâu xa, chỉ quanh quẩn trong làng, hết ruộng rồi đến vườn; tưởng yên ổn, nào ngờ… Ông ứa nước mắt, không biết rồi đây dựa vào đâu khi tuổi già đang đến? Ông cảm thấy bàng hoàng, không bưng nổi chén cơm.
Bà An, giọng hoảng hốt:
- Chứ mầy làm gì mà chạy hai trăm triệu? Sao tụi xã hội đen nó xử mầy?
- Tui thua độ bóng đá. Ngày mai, nếu không có trả, tụi nó sẽ tìm giết tui.
Bà An lớn giọng:
- Mầy nghĩ hai trăm triệu có sẵn trong túi tao hay sao nói đưa là đưa ngay vậy?
Mặt Hân đỏ bừng, giận dữ:
- Bộ bà muốn thằng con trai bà chết dưới tay tụi nó sao?
Bà An gằn giọng:
- Tao đã bán căn nhà dưới phố huyện để trả “nợ ngu” cho mầy rồi, giờ mầy lại thua độ nữa, mặc kệ mầy, tự mà lo đi. Tao già rồi, chạy ở đâu số tiền lớn như vậy, mà mầy biểu?
- Thì ông bà bán mảnh vườn này, chẳng lẽ, không được bốn, năm trăm triệu? Đưa tui hai trăm, còn lại ông bà dưỡng già, tui hổng lấy nữa đâu mà sợ.
Bà An tức giận, mặt đỏ gay, lớn giọng:
- Mầy biểu tao với cha mầy ra chợ ở à? Hay ngủ dưới gầm cầu? Dưỡng già, dưỡng già cái đầu ngu ngốc mầy!
- Tui nói rồi đó, ông bà bán gấp đi, kẻo tụi nó xử tui thiệt à!
Không khí nặng nề bao trùm xuống căn nhà, ông bà Sơn buông đũa, thẫn thờ. Cả ông lẫn bà đều như người mất hồn, ngơ ngác. Không muốn ăn, không muốn sống nữa.Ông nghĩ, bán mảnh vườn này, rồi ông bà sống ở đâu, chẳng lẽ đi ở nhờ nhà người này, người nọ? Vả lại, con trai ông có chừa cái thói cờ bạc, đỏ đen đâu? Rồi tuổi già, ông bà dựa vào đâu? Ông hoảng hốt, cảm thấy như mình chới với giữa màn đêm sâu thẳm, muốn tìm một lối thoát, nhưng bốn bề mãi mịt mù, không có chút hy vọng dù le lói. Đầu ông nặng trĩu, đau nhức, đôi mắt không mở nổi.
Bà An, giọng dứt khoát:
- Xử thì xử, kệ mầy. Mầy có sống thêm cũng chẳng ích gì cho ai! Cái thói cờ bạc, đỏ đen, xưa nay có ai nên nhà nên cửa không, mà mầy cứ chúi đầu, dính vào?
Hân dậm chân, hét lớn:
- Bà nói thiệt hay giỡn vậy? bà muốn tui chết thiệt đấy à? Mai mốt, không tui thì còn ai vào đây cúng giỗ cho ông bà?
- Tao không cần ai cúng giỗ tao cả. Sống mà không hiếu thuận, nói chi đến chết rồi cúng giỗ! Mầy cúng thì mầy ăn chứ ai ăn mà cúng với giỗ.
Hân cười gằn:
- Để rồi coi, thử ai vô đây? Tại ông bà đẻ chỉ mình tui, không có anh chị em, nên giờ tui mới bơ vơ; chứ nếu có anh, có em, giờ họ giúp tui, có phải tốt hơn rồi à?
Ông Sơn nãy giờ cố ngồi yên, không nói; nhưng nghe Hân nói vậy, ông tức quá, liền đứng dậy chỉ tay thẳng vào anh hét to:
- Mầy dạy khôn tao đấy à? Một mình mầy mà tao điêu đứng thế này, mầy giỏi thì đẻ mà nuôi. Có anh, có em, nó cũng lo xây dựng cho gia đình nó, chứ nó lo làm trả nợ cho mầy thua độ à? Mảnh đất này, của ông bà để lại, không thể bán được, mầy tự mà giải quyết, không liên quan gì đến tao. Tao làm giấy từ bỏ mầy.
Hân tức giận đá chiếc ghế bay ra sân đánh “rầm”, nhào vô mâm cơm như muốn đánh ông Sơn. Bà An thấy vậy, hất con trai ra, lớn giọng:
- Mầy làm gì hả? cha mầy nói đúng đó. Đất ông bà mấy đời để lại, mình không có quyền bán. Bộ mầy muốn tao với cha mầy ra đường ở thiệt à? Đồ mất dạy!
Hân sấn tới, chỉ tay vô mặt mẹ:
- Bà nói ai mất dạy? Tui mất dạy là tại bà không biết dạy đó chứ. Tui nói lại lần nữa, ông bà có bán đất, bán nhà trả nợ cho tui không?
Cả ông Sơn và bà An đều dõng dạc:
- Không!
Hân đá mâm cơm bay tứ tung, rồi chạy xuống nhà dưới lấy con dao chạy lên hét lớn:
- Vậy thì cùng chết chung cả nhà, tui không chết một mình đâu, ông bà phải chết cùng tui.
Mặt Hân bừng bừng sát khí, anh như người điên, cầm dao tiến thẳng vào chỗ cha mẹ anh đang ngồi. Ông Sơn hãi hùng hét lên, rồi vụt chạy:
- Chạy thôi bà ơi. Nó điên rồi.
Hai ông bà vụt chạy nhanh ra ngõ, Hân cầm dao rượt theo hét lớn:
- Đứng lại. Tui nói ông bà đứng lại, nếu không đừng trách tui đấy nghen!
Mặc Hân la hét phía sau, hai vợ chồng ông Sơn cố chạy hết sức có thể, mong thoát khỏi cơn điên loạn của con trai. Hân bị vấp hòn đá té sóng soãi trên đường; ông bà Sơn chạy cách xa Hân, rẽ về phía đám thổ trồng bắp bên kia mương lũi đi. Ông bà chỉ còn nghe tiếng hét la, réo gọi của Hân văng vẳng, xa xa rồi mất hẳn. Hai vợ chồng ông Sơn ngồi lọt thỏm trong đám bắp đã trổ cờ, thở hổn hển, bàng hoàng, như vừa thoát khỏi cái chết.
Bà An bỗng rấm rứt khóc:
- Làm sao bây giờ hở ông? Sao mà khổ quá vậy ông Trời ơi?
Ông Sơn đưa tay quẹt nước mắt đang lăn dài trên má mình:
- Đừng khóc nữa, tui rối cả ruột bà ơi! Ông Trời nào giúp được mà bà kêu?
Bà An thút thít:
- Chứ tui biết kêu ai bây giờ, hở ông?
Ông Sơn cầm tay vợ, giọng nhỏ nhẹ:
- Mình ráng lên, chắc tui với bà phải trốn mà đi khỏi mảnh đất Bình Chánh này thôi. Mình vô Sài Gòn sống, không có việc gì làm, mình bán vé số cũng qua ngày thôi bà.
- Sao tui sợ vào Sài Sòn quá ông à! Đi xa quá, lạ nước, lạ cái, chẳng có ai thân thiết.
- Lạ thì lạ, chứ sao?. Không ai biết mình là ai, khỏi lo thằng Hân lùng tìm, người ta bán vé số đầy cả đấy, có sao đâu?.
Hai vợ chồng ông Sơn bổng im bặt; ôm nhau nằm co ro trong rẫy bắp, chờ nửa đêm mới dám lần mò về lại nhà.
Căn nhà ngổn ngang chén bát, ghế bàn, vì sự đập phá của Hân. Ông bà vội vàng thu xếp quần áo, giấy tờ tùy thân và một số đồ dùng cá nhân cần thiết, như thời xưa chạy giặc. Cả hai dìu nhau lần mò đi ngay trong đêm, khi mọi người đang ngon giấc. Ông Sơn thì thầm: “Tôi đâu có ngờ, có ngày mình phải trốn chạy con mình thế này, bà ơi!”.***
Đã hơn tháng nay, ông bà Sơn đi khắp những con phố gần bến xe Miền Đông bán vé số; ngày nào cũng ra đi từ sáng, đến chiều tối mới về. Đôi chân bà An sưng vù, đau rát, nhưng bà vẫn cố lê chân rong vào các quán cà phê, quán nhậu, mong bán cho được nhiều hơn. Ông Sơn nghĩ tới, nghĩ lui, không biết phải làm sao, khi mà ngày nào cả hai vợ chồng đều phải đi ba, bốn chục cây số, dưới cái nắng như thiêu, như đốt; với cái tuổi sáu mấy gần bảy mươi như ông bà, thật khó mà chịu được lâu dài. Ông nghe chua xót, cay đắng trong lòng, nhưng đành phải chấp nhận chứ biết làm sao; khi mà cuộc sống vẫn cứ phải trôi đều, trôi đều, như một dòng sông, chảy mãi không ngừng.
Một hôm, đang đi rong trong các con hẽm để tìm khách, ông Sơn chợt nhớ đến Huân - người bạn học thời trẻ, có lần về quê gặp gỡ bạn bè, đưa cho ông số điện thoại, mời ông khi nào có dịp vào Sài Gòn thì gặp lại nhau. Ông bỗng cảm thấy phấn chấn hơn, tức khắc mở máy điện thoại lục tìm số, gọi cho Huân.
Huân đón bạn ngay tại công ty ông đang làm việc. Lâu ngày gặp lại người bạn học cũ, cả hai người đều rất vui, nói cho nhau nghe về những người bạn của một thời, kẻ còn người mất, người ở quê, người trôi dạt xứ người. Sau khi thăm hỏi về bạn bè ở quê, ông Huân nhìn bạn, giọng thân mật:
- Còn cậu, sao trông hốc hác vậy?. Cuộc sống thế nào, có thể cho mình biết được không?
Ông Sơn chợt buồn, giọng chậm chạp:
- Mình đấy à? - ngập ngừng, làm vài sào ruộng, nuôi con heo, con gà… quanh quẩn trong làng như cậu biết, lâu lâu xuống phố huyện gặp bạn cà phê một lát, rồi về. Vậy thôi.
Ông Huân ái ngại:
- Mình nhớ cậu có căn nhà dưới phố mà, sao lại về quê?
Ông Sơn ngậm ngùi:
- Mình bán rồi, cậu à!. Bà xã kiếm thêm chút thu nhập cho gia đình, cũng nhờ căn nhà ấy!
- Vậy sao lại bán? Biết đến khi nào mới có thể mua lại chút đất ở phố?
- Trả nợ “ngu” cho thằng “quý tử”.
Ông Sơn buồn bã kể hết chuyện gia đình mình cho bạn nghe. Không những ông bán căn nhà dưới phố huyện Hà Lam, mà còn vay mượn bà con trong làng, trong họ, gần cả trăm triệu nữa vì trả nợ nhiều lần cho con. Ngay cả việc con trai về đòi bán vườn, bán nhà để trả nợ tiếp; vợ chồng ông phải trốn con vào Sài Gòn lang thang cả tháng nay, bán từng tấm vé số, ăn từng dĩa cơm bụi dọc đường, tối về nhà trọ ngủ; nhiều đêm không còn chỗ, vợ chồng ông dắt nhau ra công viên - mong bạn có thể giúp cho ông có một việc gì đó để kiếm sống hợp với sức khỏe, tuổi tác.
Ông Huân lắng nghe những lời bộc bạch chí tình của bạn, không khỏi động lòng thương cảm, mặt ông như tái dần đi. Ông suy nghĩ rất lâu về hoàn cảnh gia đình bạn, muốn giới thiệu bạn vào làm “bảo vệ” cho công ty xây dựng của mình đang làm, lương tháng cũng được năm triệu, và vợ bạn có thể phụ giúp việc cơm nước cho cô đầu bếp, nuôi cơm đám thợ xây hằng ngày, cũng có miếng ăn. Nhưng ông ngại vì biết bạn mình có tính khí khác thường, hay nóng tính, lúc nào cũng chỉ muốn mình là người chỉ đạo, ra lệnh, ít biết lắng nghe ai. Suy đi, tính lại, ông Huân nghĩ thương bạn, ở tuổi sắp bảy mươi, gần đất xa trời rồi mà lâm vào cảnh ngặt nghèo; nên ông quyết định giúp bạn; hy vọng Sơn sẽ thay đổi, hiểu ra lỗi lầm cũ, có một việc làm tương đối ổn định cuộc sống.
Ông Huân sẽ thu xếp dành cho vợ chồng ông Sơn một phòng riêng phía sau gần khu nhà bếp của công ty, để tiện việc làm, khỏi đi lại tốn kém. Ông vui vẻ hẹn, sáng mai sẽ đón vợ chồng bạn ở công ty, và bắt đầu làm việc luôn.
Ông Sơn xúc động, đôi mắt đỏ hoe như long lanh, ươn ướt - nghẹn lời, không biết nói gì. Một lát lặng thinh, ông chỉ ngập ngừng, lắp bắp đôi tiếng “cảm ơn, cảm ơn”.
Trở về nhà sau giờ tan việc buổi chiều, cả đêm ông Huân không ngủ được, hình ảnh người bạn lúc chiều, trông khắc khổ, hiu hắt làm sao! Suy nghĩ của ông về Sơn cứ trôi dần, trôi dần từ thời xa xưa, khi còn ngồi ghế nhà trường, đến lúc ra đời, rồi lớn lên, như trở về trước mắt…
Ngày ấy, Sơn học giỏi - nhất là môn văn, thường được thầy đọc bài trước lớp làm mẫu. Mỗi lần trường tổ chức thi văn nghệ, báo lớp, Sơn luôn được thầy tin tưởng giao nhiệm vụ nhận bài, sửa bài cho lớp, rồi thầy coi lại sau. Sơn đưa bài mình nhiều, ký nhiều bút danh khác nhau; nhiều khi các bạn trong lớp thắc mắc “X” là ai? “Y” là bạn nào? Còn “Z” nữa, ai thế? Không ai biết những bút hiệu đó là ai trong lớp, nhưng không nghi ngờ gì, vì những bài đó hay, ai cũng nghĩ bài mình dở quá bị thầy loại ra rồi. Có lần Sơn đến nhà Huân chơi, anh tâm sự: “Mầy biết không- X, Y, Z đều là tao cả, bài tụi nó dở quá mà, chọn sao được. Cả lớp chọn có bao nhiêu đâu, nên tao làm “tuốt”.
Những ngày cuối năm lớp đệ tứ, đến lớp nhận bài thi thầy cô phát, vô sổ điểm, sinh hoạt lớp rồi về. Ngày nào cũng thế, Huân đến trường rất sớm, đi gần đến cổng trường, anh nghe giọng Sơn gọi phía sau:
- Ê Huân! Bữa nay thầy sẽ phát bài thi môn văn. Đố mầy biết tao được mấy điểm?.
Huân quay lại nhìn bạn, biết Sơn học rất giỏi môn Văn, lúc nào bài thi, bài kiểm tra môn này cũng cao điểm; nhưng anh không thích kiểu “hỏi đố” của bạn.
- Mấy điểm lát nữa thầy phát bài biết liền, làm sao tui biết được mà ông hỏi?
Sơn khoe:
- Vậy mà tao biết đấy. Thằng Sí lớp E nói, hôm qua lớp nó nghe thầy đọc bài văn của tao trước lớp. Bài tao được tám điểm.
- Vậy à? Tám điểm, cao quá rồi. Bài của ông lúc nào cũng được thầy Kỳ đọc trước lớp mà. Ngon à nghen!
Sơn cười ha hả, khoái chí:
- Hoan hô thầy “Kỳ lé”!
Huân ngạc nhiên:
- Ủa! Sao ông gọi thầy bằng “Kỳ lé”? Thầy mà nghe được thì sao? Hỗn vậy!
Sơn vừa cười, vừa chạy nhanh vào cổng trường, giọng thản nhiên:
- Ổng “lé”, thì tao nói ổng “lé”, có gì đâu mà hỗn?
Huân ngồi cùng bàn với Sơn, tính anh hiền lành ít nói, nên thường được Sơn tin tưởng, thích chơi với Huân. Biết bạn hơi kiêu ngạo, tự mãn, có phần ích kỷ; nhưng anh nghĩ: “Thôi kệ. Mỗi người mỗi tính cách khác nhau, chắc tuổi nhỏ chưa biết nghĩ, mai mốt lớn lên sẽ khác đi thôi”.
Học giỏi, nhưng Sơn lại thi rớt Tú tài 2, bị gọi vào Thủ Đức ngay sau có kết quả vài tháng. Có lần Huân gặp lại Sơn trong một lần về phép, trông Sơn càng kênh kiệu, đỏm dáng hơn; từ cách ăn nói, đến như gương mặt, bao giờ cũng hiu hiu khó mà ai ưa được. Chứng kiến Sơn cãi nhau với một người bạn lớp đàn em, rồi ngang ngược tát vào mặt, khi người ấy nói Sơn “có tài mà vô đức”. Từ dạo ấy, Huân không còn muốn thân thiện, gần gũi với Sơn nữa - anh nghĩ, người như Sơn khó có người dám kết thân, cảm thông được. Con người đâu chỉ có giá trị hào nhoáng bên ngoài, mà chính tâm hồn, tấm lòng, mới là thước đo quan trọng.
Năm 1975, Sơn học tập cải tạo chưa được một năm rồi về; được một người chú làm cán bộ huyện, xin cho anh vào làm trong ban quản trị hợp tác xã mua bán ở thị trấn. Một năm sau, Sơn mua được nhà dưới phố, không còn phải sáng đi chiều về nữa.
Sau mấy mươi năm gặp lại nhau, trong lần họp lớp đầu tiên; ai cũng ngạc nhiên, khi gặp lại Thuần - người bạn cùng lớp, bấy giờ là một nhà sư trang nghiêm, hòa nhã, khiến ai cũng quý kính. Huân nhìn Thuần, cúi chào, giọng khiêm tốn:
- Chào thầy! Mấy mươi năm không gặp, không ngờ bây giờ ông là một nhà sư đạo mạo. Thầy trù trì ở đâu vậy?
Thuần cúi chào, mỉm cười, giọng cởi mở vui vẻ:
- Hiện tôi ở chùa Khải Tâm - Long Khánh, có dịp mời các bạn ghé thăm chơi.
Huân nhìn bạn trìu mến:
- Dạ! Có dịp chắc chắn tôi sẽ ghé thăm chùa.
Sơn chạy lại cầm tay Huân kéo ra ngoài, bĩu môi:
- “Thầy tụng”, có gì mà mầy trân trọng thế, chẳng qua cũng là một cái nghề kiếm tiền, mà thôi.
Huân nhìn Sơn trân trân, không hiểu bạn nghĩ thế nào mà nặng giọng báng bổ người tu hành như thế? Cái thói “quơ đũa cả nắm” hay vênh váo cho “cá mè một lứa”, luôn bỉm môi, quở trách kẻ này người nọ của Sơn, Huân không bao giờ đồng tình. Anh đáp lại: “Ông vừa phải thôi, không biết kính nể ai, coi chừng bị “đọa” đấy, không giỡn được đâu”. Từ đó, Huân cảm thấy ở con người Sơn, luôn toát ra cái ám khí đầy dục vọng, kiêu căng, khinh đời, không thể thân cận lâu dài được.
Vốn chơn chất, hiền lành, nên gặp lại Sơn những lần họp lớp các lần sau đó, anh quên phắt chuyện cũ; vẫn vui vẻ, thân thiện đưa số điện thoại cho Sơn và mời bạn khi nào có dịp vào Sài Gòn thì gọi anh.
Hình ảnh Sơn của ngày trước ồn ào, “không thua ai” và Sơn của hôm nay tiều tụy, ngơ ngác, khác nhau quá đỗi. Huân nghe lòng mình rưng rưng, xúc cảm dâng tràn. Hình ảnh Sơn mấy mươi năm trước và bây giờ chập chờn, lẫn lộn trong trí anh. Huân chỉ mong Sơn sẽ có cơ hội nhìn lại chính mình, có đủ nghị lực để xoay chiều “cơn gió ngược”!
Huân mỉm cười hài lòng, nhắm mắt hít thở nhẹ nhàng, dỗ dành giấc ngủ.
Bóng đêm im lặng, dịu dàng, mênh mông bên ngoài khung cửa sổ!.
Những ngày đầu tháng 2/2020

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt