TIỂU NGUYỆT


ĐÓA HỒNG TRẮNG ĐAU THƯƠNG
CHO NGƯỜI CÒN LẠI

(Bài thơ Hồng Trắng Vu Lan của HT Thích Thiện Đạo).

Trong một lần về thăm quê, tôi cùng với những người bạn học cũ (cựu học sinh BĐHX) đến chùa Phi Lai ở xã Hòa Thịnh - Phú Yên, để tham dự lễ Vu Lan do nhà chùa tổ chức. Chúng tôi, mỗi người được tặng một tập thơ “Tình Khúc Vu Lan” của Nhà thơ Lăng Già Tâm (Hòa thượng Thích Thiện Đạo - trù trì chùa Phi Lai), vừa xuất bản - 2018. Tôi là một học sinh Phật tử, lại rất yêu thích Văn học, nên về đến nhà là tôi đọc ngay “Tình Khúc Vu Lan”, với lòng trân trọng quý mến.
Nói đến Vu Lan, là người ta nghĩ ngay đó là ngày lễ “Báo Hiếu Cha Mẹ”. Những Phật tử về chùa dâng hương nguyện cầu cho cha mẹ hiện tiền được khỏe mạnh bình yên, và cha mẹ bảy đời quá khứ được thoát khổ địa ngục, sanh về cõi Trời an vui. Đó chính là nền tảng đạo đức của mỗi con người trong hiện kiếp này.
Bài thơ “Hồng Trắng Vu Lan” trong tập thơ “Tình Khúc Vu Lan” của nhà thơ Lăng Già Tâm, được một học sinh Phật tử diễn ngâm trong buổi lễ, thật trân trọng! Lời thơ nhẹ nhàng mà sâu lắng, giọng ngâm diễn cảm lôi cuốn; đã làm cho lòng tôi dạt dào cảm xúc, mặc dù tôi vẫn còn Mẹ yêu thương bên cạnh đời mình.
“Hồng Trắng Vu Lan” là tâm sự của Nhà thơ - tu sĩ, viết cho người mẹ quá cố của mình, và cũng là cho tất cả những bà mẹ đã vĩnh viễn đi xa, cả những người con côi cút còn lại trên thế gian này.
Đau xót biết bao, cho những ai “được” cài hoa hồng trắng trong mùa Vu Lan, trên ngực áo của mình, vì không còn mẹ trên đời; và may mắn cho những ai được cài hoa hồng đỏ, bởi còn có mẹ bên cạnh để yêu thương, chăm sóc. Những đóa hồng, biểu trưng cho tấm lòng Yêu thương, tưởng nhớ, tri ân; nhắc nhở chúng ta phải nhớ ơn cha mẹ - người đã sinh ra chúng ta, và vì chúng ta mà khổ nhọc, hy sinh một đời, nuôi dạy chúng ta khôn lớn.
Bài thơ mở đầu bằng một cảm nhận tự nhiên, nhẹ nhàng nhưng ai cũng nghe “đăng đắng phận mồ côi”:
“Vu Lan đến! Nhìn quanh con có người cài hoa trắng
Nghe trong con đăng đắng phận mồ côi”.

Trong một mùa Vu Lan, tác giả chạnh lòng nhớ thương người mẹ đã đi xa của mình, khi nhìn thấy những “đóa hồng trắng” được cài trên áo của những người không còn mẹ, quanh mình. Nhà thơ chợt cảm nhận “phận mồ côi” - nỗi đau đớn khi không còn mẹ bên cạnh để được yêu thương, vỗ về; và để đáp đền công ơn sinh thành dưỡng dục, khiến nhà thơ thốt lên, như tiếng nấc bi thương:
“Mẹ hiền ơi! Con cúi đầu tạ tội
Mẹ ở đâu, biết tìm mẹ nơi đâu?”.

Biết tìm mẹ nơi đâu, một khi mẹ cha đã ra đi mãi mãi?
Trong nỗi buồn đau, tuyệt vọng, người con chỉ còn biết dâng hương cầu nguyện, nương tựa vào Tam Bảo, hộ trì cho cha mẹ được an vui, tịnh lạc, ở chốn vĩnh hằng Tây Phương.
“Tiếng kinh cầu dâng mẹ bớt niềm đau
Câu hiếu đạo con thấy mình bé nhỏ.
Vô lượng kiếp và vô cùng kiếp nữa
Ân mẹ hiền sáng tựa trăng sao”.

Đức Phật dạy cho chúng ta về bốn ân quan trọng, đó là “Tứ Trọng Ân”. (Ân Ông bà - Cha Mẹ, ân Tam bảo - Thầy tổ, ân Đất nước - xã hội, và ân Chúng sinh). Đây là bốn ân cao quý rất quan trọng đối với một người Phật tử nói riêng và tất cả chúng ta nói chung, để làm nền tảng đạo đức. Kinh tạng cũng đã dạy ”Tâm Hiếu là Tâm Phật”.
Nhà thơ Lăng Già Tâm dâng hương, nguyện cầu, thương nhớ cha mẹ. Nỗi nhớ thương ấy, khiến ông ngẩn ngơ, bàng hoàng, cảm nhận một cách sâu đậm, nặng tình, nỗi đau không còn mẹ trên cõi đời. Còn mẹ là còn tất cả. Mất mẹ là mất tất cả. Nỗi nhớ thương dâng đến tột cùng, và trong một phút giây, ông cảm thấy người mẹ dấu yêu của mình hiện về theo cơn gió nhẹ xạc xào trong đêm thanh vắng, từ cõi trăng sao vô tận xa xăm.
“Khói hương ơi! Xin cảm thấu trời cao
Rằng có kẻ ngẩn ngơ vì thương cha nhớ mẹ
Đêm vắng trưa hè xạc xào cơn gió nhẹ
Như mẹ về từ cõi trăng sao”.

Phải chăng, sự tưởng nhớ cao độ, thực và mộng kết hợp tự nhiên, tinh tế, như không có sự ngăn cách nào?.
Cha mẹ ở nơi chốn xa xôi nào đó, có lẽ cảm thấu được sự nhớ thương của con mình, nên bắt được “làn sóng” giao thoa giữa hai mẹ con, để sợi dây liên hệ được kết nối một cách mầu nhiệm.
“Chín chữ cù lao đã thành sen chín phẩm
Cho thanh cao tự tại mãi cao xanh”.

Tác giả đã ví công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, như những đóa hoa sen phẩm hạnh thanh cao mãi mãi được trân quý. Tôi chợt nhớ đến câu ca dao nằm lòng từ thuở thiếu thời: “Công cha như núi Thái sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Công cha cao vời vợi như núi Thái sơn. Nghĩa mẹ vô tận, trong mát, cũng đâu kém gì công cha? “Nước trong nguồn” có bao giờ cạn? Đạo làm con, phải lấy chữ “Hiếu” làm đầu, một lòng thờ kính mẹ cha, mới tròn đạo hiếu. Lời dạy trong câu ca dao tuy rất đơn giản, nhưng thật quý thay!
Mẹ hiền ơi! Hương khói tựa mây lành
Và trong bao la công đức sinh thành
con mãi mãi là con của mẹ”.

Khi Mẹ sinh thời, chắc rằng nhà thơ đã hết lòng phụng dưỡng, chăm sóc, mà vẫn còn chưa đủ? Nhà thơ Lăng Già Tâm xin gởi theo làn khói hương tấm lòng nhớ thương của mình đến người mẹ dấu yêu đã rời xa vời vợi - công đức sinh thành bao la trời biển ấy, luôn khắc ghi trong tâm khảm của nhà thơ “con mãi mãi là con của mẹ”.
Người xuất gia với chí nguyện dành cả cuộc đời cho cứu cánh giải thoát, hồi hướng công đức cho ông bà, cha mẹ bảy đời được siêu sinh, giải thoát. Chữ “hiếu” ở người xuất gia rất cao đẹp, thâm sâu, là vậy!
“Vu Lan về mùa thương cha nhớ mẹ
Hồng trắng con cài nhớ quá mẹ hiền ơi!”.

Cài đóa hoa hồng trắng trên ngực áo, tác giả như thấy người mẹ yêu thương trở về bên mình: “Hồng trắng con cài, nhớ quá Mẹ hiền ơi”. - Cảm xúc dâng lên tột độ, nhà thơ thốt lên “nhớ quá mẹ hiền ơi!”; dù ông biết được rằng, chỉ là sự tưởng nhớ, mà thôi.
Với lời thơ trong sáng, cảm xúc chí tình - nhà thơ Lăng Già Tâm đã để lại trong lòng mỗi chúng ta một tình mẹ dạt dào, thật sâu lắng. Và những đóa hồng trắng luôn là nỗi đau thương cho những người còn lại - khắc khoải nhớ thương, với niềm tri ân, tưởng nhớ khôn nguôi.
Những ngày cuối tháng 9/2019
  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt