TIỂU NGUYỆT

 
Dòng Pháp Nhũ Mầu Nhiệm
Từ “HOA VẪN NỞ”
Của HT THÍCH THIỆN ĐẠO
 
“HOA VẪN NỞ” - Tập “Tiểu luận Tâm kinh” của Hòa Thượng Thích Thiện Đạo, vừa được Nhà XB Hồng Đức cho phép ấn hành vào tháng 4.2020, đã được giới thiệu - phát hành trên toàn quốc.
“Hoa Vẫn Nở” gồm có 3 phần: Phần 1 - Ngôn Ngữ Thuyền Bè. Phần 2 - Thong Dong Vào Chợ. Phần 3 - Phụ lục.
Trong hoàn cảnh đất nước và nhân loại đang phải trải qua cơn đại nạn thảm khốc, mọi niểm hy vọng, niềm vui đang bị thử thách đe dọa; nhưng Hoa Vẫn Nở đúng mùa Trăng Phật đản sinh 2564, để mang lại niềm tin yêu, niềm vui cho mọi người con Phật.
Từ mảnh đất “Tâm Yêu Thương”, hoa đã vươn lên trên sỏi đá cuộc trần, để đơm bông, dâng hiến cho đời những “cánh hoa Tâm” - là những dòng pháp nhũ mầu nhiệm, ngào ngạt hương sắc, dào dạt sức sống, của một bậc chân tu nặng tình Pháp lữ!
Mở đầu những cảm nhận, tôi xin được chia sẻ đôi lời tâm sự, dẫn nhập đầu sách của Tác giả:
“…Hoa vẫn nở để làm đẹp cuộc đời và làm đẹp cho hoa.
Hoa không chỉ nở giữa đất trời, mà còn nở trong lòng vạn loại chúng sanh.
Hoa không chỉ nở để rồi tàn, mà còn mãi hương sắc với thời gian, với cuộc nhân sinh mộng ảo.
Đó là đóa hoa tình thương và giác ngộ, hương vị của chánh pháp.
Cầu nguyện đóa hoa tình thương và giác ngộ vẫn nở mãi vì cuộc đời, vì vạn loại chúng sanh, vì một thế giới vô nhiễm vô hại.
Hoa vẫn nở trên đường chúng ta đi”.
Hoa vẫn nở trên đường chúng ta đang đi - lắm khổ đau, nhọc nhằn, lắm trầm luân, nghiệt ngã. “Hoa Vẫn Nở” tỏa ngát hương vị từ bi, chánh pháp - là những cánh hoa “Tâm” Yêu thương, là lời “xiển dương”, ca ngợi, làm sáng tỏ giáo lý, lời Phật đã dạy, của một bậc chân tu; mong con người có sự tu học, rèn luyện, ngõ hầu có cuộc sống hoàn thiện hơn.
“Phật là tình thương là sự sống. Người biết sống cho người khác, biết vì người khác, biết an lạc người khác, đó chính là Phật” (câu 4).
Chúng ta còn sống được ngày nào trên cõi đời này, hãy biết yêu thương mình, thương người, đừng sống vị kỷ, tham sân vì bản thân, mà hãy vui sống vì người khác; thì ta sẽ thấy cuộc đời này có ý nghĩa hơn, an vui, hạnh phúc hơn - đó chính là sự an lạc hiện tiền ở cõi Ta bà, là Phật trong tâm ta rồi; không lăng xăng cầu tìm Phật ở đâu xa. Bởi vì “Cầu làm Phật tức là cầu về với tánh giác, với con người thật của chính mình”.
Chúng ta đã bao đời, bao kiếp, trầm luân trong luân hồi sinh tử, bởi mãi tham đắm trong dục vọng, của cải, vật chất, bị nhận chìm trong bóng tối vô minh. Một lúc nào đó, nhìn lại, thì đã rã rời, mỏi mệt; thất vọng nhắm mắt xuôi tay, vì cũng không thể mang những của cải vật chất bao năm tích góp được, đi theo; giật mình, kinh hãi. Cho nên, sống hãy biết yêu thương người, làm những việc có ích cho mình, cho người; để khi ra đi, ta sẽ không hối tiếc, thân tâm được nhẹ nhàng, an vui - khi “hóa thân” sang kiếp khác được hoàn hảo, mãn nguyện: “Đức Phật vì chúng ta mà xuất hiện ở đời, cho nên chúng ta hãy thương yêu chúng ta, và chăm sóc cẩn thận từng ý nghĩ và hành động” (câu 9).
“Chúng ta hãy yêu thương chúng ta, và chăm sóc cẩn thận từng ý nghĩ và hành động”. Thật vậy, nếu ta không kiểm soát từng ý nghĩ, thì ý sẽ dẫn dắt chúng ta đi lệch hướng, dẫn đến hành động; thì không biết chúng ta sẽ ra sao, về đâu?
Là một người con Phật, tôi nghĩ, những ai thấy niềm vui của người khác cũng là niềm vui của mình, thấy người khác thành công, như mình đã thành công; thì đó là người có “tâm tùy hỷ” - tâm Phật. May mắn cho những ai có tâm tùy hỷ như vậy - từ đó, công đức sẽ được tích tụ, niềm tin sẽ được phát triển, dẫn dần đến “tri kiến giải thoát”, đến cuộc sống an vui, như nhiên, hạnh phúc đích thực. Sống mà không có đức tin, như người lạc lối, bơ vơ, giữa đêm tối mù mịt. “Niềm tin là bước đầu cho sự nghiệp, là nền móng cho tòa lâu đài hạnh phúc, là con đường ngắn nhất đưa đến thành công, là mẹ sanh ra mọi công đức. Sống mà không có đức tin chúng ta sẽ bị tụt hậu, bị bơ vơ lạc lõng”. (câu 12).
Cầu Phật không ở đâu xa, mà ngay ở trong chúng ta. Tham lam, sân si, dục vọng đã trói chặt, đã làm chúng ta tham đắm, lạc lối, không biết đường trở về với tự tánh, với bản lai diện mục của chính mình, thì muôn kiếp sẽ chịu trầm luân, đau khổ. “Cuộc sống vốn có nhiều tỉnh mê hoà lẫn, mỗi chúng ta hãy ý thức sâu sắc về những giấc mơ đầy tỉnh thức, để có đủ trí tuệ và hùng lực bước vào bầu trời chân như tâm cảnh” (câu 97). Khi chúng ta đến thế gian này, chúng ta là một đứa trẻ hồn nhiên, vô nhiễm. Chúng ta đã sống, đã lăn lộn vì cuộc mưu sinh, đã bị ô nhiễm những vẩn đục vật chất, những dục vọng tham đắm; chúng ta không thể trở về với sự hồn nhiên, trong sáng, vô nhiễm như khi chúng ta đến đây; vì thế chúng ta bị trôi lăn theo dòng sinh tử luân hồi, kiếp này và kiếp khác, kiếp khác nữa. “Cầu làm Phật tức là cầu về với tánh giác, với con người thật của chính mình”. Nếu như chúng ta không biết tu học, không biết buông bỏ, cứ ôm giữ những sân si, dục vọng, của cải vật chất, tham lam; thì không thể giải thoát trở về với tự tánh được. “Phật và chúng sanh khác nhau ở mê và ngộ”, là vậy! “Con đường Phật đạo và giáo pháp tối thượng tự nó có giá trị hoàn mãn”, để chúng ta tu học, trở về; bởi “không có Phật chất trong tâm thì mọi việc làm của chúng ta chỉ đem lại phiền não khổ đau cho mình và người khác” mà thôi. “Đức Phật là một vĩ nhân trên các vĩ nhân, một nhà cách mạng vượt không gian thời gian, một nhà văn hóa tâm linh không lệ thuộc vào giáo điều, một con người siêu việt về nhân cách và trí tuệ”. (câu 6). Vì thế, “Hoa Vẫn Nở” giữa cuộc đời trầm luân đầy khổ đau này, để tỏa hương vị yêu thương, chánh pháp; dìu dắt con người về bến an vui, hạnh phúc đích thực! “Khi còn vô minh, ta chấp có không, phân chia trên dưới, nhân ngã bỉ thử. Khi đã giác ngộ, đã thấu triệt mọi ngọn ngành của dòng sông sanh tử thì không còn gì để so đo bám víu” (câu 10).
“Hoa Vẫn Nở” của HT Thích Thiện Đạo ở phần I, có tất cả 150 lời ngợi ca, làm sáng tỏ giáo pháp Phật, rất cô đọng, dễ hiểu và thiết thực cho đời sống tu rèn, để con người trở nên hoàn thiện, có được hạnh phúc đích thực ngay trong đời sống hiện tại, và mãi mãi mai sau.
“Hoa Vẫn Nở” ở phần II - Sau khi giới thiệu 150 lời ngợi ca, làm sáng tỏ giáo pháp Phật, tác giả đã đưa bạn đọc “Thong Dong Vào Chợ”, để có cái nhìn sâu sắc, nhạy bén hơn, trên con đường về với tự tánh. Đây là những Pháp thoại cốt tủy, rất cần thiết cho những người con Phật cầu học, cũng như cho tất cả chúng ta có thêm niềm tin vững chắc, trên bước đường tìm kiếm an vui!
“Hãy trân trọng một cách khôn ngoan từng khoảnh khắc hiện tại vốn mong manh ngắn ngủi này. Từng sát na, từng sát na lặng lẽ qua nhanh là biểu thị cho chuỗi thời gian bất tận vô thỉ vô chung, và nên nhớ rằng một hơi thở không đủ chu kỳ, thì ta không còn là ta nữa”. Tương lai thì mù xa không nắm bắt được, quá khứ chỉ là hoài niệm cũng không nắm bắt được, chỉ có hiện tại là ngay trước mắt, cần phải trân trọng! - cần phải làm những việc có ích, hiến dâng cho đời sống! Cần phải tu rèn, học hỏi, hướng tâm chánh niệm, để không bị “tam độc - tham, sân, si” xâm hại. Tôi thấy mình thật nhỏ bé, giữa cuộc đời bao la, vô tận đầy khổ đau này.
“Hạnh phúc cho những ai đang vận dụng được thời gian, đang nắm bắt được thời gian, và đang đếm được từng hạt thời gian. Những người đó là những người tỉnh thức, những người siêu phàm”. Người ta thường nói “thời gian như bóng câu qua cửa sổ”. Thời gian trôi qua nhanh, theo định luật tự nhiên, như con người sống là phải hít thở vậy. Vậy chúng ta phải sống như thế nào, phải làm gì, khi cuộc đời hữu hạn, ngắn ngủi? Phải sống thế nào để khi nhắm mắt, xuôi tay, nhìn lại, không hối tiếc, ân hận là đã lãng phí cả một đời người khó được? Không ai có phép mầu có thể bắt thời gian dừng lại để chờ đợi mình? Từng ngày, từng giờ, chúng ta phải tu học, phải thức tỉnh; để không phải uổng phí một kiếp được làm người. Được như vậy, là ta đã làm chủ được ta, làm chủ được thời gian vậy!
“Nền văn minh kỹ thuật vật chất mà nhân loại đã tốn bao nhiêu công sức thời gian để phát triển, nếu không khéo sử dụng, sẽ trở lại hủy diệt nhân loại một cách không khoan nhượng”. Thật vậy, một nền văn minh kỹ thuật mà nhân loại đã tốn nhiều công sức, thời gian; thì chúng ta phải biết sử dụng, làm sao đem lại lợi ích thiết thực cho chính ta và mọi người. Nền Khoa học kỹ thuật văn minh là phải có tâm nguyện phục vụ nhân loại, đời sống chung, không phục vụ cho quyền lợi tham lam, ích kỷ của bè nhóm, hay cho tham vọng bá chủ điên cuồng, vô đạo đức, gây tội ác cho nhân loại - mới là một nền văn minh tiên tiến thực sự, một nền văn minh hoàn hảo, đáng được trân trọng, biết ơn.
“…mỗi chúng ta đều có một mảnh đất tâm làm tư hữu.
Với những người con Phật, đây là môi trường tốt để gieo hạt giống từ bi và hái hoa trí tuệ. Đứng trên mảnh đất nhân sinh này, hành giả canh tác không biết mệt mỏi vì lợi ích an lạc cho chúng sanh”. Chúng ta, ai cũng đều thiện lành khi mới được sinh ra (nhân chi sơ, tính bổn thiện); nhưng rồi, mỗi người theo một nghiệp duyên khác nhau, không ai giống ai. Ai cũng có một mảnh đất tâm làm tư hữu, người nghiệp thiện thì gieo hạt từ bi; người ác nghiệp thì gieo hạt tham lam, sân hận. Với những người con Phật, đây là môi trường để canh tác hoa trí tuệ, yêu thương. Vậy nên, hãy là người con Phật, gieo mầm hạt từ bi, yêu thương, để gặt hái đóa hoa trí tuệ, đưa tâm hồn đến chân thiện mỹ, về bến giác an lành, hạnh phúc mãi mãi. Hãy cùng nhớ lời dặn dò tha thiết của Tác giả:
“Cuộc đời dù có dù không
Thì ta vẫn sống hết lòng với nhau”.
Phần III - Hòa Thượng đã dành riêng phần nầy cho những dẫn chứng, ghi nhận sâu sắc về vị Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma (Bồ Đề Đạt Ma có nghĩa là giác ngộ tự tánh). Những pháp thoại ngắn, cô đọng, thuyết phục về vị Sơ Tổ đã có công khai mở dòng Thiền; đã được tác giả tâm đắc chia sẻ. Chúng ta học hỏi được rất nhiều điều qua cuộc đời, lời dạy của Sơ tổ.
Nhìn lại, sách dày chỉ 115 trang, nhưng mỗi trang đều là những khai mở ngập tràn yêu thương, lời xiển dương cô đọng sâu sắc về Phật pháp, của một bậc chân tu nặng lòng với pháp lữ, với đồng loại. Bằng những kinh nghiệm tu học gần suốt một đời người, với tâm hồn rộng mở thương yêu, Hòa thượng Thích Thiện Đạo đã gởi gắm những ưu tư về con đường Giải thoát, những khát vọng dành cho một đời sống ý nghĩa cao đẹp, đến với tất cả hàng Phật tử hậu sinh.
Sự thông hiểu uyên thâm Phật pháp như một triết lý sống gần gũi thiết yếu cho đời sống, cùng lòng Từ rộng mở của Tác giả, đã kết thành những đóa hoa tươi thắm điểm tô, dâng hiến cho Người, cho Đời.
Để tạm khép lại “đôi điều ghi nhận” về Hoa Vẫn Nở - xin mời quý bạn cùng đọc bài thơ, là lời tâm sự của Tác giả, như một công án thâm sâu trao gởi:
Bài thơ Độc Chiếu
“Cao sơn phong nguyệt lãng
Tâm trung giá tường vân
Kim triêu thiên cổ tận
Thùy tri diện mục hoàn.
Dịch nghĩa:
Non cao trăng gió lộng
Trong lòng mây trắng bay
Xưa nay đà rũ sạch
Ai hay mặt mủi này”.
30/4/2020

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt