TIỂU NGUYỆT


Em Tôi, Quê Nhà
Và Những Ngày Tháng Lận Đận

Tùy Bút

Ai cũng có một “Quê nhà” để nhớ thương, để mơ ước được trở về, nhất là với những người sống xa quê, luôn khắc khoải nỗi niềm xa xứ. Với tôi, đó là Phú Hiệp, một làng quê hiền hòa với lũy tre xanh rợp mát. Ở đó, có ngôi nhà ngói đỏ ba gian, với bao kỷ niệm êm đềm, một thời tuổi trẻ. Những tiếng cười hồn nhiên của mấy chị em tôi dưới gốc xoài năm nào như luôn vang vọng, đưa tôi về miền ký ức của tuổi thơ. 
Ngồi nhớ lại, những năm tháng ấy, sao mà thân thương quá đỗi, nhưng nghe đăng đắng trong lòng. Trưa nào, chúng tôi cũng không ngủ, trốn nội men theo bờ rào tre rong chơi cùng lũ bạn trong xóm. Có khi lên tít trên lò rèn của ông Năm hái những chùm Dú dẻ chín vàng ươm, những chùm Chiêm chiêm đỏ mọng vừa ngọt, vừa chát. Những trái Dú dẻ, Chiêm chiêm thơm ngọt ngày ấy, là niềm vui tuổi thơ cho chị em tôi, là nỗi nhớ, là hoài niệm một đời, không bao giờ phai nhạt trong tôi cho dầu năm tháng vẫn mãi trôi xa. Thỉnh thoảng, tôi thấy hình ảnh Đông năm nào - em trai kề tôi, khóc nhè làm nũng với tôi, khi hai chúng tôi đang trên đường đi học. Đông hỏi gì, tôi không nghe rõ nên không trả lời, thế là, nó giận đứng lại không chịu đi nữa. Tôi năn nỉ cỡ nào, nó cũng không chịu. Đến khi nghe tiếng trống rao của trường thúc giục, tôi khóc và xin lỗi nó, thế là hai chị em cùng khóc, và cắm đầu chạy thiệt nhanh mới kịp giờ vào lớp.
Tôi lại nhớ, trên cánh đồng ngày nào, mấy chị em tôi cùng cấy dặm. Khi gieo sạ gặp mưa, nên ruộng bị hư nhiều, chị em tôi dặm cả tháng trời mới kín ruộng. Tôi như nghe tiếng la rầy thằng Định của chị Hai từ chốn xa xăm nào vọng về, cay cay khóe mắt. Đông và Định nhổ lúa bỏ dồn cho tôi và chị Hai cấy dặm. Trời thì nắng nóng, làm thì không quen, Định chốc chốc lại đứng thẳng lên nhìn chung quanh, ngó trời, ngó đất, chép lưỡi, chép miệng “biết đời nào cho xong vậy trời?”. Chị Hai giận, mắng nó: - “Mầy cứ ngóng cổ trông trời có làm đâu mà biểu xong? Chép miệng, chép lưỡi, kêu trời hoài, có mệt thì đi về đi.” Thế là, Định mừng rỡ, lật đật bỏ lên bờ, chạy về. Chị Hai tức mình la lớn: - “Cái thằng kia, mầy đi về thiệt đấy à? Mầy về, ai nhổ lúa cho chị cấy dặm đây hả?”. Nó dừng lại hồn nhiên: - “Sao chị biểu em về?”. Chị Hai khóc: “Chị nói vậy mà mầy không hiểu hả? Xuống nhổ lúa nhanh lên, ăn đòn bây giờ.” Thế là nó quay lại, leo xuống ruộng cúi khom người nhổ lúa.
Thương em Đông, phải oằn người bưng cái thúng vãi phân, bón ruộng. Cái dáng nhỏ nhắn, liêu xiêu của nó như muốn đổ nhào theo từng bước chân, sao mà thương, mà nhớ. Nó muốn tập làm để giúp gia đình, bởi nhờ ai cũng không được, họ vãi giúp một vài lần rồi thôi, tự mình phải học mà làm lấy. Tôi đứng trên bờ nhìn nó mà xót cả ruột, nhưng đành để nó tập làm, cho quen. Phải tập “làm quen” với cái khổ!
Tới mùa gặt, lúa vừa “hườm” chị em tôi đã bắt đầu cắt, cho đến khi lúa chín rục mới hết ruộng. Ăn sáng thiệt sớm, chị em tôi bắt đầu lên ruộng cắt mãi cho đến trưa mới gánh về. Chị Hai là đầu tàu gương mẫu, chất đầy gióng gánh chạy nhịp nhàng như một cô thôn nữ thực thụ. Tôi, Đông và Định, mỗi đầu ba bó lúa, đi nhon nhón, đôi vai đau rát không chịu nổi. Nghĩ mà thương chị Hai, cái gì chị cũng giỏi, luôn dành phần gian khó cho mình.
Nghỉ trưa một lát, chị em tôi lại ra đồng tiếp tục cắt lúa cho đến chiều gần hết nắng mới bắt đầu gánh lúa về. Những tia nắng cuối ngày vừa tắt, chị em tôi cũng đã gánh gánh lúa cuối cùng về nhà. Ngày nào cũng như ngày nào, gần cả tháng mới cắt xong ruộng lúa. Gian khổ thế, nhưng chị em tôi luôn an ủi nhau, tìm cho mình niềm hy vọng để vượt qua. Những hạt lúa chúng tôi làm được, bán mua thức ăn, thuốc men đi thăm ba tôi đang cải tạo tận miền Nam xa lơ, xa lắc; nên chị em tôi vui, cố gắng không nãn lòng vì gian khổ. Sau nầy, mỗi lần về thăm quê đúng mùa gặt, tôi như nhìn thấy những tháng ngày xa xưa ấy thì thầm réo gọi, một nỗi xót xa chát đắng sôi nổi trong lòng.
Những tháng ngày sau đó, chị em tôi phải trồng rau muống, làm gạch ở trong vườn kiếm tiền mua gạo, vì gia đình chúng tôi đã bị hợp tác xã thu ruộng lại, bởi Đông không thi hành nghĩa vụ quân sự. Lúc nào chúng tôi cũng lo lắng, cố gắng làm cho có gạch để bán, không dám nghỉ ngày nào, dù mệt mỏi, bởi phải xách thúng đi đong gạo hằng ngày, không làm sẽ không có gạo để nấu. Những vất vả, khó nhọc ấy, luôn là nỗi nhớ, là chất keo gắn kết tình chị em chúng tôi thêm đậm đà, tha thiết; luôn nhớ về nhau, luôn chia sẻ miếng cơm, manh áo, con cá, miếng rau, cho mãi đến những tháng năm dài sau nầy. 
Tôi nhớ như in cái dáng đi của Đông - hai tay phây phẩy, lưng thẳng, mắt hướng về phía trước, không ngó bên nọ, bên kia; cho nên ra đường, dù có gặp người quen, ít khi Đông nhìn thấy ai, có người trách nó vô lễ hoài, là vậy. Mỗi lần có dịp, Đông ghé nhà thăm tôi, chị em rôm rả kể chuyện xưa, nhắc nhớ lại những ngày tháng cũ, rồi cười đến chảy nước mắt. Tôi nhớ Đông thích nhất là món đu đủ trộn mắm ớt tỏi, chanh, đường, và món “mì luộc”; nên mỗi lần Đông ghé lại, tôi luôn hái đu đủ, bằm trộn nước mắm chanh đường hoặc nhổ mì trồng quanh nhà luộc cho nó ăn, nó cứ hít hà khen ngon; nhưng tôi biết, chỉ ăn cho vui, cho đỡ dạ, chứ có gì khác nữa đâu mà không ngon. Đông thường đọc câu nầy, mỗi khi ăn mì luộc, nghe vừa buồn cười, vừa chua xót - “Vợ con no đủ, cũng nhờ củ, nhờ khoai - uống rượu lai rai, cũng nhờ khoai, với củ - sắm bàn, sắm tủ, cũng nhờ củ, nhờ khoai...”. Tôi nghe riết rồi như thuộc lòng, không biết nó học ở đâu câu nầy, hay nó tự “sáng tác” ra, nghe cay đắng quá.
Những tháng ngày tiếp sau đó, ai cũng lo cơm áo, áo cơm, ai cũng có cuộc sống riêng vất vả. Đông và Định theo mọi người trong làng, lên tít trên “Hòn Cồ” đãi vàng. Vàng đâu chẳng thấy, chỉ thấy vàng da, lúc nào da mặt cũng vàng vàng, tai tái, bủng beo, bởi sốt rét rừng. Nóng sốt, rồi lạnh rét thường xuyên đã làm các em tôi ốm nhom, gầy gò. Không nghề nghiệp, không việc làm, cứ lăn xả trôi theo dòng đời, lên rừng, xuống biển, theo cơn lốc ngày ấy, đã tích tụ trong cơ thể các em tôi bao nhiêu là độc tố, để cuối cùng cả hai đứa đều bị bệnh hiểm nghèo, không thuốc thang cứu chữa.
Đầu tiên, là Đông, bị phát hiện là ung thư máu, giai đoạn cuối. Chị em tôi khóc thương nó, dầu biết rằng sẽ sinh ly, tử biệt; nhưng nghe có phương thuốc nào hay, thầy nào chữa giỏi chúng tôi cũng đều tìm đến. Tôi biết nó buồn lắm, nhưng gắng cười vui để an ủi chúng tôi. Nó nói: - “Ai rồi cũng sẽ phải chết, chỉ trước hoặc sau mà thôi. Em đi trước, coi như “xí” chỗ cho chị em mình vậy mà, khóc làm gì?”. Nó gắng chịu đựng, không đi bệnh viện, không thuốc thang, có lẽ nó nghĩ, trước sau gì cũng chết, sợ để lại nợ nần cho gia đình, vợ con sẽ khổ.
Những tháng ngày Đông nằm giường bệnh, Định luôn túc trực bên cạnh để đỡ đần, chăm sóc. Cuối cùng, rồi Đông cũng phải ra đi trong sự thương nhớ của gia đình, của bà con chòm xóm. Suốt chặng đường đưa Đông ra nghĩa trang, tôi như thấy cả quãng đời gian khổ thuở xưa chập chờn phía trước. Và tôi khóc, khóc thương em đã khổ một đời, chưa được an vui, hạnh phúc đã vội ra đi; rồi tôi thương, thương vô cùng cái dáng nhỏ nhắn, liêu xiêu, phây phẩy ấy; tôi cố níu kéo hình ảnh ấy, như sợ nó sẽ tan biến vào hư vô, vào cõi mịt mù xa lắc. Rồi tôi như thấy em cười thật tươi ở trên cao nhìn tôi an nhiên, như lời chào vĩnh biệt. Tôi hoảng hốt, chao đảo, chung quanh tôi bỗng tối đen, mờ mịt. Tôi ngã xuống!
Nỗi đau nầy chưa kịp lành, nỗi đau khác lại bắt đầu. Chưa kịp mãn tang Đông, đã phát hiện Định bị bệnh xơ gan giai đoạn cuối. Nhiều lúc tôi nghĩ, sao ông trời lại bắt chúng tôi phải chịu cảnh ly biệt, đau khổ, sớm như thế? Chúng tôi đã rất cố gắng, đã cố chịu đựng, bằng lòng với những gì mình có, không đua đòi, không tham vọng kia mà. Phải chăng, chị em tôi còn phải chịu đựng hơn nữa, phải gắng sức hơn nữa? Trong tận đáy lòng tôi, là nỗi đau mặn đắng, rát buốt, khôn nguôi! 
Những ngày Định nằm viện, tôi thường xuyên đến thăm em. Tôi nhớ như in những buổi chiều trong bệnh viện - những dãi nắng cuối ngày vàng vọt rớt trên dãy hành lang buồn bã đã luôn theo tôi những tháng ngày sau đó. Hai chị em tôi nắm tay nhau đi dạo dọc theo hành lang, tôi cũng như Định không muốn đả động gì đến căn bệnh, đến sự chia ly. Chúng tôi nói với nhau đủ thứ chuyện, về âm nhạc, thi ca, hội họa; rồi nhắc kể lại những chuyện của ngày xưa, những lần chui rào nhổ trộm sắn nước nhà bà Cải; rồi cười vui, rồi đùa giỡn, như đang sống lại cái thuở hồn nhiên ấy. Đi đến cuối dãy hành lang, chị em tôi quay trở lại, cứ thế cho đến tối, tôi phải trở về nhà. Em nhìn tôi, dặn dò: - “Ngày mai, rảnh chị qua chơi nghen”. Và rồi, chiều hôm sau, tôi lại ra với nó, để chị em cùng đi dạo, cùng cười vui, kể chuyện, dọc dãy hành lang bệnh viện buồn hiu hắt ấy.
Định được bác sĩ trả về nhà, nhìn nó gầy gò nằm treo trên võng, tôi xót ruột lắm. Chị Hai nghe đâu có thầy thuốc hay, hốt mấy thang mang về ép Định uống thử, may ra “phước chủ may thầy”. Định cũng cố uống để chị Hai vui, nhưng đêm đó, nó ôm bụng đau quằn quại, chị em tôi cũng đau đớn, quằn quại theo nó. Tôi chỉ biết lâm râm cầu nguyện cho em bớt đau - không còn biết làm gì thêm trước nỗi đau quặn thắt của em.
Định nằm như vậy suốt hai tháng trời, chỉ còn da bọc xương. Không ăn uống được, chỉ hớp chút sữa, rồi sau cùng không uống được gì. Định nằm đưa mắt nhìn mọi người, không nói năng gì, nhưng tôi biết em rất đau đớn. Cái đau về thể xác, ai nhìn cũng thấy, nét mặt em co rúm lại, quằn quại trong cơn đau liên tục, phải uống thuốc giảm đau; nhưng nỗi đau trong lòng càng mãnh liệt hơn, khi Định thấy đứa con gái nhỏ năm, sáu tuổi của mình đi ngang qua. Tôi thấy nét đau đớn hiện rõ trong đôi mắt em, trên khuôn mặt xương xẩu của em, nhìn theo đứa con gái nhỏ. Tôi như thấy cả bầu trời đau thương, tang tóc bao trùm - tôi phải quay mặt đi, cố giấu những giọt nước mắt.
Định đã ra đi vào buổi chiều, sau khi được gặp đứa con trai lớn của mình đi học xa, vừa về đến nhà một lúc. Định đưa mắt nhìn mọi người qua lại trong nhà, như muốn níu kéo hình ảnh của người thân giây phút cuối đời ấy. Định nấc lên nhẹ nhàng mấy cái, rồi ngoẻo đầu, nhắm mắt.
Trong lần đưa tiễn nầy, tôi gắng chú tâm niệm “A Di Đà Phật” cầu mong tiếp dẫn em tôi về cõi nước Tây Phương của Ngài; và có lẽ, nhờ sự gia hộ của đức Phật đại từ đại bi, tôi không hoảng hốt, không ngất đi như lần đưa tiễn Đông ngày trước.
Sau nầy, mỗi lần về dự đám giỗ các em, hay những dịp về thăm quê; ngồi trên xe lửa, lòng tôi cứ “xùng xình” nỗi nhớ thương, lắc lư theo con tàu đang lao về phía trước. Hình ảnh mấy chị em tôi ngày nào giữa quê nhà yêu dấu, vụt ngang qua trong chiếc đầu khô nóng của tôi, như cảnh vật thoáng hiện, lướt ngang qua ngoài khung cửa sổ khoang tàu….
Những ngày đầu tháng 9/2018



  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt