TIỂU NGUYỆT

 

“HẠT BỤI THƠ, BẦU TRỜI THƠ”
MÃI MÃI HIỆN DIỆN VÀ XANH TRONG
BÊN CẠNH CUỘC SỐNG

 

“Hạt Bụi Thơ Bầu Trời Thơ” là tác phẩm thứ tám trong mười một tác phẩm của nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Thái Dương, do nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành năm 2013. Sách dày 148 trang - Mộng Lâm, Quốc Việt trình bày,
Nhà thơ Nguyễn Thái Dương sinh năm 1954, ở Đập Đá, An Nhơn, Bình Định. Năm 1972, ông vô Sài Gòn học Khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm TP. HCM, và tham gia sáng tác với bút danh Nguyễn Mặt Trời trên các tạp chí: Thời Tập, Phổ Thông, Giai phẩm Em.
Sau 1975, ông ra trường về dạy học ở một huyện miền Duyên Hải và bắt đầu xuất hiện bằng tên thật Nguyễn Thái Dương. Sau đó, ông về trường PTTH Lê Quý Đôn, thành phố HCM dạy lớp chuyên văn đầu tiên.
Tác phẩm đã xuất bản: Bầu trời thơ, hạt bụi thơ (thơ, NXB Văn nghệ 1987), Chút tình riêng thuở ấy (thơ, NXB Trẻ 1988), Quanh chuyện viết văn, làm thơ (tiểu luận, NXB Trẻ 1993), Cổ tích về quả banh (thơ, NXB Đồng Nai, 1994), Tàn trăng (thơ, NXB Đồng Nai 1994), Khi chúng ta bước đầu cầm bút (tiểu luận, NXB Trẻ 2003), Uốn khúc (thơ, NXB Trẻ 2003), Hạt bụi thơ, bầu trời thơ (thơ, NXB Hội nhà văn 2013), Thời gian trốn ở đâu? (thơ, NXB Kim Đồng 2015), Thủ thỉ chuyện văn chương (tiểu luận, NXB Trẻ 2017), Từ ngữ ơi, mở ra! (Thơ, NXB Trẻ 2018).
Từ đơn vị có thể gọi là nhỏ nhất là "hạt bụi" đến đơn vị lớn nhất là "bầu trời"- tất cả dưới nhãn quan của nhà thơ, đều là Thơ. Thơ không thể phân biệt "lớn - nhỏ", bởi vì, trong cái nhỏ nhất, cũng có thể hàm chứa điều to tát, phi thường, và ngược lại. Bầu trời bao la, bao dung vạn vật (trong đó có "hạt bụi") - là một tình cảm thuần nhất, rất vi tế, phù hợp với tư tưởng nhà Phật là "một vi trần có thể chứa cả tam thiên thế giới”. “Hạt bụi thơ bầu trời thơ” mãi mãi hiện diện, xanh trong bên cạnh cuộc sống của mỗi chúng ta.
Từ cõi lòng an tịnh, chân thành biết lắng nghe, nhìn ngắm, thì dù chỉ từ “hạt bụi” thôi, cũng cho tâm hồn nhà thơ bồi hồi, xao xuyến. Và có biết bao nhiêu hạt bụi trong bầu trời bao la này?. Từ cái “cá thể” làm nên “đại thể”, đó cũng là lẽ hiện hữu, sinh tồn của vạn vật.
Nguyễn Thái Dương cũng như bao người sống tha phương khác, luôn hoài niệm, khắc khoải, vọng về quê xưa, với một tấm chân tình yêu quê dạt dào, thắm thiết. Từng hàng cau, bóng tre, giếng nước, đến con đường làng trải lụa ánh trăng trong, cánh diều tuổi thơ, tiếng dế lao xao một thời xa xưa gắn bó - tất cả những hình ảnh tầm thường ấy, luôn gợi trong ta nỗi nhớ mênh mang, khó nói. Ở đây, nhà thơ lại da diết nhớ cái giọng “nẫu” quê mùa, chân chất, thàng hậu quê cũ Bình Định, cùng với “điệu bài chòi quê” mộc mạc thuở nào.
“Mưa nên nhịp, nắng lên vần
Theo làn hát bội bổng trầm bi ai
Tôi thương giọng nẫu chân chài
Não nùng mộc mạc điệu bài chòi quê”.
(Quê Nhà - trang 11).

Xa quê lâu, nỗi nhớ quê trong lòng nhà thơ càng lớn hơn, mạnh hơn, đến nỗi nhà thơ ao ước:
“Hai tay dang rộng ba bề
Tôi ôm hết đập Thạch Đề vào tôi
Sài Gòn tôi có đôi hồi
Nhìn đâu cũng dáng ngược xuôi sông nhà”.
(Quê Nhà - trang 11).

“Dang tay ôm đập Thạch Đề” rồi nhìn đâu ở giữa chốn phồn hoa xa lạ kia cũng thấy hình ảnh quê nhà Bình Định - Đập Đá thân thương thấp thoáng, ám ảnh - nỗi nhớ thật là sâu đậm, to lớn biết bao! Từ những chuyến đò ngày ấy; những chuyến tàu ngược xuôi, xuôi ngược, thoắt đến, thoắt đi Bình Định - Sài Gòn, luôn in đậm, hằn sâu trong tâm thức nhà thơ. Tác giả thốt lên:
“Khuyết quê để được phố tròn
Sao vành vạnh mãi trong hồn làng xưa?.”
(Quê Nhà - trang 11).

Hai chữ “khuyết” và “tròn”, rồi “vành vạnh” khơi gợi nỗi ưu tư đăm đắm về quê nhà trong tâm hồn ông, qua bao lần đổi thay. Dù thế nào, làng xưa vẫn mãi “vành vạnh mãi trong hồn”, và “gian nhà vách đất” ngày nào luôn réo gọi ông trở về thăm lại chốn chôn nhau cắt rún nặng tình một đời. Và ông đã quay về, sống lại tuổi hồn nhiên, ngây thơ lúc học “vỡ lòng ba mẫu tự u, ê, y”; bên những ước mơ xanh mầm của tuổi mới lớn.
“Nơi mưa nắng thất thường
Bao ước mơ đánh võng
Nắng giành anh những giấc mưa khuya
Mưa tranh anh phút trưa tròn bóng
Đập Đá
Nơi anh vỡ lẽ đầu đời niềm rung động”.
(Đập Đá – trang 54).

Trong một buổi chiều nào đó của đời sống bộn bề, nhà thơ không biết mình đang thực hay mơ, với mong ước một chút ráng chiều lững lờ cuối chân mây; để đong đầy ước mơ được trở về quê xưa, sau bao tháng năm trôi nổi xứ người.
Gặp lại bạn cũ:
“Tóc giờ đã phớt hoa lau
Thao thao bù đắp độ nào nín câm
Tranh nhau bổng, giành nhau trầm
Bao câu chuyện phím xa xăm nỗi niềm”.
(Tiễn Biệt Chiều – trang 106).

Người đọc dễ dàng đồng cảm với tâm trạng của tác giả trước cuộc biển dâu, chia cách, lại được hội ngộ, qua bốn câu thơ chơn phác, mà thắm tình trong “chiều tiễn biệt”. Tôi cũng đã đôi lần về thăm quê, gặp lại những bạn học cũ một thời thơ dại; chợt nhìn lại, tóc ai cũng đã “phớt hoa lau”, rồi ai cũng tranh nhau nói nói, kể lể nỗi niềm, rồi cười, rồi vui đến chảy nước mắt. Còn Nguyễn Thái Dương, thì cảm nhận:
“Người trôi nổi, kẻ lắng chìm
Nhớ quên nhau giữa lênh đênh Sài Gòn
Tiếng gì như tiếng Qui Nhơn
Giọng gì như giọng trách hờn miền Trung”.
“Tiễn Biệt Chiều – trang 107).

Những cặp từ ngữ “trôi nổi - lắng chìm”, “nhớ - quên”, “tiếng gì - giọng gì” rất đơn sơ, tự nhiên, mà người đọc cảm thấy bàng hoàng, rưng rức quá!.
Với tình cảm hồn nhiên, trong sáng - một “giấc mơ giao thừa” được nhà thơ ghi nhớ lại rất ngọt ngào, sống động. Sự so sánh, nhân hóa vầng trăng hai mẹ con vừa đẹp, vừa huyền diệu, dâng tràn cảm xúc. Người đọc có thể thấy rõ “ánh rằm” của hai mẹ con, long lanh, sâu lắng qua ý thơ:
“Má khọm xuống đời con
Cái vầng lưng khuyết ấy
Con nằm cong người lại
Cho má con mình rằm”.
(Giấc mơ giao thừa - trang 13).

“Ánh rằm” của hai má con ghi đậm nét trong lòng người đọc, và vầng trăng lặng thầm ấy, chỉ “vành vạnh trong tâm tưởng”, trong giấc mơ, mà thôi. Trải qua bao dâu bể, bao lần giao thừa đến đi trong đời sống; tác giả luôn thao thức, mở toang cửa lòng, nhớ nghĩ về quê xưa, về “cái vầng lưng khuyết ấy” với nỗi nhớ da diết, trân quý. Thương má một mình, vắng vẻ, đón chờ xuân sang; mà chưa thể trở về, đón xuân cùng người mẹ thân yêu được, chỉ dõi lòng ngậm ngùi hướng vọng về quê cũ.
“Trôi qua bao giao thừa
Miền Trung ơi, nghìn dặm
Con nằm đôi mắt nhắm
Mà lòng cứ mở toang.

Nhà mình rộng thênh thang
Vườn sau và ngõ trước
Má một mình đếm bước
Vô vọng chờ xuân sang...”.
(Giấc Mơ Giao Thừa - trang 13).

Tác giả lại nghe lòng mình xốn xang, đau đớn, khi ở xa không bên cạnh đỡ đần, chăm sóc cha cùng mẹ trong tuổi xế chiều được. Ông ví “cha là bầu trời thơ” (còn ông là “hạt bụi”), bao la, sáng mãi trong ông.
Nhìn dáng mẹ gầy, hắt hiu mỗi ngày, nhà thơ chợt tỉnh thức:
“Mẹ là cha, là còn hơn thế nữa
Năm mươi năm từ lòng mẹ lớn lên
Thơ con viết toàn trời cao tít tắp
Mặt đất dưới chân mình, thơ vô lẽ lại quên”.
(Mặt Đất Thơ - trang 15).

Nhà thơ đã tâm sự:
“Cha bây giờ đã chon von
Mãi quanh quẩn giữa mỏi mòn mẹ thôi
Tiếc con hạt bụi từ hồi
Vẫn chưa lẫn được vào trời thơ cha”.
(Hạt Bụi Thơ, Bầu Trời Thơ - trang 16).

Nhà thơ đã đi từ cái nhỏ nhất là “hạt bụi” để hướng về cái to lớn “bầu trời”. - ví mình là hạt bụi, trôi lăn theo dòng sống của cuộc đời, nếm trải bao vị ngọt, đắng; vẫn chưa “lẫn được vào trời thơ cha”, vào cái bầu trời thơ mênh mông, bao la tình yêu thương ấy, để hồn thơ được hòa lẫn vào trời thơ; như giọt nước hòa vào đại dương bao la vậy.
Là một nhà giáo, một nghệ sĩ có tâm từ rộng mở, ông luôn quan tâm đến gia đình, các con, cháu; bởi đó là hạnh phúc gần gũi, có thực. Ông dạy con gái đi lấy chồng bằng những vần thơ giản dị, mà chí tình; làm người đọc cảm thông được nỗi lòng thương con, nặng nghĩa của ông. “Không được buồn, không được nhớ, không nên... Không thì không, lòng không sao... không được”. Ông đã thầm nguyện cho con được sống hạnh phúc, chan hòa trong ngôi “nhà khác”, cùng với chồng và những người thân yêu của chồng như của mình.
Rượu vu qui ba ngồi rót... đầm đìa
Môi chưa nhắp mà lòng ba đã cạn
Đêm đầu tiên xa con, ba bầu bạn
Với bóng mình để thầm nguyện đến khuya

Rằng những người dưng trong ngôi nhà chưa từng thân thuộc kia
Đối với con, sẽ ruột rà yêu dấu
Bởi con sống suốt tuổi thơ hồn hậu
Thì theo chồng, con hạnh phúc - cố nhiên”.
(Nhà Khác - trang 19).

Với người con đang học tập ở phương xa, nhà thơ đã dặn dò, chăm chút gởi gắm qua những vần thơ đầy yêu thương, cùng niềm hy vọng...
“Con đường dẫu có xa thêm
Biết nhìn hướng đích mà tìm cách xoay
Ao nhà, xin phép bắt tay
Con ra biển lớn so vai nghìn trùng

Cất vài nhung nhớ vào trong
Chịu muôn dặm buốt dưới lòng đôi chân
Trở trời trái gió... một thân
Con nương ý chí mà lần tương lai...”.
(Một Thân Một Mình - trang 29).

Từ “sợi tóc”; người đọc như thấy được suốt cuộc hành trình đời sống đầy gian truân của chính mình trong đó. Từ “bao nhiêu sợi tóc trên đầu”, cho đến:
“Sợi nào sớm, sợi nào đêm
Sợi nào bớt, sợi nào thêm tuổi đời
Sợi nào lộng gió tinh khôi
Sợi nào bão buốt một thời trung niên”.
(Tóc Chiều - trang 34).

Trong bài “Nhón Gót Với Ước Mơ”. Tác giả đưa hình ảnh “bàn tay” của cháu mình với lên cao chót vót, để rồi chạm vào “hồn đất đai”. Đó là khát vọng của chính nhà thơ và cũng chính là kỳ vọng hướng đến cho con cháu mai sau:
“Với lên chót vót chon von
Bàn tay mới chạm được hồn đất đai
Với trong, sợ vỡ tan ngoài
Với hoa, e nhụy hương phai giữa vời”.
(Nhón Gót Với Ước Mơ – trang 35).

Tình yêu là một phần quan yếu trong đời sống mỗi người - nhà thơ ví tình yêu như những giọt sương buổi sớm, trông đẹp thanh khiết, nhưng mơ hồ. Đẹp nhưng dễ vỡ. Chỉ cần một “chút nắng” thôi, thì giọt sương long lanh, thơ mộng kia cũng tan biến.
“Rèm sương em giăng, rèm hương em buông
Ánh mắt bờ môi kín cổng cao tường
Em hiện em tan nên chiều nên sớm
Vô tình mặt trời nối gót chân sương”.
(Sương Mai – trang 79).

Em là “rèm sương, rèm hương”, em hiện đấy, rồi tan đấy, cho nên nhà thơ mải miết kiếm tìm trong nỗi nhớ tưởng chơi vơi. Giọt sương mai long lanh, thánh thiện, như cái bóng của tình yêu; nếu không phải là một tình yêu chân chính (cùng nhìn về một hướng, cùng một khát vọng tương lai), thì sẽ chẳng bao giờ có được là vậy.
“Mắt kiếm tìm môi nên lứa nên đôi
Nắng kiếm tìm mưa nên đất nên trời
Anh kiếm tìm em nên ghềnh nên thác
Nên tháng nên ngày mà vẫn chơi vơi

Nơi đâu sương mộng, nơi nào sương mơ?
Giây giây phút phút hay là thiên thu?
Hãy chỉ giùm anh đầu trời cuối đất
Vói tay anh hái, sương bỗng... sương mù!”.
(Sương Mai - trang 79).

Chúng ta cảm thấy cái nhớ, cái quên của nhà thơ thật không tầm thường chút nào. “Cất trong nhớ một trời quên”, Nhớ đến nghìn khuya, “mà quên: chỉ mỗi một lia chia chiều”. Nhớ chẳng then cài, “mà quên: tưởng đã đền đài trong nhau. “Nhớ: trùng điệp điệp; quên: thưa thớt dần”. Cho nên nhà thơ mới:
“Ví dù trừ cộng nhân chia
Thì quên: vẫn cứ hiện thân một đời
Quên cho đầy, nhớ cho vơi
Cất vào nhớ cả một trời lãng quên...”.
(Cất Trong Nhớ Một Trời Quên - trang 117).

Với những “hạt bụi thơ” và “bầu trơi thơ” mênh mang sâu nặng ân nghĩa, với tính sáng tạo làm mới thơ bằng những hình ảnh lạ, gợi cảm, cùng từ ngữ diễn đạt giản dị mà chắt lọc, chân xác - người đọc cảm nhận được “Hạt Bụi Thơ, Bầu Trời Thơ” mãi mãi hiện diện và xanh trong bên cạnh cuộc sống của mỗi người….

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt