TIỂU NGUYỆT


Hoàng Hôn Bên Dòng Sông Tắc

Truyện ngắn

 

Tâm tham dự buổi hội thảo về đề tài “Ảnh Hưởng Của Văn Học Phật Giáo Với Đời Sống Xã hội ”, do trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, phối hợp với Giáo hội Phật giáo Khánh Hòa tổ chức trong ba ngày, vừa mới kết thúc sáng hôm nay; tối nay, mười chín giờ ba mươi, anh sẽ lên tàu TN 1, trở về nhà. 
Không biết làm gì trong suốt buổi chiều, Tâm lang thang xuống biển để thư giãn với không khí tươi mát, và ngắm lại biển trong ánh nắng chiều êm ả. Những tiếng sóng rì rào ru êm của biển, gợi cho anh cảm giác an lành, thoải mái hơn khi nhìn những áng mây trời phản chiếu xuống mặt nước một mầu xanh êm dịu, quyến rũ.
Tâm đón nhận cảm xúc dạt dào, an nhiên, thư thái tràn ngập trong tâm hồn anh - hít thật sâu cái không khí yên lành, mát mẻ vào buồng phổi (vốn anh không bỏ hẳn được thói quen hút thuốc mỗi lúc ngồi vào bàn máy vi tính, hay ngồi trầm ngâm một mình), rồi thở ra thật nhẹ nhàng, chậm rãi, đếm bước.
Khu phố hôm nay đã trở nên xinh đẹp, thoáng mát, sạch sẽ hơn xưa nhiều. Tâm nghe niềm vui dấy lên trong lòng, khi nhìn những dòng xe ngược xuôi trên đường phố đầy bóng cây xanh; với những ngôi nhà nhiều tầng, hotel cao ngất. Tâm đi dọc theo công viên về phía Nam, ngắm nhìn sự phồn vinh của thành phố đang phát triển nhanh chóng. Khách du lịch khắp nơi đổ về thành phố biển thật nhộn nhịp, như con phố đang cựa mình bay lên. Một số khách du lịch thích nằm phơi mình trên những chiếc ghế dài, để ngắm biển; dường như để bù đắp cho những ngày tháng miệt mài cặm cụi trong văn phòng, hay trong các cơ xưởng căng thẳng.
Trước mắt anh là bến đợi của xe buýt. Trong anh chợt lóe lên ý nghĩ, muốn lên xe buýt đi một vòng thành phố, để khám phá thêm những cái mới lạ mà anh chưa có dịp biết đến. 
Một chiếc xe buýt vừa tới, tấp sát vào lề. Anh bước lên xe.
Tâm ngồi vào chiếc ghế sát cửa sổ, để tiện việc nhìn ngắm thành phố. Cô bé bán vé bước lại chỗ anh, hỏi:
-Chú xuống đâu ạ?
-Chú cũng không biết mình xuống đâu nữa. Xe này chạy về đâu cháu?
Cô bé cười, giọng ngạc nhiên - vui vẻ:
-Chú không biết mình xuống đâu, thật đấy à? Xe này về Hòn Rớ đó chú.
Anh cười theo cô bé bán vé:
-Thì cho chú về Hòn Rớ vậy.
-Dạ! Tám nghìn một lượt, chú!
Tâm rút ví từ trong túi đưa tiền xe cho cô bé. Anh ghi nhận thật nhanh những hình ảnh vụt thoáng qua ngoài cửa sổ vào chiếc đầu háo hức của mình. Anh miên man ngắm nhìn những con đường rộng rãi, với đủ loại xe đang lưu thông tấp nập. Những chiếc xe máy, ô tô đời mới chạy nối đuôi nhau; những ngôi nhà cao tầng, hai bên đường đẹp đẽ, như khoe sự giàu sang, chuyển mình của thành phố.
Xe vừa chạy lên cầu, anh bỗng thấy lòng nao nao nhớ lại, dường như mình đã có bận đi ngang qua nơi đây mười mấy năm trước; đó là những tháng ngày buồn đau, đã làm anh gần như suy sụp hoàn toàn. Ngày ấy, cây cầu kia nhỏ hơn, không rộng lớn như bây giờ. Tâm nghĩ như thế, nhưng anh quay lại hỏi một chị ngồi ghế bên cạnh, để xác định lại trí nhớ của mình cho rõ ràng.
-Xin cho hỏi, đây có phải là cầu Bình Tân không chị?
-Cầu Bình Tân đó anh!
-Cảm ơn chị! Tôi nhớ lúc trước con đường này nhỏ, giờ khác quá, hở chị?
-Giờ là đại lộ Nguyễn Tất Thành mà anh, trước kia là đường cầu Bình Tân, chỉ một làn đường thôi.
Tâm muốn xuống xe, đi bộ dọc theo bờ dòng sông Tắc như ngày nào, để tìm chút kỷ niệm đang dạt dào sống lại trong anh.
-Cho tôi xuống trạm vừa qua khỏi cầu nha bác tài.
Cô bé bán vé lập lại:
-Ghé trạm nha anh!
Xe qua khỏi cầu, chạy một đoạn tới trạm dừng. Tâm xuống xe.
Tâm rẽ vào con đường nhỏ theo hướng ra bờ sông. Một làn gió mang theo hơi nước từ dòng sông trước mặt thoảng qua mát rượi, gợi cho anh cái cảm giác lần đầu anh đã đến nơi đây. Thuở ấy, dòng sông thật yên ả, xinh xắn, với hai hàng liễu rũ bên đường, hoa đỏ đung đưa mời gọi. Đi một đoạn dài mới thấy một vài ngôi nhà, không như hôm nay, nhà cửa san sát, kín mít. Anh đi về hướng phía cầu. Dòng sông trơ đáy, phơi bày ngổn ngang bao thứ rác, mà những lúc triều cường đã che giấu; để dòng sông trở lại mênh mông, quyến rũ. Rồi anh chợt liên tưởng đến “lòng người”, sao mà giống “lòng sông” quá đỗi.
Anh đi dưới con đường có cầu vượt, về phía công viên. Dưới sông, mọi người đang cào đất đãi bắt những con sò, con ngao, từng nhóm từng nhóm nhỏ; rồi mang vào bờ cân bán cho những người mua ngao sò ngay tại chỗ. 
Nhìn qua phía bên kia sông, là khu biệt thự đang xây dựng, làm đường, trồng cây, xây kè, chia lô theo dự án phát triển của thành phố. Những ngôi nhà hai, ba tầng mọc lên phủ kín hết khu đất, không còn trống trải như trước kia; chỉ vài ngôi nhà cấp bốn rải rác, nằm hiền lành dọc theo bờ sông yên tĩnh mà thôi.
Tâm thơ thẩn đi trong nắng chiều vàng nhạt, nhớ nghĩ về dòng sông thuở trước, với lòng luyến tiếc, ngậm ngùi. Ngày ấy, cũng vào buổi chiều như hôm nay, trên sông thật đông vui. Những chiếc thuyền đánh cá, bủa lưới, đập bình bịch; những thuyền thả lưới ghẹ đụng đầu, réo gọi nhau í ới. Tâm nhớ, có một cái rớ sát bên bờ sông, kéo rất nhiều tôm cá. Người chủ rớ lấy “chòi rớ” làm quán để bán cho khách quen từ ngoài phố xuống, muốn thư giãn cùng sông nước; thưởng thức món cá tươi nấu cháo, tôm tươi hấp chấm muối ớt. Đơn giản thôi, nhưng quán “chòi rớ” luôn có khách, với các món bình dân, cá, tôm vừa đánh bắt từ sông lên. 
Tâm nhìn quanh, không thấy dấu vết gì về cái “chòi rớ” thuở ấy, bèn đi tiếp. Anh lại bên chiếc ghế đá ven bờ kè, ngồi nghỉ chân. Nhìn qua phía bên kia đường, anh thấy một người phụ nữ đang chăm sóc hoa trước sân nhà. Những giỏ lan treo lủng lẳng nở hoa đủ mầu sắc, rất đẹp; những chậu cây kiểng được cắt tỉa gọn gàng, xanh tươi, cho anh cảm giác yên bình, ấm áp. Người phụ nữ vẫn cần mẫn làm việc, không để ý đến chung quanh, nên không biết anh đang chăm chú nhìn mình. Nàng bỏ chiếc kéo, và hì hục nhích đẩy chậu hoa xếp sát dọc bờ sân.
Tâm vội đứng dậy, chạy qua phía nàng - nói lớn:
-Để tôi giúp giùm cho.
Nàng quay lại nhìn anh, mỉm cưới:
-Tôi làm được mà.
Tâm phụ giúp nàng bưng chậu hoa đặt sát bờ sân như ý nàng muốn, xong hỏi thăm - giọng thân mật:
-Tôi nhớ trước kia có cái rớ sát bờ kè này, không biết ở đoạn nào, cô có biết không?
Nàng thoáng nhìn thẳng vào anh, dò hỏi:
-Anh hỏi thăm để làm gì? Anh là người quen của họ à?
Tâm cười, ngại ngùng:
-Tôi đã từng ăn cháo trên cái chòi rớ đó, có dịp ghé lại thôi. Như vậy có phải là người quen không cô?
-Cũng có thể là quen mặt, vì cái chòi rớ đó, thường không có khách lạ.
-Ồ! Vậy à? Lần đầu tôi đến đó ăn cháo, cũng không phải khách lạ sao?
-Vậy anh là khách “đặc biệt” của họ đấy!
Tâm vui vẻ:
-“Trước lạ sau quen”, phải không cô?. Cô rành về cái quán đó nhỉ?.
Hạnh - tên người phụ nữ, quay nhìn anh thật chăm chú, như tìm trong trí nhớ của mình một điều gì đó đã theo tháng năm trôi vào lãng quên. Nàng bỗng có cảm giác thấy anh quen quen, nhưng không nhớ ra được điều gì rõ ràng. Nàng cười:
-“Quen trước, lạ sau”. Đó là phương châm của tôi.
Tâm vừa ngạc nhiên, vừa xúc động, khi nghe nàng nói. Hình như câu nói đó anh đã nghe từ lâu lắc rồi. Anh quay nhìn kỹ người đang trước mặt mình, và cố lục trong trí nhớ - cái giọng nói rặc “xứ nẫu”, cái cách trả lời, và đôi mắt (dù cười vẫn thấy nét buồn) ấy. Trí nhớ anh bỗng lóe lên, hình như nàng là chủ quán “chòi rớ” ngày nào. Anh mừng rỡ:
-Cô là chủ quán cái “chòi rớ” ngày ấy, phải không?
-Đã lâu lắm rồi cái chòi rớ đó không còn nữa. Anh hỏi để làm gì?
-Tôi ngang qua đây, có dịp ghé thăm thôi, vì cô chủ quán đó là ân nhân của tôi.
Nghe anh nói thế, nàng quay nhìn anh kỹ hơn - giọng phân vân:
-Ân nhân thế nào? Họ giúp anh... - giọng nàng bỗng chùng xuống, ngập ngừng, như nhớ ra anh là ai - anh “nhà văn” phải không?
-Tôi… lâu quá rồi phải không cô? Tôi đến Nha Trang tham dự hội thảo, không ngờ được gặp lại cô chiều nay.
Hạnh cười thân thiện:
-Gần hai chục năm rồi còn gì, anh? - Hạnh gắng giữ điềm tĩnh, trông anh có vẻ tươi vui hơn ngày trước, dù tóc đã bạc nhiều - nàng cười vui, mời anh vào nhà! Đúng là “trước lạ sau quen” - nói xong, nàng vội bước đi trước. 
Tâm nhìn theo dáng Hạnh - nàng vẫn điềm đạm, xinh xắn, nhưng nét mặt, giọng nói có vẻ gì khang khác, lòng anh rộn lên niềm vui vô cớ. Đã ngần ấy thời gian xa cách, gặp lại, anh vẫn tìm thấy ở nàng nét đẹp dịu dàng, đôn hậu cũ; rồi phân vân không biết bây giờ cuộc sống nàng như thế nào, có được an vui, hạnh phúc không? Nhưng rồi, anh nhủ thầm: “một con người phúc hậu như thế, chắc phải có một cuộc sống yên vui thôi”.
Hạnh đưa Tâm vào nhà, pha bình trà nóng, mời anh. Hai người nhìn nhau với ánh nhìn vừa chắt chiu hạnh phúc, vừa bẻn lẻn. Hình ảnh của gần hai mười năm trước như trôi dần trở về - thật rõ ràng, sống động, trong hai tâm hồn đồng cảm yêu thương.

***

Tâm vội vã đi ngay trong đêm, không kịp chuẩn bị thứ gì, khi nghe vợ hằn học, coi anh như người làm công, rồi chìa trước mặt anh tờ đơn xin ly hôn mà vợ anh đã ký sẵn. Anh vội vã bước nhanh ra cửa như chạy trốn một tai ương, đến nỗi chỉ có một bộ áo quần trong người, cái ví đựng ít tiền và một số giấy tờ tùy thân. 
Anh đau đớn vì người mình thương yêu nhất, lại đối xử với mình tệ nhất. Anh luôn dành cho gia đình những gì tốt đẹp mà anh có thể, nhưng vợ anh lại nghĩ khác - luôn coi thường, khinh rẻ anh, bởi dưới mắt nàng, anh luôn là một người thợ tầm thường, tay chân lấm lem. Mỗi lần xung đột, cãi vã, dù là nửa đêm, anh luôn ra đi, để tránh nhìn thấy sự đổ vỡ phũ phàng trước mắt. Nhưng cuộc hôn nhân, có lẽ đã rạn nức, từ ngày anh bước vào trại cải tạo.
Trong một lần ra đi, anh trôi dạt về thành phố biển Nha Trang, thăm chơi với một người bạn thân tại thành phố này. Một buổi chiều, anh đi bộ lang thang từ ngã ba rẽ vào cầu Bình Tân, rồi đi dọc theo bờ kè bên dòng sông Tắc. Chợt nhìn thấy một cái “chòi rớ” ngay trên sông, anh muốn ra đó ngồi chơi, nhìn ngắm trời mây và sông nước cho nguôi ngoai. Thế là anh bước lên chiếc cầu bằng cây tre, bắt từ bờ ra chòi rớ. Anh nằm trên chòi rớ nghe nỗi buồn thấm vào cơ thể, ao ước được ngủ một giấc dài, nhưng không thể nào chợp được mắt. Anh vùng ngồi dậy, và cảm thấy vui, khi thấy một cái túi bằng lưới dày đựng tôm cá đang tung tăng bơi lội dưới nước.
Anh đang ngạc nhiên xem bầy cá vùng vẫy, bỗng nghe tiếng một cô gái vọng lại từ phía sau lưng mình:
-Nè, anh kia! Đang làm gì đấy?.
Tâm quay lại nhìn cô gái cười, giã lã:
-Tôi chỉ xem thôi, cô.
-Thì tôi thấy anh đang xem rồi. Nhưng sau đó, ai biết anh làm gì?
-Cá tôm này, có bán không cô?
-Có. Nhưng chỉ bán cho khách quen thôi. Ở đây không bán cho người lạ.
Tâm cười hồn nhiên:
-Thì “trước lạ sau quen”. Cá tôm tươi như thế này mà nấu cháo thì ngon lắm.
Nàng thản nhiên:
-Chắc chắn là ngon rồi. Ở đây món cháo cá là đặc biệt nhất.
-Vậy chỗ này là quán của cô hả?. Cô có thể cho tôi thưởng thức tô cháo cá, được không?.
- Đây là quán của tôi, nhưng chỉ bán khách quen thôi. Anh ở đâu tới mà lại đây đòi ăn cháo cá?
-Quán mà còn phân biệt khách lạ quen sao cô? Trước lạ sau quen chớ!
-“Quen trước, lạ sau”. Đó là phương châm của tôi. Tôi đã từng “khổ” với mấy ông khách lạ, lang bạt, giang hổ rồi.
Tâm nhỏ giọng:
-Thì cô cứ cho tôi là khách “đặc biệt” đi, vì tôi ở xa trôi dạt tới - anh ngập ngừng với lại, từ sáng đến giờ tôi chưa ăn gì cả.
-Chưa ăn thì có mắc mớ gì đến tôi, nhưng... - giọng nàng dịu xuống khi nhìn khuôn mặt hiền từ của anh nhìn nàng như năn nỉ. Thôi được, đây là trường hợp “đặc biệt” đấy.
Hạnh vừa làm cá nấu cháo vừa chạy ra chạy vào mang thức uống, mắm, chén đũa ra cho khách. Tâm nói chuyện cởi mở, vui vẻ, tự nhiên hơn, cảm thấy nỗi buồn trong lòng không cánh mà bay đi mất. Anh ngẫu hứng đọc mấy câu thơ - có lẽ vừa “tức cảnh sinh tình”, làm Hạnh gọi đùa anh là “anh nhà thơ”; dù sau đó anh phải nói đi, nói lại với nàng rằng, anh không muốn mạo nhận, anh tên là Tâm - Lê Kỉnh Tâm, nhà văn.

***

Hạnh niềm nở rót nước mời Tâm, khiến anh thấy ấm áp, gần gũi như gặp lại người thân yêu cũ của mình. Anh cảm thấy thoải mái tự nhiên, kể cho nàng nghe về cuộc đời thăng trầm của mình, sau năm 1975 - nhất là anh đã bị bắt buộc phải ly hôn để vợ anh có một chọn lựa mới, theo ước mơ của nàng. 
Tâm nhìn Hạnh - chờ đợi, thật lâu, như muốn biết cuộc sống của nàng bây giờ thế nào?. 
Anh do dự:
-Hình như, ở đây cô cũng sống một mình? Tôi thấy vắng vẻ quá!
Đôi mắt Hạnh trở nên xa xăm:
-Chồng tôi đã mất cách đây mười năm rồi, anh à!
-Tôi xin lỗi! Đã vô ý khơi lại nỗi buồn.
Hạnh gượng cười :
-Không sao, tự nhiên thôi mà, anh.
Không khí trở nên trầm lắng xuống, không ai nói thêm lời gì. Sự im lặng dường như đã đưa họ đến gần nhau hơn. Nỗi xúc động ngập tràn trong Hạnh, trong Tâm - mỗi người miên man theo đuổi một ý nghĩ, không dứt. 
Nắng chiều vàng nhạt, mặt trời dần khuất sau dãy núi phía tây, hoàng hôn đang trải rộng dần xuống dòng sông Tắc. 
Tâm vụt đứng dậy, nói khẽ:
-Mời Hạnh đi uống nước với anh một lát, nhé!
Hạnh như vừa thoát khỏi cơn mộng - nàng vội đứng lên, dịu dàng: 
-Anh chờ em chút xíu!
Nàng vào nhà sau, một lát, quay trở ra. 
Tâm ngạc nhiên nhìn Hạnh như một người khác. Nàng xinh xắn, trẻ trung trong chiếc váy dài mầu xanh nước biển, làm nổi bật làn da trắng mịn phơn phớt hồng nhờ có chút phấn trang điểm.
-Chúng ta đi thôi anh!
Hoàng hôn buông nhanh! Chỉ còn một vài vệt sáng loang loáng dưới sông rồi thẫm mầu hẳn. Một mầu tím sẫm, đỏ ửng phía chân trời xa - chiếu xuống trên dòng sông như hối hả để chìm dần vào đêm.
Tâm và Hạnh sóng bước bên nhau, đi dọc theo bờ kè dòng sông Tắc, để tìm xuống cái quán nước ở dưới kia. Họ bước đi chầm chậm trong ánh hoàng hôn đang dần buông, như muốn kéo dài giây phút hạnh phúc. Trên sông, một thứ ánh sáng vàng nhạt, ửng đỏ, phản chiếu từ ánh hoàng hôn như chòng chành, lăn tăn trên sóng nước.
Tâm ân cần cầm tay Hạnh mân mê, bóp chặt; nàng nghe luồn hơi nóng, ấm áp len dần vào cơ thể. Nàng để yên tay mình trong tay anh, cảm xúc yêu thương đã tắt lịm từ lâu bỗng réo gọi trong trái tim đơn lạnh, bé nhỏ của nàng. Và có lẽ, Tâm cũng đang tiếp nhận một thứ hạnh phúc ngọt ngào, êm dịu, mới mẻ, mà anh chưa bao giờ cảm nhận được, đang cuồn cuộn trong anh.
Một cơn gió nhẹ, mang theo hơi nước từ dòng sông vừa thoáng qua mát rượi. Tâm bỗng dừng lại, trong bóng đêm, choàng tay ôm chặt lấy Hạnh, kéo nàng sát vào người anh, rồi cúi xuống thật lâu trên khuôn mặt hâm hấp nóng của nàng: “Anh sẽ hủy chuyến tầu về đêm nay để được sống bên em, em yêu quý!”.

4/2019

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt