TIỂU NGUYỆT


Hương Quê Một Thuở

Truyện Ngắn

 

Kim Thanh - cô cán bộ trẻ đang ngồi thả hồn dõi theo những đám mây trôi lơ lửng trên bầu trời xanh ngắt, đôi mắt cô đăm chiêu nhìn tận cuối cánh rừng xa, lòng mênh mang tưởng nhớ. Cô được chuyển về công tác ở đây gần một tháng, ngày ngày cùng hai vệ binh, cô đưa một toán tù binh đi tham gia sản xuất. Cô gọn gàng, xinh xắn trong chiếc áo bà ba đen làm nổi bật làn da trắng, dù cô đã trải qua thời gian dài kham khổ sống giữa núi rừng. Cô cảm thông và thường chia sẻ với nỗi vất vả của người tù, nên họ đều thiện cảm với cô. Toán tù binh đang hái đậu xanh phía trước, bên kia con dốc; họ hái đậu bỏ vào bao mang theo bên mình, rồi mang trút dồn vào một đống chờ xe của trại chở về.
Tháng trước, lần đầu tiên cùng đám tù binh ra khỏi cổng trại, Thanh ngỡ ngàng khi chợt thấy Cường trong đám người tù trẻ - Cường là bạn học cũ, và cũng là người mà cô thầm yêu dạo ấy. Cô thoáng nghĩ, đây là một cuộc hội ngộ trớ trêu mà cô chưa hề nghĩ, hay tưởng tượng đến. Cô nhìn anh, lòng xót xa bao nỗi niềm, nhưng không dám nói gì. Cường lặng lẽ trong toán người tù được cô và hai vệ binh dẫn đi làm việc. Trong cô bao nhiêu điều muốn nỏi, muốn biết về anh và những người quen ở quê nhà; nhưng giữa họ dường như có bức tường vô hình ngăn cách mà khả năng chính họ không thể nào vượt qua được. Gặp lại anh, niềm vui lẫn nỗi buồn tràn ngập trong lòng, cô cảm thấy vừa xốn xang ngậm ngùi, vừa bàng hoàng mừng rỡ. Trước đám tù binh, cô là cán bộ quản giáo; chưa có cơ hội gì chính đáng để thăm hỏi người xưa mà không bị dị nghị, hiểu lầm! Cường bước lại chỗ để thùng nước uống. Anh uống một hơi dài hết ca nước vì khát, rồi dợm bước đi đến chỗ đang làm. Cơ hội đã đến, Kim Thanh bước lại - hỏi:
- Anh Cường - giọng cô ngập ngừng, tôi muốn hỏi thăm anh.
Cường dừng chân quay lại, nói khẽ:
-Cán bộ hỏi gì ạ?
-Tôi muốn biết về anh, sao anh lại có mặt ở đây? Anh có biết gì về Thục không?
Cường đáp gọn:
-Tôi không biết cán bộ muốn nói gì? Tôi vẫn sống bình thường như bao nhiêu người khác. Tôi có mặt ở đây là vì tôi phải vậy, không muốn cũng không được. Thục vẫn ở quê nhà, làm ruộng, thế thôi.
-Cường ơi! Anh đừng chua chát thế! Mình rất hoảng loạn khi phải ra đi giữa đêm hôm ấy. Biết nói thế nào nhỉ? Mình luôn nhớ đến Cường và nghĩ rằng, sẽ không bao giờ có thể gặp lại nhau giữa rừng bom đạn, nhưng không ngờ hôm nay gặp nhau trong hoàn cảnh này.
-Như thế cũng tốt mà - Cường nhếch cười, bây giờ Thanh có cả tương lai tươi sáng ở phía trước, đừng có thân thiết với tôi . Tôi chúc mừng Thanh đã trở về. Xin phép cán bộ tôi đi hái đậu.
Giọng Cường tuy chua chát lạnh lùng, dù lòng anh không muốn thế. Anh không biết mình dỗi hờn trách móc gì, vì anh biết cô ta thật lòng cũng có muốn như vậy đâu. Anh đã luôn nhớ về cô và lo lắng cho cô trong bao nhiêu năm nay. Ngày ấy, tất cả đều bị cuốn theo cơn gió dữ.
Thanh cười buồn , nói vói theo bước chân Cường:
-Cường ơi! Hãy nhớ rằng lúc nào mình cũng luôn nhớ Cường và Thục với bao kỷ niệm thuở nào.
Thanh nghe cay nóng ở khóe mắt, nhìn theo anh như nhìn về quá khứ êm đềm một thời. Từ bao năm cách xa, cô vẫn yêu, vẫn nhớ, dù chẳng bao giờ dám hy vọng sẽ được gặp lại Cường. Những năm tháng sống nơi bưng biền, rừng núi - mầu nhiệm thay, dường như hương Sầu Đông năm xưa của những trưa hè vắng gió, hay những đêm trăng đùa vui bên nhau nơi xóm quê nghèo vẫn như luôn thoang thoảng bên cô, ấp ủ một mùi hương nồng nàn cùng những tiếng cười dòn trong trẻo của ba đứa.
Bao nhiêu kỷ niệm năm nào tràn về như réo gọi, thúc giục, ray rức. Thanh bàng hoàng nhìn theo bước chân anh. Hình ảnh ba đứa: Cô, Cường và Thục mờ dần qua màn nước mắt tiếc thương vô vọng.

* * *
Dưới gốc cây Sầu Đông rợp bóng mát năm nào ba đứa thường bày trò chơi buôn bán trở về như một cuộn phim thật rõ ràng, trước mắt Thanh. Những cơn gió nồm mát rượi, cùng tiếng cười đùa vui vẻ giữa trưa hè như vang vọng từ ký ức xa xưa, làm cô như chới với. Những cánh hoa Sầu Đông trăng trắng, tim tím, từng chùm đung đưa trước gió thoảng hương thơm. Ba đứa mời mọc nhau hồn nhiên, trong trẻo.
-Ai mua bánh đúc, bánh xèo không?
Thục rao nghe ngọt lịm, khiến cô bỏ gian hàng của mình chạy lại:
-Bán thế nào? Tính cái hay tính dĩa vậy?
-Tính cái! Một đồng một cái. Bà mua đi!
Cô xìa tay cười tít mắt:
-Bán tui năm cái bánh xèo, ba bánh đúc.
Thục lấy mảnh chén vỡ giả làm đĩa, bỏ vào năm bánh xèo và ba bánh đúc vừa đúc xong. Những chiếc bánh làm bằng bột cát với nước, bỏ vào cái nắp bia để đúc. Cô đưa tay bưng dĩa bánh bạn đưa, lục trong túi bốc một cái, nắm tay lại đưa cho bạn. Thục giãy nảy:
-Tiền mà không thấy gì, ai chịu.
Cường đang ngồi bên rổ Sầu Đông, xếp những trái kiện bó bằng lá keo non, bày bán bên Thục, cười nói với cô:
-Bà chạy đi hái lá ổi làm tiền chứ, có tiền mới buôn bán được.
-Vậy à?
Cô chạy ra cây ổi sau vườn, rón rén sợ má trông thấy. Níu cành, hái một xấp lá ổi chạy vào:
-Tiền đây, được chưa?
-Được rồi - Thục cười hài lòng.
Cô lấy tay bốc cái bánh bằng cát trên dĩa đưa lên miệng giả bộ ăn, cười to:
-Bánh gì mà cát không hà, ha ha ha… nhưng ăn thấy ngon. Bà đúc giỏi thiệt, bánh không rau, không mắm gì hết trơn.
Cô cười hết cỡ, khoe cả hàm răng, cái nào cái nấy sún đen thui. Thục cười theo trông ngộ nghĩnh không kém, ló cái răng cửa trống hoách vừa mới thay hôm qua. Má Thục phải cột chỉ giật mạnh cái răng mới chịu rớt ra. Thục mang cái răng sữa, chạy ra sân ném lên mái ngói vừa cười vừa la lớn: “Hú chuột! Răng cũ về mày, răng mới về tao, hú chuột”, mong có được một hàm răng đẹp theo như lời má nó nói.
Cường lại chỗ cô nhìn vào - hỏi:
-Bà bán món gì vậy? Ăn được không?
-Bánh canh Cua. Ăn được sao không, hỏi lạ chưa?
-Ừ được! Cho tui một tô, đang đói bụng nè! Đừng bỏ ớt cay à nghen.
Cô múc nước và rau dền từ cái lon vừa nấu bằng củi bỏ vào miếng mẻ chén lượm được ngoài rào, cười rất vui:
-Nè! Ăn đi, thử ngon không?
Cường giả bộ lua lua vào miệng cười giòn giã:
-Bà nấu bánh canh ngon quá, tui lua một cái hết sạch rồi. Mấy bà mua ổi ăn đi chứ!
Cô cười khanh khách:
-Trái Sầu Đông đắng lắm, tụi tui không ăn được. Phải chi đó là ổi thiệt thì ngon biết chừng nào.
-Tưởng tượng đi! Như tui ăn bánh canh của bà vậy.
Ba đứa cười vang, tiếng cười sao mà hồn nhiên, sao mà cay cả mắt. Tuổi thơ dễ thương cay xé cả lòng mỗi khi nhớ lại. Những năm tháng gian khổ trên rừng, tiếng cười hồn nhiên năm nào luôn chập chờn trong những giấc ngủ của Thanh và cho cô sức mạnh để tiếp tục sống.
Nhà Cường ở xóm trước đồng. Nhà Thục ngoài đường lớn. Mỗi ngày đi học Cường qua nhà cô, rồi hai đứa cùng ra ngoài đường lớn rủ Thục. Ngoài giờ học ở trường về, ba đứa chụm đầu chơi trò này, trò nọ. Trưa nắng chang chang, không mũ, không nón, men theo bờ tre bẻ măng dòi. Cường là con trai nên bẻ măng rất giỏi, Thục bẻ măng ít hơn, còn cô thu chiến lợi phẩm của Cường. Có ngày cùng nhau leo lên cây ổi nhà bà Hai hái trộm, hái xong ôm hết chạy lên bờ rào tre phía vườn trên chia nhau ăn. Chia không đều cãi nhau chí chóe, bị bà Hai rượt, đứa nào cũng co giò chạy hết hồn.
Sáng nào cũng chờ rủ nhau cùng đi học, đứa này bị bệnh là đứa kia cũng muốn bệnh theo. Sáng sớm đã nghe tiếng Cường gọi trước cửa:
-Thanh ơi! Xong chưa? Đi học kẻo trễ!
Cô ôm cặp chạy ra cửa, thấy Cường đang ngồi trước cổng nhà, hai đứa cùng đi qua nhà Thục. Thục nhanh nhẹn, lúc nào cũng đứng chờ sẵn ngoài cổng. Ba đứa vừa đi vừa nói chuyện, chuyện gì không ra chuyện gì mà ngày nào cũng có chuyện để nói. Nhiều khi ba đứa ham vui, dừng lại bắt bướm trên bụi cây bên đường; trống rao chuẩn bị vào lớp, ba đứa mới bừng tỉnh, cắm đầu chạy thục mạng.
Một hôm, khi đến khúc cua vào xóm Gò, ba đứa đều đứng lại không đi nữa, tìm thử thứ gì mà hôi thúi đến vậy. Cô nhăn mũi:
- Hình như có con gì chết phải không các bạn?
-Chắc chuột đồng bị thuốc chết chớ gì. Hôi quá! - Cường trả lời, tay bịt mũi.
-Không phải chuột chết đâu, chuột gì mà thúi dữ vậy?.
Từ bên kia cầu Bi, cô Mười dắt năm, sáu em mẫu giáo băng đường tắt vòng xuống ruộng, la lớn:
-Ba đứa chúng mày chạy đi, đứng làm gì chỗ đó. Tụi bay không thấy người chết nằm phía dưới chỗ khúc cua đó sao mà không chịu chạy?.
Ba đứa nghe cô Mười nói thất kinh, nhìn chỗ khúc cua thấy một xác chết. Anh ta nằm bên cái ao nhỏ, bên trên che tấm bạt cho khỏi nắng. Phía xa đường vô xóm Gò, một phụ nữ đứng tuổi ngồi nép bên hàng dứa canh chừng. Thục thét lên hãi hùng:
-Lại một người chết!
Ba đứa cắm đầu chạy một mạch đến ngã Tư mới dừng lại. Thục hổn hển:
-Trời ơi! Mệt quá đi! Mấy người có sợ không vậy?
-Tim tui muốn đứng rồi đây, sao mà không sợ chứ? Người chết sao để nằm ngoài đường thấy ghê quá?!.
-Bà hỏi tui, tui biết hỏi ai? Thì kệ họ đi! Ai mà biết được là tại sao? Chắc trưa nay bỏ cơm quá - Cường trả lời.
Ngày hôm đó đứa nào cũng không nuốt nổi cơm, xoa dầu khắp người trong ruột cứ trạo trực muốn nôn. Những hôm sau, mỗi lần đi qua khúc cua vào xóm Gò, ba đứa cắm đầu chạy cho đến khi qua hết cầu Bi, mới bắt đầu đi thủng thỉnh.
Những ngày sống giữa núi rừng, đôi lúc Thanh nghĩ có thể mình cũng sẽ như người đàn ông nằm chết bên bờ ao chỗ khúc cua vô xóm Gò năm ấy. Thanh rùng mình lạnh cả người khi nghĩ về điều này. Không biết lúc ấy Cường và Thục sẽ như thế nào khi nhìn thấy mình, và rồi cô hình dung với bao hình ảnh cô vẽ ra trong đầu - Cường và Thục sẽ khóc khi thấy cô nằm vắt quẻo chết như thế, chắc sẽ đau lòng lắm. Cô biết Cường và Thục luôn nhớ đến cô, cũng như cô luôn nhớ đến hai người, nhớ cánh hoa tim tím, trăng trắng hương thơm. Có người nói mùi hương nồng quá khó ngửi, nhưng cô rất mê mùi hương Sầu Đông nồng nàn, ngọt ngào của tuổi thơ.
Ngày ấy, cô xinh xắn, hồn nhiên, biết bao bạn trai chung trường đem lòng yêu mến; nhưng trái tim cô đã in hình bóng người bạn tuổi thơ. Lớn lên bên nhau, tự lúc nào hai đứa đã giành cho nhau tình yêu đầu đời trong sáng, với bao ước mơ hy vọng về tương lai - cô sẽ là một bác sĩ đầy nhiệt huyết - anh sẽ là một thầy giáo cần mẫn, năng động, luôn yêu thương học trò vùng quê nghèo khó. Cả hai cố gắng để một ngày nào đó ước mơ sẽ thành hiện thực, rồi sẽ cưới nhau, sẽ có được một mái gia đình như mơ ước. Thế nhưng, đâu phải ước mơ nào cũng thành tựu như mình mong muốn?.
Cường điếng lòng khi biết rồi đây Thanh sẽ mỗi lúc một xa dần anh, sau cái đêm “định mệnh” ấy. Tiếng khóc của Thanh đã làm anh đau đớn, như có ai bóp nát trái tim. Tiếng cô vang lên lảnh lót “Cường ơi, cứu mình với” khi ngang qua nhà anh, khiến anh bàng hoàng, tưởng chừng như ngừng thở. Anh run rẩy trong gian hầm nhỏ cuối nhà, mồ hôi lạnh trên từng chân tóc - Tự anh không ôm giữ nổi bản thân mình, làm gì cứu vớt, che chở được ai? Hình bóng cô bé có hàm răng sún đáng yêu, đã ước mơ cùng anh về một tương lai tươi sáng - cô bác sĩ xinh đẹp với bao hoài bão, chập chờn, rồi xa dần, xa dần, theo tiếng chân nhiều người, và tiếng la khóc của Thanh.
Anh nghĩ, không biết người anh yêu có còn nuôi dưỡng ước mơ trở thành một bác sĩ, cùng anh xây dựng một mái ấm nữa không, khi mà mình không có được quyền chọn lựa?. Anh chỉ biết cầu nguyện cho Thanh được an lành, khỏe mạnh. Không ai có quyền cấm ta thôi mơ ước, cũng như anh đã từng ước mơ sẽ là một Thầy giáo, luôn hết lòng vì học sinh thân yêu. Thế nhưng, anh đã bị lệnh tổng động viên vào lính khi học chưa hết lớp đệ nhất. Với mảnh bằng Tú tài một, Cường đã phải tập làm quen với súng đạn, tập giết người, dù anh chẳng muốn chút nào.
Mùa xuân năm 1975, trên đường rút chạy khỏi Pleiku, anh bị bắt giữa tỉnh lộ 7, sau đó đưa vào trại tập trung cải tạo. Tình cờ gặp lại Thanh, anh nghẹn ngào khi hai đứa nhìn nhau, xốn xang chen lẫn mừng vui. Thanh và anh vẫn còn sống sót để trở về, dù giờ đây hai đứa hai chiến tuyến. Những kỷ niệm êm đềm xưa kia luôn làm anh ngây ngất, vẫn tiếng cười với lời mời gọi bán buôn của tuổi thơ, bên gốc Sầu Đông thoảng hương.
Ngày ngày Thanh vẫn nhìn thấy anh, vẫn hít thở cùng anh chung bầu không khí giữa núi rừng bạt ngàn bắp, sắn, đậu. Cô đau lòng, không muốn nhìn thấy anh hằng ngày, mình là người quản giáo. Niềm mơ ước được là một bác sĩ vẫn luôn dạt dào trong cô. Trong đội ai có bệnh cảm, nóng sốt, cô luôn sẵn sàng giúp đỡ, khi cạo gió, khi hái những cây thuốc nam cổ truyền xưa kia bà cô hay làm. Mỗi lần về phép thăm nhà, cô luôn ghé lại thăm ba má Cường, thăm gia đình Thục. Thục bây giờ là cô thôn nữ, ngày ngày ra đồng cùng bà con, chòm xóm. Hai đứa gặp nhau mừng mừng, tủi tủi, kể cho nhau nghe những tháng ngày xa cách. Thục an ủi và động viên Thanh:
-Bà nên nuôi dưỡng ước mơ, tui tin chắc là bà sẽ thực hiện được, chỉ cần quyết tâm. Nếu bà còn yêu Cường thì hãy tin tưởng tình yêu của hai người. Cường rất tốt, anh ấy rất yêu bà, hai người có thể nối lại tình xưa,vì hoàn cảnh đưa đẩy chứ bà và Cường đâu muốn thế. Cường bị lệnh tổng động viên vào lính sau khi bà đi được mấy tháng, tội anh ấy.
Thanh đăm chiêu:
-Mình sẽ nộp đơn xin vào học trung cấp y tế, sau này sẽ học tiếp như vậy ổn chứ?
Thục cười vui vẻ:
-Quá tốt! Bà nộp đơn xin học liền đi, mai mốt về làm trạm xá mình gần nhà khỏe nữa.
Thế rồi cô nộp đơn xin học trung cấp y, cô giã từ công việc ở trại cải tạo. Niềm mơ ước được trở thành một bác sĩ, yêu thương và chăm sóc bệnh nhân nghèo luôn cháy bỏng trong cô. Không được là bác sĩ, cô có thể trở thành y tá điều dưỡng, ngày ngày mặc chiếc áo blouse trắng ước mơ. Cô vui khi nghĩ về tương lai - niềm tin và hy vọng bừng lên, để cô chờ đợi Cường trở về. Hình ảnh cô bên anh trong chiếc áo dài gấm màu vàng, là cô dâu xinh xắn của anh thoáng vụt qua, khiến đôi má cô đỏ hồng, hạnh phúc. Cô rạng rỡ nụ cười, quên hết những năm tháng cách xa, đau khổ. Cường mặc quần tây, áo trắng, thắt caravat trong đoàn họ nhà trai qua nhà gái xin rước dâu. Đám cưới trên đường quê rất vui. Nhà trai, nhà gái gần nhau, đi chưa đầy mươi, mười lăm phút là tới. Hai họ bắt tay nhau, ai cũng rạng rỡ nụ cười. Hai đứa hạnh phúc bên nhau giữa quê nhà như mơ ước. Ngày ngày, anh ra đồng làm ruộng cùng bà con, cô chăm sóc bệnh nhân ngoài bệnh xá. Tối tối, anh ôm đàn để cô cất lên tiếng ca, hương Sầu Đông thoang thoảng bay trong gió ngây ngất. Hạnh phúc như con nước tràn về sau bao ngày khô hạn.
Vào một ngày tháng ba, khi nắng xế hanh vàng rớt xuống ngọn Sầu Đông đong đưa trước ngõ. Cường trở về bát chợt như ngọn gió. Anh bước vào, đến gần bên gốc Sầu Đông năm xưa. Cây nay đã già, gốc cây to, ước chừng hai tay anh ôm không xuể. Anh lặng yên, mỉm cười, hồi tưởng bao kỷ niệm xưa.
Thanh thoăn thoắt bước ra, ngỡ ngàng nhìn anh. Cô đứng yên, sững sờ - niềm vui như vỡ òa - hạnh phúc đang trở về trước mắt cô sau bao tháng năm xa cách.
Họ nhìn nhau đắm đuối mà không thốt nên lời.
Những cơn gió nồm dào dạt thổi lồng lộng, thoang thoảng hương thơm của những chùm hoa Sầu Đông đung đưa trước gió. Sau một mùa đông dài, những chiếc lá đã rụng rơi, nhường chỗ cho mầm non lá mới, cho những cánh hoa tim tím, trăng trắng tỏa ngát hương.
Thanh chạy nhanh về phía Cường - dang tay ôm chầm lấy anh.
5/2017

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt