TIỂU NGUYỆT


              Kỷ Niệm Những Lần Giới Thiều tác Phẩm Mới
Tạp bút

     Như bao người bạn học của tôi - từ nhỏ, tôi đã rất mê đọc sách, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ có ngày mình viết được sách. Cả một đời lận đận với áo cơm, lên đèo, xuống biển, trải qua bao thăng trầm, dâu bể, đến tuổi gần sáu mươi tôi lại cầm bút. Tôi rất ngạc nhiên với chính mình, trong tôi cứ thôi thúc viết và viết, ngày nào không ngồi vào bàn để viết, tôi như thấy thiếu một cái gì ấy, như còn “món nợ” trong ngày chưa trả xong, làm tôi cứ lao xao, ray rức trong lòng.
     Để có được một tác phẩm ra đời, tôi phải miệt mài bên trang viết từ bảy giờ tối đến mười giờ đêm mỗi ngày; bởi tôi còn phải chăm cháu, đưa đón cháu đi học và phụ giúp việc gia đình để các con tôi đi làm nữa. Qua bao ngày tháng tận tụy bên chiếc máy laptop nhỏ; tôi rất vui khi hoàn thành xong bản thảo cho một tập sách. Tôi lại bắt đầu lo lắng, nao nức khi gởi bản thảo đăng ký xin giấy phép xuất bản. Rồi phải chọn tranh, chọn hình thích hợp để trình bày bìa cho phù hợp với nội dung, và các chi tiết cho bìa bốn và hai bìa gấp của sách, để bạn đọc nhìn vào có thể biết sơ lược nội dung cần chia sẻ.
      Tạm yên chuyện bản thảo và bìa sách, tôi phải liên hệ ngay với nhà in, để thương lượng chi phí ấn loát, rồi còn lo liệu, bởi “vốn liếng” của tôi chẳng có là bao nhiêu!
      Khi sách được nhà in gởi ra Nha Trang theo xe đò, tôi lại chộn rộn hơn, để chuẩn bị cho ngày giới thiệu sắp đến. Dù đã có thư mời trên Face book cá nhân, tôi phải sắp xếp nhắn tin riêng, rồi phone mời quý thầy cô, quý bạn văn, anh chị lớn tuổi, bạn học cũ. Mệt nhất là phải lo chu toàn chương trình, gồm các phát biểu của quý thầy cô, bạn văn, bạn học, và các tiết mục văn nghệ góp vui v.v... sao cho phong phú, hợp lý. Có nỗi lo, hồi hộp lớn hơn nữa, là e ngại sách không được nhà in gởi về đúng ngày, theo hợp đồng đã hứa hẹn.
      Bao nhiêu nỗi lo, nỗi nao nức, niềm vui đan xen vào nhau, đã làm tôi có lúc thẩn thờ, có lúc rộn ràng, lao xao khó tả. Tôi phải cố nén mọi nỗi lo lắng, niềm vui, và chú tâm hoàn thành thật chỉnh chu việc chuẩn bị để buổi giới thiệu tác phẩm được thành công theo mong muốn.
     Lần giới thiệu tác phẩm đầu tiên - đó là tập tùy bút và truyện ngắn “Khúc Hát Yêu Thương”  (Nhà XB Hồng Đức), tại quán cà phê Hạc - Hòa Vinh, Đông Hòa vào một sáng chủ nhật ngày 9/4/2017. Cả đêm hôm trước, tôi không thể nào chợp được mắt, trong tôi cứ xôn xao, hồi hộp cùng niềm hạnh phúc ngập tràn. Không gì vui bằng có một tác phẩm chính mình miệt mài đêm ngày sinh ra, đã thai nghén một thời gian dài với bao mồ hôi, công sức, để đứa con tinh thần hoàn thiện chào đời, gởi đến với bạn đọc. Thế nên, tác phẩm đầu tiên ra đời, tôi như thấy mình trẻ lại, bởi nghĩ rằng, mình còn có thể làm được một việc có ích cho đời sống của chính mình, và chia sẻ cùng mọi người.
     Buổi sáng hôm đó, tôi rất bỡ ngỡ, vì là lần đầu tiên tôi giới thiệu một tác phẩm. Tôi lo lắng không biết mình tổ chức như vậy có được không, có gì sơ sót không, đến nỗi quên uống viên thuốc “huyết áp” và viên thuốc “đặc trị” hằng ngày mà tôi cần phải uống; nhưng rất may, niềm vui lấn át hết bệnh đau, quên uống viên thuốc “huyết áp”, mà huyết áp vẫn ổn định, không hề gì.
     Tôi lại yên tâm hơn, vui hơn, khi quý thầy cô, bạn học cũ đến càng lúc càng đông để chia vui cùng tôi. Những món quà quý thầy tặng tôi nhân ngày giới thiệu tác phẩm mới, những lời phát biểu chân tình, khuyến khích, động viên của quý thầy cô, bạn học cũ, đã làm tôi vô cùng xúc động. Tôi nhớ lời thầy Trần Huiền Ân nói rằng: “Thầy hiệu trưởng Đàm Khánh Hạ nói với tôi rằng, ông dạy văn bao nhiêu năm, mà không có đứa học trò nào “viết văn” theo như ông. Hôm nay, có Văn Thị Ánh Nguyệt rồi đấy nhé!”. Tôi thấy mình thật may mắn đã là học trò của quý thầy, và có thêm niềm tin khi nghe lời thầy nói. Đã hơn 40 năm trôi qua, kể từ ngày rời xa mái trường Bồ Đề thân yêu, quý thầy cô, bạn học cũ vẫn luôn dành cho tôi những ưu ái chân tình - đấy là niềm hạnh phúc vô biên, là nguồn khích lệ, động viên rất lớn để tôi có thể vững vàng hơn với những tác phẩm tiếp theo sau nầy.
     Trong không khí thân tình, ấm áp, những lời ca, tiếng hát vang vang, những giọng ngâm, lời thơ như réo gọi, đưa tôi về một thời tuổi trẻ. Có lúc, tôi như thấy mình sống lại tuổi hồn nhiên áo trắng đến trường trong những ngày đầu thu, gặp lại quý thầy cô, bạn bè sau một thời gian xa cách. Có lúc, tôi như thấy tôi, đang trên bước đường lận đận vì cơm áo đâu đó, với bao gian nan, vất vả. Rồi tôi thấy mình thật hạnh phúc, thật may mắn, được quý thầy cô tin tưởng, được bạn học cũ quí mến, chân tình. Quý thầy cô của tôi tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu, nhưng không ngại đường xa, dành thời gian quý báu của một sáng chủ nhật, đến chia vui cùng tôi, để khuyến khích, động viên đứa học trò năm cũ. Tôi nghe hạnh phúc tràn về, cay cay khóe mắt, nghẹn ngào khi nói lên lời cảm ơn chân thành đến quý thầy cô, quý bạn học cũ, bạn văn đã chia sẻ cùng tôi niềm vui nầy.
     Hạnh phúc hơn nữa, là nhà văn Mang Viên Long từ An Nhơn - Bình Định xa xôi cũng có mặt chia vui cùng tôi, anh đã vượt hơn trăm cây số, để được chung vui cùng tôi và tất cả thật trân trọng biết bao. Tôi rất biết ơn anh đã khích lệ, động viên kịp thời, và nhiệt tình nhận tổ chức bản thảo, để “Khúc Hát Yêu Thương” được ghi nhận như lời anh đã viết giới thiệu cho tác phẩm: “Giai Điệu Hồn Nhiên Của Một Tấm Chân Tình”. - “Chỉ viết vì sự yêu quý đời sống không thôi, cũng là dấu ấn sâu đậm đáng nhớ bởi giá trị nhân văn đã chia sẻ; nhưng lại được viết bởi sự kiên nhẫn ngày đêm của một tấm lòng trong sáng, đam mê văn học, khi sức khỏe rất hạn chế; càng làm cho người đọc thêm tin tưởng, hy vọng!”. Xin chân thành cảm ơn anh đã có những cảm nhận thật chân thành, để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về tác giả và tác phẩm.
    Tác phẩm thứ hai, tập tùy bút và truyện ngắn “Thương Lắm Quê Nhà” (Nhà XB Hội Nhà Văn) được giới thiệu vào sáng chủ nhật ngày 27/8/2017, tại quán cà phê Hạc - Hòa Vinh, Đông Hòa. Cũng như lần trước, trong tôi bao nỗi hồi hộp, lo lắng cùng niềm vui, niềm hạnh phúc ngập tràn, khó tả. Lần nầy, tôi có thêm chút kinh nghiệm rút ra từ lần trước, từ góp ý của quý thầy cô, bạn văn nên việc tổ chức có phần chặt chẽ hơn, đầy đủ hơn. Mọi thứ chuẩn bị chu đáo là thế, vậy mà trong tôi cứ phập phồng, rộn ràng bao nỗi niềm.
      Quý thầy cô, bạn học cũ đến càng đông, niềm vui càng dâng tràn trong tôi. Một cảm giác lâng lâng khó nói hết thành lời, với lòng biết ơn quý thầy cô, bạn học cũ đã ưu ái, thân tình dành cho đứa học trò năm xưa, cho một người bạn có cuộc sống lận đận, lao đao là tôi, đang trên bước đường chuyển hóa đời mình.
     Những lời ca, lời thơ, tiếng nhạc, tiếng sáo dìu dặt, du dương càng xao xuyến trong tôi về một “Quê nhà” dấu yêu, thao thiết, mà tôi đã viết giải bầy, tâm sự qua từng dòng, trong tùy bút “Thương Lắm Quê Nhà”. - “Quê nhà, dẫu lắm tang thương dâu biển, nhưng vẫn luôn là nơi lưu giữ bao kỷ niệm, bao yêu thương, mà suốt đời tôi sẽ chẳng bao giờ quên được. Thung lũng Hoàng Hoa ngày nào, bây giờ cũng chỉ còn trong ký ức mờ xa; lời dặn dò “còn người là còn tất cả” cũng theo giông bão xa khơi. Nhưng với tôi, Quê nhà là có thực, là đời sống gắn bó gần gũi cho đến hơi thở cuối cùng – Thương lắm Quê nhà ơi!”. Như lời nhà văn Nguyên Cẩn đã viết lời giới thiệu cho tập tùy bút và truyện ngắn “Thương Lắm Quê Nhà”. rằng: “Con người luôn có một vùng đất với những thân thương, những kỷ niệm để cưu mang trong ký ức, lúc mơ hồ lãng đãng, lúc nồng nàn da diết, để thương để nhớ, để dằn vặt trăn trở, để hiểu rằng mình luôn có một chốn quay về. Với Tiểu Nguyệt, vùng đất đó là Phú Yên, với một đoạn đời đủ dài để chất chứa bao nhiêu nỗi khắc khoải và ngần ấy niềm hạnh phúc...”.
     Nhớ lại bài viết của nhà văn Nguyễn Câu Mục về “Khúc Hát Yêu Thương” - “Tác phẩm đã cho thấy, người viết đã từng trải nghiệm rõ niềm yêu thương trong cuộc sống bể dâu, khổ đau nầy, chứ không phải chỉ “cỡi ngựa xem hoa”. Cốt lõi là sự thật tỏ bày một cách giản dị, mộc mạc - giữa hoàn cảnh tác giả luôn gặp bất trắc và đầy nước mắt! Chúng ta có thể nghĩ: Trang viết của Tiểu Nguyệt đôi khi phải trả giá bằng những giọt nước mắt...”, càng làm tôi xúc động hơn, khi biết được người đọc hiểu rõ tôi hơn qua trang viết. Cũng như lời chia sẻ của một người bạn thuở thiếu thời – Phạm Thị Tâm “Truyện của Tiểu Nguyệt như gói ghém toàn bộ cuộc sống và tâm tình của chúng tôi, của người dân quê tôi vào trong tác phẩm, một cuộc sống mà ở đó thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt: hạn hán, thiên tai và bao gian khó còn lại sau cuộc chiến... Một cuộc sống luôn chìm nổi với bao đổi thay của thời cuộc, vậy mà con người cùng tâm hồn của họ luôn yêu thương, đùm bọc chia sẻ, một tâm tình hiến dâng cho cuộc sống nầy”, càng làm tôi thêm tin tưởng, vững bước trên con đường đến với văn học dài lâu, đòi hỏi nhiều nỗ lực, hy sinh.
     Sau buổi giới thiệu tác phẩm “Thương Lắm Quê Nhà”, quý thầy cô đã ngồi nán lại trò chuyện, chia vui cùng tôi, gởi gắm lời khuyên cùng tôi – “Em phải theo cái đà này, nỗ lực viết tiếp, phải làm sao mỗi năm ít nhất hai tác phẩm, chứ đừng có một, hai quyển rồi không thấy gì nữa đó nghen. Em phải gắng vượt qua bệnh tật, tìm niềm vui bên trang viết, đừng nghĩ chi đến những chuyện buồn đau riêng tư, vô ích. Thầy rất tin tưởng ở em”. Những lời chía sẻ chân tình của quý thầy cô đã quan tâm khuyên tôi, như liều thuốc chữa được căn bệnh “buồn phiền” của tôi, đã cho tôi nguồn sinh lực mới, dồi dào, để cặm cụi bên bàn viết, mỗi ngày.
     Tác phẩm thứ ba - tập truyện ngắn “Hương Quê Một Thuở”, (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn) được giới thiệu tiếp theo sau gần bảy tháng - ngày 8/4/2018. Lần nầy, tôi muốn tác phẩm mới được giới thiệu ở Tuy Hòa, vì nghĩ rằng, quý thầy cô sức khỏe yếu, vào Đông Hòa hơi xa, nên nhờ chị Triều Hạnh tìm giúp tôi một quán cà phê nào đó thoáng mát để làm nơi giới thiệu tác phẩm. Thật may, sau mấy ngày liên hệ vài quán, chị đã tìm giúp được quán cà phê Tranh Quê - đường Côn Sơn, xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa. Theo lời chị, đây là nơi thoáng rộng, yên tĩnh, rất phù hợp cho buổi gặp gỡ giới thiệu tác phẩm văn học. Thế là, tôi liên hệ với anh chị chủ quán. Tôi đã có dịp trao đổi qua điện thoại và đến thăm - quán nằm trong chợ Xéo một đoạn, không gian tràn ngập mầu xanh, nhất là anh chị chủ quán thật thân tình, cởi mở, khiến tôi rất vui, yên tâm sẽ có buổi giới thiệu tác phẩm ở một vị trí thích hợp.
     Dầu đã trải qua hai lần giới thiệu tác phẩm mới tương đối thành công, được quý thầy cô, bạn văn, bạn học cũ chia vui - chúc mừng; nhưng tôi lại bắt đầu hồi hộp, lo lắng như hai lần trước - nhất là khi sắp đến ngày giới thiệu (chủ nhật ngày 8/4/2018). Tôi lo lắng hơn khi nhà in báo với tôi rằng, nhân viên đóng chỉ sách bị thương ở tay vì kim máy, nên phải gởi sách trễ hai ngày. Trong tôi, bao nhiêu là câu hỏi giả định “nếu như” - nếu như... sách không về kịp ngày phát hành thì sẽ ra sao? - nếu như... cô nhân viên ấy chưa hồi phục, chưa làm việc trở lại thì sẽ sao? Vậy đấy! Nhưng thật may, tôi nhận được sách ngày hôm trước, hôm sau tôi lên đường về Tuy Hòa để chuẩn bị cho ngày giới thiệu tác phẩm như đã có thư mời.
     Đêm hôm trước, trời lại bắt đầu mưa vì ảnh hưởng cơn áp thấp nhiệt đới của các tỉnh phía Bắc, khiến tôi thắc thỏm trong lòng, thỉnh thoảng lại dòm ra ngoài cửa sổ, mà lòng buồn hiu hắt.
      Sáng hôm sau, trời hửng sáng một chút, rồi đổ mưa tầm tã. Mỗi lúc, mưa càng to, sự lo lắng trong tôi càng lớn dần; vậy mà quý thầy cô, bạn bè tôi đã đội áo mưa có mặt đúng giờ. Xúc động biết bao, khi bạn Phan Thị Sơ phải dầm mưa vượt ba mươi mấy cây số từ Hòa Tâm trên chiếc xe máy cũ, có mặt vừa đúng giờ khai mạc. Cảm ơn những tấm chân tình của quý thầy cô, bạn học cũ đã dành cho tôi, dù mấy mươi năm vẫn không hề phai nhạt!.
      Quý thầy cô, bạn văn, bạn học tôi rất vui khi nhìn thấy quang cảnh thoáng rộng, tươi mát của nơi gặp gỡ, và vui hơn nữa là tôi đã nổ lực viết đều, để luôn có tác phẩm mới giới thiệu với bạn đọc. Lần nầy, thầy cô Lương Văn Thanh mở màn chương trình góp vui bằng ca khúc “Bến Duyên Lành” của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Tôi hạnh phúc vô cùng khi thoáng  nghĩ rằng tất cả đều đang trở về “Bến Yêu Thương”.
     Trong không khí ấm áp, thân tình, tôi đón nhận những lời chúc mừng của quý thầy cô, quý bạn học cũ, bạn đồng hương, bạn văn với niềm hạnh phúc vô biên; và càng vui hơn nữa anh Mang Viên Long không ngại đường xa, luôn có mặt trong mỗi lần giới thiệu tác phẩm mới, và luôn là người giới thiệu tác giả và tác phẩm, để mọi người có thể hiểu rõ thêm về hoàn cảnh của tác giả, và sự ra đời của tác phẩm đang được cầm trên tay.
     Như hai lần trước, tôi lại được nhận những món quà nhỏ từ quý thầy cô - đó là  một bức tranh, quyển sách, hay tấm ảnh; tuy đơn sơ, nhưng là món quà tinh thần từ tấm chân tình kỳ vọng, đã khích lệ tôi trên bước đường đến với Văn học Nghệ thuật dài lâu, sau nầy. Sự ghi nhận và khích lệ trong lời giới thiệu của thầy Trần Huiền Ân cho tác phẩm “Hương Quê Một Thuở” của tôi, đã luôn là niềm vui, niềm an ủi to lớn. Bài viết có tựa là “Cánh Cửa Đang Mở” có đoạn:“Tác giả sống bằng Tâm Thiện nên không đẩy nhân vật vào bước đường cùng, không xô nhân vật xuống vực thẳm mà luôn luôn có một quý nhân cũng sống bằng Tâm Thiện (như bà Sáu Xoa) xuất hiện. Trong cuộc sống vật chất lên ngôi hôm nay, thực tế cuộc đời vẫn có, vẫn còn nhiều bà Sáu Xoa, và những bà Sáu Xoa vẫn được người người kính mến, khâm phục”.
     Tôi có thêm niềm tin hơn vào trang viết của mình qua bài nhận định của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài - chủ tịch Hội VHNT An Giang - “Đọc và thương những nhân vật có tâm hồn rất đẹp và cao thượng của Tiểu Nguyệt, tôi hiểu được tấm lòng người viết khi đi qua nhiều biến dịch của cuộc sống. Đó cũng là khát vọng, là nhân cách của nhà văn trước một xã hội đang suy đồi về đạo đức mà lại ngập đầy lòng tham, toan tính và vị kỷ. May mắn còn đây những nhân vật dù bị ruồng bỏ, rơi vào thảm cảnh cùng cực nhưng vẫn đứng lên ngay chỗ dấu chân vấp ngã. Đôi lúc mang hơi hướm nhân quả, nhưng Tiểu Nguyệt có những cảm thức mới, thổi vào tâm hồn nhân vật những nghị lực phi thường và hi vọng rất hiện thực, tạo nên những bài học có giá trị luân lý sâu sắc từ câu chuyện của mình”.
        Buổi sáng hôm ấy, tôi càng vui hơn, vì sự có mặt của thầy cô Đàm Khánh Hỉ - nguyên giáo sư Trường Sư phạm Qui Nhơn. Thầy có lời cảm nhận thật sâu sắc về tựa đề của tác phẩm “Hương Quê Một Thuở”- “đó là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa Không gian và Thời gian, mà giới khoa học đang phát hiện mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời trong đời sống”. Thầy Phan Long Côn có lời chia sẻ - “Có điều gì giúp Tiểu Nguyệt cầm bút muộn màng (Trên 50 cái xuân trên cõi đời vật vã này mới cầm bút), mà mạnh mẽ đến thế? Một năm 2017 cho ra đời 2 tác phẩm và bây giờ lại cho ra đời tác phẩm thứ 3, mà tác phẩm nào cũng ngót nghét 200 trang. Nói nôm na, dân dã là lứa đầu sinh đôi, lứa này có sinh đôi nữa không? Điều gì đã giúp Tiểu Nguyệt làm được như vậy, xin hãy chia sẻ cùng bạn văn”. Lời chia sẻ của thầy Phan Long Côn, làm tôi càng tự tin hơn, tin tưởng hơn về những trang viết của mình.
     Đại diện cho những người bạn cùng lớp, anh Cao Hữu Nhạc có lời chia sẻ, tâm sự thật chân thành -“Lần phát hành tác phẩm trước, Tiểu Nguyệt mời, nhưng vì công tác xa nên tôi không tham dự được. Tôi thấy như “nợ” Tiểu Nguyệt một cái gì đấy, lòng tôi cứ như thấy có lỗi. Một buổi gặp gỡ như thế nầy thật ý nghĩa. Cảm ơn Tiểu Nguyệt đã làm được việc cần làm cho ước hiến dâng của mình, còn tạo điều kiện để chúng tôi được gặp lại thầy xưa, bạn cũ, được giao lưu cùng nhau trong một buổi sáng chủ nhật thân tình, ấm áp. Chúc mừng Tiểu Nguyệt!”.
     Thầy Đàm Khánh Hạ đã ân cần khuyên tôi: - “Em hãy quên đi những chuyện đau buồn đã qua, mà nên vững bước tiến về phía trước với niềm tin yêu và nguồn an ủi như em đã làm hôm nay. Thầy tin tưởng là em sẽ thành công và có một cuộc sống có ý nghĩa”. Những lời khuyên chí tình của thầy, đã làm tôi xúc động vô cùng. Tôi sẽ nhớ mãi lời dặn dò của thầy, để có thể vượt qua tất cả.
     Đến hơn 11 giờ, buổi giới thiệu tác phẩm mới đã kết thúc, mà sao trong lòng tôi như mới bắt đầu - vẫn rộn ràng, xao xuyến, lâng lâng niềm hân hoan, lẫn hạnh phúc, khó nói thành lời như đang chuẩn bị cho giờ khai mạc vậy.
     Tác phẩm thứ tư - tập truyện ngắn “Quê Người” (Nhà XB Hội Nhà Văn) được giới thiệu vào ngày 29/7/2018, cũng tại quán cà phê Tranh Quê.
     Đêm trước, khoảng 10 giờ, tôi bất ngờ bị cảm lạnh, nóng sốt kéo dài. Nằm yên với cơn đau, nhưng lỏng tôi lo sợ ngày mai không thể đứng nổi, nên cứ bốn tiếng đồng hồ, tôi phải uống một viên paracetamol để giảm cơn sốt. Tôi mệt nhoài với cơn nóng rồi lạnh, suốt đêm. Buổi sáng hôm đó, cơn sốt tạm lắng xuống, nhưng người vẫn cảm thấy uể oải, nhưng tôi vẫn phải đến Tranh Quê thật sớm, để phụ cùng nhân viên quán sắp xếp bàn ghế, sân khấu, cũng như kiểm soát khâu chuẩn bị âm thanh, ánh sáng. Tạm xong việc, tôi nằm dài trên võng, không cựa nổi, phải nhờ nhân viên của quán sắp xếp giùm vài việc còn lại.
      Rồi mọi việc vẫn tiếp diễn, tốt đẹp như dự kiến của tôi. Tôi cảm thấy hưng phấn hơn vì thời tiết nắng ráo, trời trong xanh, không sụt sùi mưa gió như lần giới thiệu tác phẩm thứ ba “Hương Quê Một Thuở” . Tôi niềm nở và hạnh phúc đón tiếp quý thầy cô, bạn văn, bạn học, đang lần lượt đến tham dự chia vui!
     Sự hiện diện đông đủ của quý thầy cô, anh chị, bạn văn, bạn học, đã khiến cơn bệnh nóng lạnh của tôi tạm lánh mặt đâu đó. Tôi cảm thấy khỏe dần lên, tỉnh táo hẳn, không còn đau nhức đầu như suốt đêm qua . Lần nầy, anh Cao Hữu Nhạc có nhã ý mời ca sĩ Quốc Dũng của đoàn Sao Biển, đến chung vui, trình bầy hai ca khúc do anh sáng tác, làm chương trình thêm phong phú, hấp dẫn. Một người khách đặc biệt - Thu Tuyết, người bạn đồng hương Đông Hòa, học chung khối với tôi ngày xưa, vừa từ Úc về thăm quê nhà, cũng đã được anh Cao Hữu Nhạc thay mặt mời đến hát chung vui. Thu Tuyết trình bày hai nhạc phẩm được phổ từ thơ của Thu Tuyết, đã làm không khí buổi giới thiệu tác phẩm thêm vui, thêm thân tình, ấm áp.      
      Tôi đã tâm sự, chia sẻ trong trang “Thay Lời Tựa” mở đầu cho tập truyện “Quê Người”, với niềm tin bền vững, từ những “góp sức” của quý thầy cô, bạn văn, bạn học qua ba tác phẩm đã lần lượt giới thiệu, rằng: “Trong “Quê Người”, đề tài đã được mở rộng đến với nhiều vấn đề thiết thân của cuộc sống hơn nữa, cùng sự đổi mới hình thức thể hiện của truyện ngắn. Đây cũng là con đường tôi đã chọn, và sẽ nổ lực tiếp bước trong từng tác phẩm sau nầy, với hy vọng sẽ được chia sẻ cùng quý thân hữu, bạn đọc những truyện ngắn sâu sắc hơn, hoàn thiện hơn, về những ưu tư, khát vọng chung trong cuộc sống, mà tất cả chúng ta đều quan tâm”.
      Suốt buổi sáng hôm ấy, tôi bận rộn với niềm vui, niềm hạnh phúc, nên không còn cảm thấy đau nhức, nóng lạnh đã hành hạ tôi trước đó nữa. Tôi khấp khởi, trân trọng đón nhận những lời chúc tốt đẹp, đón nhận những bông hoa tươi thắm chia vui, những món quà khích lệ cao quý mà quý thầy cô, bạn bè gởi tặng. Lời phát biểu của cô Ngô Thị Sương đã làm tôi thật bồi hồi: “Đọc truyện của Tiểu Nguyệt, tôi thấy rất gần gũi, lời văn trong sáng, chân tình. Người đọc có thể thấy mình trong đó, những nhân vật trong truyện, cho dù gặp phải những bất hạnh, khổ đau, họ luôn có lòng vị tha, không hận thù mà sẵn sàng tha thứ, chia sẻ. Truyện có tính nhân văn rất cao. Cô chúc mừng em!”.
     Buổi giới thiệu tác phẩm thứ tư “Quê Người” đã kết thúc trong không khí thân tình, vui vẻ, cùng những lời hứa hẹn tái ngộ chí tình của tất cả. Nhìn lại những thành quả đã đạt được qua bốn lần giới thiệu tác phẩm mới, tôi luôn nghĩ đến sự đóng góp nhiệt tình của anh Mang Viên Long. Lần nào anh cũng là người “tổ chức bản thảo”, sắp xếp giúp tôi mọi thứ, và lần nào anh cũng là người vui vẻ nhận giới thiệu tác giả và tác phẩm - một phần không thể thiếu trong một buổi giới thiệu tác phẩm Văn học.
      Lên xe về lại Phú Hiệp, tôi bắt đầu nóng sốt, đau đầu, phải chích thuốc, nằm lại điều trị cả tuần mới về được Nha Trang.
     Ngồi trên xe về Nha Trang, trong tôi lại miên man bao nhiêu nỗi niềm về những lần giới thiệu tác phẩm mới. Với tôi, viết là đam mê, là niềm vui, lẽ sống còn lại của một đời gian truân, khốn khó. Tôi thấy mình như sống lại một cuộc đời mới trong từng nhân vật bên trang viết mỗi ngày. Hy vọng, tôi sẽ hân hạnh gởi đến quý thân hữu, bạn đọc những tác phẩm tâm huyết, đầy ắp tình yêu thương, niềm hy vọng về một ngày mai tươi sáng của tất cả.
     Nơi đây, tôi xin được nói lại lời cảm ơn gởi đến quý thầy cô, quý bạn văn, bạn học cũ, quý bạn đồng hương, đã cảm thông, tin tưởng, đã dành tình cảm ưu ái tốt đẹp cho tôi trong những lần giới thiệu tác phẩm - đó là những dấu ấn sâu đậm nhất trong suốt cuộc đời cầm bút của tôi!.
 
                                                Những ngày cuối tháng 8/2018   
  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt