TIỂU NGUYỆT

 
LÒNG NGƯỜI SÔNG BIỂN
 
Dò sông dò biển dễ dò
Nào ai lấy thước mà đo lòng người
(Ca dao)
Truyện ngắn
 
Nga vừa ra khỏi lớp học, đang thư thả lên văn phòng, thì nghe tiếng chuông điện thoại trong túi xách vang lên; chị vội mở túi xách lấy chiếc điện thoại bấm máy nghe.
Tiếng bà Vinh - mẹ chị, từ đầu dây bên kia ngập ngừng, đứt quãng:
- Con đi dạy về, ghé qua mẹ một lát nghen! Không biết vì sao mà từ trưa đến giờ mẹ chóng mặt, đau bụng quá con ơi!.
Nga bực bội:
- Chớ bà ăn thứ gì mà đau bụng? Ít bữa là đau bụng, chóng mặt, không đau lưng cũng mỏi gối, nhức mình nhức mẩy. Bà có gọi cho ông Hải, ông Hà, trưởng nam với quý tử của bà chưa?.
Giọng bà Vinh yếu ớt:
- Thôi con ơi! Mẹ mệt quá rồi. Anh Hai mầy nó đi công tác tận Đà Nẵng, còn thằng Hà, bữa nay dẫn học sinh đi thi đâu trên huyện, tao gọi rồi. Ghé bắt giùm mẹ nồi cháo.
Chị cằn nhằn:
- Đau bụng cũng Nga, nhức đầu cũng Nga; sao lúc chia đất, chia nhà, không nghe bà nhắc đến con Nga nầy tiếng nào hết vậy? Được rồi. Lát nữa tui sẽ ghé!.
Nga vùng vằng tắt máy, bỏ chiếc điện thoại vào túi xách.
Ngang qua phòng học lớp 3B, chị gặp cô giáo Lê ở cửa lớp. Chị nhoẻn miệng cười thật tươi, vui vẻ chào cô Lê, sự bực mình mới đó bỗng biến mất như chưa hề có, rồi đi thẳng lên văn phòng. Lê nhìn theo cái dáng thon thả, mảnh mai của Nga - người bạn đồng nghiệp lớp đàn chị vui tính, xinh đẹp, lại là giáo viên dạy giỏi, với lòng ngưỡng mộ, yêu mến. Lê luôn cố gắng và ao ước, sẽ có một ngày, mình cũng được như chị - được đồng nghiệp yêu mến, học trò quý kính. Trong lòng Lê, Nga là “thần tượng” để cô hướng tới - một người khéo léo từ ăn nói, cư xử, cách ăn mặc, nấu nướng, đến dạy dỗ con cái. Giọng nói của chị sao mà nhỏ nhẹ, êm ái, ngọt ngào; rồi cô ước mình cũng có một người chị gái như Nga; nhưng ước thì ước vậy thôi, cô không anh, không chị, cũng chẳng có đứa em nào; mẹ sinh cô chưa đầy ba tuổi, cha cô đã bỏ mẹ con cô theo một người phụ nữ khác rồi, còn đâu mà có chị có em.
Nga vào văn phòng cất sổ đầu bài, chào đồng nghiệp, rồi vội ra nhà xe lấy chiếc dream của mình chạy về. Vừa chạy xe, chị vừa nghĩ ngợi, thôi thì cũng phải lo cho mẹ, kẻo thiên hạ sẽ dòm ngó, chê cười, mang tiếng. Chị gởi xe, ghé vào chợ mua ít đồ dùng, thức ăn, rồi quay quả trở lại chỗ gởi xe. Vừa thấy chị, ông Thức - người giữ xe, là bạn khi xưa của mẹ chị, vội dắt xe ra cho chị, giọng vui vẻ:
- Cô giáo đi chợ nhanh vậy?
Nga cúi chào ông Thức, mỉm cười:
- Dạ! Cháu đi dạy về, ghé chợ mua chút thịt về nấu cháo cho mẹ, nên vội bác à.
Ông Thức ngạc nhiên:
- Mẹ cháu đau à? Mới hôm qua bác thấy bà ấy đi chợ kia mà.
- Người già như cái máy đo thời tiết vậy mà bác, không đau nhức mới lạ!
Ông Thức xuýt xoa:
- May mà bà ấy có cô con gái ngoan hiền, hiếu thảo như cháu, thật là phúc đức.
- Dạ! Có gì đâu bác ơi! Cha mẹ lo cho con cái cả đời rồi, tuổi già mình phải lo cho cha mẹ, tròn câu hiếu đạo chớ bác. Không có cha mẹ, sao mình có ngày hôm nay.
Ông Thức gật gật cái đầu, nói tiếp:
- Đâu phải ai cũng nghĩ được như cháu. Cháu thấy đấy, như bác đây, tuổi này rồi mà còn ra chợ giữ xe kiếm sống, chớ có đứa nào lo cho bác đâu. Thằng lớn làm tận Cần Thơ, còn con gái lấy chồng làm việc bên Thị xã, cách có chục cây số, mà cả năm bác thấy nó được một, hai lần - ngày giỗ mẹ nó và ngày tết thôi cháu à!
Nga tỏ lòng thương cảm, an ủi:
- Thôi bác ạ! Đừng buồn giận anh chị ấy chi, chỉ vì công việc thôi. Chào bác cháu về, kẻo mẹ cháu mong, hứa với mẹ dạy xong ghé về thăm, mẹ chờ tội.
- Ừ, cháu về đi.
Nga lên xe, chạy thẳng về nhà mẹ. Vừa bước vào nhà chị đã lớn tiếng, giọng bực bội:
- Lúc trưa bà ăn món gì mà đau bụng, nhức đầu? Giờ bớt chút nào chưa? Uống thuốc gì chưa?
Bà Vinh gượng ngồi dậy, giọng yếu ớt:
-Tao ăn cơm với canh cá mành nấu rau tập tàng hôm qua còn để trong tủ lạnh, lấy hâm nóng rồi mới ăn, mà sao đau bụng dữ vậy không biết?
Nga trợn tròn đôi mắt, nói như hét:
- Trời ơi! Già rồi mà ăn vậy biểu sao không đau bụng. Canh để qua đêm mà còn ăn, thiệt là khổ.
Bà Vinh giã lã:
- Thì tao đâu có biết, cứ nghĩ bỏ tủ lạnh rồi không sao. Ai ngờ…
Nga cướp lời mẹ:
- Ai ngờ, ai ngờ cái gì? Đã nói không biết bao nhiêu lần rồi, ăn còn là đổ đi, mà cứ tiếc. Giờ thấy chưa, đau bụng, nhức đầu, khổ cái con nầy chớ ai vào đây?
Bà Vinh nhẹ giọng, năn nỉ:
- Thôi mà con. Má biết rồi. Má nhờ con bé nhà bên cạnh mua giùm thuốc, uống bớt rồi. Con bắt giùm má nồi cháo, má rũ cái chân đi không nổi.
- Thiệt là bực cái mình. Đáng lẽ ra, đây là việc của anh chị Hai, ổng có bận đi công tác, còn có vợ con ổng, còn thằng Hà nữa mà. Đất cát ở dưới quê, thì bà nói của ông bà để lại, chia cho con trai để cúng giỗ, con gái ngoại tộc không được chia. Giờ đau bệnh, không ông Hải cũng phải có thằng Hà chạy về lo cho bà chớ, gì cũng gọi Nga Nga là sao?
Vừa nói, Nga vừa đi xuống bếp lấy gạo bắt nồi cháo, rồi quay trở lên lấy điện thoại mở máy gọi Hà.
Chị lớn tiếng:
- Mầy về là lên nhà chăm má đó nghen. Tao bắt nồi cháo cho má rồi, giờ tao phải về còn cơm nước cho lũ nhỏ nữa.
Tiếng Hà vang lên ở đầu dây bên kia:
- Chị nấu cháo chín cho má ăn rồi về, giờ tui còn ở trên này, phải nửa tiếng nữa mới về tới được.
Nga giãy nãy:
- Vậy mầy gọi vợ mầy tới lo cho má, tao cũng phải lo cho chồng con tao nữa chớ!.
Hà hét lên:
- Bộ má không phải là mẹ của bà sao? Con gái gì kỳ vậy? Bà nghĩ coi, con gái mà không biết thương mẹ, biểu con dâu lo. Thiệt là lạ! Tui nói rồi đó nghen, bà nấu cháo chín cho má ăn rồi mới về. Lát nữa tui về với má.
Nói xong Hà cúp máy, làm Nga tức tối, trợn mắt, quay qua bà Vinh hét lớn:
- Bà không biết dạy con để nó chửi tui. Thằng mất dạy!.
Bà Vinh hoảng hốt, ứa nước mắt, nghẹn ngào:
- Con bắt nồi cháo để đó má coi, rồi về lo cho tụi nhỏ đi. Con đừng nặng nhẹ má tội nghiệp! Kiếp này chúng ta có duyên là mẹ con, chớ kiếp sau chắc gì gặp lại. Đừng cay đắng chi mà đau lòng. Mẹ đỡ rồi. Con về đi, má không sao đâu. Cảm ơn con!.
Nga vừa lầm bầm:
- Không sao, không sao, mà gọi tui về đây làm chi. Mệt quá đi!.
Nga ra sân lấy xe đi về. Bà Vinh gượng đứng dậy, lê chân xuống bếp. Hai giọt nước mắt long lanh lăn dài trên đôi má đen sạm, hiu hắt.
***
Bà Vinh uống thuốc, nghỉ ngơi hơn mười ngày mới khỏe hẳn; bà nghĩ, trước kia còn sức khỏe, có đau bụng, nhức đầu cũng một ngày là qua, giờ phải mười ngày, nửa tháng mới khỏe lại được. Bà biết sức khỏe bà đã suy giảm vì bao năm làm việc lao khổ; dù đã đến tuổi nghỉ hưu, bà vẫn muốn được đi làm, không muốn suốt ngày đi ra đi vào trong căn nhà vắng vẻ, buồn hiu nầy; nên đã xin được tiếp tục công tác thêm vài năm nữa. Hôm nay, bà thấy trong người đã khỏe, liền đạp xe đến cơ quan, vào gặp ông Bình - giám đốc xí nghiệp gỗ Thanh Sơn, để hỏi xem đơn xin của bà đã được giải quyết chưa, và như thế nào?.
Bà Vinh bước vào phòng giám đốc gặp ông Bình, ông ngạc nhiên khi nghe bà hỏi về quyết định có cho bà tiếp tục công tác nữa hay không? Ông Bình cho bà biết, chính con gái bà đã đến đây tuần trước, xin cho mẹ thôi công tác vì sức khỏe; nên ông đã hủy quyết định cho bà tiếp tục làm việc. Bà Vinh ngẩn ngơ không biết con gái bà đã dám tự ý đến đây xin cho bà nghỉ việc mà không nói cho bà biết. Từ bấy lâu nay, dù Nga bất mãn việc bà chia đất dưới quê cho con trai, Nga không có phần; nhưng bà không nghĩ, con gái dám qua mặc bà mà hành động như vậy; bởi bà cũng đã mua cho Nga một lô đất, còn cho thêm hai cây vàng để Nga xây nhà rồi.
Bà đau lòng và lo lắng, không biết rồi đây con gái bà sẽ ra sao, với tấm lòng ích kỷ, nhỏ nhen và tham lam như vậy. Bà nghĩ, sao nó không giống bà chút nào, nhìn vẻ mặt đoan trang, xinh đẹp như vậy, mà tâm địa hẹp hòi, hiểm độc đến bà cũng không ngờ. Nước mắt bà cứ chực ứa ra, có lẽ không phải vì bà không được tiếp tục làm việc, mà vì bà lo lắng, sợ hãi, và càng yêu thương đứa con gái bà rứt ruột đẻ ra hơn cho hậu vận của đời nó.
Bà Vinh đạp xe về, ghé lại nhà con gái để hỏi vì sao lại làm như vậy? Thay vì xin lỗi mẹ, Nga lại giận dữ, đỏ mặt, nặng lời với mẹ khiến bà không ngờ.
Nga thản nhiên:
- Lúc nào bà cũng trưởng nam với quý tử, bà bênh mấy ổng chằm chằm, gì cũng dành cho con trai. Bộ con gái không phải là con sao? Bà sinh con mà không biết dạy con, để mấy ổng khinh dễ, coi thường tui. Không mắc mớ gì bà phải đi làm nữa, già rồi, nghỉ ở nhà để mấy ông con trai nuôi, lo gì?.
Bà Vinh chỉ biết lắc đầu thở dài, không nói được lời gì.
Bà Vinh ra về, thì gặp Hoa - em gái của con rể bà ở ngoài ngõ, Hoa chào bà rồi đi thẳng vào nhà anh chị mình. Nhìn thấy chị dâu đang lau nhà, Hoa chào chị, giọng vui vẻ:
- Anh Tư có nhà không chị? Chị dạy buổi chiều à?
Nga dừng tay lau, ngạc nhiên:
- Chị dạy buổi chiều. Anh Tư đi dạy rồi. Có gì không em?
Hoa lại lấy cái chổi lau nhà từ tay chị, giọng nhỏ nhẹ:
- Chị đưa đây em lau cho. Em về thăm má, sẵn ghé anh chị chơi ấy mà.
Nga đưa cây chổi lau cho Hoa, xuống nhà dưới lấy đĩa khoai lang luộc mang lên bàn, giọng thân mật:
- Nhanh tay rồi ăn khoai Hoa ơi! Khoai lang nhuận trường và tốt cho sức khỏe.
Hoa “dạ”, tay thoăn thoắt lau nhanh, xong mang xuống nhà dưới rồi lại bàn ngồi ăn khoai với chị. Hai chị em nói chuyện vui vẻ, thăm hỏi chuyện học hành của các cháu. Một lát, Hoa bỗng thấy buồn, lòng chùng xuống khi nhớ nghĩ về mẹ.
Giọng cô chân tình:
- Chị này! Em thấy má đã lớn tuổi rồi, ở một mình không ổn chút nào, nửa đêm nửa hôm lỡ có gì không ai bên cạnh để lo cho má. Hay anh chị đưa má về ở cùng, có má ở vui nhà, vui cửa. Chị nghĩ thế nào?
Nga giãy nãy:
- Không được. Má không thể ở đây được. Chị không đồng ý. Sao em không nói má ở với anh Hai, anh Ba, mà lại ở với anh chị?
Hoa nhìn chị, giọng trầm xuống:
- Anh Hai, anh Ba việc làm bấp bênh, nay có mai không, điều kiện đâu mà lo cho má. Anh chị là giáo viên, ổn định, có lương hướng hẳn hoi. Em nghĩ, má ở với anh chị là hợp lý nhất.
- Không được. Mỗi tháng chị sẽ góp tiền phụng dưỡng má, chứ chị không đồng ý cho má ở đây. Em biết đấy, má hay “chuyện không nói có”, chị không chịu được.
Hoa bỗng cao giọng:
- Cả nhà, chỉ mình anh Tư và em là được đi học. Má nuôi anh Tư đi học đến nơi đến chốn, giờ công danh sự nghiệp như vậy, hổng lẽ anh Tư không lo được cho má tuổi già sao chị?
Nga đỏ mặt, lớn tiếng:
- Anh Tư được má cho ăn học. Chị cũng được ba má chị cho ăn học. Vậy là huề, đâu phải chị không được ăn học, bắt anh Tư nuôi chị đâu mà em nói.
- Em thấy chị ăn nói lạ ghê. Vậy cha mẹ có nghĩa vụ nuôi con cái, còn con cái không cần có trách nhiệm với cha mẹ khi tuổi già sao chị?
- Vậy sao em không đưa má về mà nuôi? Em cũng ăn học như anh Tư mà?
Hoa phân trần:
- Nếu má đồng ý về ở với vợ chồng em, là em đưa má về liền. Nhưng chị nghĩ coi, má còn ba ông con trai, về ở với em có sợ người ta dị nghị rằng con trai không nuôi má hông? Với lại, em ở sát cha mẹ chồng, không sợ má mặc cảm, khó xử à?
Nga cười nhạt:
- Như em nói, má chỉ muốn ở với anh Tư sao? Còn anh Hai, anh Ba sao má không muốn ở?
- Em nói rồi đấy. Anh Hai, anh Ba lo chạy gạo từng bữa, lúc đói lúc no, không nghề nghiệp gì hết, làm thuê làm mướn bấp bênh, chị à!
Nga vùng vằng quay ngoắt xuống nhà dưới, vừa đi vừa nói: “Đẻ con ra cho cố rồi bỏ thí không lo cho ăn học, để nhảy tàu, ăn chơi. Phải chi cho ăn học đàng hoàng, giờ lấy gì khổ”. Hoa nghe chị dâu lầm bầm, vô lễ với mẹ mình như vậy, cô tức tối, hét lớn: “Chính mấy cái thằng nhảy tàu lêu bêu như bà nói, lại là đứa nuôi cho chồng bà ăn học đấy bà ạ! Đừng có hỗn láo coi chừng có ngày… (giọng ngập ngừng, ấp úng) ông trời có mắt đấy bà chị à!”.
Nói xong, Hoa quay ngoắc ra sân, lấy xe đi về, lòng bời bời, buồn bã.
***
Soạn xong giáo án, Nga đứng dậy định ra sân hít thở bầu không khí ban đêm mát mẻ, quơ tay chân một chút thư giãn. Nhưng chị vừa bước ra khỏi cửa đã bị con gì cắn một phát đau điếng. Chị giật mình, nhìn kỹ, thì thấy một con rắn lục đầu đỏ nằm ngay ngạch cửa, vội lấy cây đánh đuổi nó đi khỏi; thì nghe cái chân bị rắn cắn tê dần.
Chị hoảng hốt không biết phải làm sao, phải chi anh Tư không đi công tác có ở nhà đưa chị vào bệnh viện cấp cứu. Chị nhanh nhẹn lấy điện thoại gọi cho mẹ, và em trai nhờ giúp đỡ; nói chưa hết câu, miệng chị bỗng cứng ngắt. Chị nhìn xuống cái chân, thấy nó to dần lên, căng chật ống quần, nước mắt chị ứa ra; chị biết nọc độc của rắn đang chạy dần lên phần trên của cơ thể chị; nếu không cấp cứu kịp thời sẽ rất nguy hiểm, có thể tử vong.
Chị ngồi xuống, dựa lưng vào cửa, nghe hơi thở mình nóng hổi, gấp gáp, trước mắt chị là một màu đỏ chói lòa nhấp nháy. Chị muốn vào nhà lấy giỏ đựng ít quần áo, đồ dùng để vào viện; nhưng chị không đứng dậy được. Chị nghe tiếng thằng Tí, con Na - con của chị, khóc gọi mẹ cùng tiếng nổ của xe máy chạy vào ngõ, và tiếng người gọi chị - tất cả tạo thành thứ âm thanh hỗn loạn, rồi mờ dần cùng bóng đêm đang vây bủa lấy chị.
Nga cảm thấy mình như rơi vào một cái hố sâu thăm thẳm, đen ngòm, lạnh ngắt. Chung quanh chị là bóng tối dày đặc, chị như nghe thấy tiếng khóc tỉ tê của ai đó, làm chị rờn rợn, co quắp người run sợ. Rồi chị thấy một chiếc đầu lâu to thiệt to, đôi mắt lõm sâu, cái miệng há rộng đỏ lòm những máu là máu, khiến chị kinh hoàng rú lên khủng khiếp. Chị bất tỉnh.
Nga nghe thấy một luồng ánh sáng ấm áp từ trên cao như phủ chụp xuống người mình, làm chị nhẹ hẫng, bồng bềnh, như đang trôi giữa bầu trời trong xanh đầy nắng ấm. Chị tiếp nhận hơi ấm của nắng gió, sự nồng nàn của đất trời, đang hòa quyện, len lỏi khắp cơ thể. Rồi chị nghe tiếng khóc, dường như của mẹ, rấm rứt văng vẳng, khiến chị muốn ngồi dậy, tìm kiếm; nhưng chị không thể nhúc nhích được, hai chân chị nặng trĩu như bị đè dưới tảng đá lớn, đau đớn. Chị cố mở mắt, nhưng không thể nào mở nổi, đôi mi như bị keo dính chặt. Rồi chị nghe những tiếng bước chân, vội vã, đến rồi đi, cùng tiếng rầm rì nói chuyện.
Nga cảm thấy như vừa qua một giấc ngủ dài đầy mộng dữ. Mở mắt ra, chị thấy mẹ ngồi gục bên giường, hai người anh chồng đang lo lắng đứng dưới đuôi giường chờ đợi. Chồng chị, anh trai và em trai của chị cùng vợ chồng cô Hoa đang đứng quanh vị bác sĩ nghe ông nói chuyện. Chị bỗng cảm thấy thật xấu hổ. Chị nghĩ, mình nhỏ nhen, hẹp hòi, không xứng đáng với tình yêu thương lo lắng của những người thân đã dành cho mình.
Nga xúc động, nước mắt ứa ra, cầm lấy tay mẹ. Bà Vinh giật mình nhìn lên, thấy con gái đã tỉnh, mừng rỡ khóc to, giọng nghẹn ngào: “Lạy Trời Phật! Con tui đã tỉnh lại rồi. Con ơi!”. Nga khóc theo mẹ, giọng yếu ớt: “Mẹ ơi! Hãy tha lỗi cho con! Con sai rồi, mẹ ơi!”.
Nghe thấy tiếng khóc, tiếng mừng rỡ nói chuyện của bà Vinh, mọi người chạy vội lại bên Nga. Vậy là chị đã trở về từ cõi chết. Hai ngày qua, chị hôn mê, được cấp cứu kịp thời, chuyền nước liên tục, giờ mới tỉnh lại.
Anh Tư cúi xuống sát mặt chị, những giọt nước mắt mừng vui chị đã tỉnh lại cứ lăn dài trên má anh, cùng với giọng thầm thì:
- Cảm ơn em đã trở về cùng cha con anh! Anh xin lỗi, vì không có ở nhà để đưa em vào viện; may mà anh Hai đến đúng lúc, đưa em đi cấp cứu, nếu không, không biết giờ sẽ ra sao?.
Nga đưa mắt nhìn anh Hai, anh Ba, thều thào:
- Em cảm ơn anh! Cảm ơn anh! - quay sang vợ chồng Hoa, giọng chị yếu ớt: - Cảm ơn vợ chồng em! Chị xin lỗi em nhé!.
Nga nhìn người anh và em trai của mình, thấy sự mừng vui, lo lắng chân tình trên gương mặt, trong khóe mắt đỏ hoe, như có giọt nước mắt hạnh phúc. Chị thầm thì “Cảm ơn”.
Nga khóc. Những giọt nước mắt thi nhau chảy dài trên má chị. Chị cảm thấy mình thật hạnh phúc, được mọi người yêu thương, lo lắng; nếu không, không biết giờ đây chị có còn được hít thở, còn được gặp lại chồng con, anh chị em và nhất là người mẹ thân yêu đã hết lòng vì mình?
Nga nhìn anh Tư, với ánh mắt đầy yêu thương, hối hận. Giọng chị xúc động: “Ngày em được xuất viện về nhà, mình đón má về phụng dưỡng, anh nhé!”.
Chị gượng ngồi dậy, ôm chầm lấy mẹ, khóc nức nở: “Mẹ ơi!”.
  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt