TIỂU NGUYỆT


Lớp Học Của Tôi
 Tùy bút
           
    Ngày rời ghế nhà trường tôi mười tám tuổi, dù chẳng muốn, tôi cũng không thể học tiếp. Không phải vì tôi không tốt nghiệp phổ thông, mà bởi vì lý lịch của tôi “không trong sáng”! Đó là điều đã làm cho tôi và cả gia đình đau đớn nhất, tủi thân nhất, mỗi khi tôi nhọc nhằn trên đồng ruộng, hay lăn lóc trên tàu, trong những chuyến buôn lén lút! Bạn bè tôi đứa học y, đứa sư phạm, đứa kỹ sư v v... nhìn lại mình, tôi cứ rơi nước mắt. Ai cũng có ước mơ, hoài bão. Ước mơ của tôi thật đơn giản, là được trở thành “cô giáo”. Tôi đã nuôi niềm mơ ước ấy từ rất bé, từ những ngày còn tiểu học.
      Niềm mơ ước được làm cô giáo trong tôi, lớn dần theo từng lớp. Ba tôi bảo “Con cố gắng học thật tốt, sẽ đạt được ước mơ, Ba nghĩ là con sẽ làm được”. Tôi nghe lời Ba nên rất cố gắng, kết quả năm nào tôi cũng được nhận phần thưởng. Tôi mỉm cười hạnh phúc, khi tôi tốt nghiệp phổ thông đạt loại khá. Thế nhưng, tôi choáng váng, khi nhìn thấy dòng chữ phê bên dưới của chính quyền dịa phương  thời bấy giờ, vào lý lịch nộp hồ sơ thi tuyển vào đại học, cao đẳng của tôi:
     1)Đề nghị đương sự trình giấy cha hiện đang cải tạo ở trại nào?
     2)Xét lý lịch này cô không được đi đại học.
     3)Không ai được quyền chứng nhận cho cô đi đại học.
       Đó là lý do ngăn cản tôi không được bước vào ngưỡng cửa đại học được. Không chỉ riêng tôi, nhiều bạn khác cũng vậy; chạy đôn chạy đáo ký cho được cái lý lịch nhưng bên dưới phê “Xét lý lịch này cô không được đi đại học, vì có cha là ngụy quyền”. Nhìn bạn bè lần lượt bước vào ngưỡng cửa đại học, cao đẳng, trung cấp tôi buồn lắm. Tôi chạy về quê để ký lý lịch lại, may ra có được phê đỡ hơn không, nhưng ở đâu cũng vậy.
       Ngày ngày tôi lăn lóc trên con tàu trong những chuyến buôn, tôi nén chặt niềm ước mơ nhỏ nhoi trong trái tim mình. Những chiều thứ bảy, chủ nhật, gặp những sinh viên về nhà trên cùng chuyến tàu với mình, tôi buồn lắm. Tôi ao ước “Giá như mình cũng được đi học thì hạnh phúc biết bao”. Dù thế, tôi vẫn luôn hy vọng, một ngày nào đó tôi cũng sẽ được như các bạn. Cho nên khi nào rảnh tôi đều mang sách vở ra ôn lại. Niềm hy vọng kia như mờ hơn, khi Khuyên - bạn tôi, kể rằng: “Lớp mình vừa bị đuổi hai bạn, vì nhà trường xét lại lý lịch, không được học”. Tôi gát lại tất cả, bằng lòng với công việc mình làm, và tôi cùng mọi người ngày ngày ra đồng theo tiếng “kẻng”. Cánh đồng lúa xanh mượt cho tôi an bình trải lòng ra với mọi người. Chúng tôi cùng cắt lúa, cùng gánh chạy nhịp nhàng theo tiếng hò của các chị, các mẹ. Tôi sống cảnh thanh bình giữa làng quê mộc mạc. Những đêm trăng sáng, cùng đi tập văn nghệ, đi họp phân hội, đi dự mít-tinh. Người dân quê tôi chân chất thật thà bên ruộng vườn, bên luống rau. Tôi bằng lòng khi nghe tiếng kẻng mỗi sáng, mỗi chiều ra đồng cùng bà con xã viên. Tối tối quây quần bên ngọn đèn dầu leo lét, ngồi nghe đội trưởng phổ biến công việc, cũng như chỉ thị của ban quản trị đưa xuống. Tôi sống trôi theo cuộc đời hẩm hiu bên lũy tre làng, bên những người dân quê thắm đậm nghĩa tình.
     Thời gian dần trôi, tôi cũng lập gia đình, rồi con cái ra đời. Vất vả lắm nhưng niềm mơ ước trong tôi không hề mất. Tôi gom hết những trẻ em trong xóm, con cháu những người quen hoặc bà con lại. Thế là tôi trở thành cô giáo của lũ trẻ nhà quê nơi tôi sống. Những cậu bé, cô bé dễ thương với đôi mắt đen tròn ngơ ngác hỏi “Cô ơi! Con không có tiền!”. Tôi nhìn những khuôn mặt ngây thơ, hồn nhiên ấy lòng rưng rưng: “Cô không lấy đồng nào cả, miễn các cháu đến là cô giúp. Nhưng phải cố gắng học à nghen!”. Lũ học trò nhỏ cười hồn nhiên, chúng “Dạ cảm ơn”, thấy thương vô cùng. Học trò tôi đủ các lớp, từ vỡ lòng, lớp một, lớp hai,... đủ cả. Nhiều khi có em học lớp bảy, lớp tám cũng xin làm học trò của tôi, riêng những em này tôi chỉ dạy toán. Thương làm sao những học trò nhỏ của tôi, đi học dép đứt quai, áo đứt nút, quần lủng mông, dơ dáy. Tôi dạy chúng ăn mặc sạch sẽ, tươm tất. Không những phải học giỏi mà còn phải đẹp đẽ, gọn gàng, sạch sẽ mới là học trò ngoan. Mấy người chung quanh xóm ngạc nhiên “Cái bà này sao biết đường chỉ lũ trẻ học vậy trời?”, cũng có người nói “Hồi xưa bã là cô giáo đấy!”. Dù ai thắc mắc gì cũng không sao, miễn các em học tiến bộ là vui rồi. Có em đến học, viết hết mực, hết vở, tôi phải chạy đi mua cho chúng. Lớp học có khi mười em, có khi bảy hoặc tám em, khi đông nhất mười lăm em. Các em học nhiều lớp, vậy mà học tốt không ảnh hưởng gì. Tôi thường dạy vào buổi chiều tối, sau khi làm xong công việc. Tôi giảng bài cho các lớp khác nhau nên rất mệt. Những em vỡ lòng phải tập viết, có khi cầm tay tập từng nét chữ. Cả buổi học hai tiếng đồng hồ, tôi không ngơi tay. Phụ huynh có người biết tôi vất vả, nhiều khi đến thăm hỏi, cảm ơn, nên tôi vui lắm. Có người mang tiền trả học phí cho con, nhưng tôi cảm ơn chỉ dạy giúp, không nhận tiền của ai.
     Một hôm, tôi đi thị xã có việc, tôi gặp Quang - bạn cùng lớp. Tôi mừng rỡ thăm hỏi và nghĩ rằng bạn ấy chắc cũng học hành đến nơi, đến chốn. Bạn trả lời khiến tôi đau, bạn đã làm đủ thứ sau khi nghỉ học. Quang đi rừng tìm trầm, có khi đi đãi vàng tận Hòn Cồ ở Sông Hinh. Quang sốt li bì, vàng đâu chẳng thấy, chỉ thấy lọ Ký Ninh, da vàng khè. Quang cười đọc cho tôi nghe hai câu “ca dao mới” của dân đãi vàng, khiến tôi bật cười theo bạn.
    “Dân đãi vàng, mặt vàng như nghệ,
    Đi giữa Hòn Cồ chẳng thấy Sông Hinh đâu?”
     Rồi Quang không còn lên núi tìm trầm, đãi vàng nữa vì sốt; ở nhà làm ruộng, chăn nuôi. Tôi xót xa nhìn bạn, ngày xưa Quang học giỏi nhất lớp, điểm thi tốt nghiệp cao. Nhiều bạn như thế lắm, có bạn có giấy báo đưa về nhập học, nhưng không thể cắt khẩu làm thủ tục. Tôi kể cho Quang nghe về lớp học mới của tôi, Quang cười:
      - Bạn giỏi thật đấy, làm cả ngày tối còn dạy giùm lũ trẻ, mệt không?
     Tôi cười thật to:
     - Có lẽ mơ ước làm cô giáo trong mình quá lớn chăng? Có mệt một chút, nhưng mình rất vui.
     Quang đưa tay bắt tay tôi, chia sẻ:
     - Bạn hãy xem như mình đã thực hiện ước mơ rồi, không cần phải có bằng chứng nhận. Nếu những thầy, cô giáo, ai cũng tâm huyết như bạn, mình tin ngành giáo dục nước nhà sẽ hưng thịnh.
     Tôi vui vô cùng khi làm được việc này, coi như tạm thỏa lòng rồi. Những đứa bạn tôi, học cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm, về dạy được ít năm rồi bỏ nghề. Các bạn cho rằng lương quá thấp, không đủ sống, nên nghỉ ra ngoài bương chải. Tôi cứ tiếc giùm cho các bạn, làm việc nào cũng nuôi sống bản thân, gia đình. Chọn được một công việc có ý nghĩa rất khó, các bạn lại bỏ để chạy theo ra ngoài kinh doanh mua bán. Việc mua bán cũng có dễ dàng gì, khó khăn lắm.
        Năm tôi sống ở Vũng Rô, các con tôi học dưới Bãi Lách. Trường mới thành lập nên cơ sở vật chất hơi thiếu thốn. Thầy cô của trường mỗi lần về nhà ngoài thị trấn, thường ghé nhà tôi chơi. Nhà tôi nằm giữa ngả ba đèo Cả, trên đường lên xuống trường học. Con tôi phải leo dốc đến trường, khó khăn lắm. Tôi nhớ con gái lớn tôi năm đó học lớp hai, về nhà cứ hát nghêu ngao “Thôi anh hãy về đi, xin trả lại anh, những lời đầu môi anh trao...”(*). Tôi ngỡ ngàng, la con “Ai bày con hát bài này vậy?”. Con tôi trả lời “Dạ Thầy giáo lớp con dạy cả lớp hợp ca đó, con phải học thuộc”. Hoảng quá, tôi nói nhỏ với cô giáo tôi quen về việc này. Hôm sau, cô giáo ghé lại cười nói “Chị yên tâm, em nói rồi. Nay ảnh không dạy những bài như thế cho học sinh đâu”. Thầy cô dạy lớp các con tôi nói nhỏ với nhau “Chấm bài con chị ấy cẩn thận, về nhà chị coi lại thấy sai là quê lắm”. Những bài toán Thầy cô vô tình chấm sai, về tôi xem chỉ khoanh tròn chỗ sai đánh dấu hỏi, chưa bao giờ tôi ý kiến gì. Tôi để các Thầy Cô nghĩ rằng, đó chỉ là vô tình thôi; nhưng như vậy họ mới cẩn thận hơn khi chấm bài. Không được sơ sài như thế, làm ảnh hưởng cả tập thể giáo viên, và làm hỏng kiến thức các em sau này.
     Những năm sau này, có khi gặp lại những em đã từng là học trò mình, tôi nhìn chẳng ra. Các em phải nhắc lại, tôi mới nhớ. Các em đã vào đại học, đã có gia đình, lâu lâu có dịp ghé thăm; tôi vui vô cùng. Đó là phần thưởng cho tôi khi đã cố công giúp các em trong thời khó khổ. Mỗi lần đi ngang qua ngôi trường khi xưa tôi từng học, tôi đứng nhìn học sinh ra chơi, lòng bâng khuâng bao kỷ niệm ngày nào. Tôi rất biết ơn các em học trò nhỏ của tôi, nhờ có các em tôi mới thực hiện phần nào niềm đam mê, hoài bão mà tôi hằng ấp ủ.
                                                                                           Tháng 03.2017
   (*) Em Hãy Về Đi của Nhạc sĩ Vinh Sử
 

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt