TIỂU NGUYỆT
                            
 
“MÁI BẾP VÀ KHÓI LAM”
 Của Nhà Văn TRẦN QUỐC CƯỠNG
 Những Ghi Nhận
Thân Thương Chơn Phát Quanh Đời sống

 
TRẦN QUỐC CƯỠNG
 
     Bút danh Trần Bảo Ngọc
     Sinh ngày 01 – 01 – 1962
     Quê quán: Hòa Hiệp Trung, Đông Hòa, Phú Yên
     Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam
     Nơi công tác: Hội liên hiệp VHNT Phú Yên
    
     Sách đã in:
     -Mùa Bướm Vàng Bay – tập truyện ngắn, NXB văn Học 2003
     -Ngựa Hồng – tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà Văn 2004
     -Hoàng Hôn Màu Lá Mạ - tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà Văn 2006
     -Mái Bếp Và Khói Lam – tập tản văn, NXB Hội Nhà Văn 2007
     -Quê Hương Nếu Ai Không Nhớ - tập tản văn, NXB Thanh Niên 2007
     -Ước Nhớ Vườn Xưa – tập thơ, NXB Hội Nhà Văn 2009
     -Quà Phóng Sinh – tập truyện ngắn, NXB Dân Trí 2010
    
         Cuối tháng 08 năm 2017 tôi nhận được tập tản văn “MÁI BẾP VÀ KHÓI LAM” của nhà văn Trần Quốc Cưỡng gởi tặng. Sách dày 161 trang, do nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành, năm 2007.
        “Mái Bếp Và Khói Lam” gồm 54 bài tản văn được tác giả trải lòng ghi lại, để nhớ về những kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ, những hình ảnh tầm thường thân quen, gần gũi, nhưng đã hằn sâu trong ký ức của một thời. Tất cả như gợi nhớ trong tôi hình ảnh quê hương thân yêu, mà dù có đi bất cứ nơi đâu, tôi vẫn luôn tưởng nhớ, luôn yêu thương.
        Hình ảnh “mái bếp” và “khói lam” như một bức tranh sống động, sống lại trong tôi về một buổi chiều quê xa xưa; những làn khói lam mỏng quyện bay lên cao từ những mái bếp quê nghèo; đã cho tôi cảm nhận được về một làng quê yên bình, quyến rủ. Tính mộc mạc, giản dị phù hợp với “mái bếp” được tác giả thể hiện đậm nét trong “Mái Bếp Và Khói Lam”, đã làm người đọc như bị cuốn theo từng trang viết, từng lời nhắc kể thâm trầm; tạo được sự đồng cảm sâu sắc cho tất cả.
        Tác giả là người cùng làng với tôi,  cho nên hình ảnh “Xóm Lẫm”, “Xóm Gò” luôn gợi nhớ thân thiết, khó quên trong ký ức tôi. Tôi như bắt gặp lại tuổi thơ của chính mình trong “Ký Ức Tuổi Thơ Tôi” của anh. “Xóm Lẫm của tôi đầy chất quê như bao làng quê khác của dãi đất miền Trung xác xao nắng gió. Vài chục nóc nhà xúm xít quanh cái Lẫm làng, mỗi năm có một ngày cúng tế, trống đánh thùng thình, cờ bay phấp phới” (Ký Ức Tuổi Thơ Tôi - trang 154). Ngày ấy, có lẽ tôi cũng có mặt cùng anh ở “Bữa tiệc sau cùng dành cho trẻ con bày ra giăng dài ngoài hiên Lẫm, cơm nguội, thịt mỡ lều phều mà ăn ngon miệng làm sao!” (Ký Ức Tuổi Thơ Tôi - trang 154).
        Những ai đã từng sống ở miền quê, hẳn có lúc đã biết “Cá Rô Dằm Mắm Ngò” ngon như thế nào trong những bữa cơm ngày mưa lạnh lẽo? Hãy nghe tác giả tâm sự: “Ngày đông tháng giá bên chén cơm nóng bốc hơi thơm phưng phức, ta gắp miếng cá rô nướng dằm mắm ngò nghe hấp dẫn đầu lưỡi. ăn mãi, ăn mãi bụng no căng vẫn thấy còn thèm…” (Cá Rô Dằm Mắm Ngò - trang 09). Và trong những ngày đông giá lạnh ấy, lũ trẻ chúng tôi không phải ru rú trong nhà tránh cái giá rét như trẻ em ngày nay, mà “xách cần đi cắm câu, xách lờ đi thả cá. Và tôi, rất mê nhìn ngắm những chú cua màu tím sẫm bò lau láu lên những bờ cỏ chưa ngập nước, nghe động, chúng giơ càng lên tự vệ.” (Cua Đồng - trang 106). Tác giả chắc chắn rằng: “Những người đã từng sống ở đồng quê, họ xa quê lâu năm chắc không sao quên được những bữa cơm đạm bạc với cua đồng: cua nướng dằm mắm é thơm tho, cua rang muối mặn mòi, canh rêu cua ngọt ngào, ấm lòng những ngày đông” (Cua Đồng - trang 107). Quả thật như vậy, chính tôi cũng rất nhớ, rất thèm những món ăn đơn giản, đậm tình quê ấy; bởi nó có một “hương vị” rất đặc biệt, và dễ kiếm quanh nhà.
        Ngày ấy, ở quê - nhà nào cũng có một cái “Vò” đựng đầy nước và một “chiếc gáo dừa” úp trên một thân cây tre ngắn, đặt ngay trước sân; như một sự mời mọc đến tất cả mọi người. Mỗi lần lũ trẻ chúng tôi rong chơi khát nước, vào một nhà nào đó, là cả bọn tha hồ uống, không ai la, không ai quở trách. Hình ảnh ấy thân thương làm sao! Tôi nhớ và thoáng chút ngậm ngùi khi đọc “Gáo Dừa Kỷ Niệm” của anh. Và, còn nữa - “Nọc Rơm Sau Hè”, “Ống Thổi Lửa” cũng đã làm tôi bâng khuâng, ngơ ngẩn nhớ về ngày tháng xa xưa ấy - những kỷ niệm không bao giờ phai nhạt trong ký ức tuổi thơ mọi người.
     “Người nhà quê trăm sự đều trông vào hạt lúa, trong đó có vị mặn của mồ hôi, cay chua của nước mắt và bao nỗi khắc khoải, mong chờ” (Mẹ Quê – trang 67). Vâng! Người dân quê chúng tôi rất vất vả, phải đổ biết bao mồ hôi để làm nên hạt lúa, hạt gạo; rất mong được một mùa bội thu. Người dân quê tôi chân chất, thiệt thà, luôn đùm bọc, giúp đỡ nhau; họ rất cởi mở, vui vẻ chia sẻ cùng nhau trái bầu, trái mướp, con cá, con cua mà họ đã trồng và đánh bắt được. Có lẽ cánh đồng lúa xanh mượt, mái bếp, khói lam, lũy tre làng (…) đã cho họ sự an vui, hồn nhiên để tâm hồn họ rộng mở, yêu thương nhau chăng? “Sương sớm làng quê bủa giăng thứ ánh sáng kỳ ảo, người đi trong sương như chấp chới, huyền hoặc, làm nên gương mặt tươi rói cho ngày mới” (Sương Sớm Làng Quê - trang 109). Và trong những buổi sớm mờ sương ngày ấy, tác giả đã “được mẹ mua cho chiếc bánh bò còn nóng hổi. Những chiếc bánh bò ngọt thơm deo dẻo làm tôi quên đi cái lạnh nôn nao của thời thơ trẻ, nhưng lại khắc sâu vào tâm khảm tôi vẻ đẹp êm đềm, thơ mộng của làng quê vào cái thời đã xa xưa lắm!” (Sương Sớm Làng Quê - trang 111).
     Những ngày cuối năm ở quê thật rộn ràng, nhộn nhịp. Nhà nào cũng riêm gừng, riêm bí, bánh thuẫn, bánh kẹp, bánh cốm, bánh in; họ gọi nhau, rủ nhau cùng làm, cùng vui với sự hăm hở, nồng nhiệt. Cả năm vất vả, nhọc nhằn, ngày tết họ nghỉ ngơi, vui chơi, cúng tạ trời đất mong mưa thuận gió hòa, để mùa màng được thuận lợi. Ai cũng rọc lá gói bánh tét, bánh chưng, trông coi chụm lửa chờ giao thừa đến, chờ một mùa xuân mới an vui, hạnh phúc đang về. “Những đòn bánh tét tròn căng tỏa mùi nếp thơm quyến rủ, hiền lành được mẹ vớt ra, gỡ dây lạt, đặt trên bàn thờ gia tiên trong đêm ba mươi. Hoa quả, đèn hương nghi ngút, ấm cúng, thiêng liêng đến vô cùng!” (Bánh Tét Ngày Xuân - trang 142). Mùng bốn tết lại “Tết bò” như một tục lệ không thể thiếu, dù sau này họ không còn nuôi bò như xưa nữa. Tác giả đã kể: “Từ lâu rồi nhà tôi không còn cái chuồng bò mà cứ mùng Bốn tết cha bê nguyên mâm bánh tét ra đốt hương khấn vái. Tôi không sao quên trước cổng chuồng bò sau khi “tết bò”có một tấm vàng mã dán cứng lên đó. Những con Mẫm, Cộ, Nị…cũng được cha dán lên đầu một tấm vàng mã như lời nói có dán tem…” (Bánh Tét Ngày Xuân - trang 143).
        Và còn nữa, “Cánh Diều Tuổi Thơ” ngày ấy luôn là hình ảnh đẹp, quyến rủ của tuổi nhỏ, là món ăn tinh thần, là trò chơi luôn làm cho tâm hồn phong phú. Những cánh diều làm bằng giấy vở, “chấp chới trong khoảng trời rộng với tình yêu thiên nhiên bao la”, những cánh diều được cất cao trên cánh đồng chiều gió lộng chỉ còn trơ gốc rạ sau mùa gặt. Những “cánh diều” ấy luôn đi cùng năm tháng, từ xa xưa, đến bây giờ và mãi mãi… “Những cánh diều bay giần giật trên cao, chở theo những ánh mắt thơ ngây ngập tràn hạnh phúc…” ( Cánh Diều Tuổi Thơ - trang42). “Có những cánh diều len lén đi vào giấc mơ của tôi khiến mẹ nửa đêm giật mình thức giấc: “Thằng Út mớ ngủ, nói xàm, mồ hôi ra nhiều quá!” (Cánh Diều Tuổi Thơ - trang 42).
     Hình ảnh người con gái quê với chiếc áo nâu giản dị, với chiếc nón lá đơn sơ - đó là vẻ đẹp mộc mạc, hồn nhiên, nhưng đi vào lòng người. Chiếc nón lá đã tô điểm thêm cho người con gái nét dịu dàng, duyên dáng. Các mẹ, các chị, các cô ngày xưa luôn đội chiếc nón lá trên đầu mỗi khi ra đường, đó là một vật dụng cần thiết, không thể thiếu. Chiếc nón lá còn cho ta thấy được nét đẹp thanh tao khi các cô che nghiêng vành nón. “Ta không hề ngạc nhiên khi khách du lịch đến Việt Nam nhìn những cô gái Việt đội những chiếc nón bài thơ bằng cái nhìn thích thú, ngưỡng mộ. Chiếc nón bài thơ qua nhiều thế hệ đã làm tôn vẻ đẹp mặn mòi, duyên dáng, nên thơ của người con gái Việt Nam – đó là nét đẹp đặc trưng truyền thống mà có lẽ nó sẽ còn tồn tại mãi mãi” ( Nón Lá Nghiêng Che - trang 21).
         Tác giả nghe “Tiếng Guốc” vọng về từ nơi nào xa xưa lắm, tiếng guốc gõ nhịp như xói vào lòng anh nỗi nhớ, niềm hoài vọng khát khao. Tác giả nhớ “Tiếng guốc của mẹ lộp độp trong thềm, ngoài sân, ra ngõ rồi xa dần, xa dần mất hút”(Tiếng Guốc Khuya - trang 40). “Tiếng guốc nào cũng giống tiếng guốc nào; vậy mà có tiếng guốc rất  riêng để người ta nhận ra nhau trong đêm tối mịt mù” (Tiếng Guốc Khuya - trang 39). Và anh đã nhận ra tiếng guốc của cha, của mẹ, của chị một cách rõ ràng như của chính mình. “Tiếng Guốc” trong anh “như tiếng reo vui chào đón ngày mới êm đềm, hạnh phúc”.
     “Mỗi lần đi xa trở về nhìn thấy Đèo Cả lòng ta chợt ấm lại. Nó giống như tín hiệu nhấp nháy báo động tình cảm sắp vỡ tràn khi gặp lại những người thân sau bao tháng ngày xa cách” (Đèo Cả Còn Mưa - trang 139). Thật vậy, mỗi lần tôi có dịp về thăm quê, đến Đèo Cả là tôi cảm thấy như đã đến nơi rồi. Ngọn đèo quen thuộc, gần gũi với người dân quê tôi, Đèo Cả như cột mốc ghi dấu quê hương. Ngọn Đá Bia sừng sững trên cao như chào đón những người con xa quê hương trở về. “Qua Đèo Cả một sáng tinh sương, ta nao lòng bắt gặp một nụ hoa không tên mọc ven đường, không ai chăm chút song cứ roi rói sắc màu. Loài hoa dại khiến ta hoài niệm về một thời xa vắng”(Đèo Cả Còn Mưa - trang 140). Và “Qua Đèo Cả một chiều mưa não nề, sương lảng đảng trôi trên núi Đá Bia, ta bỗng nhớ câu ca dao da diết: “Chóp Chài đội mũ/ mây phủ Đá Bia/ Ếch nhái kêu lia/ Trời mưa như đổ” (Đèo Cả Còn Mưa - trang 140).
       Đọc “Mái Bếp Và Khói Lam” - được nghe nhắc kể lại, từ những hình ảnh đơn sơ, nhỏ nhoi, đến những âm thanh mộc mạc, tầm thường -  nhưng tôi cảm thấy nhớ, thấy thương quê nhà hơn nữa.
      Tác giả đã mở lòng - chân tình, nhạy cảm, ghi lại - dù chỉ là “một thoáng” nhớ thương, cũng đã tạo cho người đọc một sự đồng cảm rộng lớn, thân thiết. Đọc “Mái Bếp Và Khói Lam” - tôi chợt muốn trở về thăm lại ngôi nhà ngói đỏ ba gian mà mấy chị em tôi đã từng chung sống. Nơi ấy đã hằn in biết bao kỷ niệm êm đềm, buồn vui, gian khổ và hạnh phúc, mà suốt cuộc đời này tôi không bao giờ quên.
                                                                     Phú Hiệp, 11/2017
 
 


  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt