TIỂU NGUYỆT




Một Ngày Ba Mươi Tết
  Truyện ngắn
        
 
 
     Thằng Lâm đang ngồi chụm lửa cho nồi rượu ở dưới bếp, nó vừa gạt trấu vào lò, vừa lo lắng trong lòng; ngày này rồi mà chưa thấy ai tới mua rượu, không biết mẹ lấy gì mà mua sắm tết. Hôm nay là ngày cuối cùng của năm, mẹ nó bắt nồi rượu lên bếp cho nó trông chụm lửa, rồi chở can rượu đi từ nãy giờ chưa thấy về. Ngày nào mẹ Lâm cũng tất bật không biết bao nhiêu là chuyện, vừa chạy xuống đồng thăm ruộng, về ghé chợ mua ít rau, cá về đến nhà là nấu cơm ủ, pha cất rượu, cơm nước, giặt giũ; nên anh em nó luôn phụ giúp mẹ những việc lặt vặt như đi hốt trấu, chụm lửa, bớp cơm ủ v.v...
       Trưa, người ta có thời gian nằm nghỉ chứ mẹ nó làm không ngơi tay, xong việc còn đi bỏ rượu cho các quán. Trong cái xóm nhỏ này, nhà nào cũng làm rim gừng, rim bí, đổ bánh thuẫn, bánh kẹp thơm lựng; chuẩn bị đón tết mấy hôm nay, mà mẹ con Lâm còn chờ rượu bán hết mới có tiền để mua ít bánh mứt, áo quần mới cho anh em nó. Tụi con Thương, thằng Củn con bà Sáu -Thơ chạy qua nhà khoe, mẹ nó mua mấy hộp Chà là, bánh kẹo, và có cả một phong pháo dài thiệt dài. Nghe thế anh em Lâm háo hức lắm, nhưng cũng buồn lắm; nó nghĩ rồi khi nào có tiền mẹ nó cũng sẽ mua như nhà bà Sáu –Thơ vậy.
      Lâm lấy thúng hốt trấu đổ lên cửa lò rồi lấy cây sắt gạt cho trấu chảy vào lò. Rượu đã bắt đầu chảy. Lâm hứng chai vào, lấy riêng cho mẹ nửa lít rượu đầu tiên để dành, nếu ai muốn mua rượu ngon hơn thì thêm rượu này vào cho người ta. Con Na, thằng Tí đang chơi bên ngoài, bỗng chạy ào vào bếp kêu lên:
     -Anh Hai! Ra coi chị em con Thương mặc đồ mới kìa. Đẹp ơi là đẹp.
      Lâm làm ra vẻ chững chạc, mặc dầu trong lòng nó cũng nao nức thèm muốn không kém gì em nó. Lâm cười khỉnh:
     -Kệ tụi nó, chị em nó dù mặc đồ mới cũng chưa chắc gì sang bằng mấy anh em mình đâu, thiệt há.
     Thằng Tí cười:
     -Hôm nay thế nào mẹ cũng mua cho anh em mình mỗi đứa một bộ. Ngày cuối năm rồi, ai cũng mua rượu uống tết mà, phải không anh Hai?
     -Ừ! Đừng lo. Biết chừng lát nữa mẹ sẽ mua về đó.
   Ông Hai xóm trước ôm cái thẩu rượu bước vào nhà, ông cười với Lâm:
     -Bán ông 5 lít rượu để ngâm chuối đi con. Lấy rượu ngon đó nhen mầy.
     -Dạ! Mẹ con nấu rượu cao độ để bán tết, ngon lắm đó ông.
     -Ừ! Đong ông 5 lít đổ vào thẩu cho ông. Còn rượu nhiều không?
     -Dạ nhiều.
     -Hôm nay sẽ bán hết, ai chậm chân là không còn một giọt. Mẹ mày đâu?
     -Dạ! Mẹ con chở rượu bỏ quán rồi, chắc cũng sắp về rồi ông.
     -Năm ngoái, chiều ba mươi tao tới mua không còn một giọt, mùng bốn mẹ mày mới nấu lại. Năm nay, tao mua sáng cho chắc ăn, nếu có tiền mua sớm ngâm lâu mới ngon, nhưng giờ mua cũng được - ông Hai cười, thỏa mãn.
     -Dạ! Con cảm ơn ông Hai.
     Tiếp đến là bà Sáu - Hải, ông Ba - Củ, cô Mẫn và mấy người nữa ở xóm trước mang can đến mua rượu, ai cũng mua vài lít ngâm uống và đãi khách trong những ngày tết. Lâm nhanh nhẹn đổ thêm trấu vào miệng lò, chạy đi đong rượu cho mọi người, trông nó thật phấn khởi. Thằng Tí chạy lại ngồi trên chiếc ghế ở cửa lò cười nói với Lâm:
     -Anh Hai đong rượu đi, để em chụm lửa cho…
     Con Na sốt sắng lấy thúng chạy vào nhà chứa trấu vừa hốt vừa nghêu ngao hát. Nó mừng vì người ta đã bắt đầu đến nhà mua rượu, mẹ nó sẽ có tiền mua quần áo mới cho ba anh em nó ngay thôi; ngoài phố, ngoài chợ, người ta bán đầy.
     Chị Lượng dựng chiếc xe đạp ngoài sân, chị xách hai tay hai bịch bóng nặng trĩu bước vào nhà. Con Na chạy ra mừng rỡ:
     -A! Mẹ về rồi, để con phụ cho.
     -Rượu nấu gần xong chưa Lâm? Nãy giờ được mấy lít rồi?
     -Dạ! Mới 5 lít à mẹ. Chắc nửa giờ nữa là xong.
     -Nãy giờ có ai mua rượu không?
     -Dạ có, tiền con cất trong túi xách treo đầu giường đó, mẹ lấy mà đi chợ.
     -Ừ! Các con của mẹ giỏi lắm - Chị Lượng mỉm cười.
     Chị Lượng soạn những đồ vừa mua về ra rổ. Chị lấy bánh kẹo, rim mứt, đem lên nhà trên cất vào tủ. Rau sống, đậu ve, hành tây, cà rốt, dưa leo... chị trải ra trên chiếc sàn. Chị nhẩm tính trên các ngón tay những món cần phải mua. Chị Lượng liếc nhìn ba đứa con đang tròn xoe mắt về phía chị. Trong đầu chị là phép tính cộng trừ thật nhanh. Đôi mắt chị đỏ hoe khi bắt gặp những đôi mắt thơ ngây, long lanh chờ đợi. Chị cúi đầu quay đi che những giọt nước mắt đang ứa ra trên khóe mắt. Chị gượng cười với các con, và chị nghĩ; dù khó khổ thế nào chị cũng sẽ phải sắm cho các con mỗi đứa một bộ đồ cho tươm tất trong ngày tết. Năm nào cũng vậy, các con chị luôn là những đứa trẻ có đồ mới sau cùng của cái xóm nhỏ này.
        Từ ngày anh Bê - chồng chị mất đi, chị đưa các con về quê ngoại và dựng một căn nhà nhỏ trên mảnh đất ông bà để lại, mà mẹ chị đã dành cho. Chị Lượng làm đơn xin nhận ruộng để canh tác. Trong cuộc họp của cả đội, bà con xã viên, cán bộ đội, ban quản lý ruộng dự phòng, bàn cãi cả buổi; và cuối cùng, ban quản trị hợp tác xã nông nghiệp cứu xét cho chị nhận ba sào ruộng dự phòng. Từ đó chị bắt đầu nấu rượu nuôi heo, làm ruộng. Mỗi mùa, chị thu hoạch khoảng chín trăm ký lúa, khi nào được mùa chị thu cả tấn. Chị Lượng phơi lúa cho khô chất dồn để dành, mấy mẹ con chị nấu rượu lây lất qua ngày, khi cần thì xay một vài bao phụ tiền phân thuốc, quần áo, sách vở, tiền học hành cho các con. Cứ như thế, cuối vụ là đống lúa cũng vừa hết. Chị tâm nguyện, dù khó khăn, vất vả thế nào, chị cũng phải nuôi các con ăn học tới nơi, tới chốn; cho nên việc học của các con chị là trước hết, ưu tiên nhất. Chị luôn chỉ dạy thêm cho các con học mỗi tối. Nhờ vậy, các con chị thường xuyên đạt học sinh xuất sắc, tiên tiến, học kỳ nào cũng có bằng khen.
         Chị lật đật rửa ba ký thịt mới mua về cho sạch sẽ, rồi lấy một nửa bắt lên bếp luộc. Luộc xong, vớt ra để nguội, chị tất tả lấy cái áo khoát tròng vào - dặn Lâm:
     -Con đừng chạy đi chơi đó nhen, ở nhà ai có mua rượu thì bán. Mẹ chạy vô ngả tư rồi ra chợ mua thêm ít đồ nữa kẻo chợ tan.
     Thằng Tí ngần ngại nói nhỏ:
     -Mua một phong pháo nữa nghen mẹ.
     Chị Lượng ngước nhìn con, cười:
     -Ừ! Mẹ sẽ mua một phong pháo thiệt dài cho ba anh em con đốt giao thừa, được chưa?
     Mấy mẹ con chị rộn rã cười hồn nhiên, vui vẻ.
 
     ***
 
     Chị Lượng hớt hải chạy vào chợ. Chị đến gian hàng bán áo quần cho trẻ em. Gian hàng đã vắng khách, chỉ còn thưa thớt vài người có lẽ cũng như chị, không có tiền để mua sắm sớm. Cô chủ bán hàng đưa chị mấy bộ đồ còn lại cho chị lựa. Chị Lượng xem kỹ từng cái áo, cái quần, nhưng cái nào cũng không vừa cho các con. Cô bán hàng cho biết không còn bộ đồ nào nữa cả, chị Lượng cảm ơn rồi bước sang gian hàng khác. Chị xót xa trong dạ khi thấy những chiếc áo, chiếc quần còn lại, vải vừa xấu vừa đắc tiền, lại không có cái nào vừa cho các con chị cả. Chị nghẹn lòng, bùi ngùi nhớ lại tuổi nhỏ của chị, mỗi lần tết đến, chị sung sướng diện bộ đồ mới đi chơi khắp nơi cùng lũ bạn, từ sau ngày Ông Táo về Trời. Năm nào má chị chưa mua sớm kịp đồ tết cho chị, là chị buồn, chị dỗi. Ba bữa Tết, Chị hãnh diện đi vào ngả tư xem người ta hô bài chòi, hô lô tô; rồi cùng những đứa trẻ trong xóm xuống xóm Lẫm xem người ta xốc bầu cua; có khi xuống ngắm đường xe lửa để có thể nhìn thấy một chuyến tàu nào đó chạy ngang qua, khi hành khách trở về quê ăn Tết muộn. Hơn ai hết, chị hiểu trong lòng các con chị như thế nào trong cái ngày cuối năm này. Chị cố gắng hết sức cũng không thể mua áo quần mới cho các con sớm hơn được. Chị chạy khắp gian hàng này đến gian hàng nọ, gần hết chợ mà vẫn chưa thấy bộ đồ nào vừa cho ba đứa con của chị.
     Bước vào gian hàng cuối cùng, chị ngập ngừng, lo sợ. Chị sợ nỗi thất vọng của các con, nếu như chị không tìm mua được đồ Tết cho chúng. Tim chị đập dồn dập, hồi hộp. Chị lâm râm cầu nguyện, bất giác nước mắt ứa ra, chị tủi thân; giá như anh ấy còn sống, mọi việc đâu phải dồn hết cho chị. Ngày ấy, các con chị diện đồ mới cùng ba mẹ đi về ngoại, về nội tất niên; đón tết vui vẻ, hạnh phúc. Giờ đây, một mình chị vừa làm cha, vừa làm mẹ; chị cố hết sức để các con khỏi tủi thân vì thiếu tình thương của cha.
       Chị mạnh dạn hỏi:
     -Chị ơi! Tui muốn mua cho lũ nhỏ mấy bộ đồ, còn không chị?
     Chị chủ bán hàng cười thân thiện:
      -Còn đây, em lựa coi thử có cái nào vừa cho con nhà em không? - vừa nói chị chủ bán hàng vừa đưa cho chị xấp quần áo.
     Chị Lượng mừng rỡ, lật đật giở xấp đồ chị chủ vừa đưa. Chị run tay khi nhìn thấy cái quần xanh lá cây đậm mà chị ao ước cho con - chị mừng, cái này vừa cho thằng Lâm. Chị giơ lên coi kỹ, vải cũng tạm được. Chị bỏ qua một phía và chọn tiếp. Chị chọn được ba cái áo sơ mi trắng cho ba đứa, vải không đến nỗi nào. May quá! Có cả cho thằng Tí và con Na mỗi đứa một chiếc quần dài mầu xanh đậm, dạo chơi Tết ít bữa, rồi có cái mà đi học. Chị chủ bán hàng tỏ ra cảm thông với nỗi khó khổ ngày cuối năm của chị, tính tiền xong còn bớt cho chị một ít.
      Chị chủ bán hàng nhìn lên gương mặt đăm chiêu của chị Lượng, vui vẻ nói:
     -Chị bớt cho em một ít gọi là quà tất niên, hồi xưa chị cũng như em bây giờ nên chị biết. Chúc mấy mẹ con ăn tết vui nhen.
     Chị Lượng cảm ơn người bán hàng tốt bụng, chị vui vô cùng khi nghĩ đến niềm vui của các con. Chị nôn nã chạy mua thêm một phong pháo dài cho các con như đã hứa, để đốt cho vui nhà vui cửa, cũng có cái “gọi là tết” với hàng xóm, rồi tất tả về nhà...
 
     ***
 
     Về đến đầu hẻm chưa kịp cua vào ngõ, chị Lượng đã thấy thằng Tí và con Na đứng chờ ở đấy. Vừa nhận ra dáng chị, hai đứa vui mừng chạy ùa đến, lẽo đẽo theo sau xe - reo lên:
     -A! Mẹ đã về, mẹ đã về...
     -Sao không ở nhà phụ giúp anh mà ra đây vậy hai đứa?
     -Dạ! Tụi con ra ngõ chờ mẹ. Mẹ có mua quần áo mới cho tụi con không mẹ? - Con Na lo lắng.
     Chị Lượng chưa kịp trả lời con gái thì nghe tiếng thằng Lâm:
     -Làm gì mà hai đứa mầy chạy ra tít ngoài ngõ chờ rồi còn không kịp cho mẹ vào nhà hỏi lia hỏi lịa vậy hở? Coi chừng ăn đòn bây giờ đó nghe.
     Chị Lượng cười, giả lã:
     -Kệ nó đi con, nôn nóng quá đấy mà. Vào nhà rồi mặc thử cho mẹ coi có vừa không?
     Chị Lượng dựng chiếc xe đạp ngoài sân, rồi vào nhà ngồi nghỉ trên chiếc phản ở nhà trước. Chị giở bao đồ ra, đưa mỗi đứa một bộ đồ mới cho các con mặc thử. Ba đứa chạy vào trong thay bộ đồ mới, xúng xính bước ra. Chị Lượng ngắm nhìn, bộ đồ vừa khít như được đo cắt hẳn hoi, giống như ở tiệm may. Các con chị vui mừng, vừa nhìn vào bộ áo quần mới, vừa tủm tỉm cười, khiến chị không kiềm được niềm vui, cười đùa theo với các con. Nhìn thấy nét mặt mẹ xanh tái, Lâm vội chạy rót mời mẹ ly nước, với ánh mắt trìu mến. Vậy là các con chị đã có đồ mới để rong chơi ngày xuân, dù chỉ đi lòng vòng trong xóm; hay xa lắm cũng chỉ vô ngả tư rồi về nhà, không thua kém bạn bè.
     Chị Lượng cùng các con chuẩn bị nấu nướng cúng tất niên. Con Na, thằng Tí phụ lặt rau, gọt củ giúp mẹ. Lâm lo lau dọn nhà cửa, bàn ghế. Nó dùng chổi quét lên tường, lên trần nhà cho hết mạng nhện; rồi quét dọn lau nhà cửa sạch sẽ. Các con chị vừa phụ giúp mẹ, vừa ca hát như chim. Chị chợt cảm thấy dường như mùa xuân về sát bên cửa rồi, chỉ còn một chút nữa thôi là tràn vào nhà.  Những khúc ca xuân rộn rã vang lên từ chiếc cassett của những nhà hàng xóm, càng giục giã thêm.
        Ánh xuân tràn ngập khắp nơi, nhà nào cũng đơm hoa, chưng kiểng, trong không khí ấm áp. Một phút chạnh lòng, chị Lượng bỗng thấy mình nhỏ nhoi quá, cô đơn quá giữa giòng đời đang cuồn cuộn chảy. Những lúc mỏi mệt chị cũng gắng sức bơi, bơi mà không biết sẽ tựa vào đâu. Chị thấy lẻ loi dù mùa xuân đang về; có lẽ các con chị là mùa xuân lớn nhất, niềm vui lớn nhất còn lại trong lòng chị.
     Ngày cuối của năm trôi qua nhanh, như những tia nắng cuối năm vàng óng, sóng sánh như màu mật, rồi chìm tắt. Tiếng gọi nhau, hỏi thăm nhau đã chuẩn bị đầy đủ chưa rộn ràng của bà con hàng xóm; sao mà chị lại thấy trống vắng, hiu hắt buồn. Chị cặm cụi làm, cặm cụi sống, có khi không còn nhớ đến ngày tháng, nhớ đến bản thân mình nữa.   Chị lúi cúi bỏ than đã đỏ vào bàn ũi, để ũi đồ cho các con. Chị ũi thẳng thóm mấy bộ đồ mới mua treo lên móc cho các con, rồi chạy vào tủ lục lấy bộ đồ cũ của mình mang ra. Đã bao năm rồi, chị không có thêm một bộ đồ nào. Chiếc áo sơ mi trắng chị may năm năm trước đã sờn cổ, nhưng vẫn còn trắng tốt. Chị hài lòng với những gì mình đã có, và chỉ ước sao cho được khỏe mạnh, để có thể kề cận bên các con, chăm lo cho chúng đến ngày trưởng thành.
        Chị sắp những đôi dép mới của các con, bên dưới mỗi bộ quần áo của mỗi đứa. Chị treo chiếc áo sơ mi trắng bên ngoài chiếc quần đen đã bạc mầu của chị lên móc áo, rồi lấy đôi dép sambo anh đã mua tặng chị nhân kỷ niệm năm năm ngày cưới để bên dưới như của các con. Nhìn đôi dép, chị lại nhớ anh quay quắt; đôi dép đã sờn cũ, bạc mầu thời gian, nhưng tình yêu chị giành cho anh sẽ không bao giờ phai nhạt.
          Thắp xong nén nhang trên các bàn thờ, thì  chị bổng nghe tiếng pháo nổ. Tiếng pháo râm rang từ xóm trên, lan dần đến trước ngõ nhà. Giao thừa đang đến. Năm mới đã bắt đầu. Nghĩ đến buổi sáng khi thức dậy, nhìn các con reo vui cùng bộ áo quần mới - tự dưng đôi mắt chị rưng rưng một niềm hạnh phúc…
 
                                    10/2017                                                                                        


  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt