TIỂU NGUYỆT

 
Một Ngày Dài Một Đời Người
CHƯƠNG MƯỜI
 
NIỀM VUI CÒN LẠI VỚI ĐỜI
 
Tìm gặp được Uyên, cơn bệnh nóng sốt, nhức đầu hôm trước của bà Trâm tự nhiên biến mất, bà thấy lòng nhẹ hẩng, khỏe khoắn như chưa bao giờ ngã bệnh. Ba mươi năm qua bà đã ao ước, tìm kiếm mong có ngày được gặp lại đứa con gái bé nhỏ của mình. Hôm nay, niềm hy vọng đó đã trở thành hiện thực như một phép mầu. Bà nghĩ, giá mình có chết cũng yên lòng rồi, nhất là Uyên bây giờ là một sư cô đạo hạnh được mọi người kính trọng, có con đường đi an vui giữa đời.
Bà Trâm vui mừng đưa sư cô Diệu Nhân về thăm lại ngôi làng Gò Tre xưa, thăm mảnh đất con đã sinh ra, thăm bà con dòng họ, đốt cho ông bà nội ngoại nén hương, coi như báo tin vui cho ông bà như lời bà đã hứa nguyện.
Trên đường về, bà Trâm rộn ràng nhắc cho sư cô nhớ lại từng nơi đang đi qua, những cái tên “Ngả ba Cây Bảng”, “Lò Gốm”, “Trường Thịnh”. Sư cô Diệu Nhân lắng tai nghe lời mẹ, nhưng vẫn cảm thấy lạ hoắc, lạ huơ dù có cố gắng moi trong trí nhớ, sư cô cũng không thể nào nhớ nổi; dù vậy, lòng vẫn cảm thấy vui vui.
Đến dốc Dòi rẽ vào nhà, bà Trâm kêu tài xế taxi dừng xe, mở ví trả tiền rồi xuống xe đi bộ về nhà để có dịp nhắc con gái bà nhớ lại con đường tuổi thơ Uyên thường chạy rong chơi. Bà Trâm chỉ vào dốc Dòi cười với con gái: “chỗ này khi xưa con cùng mấy bạn trong xóm thường hay chạy ra đây quay chong chóng nè”; rồi bà nói cho sư cô biết, làng quê mình giờ đây không còn những lũy tre xanh dày bao quanh nữa; thay vào đó là nhà, vườn, những lò gạch ngói, khói lên ngui ngút ngày đêm.
Sư cô Diệu Nhân thoáng nhớ lại ngôi làng xưa đã mờ xa trong trí nhớ, chỉ còn loáng thoáng bóng tre xanh. Những lũy tre đã từng theo cô vào giấc ngủ, đã ru cô theo nỗi buồn, không biết đường về nhà, tìm kiếm người cha, người mẹ mà cô không còn nhớ tên. Hôm nay, sư cô đã bước đi trên con đường quê, được hít thở bầu không khí quê nhà, lòng cô cứ bồi hồi, lao xao một nỗi niềm, vừa vui vừa buồn khó tả.
Một cụ già từ trong dốc Dòi đi ra, thấy mẹ con bà Trâm liền dừng lại nheo mắt nhìn cất tiếng hỏi, giọng khàn khàn:
- Đứa nào đấy bay?
Bà Trâm nhìn ông một lúc rồi nhận ra là ông bảy Hào, đội trưởng đội 2 hợp tác xã nông nghiệp, thường dẫn bà con xã viên đi làm khi xưa. Bà cúi chào vui vẻ:
- Dạ, cháu chào bác Bảy! Con là Trâm, vợ Tư, dâu bà Chín đó. Bác đi đâu về vậy?
Ông Hào gật gật cái đầu, như đã nhớ ra, liền cười:
- Tao nhớ rồi. Cháu về khi nào đấy? Ở bên đó nghe nói lạnh lắm hở cháu?
- Dạ lạnh lắm. Sống lâu cũng quen dần, bác à!. Tiểu bang của cháu thường rất lạnh, nhưng có máy sưởi ấm, rồi thứ gì cũng quen hà - bà Trâm nhìn chậm lên gương mặt sạm nắng, nhăn nheo của ông Bảy - bác khỏe không?
Ông Hào chép miệng:
- Khỏe gì đâu cháu ơi! Hễ trở trời là đau, là nhức chịu không nổi. Tao đi tới, đi lui cho thư giãn một chút - quay nhìn sư cô Diệu Nhân giọng phân vân, còn sư cô nào đây cháu?
Bà Trâm cầm tay sư cô, giới thiệu:
- Dạ đây là sư cô Diệu Nhân, con gái cháu đó bác.
Sư cô Diệu Nhân mỉm cười, cúi chào ông Hào:
- Mô Phật! Cháu chào ông.
Ông Hào nhướng mắt nhìn một lúc rồi hỏi:
- Con gái nào? Tao nghe nói hình như con gái cháu bị thất lạc trên đường Bảy rồi mà. Vậy là cháu tìm được con rồi hở?
Bà Trâm không nén được niềm vui, cười cởi mở :
- Dạ! Nhờ chư Phật phù hộ, chỉ dẫn cháu mới gặp được Uyên đó bác. Hôm nay cháu đưa con gái về thăm quê, thắp cho ông bà nén hương - quay qua sư cô, đây là ông Hào, đội trưởng đội sản xuất nông nghiệp khi xưa ông dẫn mẹ cùng bà con xã viên đi làm đó sư cô.
Sư cô Diệu Nhân cười tươi:
- Mô Phật, vậy sao mẹ?.
Đôi mắt ông Hào sáng quắt lên, vẻ hào hứng:
- Phật ơi! Ông chúc mừng hai mẹ con cháu đã gặp được nhau. Còn thằng Tư có về chơi không? Từ ngày qua bên đó nó chưa về hở cháu?
Bà Trâm nghe ông Hào hỏi thăm chồng, lòng chợt buồn, giọng bà bổng trầm xuống:
- Dạ! Chồng cháu mất rồi bác Bảy à, nếu không ảnh cũng về chơi đó bác.
Ông Hào ngạc nhiên:
- Trời ơi! Nó mất khi nào? Mấy tháng trước tao có gặp con Ba về đây, tao hỏi, nó nói vợ chồng cháu mở cái xưởng may gì đó làm ăn được lắm mà, có nghe nó nói bệnh gì đâu.
Bà Trâm, giọng đượm buồn:
- Dạ! Tụi cháu có mở xưởng may làm ăn cũng được. Anh Tư bị bệnh phổi, lâu thành mãn tính rồi chuyển sang K. Chắc do anh lao tâm, lao lực, với lại ngày trước ở trong trại cải tạo đến lúc về nhà cũng vậy, làm thì nhiều mà ăn uống thiếu thốn, nên sức khỏe suy nhược dần; như cái cây khô thiếu nước vậy đó bác, có tưới bao nhiêu cũng không lại sức được.
Ông Hào chép miệng:
- Tội nghiệp! Thằng Tư nó hiền lành, dễ thương. Bác chia buồn cùng cháu nhé! Thôi mẹ con cháu về đi, tao đi à nghen.
- Dạ! Cháu cảm ơn bác Bảy. Bác đi ạ!
Mẹ con bà Trâm rẽ xuống con dốc, về nhà.
Ân nhìn thấy bà Trâm đưa về một sư cô, anh nghĩ, chắc bà mời sư cô về tụng kinh cầu an trong nhà, vội bước ra cúi đầu chào:
- Cháu chào mợ! Mợ mời sư cô về tụng kinh hả mợ? - quay qua sư cô, Mô Phật. Chào sư cô!
Sư cô Diệu Nhân cúi đầu đáp lễ:
- Mô Phật. Chào anh!
Bà Trâm cười thật tươi, cầm tay sư cô giới thiệu:
- Đây là sư cô Diệu Nhân, là con gái của mợ - bé Uyên đó, nhớ không? Mợ mới gặp được Uyên, đưa về thăm quê, đốt cho ông bà nén hương. Trời Phật độ trì, cuối cùng mợ cũng tìm được con gái - quay qua sư cô, đây là anh Ân con của cô Ba con đó.
Ân reo lên, mừng rỡ:
- Mợ tìm được Uyên rồi sao? - quay nhìn sư cô, anh lúng túng - mời mợ và … giọng ngập ngừng, mời sư cô vào nhà.
Sư cô Diệu Nhân đỡ lời:
- Mô Phật. Cảm ơn anh! Anh gọi tôi là Uyên cũng được mà.
Ân cười hiền:
- Dạ! Cảm ơn sư cô!
Mọi người trong gia đình hay tin bà Trâm đã tìm được Uyên, vội về để gặp mặt. Ai cũng vui mừng khi biết Uyên bây giờ là sư cô Diệu Nhân, nguyện hiến dâng cuộc đời cho việc thiện lành, ban vui cứu khổ cho người, cho đời.
Kim Lan cười mà nước mắt rưng rưng:
- Em chúc mừng chị đã tìm được Uyên. Giờ đây, chị hãy sống những ngày cuối đời thật vui vẻ chị nhé! Em nghĩ, anh Tư ở cõi xa cũng mong chị như vậy.
Bà Trâm nhìn em gái trìu mến:
- Cảm ơn em gái! Chị sẽ làm một bữa tiệc chay, cảm tạ Trời Phật đã phù hộ cho chị tìm được Uyên, sẽ mời bà con xóm giềng, bạn bè và người thân. Ngày chủ nhật này, Toàn sẽ về đây, mừng gia đình đoàn tụ.
Cuội vui vẻ:
- Mừng cho chị! - rồi đăm chiêu, hổng biết thằng Toàn nay ra sao? Chắc cũng ốm nhom như xưa chớ gì?
Kim Lan nhìn Cuội cười vui:
- Thì chủ nhật này cậu thấy nó chứ thắc mắc gì. Đúng là Cuội, cứ ở trên cung trăng hổng biết gì ráo trọi.
Cuội cười hồn nhiên:
- Cái bà chị này, lúc nào cũng chê em út. Thiệt là!
Mọi người cùng cười theo Kim Lan và Cuội.
Trong hai ngày chờ Toàn về, bà Trâm đưa sư cô Diệu Nhân về nhà mẹ đẻ của mình, thắp hương cho ông bà ngoại rồi đi thăm từng nhà quanh xóm. Bà giới thiệu cho sư cô biết từng người quen trong xóm, đâu đâu bà cũng gợi lại tuổi thơ của cô. Sư cô Diệu Nhân xúc động, lòng bồi hồi theo từng lời giới thiệu của mẹ, cô biết mẹ đã vui mừng biết ngần nào khi tìm được mình; và cô thấy tự hào vì có được một người mẹ nhân hậu như mẹ Trâm.
Bà Trâm nhờ Cuội thuê chiếc xe mười hai chỗ cả nhà cùng đi đón Toàn về. Vừa ra khỏi cửa số ba, Toàn đã nhìn thấy mẹ cùng mọi người đang chờ; anh vội kéo va li đi nhanh lại phía mẹ, cười vui vẻ:
- Con chào mẹ. Chào cô. Chào Dì. Chào cậu - quay qua sư cô Diệu Nhân, anh rụt rè, mô Phật. Chào sư cô.
Sư cô Diệu Nhân cố moi trong trí nhớ ít ỏi, mờ mịt của mình hình ảnh đứa em trai một tuổi, nhưng cô chẳng nhớ một chút nào. Trước mặt sư cô là một thanh niên cao lớn, khỏe mạnh, lịch lãm. Sư cô chợt thấy lòng hân hoan, khi nghĩ chàng thanh niên kia là em trai của mình. Một sợi dây tình cảm thiêng liêng, ruột thịt, khiến sư cô cảm thấy gần gũi, thân thiện. Dòng máu đang chảy trong người của cô, cũng là dòng máu đang chảy trong cơ thể củaToàn.
Sư cô Diệu Nhân tươi cười, nhìn em trai thân thiện:
- Mô Phật. Chào Toàn. Chị không nghĩ em trai của chị đẹp và trưởng thành như vậy.
Toàn cảm thấy tự nhiên hơn, dạn dĩ hơn:
- Dạ! Em nhờ “zen” của ba - cao, zen của má - đẹp, đó chị.
Cuội chen vào:
- Ba của cháu ốm nhom như cây sậy, cao to gì mà zen ba, hở?
Toàn cười lớn:
- Cháu nhớ bà nội thường nói đùa, cháu sinh rớt trúng “hầm chuồng heo”.
Cả nhà cười “ồ” theo lời nói vui của Toàn, cùng nhau lên xe về lại Phú Hiệp.
Trên đường về, dù Toàn được xếp ngồi bên cạnh sư cô, nhưng anh cứ liếc nhìn trộm sư cô Diệu Nhân hoài. Dường như anh cố nhớ lại trong trí nhớ non nớt trẻ thơ, hình bóng của Uyên - người chị thân yêu mà anh không được gần gũi? Anh thấy chị gái của mình thật đoan trang, hiền thục - cái đẹp nhu mì, phúc hậu, nhìn là thấy mến, thấy quý; lại là một sư cô đã nguyện suốt đời học Phật, anh càng quý kính chị nhiều hơn. Anh nghĩ, gia đình mình có phước duyên lắm mới có được người con, người chị là một sư cô đạo hạnh như vậy.
Sau khi về đến nhà, bà Trâm đưa hai con đi thăm mộ ông bà nội ngoại, thắp ông bà nén hương, coi như báo cho ông bà biết mẹ con bà đã được đoàn tụ. Ngày hôm sau bà làm một bữa tiệc chay, trước là cúng ông bà tổ tiên, sau là mời bà con, xóm giềng chia vui cùng mẹ con bà và cũng để giới thiệu với mọi người bà đã tìm được Uyên. Trong lòng bà xưa nay luôn nghĩ đến ngày cúng tạ đền ơn việc đoàn tụ hạnh phúc này.
Chính bà Trâm đi thăm, mời tất cả bà con trong làng, những người bạn cũ, anh chị em, con cháu trong nhà đến chung vui cùng bà. Sư cô Diệu Nhân tụng hồi kinh cầu an, ghi ân chư Phật đã độ trì cho mẹ con gặp nhau, gia đình sum họp.
Bà Trâm lại bên bàn ông Hào cười thật tươi, giọng ân cần:
- Cháu cảm ơn bác Bảy, cháu cảm ơn các bác, các cô, dì đã tới chung vui cùng mẹ con cháu. Mọi người ăn chay thấy thế nào? Có thích không ạ?
Ông Hào vui vẻ:
- Chay mặn gì bác cũng ăn được hết. Giờ lớn tuổi, ăn chay thấy nhẹ người hơn cháu à!
Bà Hưởng góp lời:
- Trước kia vô hợp tác xã, chỉ ăn rau củ trong vườn mấy mặn, mấy chay mà cũng qua hết. Có ăn là tốt rồi phải không mọi người?
Khả - cháu nội bà Dư thắc mắc:
- Tụi cháu có biết gì về hợp tác xã đâu, chỉ nghe nói chớ hổng thấy.
Bà Hưởng cười, chỉ vào ông Hào:
- Thì mày cứ hỏi ông Hào sẽ rõ. Ổng dẫn mọi người đi làm mà - bà cười lớn, muốn biết ông ấy cho biết.
Ông Hào xua tay:
- Cái bà Hưởng này, tới giờ mà cũng hổng chịu tha cho tui, thiệt là. Tui cũng làm theo tiếng kẻng cơ mà!
Bà Hưởng cười hả hê:
- Ai biểu hồi đó ông chê tui chi, tui sẽ theo ông xuống… - giọng bà ngập ngừng, xuống… xuống mồ luôn đó.
Ông Hào cũng không vừa:
- Bà theo xuống mồ mà làm gì, tui ở trên kia mà. Bà phải nói là kiếp sau ông đi đâu tui đi đấy thì mới gặp được tui chớ.
Cả bàn cùng cười theo lời ông Hào. Bà Hưởng cũng cười theo, rồi lớn giọng:
- Ông nhớ lời ông nói đấy nghen. Kiếp sau gặp tui mà bỏ chạy là chết.
Mọi người cười vui vẻ. Ông Tâm, con người chú họ của ông Tư nâng ly, giọng rổn rảng:
- Mọi người cùng nâng ly chúc mừng đi nào! - rồi chép miệng, anh Tư mà còn sống thì vui biết mấy!
Mọi người cùng nâng ly, nói cười vui vẻ.
Buổi tiệc đã kết thúc viên mãn.
Bà Trâm đưa Toàn lên thăm chùa Khải Tâm, cũng là đưa sư cô trở về chùa. Sau buổi gặp gỡ với mọi người, bà Trâm cảm thấy nhẹ tênh, lòng lâng lâng niềm vui. Một niềm hạnh phúc rộng lớn đã ập đến như một giấc mơ, cứ xôn xao trong lòng khiến bà cảm nhận được sự bình yên lâu dài.
Một buổi chiều, sau khi bà Trâm, Toàn cùng sư cô hành lễ xong, ba mẹ con cùng đi dạo quanh chùa yên vắng. Mỗi người đều cảm nhận một niềm hạnh phúc riêng, sâu lắng, đang thấm đẫm trong lòng. Toàn nhận ra sự ấm áp, an bình khi được sống trong tình thương yêu của của mẹ, của chị những ngày ở đây. Anh nghĩ, ngôi chùa Khải Tâm hẻo lánh, nhỏ bé này sẽ luôn là nỗi nhớ, để anh trở về thăm lại sau những tháng ngày tất bật với công việc căng thẳng, mệt nhọc ở xứ người.
Dừng trước Quan Âm Các, sư cô Diệu Nhân chắp tay cúi lạy mẹ Quan Âm rồi ngước lên nhìn Toàn, vui vẻ:
- Đây là công trình mẹ đã trợ góp chị mọi chi phí để thực hiện đó em.
Toàn reo lên:
- Ồ! Hay quá! Em nghĩ có sự dẫn dắt của chư Phật, chị à!
Bà Trâm mỉm cười:
- Đúng vậy. Mẹ nghĩ đức Phật từ bi đã đưa mẹ về đây theo tiếng chuông chiều của chùa Khải Tâm vang vọng mấy năm trước. Từ đó, đi đâu thì đi nhưng mẹ luôn về đây, trước khi trở qua Mỹ.
Sư cô Diệu Nhân nhìn mẹ âu yếm:
- Được mẹ chăm sóc trong lần nằm viện, con cứ ao ước được làm con của mẹ, được mẹ thương yêu, an ủi. Không ngờ niềm mơ ước đó lại thành sự thực. Con nghĩ, tất cả đều có sự sắp xếp mầu nhiệm của nhân duyên mẹ ạ!.
Toàn góp lời:
- Em đồng ý với chị. Tất cả đều là do duyên nghiệp hết hở chị?.
Bà Trâm nhìn con trai, giọng từ tốn:
- Mẹ sẽ ở lại đây với chị con, sẽ bên cạnh giúp sư cô làm công việc Phật sự. Mẹ nghĩ, đây mới là đời sống đích thực mà cuộc đời dành cho mẹ. Con cứ làm việc ở bên đó, mẹ sẽ sang thăm, sống với con vài tháng rồi trở về đây vài tháng. Cứ vậy đi, con nhé!
Toàn càng thương mẹ nhiều hơn khi nghe mẹ nói. Anh ôm chầm lấy mẹ rưng rưng nước mắt:
- Mẹ ơi! Con đã lớn rồi, mẹ đừng lo gì hết, hãy sống theo ý muốn của mẹ, mẹ nhé! Mẹ phải bù đắp cho chị, bởi chị đã mất mát quá nhiều, mất tình thương yêu của mẹ, của ba; còn con, đã có đủ. Con sẽ rất vui được về đây thăm mẹ và chị.
Sư cô Diệu Nhân xúc động, giọng nghẹn ngào:
- Chị cảm ơn em! Gặp lại mẹ chị vui lắm rồi. Cứ để mẹ muốn thế nào tùy mẹ. Em về bên đó, nhớ giữ sức khỏe, có dịp về thăm chơi, em nhé!
- Dạ! Em sẽ rất nhớ mẹ và chị. Chị cũng giữ sức khỏe, trông chị gầy quá!
Hoàng hôn buông nhanh chỉ còn vài vệt nắng vương vãi trong sân chùa, trên cành cây cao. Núi đồi một mầu sẫm tối, yên lặng. Tiếng kêu của loài chim “thương con, nhớ cậu” vang lên trong ánh hoàng hôn sẫm màu. Mẹ con bà Trâm nhìn lên bầu trời cao, dường như mặt trăng đã nhô lên từ hướng đông cuối chân đồi. Ánh sáng dịu dàng tỏa xuống khắp vùng núi đồi, hoang vu, quạnh quẽ.
***
Tiễn Toàn ra sân bay trở về Mỹ, bà Trâm và sư cô Diệu Nhân nhìn theo bóng dáng Toàn cắm cúi bước lên cầu thang, lòng xúc động, bồi hồi. Toàn dừng ở cuối cầu thang, quay nhìn lại, vẫy tay chào mẹ và chị rồi đi vào bên trong.
Chiếc máy bay hãng hàng không Airline American cất cánh bay lên cao, ghi những ánh đèn chớp màu đỏ giữa trời đêm mênh mông, khi thành phố Sài Gòn chưa thức giấc.
Bên dòng sông Tắc
Nha Trang, ngày 4/12/2019

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt