TIỂU NGUYỆT

 
Một Ngày Dài Một Đời Người

CHƯƠNG CHÍN
 
CUỘC HẠNH NGỘ MẦU NHIỆM
 
Chiếc máy bay của hãng hàng không Airline American đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất lúc bốn giờ sáng, bà Trâm làm thủ tục nhập cảnh, lấy hành lý rồi ra cửa số bốn. Bà gọi chiếc taxi rồi đến ga Sài Gòn vào quầy bán vé mua vé tàu về Quê. Chuyến tàu TN1- Bắc Nam sẽ khởi hành vào lúc sáu giờ sáng, bà vừa kịp giờ lên tàu, về Tuy Hòa.
Bà Trâm muốn về quê bằng tàu hỏa, bởi bà muốn được nhìn ngắm từng nơi chốn đã đi qua, để tìm nhớ lại vài kỷ niệm cũ. Bà bồi hồi khi nhìn thấy tất cả đã thay đổi, dường như chỉ có cánh rừng phía xa và bầu trời trên cao là không thay đổi, vẫn sáng trong, xanh thẳm. Về bằng tàu hỏa còn gợi cho bà nhớ cảm giác của những chuyến tàu chợ ngày nào, các toa đều chật cứng, chen chúc người cùng hàng hóa đã làm chân bà mỏi nhừ vì không còn chỗ ngồi trong những lần đi thăm nuôi chồng. Chuyến tàu hôm nay trông rộng rãi, sạch sẽ, có giường để nằm, ghế ngồi mềm thoải mái. Bà vui cho quê hương đang có sự đổi mới, như cánh chim non muốn cựa mình bay lên cao.
Lần trở về này bà mới được đi cùng chồng, dù ông chỉ còn là một nắm tro tàn sau bao nhiêu năm lận đận ở xứ người. Đôi lúc bà thấy như ông đang ngồi bên cạnh chia sẻ cùng bà mọi cảm xúc vui buồn, bao nỗi đau thương mất mác đã qua.
Chuyến tàu TN1 đã khởi hành đúng giờ, tốc độ nhanh, bà Trâm hít thở nhẹ nhàng làn gió mát buổi sáng sớm. Lòng bà dấy lên một nỗi buồn man mác về sự khác biệt giữa những ngôi nhà vừa thoáng qua trước mắt mình qua khung cửa sổ của con tàu. Những ngôi nhà lụp xụp, nghèo nàn chạy dọc theo đường ray xe lửa, tạm bợ, san sát nhau, không còn một chỗ hở cho đất thở. Phía xa kia là những ngôi nhà nhiều tầng vươn lên cao, như biểu lộ sự giàu sang. Hai đời sống khác nhau, giữa một thành phố. Lòng bà lại cảm thấy gần gũi, thiện cảm với những ngôi nhà nhỏ nhoi kia hơn, trông nó cam phận, nhẫn nại đến tội nghiệp.
Con tàu chạy nhanh ra khỏi thành phố, hai bên đường là những hàng cây cằn cỗi, những mảnh đất mọc đầy cỏ năng ngập nước. Bà ước gì mình bỏ được nỗi buồn ở lại phía sau, như những cảnh vật thoáng vụt qua trước mắt mình thì nhẹ nhàng biết dường nào. Nỗi buồn trong bà cứ “lắc lư” theo con tàu qua từng nẻo đường, từng làng xóm quê hương.
Tàu chạy ngang qua tấm biển “ga Gia Ray”, bà bỗng giật thót mình. Con đường nhỏ lên rẫy ngày nào chạy qua trước mắt, gợi cho bà cái cảm giác ngày đầu đi thăm nuôi chồng, khi ông vừa chuyển tới trại cải tạo Z30A. Bà vội chỉ tay vào con đường giọng xúc động, như thì thầm với chồng: “Nhìn đi anh! Con đường tắt lên rẫy, em đã theo hai vợ chồng người nông kia khi anh vừa chuyển đến trại Z30A. Anh thấy không? Em đã từng đi trên con đường ấy để được gặp anh đó!”. Rồi, bà gục đầu vào cửa sổ: “Con đường còn đấy mà anh đã đi xa rồi. Anh ơi!”.
Bao nỗi niềm xưa bỗng ào ạt trở về, lòng bà cứ chao nghiêng theo con tàu, làm bà thấm mệt. Bà nằm xuống nghỉ, bao nỗi buồn lo cứ xoay quanh, thao thức trong lòng, rồi bà ngủ quên lúc nào chẳng biết.
Khi tàu qua hầm đèo Cả, bà chợt tỉnh giấc. Bà ngồi dậy nhìn đồi núi, làng xóm, ruộng vườn của quê mình đang hiện dần ra trước mắt. Bà nghĩ, tới đèo Cả là đã tới nhà rồi, như bao người con đất Phú Yên đã nghĩ khi đi xa trở về. Nhìn quanh đâu đâu cũng là hình ảnh quen thuộc của quê hương - Hảo Sơn, cầu So Đũa, Thạch Tuân, cầu Lưới Gõ… cảm xúc lại dâng tràn trong lòng bà khi nhận ra cầu “Lưới Gõ”, chiếc cầu sắt mà bà thường nhìn thăm chừng tàu đã ra chưa mỗi lần có dịp đi Tuy Hòa bằng tàu lửa ngày nào. Bà đi vừa tới cầu Bi, lúc nào cũng nhìn về phía cầu Lưới Gõ, thấy tàu đang tiến vào cầu là bà phải cắm đầu chạy thật nhanh mới ra sân ga kịp giờ tàu đến.
Dù chỉ vừa nhìn thấy hình ảnh của quê nhà qua khung cửa sổ của con tàu, bà đã có cảm giác như đang đứng trên con đường quê, đang nghe ngọn gió nồm mát dịu trên đồng lúa quê mình. Bao nhiêu năm đồng lúa vẫn reo vui một màu xanh thắm, nặng tình với bà con dân quê mỗi năm cho hai vụ mùa thủy chung, không thay đổi.
Tàu đã về đến ga Tuy Hòa, bà Trâm xuống tàu gọi taxi về nhà thì trời vừa sẫm tối. Bà Ba - chị của ông Tư, chạy ra sân khóc òa:
- Các em đã về đến nhà, nhưng thằng Tư của chị chỉ còn là… còn là… em ơi!
Giọng bà Ba nghẹn ngào làm bà Trâm òa khóc theo.
Bà Trâm - giọng ngập ngừng:
- Chỉ là… chỉ là… một nắm tro tàn, chị ơi!
Hai chị em ôm nhau, khóc nức nở.
Ân - con trai của bà Ba, người đang ở ngôi nhà xưa kia của cha mẹ ông Tư, vội ra sân, cúi đầu chào bà Trâm:
- Cháu chào mợ! Cả ngày đi đường đã mệt, mợ vào nghỉ một lát cho khỏe rồi ăn cơm. Ở nhà biết tin, đã chuẩn bị cả rồi.
Bà Trâm quay nhìn Ân, trìu mến:
- Cảm ơn cháu! - quay qua bà Ba, chị em mình vào nhà thôi chị.
Bà Trâm đặt hoa quả lên bàn thờ, mang cái túi xách đựng linh cốt chồng, nước mắt rưng rưng, chậm rải mở, như sợ động đến ông. Hai tay bà ngập ngừng đặt hủ linh cốt ông Tư lên bàn thờ cạnh tấm ảnh của ông đã được chưng sẵn. Bà run run thắp ba nén hương, đôi mắt nhắm nghiền, cúi đầu lâm râm khấn nguyện.
Vừa cắm hương vào lọ, bà Trâm bổng khóc òa, khụy xuống sàn nhà. Bà Ba và Ân vội vàng đỡ bà Trâm ngồi lên, rồi thay phiên thắp hương bái lạy, thì thầm cầu nguyện. Tất cả đều nín lặng. Khi nhang gần tàn, bà Ba nói lớn: “Thôi, đi ăn cơm, em!”.
Một bữa cơm hội ngộ chị em mà nỗi buồn cứ trào dâng, nghẹn ngào khiến ai cũng không nuốt nổi.
Bà Ba gắp bỏ cho em dâu miếng cá nướng, giọng nghẹn ngào:
-Ráng ăn đi em, cá rô nướng mùa này béo lắm. Chị nhớ hồi xưa thằng Tư rất thích cá rô nướng chấm với rau lang luộc.
Bà Trâm nghe chị nói nước mắt rưng rưng như muốn chực chảy xuống. Ân liếc nhìn mẹ, nháy mắt, khỏa lấp:
- Cá rô nướng chấm với rau lang luộc ai mà chả thích. Con cũng thích nè!
Bà Ba cười giã lã:
- Ừ nhỉ! Món này quê mùa vậy mà ai cũng thích - quay nhìn em dâu bà nhắc chừng, ăn đi em, sáng mai chị em mình cùng đi chợ nhé!
Bà Trâm đưa tay quẹt nước mắt:
- Dạ! Sáng mai chị em mình cùng đi chợ, sửa mâm cơm cúng ông bà và cúng linh cho anh Tư luôn nghen chị.
Ăn cơm xong một lát, Kim Lan và vợ chồng Cuội đến nhà mừng chị gái đã trở về. Kim Lan chạy lại ôm chầm lấy chị, giọng sũng ướt:
- Chị ơi!
Hai chị em lại ôm nhau khóc thút thít. Bà Trâm ngập ngừng:
- Chị đã đưa anh Tư về nhà rồi, em ơi! Tụi em vào thắp hương cho anh đi!
Kim Lan khóc lớn:
- Tội nghiệp chị. Sao chị khổ thế này?
Cuội đưa tay quẹt khóe mắt, giọng bình tĩnh:
- Có cái số hết chị à. Chị đã đưa được anh về nhà là mừng lắm rồi. Chị ráng mà giữ sức khỏe, còn nhiều việc phải lo lắm đó. Ngày mai chị cần đi đâu, em chở chị đi.
Bà Trâm buồn bã:
- Chị biết mà em. Sáng mai chị nấu mâm cơm cúng ông bà và cúng linh cho anh Tư, các em qua phụ giúp chị nhé!
Vợ Cuội góp lời:
- Dạ! Sáng mai em sẽ qua sớm phụ nấu với chị.
Sáng sớm hôm sau, bà Ba cùng em dâu vô chợ mua hoa quả, rau củ, nấm, đậu, về nấu mâm cơm chay cúng ông bà, cúng linh cho ông Tư. Vợ chồng Cuội và Kim Lan cũng có mặt sớm, mỗi người ai cũng giấu đi nỗi buồn, im lặng lặt rau, rửa củ, nấu cúng không ai dám nói gì, như sợ đánh thức nỗi buồn đang âm ỉ trong lòng mọi người bật chảy. Bà Trâm vừa xào nấu vừa niệm Phật. Bà nghĩ, chỉ có niệm Phật mới có thể cứu độ vong linh chồng, khỏa lấp nỗi buồn đang dồn nén trong lòng mình mà thôi. Từ bấy lâu nay, những lúc có việc buồn hay vui cũng thế, bà luôn niệm hồng danh chư Phật. Đối với bà, đó là điều an ủi lớn cần thiết nhất trong lúc này.
Linh cốt ông Tư được đặt trên bàn thờ, bên cạnh tấm di ảnh của ông Tư và của cha mẹ ông. Bà Trâm cảm thấy đã an lòng phần nào, nhưng còn một nỗi lo là đưa lọ linh cốt còn lại của ông Tư về chùa Khải Tâm nữa. Bà phân vân nghĩ, liệu sư cô Diệu Nhân có hoan hỷ cho phép không, có ảnh hưởng gì đến chùa không? Nhưng rồi bà tự trả lời, chắc là không sao, sư cô sẽ vui lòng tụng kinh cầu siêu cho ông thôi; sư cô đã từng nói sẽ rất vui được ông đến thăm chùa còn gì? Bà Trâm ngã lưng xuống giường an tâm ngủ một giấc dài,
Gần sáng, bà Trâm mơ thấy ông Tư về chập chờn quanh nhà, như muốn tìm nói với bà điều gì. Môi ông mấp máy không thành tiếng làm bà không hiểu hỏi đi, hỏi lại mãi, nhưng rồi cũng không hiểu được ông muốn nói gì. Rồi bà bỗng thấy bé Uyên lúc sáu tuổi thoắt ẩn, thoắt hiện trước mắt bà, làm bà giật mình, gọi lớn: “Uyên ơi! Con ơi!”; nhưng chỉ có tiếng gọi con của bà vọng lại trong đêm vắng. Tiếng chuông chùa bỗng ngân vang từ đâu xa lắc vọng về, làm dịu bớt nỗi buồn và hình bóng một cô gái mờ mờ, ảo ảo, như đang đứng trong đám sương mù vẫy gọi bà thật khẩn thiết!. Bà đưa tay dụi mắt, mở mắt lớn hơn, người con gái kia rõ dần, rõ dần. Bà Trâm ngạc nhiên la lớn: “Sư cô Diệu Nhân!”.
Bà Trâm chợt tỉnh giấc, mồ hôi tuôn khắp người, nghe tim đập loạn xạ, lòng bà rối bời không hiểu giấc mơ kia, đã mách cho bà điều gì, lành hay dữ?
Hôm sau, bà mang lọ linh cốt còn lại của chồng lên chùa Khải Tâm.
Gặp lại sư cô Diệu Nhân, cô Hai và cô Út ngay ở sân chùa, bà Trâm mừng lắm. Bà thưa với sư cô Diệu Nhân về việc chồng bà đã chết, xin phép sư cô được đặt linh cốt của chồng bà ở chùa Khải Tâm, và nhờ sư cô tụng kinh cầu siêu cho ông được giải thoát. Sư cô Diệu Nhân thoáng bàng hoàng xúc động, rồi giữ vẻ thản nhiên trả lời, đó là một việc cần nên làm cho ông Tư; ông được ở chùa, sẽ được nghe kinh, nương theo sự hộ trì của chư Phật mà nhẹ nhàng siêu thoát.
Bà Trâm nghe sư cô đồng ý, gương mặt bừng sáng, nhưng giọng bà chùng thấp, buồn:
- Những ngày cuối cùng, anh ấy luôn ao ước được một lần về thăm chùa Khải Tâm và sư cô, dù chỉ mới nghe lời tôi nói về chùa, về sư cô thôi. Cảm ơn lòng từ bi của sư cô đã dành cho gia đình tôi!.
Sư cô Diệu Nhân - giọng nhỏ nhẹ:
- Không có gì đâu cô. Coi như ông được thỏa nguyện về thăm chùa Khải Tâm rồi.
Bà Trâm mỉm cười, héo hắt:
- Dạ! Cảm ơn sư cô. Được nghe sư cô tụng kinh hằng ngày thật là phước lành cho ông nhà tôi.
Bà Trâm xin phép sư cô cho cô Út cùng đi chợ với bà, mua hoa quả về dâng lễ. Sư cô gọi cô Út lên cùng đi với bà Trâm.
Buổi lễ cầu siêu, đặt linh cốt ông Tư ở chùa Khải Tâm thật trang trọng. Bà Trâm quỳ chắp tay phía sau sư cô, lòng thành tâm cầu nguyện. Tiếng sư cô Diệu Nhân tụng kinh đều đều, trầm lắng, hòa cùng tiếng chuông mõ làm cho bà Trâm cảm thấy an vui, nhẹ nhàng. Bà nghĩ, vậy là mình đã được toại nguyện phần nào về sự an nghỉ của chồng, còn việc tìm con gái, mong ông sẽ phụ giúp bà như lời ông đã hứa trước lúc ra đi. Niềm hy vọng sẽ tìm được con lớn dần, rõ nét hơn trong lòng bà.
Ở lại chùa hơn tuần lễ để lo việc cúng thất cho ông Tư, bà Trâm bỗng thấy nhức đầu, mỏi mệt, như bị cảm sốt. Toàn thân bà đau nhức, cổ họng rát buốt, mắt mở không nổi, cứ muốn nhắm lại, rồi nóng sốt mê man khiến sư cô rất lo lắng. Sư cô đưa bà Trâm vào nằm ở phòng mình cho tiện việc chăm sóc, theo dõi ban đêm. Cô cho bà uống liều thuốc cảm, sau khi pha đưa bà ly sữa nóng. Uống sữa, uống thuốc xong, cơn buồn ngủ ập đến bất chợt bà Trâm chìm dần vào giấc ngủ.
Sau khi tụng thời kinh công phu tối, sư cô Diệu Nhân vào phòng cởi y treo lên móc chuản bị đi ngủ. Cô đứng bên giường mình quay lưng về phía bà Trâm cởi y, thay luôn áo trong vì thấm đẫm mồ hôi. Bà Trâm chợt thức giấc mở mắt nhìn qua giường sư cô, thấy vết sẹo dài có hình con cá trên bả vai sư cô. Hình ảnh vết sẹo như ánh điện sáng lóa vào đôi mắt bà. Bà bật ngồi dậy như chiếc lò xo, không tin vào mắt mình, đưa tay dụi mắt rồi mở mắt lớn hơn - giọng bà hoảng hốt: “Con cá nâu của mẹ”. Sư cô Diệu Nhân bàng hoàng dừng tay mặc áo, cô nghe đâu đây giọng nói của người mẹ từ xa xưa mơ hồ vọng về, khiến cô sững sờ giây lát, rồi quay ngoắc người lại.
Bà Trâm đang há hốc nhìn cô, gọi lớn: “Uyên ơi! Con ơi!”. Sư cô giật mình thoáng nhớ lại cái tên này, cô đã không còn nghe tới từ lâu lắm rồi, dường như từ ngày cô theo sư bà về chùa Khải Tâm. Nó như đã ngủ yên, sâu lắng trong lòng cô, để mỗi lúc một mờ xa dần. Hôm nay cái tên “Uyên” lại vang lên bên tai, như có mãnh lực mầu nhiệm sống dậy rõ dần cùng với cái vết sẹo trên bả vai hình con cá, mà mẹ cô thường nói yêu “Con cá nâu của mẹ” réo gọi, dằn vặt trong lòng cô. Đó là vết sẹo lồi mà người mẹ sinh ra cô đã vô tình làm văng cái rựa khi chặt củi lúc cô đang ngồi chơi bên cạnh. Cô nhớ lại thật rõ ràng, như mới vừa xảy ra trước mắt mình.
Sư cô Diệu Nhân thảng thốt:
- Cô vừa gọi Uyên nào? Là ai? “Con cá nâu của mẹ” là sao?
Bà Trâm bàng hoàng:
- Mô Phật! Uyên là tên con gái tôi, đứa con gái tội nghiệp đã thất lạc lúc vừa lên sáu tuổi trong cuộc chạy loạn vào tháng ba năm nào, tại tảng đá, nơi chiếc cầu dưới kia, trên con lộ Bảy này, mà tôi đã bao lần trở lại tìm kiếm tin con. “Con cá nâu của mẹ” là lời nói yêu mỗi khi nhìn thấy vết sẹo mà tôi vô tình, khi chẻ củi văng cái rựa trúng con gái tôi.
Sư cô Diệu Nhân cảm thấy chuếnh choáng như quay cuồng, trước mắt sư cô là người mẹ mà cô tưởng rằng đã lưu lạc tự phương trời nào hay đã chết từ lâu. Hình ảnh mẹ và em trai nằm chết trên tảng đá năm xưa đã khiến cô đau đớn khôn nguôi. Cô muốn tìm về nhà, tìm cha, nhưng trong trí nhớ ít oi, lờ mờ của cô, chỉ biết đó là một làng quê nghèo toàn là tre xanh, ngoài ra không nhớ gì hơn, ngay cả tên cha, tên mẹ, cô cũng không nhớ nổi sau phút hãi hùng ấy. Người mẹ mà cô yên tâm rằng đã chết kia, hôm nay còn sống sờ sờ ngay trước mặt, đang gọi tên mình đây sao? Toàn thân cô rung động, chực ngã quỵ xuống đất. Bà Trâm vội chạy lại đỡ sư cô đứng yên, rồi để nằm trên giường, cài cúc áo lại cho sư cô.
Bà Trâm gọi cô Hai vào phòng.
Bà Trâm cầm tay cô Hai, giọng run run:
- Cô Hai đã từng nói với tôi là cha mẹ của sư cô đã chết khi lên rẫy? Có đúng vậy không?
Cô Hai không hiểu bà Trâm muốn nói gì liền gật đầu, kể:
- Cha mẹ của sư cô đã chết vì bị mìn khi phát rẫy. Ông bà Hà không có con, lượm được một bé gái trong cuộc chạy loạn ở chân cầu trên lộ Bảy. Lúc đó ông ra sông coi người ta chạy loạn, nhìn thấy con bé khóc khàn cả tiếng, đói rã rời bên một người mẹ và em đã chết. Ông thấy thương, tội nghiệp, bồng con bé về nhà nuôi. Cưới nhau đã hai mươi năm không có mụn con nào, bà Hà mừng lắm, yêu thương con bé như con mình rứt ruột đẻ ra vậy. Nhưng ông Trời lại bắt ông bà phải rời xa nó, bị trúng mìn khi cùng nhau lên rẫy, nên cô bé được sư bà đưa về chùa nuôi dạy. Là sư cô Diệu Nhân ngày nay đó bà.
Bà Trâm bỗng khóc lớn hơn:
- Sao lâu nay cô Hai không nói rõ như thế, hở cô? Tôi đã đi tìm con gái mấy chục năm qua không lúc nào là tôi thôi nhớ nó - cúi xuống sư cô Diệu Nhân đang nhắm nghiền đôi mắt yên lặng, bà nức nở - Uyên ơi! Mẹ xin lỗi đã không nhận ra con.
Bà Trâm bỗng giật mình khi gọi sư cô như vậy. Nhưng rồi bà bất kể, niềm thương nhớ, mừng vui gặp lại đứa con sau bao năm xa cách đang dâng trào cảm xúc trong lòng bà. Bà cứ thổn thức gọi tên Uyên -“Uyên ơi! Con ơi! Con gái của mẹ!” nghẹn ngào.
Sư cô Diệu Nhân khẽ mở mắt, chồm dậy. Sư cô ôm chầm bà Trâm nức nở:
- Mẹ ơi! Uyên của mẹ đây.
Hai mẹ con bà Trâm ôm nhau khóc, trước sự ngỡ ngàng của cô Hai và cô Út. Cô Hai chợt nghĩ, thảo nào bà Trâm thường lên đây có việc, lâu nay mình cứ thắc mắc bà Trâm có việc ở đây là việc gì, nhưng không tiện hỏi. Phải chi mình hỏi bà, thì có lẽ hai mẹ con bà đã nhận ra nhau sớm hơn.
Bà Trâm liên tưởng lại những mảnh ghép rời rạc mà mình được biết - có lần sư cô đã nhắc nhớ về một cái làng toàn tre là tre mờ xa trong ký ức, một người mẹ thường dắt cô về thăm mỗi dịp xuân về, hay những ngày giỗ kỵ. Đó là làng Gò Tre - thôn Phú Hiệp, xã Hòa Hiệp, nơi bà sinh ra và lớn lên cũng là nơi Uyên được sinh ra. Bà nghĩ mà thương con gái phải chịu bao khổ đau, chia ly, rồi bà cảm thấy an lòng, được mãn nguyện vì đã tìm được Uyên - hôm nay là một sư cô nhân từ, đạo hạnh. Do chí thành, được duyên lành đưa đẩy để bà đến được ngôi chùa này, gặp gỡ sư cô sau bao nhiêu năm mỏi mắt kiếm tìm, thành tâm, cầu nguyện. Bà nghĩ, Uyên của bà giờ là con của Phật - một sư cô tài đức vẹn toàn được nhiều người kính mến, quý trọng. Cô đã nguyện hiến dâng cuộc đời cho việc thiện lành, ban vui cứu khổ cho người, thì còn gì cao quý hơn trên cõi tạm này? Đồng thời bà cũng thấy được phước đức, ân huệ của mình thật to lớn, càng yêu quý, kính trọng sư cô hơn. Bà cúi đầu tưởng nhớ, cảm ơn vợ chồng ông Hà đã cứu sống và nuôi dưỡng con gái mình. Bà tự nguyện từ nay sẽ trường chay, phụ giúp sư cô trong công việc Phật sự, sống bên con gái, làm những việc có ích cho người, cho đời và sẽ đến thăm thắp hương cho hai phần mộ vợ chồng ông Hà.
Tất cả cùng vui mừng về cuộc hạnh ngộ này. Trên nét mặt già nua của cô Hai cũng tươi hẳn lên, nụ cười của cô Út cũng luôn rộng mở.
Sau khoảnh khắc bị dao động bất ngờ, sư cô Diệu Nhân đã bình tâm trở lại nhìn mẹ sửng sờ. Sư cô khẽ nói:
- Con cảm ơn mẹ đã luôn tìm con trong suốt bao nhiêu năm. Từ nay mẹ đã có con, con sẽ thay mặt ba chăm sóc mẹ tuổi già. Mẹ yên tâm mà sống an vui trong những năm còn lại của đời mình, mẹ nhé!
Bà Trâm cầm tay sư cô, nghẹn ngào:
- Mẹ cảm ơn con. Thằng Toàn em con nay là một bác sĩ giỏi, đang làm việc tại một bệnh viện ở thành phố Houston. Mẹ sẽ điện báo cho nó biết đã tìm được con và bảo nó thu xếp về quê một chuyến để gặp con.
- Dạ! Con cảm ơn mẹ! Con cũng rất mong gặp lại em! Con sẽ thiết lễ tri ân Chư Phật, ra mắt ba - con gái của ba đã trở về với gia đình.
Hai mẹ con bà đến thắp hương, quỳ trước bàn thờ linh cốt ông Tư. Sư cô Diệu Nhân tụng hồi kinh tán Phật; bà Trâm chắp tay khấn chồng, báo tin đã tìm được con gái - đó chính là sư cô Diệu Nhân mà lúc sinh thời ông rất muốn gặp. Bà vái bốn phương cảm tạ chư Phật, chư Bồ Tát, chư hiền thánh đã cảm thông, hiển linh, đưa đẩy mẹ con bà gặp được nhau trong niềm an vui, hạnh phúc.
Bà Trâm đã điện báo cho Toàn, anh hứa sẽ thu xếp về Việt Nam sớm để gặp lại chị - người chị, mà trong thâm tâm anh nghĩ là đã chết, dù mẹ anh luôn tin tưởng rằng chị vẫn còn sống đâu đó chưa tìm được mà thôi. Anh về còn để thăm lại làng quê xưa, thăm lại những nơi chốn thân quen, thăm bạn bè tuổi nhỏ, thăm bà con láng giềng sau bao năm sống ở xứ người xa cách.
Sáng hôm sau, bà Trâm đưa sư cô Diệu Nhân trở lại bến sông, chỉ cho sư cô nơi bà đã lạc mất Uyên năm xưa. Cũng tảng đá ấy, cũng bến sông ấy, nhưng người mẹ giờ đây tóc đã bạc, da mồi; đứa con gái bé nhỏ năm xưa, giờ là một sư cô hiếu hạnh.
Sư cô Diệu Nhân bồi hồi khi nghe mẹ kể lại chuyện xưa, những hình ảnh năm nào đã xa mờ đang rõ dần trong trí nhớ. Sư cô ôm chầm lấy mẹ, gục đầu lên vai bà. Những giọt nước mắt của hai mẹ con lăn dài trên má.
Tiểu Nguyệt

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt