TIỂU NGUYỆT

 
Một Ngày Dài Một Đời Người
Chương 8


XOAY QUANH BAO NỖI THĂNG TRẦM
 
Bà Trâm túc trực bên giường bệnh lo lắng, chăm sóc cho sư cô Diệu Nhân cả mấy hôm nay đã làm sư cô vừa cảm kích vừa áy náy. Sư cô thấy ở bà tấm lòng của một người mẹ bao la, hy sinh, một người mẹ mà sư cô luôn ao ước, nhớ mong; dù với cô, đã xa thật xa không thể nào còn có được. Một nỗi ao ước luôn khiến cô chua xót, quặn lòng.
Sư cô cảm thấy rất may mắn, hạnh phúc được bà Trâm chăm sóc tận tình ngày đêm. Bàn tay bà dịu dàng, mềm mại, ấm áp như xoa dịu những nỗi bất hạnh, cô độc mà cô đã phải cam chịu trong cuộc đời này. Sư cô thoáng nghĩ, mẹ cô mà còn sống, có lẽ cũng trạc tuổi bà Trâm và cũng sẽ yêu thương, chăm sóc cô như vậy. Ý nghĩ này đã đem lại cho sư cô niềm an ủi, hy vọng.
Nhìn thấy sư cô Diệu Nhân thức dậy, bà Trâm vội pha ly sữa nóng, hai tay đưa cho cô - giọng nhỏ nhẹ:
- Sư cô ráng uống ly sữa nóng cho khỏe.
Sư cô Diệu Nhân cũng đưa hai tay bưng ly sữa bà Trâm đưa, giọng chùng xúc cảm:
- Mô Phật. Cảm ơn cô nhiều lắm. Cô cũng uống một ly cho khỏe đi, nhé!
Bà Trâm mỉm cười:
- Sư cô uống đi cho nóng. Lát nữa tôi sẽ uống sau. Cảm ơn cô!
Sư cô Diệu Nhân nằm viện ba ngày thì xin xuất viện, bởi bệnh nhân mỗi ngày nhập viện càng nhiều, có giường phải nằm hai người. Sư cô nghĩ: “Mình đã khỏe rồi, nhường chỗ nằm cho bệnh nhân khác cần hơn mình. Về chùa vài bữa là khỏi bệnh thôi”.
Bác sĩ đồng ý theo lời đề nghị, cho sư cô xuất viện.
Bà Trâm lo thu xếp, gọi xe đưa sư cô về lại chùa. Nhìn sư cô ốm yếu, xanh xao bà vẫn còn cảm thấy chưa yên tâm, lo lắng trong lòng. Bà nghĩ cô cần phải bồi dưỡng, uống thuốc bổ thêm mới khỏe hẳn được.
Bà ở lại chùa chăm sóc cho sư cô hai ngày nữa rồi giao việc, căn dặn cô Hai mọi điều cần thiết mỗi ngày mới xin phép sư cô Diệu Nhân quay về nhà.
Sáng sớm ngày mai bà Trâm về nhà, tối hôm đó cô Hai nấu nồi chè khoai môn tiễn bà Trâm. Mọi người ngồi quây quần trên tấm chiếu nhỏ trước Quan Âm Các vừa ăn chè vừa nói chuyện vui vẻ như buổi sum họp của một gia đình. Bà Trâm nghĩ, lần này trở về Mỹ công việc bề bộn, chưa biết khi nào mới về thăm quê, thăm chùa lần nữa. Bà nghĩ đến sức khỏe của chồng bà không được tốt, cần có bà luôn ở bên cạnh. Có lẽ ông đã trải qua những năm tháng ở trại gian khổ, về nhà lại ăn uống quá thiếu thốn, phải làm việc nhiều, chịu đựng bao áp lực nên sức khỏe đã suy yếu dần, như thân cây cằn khô giữa mùa nắng hạn.
Bà Trâm tâm sự - giọng ngập ngừng chậm rãi:
- Tôi muốn hai vợ chồng cùng về thăm quê một chuyến, nhưng lần nào cũng một mình tôi về. Ông nhà tôi vì công việc ở xưởng may phải có mặt ở nhà để trông nom, chỉ dẫn cho thợ. Lần này đáng lẽ hai vợ chồng cùng về, nhưng ông trở bệnh đột ngột, tôi phải chờ ông khỏe lại. Dù sức khỏe ông đỡ hơn nhưng vẫn không thể đi cùng tôi an toàn được nên tôi lại phải về một mình lần nữa. Hy vọng lần tới cả hai cùng về thăm quê, tôi sẽ đưa ông lên thăm chùa Khải Tâm và mọi người cho vui.
Sư cô Diệu Nhân mỉm cười:
- Mô Phật. Cầu chư Phật độ trì cho chồng cô mau khỏi bệnh. Tôi sẽ rất vui được đón tiếp cô chú.
Cô Hai tiếp lời:
- Ông bà mà về thăm chùa tui sẽ nấu một món đặc biệt đãi ông bà. Có thể sẽ không ngon như những món ở thành phố, nhưng đó là tấm lòng của tui, cũng như của sư cô và bà con nơi đây muốn cảm ơn ông bà.
Bà Trâm vui vẻ:
- Vậy thì tuyệt quá, cô Hai! Cô nấu ăn ngon lắm. Lần trước tôi đã được ăn bữa cơm chiều do cô nấu rồi làm tôi nhớ mãi. Được ăn bữa cơm sum họp, vui vẻ như thế với tôi cũng đâu dễ, cô Hai!
Cô Hai cười:
- Được bà khen tui mừng lắm - giọng bà chợt trầm xuống, trước kia ngày nào tui cũng phải đi núi hái củi, về chẻ ra bó từng bó nhỏ, rồi gánh ra ngoài phố bán lấy tiền mua gạo nuôi con. Cả năm có được ăn món gì ngon đâu, toàn rau với mắm, thỉnh thoảng có chút cá cơm khô giã nấu canh, con cái rồi cũng lây lất lớn lên, thành người tốt hết. Từ ngày tui lên đây sống với sư cô, rau củ tự trồng, nước tương tự ủ lấy không còn lo lắng, khổ sở như xưa, ăn gì cũng thấy ngon hết cô à! Trời Phật nuôi cũng khỏe!.
Sư cô Diệu Nhân liếc nhìn cô Hai, cười hiền:
- Mô Phật. Mình thấy đủ là đủ, không thấy đủ thì của kho cũng thấy thiếu. Mình thấy ngon là ngon. Sống an vui không lo lắng, không buồn phiền, ăn gì cũng ngon, cũng khỏe, phải không cô Trâm?
Bà Trâm đồng tình:
- Sư cô dạy rất chí lý. Không suy nghĩ, lo lắng, lòng vui, ăn cơm với muối cũng thấy ngon. Buồn phiền, âu lo, cao lương mỹ vị cũng nhạt nhẽo, buồn chán.
Cô Hai cười lớn:
- Ai về đây cũng nói ăn cơm chùa đều cảm thấy ngon, có lẽ họ đã bỏ lại mọi phiền não dưới chân đồi kia rồi.
Ai cũng cười theo lời nói vui của cô Hai, riêng cô Út liếc nhìn mọi người, bẻn lẻn.
Bà Trâm nhìn ánh trăng chênh chếch trên cao phía chân đồi, giọng xúc cảm:
- Lần nào nhìn ánh trăng ở quê, tôi cũng thấy như sáng hơn, đẹp hơn. Nhìn trăng tôi nhớ những buổi tối an bình cả nhà quây quần bên nhau; đã lâu lắm rồi không còn những đêm sum họp như thế nữa. Tôi nghĩ, buổi tối hôm nay sẽ không bao giờ phai mờ trong trí nhớ tôi.
Sư cô Diệu Nhân khẽ nói - như chỉ để cho chính mình:
- Ai cũng có những kỷ niệm vui buồn, êm đềm, hạnh phúc trong đời. Đối với tôi, đó là những ký ức rời rạc, đau buồn mà mỗi lần nhớ lại, lòng tôi cứ ray rứt, bùi ngùi. Nhớ nhất là những dịp tết được mẹ dẫn về quê thăm ông bà, được đi trên con đường làng rợp bóng tre mát, thích ơi là thích. Tôi thấy quanh tôi toàn tre là tre, nhà nào cũng có một khu vườn rộng trồng tre bao quanh. Dù cố moi trong trí nhớ vẫn không thể nào nhớ được tên của ngôi làng êm đềm đó là gì nữa. Thật là buồn, nơi mình được sinh ra rồi lớn lên mà cũng không biết.
Bà Trâm, giọng xa vắng:
- Lúc đó chắc sư cô còn quá nhỏ nên không nhớ nhiều được. Đau lòng quá phải không cô? Chiến tranh đi qua, để lại bao đau thương mất mát mà cả một đời người phải sống trong ray rứt, khôn nguôi.
Sư cô Diệu Nhân bồi hồi:
- Cuộc đời vốn vô thường, có rồi không, không rồi có, cô à! Chúng ta nên sống hết lòng, thành tâm, dâng hiến cho hiện tại, cho sự thiện lành, cho ước mơ, thì cuộc sống nơi cõi tạm này mới có ý nghĩa.
- Tôi nghĩ, mẹ của sư cô là một người có phước, nhân hậu, mới sinh ra cô nhân từ, được gần Phật như hôm nay. Nhìn sư cô chắc ai cũng có thể đoán biết được bà là người như thế nào?
Giọng trầm buồn, sư cô tâm sự:
- Tôi không nhớ gì nhiều về mẹ, chỉ biết rằng mẹ rất yêu thương tôi. Bà luôn chìu chuộng, cho tôi những gì tôi đòi. Nhớ nhất là những buổi trưa, mẹ cùng chơi “thi hát” với tôi, lúc nào mẹ cũng để cho tôi thắng mẹ. Còn cha tôi? Tôi chỉ nhớ, cha tôi thường không có ở nhà, ngoài ra không nhớ gì hơn nữa. Hình ảnh của những người sinh ra mình mà cũng không còn nhớ rõ, thật buồn phải không cô Trâm?
Bà Trâm thở dài:
- Mô Phật! Buồn thật! Tôi nghĩ đây cũng là một điều bất hạnh lớn cho một đời người.
Sư cô Diệu Nhân ngước nhìn lên vòm trời mênh mông ánh trăng giấu nỗi xúc động, vội đứng lên giục:
- Đêm đã khuya rồi, chúng ta vào nghỉ thôi kẻo lạnh.
Mọi người vui vẻ đứng lên trở về phòng ngủ riêng của mình. Cô Út là người đứng dậy sau cùng, dường như vẫn còn luyến tiếc cuộc sum vầy vui vẻ với tất cả.
Sáng hôm sau, trước khi ra về, bà Trâm bước vào phòng sư cô Diệu Nhân, trao cho sư cô một phong bì, giọng chân thành:
- Mô Phật. Tôi xin cúng dường ít tiền để sư cô lo Phật sự và bồi dưỡng sức khỏe. Tôi thấy sư cô còn yếu, xanh xao lắm.
Sư cô Diệu Nhân cảm động:
- Mô Phật. Tôi cảm ơn cô. Tôi đã nhận nhiều của cô rồi, không nhận thêm gì nữa. Cô giữ lại đi, để về quê giúp bà con.
Bà Trâm nài nỉ:
- Xin Sư cô hoan hỷ nhận cho, tôi còn đủ chi phí mà. Tôi được lo cho sư cô, cho chùa chỉ là chút nhỏ thôi, sư cô lo cho mọi người mới là lớn. Sư cô phải có sức khỏe thì mới lo việc Phật sự được lâu dài.
Sư cô Diệu Nhân giọng thản nhiên, dứt khoát:
- Tôi biết ơn cô đã quan tâm nhưng không thể nhận gì thêm. Xin cô giữ sức khỏe, có dịp về Việt Nam mời cô đến chơi. Chúc cô thượng lộ bình an nhé!
Thấy sư cô Diệu Nhân cương quyết không nhận, bà càng lo lắng hơn. Giọng bà trầm buồn:
- Sư cô phải nghỉ ngơi, tịnh dưỡng cho thật khỏe, còn yếu mà đi làm hay lo lắng nhiều là bệnh trở lại đó. Sư cô ở lại mạnh giỏi. Có dịp về, tôi nhất định sẽ lên thăm.
- Mô Phật! Cảm ơn cô. Cầu chư Phật độ trì cho gia đình cô được sức khỏe, an lành.
Bà Trâm vội xuống nhà dưới tìm gặp cô Hai để chào tạm biệt. Bà cầm tay cô Hai nhét vào phong bì khi nãy đưa cho sư cô mà sư cô không nhận. Bà dặn dò:
- Tôi gởi cô Hai ít tiền để cô Hai mua thuốc chăm sóc sư cô và sử dụng khi nào cần đến. Tôi xin phép về, có dịp về Việt Nam sẽ lên thăm chùa và mọi người.
Cô Hai, xúc động:
- Cảm ơn bà nhiều lắm! Chúc bà trở về an vui.
- Cảm ơn cô Hai. Nhớ giữ sức khỏe nhé cô!
Bà Trâm đã đi ra đến cổng,chợt quay lại nhìn cảnh chùa, rồi rảo bước xuống đồi.
Bà Trâm ở lại nhà chơi với các em vài ngày nữa rồi đúng ngày hẹn quay về Mỹ. Bà nơm nớp lo cho ông Tư trở bệnh lại không ai chăm sóc, công việc lại bề bộn không người phụ giúp. Rời quê hương lần này, tự dưng bà cảm thấy lòng nhẹ nhàng, dù ra đi và trở về cũng vội vã. Quê hương đối với bà là nỗi nhớ, là hoài niệm của một thời gian khổ, đau buồn; nhưng cũng là nhân duyên để bà đến với chùa Khải Tâm, gặp gỡ sư cô Diệu Nhân - người mà bà vô cùng quý mến.
***
Về đến Mỹ dù biết bao công việc, bà Trâm vẫn cứ lo lắng cho sức khỏe của sư cô. Bà phải gắng làm mọi việc để chồng được nghỉ ngơi; nhưng đôi lúc thấy bà nhiều việc quá làm không kịp, nên ông tự mình lái xe đi nhận vải, phụ giúp bà giao tiếp để bà yên tâm ở xưởng. Nhìn chồng ngày càng gầy yếu, bà thấy thương ông vô cùng. Bà muốn ông mau khỏe để cùng bà trở về thăm quê một chuyến, bởi lâu quá rồi ông chưa được về thăm. Bà Trâm kể cho ông nghe về ngôi chùa Khải Tâm và những băn khoăn, lo lắng của mình về sức khỏe của sư cô Diệu Nhân. Và bà không hiểu được vì sao ngôi chùa Khải Tâm và sư cô Diệu Nhân thường thấp thoáng trong những giấc mơ của bà? Ông Tư mỉm cười nói với bà: “Do em thương quý sư cô Diệu Nhân quá nên thường mơ thấy vậy thôi. Thường thì, những suy nghĩ, lo lắng hằng ngày sẽ theo mình vào giấc mơ - trong mơ có thực và trong thực có mơ, là vậy. Anh cũng ước muốn được thăm chùa Khải Tâm và sư cô Diệu Nhân một lần em à!”.
Thấy vợ thường hay nhắc kể, thương quý sư cô Diệu Nhân, ông Tư cũng quý sư cô dù chưa có duyên được gặp mặt. Ông nghĩ, cuộc sống bao bề bộn, lo toan, nếu không có một đức tin làm chỗ dựa thì khó mà vượt qua mọi thử thách. Và ngôi chùa Khải Tâm, sư cô Diệu Nhân là duyên lành để vợ chồng ông đến với Đạo, có niềm tin vững chắc, tu sửa mình, chuẩn bị tư lương cho chính mình trước khi rời xa cõi tạm này, chứ không phải tài khoản tích góp được gởi trong ngân hàng.
Một buổi sáng, sau khi đi nhận vải về, ông Tư đột ngột cảm thấy choáng, mệt rồi sốt cao, khó thở; bà Trâm vội đưa ông nhập viện cấp cứu. Gần một năm nay, ông Tư đã mấy lần bị như thế nhưng bà Trâm vẫn thấy hoảng sợ, bồn chồn, lo lắng. Sau khi làm các thủ tục sinh thiết, xét nghiệm máu, các bác sĩ hội chẩn cho bà biết bệnh phổi của ông Tư đã chuyển sang K giai đoạn cuối. Bà Trâm hoảng hốt, run rẩy khi biết được chồng mình chỉ còn sống từ hai đến ba tháng nữa, theo kinh nghiệm dự kiến của bác sĩ.
Tại giường bệnh của chồng,bà khóc ngất, cảm thấy trời đất như quay cuồng trước mắt mình; dù cố gắng bình tĩnh, gượng lại nhưng vẫn cứ chao đảo, cảm giác như mình đang rơi xuống dòng nước chảy xiết. Bà sợ hãi, thả lỏng người để mặc cho dòng nước cuốn trôi, đưa đẩy. Bà thấy dễ chịu dần rồi bình tâm trở lại. Bà băn khoăn, phân vân hoài mà không hiểu tại sao mình lại phải chịu nhiều đau thương, mất mát như vậy?
Bà Trâm cầm tay chồng:
- Bác sĩ bảo bệnh anh không sao cả, chỉ cần nghỉ dưỡng, Anh phải ráng mà vượt qua, còn phải tìm con gái với em nữa. Một mình em không biết phải làm sao?
Ông Tư an ủi:
- Anh đang rất cố gắng, em à! Nếu phải ra đi thì đành chịu thôi em. Con người có cái số hết, không cưỡng lại được đâu. Anh tin Trời Phật độ trì chúng ta sẽ tìm được bé Uyên thôi.
Bà Trâm bổng khóc lớn:
- Sao mà tôi khổ dữ vậy ông Trời ơi? Xin cho tôi tìm được bé Uyên, cho nó thấy mặt cha một lần rồi anh mới ra đi.
Ông Tư cũng rưng rưng nước mắt, vỗ vỗ bàn tay bà:
- Anh cũng rất mong được như vậy mà em!. Nếu anh có chết, anh sẽ phù hộ cho em tìm được con. Em phải mạnh mẽ lên, còn là chỗ dựa cho thằng Toàn nữa chứ.
- Em biết rồi. Em còn phải lo cho thằng Toàn có một mái gia đình hạnh phúc và tìm được Uyên mới an lòng được.
- Không sao đâu em, dù anh có chết đi, anh cũng sẽ bên cạnh em mọi lúc, mọi nơi để giúp em tìm con. Sống an vui bên các con. Em đừng buồn quá sinh bệnh nữa thì không ai lo.
Những ngày ông Tư nằm viện, bà Trâm túc trực bên giường bệnh chăm sóc ông từng muỗng sữa, hớp cháo. Công việc ở xưởng may bà giao cho Hằng - một người thợ làm việc lâu năm cần mẫn, nhiều kinh nghiệm mà bà Trâm tin tưởng, quản lý, trông nom giúp.
Bà nghĩ mà thương chồng, bao năm lao khổ trong trại cải tạo, về nhà làm thuê, làm mướn có thong thả được bữa nào? Định cư ở xứ người, lao vào công việc không kể ngày đêm, không biết du lịch, đi chơi là gì? Con gái tìm hoài chưa thấy, con trai, thì chưa lập gia đình. Cuộc đời này sao mà oan trái, cay đắng với vợ chồng bà quá đỗi?
Nhiều đêm bà trăn trở, thao thức khó mà chợp được mắt. Hình ảnh quê nhà với tuổi thơ êm đềm, những tháng ngày lận đận cùng nỗi ám ảnh, sợ sệt, về cuộc chạy loạn năm nào cứ chập chờn, làm bà chới với, hoảng hốt. Trong tận cùng nỗi hoảng sợ ấy, bà chợt nghe thấy tiếng cười trong trẻo của Uyên vọng về, như xoa dịu bớt nỗi đau thương, bất hạnh mà bà đã trải qua. Tiếng hát của Uyên lảnh lót: “Chiều nay em đi câu cá, và đem giỏ theo bắt cua. Làm sao cho được kha khá, về cho má nấu canh chua…”. Và Uyên đã cười ngặt ngoẽo khi bà giỡn vui với con - “Cá đâu, đưa cho má nấu canh chua nào?”; hai mẹ con rượt đuổi bắt nhau, cười vui rộn rã. Tiếng cười cùng bóng Uyên xa dần, xa dần rồi mất hút trong đêm tối. Bà gọi lớn: “Uyên ơi! Con ơi!” giọng thảng thốt, nghẹn ngào. Ông Tư giật mình, lay cánh tay vợ: “Mình ơi! Mình sao vậy? Sao vậy?”. Bà Trâm tỉnh lại, khóc ấm ức: “Anh ơi! Đừng bỏ em mà đi như vậy, anh ơi!”. Ông Tư ôm choàng lấy vợ, cả hai cùng khóc ấm ức.
Ông Tư ngày càng gầy rộc, chỉ còn da bọc xương. Mười ngày nay ông không ăn được gì, chỉ uống chút sữa, chút cháo, chút nước sâm. Bà Trâm thắc thỏm theo từng hơi thở của ông, mỗi lần ông lên cơn ho là ruột gan bà như quặn thắt. Bà đỡ ông dậy lấy dầu thoa vào ngực, vuốt nhẹ; một lúc ông bớt dần, bà đỡ ông nằm xuống ngay ngắn rồi ra trước cửa phòng, chắp tay vái bốn phương cầu nguyện.
Sau ba tháng nằm viện, bác sĩ cho ông Tư xuất viện về nhà nằm chờ ngày. Bà Trâm năn nỉ bác sĩ cho ông nằm lại viện nhưng bác sĩ khuyên nên đưa ông về nhà để thu xếp. Mười ngày sau ông Tư trút hơi thở cuối cùng, ngủ giấc nghìn thu không bao giờ trở dậy. Bà Trâm khóc thương chồng đến cạn nước mắt. Theo di chúc của ông Tư, sau khi lo xong các nghi lễ cần thiết, bà đã hỏa thiêu thân xác chồng chia làm ba lọ sành nhỏ, bọc kín cẩn thận. Một lọ để thờ tại nhà. Một lọ mang về thờ ở nhà cha mẹ ông khi xưa, bây giờ con trai của chị Ba ông đang ở. Một lọ, bà tính sẽ đưa về chùa Khải Tâm như ước nguyện ông muốn được về thăm chùa một lần, và để cho sư cô Diệu Nhân tụng niệm giúp linh hồn ông được siêu thoát.
Sau cái chết của chồng, bà Trâm đã sang nhượng cơ sở may cho một người bạn. Bà Nghĩ, tuổi mình đã lớn, làm việc không được bao nhiêu năm nữa, cần được nghỉ ngơi, tịnh dưỡng để có thời gian về quê tìm con gái; con trai bà đã trưởng thành đang có công việc tốt, ổn định tại một bệnh viện lớn ở thành phố Houston. Với lại sau bao năm cần cù, tiết kiệm bà đã có một số tiền đủ để bà sống và làm những việc cần làm trong quãng đời còn lại. Bà ao ước được sống, được làm những việc có ích cho đời, cho người để được an vui khi tuổi già, không biết sẽ từ giã xuôi tay lúc nào.
Bà Trâm đưa linh cốt chồng trở về quê theo như lời ước nguyện của ông trước lúc ra đi.
Toàn tiễn mẹ ra sân bay, nặng trĩu một nỗi buồn man mác đang tràn ngập tâm hồn anh. Nhìn dáng mẹ gầy guộc, thẫn thờ, đưa linh cốt ba anh về quê một mình, Toàn rưng rưng nước mắt. Anh muốn được đi cùng mẹ nhưng công việc của anh ở bệnh viện đang rất cần anh có mặt. Anh nghĩ, một ngày không xa anh sẽ về quê một chuyến, thăm lại nơi chôn nhau, cắt rún, thăm những người bạn tuổi thơ cùng bà con vùng quê nghèo heo hút mà một thời anh đã lớn lên.
Ngồi trên máy bay nhìn qua ô cửa, mây trắng bồng bềnh, mong manh như một đời người; bà Trâm thả lòng dạt dào bao cảm xúc, như cùng có ông bên cạnh trở về, dù chỉ là một nắm tro - một nắm tro tàn còn lại của một đời người.
Tiểu Nguyệt

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt