TIỂU NGUYỆT


Một Ngày Dài Một Đời Người
(Truyện Dài)

 
CHƯƠNG MỘT
 
MỘT NGÀY CỦA THÁNG BA
 
Bà Trâm bước xuống xe, móc túi áo trả tiền, rồi đi thẳng về phía bên kia đường, xuống chỗ có tảng đá lớn gần chân cầu, bên lùm cây cao che bóng mát. Bà đưa tay sờ, vuốt tảng đá rồi ngồi xuống; ngước nhìn lên bầu trời cao xanh ngắt, lòng bâng khuâng, ray rức, nhớ nghĩ. Tại không gian im vắng này đây, bầu trời xanh này đây, rừng núi bạt ngàn xa xa phía kia bà đã mất bé Uyên - đứa con gái vừa mới sáu tuổi, đã phải chịu đựng cái đói, cái khát, sự hoảng sợ vì bom đạn suốt ngày đêm.
Dường như năm nào vào những ngày tháng ba lịch sử ấy, bà đều tìm về đây - nơi bà đã lạc mất đứa con gái bé bỏng, ngây thơ để tưởng nhớ, tìm kiếm. Mọi người trong gia đình, ai cũng cho rằng bé Uyên đã chết; nhưng linh cảm của một người mẹ bà luôn nghĩ Uyên vẫn còn đâu đó trên cõi đời này; nên bà cố kiếm tìm, dù mọi hy vọng còn mờ xa phía trước. Tuy vậy, niềm hy vọng vẫn luôn le lói trong trái tim khô héo, đau khổ, yêu thương của người mẹ đang mong chờ.
Những tán lá cây rung rinh trong gió sớm như chào đón bà Trâm trở lại với vùng đất đỏ hoang vắng, cheo leo này. Trước mắt bà là vùng trời quá khứ đau thương, chia ly, ảm đạm vẫn còn thấp thoáng, réo gọi không nguôi. Bà Trâm ray rức mãi với ý nghĩ, nếu như ngày ấy bà không bị ngất ở tảng đá kia, thì bà đã không lạc mất bé Uyên trong tay. Bà hối hận, loay hoay với ý nghĩ mình có lỗi, nên đã khiến bà bị bệnh đau liên mien, lâu dần bị trầm cảm nhớ nhớ, quên quên; nhưng hình ảnh Uyên với những ngày loạn lạc luôn in đậm trong tâm trí bà thật rõ ràng, đau đớn.
Đã hơn ba mươi năm qua, dù xa cách phương trời, bé Uyên vẫn sống mãi trong lòng bà với một đứa bé sáu tuổi, không lớn lên chút nào. Bé vẫn ngây thơ, trẻ con trong từng giấc mơ đêm đêm mà bà có được. Trong tiếng xạc xào cây lá buổi sớm mai quanh khu rừng dọc đường, bà như nghe tiếng Uyên văng vẳng đâu đây: “Mẹ ơi! Con đói!. Con mệt!”, khiến nước mắt bà ràn rụa, chua xót. Hình ảnh cuộc chạy loạn hơn ba mươi năm trước bỗng trở về như một thước phim, từng đoạn chậm rãi, rõ ràng…
Buổi sáng hôm đó, Kim Trâm xách giỏ đi chợ. Chị ngạc nhiên khi thấy chợ hôm nay sao mà vắng vẻ, chỉ còn lơ thơ vài hàng bày bán thưa thớt, kẻ mua cũng không có mấy người. Trông họ có vẻ vội vàng, thoáng chút sợ hãi. Có người mua ít đồ dùng rồi nôn nóng quay về. Kim Trâm không hiểu chuyện gì đã xảy ra dù có chút lo lắng, nhưng vẫn bước thẳng vào trong chợ. Chị gặp Lành - một người quen thường đến may quần áo tiệm của chị.
Lành nhìn chị ngạc nhiên:
- Chị Trâm. Chị còn ở đây à? Vậy mà em tưởng chị đưa các cháu về quê rồi chứ? Người ta chạy hết rồi, chị không biết gì sao?
Kim Trâm lo lắng:
- Có chuyện gì sao? Mấy hôm nay chị không ra khỏi nhà, bận may lô quần áo cưới của khách quen. Gì vậy em?
Một người đàn bà chạy ngang qua, giọng hớt hải:
- Trời ơi! Còn đứng đấy nói. “Mấy ổng” sắp tới đây rồi, mau về lo mà chạy đi, kẻo không kịp.
Kim Trâm hốt hoảng:
- Thiệt không chị? Chị nghe ở đâu vậy?
Người đàn bà vừa chạy vừa quay lại giọng hối hả:
- Còn thiệt với hổng thiệt! Người ta chạy hết trơn rồi, kìa!
Lành giục:
- Tin thiệt đó chị, về lo thu xếp đi, kẻo không kịp.
Kim Trâm nhìn thấy đoàn người dắt nhau chạy hối hả dồn về phía tỉnh lộ 7, vội quay về nhà lấy giấy tờ tùy thân, tiền bạc, bỏ ít quần áo vào cái xách mang lên vai, gùi Toàn - đứa con trai một tuổi trên lưng, tay dắt bé Uyên hòa theo bà con chòm xóm rời khỏi Pleiku di tản tránh bom đạn về hướng quê nhà - Tuy Hòa, Phú Yên, tìm sự sống. Vừa đi, chị vừa lo lắng cho anh Tư - chồng chị, chị không biết tin tức gì về anh, kể từ hai tuần trước anh về thăm nhà rồi trở lại đơn vị. Cả thị xã xôn xao sẽ cắt bỏ Pleiku từ mấy hôm trước, nhưng chị nghĩ chỉ là tin đồn thất thiệt mà thôi. Sao lại cắt bỏ? Đất nước nơi nào cũng quý, cũng tình nghĩa cơ mà!
Mỗi lúc, Kim Trâm thấy dòng người càng đông dần, người già, đàn bà trẻ em, lính tráng, chen nhau, hối hả, hỗn độn, réo gọi, hô hét theo đoàn quân đang rút chạy ở phía trước, như dòng nước lũ hung bạo tràn về biển. Con đường đất nhỏ hẹp, bụi đỏ tung mù trời dưới cái nắng nóng hầm hập giữa tiết trời muốn chuyển vào hạ.
Tất cả cuộn chảy, trôi xuôi không ngừng nghỉ, như cố chạy để thoát “cái chết” đang gần kề rượt đuổi phía sau lưng. Chạy mà không dám nhìn lui, không dám dừng nghỉ dù thân xác, đầu óc đã rũ rượi. Chiến tranh, bom đạn như gã hung thần đói khát đang nhe hàm răng chực vồ chụp những kẻ yếu đuối, quỵ ngã.
Trên bầu trời nắng chói, thỉnh thoảng có một vài chiếc trực thăng vòng qua rồi bay thẳng để lại tiếng động cơ ầm ì, càng làm cho cái nắng, nỗi khiếp đãm thêm gay gắt hơn. Kim Trâm cảm thấy khát nước đến khô cổ, dường như cuống họng chị nóng rát, xơ cứng lại, nhưng ngó quanh không thấy dòng suối, ao nước nào; rồi chị vẫn phải bị cuốn theo dòng người đến rã rời, mệt lã.
Trong cảnh hỗn loạn, Kim Trâm luôn kéo bé Uyên bên mình, sợ con gái bị lạc giữa dòng người ào ạt. Bé Uyên ráng chạy lúp xúp theo mẹ, nhưng dường như cô bé đã quá đuối sức vì đói khát, nhất là khiếp sợ!.
Bé Uyên thều thào:
- Con mệt, mẹ ơi! không đi nữa đâu.
Kim Trâm an ủi con:
- Ráng lên con gái, người ta đi được mình đi được.
- Nhưng con khát nước, đói bụng quá mẹ ơi!
- Cố lên con ơi! Về đến Tuy Hòa mẹ sẽ cho con đủ thứ.
Thế là Kim Trâm xốc gùi bé Toàn trên lưng cho ngay ngắn lại, rồi cúi xuống bồng Uyên trên tay cố chạy theo mọi người.
Cắm cúi chạy mãi, chạy mãi, như bị sức đẩy từ phía sau, sức hút từ phía trước; chị cảm thấy con đường như hẹp dần, dòng người chật cứng, va vào nhau xiêu vẹo, thật hãi hùng. Con đường lòi lõm đầy “ổ gà, ổ voi”, hình như ít ai qua lại, trông rất hoang vu; bước chân cứ muốn chúi nhào, vấp té. Trẻ con la khóc, tiếng người gọi nhau kẻ chạy xuôi người chạy ngược vì thất lạc cùng tiếng động cơ xe; tạo thành thứ âm thanh hỗn loạn, hối hả. Ai cũng có cảm giác cái chết đang gần kề quanh đây, nên dù có mệt, có đói, có khát, vẫn cứ lê lết không dừng. Trước nỗi sợ chết, con người thật đáng thương làm sao!
Đi đã một ngày đường, đôi chân Kim Trâm run rẩy, không thể lê đi được nữa. Mẹ con chị cùng một số người phải dừng lại tìm chỗ nghỉ qua đêm lấy sức, để sáng mai lên đường tiếp tục. Chị bẻ lá lót bên vệ đường cho bé Uyên nằm xuống, bên cạnh một gia đình (hai vợ chồng và hai đứa con - một trai, một gái). Kim Trâm nằm xuống, trật áo, ngực nhễ nhại mồ hôi, cho thằng Toàn bú. Cả ngày không được bú nên cậu bé ôm chặt vú mẹ nuốt ừng ực. Chị nghe như dòng sữa nóng chảy râng râng trong lồng ngực, cùng với cảm giác choáng váng vì đói khát, vì mệt lã người. Toàn bú một chút đã hết sữa, cố bám chặt đầu vú mẹ nút mạnh, nhưng vẫn không còn gì. Kim Trâm đau nhức khắp người, rã rời; nỗi đau thể xác chị ráng chịu được, nỗi đau vì không có gì cho con ăn, làm chị choáng váng. Người vợ của gia đình kia nhìn mẹ con chị ái ngại:
- Sáng mai chúng ta phải đi sớm, một mình chị mà hai đứa trẻ, chị có đi được không?
Kim Trâm lo lắng, nhưng quả quyết:
- Tui sẽ cố gắng chị à! Không biết chúng ta đến đâu rồi nhỉ?
Người chồng trả lời:
- Con đường này tui chưa đi qua lần nào, không biết được đâu là đâu, chị à! Cứ đi, khi nào tới thì tới thôi.
Dòng người vẫn hối hả đi từng bước trong đêm tối.
Kim Trâm nói với vợ chồng gia đình nằm nghỉ lại bên cạnh:
- Khi nào anh chị đi, nhớ đánh thức giùm với nhé!
- Được rồi. Chúng ta phải nghỉ mới có sức đi tiếp. Chị ngủ một chút đi, tui sẽ gọi chị.
Nhiều người cũng nghỉ lại như Kim Trâm. Có lẽ họ không đủ sức để lê bước theo đoàn người, phải nghỉ ngơi, để sớm mai còn có thể tiếp tục.
Bé Uyên rên rỉ:
- Mẹ ơi! Chân con đau quá.
Kim Trâm ôm con gái vỗ về:
- Cố lên con gái! Ngày mai sẽ có xe đi thôi. Con ngủ đi.
Thằng Toàn bú một chặp không có gì, khóc tức tưởi một lúc rồi lăn ra ngủ. Kim Trâm ứa nước mắt khi liếc nhìn Uyên, chị biết ngày mai làm gì có xe mà đi. Hình ảnh ngôi nhà ngói đỏ rợp bóng tre nơi quê nhà thấp thoáng, hiện dần trong suy nghĩ. Trâm ước ao được nằm trên chiếc phản kê bên cửa sổ nhìn ra khu vườn xanh mát rau cỏ, lá hoa. Chưa lúc nào chị cảm thấy quê nhà cần thiết, đượm tình cho đời sống như lúc này. Cuộc đời người đàn bà làm vợ lính như chị, phải rày đây mai đó, theo chồng lên tận miền cao heo hút; có được bao ngày êm ấm, hạnh phúc đâu? Sự sống chết không biết như thế nào, có được may mắn hay không? Nhưng đã thương, đã nguyện sống cùng nhau, thì dù có trôi nổi, gian khổ thế nào cũng phải chia sẻ, gánh chịu.
Kim Trâm là một thợ may giỏi, lành nghề, lại rất cần mẫn, chịu khó, nên dù ở đâu chị cũng có thể sống được. Theo chồng lên Pleiku mấy năm nay, chị thuê nhà dọc phố Hoàng Diệu mở tiệm may, cả tuần chồng chị mới xin ra trại về thăm nhà một lần. Đôi khi có lệnh “cắm trại” trăm phần trăm, hai ba tuần chồng chị mới xin được cái phép hai mươi bốn giờ. Tuy là đàn bà, Trâm cũng hiểu rằng, người đàn ông thời chiến là vậy, biết sao hơn được? Ai chẳng muốn được sống ấm êm trong mái gia đình có vợ con bên cạnh? Nghĩ vậy nên chị lấy công việc làm niềm vui, mong muốn có ngày im tiếng súng, hòa bình được lập lại; vợ chồng chị sẽ trở về ngôi nhà xưa sống cuộc đời đạm bạc cùng ruộng vườn, bên lũy tre làng như thuở nào mới yêu thương nhau.
Kim Trâm chập chờn theo niềm mơ ước về quê, sống êm ả bên lũy tre làng rợp bóng mát; bên bà con xóm giềng luôn gần gũi, đùm bọc, yêu thương. Ở đó, lưu dấu tuổi thơ hái hoa, bắt bướm; có những buổi trưa hè rong chơi không ngủ; có những đêm trăng cả nhà quây quần bên rổ khoai lang luộc, với những câu chuyện đời xưa. Nhớ lại, Trâm thấy lòng lâng lâng như bay bổng về với những hoài niệm dấu yêu một thuở. Chị thiếp dần vào khung trời kỷ niệm xa xưa với niềm hạnh phúc được sống lại những phút giây bình yên ngắn ngủi.
Trời chưa kịp sáng, mọi người đã nhốn nháo thức dậy, vội vã lên đường để tiếp tục những bước chân trốn chạy.
Kim Trâm lưng gùi con trai, tay bồng con gái, cái xách trên vai chị đã rơi mất giữa đường tự lúc nào trong đám đông hỗn loạn buổi chiều. Một tiếng nổ lớn bỗng vang lên như trời long đất lở ở phía trước. Khói thuốc súng, thuốc đạn ngui ngút bay lên trời cao và những tiếng la thất thanh, hãi hùng. Người người ngã xuống, lớp lớp người phía sau tràn lên, dẫm nhau mà chạy. Tiếng đạn pháo kích lại tiếp tục. Đoàn người hốt hoảng, chạy tán loạn. Kim Trâm không biết chạy về hướng nào, đôi chân chị mềm nhũn vì sợ hãi. Chị khóc. Từ nhỏ, chị chưa hề thấy cảnh nào hãi hùng như hôm nay. Chị nghe ớn lạnh khắp sống lưng, run lẩy bẩy. Một người đàn ông phía sau chạy tới nói lớn: “Chạy vào rừng tránh đạn pháo kích, bà con ơi! Chúng ta nhắm hướng đông mà đi, thế nào cũng về được Tuy Hòa”. Nhìn thấy Kim Trâm lưng gùi con trai, tay bồng con gái đứng khóc; anh ta vừa nói vừa đưa tay ẵm bé Uyên thốc một cái, cõng trên vai: “Để tui cõng con bé giúp chị”. Kim Trâm nhẹ hẳn đôi tay, vội chạy theo bên cạnh anh ta cùng mọi người rẽ vào rừng, tránh xa con lộ loang lỗ máu.
Người đàn ông cõng bé Uyên, hình như cũng là một người lính, đã cởi bỏ quân phục hòa lẫn vào dân, nên rất rành việc đi trong rừng. Anh ta đi trước dẫn đường, mọi người im lặng dè dặt, dò dẫm đi sau, sợ bị phát hiện và pháo kích. Đi một lúc gặp một tốp người đang đi lạc trong rừng, thế là đoàn người lại đông thêm. Cả đoàn ai cũng rã rời vì đói khát, mệt mỏi, kinh hoàng; họ lết từng bước chậm rãi, với những vết xước, vết cào đầy máu vì gai, vì cây rừng cản lối.
Thỉnh thoảng, tiếng pháo kích vẫn vang lên đì đùng, tiếng súng M16 từng tràng dài và AK “cắc bụp, cắc bụp” từ hướng con lộ 7 phía trái làm mọi người thêm kinh hoàng, hoảng sợ. Ai cũng giật mình khi có con chồn, con sóc, con chim sợ hãi những bước chân, tiếng nổ chạy trốn xào xạc. Kim Trâm liên tưởng, mình như những con sóc, con chồn, con chim kia, cũng chạy trốn khỏi cái chết, chớ có gì khác hơn?. Súng đạn, cái chết không phân biệt ai. Mọi sinh vật đều ham muốn sống. Sự sống thật đáng quý làm sao!.
Một số người ngã quỵ không đi nổi, phải nằm lại dọc đường trong rừng; không biết rồi họ sẽ ra sao, có sống sót trở về không hay là vĩnh viễn nằm nghe rừng hát khúc bi ca muôn thuở? Đôi chân Kim Trâm đã bị gai cào rách chảy đầy máu đau đớn, chị thèm nằm ngủ một giấc dài cho quên hết mọi lo âu, phiền não; nhưng đứa con trai trên lưng luôn nhắc nhở chị, phải gắng sức để đưa chúng trở về quê nhà an toàn như chị đã hứa. Nghĩ đến con, Kim Trâm như được tiếp thêm nghị lực, gắng bước những bước xiêu vẹo, đau đớn nghe thốn tận trong tim.
Cuối cùng đoàn người cũng ra được khỏi rừng, gặp lại tỉnh lộ 7, tiếp tục xuôi về phía Tuy Hòa. Đi mãi, đi mãi gặp một chiếc cầu, mọi người hăm hở ào xuống sông rửa mặt, uống nước. Khát nước từ hôm qua nên ai cũng uống một hơi dài cho thỏa cơn khát. Dòng sông im lìm, lặng lẽ chảy như gắng chở nỗi niềm của miền cao về biển cả mênh mông; có hiểu được số phận những người đang uống nước kia, sẽ sống chết thế nào?.
Kim Trâm uống nước xong không thể nào nhấc nổi chân, lết lại nằm ngã dài bên tảng đá bên cầu, chỗ có lùm cây che mát.
Người đàn ông cõng Uyên lại cho chị - giọng lo lắng:
- Chị đi tiếp được không?
Kim Trâm thấy trời đất như quay cuồng, chao đảo trong chiếc đầu khô nóng của mình. Chị thều thào:
- Cảm ơn anh! Tui không bước nổi.
Anh ta đưa bé Uyên lại cho chị, nhìn chị có vẻ dò xét:
- Mẹ con chị nằm nghỉ một lát rồi đi sau nhé! Tui đi đây.
Mọi người tiếp tục lên đường.
Kim Trâm nghe tiếng bé Uyên yếu ớt:
- Mẹ ơi! Con mệt! Con đói!
Kim Trâm muốn đưa tay ôm bé Uyên vào lòng, nhưng dường như đôi tay chẳng chịu nghe lời chị, nó không nhúc nhích được. Thằng Toàn bò qua, bò lại trên người chị, la khóc đòi bú. Trâm gắng gượng chồm dậy, nhưng không thể. Rồi chị nghe tiếng khóc, tiếng kêu đói của các con văng vẳng, như từ đâu xa lắc vọng về. Âm thanh dìu dặt đứt đoạn trong gió. Kim Trâm cố mở đôi mắt thật lớn, nhưng sao mắt chị vẫn cứ nhắm nghiền, nặng trĩu. Chị cảm thấy một màu đỏ trước mắt, rồi rộng dần lên, trở thành bảy sắc cầu vồng, các màu đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím như trộn lẫn vào nhau, chớp nháy liên hồi. Kim Trâm thấy mặt đất rung chuyển, nhấc bổng chị lên; rồi bay bổng nhẹ nhàng lên cao, hòa vào những đám mây trôi lơ lửng giữa bầu trời rộng lớn. Chị bất tỉnh!
***
Kim Trâm nghe hơi ấm tỏa ra từ một vùng ánh sáng trong suốt trên cao phủ xuống người mình, có cảm giác được ai đó cho uống từng giọt nước cam ngọt ngào, tươi mát. Các cơ trong người chị như căng ra, đón nhận sự tươi mát thấm dần vào từng tế bào, từng thớ thịt làm chị mát dịu, khỏe khoắn. Trâm thấy mình như vừa được trở về sau một chuyến đi chơi xa, sống lại một cuộc đời khác. Chị cố mở mắt, hít thở thật đều, cựa mình, từ từ tiếp nhận cuộc sống. Kim Trâm nhúc nhích tay chân chậm rãi, cảm giác có gì đè nặng trên người. Chị tỉnh dần, đưa tay rờ lên ngực, giật mình vùng dậy, hai tay ôm chặt đứa con trai, nhìn sang bên cạnh không thấy Uyên, chị hoảng hốt nhìn quanh quất tìm kiếm. Trâm nhớ dần lại, tất cả như hiện ra trước mắt chị!.
Như có phép mầu, Kim Trâm đã hồi sinh, trở về từ cõi chết. Trong chị, nỗi lo sợ lạc mất Uyên làm chị gây gây lạnh. Mỗi lúc sự hoảng sợ tăng dần, chị hoảng hốt ôm con trai chạy tìm Uyên. Kim Trâm gọi lớn: “Uyên ơi! Uyên ơi!” hy vọng con gái chạy quanh quất đâu đây tìm cái gì để ăn vì đói, nghe tiếng chị gọi sẽ trở lại với chị. Nhưng rồi Trâm cảm nhận được rằng, Uyên đã không còn ở gần nữa, toàn thân chị tê điếng, giọng gọi con lạc dần, cùng nỗi khổ đau tận cùng. Nhìn thấy ai, chị cũng hỏi: “có thấy con bé Uyên nhà tui không chị ơi, anh ơi, cô bác ơi!”, trong niềm hy vọng mong manh, le lói. Người chạy ngang qua nhìn thấy chị đều lắc đầu thương cảm. Cái cảnh này họ đã chứng kiến đầy dẫy trên đường loạn lạc này từ hôm qua rồi, biết làm sao được - sự may và cái rủi thật mong manh, gặp phải ai, thì người ấy phải gánh chịu, vậy thôi. Tất cả còn đang khập khiểng trên con đường may rủi đầy máu và nước mắt nầy.
Như người mất trí, Kim Trâm chắp tay, quỳ gối cúi lạy bốn phương tám hướng, cầu xin cho chị tìm được đứa con gái thương yêu. Nước mắt ràn rụa quanh mặt, chị khóc như chưa bao giờ được khóc. Chị lăn lộn trong nỗi đau đớn tột cùng, như ai đã cắt đứt ruột gan chị. Trâm choáng váng, nhìn đâu cũng thấy bóng Uyên, với tiếng khóc “Mẹ ơi con đói! Con mệt!”. Chị khóc đến mờ cả mắt, nhìn cảnh vật nhòe nhọet; đứa con trai trên lưng chị cũng gào thét vì đói khát.
Kim Trâm bỗng nhìn thấy Uyên thấp thoáng trong những đám mây trôi trên bầu trời cao trong xanh - thiên thần có đôi cánh nhỏ của chị ngày nào. Uyên nhìn chị vẫy vẫy đôi tay, như muốn nói với chị một điều gì đó, mà chị không nghe rõ. Chị cố sức gọi con thật lớn, hy vọng con chị sẽ nghe thấy mà trở về; nhưng con bé vẫn cứ bay cùng đám mây lơ lửng trên cao, mỉm cười nhìn chị. Kim Trâm cố hết sức chạy đuổi theo, giơ tay gào thét gọi Uyên trong tuyệt vọng. Chị lết dần ra giữa khoảng đất trống bên bờ sông, rồi ngã gục.
Một chiếc trực thẳng đang bay trên bầu trời bỗng vòng lại, hạ xuống thấp dần, thấp dần; rồi có một người nhảy xuống, bế xốc mẹ con Kim Trâm đưa lên máy bay. Mọi người chung quanh vội chạy tới chỗ máy bay đang đứng yên, nhưng chiếc trực thăng đã cất cánh vút lên trời cao thật nhanh, thả những vệt khói lam mờ, rồi bay thẳng về phía Tuy Hòa, Phú Yên. Tiếng động cơ ầm ĩ nhỏ dần và mất hút giữa trời chiều ảm đạm.

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt