TIỂU NGUYỆT


Một Ngày Dài Một Đời Người
CHƯƠNG BỐN
TRÔI THEO DÒNG ĐỜI DÂU BỂ
 
Anh Tư đi làm về đến nhà nhìn đồng hồ đã năm giờ chiều, vội bưng bao phân bón vợ trộn sẵn cột trên chiếc xe đạp, tay xách cái thúng, đạp xe ra đồng vãi phân. Từ ngày anh học tập trở về, anh theo người cậu của Kim Trâm - ông Hải, làm thợ hồ, xây nhà kiếm tiền (trước kia, khi còn ở trong trại, anh ở “đội xây” nên biết thêm được cái nghề này). Nào tiền phân bón ruộng, tiền thuốc trừ sâu, tiền sách vở cho con, tiền thuốc thang cho mẹ, còn phải có tiền để anh chị đi tìm con gái nữa; cho nên khi có việc ông Hải gọi, anh luôn đi làm không nghỉ một bữa. Được làm việc giúp cho vợ con là niềm ao ước, mong muốn từ khi còn ở trong trại; nên anh cảm thấy vui, hạnh phúc quên hết nhọc nhằn. Sự làm việc ngày đêm còn giúp anh quên ngày tháng ưu phiền, nhất là nỗi buồn tủi.
Anh Tư vãi phân xong về đến nhà thì đã lên đèn. Kim Trâm lấy bộ quần áo đưa cho anh giọng trìu mến:
- Anh đi tắm rồi vào ăn cơm kẻo đói bụng.
Anh cười, liếc nhìn vợ:
- Anh nhanh thôi, em dọn cơm đi. Mẹ ăn cơm chưa em?
- Em cho mẹ ăn trước rồi anh.
- Cảm ơn em!
Anh cầm bộ quần áo sạch từ tay Kim Trâm đi vội ra giếng.
Toàn giúp mẹ dọn cơm ra trước hiên nhà. Kim Trâm bưng cái đèn hột vịt dưới bếp lên thì anh Tư cũng vừa tắm xong vào nhà. Bà Chín ngồi trên phản nhai trầu giục:
- Tụi con ăn cơm đi rồi còn nghỉ ngơi. Bữa nào cũng tối mịt mới ăn cơm. Tội nghiệp!
Kim Trâm “dạ” rồi đặt chiếc đèn trên kệ, ngồi xuống, giọng vui vẻ:
- Mời anh. Mời con trai. Mình ăn cơm thôi.
Anh Tư ngồi xuống bưng chén cơm vợ bới đưa, mời vợ con rồi cắm cúi ăn. Bà Chín ngồi nhìn các con ăn cơm vui lắm; nhưng rồi bà nhớ đến đứa cháu gái thất lạc lòng bà chợt nặng trĩu. Nếu như tìm được Uyên về là mãn nguyện rồi, tuổi già bà không ao ước gì hơn. Kim Trâm và chồng đều có chung một ước mơ là được ngồi bên nhau trong bữa cơm, là hạnh phúc lắm rồi! Những niềm hạnh phúc tuy rất đơn giản là vậy, nhưng cả hai đã phải trải qua bao thăng trầm mới có được.
Mấy hôm nay bà Chín nghe trong ngực hơi tức nghẹn khó thở, bà có cảm giác như có vật gì đè ép nặng trên ngực. Bà nghĩ, có lẽ tuổi già ai cũng thế, bộ máy cơ thể bà đã làm việc hơn bảy mươi năm gian khổ có tan rã ra đi cũng là chuyện phải đến thôi; nên bà ráng chịu đựng không thổ lộ cho các con của bà biết. Trong cảnh nghèo túng, chúng có hay biết cũng chỉ thêm khổ cho chúng mà thôi. Bà nhớ lời ông thầy Hai ở chùa Phước Hải hay nhắc nhở đạo hữu mỗi lần bà về chùa, là niệm Phật để được sự hộ niệm của chư Phật, ra đi được nhẹ nhàng; nên lúc nào bà cũng niệm sáu chữ “Nam mô A Di Đà Phật” cầu mong đức Phật từ bi đưa bà về cảnh giới Tây phương An vui của Ngài.
Bữa cơm xong mọi người họp nhau ngồi chơi trước hiên. Bà chín bỗng thấy nhói đau ở lồng ngực từng cơn mỗi lúc một nhiều, như có kim châm vào trái tim bà; rồi bà thấy nghẹn tức ở ngực không thở được. Anh Tư dìu mẹ vào giường nằm ngay ngắn rồi chạy ra nhà cô Hà - y tá thôn ở xóm Ga, mời cô về chích thuốc cho mẹ. Khi anh đưa cô Hà về tới nhà thì bà Chín đã mệt lã. Cô y tá vội bắt mạch và chích cho bà mũi thuốc. Một lát sau bà mở mắt tỉnh dần. Cô Hà đưa cho anh Tư gói thuốc dặn anh cho bà Chín uống thêm sau vài giờ rồi về.
Bà Chín cảm thấy bớt đau, hơi thở nhẹ nhàng trở lại và ngủ một giấc. Gần sáng cơn đau bỗng trở lại. Lúc đầu hơi tức tức ở lồng ngực, sau đau nhiều hơn làm bà không thở được. Bà thấy trước mắt mình là một màu đỏ chói lòa, nhấp nháy liên hồi; bà cố gượng để thoát khỏi màu sắc ảo ảnh đó, nhưng càng cố gắng bà càng thấy mình như bị một lực hút mãnh liệt cuốn vào khung màu chói lòa ấy. Bà muốn gọi to nhưng rồi bà thấy mình rơi thật nhanh vào cái hố sâu thăm thẳm, lơ lửng, chới với, bà lịm dần, lịm dần… không còn thở được nữa.
Vợ chồng anh Tư vô cùng đau đớn về sự ra đi quá đột ngột của mẹ, nhưng rồi anh chị nhìn gương mặt im lìm như đang ngủ say của bà, chợt hiểu ra rằng, mẹ là một người nhân từ, siêng về chùa lễ Phật nên đã được ra đi nhẹ nhàng như thế. Nghĩ vậy anh chị bớt thấy ray rức, đau buồn, chỉ hết lòng lo cho mẹ ra đi chu toàn như ý nguyện bao lâu.
Ngày tháng lặng lẽ dần trôi, vợ chồng anh chị Tư sống êm đềm giữa làng quê yên ả. Cuộc sống tưởng yên bình, nhưng rồi nỗi ám ảnh về đứa con gái bị lạc mất năm xưa thúc giục anh chị kiếm tìm; khiến sức khỏe chị suy yếu dần vì niềm vui chưa trọn. Kim Trâm lúc nào cũng nghĩ bé Uyên đang ở đâu đó, đang đợi được gặp chị; nên chị đau đớn nhớ thương con, không thể nào nguôi ngoai được. Năm, ba tháng anh hoặc chị thay phiên nhau trở lại con lộ bảy năm xưa để tìm kiếm con trong niềm đau đớn tột cùng. Lần nào trở về chị cũng như người mất hồn, ngơ ngơ, ngác ngác; phải cả tuần, mười ngày chị mới bình tâm trở lại. Nhiều người thân biết chuyện, khuyên chị hãy nên quên, nhưng làm sao có thể dễ dàng quên một giọt máu, một tình thương yêu của đời mình? Chỉ có kẻ vô tâm, ác độc mới cam tâm ruồng bỏ con mình mà thôi.
Một hôm anh chị Tư đi dự đám cưới của đứa cháu con chị Ba ở Ba Lò. Anh chị ngồi cùng bàn với Tâm - con của người chú họ. Cuối bữa tiệc Tâm quay hỏi anh:
- Anh học tập được mấy năm vậy anh Tư?
Anh Tư trả lời nhanh:
- Bốn năm.
- Hay quá! Anh đủ năm để làm giấy tờ rồi.
Anh Tư ngạc nhiên:
- Giấy tờ gì?
- Làm giấy tờ đi Mỹ.
Anh Tư tròn mắt, ngạc nhiên hơn:
- Mày nói anh không hiểu gì hết trơn, Tâm?
Tâm giải thích:
- Theo tui được biết, ai đã học tập ba năm trở lên được phía Mỹ bảo lãnh qua nước họ. Anh bốn năm đủ điều kiện làm giấy tờ để được đi rồi. Ở trên xóm tui thấy người ta làm tùm lum rồi kìa.
- Vậy à?
- Anh về làm đi, qua bên đó cho đỡ khổ, con cái dễ học hành tới nơi tới chốn; chứ ở đây con cái mình có được cho vào ngồi ở trường Đại học đâu.
Nghe thì nghe vậy thôi anh Tư không để tâm đến việc phải rời xa quê sống đời lưu lạc như vậy. Anh nghĩ, cuộc sống nơi đây tuy gian khó, còn nhiều phân biệt đau lòng, nhưng đã gắn bó bao đời rồi; nay xa quê đến xứ người, bất đồng ngôn ngữ phải làm lại từ đầu khó mà thích nghi được. Nơi nào cũng phải đổ mồ hôi mới kiếm được miếng ăn thôi.
Một bữa nọ, Huân - người bạn khi trước ở chung trại, nhà ở ngoài thị xã vào thăm chơi. Huân cho anh biết, anh ấy đã làm giấy tờ theo chương trình “di tản thứ tự” dành cho cựu quân nhân và viên chức chế độ cũ đã học tập cải tạo ba năm trở lên, được chính phủ Mỹ bảo lãnh. Anh ấy khuyên anh Tư nên đi, vì tương lai của con cái. Nghe Huân nói, anh Tư hơi phân vân, muốn đi nhưng sợ cuộc sống nơi xứ người khó thích nghi. Nghĩ vậy nên anh bàn với vợ:
- Em à! Em nghĩ mình có nên làm hồ sơ xin ra đi không em?
Kim Trâm cười hiền lành:
- Tùy anh quyết định, em không biết nên có ý kiến ra sao.
Sau một thời gian suy nghĩ anh quyết định ra đi. Nghĩ đến việc đi đâu đều phải báo cáo và một vài tháng phải tới trình diện, hễ gọi là phải có mặt ngay, xin cái giấy gì cũng phải chờ đợi, lo sợ, làm anh thấy mệt mỏi. Anh Tư quyết định làm giấy tờ như các bạn.
Anh hỏi thăm, nhờ Huân chỉ dẫn làm giấy tờ như Huân đã làm. Bà Hải đã giúp anh chị số tiền bà dành dụm được bấy lâu, anh chị còn mượn thêm của những người bà con, họ hàng nữa mới đủ tiền để lo các thủ tục cần thiết.
Sau mấy năm làm giấy tờ, gia đình anh Tư được gọi phỏng vấn.
Một buổi trưa, Kim Trâm ngồi trên chiếc phản trước hiên nhìn ánh nắng hanh hao chiếu tràn xuống khắp vườn, lòng chị bỗng thấy bâng khuâng, nao nao, gợi nhớ - một khung trời quá khứ thuở nào cùng những hoài niệm hạnh phúc, đau thương đan xen nhau. Cả thời gian, không gian của những tháng ngày xa xôi như lắng đọng trong tâm hồn chị. Hình ảnh bé Uyên thấp thoáng cùng niềm nhớ thương cứ day dứt, sôi nổi trong lòng. Chị thầm nghĩ, nếu mình ra đi bỏ lại đứa con gái thân yêu, tội nghiệp biết dường nào; biết đâu, ở nơi chốn nào đó bé Uyên đang ngóng đợi mình? Kim Trâm nghe cay sè khóe mắt, rồi những giọt nước mắt nóng hổi lăn dài trên má, chị không buồn lau.
Anh Tư bước lại ngồi xuống bên cạnh, đưa tay ôm choàng chị. Chị ngã đầu trên vai anh thổn thức:
- Mình bỏ con gái lại mà đi sao anh? Em không nỡ?
Anh Tư ôm chặt đôi vai run run của chị, an ủi:
- Nín đi em. Chúng ta sẽ trở lại tìm con. Anh tin nếu như con còn sống, chúng ta sẽ tìm được con, em à!
- Được không anh? Chúng ta sẽ trở về tìm con anh nhé!
- Được rồi. Anh hứa!
Kim Trâm cảm thấy được an ủi phần nào, nghĩ đến việc phải rời xa quê đến một nơi xa xôi, lạ hoắc, chung quanh mình không có người thân, bạn bè khiến chị lo lắng. Không biết rồi sẽ ra sao, có thích nghi được không, khi mà mọi thứ đều xa lạ và nhất là “bất đồng tập quán, ngôn ngữ”?
- Sao em lo quá anh à! Mình không biết tiếng của họ khó mà hòa đồng, thích nghi anh nhỉ?
- Không sao đâu em, sẽ học thêm dần, người ta sống được mình sống được, sẽ thích nghi thôi. Đừng lo lắng gì hết coi chừng bệnh đó.
- Biết vậy, nhưng vẫn cứ lo anh à.
- Rồi sẽ quen dần thôi, với lại mình ra đi để có cơ hội giúp cho mẹ và các em của em nữa chớ.
Kim Trâm nắm bàn tay anh bóp nhẹ:
- Có anh bên cạnh em yên tâm rồi. Qua bên đó ổn định cuộc sống là về tìm con anh nhé! Em luôn nghĩ, con gái vẫn ở đâu đó mong chờ chúng ta tìm kiếm. Em tin một ngày nào đó mình sẽ gặp lại con. Anh có tin như vậy không?
Anh Tư hôn lên trán vợ, thì thầm:
- Anh cũng tin như em. Người mẹ có linh cảm rất chuẩn xác, tình mẫu tử thiêng liêng là vậy. Trước khi ra đi, chúng ta sẽ trở lại liên tỉnh lộ bảy tìm con lần nữa em nhé!
- Dạ! Em cũng nghĩ vậy đó anh. Để tạm biệt con.
Còn mười ngày nữa là đúng ngày anh chị Tư lên đường, anh chị trở lại liên tỉnh lộ bảy để tìm kiếm con gái. Con đường cũ với những hàng cây khẳng khiu trong gió sớm đón chào anh chị trở lại với núi đồi hoang vu. Vẫn tảng đá vô tri bên chân cầu lặng nhìn dòng sông lửng lờ chuyên chở ân tình miền cao về với biển. Tảng đá ấy đã chứng kiến cuộc chia ly của mẹ con chị, và có lẽ chỉ có nó mới biết được chuyện gì đã xảy ra cho bé Uyên?. Nhiều lần chị đã thầm thì chuyện trò với tảng đá kia, mong có một phép mầu nào đó, nó có thể cho chị biết được đã xảy ra những gì; nhưng nó vẫn im lìm trong tiếng vi vu, rầm rì của gió ngàn hoang vắng.
Mỗi lần trở lại nơi đây là mỗi lần lòng chị cuộn sóng. Chị như sống lại những ngày chạy loạn ấy, khiến chị bàng hoàng, đớn đau như vừa trải qua một trận cuồng phong dữ dội. Chị thất thểu trên bến sông với hình ảnh cuối cùng của bé Uyên trước khi rời xa chị. Tiếng gọi “Mẹ ơi! Con đói. Con mệt” của con gái thuở nào như văng vẳng khiến chị bấn loạn, bàng hoàng.
Anh chị đi dần vào làng hỏi thăm bà con sống ven vùng về con gái năm nào, nhưng không có một chút tin tức, manh mối nào. Dù vậy anh chị vẫn nuôi niềm hy vọng trong lòng với niềm tin rằng, một ngày nào đó con gái anh chị sẽ được tìm thấy quanh đây.
Để chuẩn bị cho ngày rời xa quê hương, anh chị bàn với nhau tổ chức một buổi gặp gỡ chia tay với bạn bè, người thân, bà con chòm xóm. Buổi chia tay chỉ có nồi chè, chỏ xôi vậy mà vui được bạn bè, bà con quanh xóm khen ngợi anh chị là người tình nghĩa đáng quý. Vị ngọt của chè thêm tình sâu nặng, sự dẻo thơm của xôi thêm gắn bó nghĩa tình.
Bà Dư cầm tay Kim Trâm, giọng bùi ngùi:
- Bác chúc vợ chồng mày đi bình an nghen con. Mai mốt về chắc gì bác còn sống mà mừng cho tụi con - bà bỗng thút thít, phải như chị Chín còn sống chắc chỉ mừng lắm đó. Nhưng mà không sao, chỉ luôn phù hộ cho tụi con sức khỏe, an lành đó nghe Trâm.
Anh Tư cảm động:
- Dạ! Cháu cảm ơn bác Dư. Bác sẽ sống chờ cháu về để cháu còn có “quà” cho bác chứ. Còn mẹ cháu, lúc nào cháu cũng thấy như mẹ ở bên mình, mong mẹ phù hộ cho tụi cháu tìm được bé Uyên là thỏa ước nguyện rồi.
Bà Hải góp lời:
- Chị sui ở trên cao sẽ phù hộ cho tụi con sức khỏe, an lành và sẽ tìm được bé Uyên. Qua bên đó mẹ nghe nói khí hậu lạnh lắm, phải nhớ giữ ấm để khỏe mạnh mà làm việc đó nghen con, đau bệnh không ai lo khổ lắm.
- Dạ! Con cảm ơn mẹ. Mẹ ở nhà cũng giữ sức khỏe, mai mốt tụi con sẽ về thăm mẹ và các em.
- Đừng lo cho mẹ, bên này còn có người thân, có bà con làng xóm lo gì. Lo cho tụi con ở nơi xa lạ đấy!
Chị Ba lại bên anh Tư nắm tay em trai, dặn dò:
- Em nhớ giữ sức khỏe nhé! Nhớ thư cho chị biết để chị khỏi lo đó nghen. Chị chúc các em đi bình an.
Anh Tư cảm động:
- Dạ! Em cảm ơn chị. Em sẽ thư cho chị thường xuyên. Chị cũng giữ sức khỏe chờ em về đó nghen.
Những người bạn học cũ của anh Tư, của Kim Trâm ai cũng vui vẻ chúc mừng anh chị, mong anh chị có cuộc sống sung túc, an bình hơn ở xứ người; và một ngày nào đó sẽ trở về gặp lại trong tình thương yêu, chờ đón của bạn bè quê nhà.
Kim Lan nói với chị gái:
- Chị nhớ viết thư thường xuyên cho em đó. Em sẽ báo cho chị biết về gia đình mình qua thư.
Kim Trâm ôm em gái:
- Em yên tâm, chị sẽ viết thư cho em. Em thay chị chăm sóc mẹ nghen. Cảm ơn em gái của chị.
Cuội chen vào:
- Còn em nữa. Chị cũng phải viết thư cho em nữa chớ.
Kim Trâm nhìn em cười, vuốt tóc em trai:
- Biết rồi, Cuội của chị. Chị sẽ viết thư cho các em. Ở nhà nhớ nghe lời chị Lan, ngoan với mẹ đó nghe chưa. Mai mốt chị về sẽ có quà cho các em.
Cuội cười tít mắt:
- Em cảm ơn chị Hai. Em sẽ nghe lời mẹ và chị Ba, chờ chị về.
- Cuội của chị giỏi lắm!
Kim Lan cười:
- Nhớ đó nghen Cuội. Mày mà không nghe lời là chị méc với chị Hai đó nghen.
Cuội cười:
- Dạ! Em biết rồi. Làm như người ta con nít lắm vậy.
Kim Lan cười:
- Chớ mày nghĩ mày lớn lắm hả? Mới hăm hai mặt búng ra sữa mà đòi làm người lớn?
Cuội cãi:
- Tại chị cứ coi em là con nít đó chớ, em lớn rồi chớ bộ.
- Không biết. Trong mắt chị lúc nào Cuội cũng bé, Cuội nhỏ xíu thôi.
Anh Tư cười:
- Cuội đã lớn rồi nhưng đối với các chị em lúc nào cũng bé bỏng đáng yêu. Đó là tình yêu thương của các chị dành cho em đó mà, đâu có “chê” em nhỏ?.
- Dạ em cảm ơn anh! Em chúc anh chị thượng lộ bình an.
- Cảm ơn em!
Đêm nằm ngủ, Kim Trâm cố gắng nhắm mắt dỗ giấc ngủ, sáng ngày mai lên xe vào Sài Gòn rồi; nhưng sao đôi mắt chị ráo hoảnh, bao nỗi niềm, lo toan sắp phải lìa xa quê hương cứ day dứt trong lòng. Niềm vui cùng nỗi buồn cứ đan xen vào nhau thao thức trong chị. Một chút bâng khuâng lẫn nỗi lo lắng, thắp thỏm ẩn hiện trong tâm hồn vì nỗi chia xa. Một chút buồn thương vì phải khất lại sự kiếm tìm đứa con gái thân yêu. Một chút xao xuyến khi chị chợt nhớ lại tuổi hồn nhiên hái hoa, bắt bướm với những trưa hè trốn ngủ rong chơi bắt nẻ, ô quan, u mọi … thuở nào réo gọi. Một chút bồi hồi thuở học trò hồn nhiên áo trắng xa xăm, gần gũi. Mỗi thứ “một chút” thôi nhưng đã căng đầy trí óc. Cuối cùng hình ảnh bé Uyên chợt thấp thoáng trước mắt chị khiến chị thêm bàng hoàng.
Chuyến xe đưa gia đình anh chị Tư đã chuẩn bị lên đường vào Sài Gòn tối nay, máy bay sẽ cất cánh lúc nửa đêm. Bà Hải, Kim Lan, Cuội, chị Ba, cùng lên xe vào Sài Gòn tiễn đưa anh chị lên máy bay. Kim Trâm vói nhìn cảnh vật vụt thoáng qua ngoài cửa xe lùi xa dần như gởi lời chào tạm biệt quê nhà thân yêu. Những lũy tre, mái bếp, khói lam chiều của ngôi làng quê yên tĩnh sẽ là nỗi nhớ với anh chị, với những người con xa xứ. Những hình bóng giản dị, tầm thường ấy sẽ cho ta sợi dây bền chắc, thúc giục bước chân của những người con tha phương nhớ trở về cố xứ.
Anh chị Tư làm thủ tục gởi hành lý trước giờ máy bay cất cánh. Kim Trâm bỗng òa khóc khi phải vào phía trong chuẩn bị lên máy bay. Chị ôm choàng lấy mẹ thút thít:
- Mẹ giữ gìn sức khỏe, con sẽ gởi thư thường xuyên về thăm gia đình. Con rất nhớ mẹ và các em.
Bà Hải rưng rưng nước mắt:
- Nhớ lời mẹ dặn nghen con. Mẹ chúc các con thượng lộ bình an.
- Dạ! Con cảm ơn mẹ!
Chị Ba mếu máo:
- Các em đi mạnh giỏi nha. Qua bên đó nhớ giữ sức khỏe nghen.
Anh Tư cầm tay chị Ba bóp nhẹ:
- Tạm biệt chị! Chị cũng giữ sức khỏe, mai mốt em về, rồi đưa tay vẫy chào mọi người nói lớn - “Tạm biệt mẹ. Tạm biệt các em. Mọi người về nhé! Con đi đây. Hẹn gặp lại”.
Anh Tư cầm tay vợ cùng con trai bước lên cầu thang vào phía trong.
Mọi người quay trở lại xe ra về.
Chuyến American Airline cất cánh bay lên cao vào giữa đêm khi thành phố Sài Gòn còn đang ngủ.
Tiểu Nguyệt

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt