TIỂU NGUYỆT


Nghĩ Về Con Đường Đang Đi Tới
 
     Cách đây một tháng, có một người bạn văn, sau khi đã đọc hai tập truyện ngắn “Hương Quê Một Thuở” và “Quê Người” của tôi gởi tặng; đã điện thoại hỏi tôi: “Trong một số truyện ngắn cô viết, tôi nhận thấy có cuộc chiến tranh hai mươi mốt năm đã qua; là lớp người cầm bút trưởng thành sau năm 1975 - cô sẽ viết về đề tài này như thế nào cho là cần thiết nhất?”.
      Nghe người bạn văn hỏi, niềm vui trong tôi như muốn nhân lên, vì có người đã đồng cảm, nhìn thấy những gì tôi gởi gắm, tâm sự qua tác phẩm. Chiến tranh thật tàn khốc và thật đau lòng, đã để lại trong mỗi chúng ta nỗi đau âm ỉ, day dứt khôn nguôi, dù sau khi cuộc chiến kết thúc đã nhiều năm. Tôi không muốn nhắc đến chuyện bom đạn, máu đổ, mà nhiều người dân vô tội phải gánh chịu khi sống trong hận thù; bởi càng đau lòng hơn, khi mà mỗi chúng ta bây giờ phải nhớ lại những cảnh đời đen tối như vậy.
     Sau năm 1975 - cuộc chiến tranh hai mươi mốt năm tuy đã đi qua, nhưng những vết hằn và dư âm của nó vẫn chưa thể lành lặn được. Những định kiến đau lòng về lý lịch vẫn tồn tại trong tâm thức một số người. Theo tôi, người cầm bút như một nhân chứng vô tư, kêu gọi xóa bỏ sự phân biệt đối xử, định kiến xưa cũ về giai cấp, lý lịch. Bởi vì, nếu cứ xét một yếu tố lý lịch, ta có thể bỏ lỡ một số nhân tài mà đất nước đang cần để xây dựng và phát triển đất nước sau cuộc chiến, và nếu cứ phân biệt đối xử, làm sao có được một cuộc sống hòa hợp, an vui đích thực; làm sao hàn gắn được lành lặn bao vết thương lòng đang còn rỉ máu, để có được sự chan hòa, đoàn kết trong tình yêu thương giữa người và người?.
     Trong bài tùy bút “Lớp Học Của Tôi” (Trong tác phẩm Khúc Hát Yêu Thương - 2017), một cô gái ước mơ được trở thành “cô giáo” với bao khát khao cháy bỏng, chỉ vì “lý lịch” gia đình, cha là một người làm trong chính quyền cũ, hiện đang học tập, cải tạo, nên ”bị cấm”, không được thi vào đại học, đành khép lại ước mơ. Nhưng niềm ước mơ ấy quá lớn, đã khiến cô gom những đứa trẻ trong xóm về nhà kèm dạy chúng học, với tình thương vô bờ; chăm lo cho chúng từ cây bút, quyển vở, mà không hề nhận một đồng thù lao; (trong khi ấy, những người đã được đào tạo để giảng dạy, lại bỏ ra ngoài buôn bán, làm ăn vì chê lương ít). Cô gái ấy đã bị cái “lý lịch” mà chính cô chẳng có tội tình gì, chẳng phải là đã bỏ đi một “cô giáo” thật sự mà đất nước đang cần sao?.
     “Thương làm sao những học trò nhỏ của tôi, đi học dép đứt quai, áo đứt nút, quần lủng mông, dơ dáy. Tôi dạy chúng ăn mặc sạch sẽ, tươm tất. Không những phải học giỏi mà còn phải đẹp đẽ, gọn gàng, sạch sẽ mới là học trò ngoan. Mấy người chung quanh xóm ngạc nhiên “Cái bà này sao biết đường chỉ lũ trẻ học vậy trời?”, cũng có người nói “Hồi xưa bã là cô giáo đấy!”. Dù ai thắc mắc gì cũng không sao, miễn các em học tiến bộ là vui rồi. Có em đến học, viết hết mực, hết vở, tôi phải chạy đi mua cho chúng. Lớp học có khi mười em, có khi bảy hoặc tám em, khi đông nhất mười lăm em. Các em học nhiều lớp, vậy mà học tốt không ảnh hưởng gì. Tôi thường dạy vào buổi chiều tối, sau khi làm xong công việc. Tôi giảng bài cho các lớp khác nhau nên rất mệt. Những em vỡ lòng phải tập viết, có khi cầm tay tập từng nét chữ. Cả buổi học hai tiếng đồng hồ, tôi không ngơi tay. Phụ huynh có người biết tôi vất vả, nhiều khi đến thăm hỏi, cảm ơn, nên tôi vui lắm. Có người mang tiền trả học phí cho con, nhưng tôi cảm ơn chỉ dạy giúp, không nhận tiền của ai...”. (Lớp Học Của Tôi – trang 66).
     Tôi không nói về chiến tranh nóng bỏng, mà nói đến những hậu quả thầm lặng còn âm ỉ trong tâm hồn mỗi người, mà ít người nhận ra chúng. Tôi muốn nói đến những khát vọng yêu thương, hòa hợp để có một hạnh phúc chân thực, một đời sống có ý nghĩa thật sự mà tất cả chúng ta đều mong ước. Như trong truyện ngắn “Hương Quê Một Thuở” (Trong tác phẩm Hương Quê Một Thuở - 2018). Một tình yêu cao đẹp của đôi bạn lớn lên giữa làng quê mộc mạc, chung trường, yêu nhau, nhưng chiến tranh đã chia cách hai người ở hai bên chiến tuyến. Sau năm 1975, nàng là cán bộ quản giáo, chàng là một tù binh, nhưng họ là một con người, luôn mong muốn được yêu thương, được hạnh phúc. Có thể nói, đó là khát vọng được yêu thương, xóa tan sự phân biệt, hận thù, để cùng mưu cầu một hạnh phúc đích thực sau cuộc chiến. “Vào một ngày tháng ba, khi nắng xế hanh vàng rớt xuống ngọn Sầu Đông đong đưa trước ngõ. Cường trở về. Anh bước vào đứng dưới gốc Sầu Đông năm xưa nay đã già, gốc cây quá to hai tay anh ôm không xuể; anh mỉm cười nhớ bao kỷ niệm xưa. Thanh xinh xắn bước ra ngỡ ngàng nhìn anh. Niềm vui vỡ òa, hạnh phúc trở về sau bao ngày xa cách. Họ nhìn nhau sung sướng không thốt nên lời. Cơn gió chiều mát lộng thoang thoảng hương thơm của loài Sầu Đông. Sau một mùa đông dài, những chiếc lá đã rụng rơi để nhường chỗ cho mầm non lá mới, cho những cánh hoa tim tím, trăng trắng tỏa ngát hương. Thanh đón Cường trở về trong tình yêu thương vô bờ”. (Hương Quê Một Thuở - trang 80).
     Những chia sẻ của tôi qua trang văn, trong lộ trình “con đường đang đi tới”, cũng đã được một số nhà văn đàn anh, nhiều bạn đọc khắp nơi quan tâm, nhận thấy. Trong lời bạt cho tập truyện “Hương Quê Một Thưở”  của tôi, nhà thơ - nhà văn Trịnh Bửu Hoài, đã viết:
     “Một câu chuyện hi hữu nhưng không hiếm trong cuộc chiến tranh dai dẳng, khắc nghiệt của đất nước ta. Đôi bạn thời niên thiếu học cùng lớp cùng trường, có tình cảm với nhau nhưng khi lớn lên giữa thời binh biến nên mỗi người một nẻo đường đời, và mỗi người phải đi qua cuộc chiến tranh bằng tuổi thanh xuân của mình. Khi hòa bình, sau biết bao tang tóc, thảm kịch do cuộc chiến gây ra, họ may mắn gặp lại nhau nhưng oái oăm thay, hai người hai chiến tuyến. Chị là cán bộ quản giáo còn anh là tù binh. Họ là con người, trái tim đầy nhiệt huyết nhưng vẫn là những dòng máu tinh khiết của tình yêu. Họ vượt qua nghịch cảnh để đến với nhau bằng sự chân thành của lòng yêu thương, bằng trái tim thuần lĩnh của một con người”.
     Và trong truyện ngắn “Mảnh Trăng Xưa Vẫn Sáng” - Thu Nguyệt, một mẫu nhân vật tiêu biểu, khi còn hoạt động từ bên kia chiến tuyến, nàng đã có một cái tâm rộng lớn: Yêu thương quê nhà, cha mẹ và bà con láng giềng rất sâu đậm. Yêu thương dành cho bạn hữu - tiêu biểu là Như Nguyệt, không chút đắn đo, suy tính – (nhất là đang sống vào thời kỳ có lắm định kiến, chia cách “bên nầy, bên kia” vin vào lý lịch ba đời!) Với Như Nguyệt, như bao gia đình khác, không thể tránh khỏi những hệ lụy của thời cuộc, của xã hội, khi chiến tranh đã kéo dài gần 21 năm. Lá thư của Thu Nguyệt gởi cho Như Nguyệt nhờ người giao liên mang đến tận nhà, khi còn ở bên kia chiến tuyến, là một “thông điệp” sống động của yêu thưong. Thu Nguyệt đã vượt thoát ra khỏi những ràng buộc tạm thời của xã hội, những lề thói vị kỷ của đời sống.
      “Lân theo chân Thu Nguyệt vào nhà, nàng rót trà mời anh. Thăm hỏi nhau đủ chuyện. Thời gian xa nhau không dài, chỉ hơn bốn năm thôi - nhưng cuộc biển dâu như hằng thế kỷ. Trong tiếng bom đạn, sự sống của con người được tính trong từng giây phút. Nàng kể cho anh nghe mảnh đạn còn lại trong người đã làm nàng đau đớn thế nào, và khó mà khỏe mạnh như trước. Nàng nói về Như Nguyệt - người bạn nhỏ thân thiết như hai chị em mà nàng luôn nhớ, luôn trân quí; nàng kể anh nghe cả những kỷ niệm của hai đứa lúc còn thơ, những lần bị rượt đuổi vì trộm ổi, trộm sắn của người láng giềng. Nàng say sưa kể lại với niềm vui sướng, tự hào, được chia sẻ những kỷ niệm tuổi thơ đầy cảm xúc của nàng và Như Nguyệt cho Lân. Sau cùng, nàng nói thêm - Như Nguyệt không những là người bạn, mà còn là người chị em hơn ruột thịt của mình, muốn Lân quan tâm.
     Trước khi Lân ra về, Thu Nguyệt nói với anh như lời dặn dò:
     -Anh Lân à! Em rất yêu quí anh, em muốn anh và Như Nguyệt cùng đi về phía trước; bởi vì hạnh phúc của hai người, cũng là hạnh phúc của em”. (Mảnh Trăng Xưa Vẫn Sáng – trang 127)
     Nhà văn Mang Viên Long đã có bài tiểu luận “Khát Vọng Yêu Thương Trong Mảnh Trăng Xưa Vẫn Sáng”, có đoạn - như sau : “Nhờ có tình yêu thương vô bờ từ nguồn gốc “từ bi hỷ xả”, Thu Nguyệt đã có một sự hy sinh lớn, rất đáng kính phục: Với Lân - người yêu mà nàng đã bao năm tưởng nhớ: “Em rất yêu quí anh, em muốn anh và Như Nguyệt cùng đi về phía trước; bởi vì hạnh phúc của hai người, cũng là hạnh phúc của em”. Với Như Nguyệt - người bạn học cũ đồng hương: “Anh Lân là một người tốt, mình mong hai người sẽ mãi mãi bên nhau”. Thu Nguyệt đã luôn lấy hạnh phúc của người, làm hạnh phúc của chính mình - đó phải chăng là cái tâm từ bi, tùy hỷ, cao quý mà ít người có được - nhất là trong thời đại đạo đức đang có dấu hiệu suy đồi, khi bị lệ thuộc quá nhiều vào những tiện nghi vật chất?”.
      Người thầy dạy văn cũ của tôi, sau khi đọc xong “Mảnh Trăng Xưa Vẫn Sáng” đã bầy tỏ cảm nhận: “Câu chuyện có thể “hiếm thấy” trong đời sống, nhưng thầy vẫn luôn mong được như vậy!”. Có lẽ, tất cả chúng ta cũng đều ước mong, sẽ được an vui sống trong một đời sống tràn đầy Yêu Thương thiêng liêng như vậy!?
     Chiến tranh tuy đã đi qua nhiều chục năm, nhưng sự tổn thương, vết đau về tinh thần, tình cảm, vẫn còn tìm ẩn dai dẳng, khiến đời sống của nhiều người chưa thực sự được an lành, chưa là niềm vui chung cho tất cả.
     Là trách nhiệm của những người cầm bút trẻ, theo tôi là cần hàn gắn mọi đổ vỡ tinh thần, tạo niềm tin yêu cho tất cả, để cùng hướng đến một tương lai tươi sáng hơn, với khát vọng yêu thương, hòa hợp vì một thế giới công bình, văn minh, hạnh phúc!.
     Tôi khép chiếc máy tính lại, cảm thấy lòng an vui, thư thái, khi đã phần nào “tâm sự” cùng người bạn văn về con đường mình đã chọn và đang đi tới. Tôi ngước nhìn ra bầu trời trong xanh ngoài khung cửa sổ, vời niềm tin, niềm hy vọng cũng đang rộng mở…                           
 
                                                                        11/2018
                                                                    


  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt