TIỂU NGUYỆT


Nhớ Mùa NOEL Cũ
   Truyện Ngắn
 
     Trong căn nhà trên triền dốc giữa thành phố mù sương thơ mộng, tiếng cười nói rộn ràng của một gia đình nhỏ đang chuẩn bị đón mừng giờ Chúa giáng sinh. Họ cùng trang hoàng phòng khách, Nhật mang chậu hoa hồng kê trước bộ sa lon. Đứa con gái chạy lên chạy xuống ríu rít như chim, hai bố con cùng treo những cánh thiệp, những quả cầu đủ màu lên cây noel giữa phòng khách. Đèn điện chong sáng khắp sân vườn, ngôi nhà xinh xắn với những khóm hoa rực rỡ. Nhật mở máy, những ca khúc mừng Chúa giáng sinh rộn ràng, Quỳnh vừa loay hoay trong bếp chuẩn bị mấy món cho buổi tối vừa chạy lên ngắm nhìn hai bố con anh làm, nàng luôn cười vui, nhắc chừng anh mọi thứ. Tối nay cả nhà cùng xuống phố sau bữa tiệc nhỏ mừng Chúa giáng sinh. Anh cùng con gái chạy đi mua nước uống và ít đồ dùng còn thiếu. Quỳnh nấu xong lên tựa cửa ngắm nhìn khắp sân vườn, nàng mỉm cười hài lòng, bâng khuâng nhớ về mùa Noel cũ với bao kỷ niệm.
     Ngày ấy Quỳnh còn là sinh viên trường Trung học sư phạm, nàng rất thích ngôi nhà có giậu Hoàng Anh vàng trên đường đến trường. Ngôi nhà ngói đỏ với đủ loài hoa. Có lần khi ngang qua, nàng nghe tiếng đàn guitar, cố nhìn vào bên trong xem nhưng không hề thấy được gì. Quỳnh ngẩn người lắng nghe khiến hai bạn bực mình cằn nhằn:
    - Cậu sao thế? trông ngớ ngẩn như người mất hồn vậy?
    - Ừ! Mình có sao đâu, tiếng đàn hay quá lắng nghe một chút. Hay dễ sợ!
    - Thôi đi cô! Chạy cho lẹ kẻo trễ học bây giờ ở đó mà ngẩn ngơ, ngơ ngẩn. Khùng!
    - Ha ha ha chắc vậy quá! Tớ nghe mãi chắc khùng thiệt.
    Quỳnh chậm rãi vừa đi vừa thưởng thức, người đàn đang say mê bên cay dàn hẳn là tay Guitar điệu nghệ lắm đây. Quỳnh xúc động lắng nghe với lòng ngưỡng mộ. Cả tuần nay nàng luôn nghe tiếng đàn mỗi khi ngang qua ngôi nhà có giậu Hoàng Anh nở vàng thơ mộng. Hôm nay, tiếng đàn bỗng dưng không còn nữa. Lạ thật, tiếng đàn như bóng ma cùng nàng chập chờn.
      Chuẩn bị ra trường, Quỳnh về thực tập tại ngôi trường chung quanh là ruộng lúa xanh mượt thuộc xã Hòa Bình. Quỳnh và Đào cùng trọ nhà bà Năm, nhà chỉ hai mẹ con nên bà cho hai đứa ở cho vui. Cô Thủy đang chủ nhiệm lớp 3A hướng dẫn Quỳnh trong kỳ thực tập. Những cô cậu học trò trông dễ thương, cả lớp đón mừng cô giáo mới về. Nàng vui vô cùng khi ngày ngày được tiếp xúc và dạy dỗ các em, những đôi mắt thơ ngây tròn xoe đáng yêu. Quỳnh hạnh phúc vì ước mơ mình đã thành hiện thực, nàng tâm nguyện sẽ hết lòng chỉ dạy cho đám học sinh quê mùa, nghèo khó nầy. Thủy điềm đạm, giản dị, dễ gần, lớn hơn Quỳnh mấy tuổi nên hai người đồng cảm, dễ gần gũi hơn.
     Thầy Tuân phụ trách hướng dẫn chung, anh vui vẻ, hoạt bát, mọi người rất quí anh. Những ngày tháng được về trường, Quỳnh như con chim líu lo lúc nào cũng cười đùa hồn nhiên cùng đám học trò , cả lớp trò nào cũng mến. Nàng như sống lại thời tiểu học, thấy mình ngày ấy khờ khạo không lanh lẹ, dễ thương như các em bây giờ. Nhìn nét hồn nhiên của các em, nàng mỉm cười hạnh phúc. Tuân bước tới cười nói:
    - Chào cô giáo! Hôm nay có gì vui à?
    Quỳnh cười:
    - Dạ! Em nghĩ tới thời mình còn tiểu học, hồi ấy em nhát và mít ướt lắm anh! Thầy gọi lên bảng là nước mắt chảy dài dù em thuộc bài, nghĩ cười quá đi.
    - Vậy à? Cô thấy học sinh ở đây thế nào?
    - Dạ! Các em chăm ngoan và dễ thương. Các em học tốt anh ạ!
    Thầy Tuân trầm ngâm:
    - Sắp kết thúc kỳ thực tập rồi, nhanh thật.
    - Dạ! Tụi em tính xin phép anh chủ nhật tuần tới tổ chức chia tay, em sẽ rất nhớ các thầy cô và học trò của trường mình.
    - Cũng được, làm ngày chủ nhật chơi thoải mái hơn. Mấy cô cậu chuẩn bị vài tiết mục hát cho vui.   
      Quỳnh bồi hồi khi sắp rời xa ngôi trường, những ngày tháng sống nơi đây với biết bao kỷ niệm. Vui nhiều, lo cũng không ít, bao cố gắng để được đánh giá tốt. Mai này khi rời xa, chắc chắn nàng sẽ rất nhớ các em học trò chân chất, nặng tình nầy.
     Hôm ấy Quỳnh diện chiếc áo dài màu vàng mới may trông rất xinh. Mang chiếc xách tay lên vai, nàng nghiêng qua nghiêng lại ngắm nghía trước gương, mỉm cười nheo mắt ra vẻ hài lòng. Đào cười nói:
    - Chu choa! Đẹp à nghen! Bộ hôm nay tính diện để gây ấn tượng thầy nào hả? thế nào cũng có chàng đứng tim chết mất thôi.
    - Thôi đi bà cô, ngày chia tay mình phải đẹp để mai này ai cũng nhớ mình chứ! Mà cậu thấy tớ đẹp thiệt à?
    - Còn giả bộ hỏi nữa, nhất Quỳnh đấy! Hoa Quỳnh hôm nay tươi tắn “vàng khè” (Đào cười lớn)
    - “Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc” hi hi... cậu không nghe Nguyên Sa nói à?
    - Vậy tớ diện màu xanh để anh mến lá sân trường (Đào cười phá lên)
    - Được đấy! Hai đứa mình theo Nguyên Sa dự buổi chia tay chắc ấn tượng lắm đây!
    Hai đứa tung tăng đến trường, vừa đi vừa nghêu ngao hát vui vẻ. Quỳnh đang đi phía ngoài, nghe tiếng còi xe “bing bing” sát phía sau giật mình phóng ào vào lề. Một chiếc xe máy lao tới cùng tiếng xin lỗi của chàng trai đang điều khiển, nàng tức tối la lên:
    - Chạy xe kiểu gì vậy? Làm người ta hết hồn à!
    Anh chàng kia chạy một mạch không dám ngoảnh nhìn, Đào bỗng cười ha hả:
    - Thấy chưa, có người cảm cậu rồi đấy! Nhảy một cái “táp bờ lề” liền ha ha ha.
    Quỳnh cũng bật cười theo bạn:
    - Cũng may mình không “đo đường”.
    Hai đứa đến nơi mọi người gần đủ mặt, bàn ghế đã sắp xếp xong. Quỳnh cùng các bạn dọn bánh kẹo, trái cây ra đĩa. Nàng chạy lên văn phòng lấy bộ ấm chén để pha trà, bước vào nàng gặp thầy Tuân cùng chàng trai khi nãy. Quỳnh ngạc nhiên mắt tròn xoe, thầy Tuân giới thiệu:
    - Chào cô giáo! Giới thiệu với cô đây là Nhật, bạn tôi. (Nhìn qua Quỳnh, Tuân nói tiếp) Còn đây là cô Quỳnh! Giáo sinh thực tập.
    Nhật giật mình khi bắt gặp ánh nhìn của nàng, anh ngẩn người quên cả chào hỏi. Quỳnh nói lí nhí “chào anh!”, anh chàng khi nãy đã làm nàng suýt chút nữa “đo đất”, nàng thầm nghĩ “người gì đâu mà đi ẩu dễ sợ, chạy cho cố đến sát lưng người ta mới bóp còi, giật cả mình”. Nàng cười quay sang Tuân:
    - Mọi người đến đủ cả rồi, mời hai anh ạ!
    Nói xong nàng bưng khay ly đi thẳng, Tuân cười hỏi Nhật:
    - Sao nín thinh vậy? Bộ cậu bị hớp hồn rồi à? Cô ấy xinh, tính tình dễ mến. Không chào hỏi gì hết, cậu sao thế?
    Nhật giật mình khi nghe tiếng bạn nói, anh như người lạc đi đâu mới về. Anh cười:
    - Ừ nhỉ! Mình không phép tắc gì hết, không mở miệng nổi khi cô ấy bước vào.
    - Bị hớp mất hồn rồi. Tiếng sét ái tình ấy mà!
    Tuân và Nhật đến nơi thì thầy cô và các bạn giáo sinh đã đến đông đủ. Hoàng đại diện các bạn thực tập nói lời mở đầu, phát biểu cảm tưởng thời gian thực tập ở trường ta. Tâm tình cùng các thầy cô đã tận tình hướng dẫn. Sau cùng Hoàng thay mặt các bạn cảm ơn quí thầy cô đã tạo điều kiện giúp đỡ cho các giáo sinh có kết quả tốt. Thầy Tuân cười vui vẻ, bước lên nói lời thân tình như người anh, góp ý cùng lớp đàn em. Tuân cầm trên tay cuốn sổ, mở ra và nói:
    - Tôi mời các bạn mỗi người ghi vào đây vài lời tâm tư tình cảm sau những ngày về trường ta. Tôi sẽ giữ lưu niệm cho nhà trường.
     Thầy Tuân đưa cho bạn ngồi đầu tiên, viết xong chuyền cho bạn kế bên, cứ thế. Đào viết xong đưa cho Quỳnh, nàng nhìn thấy các bạn ai cũng viết những ngày tháng về đây thật vui vẻ, thật xúc động và cảm ơn quí thầy cô. Nàng không biết viết gì, ngồi cắn bút, không lẽ ai cũng cứ như thế. Một hồi cây bút theo giòng suy nghĩ của nàng... xúc động, một chút bâng khuâng, một chút luyến tiếc. Mai này rồi sẽ xa, sẽ mờ, lưu dấu nơi đây bao kỷ niệm thân thương một thời áo trắng. Viết xong, Quỳnh chuyền sang cho Cúc, Cúc nhận lấy mở ra chưa vội viết, mà đọc bài viết của bạn. Cúc lầm thầm “Ái chà! Hay quá ta!” và đọc to lên những lời của Quỳnh cho cả phòng cùng nghe. “Rồi sẽ xa, tất cả sẽ trở thành bóng mờ, còn chăng là hoài niệm. Một thoáng xôn xao rồi lặng yên như cây lá trước sân trường không biết luyến nhớ, chẳng biết thương yêu. Rồi mai đường về bao ngả rẽ, nỗi nhớ dâng tràn, lật từng trang sách cũ thấp thoáng màu áo trắng, để rồi bâng khuâng, luyến tiếc. Vậy xin gởi lại nơi này những kỷ niệm ngây ngô, những kỷ niệm ngày đầu bước vào ngành mà ta hằng ước mơ, hằng ấp ủ - ký tên Nguyễn Như Quỳnh”. Mọi người “ồ!” lên ngạc nhiên, Nhật mỗi lúc cứ đưa mắt liếc trộm Quỳnh. Lòng anh bâng khuâng, một chút hồi hộp, một chút xao xuyến. Khi mọi người viết xong, thầy Tuân nhận lại quyển sổ cười nói:
    - Chúng ta văn nghệ cho vui nhé! Tôi xin mở đầu bài hát “Hạ trắng” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
    Tuân ôm đàn so dây rồi cất cao tiếng hát: “Gọi nắng! Trên vai em gầy đường xa áo bay, nắng qua mắt buồn lòng hoa bướm say. Lối em đi về trời không có mây, đường đi suốt mùa, nắng lên thắp đầy...”. Tiếng hát Tuân ấm, buồn buồn nghe xúc động. Mọi người vỗ tay khen hay, đến lượt cô Thủy rồi thầy Công và tiếp tục người khác. Ai cũng thể hiện một ca khúc, ai hát cũng hay. Thầy Tuân giới thiệu Nhật là cây guitar rất hay và mời anh hát một ca khúc. Nhật ôm đàn cười nói:
    - Tôi biết đàn thôi không hay như thầy Tuân giới thiệu đâu. Tôi xin góp vui một ca khúc mang tên“Giọt nắng bên thềm” của Thanh Tùng
    Anh hát “Hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi, chim vẫn hót trước sân nhà tôi. Giọt nắng bâng khuâng, giọt nắng rơi rơi bên thềm. Bài hát bâng khuâng, bài hát mang bao kỷ niệm những ngày đã qua...”. Lời hát dễ thương với giọng sâu lắng ngọt ngào cả phòng im lặng. Tiếng đàn quyện theo tiếng hát nghe như đuổi bắt nhau. Một bầu không khí như trầm lắng, ai cũng lặng yên thưởng thức. Khi anh dứt lời, một tràng pháo tay cùng tiếng ngợi khen “Hay quá!” bật ra, mọi người yêu cầu anh hát một ca khúc nữa. Anh mỉm cười nhìn Quỳnh:
    - Theo lời yêu cầu của các bạn, tôi xin hát một ca khúc của Phạm đình Chương, nhạc phẩm mang tên “Mộng dưới hoa”. Ca khúc này tôi xin tặng riêng cho cô giáo mặc chiếc áo vàng để thay lời xin lỗi khi nãy đã lỡ làm cô ấy giật mình.
    Mọi người lại “Ồ!” cười to lên và đưa mắt sang phía Quỳnh, nàng đỏ mặt ngượng ngùng: “Anh chàng lém thiệt, làm người ta suýt té còn khoe, mà anh ta đàn hát hay ghê”. Nhật cất cao tiếng hát lần nữa, anh nhìn Quỳnh “Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng. Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng, mắt xanh là bóng dừa hoang dại. Âu yếm nhìn tôi không nói năng...”. Mọi người vỗ tay lần nữa, ai cũng khen anh hát hay. Anh nhìn Quỳnh cười nói:
    - Xin mời cô giáo áo vàng trình bày một ca khúc, tôi xin phép được đệm đàn cho cô giáo.
    Mọi người đồng thanh:
    - Đúng rồi! Đáp lễ đi Quỳnh ơi! Hát cho hay vào.
    Quỳnh cười nhẹ đứng lên có phần e lệ, mọi người cười vang có ý muốn ghép nàng với Nhật. Nàng nói nho nhỏ:
    - Quỳnh xin góp tiết mục thơ coi như thay đổi không khí, (suy nghĩ một lát) bài thơ “Tống biệt hành” của Thâm Tâm.
    - Quá tuyệt vời! Cả thơ và nhạc mới hấp dẫn. (Đào lên tiếng)
    Nhật ôm đàn, cả phòng lặng yên chỉ có tiếng đàn xao xuyến người nghe. Quỳnh cất cao giọng ngâm, tiếng ngân rung nhè nhẹ, xúc động, biểu cảm “Đưa người ta không đưa sang sông, sao có tiếng sóng ở trong lòng. Bóng chiều không thắm không vàng vọt, sao đầy hoàng hôn trong mắt trong...Người đi, ừ nhỉ! Người đi thật. Mẹ thà coi như chiếc lá bay, chị thà coi như là hạt bụi. Em, ừ! coi như men rượu cay”. Tiếng ngâm thơ khi vút cao, khi xuống thấp hòa cuộn theo tiếng đàn làm bầu không khí như chùng xuống. Lời thơ quá hay, người ngâm biểu cảm, người đệm đàn không chê vào đâu được. Tất cả như quyện vào một, Nhật nghe bâng khuâng, bồi hồi theo giọng ngâm của nàng. Khi Quỳnh ngâm dứt bài, một lát mọi người như sực tỉnh vỗ tay, ai đó nói lớn “Ngâm thơ hay quá! Hôm nay mới biết à nghen!”.
    Sau khi tiệc kết thúc, Nhật lại bên Quỳnh cười:
    -  Cô ngâm thơ hay quá! Xin lỗi cô về việc khi nãy, tôi không cố ý.
    Quỳnh e dè không biết anh chàng như thế nào, nàng nói nhỏ:
    - Không có chi đâu anh, có lẽ do tôi hay sợ thôi. Nghe tiếng còi xe sát bên là giật mình.
    - Sẽ không như thế nữa đâu, lần sau nếu gặp sẽ không dám bóp còi để cô giáo giật mình.
    Quỳnh bỗng bật cười lớn khi nghe Nhật nói thế, nàng thấy vui vui. Anh ta dễ mến, đàn hát rất hay đã làm nàng cảm tình. Nàng ngước nhìn anh:
    - Có lần sau nữa à? Không dám đâu ạ!
    - Có chứ! Nếu cô giáo không chê hôm nào tôi mời cô cà phê, tôi sẽ gặp cô khi trở lại trường.
    Quỳnh cười thân thiện:
    - Cảm ơn anh! Anh đàn hay ghê! Tôi rất thích nhưng tập hoài mà không bao giờ đàn được, dở quá!
    - Kiên nhẫn là được thôi, hôm nào tôi sẽ tập giúp nếu cô không chê.
    - Dạ không dám phiền anh đâu ạ!
    - Không sao, không sao! Tôi tình nguyện mà, nhà cô ở đâu xin cho tôi địa chỉ để đến.
    -  Nhà tôi xa lắm! Cảm ơn anh nhiều.
    Nhật cười, lòng anh như reo vui, anh đưa mắt nhìn nàng trìu mến:
    - Hẹn gặp lại!
    Quỳnh thấy vui vui về anh chàng này:
    - Cảm ơn anh!
    Buổi tiệc chia tay kết thúc, mọi người ra về vui vẻ.
 
        
                  ***
 
    Quỳnh trở về trường sau những ngày thực tập, nàng vui khi ước mơ đã thành hiện thực. Những ngày cuối chuẩn bị ra trường rất bận rộn, bao nhiêu việc phải làm. Quỳnh băn khoăn không biết mình sẽ được phân bổ về đâu, mong được về ngôi trường thân yêu nàng đã từng học. Ngồi trong lớp mà lòng nàng cứ nghĩ đâu đâu, Nghe tiếng anh bảo vệ gọi:
    - Nguyễn Như Quỳnh lên văn phòng có người nhà gặp.
    Quỳnh ngơ ngác, từ khi vào học đến giờ, có ai vào trường thăm đâu, ba má không còn, các anh chị ai cũng bận. Nàng lấy làm lạ, nhưng nghĩ có lẽ bạn bè học ở xa, về thăm nhà tìm gặp, Quỳnh xin phép được ra ngoài. Bước vào văn phòng nàng giật mình, Nhật ngồi trên ghế, vừa thấy nàng vội đứng lên cười nói:
    - Chào nhỏ!
    Quỳnh hồi hộp, quá bất ngờ. Nàng e lệ nói nhỏ:
    - Sao anh biết tôi học đây mà đến? Anh... anh gặp tôi có việc gì không?
    Nhật cười vui vẻ:
    - Nhỏ ở đâu anh tìm cũng ra hết, anh mời nhỏ đi ăn kem hay cà phê ấy mà.
    - Tôi đang học không đi được.
    - Anh chờ, sắp tan học rồi, học xong chúng ta đi nhé!
    Quỳnh e ngại, nghe Nhật xưng hô ngọt ngào làm nàng ngượng, nhưng lòng có chút bối rối phân vân, Nhật nói dứt khoát:
    - Nhỏ vào lớp đi, anh ngồi chờ ở đây, còn khoảng mười phút nữa là tan học.
    Quỳnh nghe anh dứt khoát bỗng cười lên, người đâu mà hết nói, khẳng định như bắt buộc. Nàng nói:
    - Anh... anh... nói như bắt buộc vậy, Quỳnh bận lắm không có thời gian nhiều như thế đâu.
    Nhật cười thong thả nói:
    - Anh biết, nhưng nhỏ hiểu cho, anh còn chỉ ngày mai nữa thôi, anh phải về Đà Lạt. Anh ngồi chờ không sao đâu, có khi nhỏ vào đến lớp là tan học rồi đó.
    Quỳnh cười, nàng thấy sự chân tình trong lời nói và trên khuôn mặt anh. Nàng nói:
    - Được rồi, anh chờ chút vậy, Quỳnh vào lớp đây!
    Nhật ngồi chờ, Quỳnh trở về lớp. Một lát nàng ra và hai người cùng đi. Anh đưa nàng dạo một vòng trên chiếc xe máy rồi ghé vào quán cà phê. Anh kéo ghế mời nàng:
    - Nhỏ uống gì? Sinh tố hay kem?
    Quỳnh nhỏ nhẹ:
    - Dạ! Cho em sinh tố dâu.
    Anh gọi mình ly cà phê và cho nàng ly sinh tố dâu, anh tâm sự cùng nàng như người bạn đã từng quen biết lâu lắm rồi. Tuổi thơ của anh, những ngày học phổ thông, những năm đại học. Quỳnh lắng nghe đón nhận những lời anh chia sẻ với niềm vui, nàng bắt đầu thấy thân thiện với sự cởi mở của anh. Một chút bâng khuâng, một chút bối rối, nàng hòa cùng anh những kỷ niệm tuổi thơ của mình. Qua những lời tâm sự cùng nhau, hai người gần gũi hơn, hiểu nhau hơn.
    - Ngày mai anh về Đà Lạt, có dịp về anh sẽ thăm nhỏ.
    Quỳnh cười cười hỏi anh:
    - Sao anh cứ gọi tôi là “nhỏ” hoài vậy? Bộ thấy tôi trẻ con lắm sao?
    - Không phải nhỏ là trẻ con, mà anh muốn em nhỏ thật nhỏ, chỉ đủ nằm gọn trong “tâm thất phải” của anh thôi.
    - Ồ! Vậy ngộp làm sao?
    - Anh sẽ truyền năng lượng cho nhỏ, không sợ ngộp gì hết.
    - Năng lượng gì? Anh nói nghe như...
    - Không thở bằng không khí, mà bằng tình yêu. Anh sẽ không để nhỏ phải ngộp đâu, đừng lo.
    - Nhưng mà... không có chút ánh sáng?
    - Nhỏ khỏi lo, tình yêu sẽ phát sáng, nhỏ cứ nằm yên trong trái tim anh, anh lo tất!
    Quỳnh cười lớn:
    - Anh thiệt là.
    Anh đưa Quỳnh về nhà trọ, nàng bâng khuâng nhìn theo anh cho đến khi khuất hẳn. Vừa bước vào phòng, Đào và Huyền nhào tới:
    - Chiều giờ hai người đi những đâu? Khai ra! Cậu đã “cảm” anh ta rồi phải không?
    Quỳnh cười, la lên:
    - Khai gì trời? Cà phê rồi về không có gì cả, cảm gì mà cảm, rõ chuyện!
    - Nè! Tớ thấy anh ta được đấy chứ! Đẹp nè, hát hay, đàn giỏi và cũng duyên hi hi Chúc mừng cậu! Đào nói.
    -Thì tớ có nói anh ta không được đâu - Quỳnh cười
    -À! Vậy ra nàng đã cảm anh ta rồi - Huyền cười lớn, Có gì là khai báo ngay đó nghe chưa!
    Ba đứa cùng cười, đùa giỡn vui vẻ. Quỳnh tắm rửa rồi cùng hai bạn ăn tối, một ngày đã trôi qua trong niềm vui.
    Nhật về Đà Lạt với nỗi nhớ Quỳnh cồn cào, anh đã yêu nàng trong lần gặp đầu tiên. Tình yêu thật lạ kỳ, anh nhớ nàng nhiều hơn anh nghĩ. Hình ảnh nàng ngập tràn trong anh, càng ngày nỗi nhớ càng lớn hơn, da diết hơn. Anh gởi nàng những bức thư với lời yêu thương và nỗi nhớ đong đầy, anh làm thơ gởi tặng nàng. Quỳnh cũng thế! Nàng vui đón nhận với tình yêu đầu đời ngây dại, nàng viết thư đáp lại tấm chân tình anh trao. Tình yêu hai người lớn dần lên, thỉnh thoảng anh chạy về thăm nàng vội vàng trong chiều thứ bảy, rồi trở lại cao nguyên trong chiều chủ nhật để sáng hôm sau kịp đi làm.
    Quỳnh đã ra trường về công tác tại ngôi trường hiền hòa xưa kia nàng từng học. Ước nguyện được như ý, nàng vui vô cùng khi ngày ngày được đến lớp cùng những học trò nhỏ thân thương. Nhật hẹn nàng mùa noel sẽ về, hai đứa sẽ đưa nhau đi lễ đón mừng Chúa giáng sinh. Quỳnh háo hức chờ đợi, nàng sẽ cùng anh đến thánh đường mừng Chúa ra đời. Hai đứa sẽ tay trong tay dạo phố, cùng hát bài thánh ca. Ôi! Bao nhiêu điều nàng nghĩ sẽ làm khi anh về.
    Hôm ấy, Quỳnh mặc chiếc đầm trắng dài trông thướt tha, xinh đẹp. Con đường hôm nay khác với mọi ngày, phố xá nhộn nhịp người qua lại, đâu đâu cũng vang ca khúc đón mừng Chúa giáng sinh. Hai đứa dạo một vòng rồi vào quán cà phê, Nhật nhìn vào mắt người yêu thầm thì:
    - Hôm nay nhỏ rất đẹp, với mái tóc dài trông dịu dàng.
    - Em hiền như Maseour mà hi hi.
    Hai đứa ngồi bên nhau nghe thời gian trôi, bao nhiêu lời yêu thương nói cho nhau nghe. Nhật cười, nói với nàng:
    - Con gái để tóc dài là đẹp nhất, trông thướt tha, hiền thục; khi gặp em, anh nhìn đến ngẩn ngơ không thốt lên lời. Ngồi nhớ lại thấy vui, chúng ta có nhân duyên em nhỉ!
    - Nghĩ lại thấy cười quá đi!
    -Vậy mới nói là có duyên với nhau, lần đó anh về chơi với Tuân mới gặp được em. Tuân là con cậu anh, tuy là anh em nhưng hai đứa là bạn, rất thân nhau.
    - Em có nghe anh Tuân nói.
    - Nhỏ biết không? Anh rất thích mái tóc em, như suối chảy vậy, anh dốt văn không biết diễn tả, nhưng anh ấn tượng ngay khi nhìn thấy.
    - Anh mà dốt văn, viết hay quá trời. Thơ cũng hay nữa nè! Bài thơ nào anh gởi em đều thuộc cả.
    -Cảm ơn em! Anh rất yêu thơ và nhạc, muốn tự mình đàn hát nên cố học.
    Quỳnh bâng khuâng:
    - Em cũng mê tiếng đàn, thích ca hát. Ngày còn học sư phạm, có lần khi đi học ngang qua ngôi nhà nọ, nghe tiếng đàn guitar hay quá, em cứ ngơ ngẩn, làm mấy đứa bạn bực mình sợ trễ học.
    - Vậy à! Mai mốt anh đàn em hát, nếu thất nghiệp hai đứa dắt nhau đi, kèm theo cái mũ ... - Nhật cười nhỏ
    Hai đứa cùng cười, Quỳnh liên tưởng đến hình ảnh người anh cùng xóm ngày xưa đã cùng mấy người bạn ôm đàn hát ca, ngã mũ xin tiền trên chuyến tàu ngày nào. Tiền xin được các anh chia đều cho những người hành khất cùng trên chuyến tàu ấy. Quỳnh thấy vui vô cùng với lời nói đùa của anh, hạnh phúc ngọt ngào. Hai đứa cùng vào nhà thờ, chắp tay cầu nguyện mong được an vui, hạnh phúc; mong tình yêu sẽ mãi mãi bền vững.
    Nhật đưa nàng về, một buổi tối thật vui, thật hạnh phúc.
    Xe chạy một đoạn tự nhiên chết máy, anh loay hoay mở bu ri xem lửa. Xoay qua xoay lại một hồi cứ xịch xịch mãi, một lát cũng nổ. Hai đứa leo lên đi tiếp, được một đoạn lại “xịch xịch”, cúi xuống sửa tiếp. Anh mồ hôi ướt cả áo, leo lên xe đạp tiếp xịch xịch một hồi rồi máy nổ, Quỳnh chưa kịp lên xe, anh đã chạy. Nàng nghĩ chắc anh đang thử máy nên không kêu, cứ thế anh chạy đến khi khuất, nàng thủng thỉnh đi bộ.
    Nhật cười, anh cảm thấy mình thiếu sót không chuẩn bị kỹ càng để xe hư dọc đường, anh hơi quê:
    -  Xin lỗi em! Để em phải thấy cảnh này, lần sau sẽ chuẩn bị chu đáo hơn.
    - (...)
    - Hôm nay vui em nhỉ! Anh rất hạnh phúc!
    - (...)
    - Chúa ngự ở trên cao nhìn thấu trái tim chúng ta, Ngài sẽ ban ơn phước cho chúng mình, anh tin thế!
         12/2016
 

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt