TIỂU NGUYỆT


     Nhớ Về Đội Văn Nghệ
HTX/NN II HÒA HIỆP TRUNG

      Tùy bút

     

        Sau khi nghỉ học, tôi về quê sống cùng nội và chị Hai. Cuộc sống thật êm đềm bên ruộng đồng, trong căn nhà ngói ba gian giữa làng quê mộc mạc, che mát bỡi lũy tre xanh. Ngày ngày chị em tôi ra đồng nhổ cỏ, dặm lúa. Tôi vướng víu, ngượng nghịu những bước chân vụng về làm lúa ngã nghiêng, ngã ngửa. Lâu lâu má tôi về thăm thấy vậy la: “Đi khẽ thôi con ạ! Chân mày to như chân voi, bước dậm hư lúa hết”. Má tôi theo sau chân tôi vuốt lại từng cây lúa, tôi cố nhẹ hết mức vẫn không thể nào không làm nghiêng lúa được. Mệt nhọc đấy, nhưng tôi luôn ca hát, mang niềm vui cho mọi người. Những bài tình ca vang lên theo bàn tay tôi, lúc nào cũng thế, như một thói quen. Hôm nào bị đảm tiếng vì bệnh cảm không hát được, mọi người thấy nhớ. Cô Miên ruộng bên kêu tôi nói: “Hôm nay mày bị sao rồi mà cô không nghe tiếng hát hả Ngân? Bệnh rồi hả?”. Vậy đấy! Thế rồi chú Phú - đội trưởng đội văn nghệ - thấy tôi có giọng hát trong trẻo, ngồ ngộ nghe đươc, mời tôi vào đội văn nghệ hợp tác xã nông nghiệp.
         Đội văn nghệ của chúng tôi gồm các anh chị em trong thôn xóm, như người một nhà. Có gì đều chia sẻ nhau từ miếng rau, con cá, niềm vui cũng như nỗi buồn, rất thân tình. Mỗi lần đi lưu diễn, chúng tôi tự mang thức ăn theo; người kho cá, người kho mắm ruốt, người muối ớt, muối é, nhưng tất cả cùng bày ra cùng ăn chung trong bữa ăn, vừa ăn vừa đùa rất vui. Khâu tổ chức rất bài bản, có ban đời sống chăm lo cho những đội viên; ban tân nhạc; ban cải lương. Âm thanh ánh sáng do đội trưởng là chú Phú đảm nhiệm. Chú Phú rất giỏi khâu này nên âm thanh ánh sáng rất hài hòa và rõ ràng. Ai làm nhiệm vụ nấy, nên mỗi lần biểu diễn luôn trôi chảy, đạt  kết quả tốt, như ý; được “khán giả” xã viên tán thưởng, khen ngợi. Tôi chỉ ở ban tân nhạc vì không hát được cải lương. Mỗi đêm, tôi hát một tiết mục tốp ca, rồi một đơn ca hoặc song ca hay ngâm một bài thơ. Phần tân nhạc biểu diễn trước, rồi mới đến phần cải lương. Các anh chị em hát cải lương diễn tuồng rất hay,  người xem đều nhận xét giống như đoàn hát chuyên nghiệp. Ai cũng xuất sắc đảm nhận vai đã được trưởng ban phân cho, nên lúc nào khán giả cũng nhiệt tình đón nhận, vỗ tay vui mừng.
        Đội văn nghệ Hợp Tác Xã Nông Nghiệp của chúng tôi đi lưu diễn khắp nơi, có khi lên tít trên miền cao như Lỗ Rong, Chí Tháng; có khi lên Hòa Mỹ, Hòa Thịnh, Hòa Bình; có khi ra ngả La Hai, Đồng Xuân v v... Dù đi đâu khán giả vẫn nhiệt tình ủng hộ, có lẽ vì ngày ấy chưa có gì để giải trí nên được khán giả ưu ái chăng? Nhưng dù đi bất cứ đâu, xa hay gần, chúng tôi vẫn hăng hái, vui vẻ tuy cả đội phải di chuyển bằng máy cày. Chất tất cả đồ đạc lẫn người vào “rờ mọt” của chiếc máy cày, kéo đi. Chúng tôi chao đảo, lắc lư theo từng khúc đường đất bị lở lói đầy bụi, giữa cái nắng chang chang, nhưng tiếng cười vui, đùa giỡn của mọi người luôn vang lên thân thiện, háo hức.
         Hôm biểu diễn ở Hòa Đồng, đêm đó diễn tuồng Phạm Công Cúc Hoa. Đến đoạn Phạm Công đấu với Sầm Nghi. Anh Tấn đóng vai Sầm Nghi, hóa trang tướng dữ, râu ria xồm xoàm, hung tợn hét lớn: “Quân sĩ!”. Ai cũng lo cho phần vai mình, người rảnh rang chạy đâu mất hết. Anh Tấn hô ba lần, chẳng có được một tiếng “Dạ” nào cả. Anh Tấn tức quá hét lớn: “Quân sĩ đâu chết hết rồi, tao kêu ba lần chẳng đứa nào dạ cả, coi tao vô chém bay đầu cả lũ bây giờ”. Chú Phú - đội trưởng, thất kinh, mặt méo xẹo gần như khóc: “Trời ơi trời! Thằng Tấn nó nói gì dẫy bay? Tụi bay đâu lại đây, nó kêu là dạ giùm tao cái coi. Nó kêu mà chẳng đứa nào dạ nó la nữa là bể dĩa hết trơn cả đám bây giờ”. Tôi có một dịp cười ngã nghiêng, ngã ngửa không thể nào nín cười được. Mấy anh chị đang chờ vai cũng thất kinh, nhưng ai cũng cười. Một lát sau, anh Tấn hô: “Quân sĩ!”. Cả đoàn, luôn cả chú Phú đều hô lớn “Dạ” thật rầm rộ. Anh Tấn cười, vuốt râu:“Được! Được! Quân sĩ vậy chớ! Ai mà kêu chẳng đứa nào dạ là sao?”. Cả đoàn lại cười bò không ai chịu nổi với lời anh ấy nói.
            Một lần nữa, ở Hòa Phong. Đêm đó diễn tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga. Đây là tuồng mới tập, anh Phước là đội phó đảm nhận vai Nguyễn Bặc. Anh Phước bận bịu việc nhà nên chưa thuộc nhuyễn,  cứ chờ Bích Vân nhắc tuồng. Anh chắp tay sau lưng bước qua, bước lại gần cánh gà. Bích Vân nhắc: “Nhưng gió giông kéo tới ào ào, thử hỏi Thái Hậu có cách nào ngăn chận được?”. Đây là câu nói “lối” với Thái Hậu, anh nghê nga hát trông buồn cười không chịu được. Anh kéo dài lê thê, hát không ra bản nhỏ nào, anh chị em nhìn thấy anh như vậy ai cũng ôm bụng cười. Anh Phước chạy vào bên cánh gà nói nhỏ - la Bích Vân: “Bặc nói thì mày nói là Bặc nói. Bặc hát thì mày nói là Bặc hát chớ! Nhắc tuồng gì mà chẳng nói rõ làm sao tao biết Bặc nói hay Bặc hát, hả quỷ?”. Bích Vân bỏ quyển vở ghi tuồng, bò quanh trong cánh gà, như người mắc bệnh cười ngất.
     Đội văn nghệ của chúng tôi có nhiều kỷ niệm rất vui, gồm nữ là mấy chị em chưa ai lập gia đình; nam chỉ hai người chưa lập gia đình, còn tất cả đã có vợ con. Ai cũng cười vui, ghẹo chị Thanh Lan, cái tên của người ca sĩ nổi tiếng cũng làm chị ấy nổi tiếng theo. Chị Thanh Lan hát rất hay, chỉ có cái tội là nhát. Mỗi lần phân vai chị đóng tuồng là không có vai nào chị đóng được, dù giọng hát chị rất ngọt ngào. Chị chỉ đóng duy nhất một tuồng là Phạm Công Cúc Hoa. Chị trong vai Cúc Hoa, trắng muốt, khăn von phủ mặt vì là người âm cảnh hiện về, mờ mờ trong bóng tối. Chị xuất sắc trên sân khấu, ai cũng khen, khán giả im phăng phắt lắng nghe chị hát. Chị Thanh Lan không đóng tuồng được thì phải hát tân nhạc. Có hôm chị đơn ca bài “Khúc Hát Người Đi Khai Hoang”. Chất giọng ngọt ngào làm sao! Nhưng chị cứ một đoạn đầu hát mãi. “Ta đốt lửa cho rừng hoang ấm mãi, hẹn người lên tìm lại dấu chân xưa. Thuở quân đi rừng núi chiến công còn vang, lòng đã nghe bao lời tình đất gọi.”. Vì chị nhát quá nên vừa bước lên sân khấu là chị quên hết, lấy gì mà hát?. Chú Phú la lớn: “Con Thủy đâu? Mày lại nhắc nó hát chớ nó cứ quần mãi vậy không có lối ra, trời ơi là trời!”. Chị Thủy lật đật chạy ra dù đang trang điểm sắp đến giờ biểu diễn cải lương. Chị Thủy vừa cười vừa đọc lớn: “Bên cánh võng nghe rừng khuya hát mãi, mặt trời lên nhìn rạng rỡ quê hương...”. Thế là chị Thanh Lan cứ thế hát theo như đang học hát vậy. Cả đội ai cũng cười, chị bước vô sân khấu lúc nào cũng vuốt tay lên trái tim “Hú hồn”, mặt mày dớn dát như ai hớp mất hồn thiệt. Bởi vậy, mỗi lần anh Tròn - trưởng ban tân nhạc, nói với chúng tôi: “Hôm nay đứa nào muốn ăn chuối không?”. Tôi cười hỏi lại: “Chuối đâu mà ăn?”.Anh đáp: “Tao sắp chương trình cho chị Thanh Lan hát đơn ca là có chuối ăn liền”. Tôi cười lớn: “Ông ác vừa thôi”. Khi nào có bài hát biểu diễn là chị vào chợ mua nhánh chuối chín, khấn vái đủ thứ nhưng vẫn cứ quên, không thể nhớ hết được.
     Đội văn nghệ chúng tôi đi lưu diễn thường xuyên, hết nơi này đến nơi khác; khi lên thị trấn, thành phố; khi về thôn quê. Nơi đâu khán giả vẫn yêu mến, có người mới bốn, năm giờ chiều đã đến chờ xem hát. Anh hề Vũ Phong thật hay, có đêm biểu diễn anh ôm một con heo con trong tay, nó cứ “ụt ịt” làm chúng tôi cười muốn vỡ bụng. Không biết ở đâu ra con heo con như thế, anh diễn xong heo cũng đâu mất. Tôi khen: “Anh kiếm đâu ra con heo con mà hay thế?”, anh cười: “Tao có phép thần thông, hô biến là có”. Có lẽ một chị nào đó là fan hâm mộ tài hề của anh đã ôm cho mượn cho có sự khác lạ. Anh bước ra sân khấu là khán giả ôm bụng cười, dù anh chỉ bước đi chưa nói câu gì. Anh ốm nhom, đi ngúc ngất nhìn là cười, không cần nói chi cả.
        Hôm đội về biểu diễn ở thị trấn Phú Lâm, đêm đó diễn tuồng Phạm Công Cúc Hoa. Anh Thành đảm nhận vai Tào Thị. Hôm ấy không hiểu sao anh không chịu đóng, miệng cứ bai bải đổi tuồng khác. Tuồng đã thông báo hết rồi, không thể đổi được. Anh Thành miệng méo xệch cười, thấy mà thương: “Anh Phú ơi! Đổi tuồng khác đi, em không thể đóng vai Tào Thị được, hôm nay có Hoa là người yêu của em đến xem, em đóng cho cô ấy cười em chết à!”. Anh Phú cười to: “Mày nhờ đứa nào đóng chớ không đổi được, vai đó đóng có chút xíu không cần thuộc tuồng”. Vậy là anh Thành theo năn nỉ anh Tùng đóng thế. Anh Tùng ốm nhom, chỉ ôm đàn chớ có đóng cải lương bao giờ đâu. Thế là anh Tùng trở thành bà Tào Thị mang áo ngực giả, ưỡn về phía trước, ốm nhom lêu khêu với tiếng khàn khàn, the thé cười muốn vỡ bụng. Khán giả và các thành viên trong đội cười ngất, anh Tùng cũng cười theo. Sau này, vai Tào Thị phân lại cho chị Thúy đảm nhận. Có lần biểu diễn ở xã Hòa Hiệp Bắc, chị Thúy bị bệnh không đóng được, chú Phú bắt chị Triều phải đóng thế. Tuồng nào chị Triều cũng có vai, chỉ có tuồng Phạm Công Cúc Hoa là không có. Hôm đó chị Triều sung sướng lắm vì nghĩ rằng mình được nghỉ hát một đêm, ai ngờ chú Phú lại bắt chị đóng thế. Chị Triều tức lắm không biết làm sao, đành chấp nhận đóng thế. Vào vai, chị Triều mạnh tay đánh hai con là Nghi Xuân, Tấn Lực thẳng tay làm nhỏ Thu (đóng vai Nghi Xuân) và anh Hạnh (đóng vai Tấn Lực) khóc ngất trên sân khấu. Bà Tào Thị dữ dằn quá làm đau hai đứa nhỏ. Lúc vào trong chưa đến vai, Thu và anh Hạnh vừa khóc vừa năn nỉ bà Tào Thị Triều nhẹ tay nhưng bà cứ quất thẳng tay vì bực tức. “Tào Thị là phải ác, tao nhẹ tay làm sao hay được. Thôi hai đứa ráng chịu cho vỡ tuồng hay nhé!”. Nghi Xuân, Tấn Lực và bà Tào Thị quá xuất sắc làm khán giả vỗ tay liên tục. Vỡ tuồng thành công nhất từ trước đến giờ.
     Hôm đội lưu diễn ở La Hai, người đi xem rất đông, hết vé. Chuẩn bị mở màn mà người đi xem còn đến trước cổng rất nhiều. Anh Toàn là chính trị viên của đội bàn với chú Phú: “Người còn đầy trước cổng, vé hết không biết phải làm sao. Ông có cách nào không?”. Chú Phú lo lắng: “Mình lấy con dấu của đoàn đóng trên giấy làm vé được không?”.Bàn qua tán lại một hồi, anh Toàn và chú Phú thống nhất như thế. Vé bán thật nhiều, người xem rất đông. Sáng hôm sau, chú Phú xuất tiền bồi dưỡng cho mọi người nhờ có khoảng vé tự phát, ai cũng vui vẻ.
     Ngày ấy không có gì để giải trí, mỗi lần có đội văn nghệ hay đoàn hát nào về biểu diễn là mọi người đi xem rất đông. Chúng tôi đi lưu diễn khắp nơi, cứ một đợt như vậy khoảng hai mươi ngày, nhiều khi cả tháng. Mỗi nơi chúng tôi đến biểu diễn khoảng bốn hoặc năm đêm, có nơi một tuần nếu người xem đông. Xong một đợt lưu diễn chúng tôi tập tuồng mới và nghỉ ngơi khoảng nửa tháng rồi bắt đầu đi lưu diễn tiếp. Chúng tôi tham gia văn nghệ được Ban quản trị HTX tính bằng công điểm như một xã viên. Mỗi ngày đi tập chúng tôi mỗi người được mười điểm; những ngày đi lưu diễn mỗi người được mười hai điểm; ngày nào nghỉ không có điểm. Công điểm được cộng dồn lại cuối vụ nhận lúa như một xã viên. Tùy theo mùa, công điểm được bao nhiêu ký lúa. Ban quản trị hợp tác xã tính theo tổng sản lượng thu được trên tổng diện tích của cả hợp tác xã bình quân theo tổng công điểm của cả xã viên trong hợp tác xã. Mặc dù đời sống khó khăn, nhưng chúng tôi vui vẻ tham gia, vì muốn chia sẻ niềm vui với mọi người ở quê mình, vì sự thân tình của anh em trong đoàn và cũng vì sự đam mê văn nghệ của tất cả anh chị em trong đoàn.
     Những kỷ niệm thân thương đã theo tôi suốt cùng năm tháng, những lúc lận đận bên đèo, hay những lúc thơ thẩn bên nương rẫy. Nhớ đến là tôi cứ cười một mình, nhiều khi các con tôi không hiểu “Mẹ cười gì một mình thế?”. Tôi kể cho các con nghe, mấy Mẹ Con tôi cười ngất như hình ảnh ấy đang hiện về trước mặt. Lâu lâu tôi về quê, có dịp gặp lại ai trong đội văn nghệ ngày nào, chúng tôi nhắc lại kỷ niệm xưa, cùng cười thân thương. Hôm vừa rồi, tôi về quê, gặp lại anh Phước là người đã từng đóng vai Nguyễn Bặc ngày nào. Nhắc chuyện cũ, anh cười. Anh ao ước có một ngày nào đó, các anh chị em trong đội văn nghệ ngày xưa, cùng đóng góp tiết mục để biểu diễn một đêm đại nhạc hội thật hoành tráng, nhớ về kỷ niệm xưa. Nhưng ao ước vẫn nằm yên đó, chưa có động lực nào, nhân tố nào khuấy động phong trào. Tôi nghĩ rằng, nếu được một đêm biểu diễn như thế, tôi chắc chắn sẽ thành công, vì ai cũng đến với bầu nhiệt huyết muốn thể hiện mình, như ngày xưa đã từng đi lưu diễn.
 
Tháng 4.2017
 
 

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt