TIỂU NGUYỆT

 Nhớ Về “NGÔI TRƯỜNG NẮNG”
 Những Lần Sum Họp
  
 
     Ngôi trường ấy, nằm cuối con dốc nhỏ trên đường xuống làng biển Đông Tác, mà lũ học trò chúng tôi ngày ấy, hay gọi vui là “Trường Nắng”; bỡi trường được xây trên một khuôn đất rộng, chỉ có cát trắng nóng bỏng, xung quanh toàn xương rồng, bàn chải, không một bóng cây che mát cho học trò trong giờ ra chơi - đó là Trường Trung Học Bồ Đề Hiếu Xương. Một ngôi trường nhỏ nhắn, hiền hòa, ngày khai giảng đầu tiên chỉ 4 lớp học (gồm: 2 lớp 6, 1 lớp 7 và 1 lớp 8); những năm sau, mỗi năm có thêm 3 lớp 6 nữa, học sinh đông vui dần theo hằng năm. Trường được xây dựng năm 1970 và sau năm 1975 chuyển tất cả học sinh sang trường Tỉnh Hạt, trường ngừng hoạt động.
     Tuy học chỉ 5 năm ở trường Trung Học Bồ Đề Hiếu Xương, nhưng chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm, những trang lưu bút thơm mùi giấy vở, thơm mùi mực, với những chia sẻ buồn vui của tuổi học trò đầy mộng mơ, đầy ước vọng cũng đã dày thêm. Ngày ấy, học trò chúng tôi dù học khác lớp cũng quen biết nhau và chơi cùng nhau rất thân tình như cùng chung một mái ấm gia đình; cho nên, sau khi trường đã đóng cửa, học sinh Bồ Đề Hiếu Xương vẫn thân tình như lúc còn học chung dưới mái trường xưa năm nào.
     Hơn 20 năm qua, hằng năm thầy trò trường Trung Học Bồ Đề Hiếu Xương chúng tôi, luôn tổ chức buổi sum họp cùng nhau vào ngày 16 tháng 08 âm lịch (sau Trung thu 1 ngày); để có thể chung vui cùng nhau, để có thể tâm sự, thăm hỏi, chia sẻ tin tức cho nhau, đồng thời có dịp giúp đỡ lẫn nhau vượt qua những khó khăn trong đời sống.
     Vài lần gặp gỡ buổi ban đầu còn khó khăn, và chưa ổn định việc tổ chức - khi thì hẹn gặp ở quán, khi thì tổ chức ở trường cũ, sau đó, đồng ý thay phiên nhau tổ chức ở nhà các bạn. Thầy Hiệu trưởng Đàm Khánh Hạ có sáng kiến làm một bức hình lồng khung“Trung Học Bồ Đề Hiếu Xương”, trong hình là lễ tổng khai giảng niên khóa 1973-1974 và ghi rõ Ban Giảng Huấn làm biểu tượng riêng, ai đăng cai năm tới tổ chức thì được mang bức hình về nhà cất giữ. Kể từ năm 2015, thầy trò chúng tôi gặp nhau ở quán Bi - Bo, chủ quán là con trai của một bạn học sinh BĐHX, ở Phú Lâm; chúng tôi chọn nơi nầy làm nơi họp mặt lâu dài cho những lần sum họp tiếp theo, bởi không gian quán nhiều cây xanh, thoáng mát, rộng rải, nhất là được sự “hổ trợ” nhiệt tình của người chủ quán.
      Tôi nhớ, lần đầu tiên tôi được tham dự vào năm 2010 ở nhà Ngô Thái Long. Một cảm giác mênh mang khó tả - vừa nao nức, vừa bồi hồi, xao xuyến cứ dâng tràn trong tôi. Tôi như cánh chim sau bao năm lưu lạc xa cách, mới được quay về lại mái nhà xưa. Gặp lại quý thầy xưa, các bạn cũ. Tôi miên man suy nghĩ, đây quả thật là một niềm vui lớn dành cho tôi, cho tất cả, trong cuộc đời thăng trầm, biển dâu. Trong niềm hân hoan trào dâng khôn xiết - tôi vồn vã cười nói với bạn nầy, quay qua thăm hỏi bạn kia, huyên thuyên hết chuyện nầy đến chuyện khác. Làm sao không vui mừng khi đã ba mươi lăm năm chúng tôi chưa có dịp vui đoàn tụ? Các thầy còn nhớ cả họ tên tôi, có thầy còn nhớ cả vóc dáng, chỗ ngồi của tôi, nhớ đến những kỷ niệm nho nhỏ tưởng đã phôi pha theo tháng năm cũng được nghe quý thầy vui vẻ kể lại nữa. Hạnh phúc xô về, căng tràn, tuôn chảy; tôi như được phút giây sống lại tuổi hồn nhiên, áo trắng học trò tung tăng ngày nào - cái tuổi mộng mơ, tươi đẹp của một đời người, mà ai cũng một thời trải qua, cũng trân quí. Bạn bè tôi, những người con Bồ Đề Hiếu Xương có người đã thành đạt, có người còn lận đận; nhưng tụ họp về đây ai cũng hồn nhiên, quý mến nhau, như thuở nào còn chung vui dưới một mái nhà. Chúng tôi cùng tham gia những tiết mục “văn nghệ” như thưở còn mười tám đôi mươi ngày nào.
       Tôi được MC gọi tên góp vui - vội bước lên sân khấu, diễn ngâm một bài thơ đã viết từ năm 1996, được quý thầy chọn in trong tuyển tập  “Nhớ Về Một Ngôi Trường” sau nầy - trong tiếng reo vui của những tràng pháo tay cổ vũ. Đó là bài thơ “Ngôi Trường Nắng”, nhớ về ngôi trường Bồ Đề Hiếu Xương thân yêu của chúng tôi; nhân dịp một lần tôi đi dự họp phụ huynh cho các con cũng đang học ở chính ngôi trường ấy.
                  NGÔI TRƯỜNG NẮNG
             (Để nhớ về Trường Trung Học Bồ Đề Hiếu Xương)
     Ngôi trường ấy,
              chan hòa
                         muôn ánh nắng.
     Thuở tôi đến trường, nay đã hăm mấy
                                                            mùa xuân.
      Hai dãy phòng đơn giản buổi khai son
      Nằm trơ trọi giữa một vùng cát trắng.
      Ngồi trong lớp vẫn nghe chừng rát bỏng,
      Trước sân trường
                                hàng phượng mới vừa ươm.
       Lũ chúng tôi ríu rít tựa đàn chim.
       Chia nhóm-
                          luân phiên-
                                           bón phân tưới nước.
       Gởi yêu thương vào trong từng lá biếc.
       Mong sân trường rợp bóng những tàng cây.
 
       Tuổi học trò,
                          qua vội có ai hay!
       Chúng tôi lớn theo hàng cây phượng lớn.
         Phút chia tay
                             cuối cùng rồi cũng đến.
         Chúng tôi chia đàn tung cánh muôn phương,
         Chỉ còn trơ xác phượng giữa sân trường,
         Mang kỷ niệm một thời xuân tươi thắm.
 
         Ngôi trường ấy,
                                chan hòa muôn ánh nắng.
         Con tôi bây giờ học ở mái trường tôi.
         Một thế hệ qua đi,
                                  Mái trường xưa còn đó.
         Dù nắng đã khép mình sau tàng phượng đỏ,
         Tôi vẫn gọi trường
                                   là Ngôi Trường Nắng,
                                                                Trường ơi!

      Dù nắng đã khép mình sau tàng phượng đỏ, tôi vẫn gọi trường là “Ngôi trường nắng”, bởi ngôi trường đó đã có hai dãy lầu, với những tán lá bàng, tán lá phượng che mát khắp sân trường; nhưng trong tâm thức tôi - mỗi lần có dịp đi ngang qua trường, hay đến đây, tôi vẫn thấy rõ “Ngôi trường nắng” ấy như in trong trí nhớ, với hai dãy phòng nhỏ bé nép mình hiền lành trên bãi cát nóng bỏng ngày xưa.
      Từ đó, ngôi trường Bồ Đề Hiếu Xương thân yêu của chúng tôi, được học trò chúng tôi biết thêm một cái tên nữa là “Ngôi trường nắng”, trông nhỏ nhoi, nghèo khó - nhưng dễ thương, thơ mộng làm sao. Mỗi lần họp mặt sau, các bạn cứ giục tôi ngâm bài thơ này, như nhắc nhở cho nhau nghe thêm nữa, về buổi đầu ngôi trường vừa mới thành lập với bao kỷ niệm không thể nào quên trong đời.
      Năm nào cũng vậy, tôi luôn cố gắng thu xếp những bề bộn trong đời sống, những ưu phiền riêng tư, để về tham dự đúng ngày 16 tháng 8. Tôi xem ngày ấy là ngày vui hiếm hoi còn lại của đời sống, khi tuổi đời ngày càng thu hẹp lại.
      Tôi nhớ lần sum họp gần đây - năm 2016, tôi đang chăm đứa cháu nội 6 tháng tuổi cho ba mẹ cháu đi làm. Hôm ấy, các con tôi không xin được phép nghỉ để trông cháu cho tôi có thể về chung vui được, cho dù chỉ một hai ngày. Các con tôi đi làm, 5g30 chiều mới về đến nhà, mà chuyến xe cuối trong ngày xuất bến cũng 5g30. Tôi suy nghĩ, tính toán nhức đầu, mà không biết làm sao cho phải lẽ. Tôi nghĩ, chỉ còn cách đóng cửa, bồng cháu sang gởi tạm nhà hàng xóm chờ ba má nó về, rồi lên vội bến xe mới kịp chuyến xe cuối ngày ấy. Tôi lật đật mang xách lên vai, bồng cháu đi gởi cho cô bé thân quen cạnh nhà, rồi chạy một mạch lên bến xe - chuyến xe cuối cũng vừa đúng giờ khởi hành.
     Các bạn gọi điện theo chuyến trở về của tôi, mỗi lúc, càng nhiều hơn - làm tôi thêm rộn ràng, náo nức. Các bạn hứa sẽ đón và chờ tôi về dù có trễ bao lâu. Trong tôi, niềm vui căng tràn theo dòng suy nghĩ, tôi cảm thấy như xe chạy chậm hơn dù con đường thẳng băng, mới vừa được tu sửa, không một ổ gà, ổ voi nào hết. Tôi lao xao bao buồn vui lẫn lộn, rồi lo sợ không về kịp để gặp được quý thầy cô và các bạn. Sợ lỡ xe bị hư dọc đường, sợ quý thầy cô buồn, sợ các bạn trông - tôi sợ đủ thứ. Vừa qua khỏi đèo Cả, tôi lật đật điện nhờ một người bạn đón tôi tại bến xe Phú Lâm như đã hẹn trước. Người bạn ấy trả lời: “Bây giờ mình nói thiệt, đừng buồn, nhưng Ng về tới đây, chắc chẳng còn ai nữa đâu!. Thầy cô và các bạn chuẩn bị về hết rồi, có người đã ra về rồi đây nè…”. Tôi như chiếc bong bóng bị xì hơi, bao nhiêu náo nức, hy vọng bay đi đâu mất hết. Tôi buồn, buồn vô cùng, nhưng rồi cũng gắng nói với bạn ấy “Sao mấy người nói chờ tui mà về hết trơn vậy, tui về đúng hẹn mà. Vậy giờ tui phải làm sao, xuống Hòa Vinh hở?” “-Ừ! Xuống Hòa Vinh đi! Ra đây không kịp đâu”. - “Nhưng ông phải nói giùm với các bạn biết là tui có về, để họ khỏi trách đó nhen” - “Ừ! Để nói cho.”
     Tôi buồn nẫu ruột, bao nhiêu cố gắng coi như không có chút hy vọng. Tôi gọi điện cho nhỏ bạn ở Hòa Vinh chuẩn bị đón tôi; xong, tôi liền gọi cho một bạn đang dự họp mặt, báo cho bạn ấy là tôi xuống Hòa Vinh vì mọi người đã về hết như lời của người bạn kia vừa nói. Tôi rất xúc động, vui mừng, khi cô bạn ấy bảo tôi cứ ra thẳng Phú Lâm, sẽ đi đón tôi ngay.
     Tôi đi thẳng ra bến xe Phú Lâm, vừa bước xuống xe, tôi đã thấy nhỏ bạn cười toe toét với tôi - nụ cười chí tình, hồn nhiên ngày nào.  Trong tôi dạt dào bao cảm xúc xôn xao, vừa mừng vừa tủi. Thầm nghĩ: “May quá, mình mà xuống Hòa Vinh theo lời người bạn vô tình kia thì uổng công rồi!”. Bạn nhỏ đèo tôi trên xe, vừa đi vừa đùa giỡn; khiến tôi quên hết bao mệt nhọc, lo lắng - cùng vui góp chuyện huyên thuyên.
     Dựng xe trước cổng quán Bi Bo, hai chúng tôi bước vào quán; các bạn vụt đứng dậy - reo lên, mừng rỡ: “Nguyệt về rồi, Nguyệt về đến rồi!”. Quí thầy cũng rạng rỡ nụ cười khi nhìn thấy tôi hăm hở bước vào cúi chào, đưa tay gọi tôi lại gần. Tôi vui như đứa trẻ, đưa tay vẫy chào các bạn, rồi tiến thẳng đến bàn của quí thầy thăm hỏi. Thầy Thiện Đạo cười: “Bỏ cháu cho ai mà con chạy về vậy?”. Tôi thưa: “Dạ, con bồng nó gởi cho hàng xóm mới kịp đi chuyến xe cuối 5g30...”. Thầy cười “Cháu nội hay ngoại?” -“Dạ, nội ngoại gì con cũng có cả, tất cả năm cháu rồi đó Thầy!”. Tôi rất vui vì được thầy quan tâm, ưu ái thăm hỏi, tôi nói như con chim líu lo. Thầy lại cười “Giỏi nhỉ!”. Quý thầy Huiền Ân, thầy hiệu trưởng cũng đều nhìn tôi hoan hỷ, hỏi thăm sinh hoạt gia đình và tình trạng sức khỏe của tôi. Tôi dạo sang từng bàn, thăm hỏi, chia sẻ niềm vui cùng các bạn đang ngồi chờ đợi, luôn cười toe toét như trẻ con. Nhìn thấy Kim Tường - bạn cùng lớp, ôm cái máy ảnh ngồi nhìn tôi cười; tôi cười chào đáp: “Kim Tường chụp giùm vài tấm đi!”, thế là Tường ôm máy chạy theo tôi, tôi sà lại bàn nào, là bạn ấy chạy theo sau, làm các bạn đứng dậy chạy theo để cùng chụp hình chung, vui thật. Hoa cười: “Nãy giờ tụi mình đến trước không có chụp tấm hình nào với Quý thầy, nó mới về chụp tùm lum, lại đây chụp mấy bạn ơi”. Thế là, lũ chúng tôi, hí hửng cùng nhau chụp hình lưu niệm.
     Tôi được các bạn cho biết, tôi đã về trễ, không được xem tiết mục múa của các bạn, và lễ mừng thọ thầy Trần Huiền Ân 80 tuổi, thầy Thích Nguyên Đức 75 tuổi. Tôi cứ tiếc hoài không được cùng tham dự, nhưng tôi rất vui khi xem tiết mục múa qua video của các bạn quay lại, và rất xúc động khi nghe lại câu nói của thầy Trần Huiền Ân - “Thầy đã từng đứng trước bao nhiên khán thính giả, nhưng chẳng thấy có gì  không hiểu sao, hôm nay thầy run quá”. Có lẽ thầy quá xúc động vì nhìn thấy được tấm lòng nặng tình của đám học trò cũ ngày xưa nay đã trên 50 - 60, thấy sự chí thành đối với thầy cô của lũ học trò quê mùa, mộc mạc của tất cả chúng tôi?
     Lần sum họp gần đây nhất năm 2017, chúng tôi có nhiều tiết mục văn nghệ hơn; nhưng khó khăn là mỗi người mỗi nơi, ai cũng bận bịu với con cháu, làm ăn, không tập trung được để tập hợp ca, tập múa theo như ý mong muốn. Vậy mà các bạn cũng đã nổ lực thực hiện được một tiết mục múa - bài “Chiều Lên Bản Thượng” và hai tiết mục tốp ca, mà ngày xưa chúng tôi đã dự thi cùng các trường bạn, ở rạp Đại Nam.
    Tôi bâng khuâng nhớ lại:
      “Hoa phượng chiều nay, thương nhớ ai,
      Sao nghe trong gió tiếng thở dài?
      Rưng rưng cánh mỏng vờn trong nắng
      Phượng hỡi, chiều nay thương nhớ ai?
 
      Áo trắng chiều nao gió tung bay
      Tóc dài buông xỏa xuống đôi vai
      Tung tăng ai bước chân chim sáo
      Dáng nhỏ, hồn nhiên những dấu hài?
           (Phượng Hồng  - Nhớ về Một Ngôi Trường)
      Đặc biệt, trong buổi sum họp nầy, có nhà văn Mang Viên Long là thân hữu của quý thầy và nhà trường, có dịp ghé thăm Tuy Hòa vừa Bình Định vào, cùng về tham dự, chung vui. Thầy Hiệu trưởng giới thiệu với tất cả chúng tôi: “Nhà văn Mang Viên Long là đồng nghiệp thân thiết của Quí thầy, đã từng gắn bó với ngôi trường Bồ Đề HX, nay cũng là thành viên của nhà trường. Mời nhà văn Mang Viên Long, mỗi năm nhớ về tham dự cuộc sum họp với chúng ta, để tình thân ngày càng gần gũi ”. Tất cả chúng tôi đều vỗ tay đồng tình với lời thầy hiệu trưởng - đón mừng thành viên mới. Buổi gặp gỡ được tiếp tục với lễ mừng thọ thầy Thích Thiện Đạo tròn 75 tuổi, thầy Hiệu trưởng Đàm Khánh Hạ, thầy Phan Tiên Hương tròn 80 tuổi. Ban tổ chức cựu học sinh BĐHX, đại diện tất cả tặng quà và hoa chúc mừng quí thầy.
      Hơn 40 năm qua, tất cả chúng ta giờ đã đi qua đỉnh dốc của đời người, thời gian còn lại không biết được bao lâu trong cuộc vô thường của đời sống. Tôi mong rằng tất cả những ai đã là “con” của mái gia đình Bồ Đề Hiếu Xương, ở khắp mọi nơi, nếu có dịp, nên nhớ trở về tham dự buổi họp mặt hằng năm này. Tôi luôn thầm nghĩ, đây là niềm vui lớn, là niềm hạnh phúc lớn, cho cuộc đời còn lại của mỗi chúng ta!
 
                                                                        6/2018
 


  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt