TIỂU NGUYỆT 


 Nhớ mãi Người Thầy Dạy Văn
 (Kính tặng Thầy Trần Huiền Ân)
             Tùy bút
             
Tôi may mắn được là học trò của Thầy những năm đệ nhị cấp. Năm đầu tiên tôi bước vào trường Bồ Đề Hiếu Xương, Thầy dạy môn văn và hướng dẫn lớp đệ lục chúng tôi. Tôi rất ấn tượng cái tên của Thầy “Trần Huiền Ân”, tên thật lạ. Chữ Huiền lại i ngắn, mãi sau tôi mới biết đó chỉ là bút hiệu, tên thật của Thầy là Trần Sĩ Huệ.
Thầy rất nghiêm, trong lớp ai cũng lo học bài thật thuộc, làm bài đầy đủ. Sách vở bao bìa cẩn thận, nhãn vở rõ ràng. Có lần Thầy nhìn vào nhãn vở bạn Hưng cười, nói nhẹ “Con tem bưu điện sao lại nằm trên vở em thế?”. Cả lớp ai cũng đưa mắt về phía Hưng hồi hộp, Hưng lí nhí trong miệng không ra câu “Dạ... dạ...”. Hưng lúc nào cũng luộm thuộm, nhãn vở xé răng cưa như con tem. Thầy chỉ cười, nói nhẹ thế mà ai cũng sợ, sách vở lúc nào cũng sạch sẽ, nếu không Thầy phạt viết lại cả quyển thì chết. Dù vậy, trong hai năm là học sinh của Thầy, tôi chưa thấy Thầy la mắng nặng lời ai bao giờ.
Dáng Thầy không cao, người tầm thước. Mái tóc Thầy rất đẹp, xếp từng nếp như uốn ép ở tiệm. Có lần bạn Đào cười nói với tôi khi Thầy đi ngang qua “tóc Thầy đẹp quá! Giống như vừa ở tiệm ra vậy”; tôi cười nói với Đào “làm gì có, tóc Thầy như vậy đó”. Trên môi thầy lúc nào cũng nở nụ cười, “cười mím chi” thôi, không thấy cười rộng.
Chúng tôi luôn soạn bài trước, đủ các phần. Tiểu sử tác giả, bối cảnh lịch sử, mục đích, bố cục, nội dung, hình thức v.v... Đến lớp Thầy gọi lên bảng mà chưa soạn là phạt, cho nên ai cũng lo soạn bài. Anh Phát là học sinh giỏi môn văn, lúc nào cũng được Thầy chọn bài đọc mẫu cho cả lớp. Có hôm Thầy gọi anh đọc phần nội dung soạn ở nhà. Anh cầm vở đọc lưu loát vậy mà không hiểu sao Thầy gọi anh đem vở lên bảng cho Thầy xem. Anh đứng ngớ người ra cứ “dạ...dạ...” - Cuối cùng anh thú thật:
     - Dạ thưa thầy! Em chưa soạn bài. Cả lớp cười thầm, nhưng sợ Thầy giận không ai dám cười thành tiếng. Ai cũng nghĩ “Sao Thầy biết giỏi vậy, anh đọc khá trôi chảy mà?”. Vậy đó! Không ai qua mắt được Thầy cả. Đến lớp là phải thuộc bài dù dài thế nào, khó thế nào cũng vậy, đó như là châm ngôn cho lớp. Tôi nhớ hôm học bài “Luận về nguyên lý văn chương” của Phan Kế Bính. Đầu tiên Thầy dò một, rồi hai, rồi ba và nhiều bạn nữa nhưng chẳng ai thuộc cả. Thầy bỏ hết hai tiết ra dò bài. Tôi hồi hộp nín thở cúi xuống núp, sợ Thầy nhìn thấy kêu trúng tên mình, dù tôi thuộc nhưng không nhuyễn lắm. Thầy giận quá gọi hơn nửa lớp nhưng chẳng bạn nào thuộc, Thầy nói:
     - Ai không thuộc bài bước ra ngoài, ai thuộc ngồi lại.
 Thế là lần lượt ra khỏi lớp còn lại chỉ ba bạn, Thầy vừa buồn vừa giận. Chúng tôi ra khỏi lớp có phần hơi lo nhưng nhờ đông nên cũng vui, nếu Thầy cho điểm không thì ai cũng thế nên cũng không sao. Chúng tôi bàn nhau giờ văn tới phải thuộc bài, không được như hôm nay. Hôm sau chúng tôi học bài “Gì cũng cười” của Nguyễn Văn Vĩnh ai cũng thuộc. Chúng tôi đến lớp sớm tự dò bài cho nhau, ai cũng đọc vanh vách. “An Nam ta có thói lạ là gì cũng cười, người ta khen cũng cười, người ta chê cũng cười, hay cũng cười mà dở cũng cười, nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang...”.
Thầy rất thân tình và yêu mến học sinh, Thầy tập chúng tôi làm thơ. Học thể thơ gì thì bài tập về nhà là thể thơ ấy. Tôi nhớ hôm bài tập về nhà là thơ lục bát, tôi ngồi suy nghĩ cả ngày mới được mười hai câu. Làm xong tôi nhờ chị gái nghe tôi đọc thử, nghe xong chị cười ngất:
     - Trời ơi trời! Em đem bài thơ này mà nộp là không điểm như chơi, thơ gì mà gieo vần trật lất hà.
     - Em nghe trúc trắc làm sao ấy, nhưng cả buổi trưa rồi đấy. Chị sửa giùm em đi.
 Chị tôi cười:
     - Chị không biết làm thơ, nhưng em gieo vần sai. Chữ cuối câu sáu vần với chữ sáu câu tám, và chữ cuối câu tám vần với chữ cuối câu sáu tiếp theo. Thôi! Em tự sửa đi! Hi hi
 Lần đầu tiên trong đời tôi tập làm thơ, những vần thơ nghe vui ơi là vui, mà bạn nào cũng thế không chỉ riêng tôi. Giờ nhắc lại thấy nhớ vô cùng, chữ cuối câu sáu tôi vần với chữ cuối câu tám. Cứ thế hết cả bài thơ chỉ có những chữ cuối vần với nhau, đọc nghe ngúc ngắt, tức cười không chịu được.
Thầy giảng bài nghe “mùi tai” lắm! Chúng tôi im lặng lắng nghe trong háo hức với những bài thơ không thấy trong sách giáo khoa, như bài “Mùa Hoa Cải” của nhà thơ nào tôi không còn nhớ. Những bông cải vàng thuở ấy luôn in đậm trong tôi, cả lớp im phăng phắt lắng nghe. “Rồi mùa đông hết tiết xuân sang, vườn cải nhà tôi chớm nhụy vàng...”. Mỗi năm nhà tôi thường trồng những luống gừng, luống cải. Hoa cải vàng luôn là nỗi nhớ trong tôi, thấp thoáng bóng “Mùa Hoa Cải” Thầy đã dạy tôi năm nào…
 Thầy đã dạy văn lớp chúng tôi hai năm, đệ lục và đệ ngũ, cho chúng tôi tập thuyết trình các tác phẩm trong Tự Lực Văn Đoàn. Thầy tập chúng tôi phương pháp phân tích tác phẩm, nêu mục đích, sự ra đời tác phẩm... Chúng tôi thuyết trình theo tổ, mỗi tổ một tác phẩm khác nhau. Dù vậy chúng tôi cũng phải nghiên cứu tác phẩm khác để đưa ra những câu hỏi cho đội bạn trả lời. Những buổi tranh luận thật sôi nổi, chính vì thế học trò chúng tôi mới đọc được nhiều tác phẩm hay, có thói quen đọc sách sau nầy. Nhờ những lần “thuyết trình” như vậy, tôi dạn dĩ hơn, không run sợ trước đám đông như trước kia nữa.
Ngoài giờ dạy Thầy hay thăm hỏi chuyện học tập, chuyện nhà, giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh khó khăn, nên ai cũng cảm thấy gần gũi, yêu quí Thầy. Có lần trường tổ chức văn nghệ, đêm hôm đó bạn Thu mang đậu váng, đường, bột để nấu chè. Chúng tôi không ai biết nấu, đậu luộc bóc vỏ rồi hầm chín bỏ đường vào. Phần còn lại không biết làm thế nào bỏ bột vô. Tôi làm chảnh, bảo: “Đứa lấy muỗng khuấy, đứa bỏ bột vào từ từ, sẽ được thôi”. Thế là các bạn làm y như thế, kết quả bột đóng cục không chín nổi. Chúng tôi cố khuấy đều nhưng bột cứ từng mảng, từng hột, như trứng cá không chín được. Đêm đó Thầy ăn vào, sau ôm bụng la đau, lũ chúng tôi đứa nào cũng ê bụng, cảm thấy nặng trịch. Kỷ niệm này khiến tôi nhớ mãi, thương Thầy ghê!
Cuối năm đệ tứ tôi nhận được phần thưởng, trong đó có tập thơ “Năm Năm Dòng Sông Thơ” của Thầy. Tôi rất thích đọc thơ của Thầy, những bài thơ hiền hòa, chân tình, và hồn nhiên, làm tôi  vô cùng xúc động. Tôi thích bài “Hai mươi năm thôi học” và không chỉ mình tôi mà bạn nào cũng thích bài này, nhiều bạn thuộc mỗi lần gặp hay đọc cho nhau nghe. Tôi thuộc nhiều bài thơ của Thầy - như bài “Hoa Vòi Voi” từ ngày ấy…Mỗi lần đọc lại, lúc nào đọc tôi cũng rưng rưng nước mắt, nhất là hai khổ thơ cuối - đọc lên, cứ  nghe nghèn nghẹn.
                   “...Thuở nào xa xưa bây giờ đã hết
                     Hai xóm hai miền hai đứa lại hai phe
                     Im lặng chia tay một chiều vãng tết,
                     Muốn nói nên lời sợ chính mình nghe.
 
                     Rồi một đêm bên bờ sông bom đạn rú,
                     Một thằng đi thu dọn máu xương tàn.
                     Lật xác quân thù, ôi! Người bạn cũ
                     Giữa đám vòi voi hoa cuộn khăn tang.”
Tôi đã tập ngâm bài thơ này và mong chờ một lần gặp gỡ nào đó, sẽ ngâm tặng Thầy, để tỏ lòng kính yêu người Thầy đã dạy dỗ tôi những năm trung học; dầu  tôi vốn rất “sợ” Thầy. (“Sợ” ở đây không phải là sự sợ hãi mà là lòng kính nể, sợ mình làm sai, không vừa ý Thầy, và cũng có lẽ do bản tính tôi quá nhát). Sự mẫu mực, tình yêu thương của Thầy là tấm gương sáng cho học sinh chúng tôi noi theo.
 Năm tôi mới vào sống ở Nha Trang, đêm không ngủ được thức dậy đi ra đi vào. Mở ti vi xem, vừa bật máy lên, hình ảnh thầy đang nói chuyện đập vào mắt. Tôi xúc động như Thầy đang ngồi trước mặt, VTV4 đang  có chương trình giới thiệu về Thầy - một nhà giáo, một nhà biên khảo hàng đầu của Phú Yên... Tôi hãnh diện vì mình được là học trò của Thầy, dù tôi chỉ ở nhà lo việc nội trợ, không giỏi giang như các bạn.
 Nhiều thế hệ học sinh trường Bồ Đề Hiếu Xương đều rất đặc biệt, luôn thân tình, gần gũi, là dù khác lớp. Chúng tôi vẫn chơi thân nhau, dù tất cả đã lớn, dã trưởng thành. Mỗi lần nhà bạn nào có tin vui (hay buồn), chúng tôi đều có mặt để chia sẻ!  Nhất là ngày tổ chức đám cưới cho con, chúng tôi họp nhau, ngồi dồn vào một chỗ, mừng rỡ ríu rít, trò chuyện đủ thứ, không hề nghĩ “người ta” nhìn vào sẽ có “ý kiến” gì không. Tôi nhớ hôm đám cưới con Thầy, chúng tôi đến hơi trễ một chút vì kẹt xe - Thầy bước lại khi chúng tôi vừa đến sảnh nhà hàng, cười vui: “Thầy chờ nãy giờ, đếm từng em, thấy thiếu nên cứ lo”. Tôi bâng khuâng khi nghe lời Thầy nói - lời Thầy giản dị, mà rất nghĩa tình. Làm lễ xong, Thầy xuống bàn chúng tôi ngồi. Thầy trò quấn quít nói chuyện, Thầy nhìn chúng tôi một lượt, cười nói: “Học trò của tôi”.
Kỳ họp mặt năm vừa rồi, chúng tôi tổ chức mừng thọ Thầy tám mươi tuổi. Thầy xúc động: “Thầy đã từng đứng trước bao nhiêu diễn giả không hề gì, hôm nay Thầy thấy run khi đứng ở đây...”.Thầy đã rất cảm động trước những tấm lòng yêu kính, thiết tha của học trò, đã không bao giờ thay đổi, khi tuổi của Thầy đã xế chiều. Chúng tôi đều cầu  mong Thầy khỏe mạnh để hằng năm còn có thể nhìn thấy Thầy, chia sẻ cùng chúng tôi niềm vui gặp mặt như hôm nay. Chúng tôi vô cùng biết ơn Thầy - người Thầy luôn thương yêu, quan tâm đến tương lai của học trò, cho dầu đã trên 40 năm…                                                                                                                                                                      
 
Tháng 01.2017
 

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt