TIỂU NGUYỆT
 
              Những Cảnh Đời Điên Đảo
Qua Lăng Kính Triết Lý Sống Của Đạo Phật
Trong “SÂN KHÔNG DẤY BỤI” Của NGUYÊN CẨN

 
     “Sân Không Dấy Bụi” là tập truyện ngắn của nhà văn Nguyên Cẩn; sách dày 207 trang, trình bầy trang nhã, gồm 4 phụ bản mầu của danh họa Đinh Cường; do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành vào quí 1 - 2015.
     Thật bất ngờ, khi tôi nhận được tập truyện ngắn “Sân Không Dấy Bụi” của nhà văn Nguyên cẩn, là món quà của một người bạn văn phương xa mang đến tặng tôi, nhân dịp phát hành tập truyện thứ ba “Hương Quê Một Thuở” của tôi, vừa xuất bản quí 1 - 2018. Tôi rất vui khi biết tác giả là người rất chí tình viết lời giới thiệu trong tác phẩm thứ hai, “Thương Lắm Quê Nhà” của mình; nên tôi nao nức đọc ngay, với lòng trân trọng, quí mến.
     “Sân Không Dấy Bụi” là một tập gồm 17 truyện ngắn; theo tôi, đó là những cảnh đời điên đảo trong một xã hội quay cuồng với những mưu mô, xảo quyệt, tranh giành chức vị, tình yêu. Tác giả “kể lại” một cách tế nhị, sắc bén qua lăng kính triết lý sống của đạo Phật; với hình thức diễn đạt lôi cuốn người đọc, chuyển tải được một nội dung phong phú về tình người, tình đời, gần gũi quanh ta.
     Là một nhà giáo, nhà nghiên cứu Phật học; nên truyện ngắn của Nguyên Cẩn chịu ảnh hưởng của triết lý sống Phật giáo, thâm trầm và sâu sắc; trước một xã hội lạnh lùng, vô cảm, tha hóa; với khát vọng, có được một xã hội, với cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc hơn.
      Nhân vật chính trong truyện ngắn “Sân Không Dấy Bụi” là Ninh Văn Phát, một tướng cướp khét tiếng, hại không biết bao người; rồi trở thành một ông thầu xây dựng nổi tiếng, giàu có. Nhưng rồi, ông bị cướp đi tất cả, không còn gì; để tuổi xế chiều, ông sống như người đã chết, trở về quê hương, với hai bàn tay trắng và một tấm lòng tan nát. Đó là những khúc quanh của cuộc đời, mà ông phải gánh chịu, với luật nhân quả của giáo lý Phật giáo. Nhà văn Nguyên cẩn đã không nói gì đến “nhân” và “quả”, nhưng người đọc cảm nhận thật rõ ràng đến định luật này; đó là sự thành công của một người cầm bút. “Cuộc đời có những khúc quanh oái oăm mà người ta gọi là những bước ngoặc của số phận. Nhưng nghĩ cho cùng, cái lý vô thường biến ảo tưởng như không ai lường trước” (Sân Không Dấy Bụi – trang 60).
      Sau bao biến cố đổi thay, cuối cùng Ninh Văn Phát đã hiểu ra lẽ vô thường trong cuộc đời này; ông nghĩ rằng mình đã trả lại tất cả những gì đã lấy của người khác, và ông đã thấy lòng nhẹ nhàng hơn, như vừa trút được gánh nặng về những gì mình đã làm trong quá khứ. Ông đã ngộ ra, buông tất cả; “nhìn đăm đăm ra phía trước sân, nhìn mà như không nhìn, vì không thấy ai, chẳng còn nghe ai; nhìn không dụi mắt, vì ngoài kia không có bụi”. Lòng ông đã yên lặng, an bình. Ông đọc khe khẽ:
     “Mặc cho lá thông
     Vàng úa phủ kín
     Sân không dấy bụi
     Tâm trong an bình”
     (Sân Không Dấy Bụi – trang 70)
     Tác giả đã dẫn người đọc theo câu chuyện đầy kịch tính, có lúc nhẹ nhàng, thư thả, có lúc hồi hộp, lo lắng; nhưng cuối cùng người đọc cảm thấy vui, vì nhân vật trong truyện biết ăn năn, hối cải, với cái kết thật nhẹ nhàng.
     Trong truyện ngắn “Vô Chiêu”, một cậu bé 16 tuổi - Nguyễn văn Thế, trình độ lớp ba, bỏ xứ vào Sài Gòn tìm việc. Thế may mắn gặp được ông Hoàng, chủ tiệm garage Hoàn Vũ. Ông thương cậu bé nhỏ nhắn, ốm yếu, nhận vào làm và dạy võ cho cậu. Tưởng được an phận với công việc nơi xứ người, nhưng số phận đã đưa đẩy cuộc đời cậu phải gian truân, trở thành kẻ ác, vì cuộc sống không cho cậu cơ hội làm người hiền. Nhưng rồi mọi chuyện cũng phải có lúc kết thúc, sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, Thế âm thầm trở về quê sống với mẹ. Thế chôn quá khứ và cái tên Nguyễn Văn Thế tai nghiệt kia cùng con dao sáu vạch đã từng một thời ngang dọc xuống đất, với lời thề nguyền; nếu còn nghiệp sát, trời kia xin tru diệt. Và anh có cái tên mới là Tân, cưới vợ, sống cuộc đời lương thiện, với chiếc xe mà mẹ anh đã gom góp mua để anh chở khách kiếm sống hằng ngày.
     Trong một buổi chiều mưa, trên đường đưa khách từ Nha Trang về; xe anh gặp hai thanh niên, tướng như ốm đói lên xe, rút dao đòi tiền. Chúng đòi tất cả 4 triệu rưởi, mặc dù bà con trên xe năn nỉ, chúng cũng không bớt. “Cả một quá khứ tung hoành vàng son máu và nước mắt bỗng ùa ngập tâm hồn Tân. Anh thấy mình hèn, anh thấy mình muốn ra tay trừng trị, nhưng anh cũng dằn vặt với những con mắt trợn trừng khi anh xuống tay kết liễu. Nỗi ám ảnh đã chôn sau vườn cùng con dao khắc sâu sáu vạch”. Tân phải đấu tranh với chính mình, khi phải cưỡng lại cơn giận và ý muốn ra tay trừ bọn cướp. Anh phải cúi mặt xuống để khỏi nhìn thấy bọn chúng, khi đưa số tiền anh tích cóp được, với dự định thay lốp xe và đứa con đang bệnh chờ tiền anh mang về, đưa hết cho chúng; vì sợ nhìn chúng, anh sẽ không dằn được cơn giận đang ngự trong anh. Kiếm tiền xong, bọn chúng xuống xe. “Nhìn theo bóng chúng nó khuất trong làn mưa mù. Tân thở ra thật dài như trút cả khối căm hờn. Anh thấy như mình vừa leo qua một con dốc quá cao. Anh thấy mình trống rỗng. Anh đã quên vỏ xe đang mòn, con đang đau, túi đã cạn. Anh như một chiến binh vừa rửa tay gác kiếm, mệt mỏi, nhưng nhẹ nhàng, thanh thản”.(Vô Chiêu – trang 85).
     Tân đã thắng, chiến thắng lớn nhất là anh đã vượt qua sự tức giận, để làm chủ được mình; như anh vừa leo lên một con dốc quá cao, so với sức mình. Tác giả đã làm người đọc hồi hộp, lo sợ với sự đấu tranh tư tưởng của Tân; nhưng rồi bạn đọc thở phảo, nhẹ nhõm, như chính Tân “Quay đầu lại, Tân thấy con đường phía sau chìm trong mưa. Phía trước mặt trời đang lặn; nhưng những tia nắng trước khi tắt, lại sáng lên rực rỡ vô ngần” (Vô Chiêu – trang 86).
          Một lần nữa, Nguyên Cẩn đã cho bạn đọc thấy nhân vật Khanh trong “Chuyến Tàu Hoàng Hôn”, là một người nham hiểm, khi cần loại bỏ giám đốc của mình, ông ta sẵn sàng bất chấp mọi thủ đoạn; rồi cuối cùng, cũng bị người mà ông tin tưởng, đâm sau lưng một nhát đau đớn; mất cả nhà cửa, vợ con. Khanh cảm thấy sợ, “nỗi sợ vô hình về sự cô đơn dằng dặc của kiếp người, khi mọi thứ vinh hoa đều rơi rụng, còn cái thằng Tôi - không - cần - viết - hoa chìm trong trăn trở, muộn phiền”. “Khanh như chìm trong bóng tối của buổi chiều đang xuống. Mọi thứ đều ảm đạm, kể cả tâm hồn. Cảm giác của một đứa trẻ bị bỏ rơi, bơ vơ, hoảng sợ nhìn vào chân tường hình dung ngày mai. Nhớ gì trong cái bóng chạng vạng của một ngày và nghĩ về đêm dài sắp đến. Một chút gì vô vọng, một chút gì tàn nhẫn, một chút gì mơ hồ như khói, như sương tan dần trên mặt hồ, sau nhiều ngày nổi sóng”. (Chuyến Tàu Hoàng Hôn – trang 155).
     Trong nỗi cô đơn sau khi mất hết chức quyền, vợ con, nhà cửa; Khanh mới cảm nhận được sự lạc lõng, trống trải của một kiếp người. Đứng trước sự vô thường, cảm xúc thật lẫn lộn; có lúc Khanh muốn trả thù, nhưng rồi nghĩ lại, để làm gì; vợ cũng đã ra đi, con thì xa lắm rồi. Khanh mù mờ thấy ra việc gì cũng có lý do của nó, không ngẫu nhiên mà như thế. Rồi Khanh chỉ thở dài, nhìn chiều trôi qua rất chậm; để ngẫm nghĩ, để an ủi chính mình.
     Trong 17 truyện ngắn trong “Sân Không Dấy Bụi”, ngoài những nhân vật có lòng tham lam, ích kỷ, tranh quyền, làm ác; còn có những nhân vật hiền lành, trong sáng như: Chánh (Chuyến tàu Cuối năm), cụ Trưởng, cậu Chính (Lão Giảo), cô Hoa (Chuyện Tình Bên Dòng Kênh), Thanh (Đóa Hài Tiên Vẫn Nở)... Đó là những nhân vật đại diện cho tình yêu thương, luôn mong muốn người người sống trong sự chan hòa, yên bình, hạnh phúc. Mặc dầu, họ đã bị người lừa gạt, tình, tiền, ngay cả mạng sống; nhưng họ vẫn luôn bao dung, mong muốn mọi người sống trong yêu thương. “Đời người có khi thắng khi thua, chẳng ai thắng mãi được. Mà có thắng mãi cũng thua ông Giời, anh Giảo ạ! Cốt nhất sống với nhau giữ lấy chữ tình, giữ cái tâm trong mà đối đãi” (Lão Giảo – trang 51). Đấy là lời của cụ Trưởng nói với Lão Giảo. Còn Thanh đã trả lời khi người cai ngục hỏi: “Chú hỏi thật cháu! Cháu có hối hận về hành vi của mình không? – Cháu ư? Giết người thì đúng là vô cùng hối hận, nhưng chú ạ! Phật dạy”Tội từ tâm sinh ra, thì cũng từ tâm mà diệt”. Mặc dầu Thanh không phạm tội, nhưng anh đã gánh tội thế cho em trai mình; và hành động đó, anh coi như đã trả hiếu cho mẹ. Trước khi bị hành quyết, anh từ tốn nói với ông cai ngục rằng: “Bây giờ lòng cháu cũng bình yên, vì cháu không phạm tội. Lại thêm cứu được em mình. Cháu tin là nó sẽ hồi tâm như cháu nói với chú, tội từ tâm sinh ra, thì cũng từ tâm mà diệt” (Đóa Hài Tiên Vẫn Nở - trang 171).  
       Từng nhân vật trong “Sân Không Dấy Bụi” của nhà văn Nguyên Cẩn, Vũ Thị Hằng, Trần Hoàng Minh, Long, lão Giảo, Tân, Khanh, Quang judas, lão Tiến, ông Vinh, Lài, Châu v v... là một bức tranh, một câu chuyện, được tác giả chuyển tải sâu sắc qua ngòi bút với thông điệp “Yêu thương và Khoan hòa”. Tôi nghĩ, đó là khát vọng của một nhà văn, trước một xã hội đầy lòng tham lam, vị kỷ.
      “Sân Không Dấy Bụi” đã để lại trong lòng người đọc niềm mênh man sâu lắng, một chút buồn thương cho những nhân vật trong 17 truyện ngắn trong tác phẩm. Cuộc đời là một chuỗi những yêu thương - oán hờn - đau khổ - hạnh phúc đan xen trên cái nền chung là tham vọng, cuồng si. Thế nên những cảnh đời ấy, là bài học rất cần thiết cho đời sống của mỗi chúng ta.
                        05/2018


  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt