TIỂU NGUYỆT


Những Cánh hoa Xinh Xắn Ngát Hương
Trong  “HÁI BÊN ĐƯỜNG”
Của Nhà Thơ PHẠM VĂN PHƯƠNG
 
 
     Đầu tháng 12 năm 2017 tôi nhận được tập  thơ “Hái Bên Đường” của nhà thơ Phạm Văn Phương gởi tặng. Tập thơ trình bày gợi cảm, trang nhã; do nhà xuất bản Văn Học ấn hành.
     Đầu tiên, tựa tập thơ “Hái Bên Đường” như cho tôi thấy được hình ảnh tác giả đang ung dung thả bộ trên đường quê, trân quý, nhẹ nhàng, đưa tay “nhặt hái” những “bông hoa” mộc mạc nhưng vô cùng thân thiết gần gũi bên đường. Thật vậy, tập thơ là những vần thơ tâm huyết mà anh đã trải nghiệm, cảm nhận qua bao tháng năm, không bao giờ quên, quanh đời sống của chính mình. Những bài thơ như những bông hoa mộc mạc, chơn phác; có nét đẹp tiềm ẩn mà khiêm nhường, gần gũi và thân thiết với đời sống của chúng ta.
      Những cánh  hoa Tình yêu trong “Hái Bên Đường”, là những “cánh hoa” thuần khiết, hồn nhiên - gợi cho người đọc những cảm giác mênh mang sâu lắng của môt thời, như  : “Nắng chỉ nhỉnh vàng”  đã thấy “Áo em rỡ ràng sắc cỏ”.. Chỉ nhỉnh vàng một chút thôi mà đã thấy áo nàng rỡ ràng như thế, đủ cho ta thấy tình yêu nhà thơ giành cho “người ấy” nhiều đến ngần nào:
     “Bao giờ, bao giờ chẳng biết
     Tháng giêng nắng chỉ nhỉnh vàng
     Để anh tan vào sắc cỏ
     Đầu nguồn, cuối nội mênh mang”
     (Tháng giêng, đêm có hội làng – trang 30)

          Tác giả không nói đến  loài hoa kiêu sa nào khác, mà là “sắc cỏ” tầm thường nhưng gần gũi quanh ta. Và “mùa xuân cứ làm anh thương” một cách hồn nhiên, “để anh thấy mình hạnh phúc” tan vào sắc cỏ, mênh mang giữa đồng nội quê nhà..
         Còn gì đẹp hơn, lãng mạn hơn là khi nhìn vào mắt người yêu mà thấy như cả một mùa xuân; “em xinh xắn như trăng rằm mới mọc, và dịu dàng như cây cỏ quê hương”. Nhà thơ Phạm Văn Phương đã vẽ nên một bức tranh sống động giữa cảnh “giao mùa”:
     “Anh chớm thấy mùa xuân trong mắt biếc
     Trời chợt xanh và hương đất thơm nồng
     Nắng bừng sáng một mùa hoa hoàng điệp
     Và tơ trời buông nhẹ đến bâng khuâng
     Hai ta đứng bên bờ giậu trúc
     Trên cành xoan ríu rít tiếng chim chuyền
     Con bướm nhỏ bay lên hàng râm bụt
     Môi em cười như hoa đỏ hồn nhiên”
     (Giao Mùa – trang 8)

.      “Trời chợt xanh và hương đất thơm nồng” - Những dãi tơ trời buông nhẹ, bâng khuâng, khi hai người yêu nhau bên bờ giậu trúc. Tiếng chim chuyền ríu rít trên cành xoan, những con bướm nhỏ hồn nhiên như chào mừng, chia vui cùng tình yêu ấy.
          Hãy lắng nghe bản tình ca tha thiết của một thời son trẻ - “một thời mắt em như suối, sóng vỗ đôi bờ xôn xao”, được nhà thơ tâm sự.
     “Một thời mắt em như suối
      Sóng vỗ đôi bờ xôn xao
     Tình anh như cây hoa
     Mới nở nụ đầu”
     (Tình Ca – trang 34)

          Có người ví “mắt em là một giòng sông”, nhưng với nhà thơ Phạm Văn Phương thì “mắt em như suối”. Suối thì trong hơn, xanh hơn, thắm đẫm hơn với tiếng róc rách vỗ xôn xao đôi bờ xanh màu cây cỏ. “Tình anh như cây hoa, mới nở nụ đầu”. Nụ hoa đầu tiên tình anh - thắm đẫm sắc màu bên bờ suối mát, cho ta nhìn thấy cánh hoa tình yêu  thật mộc mạc, đơn sơ, nhưng có nét đẹp cao quí, không gì so sánh được.
        Trong Mùa xanh vô tận của đất trời, anh đã “Qua rào ngắt một chồi xanh”; và trong chồi xanh ấy, anh “thấy trong chiếc lá lung linh miệng cười”..Nhân cách hóa chiếc lá như người yêu dấu đang nhoẻn miệng cười - đơn giản mà sâu lắng vô cùng. Và nhà thơ dã. “Cầm tay ngọn cỏ hồn nhiên” ấy, mơ về những tháng ngày xa xưa, như một hoài niệm; thầm hỏi với chính mình, mùa xanh vô tận ấy đâu rồi?
     “Mùa xanh vô tận đâu rồi?
     Sáng nay thức giấc thấy trời lạnh se
     Áo vàng vừa cuối lũy tre
     Nắng vàng…chỉ nắng vàng hoe…nắng vàng…”
     (Lá, Bài thơ tình mùa xuân – trang 32)

       Từ “nắng vàng” được lập lại nhiều lần như luyến thương, nuối tiếc, làm tăng nỗi nhớ nhung trong tâm hồn nhà thơ và cũng cả trong tâm hồn người đọc..
        Mới đó mà như “chìm vào cổ tích”. Nhìn lại tóc mình đã điểm bạc, mắt nàng không còn đen lánh như xưa. Dù vậy, tình yêu vẫn như ngày cũ. Một sự thủy chung rất mực:“Tháng giêng nắng vẫn nhỉnh vàng”, “tiếng chim chao trên ngọn khế”; vầng trăng yêu thương ngày cũ luôn sáng mãi trong lòng nhà thơ, mãi như thuở ban đầu.
     “Mắt em giờ không còn đen
     Tóc anh bây giờ đã khác
     Chỉ có vầng trăng ngày trước
     Vẫn lung linh sáng giữa làng”
     (Tháng giêng, đêm có hội làng – trang 31)

        Ngày xưa, trong sân vườn nhà tôi luôn có những cây ổi, cây xoài, những luống tàn ô, ngò gai, rau cải. Nội tôi trồng quanh năm để có rau ăn hằng ngày và có trái để chị em tôi leo trèo.  Giàn mướp bên hông nhà luôn làm cho tôi mê thích. Những bông mướp vàng rực rỡ với ong bướm lượn lờ luôn đọng trong tôi nỗi nhớ quê da diết. Đọc “Mùa Thu, Anh Về” của anh, tôi như thấy chính mình trong những vần thơ ấy. cũng giàn hoa mướp vàng, cũng cây ổi thơm mùi trái chín, cũng Nội kể chuyện xưa, ôi sao mà nhớ. Có lẽ sự đồng cảm với giòng thơ anh chia sẻ đã chạm đến tình quê trong tôi:                   “Giàn mướp em trồng lá đã rất xanh
      Những chiếc hoa vàng xinh như cánh bướm
     Anh về thăm một ngày tháng tám
     Trời trong veo mây bàng bạc trên đầu…
     …
     Mùa thu nồng nàn trên tóc nội mù sương   
     Để anh đi xa mà lòng hoài nhớ
      Tháng tám anh về, ấm vui bếp lửa
     Chốn quê nhà sao nói hết những yêu thương!”
     (Mùa Thu, Anh Về - trang 6 – 7)

     “Nhớ về những năm tháng xa xưa”, thời trai trẻ ở quê nhà, cái thuở thanh bình bên đồng ruộng thân yêu. Mười năm anh đi xa chưa một lần trở về thăm, nỗi nhớ quê da diết trong anh. Anh mơ về bến sông năm cũ. Ngày ấy, “bên sông chim én dập dìu, cỏ mùa xuân nói những điều mênh mông?”; và nao lòng với thời gian, dâu bể. Anh thầm hỏi bến xưa giờ có còn hay đã phôi pha:
     “Bến xưa giờ biết còn chăng?
  Nhớ thương áo bạc người băng qua làng…”
     (Bến Quê – trang 33)

       “Đêm trăng, ngủ ở quán nhà người bạn cũ” anh thấy “đêm ấm áp thơm như là áo mẹ, trăng sóng sánh tràn qua cửa sổ, Đêm đầy trăng và lòng tôi đầy hương”. Để rồi anh trở về miền trời tuổi thơ, có hương nhãn, hương dưa; có cánh diều bay chấp chới trên đồng ruộng khô cùng lũ bạn. Những hình ảnh đẹp, nhưng cảm xúc chí tình, đã làm cho người đọc yêu vô cùng cái tuổi hồn nhiên ấy, tình quê hương dạt dào ấy, như giòng suối mát thắm đẫm tâm hồn:
     Những giai điệu sao mà thương đến lạ
     Đưa tôi về một miền trời tuổi thơ
     Có tháng hạ ngọt ngào hương nhãn hương dưa
     Chúng mình chạy trên ruộng khô
     Cho cánh diều bay lên chạm tới những cánh cò”
     (Đêm Trăng, ngủ ở quán nhà người bạn cũ – trang 17)

        Một lần Tác giả đưa con về thăm quê ngoại, trên con đường anh đã đi những bước đầu đời. Cũng con đường năm cũ, sao trong anh cứ bồi hồi; có lẽ anh đang thấy mình trở lại cái tuổi đứa con gái thân yêu đang đi bên cạnh. Bài thơ “Về Quê Ngoại Với Con” thật vui, thật hồn nhiên, thật gần gũi, như ta từng bắt gặp đâu đây:
     “Cái miệng bi bô con hỏi
     -Nhà bà mợ ở chỗ nào?
     -Cái gì tròn tròn kia vậy?
     -Ba ơi, nhà mình ở đâu?
     Bế con trên hai cánh tay
     Con mừng như đi xem hội…
     Đường về quê ngoại hơi xa
     Ba cõng trên lưng cho chắc…”
     (Về Quê Ngoại Với Con – trang 23-24)

 
          Hình ảnh trên con đường làng, trời chiều mưa lay phay,. người cha ngót ba mươi tuổi, tay dắt đứa con gái xinh xắn trong bộ quần áo mới, cầm chiếc dù nhỏ mới mua trông dễ thương vô cùng. Bé bi bô hỏi mọi điều, cái gì đối với bé cũng lạ lẫm, vui vui. Trời bắt đầu mưa nặng hạt, vậy mà hai cha con vẫn tươi cười trong niềm vui về thăm ngoại. Bức tranh sống động ấy thật đơn giản, nhưng sao mà dễ thương đến vậy.
          Một bức tranh về gia đình cũng làm ta lâng lâng vui theo với niềm hạnh phúc bình thường của anh::Nhà thơ có đứa con trai tên Vĩnh Duy; hôm mừng sinh nhật một tuổi của con trai, cô chú và bạn bè đến chia vui. Anh chia sẻ:
     “Mừng sinh nhật của con.
      Má sớm khuya làm cỗ.
      Ba treo tranh lên tường
     Chị Hai cười rạng rỡ”
     (Ngày Con Tròn Một Tuổi – trang 40)

     Những món quà được chuẩn bị thật nhiều, nhưng con trai anh nắm chiếc gương đầu tiên; anh nghĩ rằng mai này lớn lên con trai anh sẽ có tâm hồn nghệ sĩ. Có lẽ sau này nó sẽ giống anh - tâm hồn thi sĩ dạt dào cảm xúc, hay một họa sĩ ai mà biết được. Nhưng anh rất vui, tự dưng khó ngủ lại làm thơ cho con. Tình người cha mênh mông quá có kém gì “lòng mẹ bao la” đâu.
     “Ba tin mai này lớn lên
     Con có tâm hồn nghệ sĩ
     Đêm sinh nhật của con
     Tự dưng Ba khó ngủ
     Nửa khuya nằm ghép vần
     Lòng Ba như trăng sáng
     Giữa đêm hè mênh mông”
     (Ngày con tròn một tuổi – trang 41)

      Nhớ “Chị Chín”- người chị đã cùng anh gian khổ ngày nào, dù cách xa, nhưng anh luôn nhớ “canh cá năm hào mỗi bữa, mà ăn bao giờ cũng ngon”. Anh nao lòng với hình ảnh “Xế chiều gió nồm thổi lên, Chị vạch tóc em bắt chí. Tát nước ruộng cao với chị, Thấy em lóng ngóng chị cười…”. Rồi anh ước mơ thật đơn giản, được ăn cơm cùng chị dưới cái bếp ngày ấy để nhắc kể lại chuyện bạn bè thân yêu; mơ ước nhỏ nhoi là vậy, mà có dễ gì thực hiện, bởi nợ áo cơm nặng lòng.
     “Ước được một lần ghé thăm
     Chị và ngôi trường xứ cát
     Mình cùng dọn cơm dưới bếp
     Vừa ăn vừa nhắc bạn bè.”
     (Gửi chị Chín – trang 39)

     Thương nhớ một người em thân yêu đã đi xa, “để thương nhớ cho bao người ở lại”. Và anh ví bấy giờ người em là:
     “Em:ngọn gió thổi lùa bên gối mẹ
      Em: giọt mưa rơi mát trước hiên nhà
     Em: nắng sáng thắp trong đời dâu bể
     Em nhập vào dòng nước ngọt giếng ta”
     (Em Còn Mãi Trong Đời – trang 19)  
        
       Dù thương bao nhiêu, nhớ bao nhiêu, thì người ra đi sẽ không bao giờ còn trở lại; cho nên anh tự an ủi với mình:
     “Chuyện ngàn năm dẫu rằng ai cũng biết
     Nhưng có biệt ly nào mà mắt chẳng nghe cay!”
     (Em còn mãi trong đời – trang 20)

       Ngoài tình yêu hồn nhiên, tình quê hương sâu đậm, tình gia đình thắm thiết; trong thơ anh còn bàng bạc tình thầy trò gần gũi, thân tình; tình bạn thủy chung, nặng nghĩa.
       Sau giờ lên lớp đầu tiên, anh vội viết thư cho ngừơi thầy cũ:
   “Chỗ ngồi của Thầy để lại cho con
     Phấn trắng, bảng đen, bút màu, bục giảng…
     Kỷ niệm như hoa, lòng Thầy như nắng
     Soi ấm con đi mỗi bước đến trường
 
     Những đôi mắt học trò như những hạt sương
     Buổi sáng cuối mùa gió qua khung cửa
     Con nhớ thương Thầy, chao ôi là nhớ
     Khi bước đến trường với phấn trong tay”
    (Thư Cho Thầy Giờ Lên Lớp Đầu Tiên – trang 11)

           Những vần thơ nhớ ơn thầy mộc mạc, mà gieo nhiều cảm xúc, đầy tính nhân văn; gợi cho người đọc cũng bâng khuâng, thương nhớ thời cắp sách, nhớ Thầy Cô đã từng dạy dỗ ngày nào.
         Nhớ bạn, anh liều một chuyến lên Tây Sơn Thượng để viếng thăm. “Ngược gió nam lên thăm”, anh phải còng lưng trên chiếc xe đạp cả mấy giờ nhưng. chợt nhìn thấy bạn “nằm đưa con cho vợ” mà nao lòng. Rồi anh xuôi qua Bình Tân đến thăm người bạn khác. Người bạn này cũng không rảnh rang gì - anh ta đang cuốc cỏ ngoài vườn; nhưng đã vội chạy vào mừng bạn đến thăm, “nhà có trái mít ngon, bạn mừng đem ra bổ”.
    “Xót vợ bạn ngoài vườn
     Thương nắng sương vất vả
     Nghe con chim gọi chiều
     Tự dưng buồn quá độ!”
  (Chơi Liều Tây Sơn Thượng – trang 44)

          Chỉ một trái mít thôi, nhưng đó là tấm chân tình - mộc mạc mà khó quên. Thương bạn, rồi lại xót cho vợ bạn “nắng sương” - môt sự chia sẻ, một nỗi cảm thông thật sâu đậm, chí tình:.
    “Lâu ngày ta lên thăm
     Buổi bạn bè túng thiếu
     Làm một chuyến chơi ngông
     Thấy như mình có lỗi”
     (Chơi Liều Tây Sơn Thượng – trang 45)

       Anh tự thấy mình có lỗi, vì đã “làm một chuyến chơi ngông” lên thăm “buổi bạn bè túng thiếu”. Nhưng tôi tin, bạn bè anh sẽ rất vui khi biết anh đã vượt đường xa trên chiếc xe đạp cọc cạch như thế. Đó là tấm chân tình dành cho nhau, không phải ai cũng có thể làm được.
        Anh vô cùng đớn đau, tiếc nhớ người bạn thơ vừa mất::
 .   “Quê  hương như một bài thơ
   Anh làm cái kén thả tơ cho đời
     Hóa thân về với đất trời
  Anh thành nội cỏ cho người nhớ Quê
     Với bạn bè, anh là thơ
  Với quê, anh tiếng trúc tơ nặng tình
     Lên đồi cỏ, em gặp anh
  Anh nằm giữa cỏ, cỏ xanh mượt mà”.
     (Thăm Anh Hàn Dã Thảo – trang 15)

         Biết rằng cuộc ly biệt ngàn năm khó ai tránh khỏi, nhưng sao trong anh cứ mãi ngậm ngùi - anh ước ao “Bước vô ngõ, ước nụ cười, ước anh đứng dậy rạng ngời cầm tay”. Nhưng làm sao mơ ước ấy thành hiện thực khi người bạn đã nghìn trùng xa cách?
       Thắp hương cho Thuận - một người bạn thuở thiếu thời
     “Lần ấy mầy về, rồi thôi
      Đâu ngờ là lần vĩnh biệt!
     Tao nghe như là không thực
     Tao tưởng như mình nằm mơ
 
    Đêm nay, trời không có mưa
    Mà sao mắt tao có nước?
    Xin thắp lên tự lòng mình
    Một nén hương thành tưởng tiếc
    Bạn bè vẫn còn đủ mặt
    Mầy đi vội thế,
              Thuận ơi!
    (Thắp Hương Cho Thuận – trang 28)

       Đoạn cuối như lời bậc khóc từ trái tim đau đớn của nhà thơ. Lời thơ ngắn gọn, nhưng tràn đầy cảm xúc, bày tỏ hết tấm lòng, gởi gắm trong tiếng nất nghẹn ngào “Thuận ơi!”, đã làm xao động trái tim người đọc.. .
       Đọc xong tập thơ “Hái Bên Đường” của nhà thơ Phạm Văn Phương, tôi cảm nhận được một tâm hồn nhạy cảm, chơn phác và chí tình của tác giả dành cho tất cả. Người xưa có nói: “văn chính là người”, thơ anh là con người anh::Giản dị, chân thành, nặng tình với cuộc sống  Tôi nghĩ, chính vì có tâm hồn rộng mở, nặng tình như vậy nên những giòng thơ anh như suối nguồn tươi mát, trong sáng, gần gũi, cho người đọc những giây phút đồng cảm mênh man…
                      
                                12/2017
  
 

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt