TIỂU NGUYỆT


  PHI LAI,
 Ngôi Chùa Trong Trái Tim Tôi

 
               
 
     Tôi may mắn được có mặt trong dịp giới thiệu hai tác phẩm “Đường Trở Về vào tháng chạp năm 2015 và tập thơ “Giao Cảm” của Thầy (có bút danh Lăng Già Tâm) trong buổi tối tháng chạp năm 2016. Từ đó tôi biết thêm về Thầy nhiều hơn - Thầy không chỉ là một vị Hòa Thượng uyên thâm Phật pháp, tâm từ rộng mở - mà còn là một nhà giáo mô phạm, nhà văn, nhà thơ dào dạt cảm xúc thâm thiết, gần gũi với đời sống.
     Những lời thơ của Thầy luôn là lời nhắn nhủ, chia sẻ thâm trầm, mà mỗi lần đọc tôi đều thấy ở đó lời dặn dò rất chí tình: “Cuộc đời năm vấn mười vương, Con đi cho khéo kẻo đường lắm gai. Đời người tựa quãng sông dài. Xuống lên ghềnh thác, lạc loài rong rêu”.(Quà Sinh Nhật). Chúng tôi, những đứa học trò miền quê ngày ấy, trông ngây ngô khi nghe Thầy hát tặng cho lớp bài “Giọt Mưa Trên Lá” (The rains on the leaves) sao mà hay, sao mà lạ và tôi đã nhớ như in tiếng hát như reo vui của Thầy ngày đó.
     Tôi rất vui khi nhận tập thơ “Giao Cảm Thầy tặng cho những học trò cũ. Những lời thơ sâu lắng, những khoảnh khắc ưu tư, lặng thầm mà Thầy đã gởi gắm qua tập thơ đã làm tôi bồi hồi. Những lời thơ tưởng nhớ Tôn sư đầy xúc cảm, đã làm cho người đọc rưng rưng theo từng câu, từng chữ; mỗi lần được yêu cầu diễn ngâm bài thơ nầy, hơi thở tôi cứ nghèn nghẹn: “Ta La ơi! Man mác trời chiều và hoa trắng đơn côi. Hồn tĩnh mịch hồn thiên thu vàng đá. Kiên Thệ đi rồi, rừng cũ héo hon” (Nhớ Bóng tăng Y). Rồi những giòng nhớ ơn đấng sinh thành Phụ Mẫu “Se thắt tim con, nghẹn tiếng kinh cầu. Ba đi rồi, không bao giờ trở lại. Mái nhà xưa con cháu mãi chờ trông. Mái nhà xưa, hương lạnh với phòng không. Và tất cả, là không còn gì nữa cả” (Chiều lặng Lẽ). Và “Mẹ ơi!Trong cõi trần ai. Có con dế nhỏ đêm dài kêu sương” (Tiếng Dế Kêu Sương). Nhớ bạn “Trà thơm xin thưởng thức. Tình thơ xin đón chào. Ấm lòng câu trà đạo. Lắng đọng vị ngọt ngào” (Trà Đạo).
           Những cảm xúc thật đời thường, rất chơn thật tình người khi ngắm nhìn buổi chiều đang dần tắt: “Nắng chưa tắt nắng còn run rẩy” hay “Ngồi đây mà nghe chiều run rẩy” (Tiếng Hát Chiều). Đọc xong, tôi nghe niềm cảm xúc miên man. Nắng run rẩy tắt, nhường cho hoàng hôn buông xuống, những giọt nắng cuối ngày biến mất cho sự tuần hoàn ngày và đêm. Sinh và tử. Ánh mắt của thi nhân nhìn mọi vật qua lăng kính nhân cách hóa thật sâu sắc; trái tim của thi nhân rung cảm với cái đẹp của đất trời, làm người đọc cũng chới với, lôi cuốn theo ánh nắng vàng mênh man cuối ngày của một buổi chiều nào đó.
     Rồi theo duyên lành đưa đẩy, tôi có dịp về thăm chùa Phi Lai. Một ngôi chùa nằm khuất sâu giữa làng quê Mỹ Trung, xã Hòa Thịnh. Trước mặt chùa là đồng lúa xanh rờn cho tôi cảm giác an bình khi vừa đến đây. Thầy niềm nở cười đón những học sinh cũ chúng tôi. Các bạn tôi cười nói hồn nhiên với Thầy, Thầy hoan hỷ, gần gũi, thăm hỏi từng đứa trong chúng tôi.
      Thầy tôi đấy - một giáo sư Anh Văn ngày nào nghiêm khắc, nhưng luôn hết lòng với đám học sinh quê mùa, nhỏ nhắn chúng tôi ngày ấy. Đôi khi tôi bị Thầy khẽ vào tay “cảnh cáo” vì chia sai động từ để nhớ; giờ đây là một vị Hòa Thượng uyên thâm, cao quý. Tôi rất vui và hãnh diện vì mình là một học sinh của Thầy. Và tôi cũng được biết thêm Thầy đã suốt năm dài vất vả chạy ra, chạy vào, từ Biên Hòa đến Hòa Thịnh để lo việc trùng tu lại ngôi Chánh điện, và các công trình phụ cần thiết cho chùa Phi Lai ở quê nhà, đã trải qua gần 75 năm mưa bão  (1943 Quí Mùi - 2017 Đinh Dậu) dù sức khỏe Thầy không còn như trước. Mọi thứ bề bộn, công việc chất dồn; Thầy và các tăng ni Phật tử nỗ lực làm việc ngày đêm để kịp ngày khánh thành, cũng là ngày húy kỵ Sư Phụ của Thầy - Đại lão HT Thích Diệu Tâm.
      Ngày khánh thành tôi cũng kịp về tham dự cùng những cựu học sinh Bồ Đề. Ngôi chùa khang trang, rộng lớn, xanh mát. Từ xa trên đường đến ngôi chùa, đã thấy nhộn nhịp từng đoàn khách tham dự, xe cộ tấp nập. Bước vào chùa, tôi thật bất ngờ dù tôi đã đến đây mấy tháng trước. Chánh điện uy nghi, bề thế của một ngôi già lam; những tượng Phật trang nghiêm, quang cảnh tươi đẹp trong sáng; tôi chợt thấy mình nhỏ bé, dâng tràn bao niềm xúc động trong tình thương, và ân huệ của chư Phật. Bên ngoài, cả một vườn tượng chư Phật, chư Bồ Tát. Tôi ngắm nhìn say đắm, lòng ngưỡng mộ vô cùng. Quý Thầy, Phật tử khắp nơi, học sinh Bồ Đề, đại diện các ban ngành đoàn thể cả tỉnh về tặng quà, tham dự. Buổi lễ long trọng và tôn nghiêm. Trong lòng tôi, cảm thấy Thầy quả thật tài giỏi.
     Trong buổi giới thiệu tác phẩm mới Khúc Hát Yêu Thương của tôi tại quán cà phê Hạc ở Đông Hòa; tôi thật may mắn khi được đón Thầy, cùng quý Thầy cô về tham dự: Thầy Đàm Khánh Hạ (hiệu trưởng Bồ Đề Hiếu Xương), Thầy Thích Thiện Đạo (Giáo sư Anh văn), Thầy Trần Huiền Ân (giáo sư Việt văn), Thầy Phan Tiên Hương (giáo sư Vật lý), Thầy Nguyễn Tường văn (giáo sư Việt văn), Thầy Lương Văn Thanh (Giáo sư âm nhạc), thầy Phạm Văn Lắm (giáo sư công dân), cô Ngô Thị Sương (giáo sư vật lý); và đặc biệt hơn nữa, nhà văn Mang Viên Long từ Bình Định cũng có mặt. Tôi vui và rất xúc động khi Thầy Thiện Đạo tặng tôi tập nhạc mà nhạc sĩ Vũ Ngọc Toản phổ từ tập thơ Giao Cảm của Thầy. Cầm món quà trên tay, tôi biết mình thật có duyên với nhà Phật, có duyên được đọc thơ của Thầy, có duyên được hát những ca khúc “Giao cảm” thấm đẫm tình Đạo, tình đời này.
      Cái duyên đầu tiên là tôi bước vào ngôi trường Bồ Đề Hiếu Xương - ngôi trường Phật Giáo ở cuối con dốc nhỏ trên đường xuống làng biển Đông Tác. Tôi được học giáo lý nhà Phật, từ lịch sử của đức Phật Thích Ca, đức Phật A Di Đà, ngài An Nan, Ngài Ma Ha Ca Diếp v v... Rồi Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo... Đấy là một duyên lành để tôi được đến gần với đạo. Là một học sinh Phật tử, tôi học hỏi cách chuyển hóa dần những khổ đau, bất hạnh của kiếp nhân sinh, và nổ lực tự rèn luyện để cho tâm hồn mình an vui, nhờ những lời dạy dỗ của quý Thầy.
     Một lần về chùa Phi Lai trong dịp ngày Đại tường mẹ của Thầy. Tôi được nghe Thầy giảng pháp về chữ “Tâm” và chữ “Tình”. Tiếng Thầy điềm nhiên, rõ ràng, từng lời giảng thuyết thật dễ hiểu, thật gần gũi, chân tình trước bao nhiêu đệ tử đang ngồi chắp tay lắng nghe giữa chánh điện. “Sống phải có tình, luôn giữ tâm nhẹ nhàng. Nhẹ nhàng thì được bay lên, nặng nề sẽ rơi xuống”. 
     Từ hôm đó, tâm tôi như được mở thêm ra chút nữa, tôi cố gắng học sống nhẹ nhàng dù mọi vướng bận, phiền muộn cố níu kéo. Tôi luôn nhớ lời Thầy dặn, thật đơn giản, thật đời thường mà lại sâu sắc, thâm thúy; “nhẹ nhàng bay lên, nặng nề sẽ rơi xuống”, mà không ai muốn mình bị rơi xuống hố thẳm của phiền muộn, khổ đau cả.
     Ngôi chùa Phi Lai sẽ luôn là nơi nương tựa an bình cho tâm hồn tôi, và mọi người…
 
                                                                Tuy Hòa, Tháng  10.2017


  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt