TIỂU NGUYỆT

 

QUÁN CÀ PHÊ TULIP
KHÁT VỌNG VỀ MỘT TÌNH YÊU CHÂN CHÍNH

 

Tập truyện “QUÁN CÀ PHÊ TULIP” là tác phẩm thứ 16 của nhà văn Mang Viên Long, gồm 14 truyện ngắn, sách dày 159 trang - Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, ấn hành vào năm 2013. Cho đến tháng 10/2018, nhà văn Mang Viên Long đã có tất cả 33 tác phẩm đã xuất bản, từ tập truyện đầu tiên “Trên Đỉnh Sa Mù” (1969) cho đến tác phẩm thứ 33, tập bút ký “Những Ngày Tháng Bình Yên” (10 - 2018).
Tôi rất vui khi nhận tập truyện “QUÁN CÀ PHÊ TULIP” từ chính tác giả tặng - đó là món quà dành cho tôi trong buổi giới thiệu tác phẩm thứ 5 của tôi - tập tiểu luận “Tác Gỉả Và Tác Phẩm”. Tôi nghĩ, tôi thật may mắn được quen biết một nhà văn đàn anh dày dạn kinh nghiệm mà tôi hằng kính mến, ngưỡng mộ từ thuở còn đi học.
Nhà văn Mang Viên Long đã mất cha từ trong bụng mẹ, mất mẹ khi mới vừa tám tuổi; trải qua bao nỗi bất hạnh, thăng trầm sau năm 1975, đã phải tạm gác bút hơn 15 năm, rồi mới có mặt trên văn đàn trở lại; nhưng mỗi năm giới thiệu một, hai tác phẩm đều đặn, có năm ba tác phẩm; trở thành một cây bút sung mãn, vững vàng hơn bao giờ hết.
Những trăn trở về hai cuộc chiến dai dẳng, tang thương của đất nước, đã bàng bạc trong những tác phẩm của ông như một nhân chứng thầm lặng, cùng nỗi cô độc sâu thẳm, như những tiếng thở dài não nuột giữa cuộc dâu bể vô thường!
Qua những tác phẩm tôi đã có dịp được đọc của ông, tôi luôn cảm nhận được thông điệp “Yêu Thương”, kết nối tình người, trong sự khoan hòa, bao dung, với một cõi tâm từ rộng mở. Có lẽ ông đã sớm phải lãnh nhận cuộc đời mồ côi, cô độc, nên trái tim luôn khát khao kiếm tìm tình yêu thương chăng? Chúng ta nhận thấy, những trang viết của ông như dòng chảy của “suối nguồn yêu thương” không bờ bến - nhất là niềm khát vọng hướng về một Tình Yêu chân chính, mà tất cả chúng ta đều mong ước.
Theo tôi, cuộc hôn nhân không được “thuận duyên” của ông, cũng là nguồn động lực cho nỗi khao khát yêu thương trong ông thêm mãnh liệt, để dàn trải, thể hiện qua hơn nửa số tác phẩm của ông về vấn đề này.
Chính vì vậy, một số lớn tác phẩm của nhà văn Mang Viên Long, đã ghi lại nỗi đau buồn, hẩm hiu hơn hạnh phúc, an vui; những mối tình dang dở, chia ly, hơn sum vầy, đầm ấm, như cuộc đời ông vậy. Người đọc có thể dễ dàng nhận ra những khát vọng lớn lao về một tình yêu chân chính mà tác giả đã mơ ước; luôn kiếm tìm một tình yêu thủy chung, thiêng liêng, trong sáng - có sự chia sẻ, hòa hợp của hai tâm hồn, dù tình yêu ấy còn là “khát vọng” tìm ẩn, mờ xa ở phía trước. Đó cũng là một tình yêu mầu nhiệm mà tất cả chúng ta đều mơ ước - có người mất gần cả cuộc đời, vẫn chưa tìm thấy được.
Đọc truyện ngắn “Nỗi Khổ Không Rời”, tôi như bỗng nhớ lại ngày ấy, tôi cũng như Lành, như Mẫn (nhân vật chính), như bao người khác, phải lên tận miền núi để làm “nghĩa vụ lao động” - những cơn sốt rét rừng hành hạ nóng sốt, rồi lạnh run cầm cập dầu giữa trời đang nắng gắt ngày nào, nên tôi rất cảm thông nỗi khổ của Lành, của Mẫn, của những người dân nơi đây. Cuộc sống của đôi vợ chồng Mẫn (thương binh loại 2 của chế độ cũ) càng khó khăn hơn, khi mà “cuốn sổ lãnh tiền trợ cấp thương binh mà anh đã cất giữ rất kỹ trước đây bỗng trở thành một tập giấy lộn vô ích” (Nỗi Khổ Không Rời - trang 51). Và “Lành không còn được biên chế cho làm việc tại trạm y tế xã nữa vì Mẫn là một hạ sĩ quan ngụy; cho dầu chỉ với mươi ký gạo và một ít nhu yếu phẩm phân phối hằng tháng. Cuộc sống đang bị đảo ngược bắt đầu từ mảnh giấy “lý lịch cá nhân” như một bản cáo trạng. Không ai rõ chuyện gì sẽ xảy ra cho mình và gia đình. Mỗi ngày một thêm tin tức, hội họp, học tập, chỉ thị, thông báo... Mọi người đều cảm thấy xa lạ, ngơ ngác và hoang mang nhưng chẳng dám hé răng. Chỉ dòm ngó quanh quất. Và lầm lũi...” (Nỗi Khổ Không Rời – trang 51).
Đó là định kiến, phân chia mà tất cả những người có liên quan đến chế độ cũ phải gánh chịu, sau năm 1975. Lành và Mẫn cũng như bao người khác thuở ấy, đã sống nhờ vào mảnh vườn, trồng rau, trồng bầu bí, mươi con gà, con heo, để gọi là “cải thiện đời sống”. Hằng ngày Lành đi làm theo tiếng kẻng tụ tập ở sân đội sản xuất nghe phân công việc làm, Mẫn ở nhà vừa trông con, vừa săn sóc khu vườn, rồi cho lợn ăn, cắt rau, hái bí chờ Lành về đem ra chợ.
Tôi nghe chua xót trong lòng, như thấy chính mình ngày ngày theo tiếng kẻng ra đồng thuở nào. Một sự nhịp nhàng đến nhàm chán, buồn bã mà tất cả bà con trong đội hợp tác xã đã phải làm theo một khuôn khổ nhất định, như một cỗ máy cũ kỹ, trì trệ; để rồi cuối vụ nhận được một ít lúa, phải độn mì, khoai, bắp mới đủ giáp hạt.
Cuộc sống của đôi vợ chồng Mẫn - Lành tuy gian khổ, nhưng êm đềm, nếu như Lành không sinh khó, phải lìa bỏ chồng con, thì họ vẫn thấy hạnh phúc trong mái gia đình êm ấm ấy. Lành đã ra đi để lại cho Mẫn bao nhớ thương và khó khăn chồng chất, càng thương con, anh càng đau xót. Nỗi đau thầm lặng, ray rứt, khiến anh khổ sở hơn những vết đạn trên thân thể ngày nào, nay chúng đã thành những vết thẹo lành lặn, nhưng vết thương trong tim anh thì đang rỉ máu, không biết đến bao giờ?.
Sống trong cảnh cô độc và nghèo khó, Mẫn luôn khao khát có một tình yêu, để chia sẻ vui buồn, hạnh phúc, khổ đau; và Hiên đã đến với Mẫn như một sự sắp xếp kỳ lạ của duyên số. Nàng vẫn thường đến giúp anh mang rau, quả, trứng ra khu chợ ngoài xã để bán vào mỗi sáng chủ nhật. “Gần gũi Mẫn, Hiên nhận ra ở anh một nơi chốn bình yên cho cuộc đời còn lại của mình. Nàng đã thay Lành chăm sóc cho Kiệt bấy lâu - và hôm nay, vẫn kề cận bên Mẫn mỗi tuần để chia sẻ cùng anh gánh nặng mà không hề tính toán...
-Em không sợ thương anh là lính Việt Nam Cộng Hòa sao? - Mẫn đăm đăm nhìn nàng chờ đợi.
-Tại sao em phải sợ? - Giọng Hiên quả quyết.
-Vậy thì ngày mai em dọn về nhà anh ở đi!
Hiên sà vào người anh, ôm chầm lấy anh - “Chúng ta có bên nhau, yêu thương nhau là đủ rồi! Em không cần thứ gì khác nữa trên đời này...”. (Nỗi Khổ Không Rời – trang 56).
Trải qua bao sự đổi thay, dâu bể, phải chăng nhà văn ước muốn, kiếm tìm một tình yêu đích thực cho đời mình qua Mẫn?. Và những cuộc tình đến trong cuộc đời ông có lẽ chỉ “hình như” là tình yêu, chưa phải là một tình yêu đích thực, có sự cảm thông sâu sắc, sự chia sẻ chân thành, sự tôn trọng nhau của hai tâm hồn đồng điệu; nên ông mãi kiếm tìm một nửa của đời mình còn lưu lạc ở đâu đó?
Với giọng văn trong sáng, bút pháp sắc sảo, nhà văn Mang Viên Long đã cho người đọc thấy lại bối cảnh lịch sử giai đoạn (1975 - 1980), như một bức họa, rõ ràng, sắc nét, mà ai đã từng sống trong thời kỳ đó không khỏi nao lòng, xót xa cho kiếp người đầy hệ lụy. Ông đã thổi vào cuộc sống của những kẻ bất hạnh, bơ vơ, một luồn gió “Yêu thương” mát mẻ, làm dịu tâm hồn vốn cô độc, khổ đau như Mẫn, như Hiên, như Lành, và của bao nhiêu người đang khao khát yêu thương.
Và “Bóng Mây Ngày Cũ” xa xăm trên bầu trời lờ lững ngày nào, đôi lúc réo gọi khiến nhà văn bồi hồi, bâng khuâng, mơ tưởng...
“Buồn ơi xưa thăm thẳm
Em đừng khóc một mình
Đêm vô cùng vô tận
Người xa người lặng thinh...”
(Bóng Mây Ngày Cũ - trang 88)
Một lần nữa, sự khao khát kiếm tìm một tình yêu chân thành trong lòng tác giả, đã thể hiện rõ nét qua “Bóng Mây Ngày Cũ” - đó là hình bóng một người con gái tên Vân, như bóng mây bay qua đời Tuyên; đôi khi là những mảng tối buồn bã, có lúc là hạnh phúc ngọt ngào, êm dịu; và họ đã thất lạc nhau gần ba mươi năm mới gặp lại. Phải chăng, đó là số mệnh? Hay là một “ẩn số” nằm trong chuỗi ngày tháng kiếm tìm của nhà văn?
Cuộc đời không phải là một chuỗi dài êm đềm, mà là những ghềnh thác gập ghình, biết bao bão tố, gian nan. Họ đã thất lạc nhau sau biến cố lịch sử năm 1975, biết bao thăng trầm sóng gió; nhưng rồi, họ gặp lại nhau khi bệnh tim anh tái phát trong một lần vào Sài Gòn thăm con trai, được đưa vào cấp cứu tại một bệnh viện chuyên trị tim mạch, chính Ngọc Vân là bác sĩ trong phòng trực cấp cứu hôm đó. Như một định số, nhân duyên đến, đi trong cuộc vô thường này, không ai ngờ trước được. “Buổi chiều xuống rất thấp. Những áng mây trắng vẫn lững lờ trên cao - Tuyên bất giác biết mình đã tìm lại được bóng mây ngày cũ đã lưu lạc bao phen tưởng đã mù xa sương khói. Lòng anh rộn ràng ấm áp một niềm vui đã bao năm tẻ lạnh, và cũng nhận ra rằng - đời mình vẫn còn rất nhiều diễm phúc...” (Bóng Mây Ngày Cũ - trang 90).
Rồi những cánh hoa Tulip đủ màu sắc thật thơ mộng, lãng mạn đã làm tôi yêu thích với cái phong cách mới mẻ, dễ thương của “Quán Cà Phê Tulip” . Ở “Quán cà phê Tulip”, “những người ghé uống cà phê ở đây thường chỉ đi hai người. Họ là một cặp tình nhân, hai người bạn thân, hay vợ chồng. Vậy nên chúng tôi dẹp bớt ghế đi cho thoáng rộng. Còn các màu hoa ấy à? Cậu chọn ngồi bàn nào có màu hoa cậu thích: Chẳng hạn Tulip màu vàng bày tỏ tình yêu nhưng không hy vọng, màu trắng tỏ lòng yêu quý, màu đỏ tỏ tình yêu chưa được đáp lại, màu xanh là lòng chân thành...”. (Quán cà phê Tulip - trang 92).
Đó là nét độc đáo, mới lạ riêng của quán, khiến người đọc rất thích, rất quan tâm. Nhà văn Mang Viên Long đã cho nhân vật của truyện xuất hiên trong một không gian rộng rãi hơn - hoàn toàn ở nước ngoài - phải chăng ông muốn bày tỏ quan niệm tình yêu thương chân chính không bao giờ có biên giới, màu da? Vả thật, tôi rất ngạc nhiên và khâm phục khi đọc “Quán Café Tulip” như đọc một truyện dịch của tác giả là người nước ngoài. Tôi nghĩ, ông đã chắp đôi cánh cho truyện vươn ra tầm thế giới, không chỉ hạn hẹp nơi quê nhà, ruộng đồng, dòng sông, bến cũ. Theo tôi được biết, ông có nhiều truyện, như “Nhà Điêu Khắc Và Người Mẫu Thỏ Trắng”, “Thị Trấn Êm Đềm” (…) là những truyện ngắn vươn đến ước mơ hòa nhập, hòa đồng cao đẹp, như thế.
Sự khao khát được yêu thương, hiến dâng đến cao độ, khiến Nice đã luôn mơ ước có được đứa con với người mình yêu - Vincent, trong khi cả hai đều đang mắc bệnh hiểm nghèo. “Anh vẫn thường nghĩ, chỉ có những giờ phút được ngồi bên Nice với tách cà phê vào ngày chủ nhật mới chính là thời khắc mầu nhiệm dành riêng cho đời anh. Vincent bận rộn dường như suốt ngày đêm với những bức tranh, những giờ dạy, những bài báo, và bản thảo cần hoàn thành càng sớm càng tốt. Thời gian còn lại của đời sống anh không còn dài, nhưng chẳng ai biết đến sự thầm lặng này của Vincent, ngay cả Nice. (Quán Cà Phê Tulip – trang 93).
Sự ao ước, mong muốn ấy, vẫn chỉ nằm trong mơ ước, bởi Vincent không để cho Nice được toại nguyện với ước mơ của mình, vì anh cũng đang đếm từng ngày trong đời sống còn lại của đời mình. Và Nice đã đến quán cà phê, ngay chiếc bàn cũ, lọ hoa Tulip màu trắng như ngày nào khi không còn Vincent nữa. “Nàng yên lặng, thẩn thờ, như đang chờ Vincent từ ngõ bước vào mỗi lúc đến hơi muộn vì trễ xe buýt. Nice liếc nhìn các dãy bàn trong khu vườn, dưới bóng cây, hay trên căn nhà gỗ cao phía bên trái càng nhận ra sự thiếu vắng Vincent trong cuộc đời mình”. (Quán Cà Phê Tulip – trang 98).
Có nỗi đau nào lớn hơn, là phải rời xa người mình yêu trong cảnh sinh ly, tử biệt?. Nỗi đau ngày càng lớn, nhưng cũng càng lặng yên trong tim nàng. Nó dường như đang khô cứng, đóng băng, khiến Nice càng suy yếu vật vờ. Sự cô độc và tẻ lạnh đang ngùn ngụt bao trùm đời nàng mà không có lối thoát. Tuần đầu, Nice không giữ được dòng nước mắt vội vàng tuôn xuống, khiến nàng hốt hoảng. Bây giờ thì nước mắt không còn rơi xuống nữa, có lẽ nó đã cạn dần theo từng đêm nàng đã thức trắng? “Đứa con mà Nice đã mơ ước đặt tên là Kidd (nếu là con trai) và Jolly (nếu là con gái) đang hy vọng chờ đón vẫn không thấy đến? Nàng đã lắng nghe, đón đợi từng bước chân, nhưng tuyệt nhiên không nhận ra được tín hiệu gì. Hình bóng Vincent đôi lúc hòa lẫn cùng bóng hình của Kidd và Jolly thường đêm vẫn chập chờn trong những giấc ngủ mê càng làm Nice thêm hoảng sợ...” (Quán Cà Phê Tulip - trang 98 - 99).
Qua câu chuyện tình ngắn ngủi (và đau buồn) giữa Vincent và Nice, người đọc có thể nhận ra, thời gian của một Tình Yêu chân chính, là điều không hoàn toàn cần thiết nữa (cũng như trong bao câu chuyện tình khác của ông), mà chính là sự cao đẹp, thiêng liêng trong cảm thông và hiến dâng, mới là điều mà tất cả cần quan tâm. Phải chăng, đây là “thông điệp Yêu thuong” mà nhà văn muốn nhắn gởi?
Với bút pháp sắc bén, trong sáng mà sâu sắc, nhà văn đã làm người đọc rung cảm theo từng bước chân, từng cảnh đời, từng lời đối thoại của nhân vật; đôi lúc phải sững sờ, thương cảm, rơi nước mắt như đang chia sẻ cùng nhân vật nỗi bất hạnh, đau khổ, chia ly.
Trong truyện ngắn “Mấy Ngày Trước Giáng Sinh”, sự “đấu tranh”, dằn co tư tưởng của thầy giám thị - là một tu sĩ đang trong thời gian thực tập, của trường trung học công giáo S, đã đem lòng yêu thương một nữ sinh (vì cô nầy cũng đã ngỏ lời yêu thương ông), là một sự mâu thuẫn khốc liệt giữa tình yên và tôn giáo, mà trong thực tế đời sống vẫn thường diễn ra. Thầy đã cảm thấy một tình cảm như phạm lỗi, ray rứt, băn khoăn, không biết phải làm sao. Đôi lúc thầy như muốn lẩn tránh, xua đuổi tình cảm ấy, để được sống cuộc đời của một thầy tu như đã chọn. Nhưng tình yêu ấy cứ lớn dần... “Tôi thử để tình cảm tôi, nỗi xúc động tôi chảy đến đâu thì đến, ra sao thì ra... Trong những hôm như vậy, tôi cảm thấy rộn rã, một niềm vui nào thực tươi mát và phấn khởi xâm chiếm lấy tôi. Chúng tôi xa lánh thành phố, hẹn nhau ở quán nước một ngã rẽ đi N. Nàng đi xe Yamaha dame. Tôi dùng chiếc honda của trường cấp. Thế là chúng tôi cứ đi mải miết vào xóm, dừng lại những nơi muốn dừng và nói hết nỗi lòng, những ước mơ của nhau, về một tương lai sum họp” (Mấy Ngày Trước Giáng Sinh – trang 105).
Rồi tình yêu ấy ngày một sâu đậm, khiến vị tu sĩ kia khó lòng dứt ra được. “Hơn một năm trôi qua, phút này hình ảnh Lam đã trở nên hình ảnh của hạnh phúc, của nguồn vui và hy vọng của đời sống tôi. Nàng còn dự phần chính trong quyết định mà những tháng sắp đến đây tôi sẽ trình bày với cha Châu. Tôi chọn lựa con đường đi vào đời cam khổ, phấn đấu sắp đến, cũng vì Lam. Lam đã khiến tôi khổ sở trong nhiều tháng nay để chọn lấy một thái độ sống. Một cách sống”. (Mấy Ngày Trước Giáng Sinh – trang 108).
Và rồi, cuối cùng - thầy đã quyết định là kẻ bỏ cuộc, chọn lựa một đời sống khác, hợp với bản chất và lòng mơ ước tự nhiên của chính mình. Thầy đã bị trôi đi, bị cuốn hút vào con sóng mạnh mẽ của tình yêu, không thể cưỡng lại. Nói cho đúng hơn, thầy không muốn cưỡng lại nữa. Thầy đã từ giã các bạn còn lại trong tu viện mà không lời giải bày, bởi thầy không muốn giải thích, minh chứng, hay nói thêm gì trước tình yêu! Tình yêu chân chính phải chăng là sự yên lặng, hiến dâng, và cảm thông?
Tuy thế, họ cũng đã hiểu thầy, rất niềm nỡ và tự nhiên, với sự ra đi vĩnh viễn của thầy. Có lẽ, họ coi thầy đáng thương hại, hoặc không đáng chê trách, khi thầy không đủ ý chí, nghị lực, cũng như không đủ phước để nhận lãnh ơn nghĩa Thiên Triệu thiêng liêng?. “Rời Đại Chủng viện lần này, tôi biết rằng, tôi sẽ rời xa nó mãi. Nếu có dịp trở lại, cũng là sự trở lại của một kẻ ở ngoài, một du khách hay một kẻ tìm về lạc lõng, bơ vơ. Rời phòng cha bề trên, đi giã biệt quý cha giáo sư, tôi cảm thấy vừa nôn nả, vừa ngại ngùng. Cụ Sáu, giáo sư Thần học, nhìn tôi với đôi mắt sâu thẳm, ưu tư hơn cha Nhân, giáo sư Cựu ước, lặng lẽ và trìu mến. Các giáo sư như Bouyer, Nguyễn Hữu Đăng, an ủi và cầu chúc tôi như một đứa con sắp rời gia đình đi vào chốn khó khăn, nguy hiểm. Chỉ có cha Michel Barnouin (mà chúng tôi gọi là Cao Như Sơn), cười nói rất bình thản khi nghe tôi giã từ ông”. (Mấy Ngày Trước Giáng Sinh – trang110).
Tình yêu có sức cuốn mãnh liệt, đã kéo vị tu sĩ kia phải rời Chủng Viện để trở lại dòng đời, để được sống cùng niềm hạnh phúc tự nhiên muôn thuở với tình yêu chân chính đã chọn. Người ta thường nhìn tình yêu là những khổ đau, ray rứt, không chỉ là ngọt ngào, êm ái; cho nên nói rằng, tình yêu như “trái đắng” là vậy. Nhưng có mấy ai hiểu được “nguyên nhân” dẫn đến sự khổ đau ấy, chính là đã khởi đầu từ một tình yêu thiếu vắng sự đồng cảm, sự hiến dâng chân thành, trong niềm cảm thông sâu sắc?
Tình yêu là đề tài lớn, muôn thuở của nhân loại, không bao giờ cũ. Mỗi thời đại, mỗi đời sống, đều có những “ước mơ và kiếm tìm”; nhưng có lẽ, sẽ mãi còn là niềm thao thức, hoài vọng trong cuộc hành trình cam go dài lâu.
Ở nhà văn Mang Viên Long, ông đã có hơn một nửa tác phẩm viết về những cuộc tình dang dở, chia xa, trong khát vọng nỗ lực kiếm tìm niềm hạnh phúc chân chính. Nhà giáo Hồ Sĩ Duy trong một bài tiểu luận, có tựa đề “Mang Viên Long, Cây bút truyện ngắn của những mãnh đời hẩm hiu, và những cuộc tình dang dở” đã nêu lên được tính chất “dang dở” trong tình yêu của các truyện ngắn Mang Viên Long, nhưng đường như “bỏ quên” nguyên nhân của sự dang dở đau lòng mà tác giả đã tìm kiếm gần suốt cả cuộc đời, vẫn còn nằm trong mơ ước, ở phía trước.
Hy vọng trong tương lai, chúng ta sẽ đọc thấy được “Tình yêu chân chính”, trong những tác phẩm mới của ông.

Những ngày cuối tháng 10/2018

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt