TIỂU NGUYỆT

 
“TUỔI CỦA TÌNH YÊU”
Và 
Những Ghi Nhận Yêu Thương
 
“Tuổi Của Tình Yêu” là tập truyện ngắn của nhà văn Trần Như Luận, sách dày 187 trang, bìa và trình bày do họa sĩ Tuấn Sơn, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành - 2015.
Trần Như Luận sinh năm 1955 - tại Huế, là bác sĩ chuyên khoa nội nhi, sống và làm việc tại thành phố Qui Nhơn - Bình Định. “Tuổi Của Tình Yêu” là tác phẩm thứ tư, trong 4 tác phẩm đã xuất bản riêng - 1. Như là Để Tỏ Tình” (Thơ - 1993) - 2. Dấu Ấn Tuổi Mười bảy (Truyện dài - 2007) - 3. Thầy Gotama và 8000 Đệ Tử (Tiểu thuyết - 2014) - 4. Tuổi Của Tình Yêu và 13 truyện ngắn khác (Truyện ngắn - 2015).
“Tuổi Của Tình Yêu” gồm 14 truyện ngắn, là “những ghi nhận yêu thương quanh đời”.
“Tình yêu” là một phần thiết yếu không thể thiếu trong đời sống của con người; bất cứ ở tuổi nào, giai cấp nào cũng có những rung cảm, xao xuyến, khát khao trước tình yêu. Tình yêu có tuổi hay không? Theo tôi, thời gian (tuổi - cuộc sống) đối với tình yêu không quan trọng, mà “chất lượng” đạt được trong yêu thương cảm thông mới là điều cần thiết, cho một cuộc tình đáng nhớ, bền vững. Bên nhau mà hững hờ, xa cách; dù sống với nhau đến hết đời người, thì có gì là hạnh phúc? Đối với một tình yêu chân chính, cho dù cách xa nhau ngàn dặm, vẫn thấy gần gũi, yêu thương, gắn bó, luôn nghĩ về nhau với những gì tốt đẹp nhất. Cho nên, truyện ngắn “Tuổi Của Tình Yêu” của nhà văn Trần Như Luận, như bức thông điệp chia sẻ cùng chúng ta, về tình yêu: “Tình yêu thật ra không có tuổi. Chúng mình chỉ có hai năm ba tháng bên nhau. Nhưng đối với em, đó là cả một đời người. Em yêu anh mãi mãi Don ạ!”.
Tình yêu giữa Don và Jenny là những khát khao yêu thương cháy bỏng, mà những giận hờn, tự ái vụn vặt, đã vô tình làm mờ tâm trí, đến thể xác mỏi mệt; để họ phải chia xa trong sự nhớ nhung, thương yêu, và đau khổ. Cả hai, ai cũng tự làm khổ mình; “Don là một bóng mờ. Gã đàn ông thô bỉ đó chỉ là một bóng mờ không hơn, không kém - gã ngu ngốc ấy coi như đã chết (Tuổi Của Tình Yêu - trang 10), và “Jenny chả là cái quái gì. Tất cả chỉ là một trò lừa gạt, nhưng chỉ đáng là một trò lừa gạt cỏn con! Tại sao nàng có thể cùng gã đàn ông kia hú hí vào khách sạn trong lúc Don vẫn ngóng trông điện thoại của nàng từng giây, từng phút?”. (Tuổi Của Tình Yêu - trang 9).
Thế nhưng, dù cả hai cố gạt người kia ra khỏi cuộc đời mình, cũng không thể nào xua đuổi được hình bóng người mình yêu ra khỏi trái tim đau thương của họ. Đã có lúc, Jenny “muốn quăng hết tất cả mọi thứ để chạy biến vào không gian bao la, gào lên như điên như dại để phá bỏ hình ảnh sâu xa cay độc cứ hiện về đầy mê muội trong đầu. Nàng đi như không đi, đứng như không đứng, cười như thể không cười. Với cánh tay khoát lên không gian mênh mông như xua đuổi loài tinh ma quỷ quyệt, nàng quyết từ bỏ Don lần nữa”. (Tuổi Của Tình Yêu - trang 14). Nhưng nàng không thể nào quên được Don. Từ khi xa nhau, hình bóng Don vẫn in đậm trong tâm trí nàng, và nàng nhận ra rằng, Don là tất cả đối với nàng.
Phần Don, Jenny giống như một chiếc bóng luôn lảng vảng trong tâm thức chàng, “có khi nàng nhoẻn miệng cười đâu đó trong góc phòng, đôi bàn chân khoe màu da trắng muốt trên tấm thảm xanh rêu, đôi môi hồng tươi ngọt ngào, êm dịu như một đóa hồng nhung còn đẫm hơi sương. Don chậm rãi đưa ly bia lên nhắp môi, bỗng môi chàng mấp máy nhớ tới những giờ khắc chạm vào môi Jenny thơm lừng lựng, đôi mắt Jenny nhắm nghiền hoang dại”. (Tuổi Của Tình Yêu - trang 11). Rồi chàng không thể tự dối lòng mình lâu hơn được nữa. Chàng quay trở về Long Island với hy vọng tìm gặp được nàng.
Sau hằng chục năm xa cách, chàng không thể biết, nếu gặp lại liệu chàng có thể nói những gì, và không biết Jenny đã có gia đình chưa, tất cả những điều đó cứ quay tít trong đầu chàng. Rời sân bay, chàng tìm ngay đến nhà nàng.
Don vô cùng bàng hoàng khi người chủ mới của ngôi nhà kể lại rằng, nàng đã chết mười ngày sau một tai nạn xe hơi năm ngoái. Don đứng lặng người giữa buổi chiều buồn ảm đạm, ngậm ngùi nhớ tới những rung động đầu đời mà chàng đã dành cho Jenny. Người chủ nhà mới trao cho Don bức thư cuối cùng của Jenny. Trong thư nàng viết “Don ơi! Sao anh mãi băn khoăn về tuổi của tình yêu để rồi hiểu lầm rằng em không còn yêu anh nữa? Jenny của anh không phải là Kevine của Nartnaul. Tình yêu thật ra không có tuổi. Chúng mình chỉ có hai năm ba tháng bên nhau. Nhưng đối với em, đó là cả một đời người. Em yêu anh mãi mãi Don ơi!”. (Tuổi Của Tình Yêu - trang 18).
Nhà văn Trần Như Luận đã chia sẻ cùng bạn đọc về một tình yêu chân chính, đích thực, qua nhân vật Don và Jenny - họ là một phần của nhau không thể thiếu; nhưng vì sự giận hờn vu vơ đã chia cách họ một thời gian khá lâu, để họ nhận ra rằng, cần có nhau, thì đã muộn. Phải chăng tình yêu chân thật phải trải qua những giông tố để nhận ra hạnh phúc thực sự? Đây cũng là bài học cho tất cả chúng ta, yêu thương phải bao dung, cảm thông, tha thứ, không để sự ích kỷ, hẹp hòi làm lỡ mất cơ hội “ngàn năm một thuở” có được một tình yêu đích thực.
Trong “Lòng Nhân và Thử Thách”, kể lại chuyện một cô gái hai mươi lăm tuổi, may mắn sống sót trong một vụ đắm tàu, nhờ vớ được chiếc thùng thiếc ôm chặt trong tay. Chuyện xảy ra vào năm 2001, cả đoàn thủy thủ mười ba người và hai mươi sáu lái buôn giàu có, tất cả đều chìm trong biển cả mênh mông. Cô thoi thóp bên bờ một đảo hoang, có lẽ cả hàng chục năm chưa ai bén mảng tới. Cô bàng hoàng nhận ra rằng, cô phải chống chọi với cái đói, cái rét, cô đơn giữa ốc đảo hoang vu. Cô phải thích nghi với hoàn cảnh hiện tại, và cố lếch vào hang động; nhưng cái đói, cái khát làm cô lã thiếp đi lúc nào chẳng biết. Cho đến khi tỉnh dậy, cô thấy những tia nắng ban mai chói lòa rọi xuống; và cô nghe tiếng nước chảy róc rách, giúp cô biết được rằng, mình còn sống.
Rồi cô làm quen với bầy khỉ, làm bạn với chúng, cùng hái cà chua, dú dẻ làm thức ăn, cùng đùa vui với chúng thân tình. “Nhưng từ đáy sâu tâm hồn, nàng vẫn luôn khao khát được gặp một người nào đó bằng xương bằng thịt trên hoang đảo này. Nỗi khát khao, kiếm tìm đồng loại ấy, ngày càng mãnh liệt. Nó tựa như một thứ gì đang thiêu đốt, hừng hực cháy bỏng trong tâm trí nàng”. (Lòng Nhân Và Thử Thách – trang 145).
Và rồi, sau mười ba ngày sống trên hoang đảo cùng bầy khỉ, cô chạm trán một người kỳ dị, toàn thân mọc đầy lông lá. Cô nghĩ, có lẽ gã cũng là một người đã từng trôi dạt đến hoang đảo này như mình trước đây? - . “Nàng rùng mình nghiệm ra rằng, chính sự chống chọi với thiên nhiên nơi hoang dã này dễ biến con người thành dã thú”. (Lòng Nhân Và Thử Thách - trang 147).
Sau cùng, cô nhờ một chiếc xuồng du lịch ghé đảo, cứu cô mang về đất liền, sau khi đánh nhau với gã người rừng để lấy lại chiếc xuồng mà gã đã cướp của họ.
Với giọng văn giản dị, khúc chiết, nhà văn Trần Như Luận muốn bày tỏ rằng, sự thích nghi hoàn cảnh của con người là rất lớn, sự tranh đấu để sinh tồn rất mạnh mẽ; giống như Robinson nơi hoang đảo thứ hai vậy.
“Người ta thường tô vẽ quá nhiều hình ảnh đẹp cho tình yêu, đến độ cứ tưởng như nó là món quà tuyệt hảo được tạo hóa ban tặng cho loài người. Không ít người đã từng nghĩ, tình yêu bao giờ cũng tuyệt vời, còn “cái ham muốn ấy” là thứ gì thấp kém hơn, tầm thường hơn”. (Lớn Hơn Một Ngã Rẽ - trang 156). Thế nhưng, “cái ham muốn” mà người ta cho là thấp kém, tầm thường ấy; lại là cái cảm xúc tự nhiên của một con người, khó mà cưỡng lại. Nhân vật Bình (Lớn Hơn Một Ngã Rẽ), đã bị cuốn hút, run rẩy khi đi bên Huỳnh - người bạn gái anh không hề yêu, giữa đêm khuya trong “cái rét đầu đông, gây gây, buôn buốt”. “Bình không cưỡng được lòng mình. Vụng về, run rẩy, cậu choàng tay ôm ngang hông Huỳnh. Vài sợi tóc dài bay lên trong gió, quấn quít lấy cổ cậu. Huỳnh ghì chặt lấy Bình, hơi thở bỗng trở nên dồn dập. Bình nghe cả tiếng tim Huỳnh rộn ràng đập trong lòng cậu. Trời càng khuya, cảnh vật càng hoang vắng. Đôi nam nữ bỗng say đắm bên nhau như một đôi tình nhân”. (Lớn Hơn Một Ngã Rẽ - trang 160), để anh phải ray rức, ám ảnh, hối hận suốt cả cuộc đời; khi nghĩ rằng, vì anh nên Huỳnh phải lánh xa cuộc sống, vào chùa ẩn tu.
Bình hẹn gặp Huỳnh (bấy giờ là ni cô Diệu Liên) ở một cái quán nhỏ, tại bờ sông Đào, nơi một nhánh rẽ về phía bắc của dòng sông Hương, vì muốn biết tâm trạng cô như thế nào, hay tự nhận ra trách nhiệm của mình? Và anh khuyên cô nên hoàn tục. Ni cô Diệu Liên hơi ngạc nhiên, cô không tin có ngày anh tìm gặp cô chỉ để nói những điều như thế. Huỳnh đã chững chạc, trưởng thành nhận ra “tu là cội phúc, tình là dây oan”, không một chút ân hận; cô biết mình đang sống một cuộc sống có ý nghĩa. Cô nói: “Chuyện đó bây giờ là quá khứ. Đối với tôi, đó là một phần đời đã chết. Tôi chỉ còn con đường tu hành. Nhờ ơn tam bảo, tôi vẫn vui sống trong đạo hạnh. Tôi không hề trách ai. Đời vốn vô thường và đầy khổ đau. Mọi thứ thực chất đều vô ngã, đều không có tự tánh. Bể khổ ở ngay trong lòng chúng ta, trong những sân hận, si mê, hám lợi”. (Lớn Hơn Một Ngã Rẽ - trang 167). Cuối cùng Bình cũng nhận ra và tâm sự rằng: “Tôi tưởng cô đi vào một ngã rẽ. Nhưng đến thời khắc này, tôi hiểu rằng cô đã chọn một con đường lớn, một đại lộ hẳn hoi. Sự trưởng thành trong nếp sống tâm linh của cô làm tôi hết xót xa, trăn trở”. (Lớn Hơn Một Ngã Rẽ - trang 172).
Trần Như Luận đã đưa nhân vật Huỳnh chọn con đường “lớn hơn một ngã rẽ”, đó là một đại lộ tâm linh, dẹp bỏ mọi tham dục, sân si, hướng đến một đời sống có ý nghĩa, đời này an vui, đời sau cũng an vui. Câu chuyện, tuy có vài chi tiết, sự dẫn dắt (hư cấu) có hơi thiếu thực tế, chưa thuyết phục, nhưng cũng đã đạt được điều mà tác giả mong muốn gởi gắm đến người đọc.
Qua truyện ngắn “Ác Mộng”, tác giả đã “hư cấu theo dự tưởng” bằng hình ảnh ẩn dụ tất cả đều mọc đôi cánh để bay đi. Trước tiên xác chết của Hữu - chồng Hạnh, mọc cánh, xòe rộng lướt ngang qua mặt nàng, đôi chân không giầy dép, nhấc khỏi mặt đất bay ra cửa rồi chìm vào màn đêm u tịch. Chưa hết hoảng sợ, két sắt nặng tới gần hai chục ký của hai vợ chồng đựng tiền, vàng, dành dụm bỗng chập chờn, từ phòng ngủ bay ra, với đôi cánh nặng nề xấu xí như một con cú vọ. Hạnh tuy hoảng sợ nhưng cũng nhào tới cố níu két sắt lại, nhưng nó bay vút lên cao, lẹ làng bay mất.
Hơn ba tuần sau, một trăm ngày của chồng, Nghĩa - đứa con trai duy nhất của hai người cũng mọc cánh bay đi, nàng cố níu kéo, than khóc, nhưng con trai nàng nói rằng: “Trước sau gì con người và mọi thứ cũng tan loãng vào cái rộng lớn mênh mông của vũ trụ. Đó là quy luật. Không ai có thể níu kéo gì được đâu má”. (Ác Mộng - trang 112). Dù Hạnh có níu kéo, van xin, con trai nàng cũng xòe đôi cánh bay đi. Đang kinh hoàng đến tột độ, nàng thấy từ trong nhà bay ra cái xấp tiền gần hai chục triệu đồng, số tiền mà nàng đang chắt góp. Đôi cánh màu nâu đen mọc lên từ tờ báo dùng để gói xấp tiền nhởn nhơ trước mắt nàng, rồi bay vào hư không. Quá khiếp đảm, nàng la lên: “Ma! Ma!.”
Điều ghi nhận sau cùng về “Ác Mộng”- cơn mộng dữ, cũng chính là điều tác giả muốn “nhẵc nhở” chúng ta, theo triết lý của nhà Phật - “Vạn pháp là vô thường”. Không ai có thể níu kéo được gì cho bản thân trên cõi tạm nầy, mọi thứ rồi sẽ tan biến vào hư vô, vào cát bụi. Tất cả của cải, vật chất tích góp được (…), ngay cả bản thân, rồi cũng sẽ mục rữa, tan biến dần theo thời gian, như một cơn ác mộng vậy!.
Là một bác sĩ, nhưng Trần Như Luận có cái nhìn nhạy cảm, sâu sắc; có một tâm hồn nghệ sĩ, rộng mở - với hoài vọng tốt đẹp góp phần xây dựng “phần hồn” lành mạnh; sau khi đã hoàn tất trách nhiện của một bãc sĩ (phần xác). Trong những truyện ngắn “Tuổi Của Tình Yêu”, người đọc nhận ra triết lý sống mầu nhiệm của nhà Phật luôn bàng bạc, thể hiện rất tinh tế trong những trang văn tâm huyết của ông.
Những ngày đầu tháng giêng -2019

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt