TIỂU NGUYỆT

 

Tâm Hồn Phóng Khoáng & Nhân Hậu
Của Cô Giáo Đam Mê Thơ & Văn

 

Tôi có duyên quen với cô giáo - nhà thơ Ca Dao, khi được cô mời cọng tác với trang VHNT haibogiay.com do cô và vài bạn văn chủ trương. Cùng sống trong một thành phố, thỉnh thoảng chúng tôi có dịp gặp nhau cà phê sáng - nhất là khi tôi vừa giới thiệu và phát hành tác phẩm mới của tôi.
Lần giới thiệu tác phẩm đầu tay của tôi (tháng 4.2017) tại cà phê Hạc, thị trấn Hòa Vinh, Đông Hòa, Phú Yên; Ca Dao đã từ Nha Trang có mặt để chung vui cùng tôi. Sự nhiệt tình chia sẻ của Ca Dao, khiến tôi rất quý mến người bạn văn chân tình, cởi mở nầy. Tôi hiểu thêm về Ca Dao, khi được cô tặng tập thơ đầu tay “Làm Sao Thôi Mưa Bay” - (tranh bìa của Ái Lan, phụ bản Lương Trường Thọ - Thư pháp Song Nguyên. Sách dày 141 trang, Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn ấn hành 2015).
“Làm Sao Thôi Mưa Bay”, gồm 87 bài thơ đủ thể loại, đó là những cảm xúc tinh khôi đầu đời, mênh mang như sương khói “Khói vương hồn thơm bông cải/ Khói buồn giăng mắc tuổi thơ/Khói treo phiến sầu hoang dại/Mái chiều thở khói bơ vơ…” - tôi nhận ra ở Nhà thơ Ca Dao tâm hồn phóng khoáng và nhân hậu - đặc biệt là rất đam mê Thơ, Văn!
Ngay từ tựa của tập thơ, tôi đã cảm nhận được phần nào tâm hồn trong trẻo, hồn nhiên, mênh mang của tác giả. Đó như một câu hỏi mà không hỏi, cũng là một niềm ước muốn, tự nhủ. “Mưa sa ướt chiều trầm mặc/Ưu tư, mục ruỗng lấp đầy/Hồn hoa rối câu khoan nhặt/U hoài. Mưa lạc dấu mây!” (Khúc Mưa). Tác giả muốn thoát khỏi sự ưu tư, u hoài, của hiện tại để “Mộng Chiều” lung linh nắng trải, bên phiến lá xanh nhìn chiều rơi mà ngỡ ngàng hạnh phúc chăng?.
“Lung linh nắng trải hiên nhà
Mé chiều nghiêng đổ giấc ngà hoang hanh
Chập chờn bên phiến lá xanh
Khép tà áo lụa. Trôi nhanh mộng vàng…
Chiều rơi…
Rơi những ngỡ ngàng…”.
(Mộng Chiều - trang 15)

Nhà thơ Ca Dao rất nhạy cảm với mọi chuyển đổi chung quanh đời sống, dầu là một “chút gió, chút nắng”. Rung động theo “chút nắng”, “chút hoang hanh”, “chút vàng xưa”, “chút mộng vàng”, chỉ có một tâm hồn tinh tế, rộng mở, phóng khoáng mới “nắm bắt” được. Mỗi thứ “một chút” thôi, cũng đủ làm nên cung bậc khẽ khàng, quyến rũ!.
“Chút nắng
chút hoang hanh
chút vàng xưa trở lại
Gọi gió vào
bóng đổ mé sân rêu
Chút lắng
chút mộng vàng xa ngái
Nén hương quê bông cải ngậm ngùi”.
(Vàng Xưa Ơi… - trang 23).

Trong một chút lắng lòng ấy, tác giả ngậm ngùi nhớ quê - nơi ấy, có người mẹ “bên ngõ vắng ngóng chờ đàn con trẻ”; rồi nhà thơ ước muốn được về thăm lại quê xưa, được ngã vào lòng người mẹ dấu yêu “như thuở bé khúc à ơi nôi nhỏ”. Nỗi nhớ thương mẹ ở quê da diết, sâu lắng; khiến chúng ta nhìn thấy, tác giả là một người con chí hiếu, nhu hiền:
“Cho con xin để lòng con thật lắng
Dệt câu thơ tròn khuyết bốn mùa xa
Đan tình con gởi mẹ chốn quê nhà
Thêu đóa nhớ thiên thu tình mẫu tử.

Xin cài búp hồng tươi vừa hé nụ
Lên chiếc áo sờn. Mẹ nhé!
- Lòng con”.
(Gieo Vần Cho Ngày Của Mẹ - trang 60).

Với một tâm hồn an nhiên, rộng mở như vậy, nhà thơ có thể “lang thang gót gió” , với “một nửa” - “nửa vạt tối”, “nửa hoàng hôn”, “nửa mảng lạnh”; hay xa hơn nữa, là “một nửa” của “tháng đời lênh đênh”. Chỉ “một nửa” thôi, mà mọi thứ như bay bổng, ngút ngàn, lênh đênh, chơi vơi, xa ngái. Thật thơ mộng, lãng mạn!
“Nửa vạt tối, nửa góc chiều mê mải
Nửa hoàng hôn, nửa mảng lạnh bên đời
Mây tất tả nửa phiến trời xa ngái

Gió hùa theo góc nhớ gót chơi vơi”
(Lang Thang Gót Gió - trang 17)
Hay:
“(…) Phiến đời nửa giọt nguôi ngoai
Nửa vừa yên tĩnh, nửa hoài chông chênh
Nửa hòa sóng biếc lênh đênh
Nửa xô cơn sóng triều lên ngút ngàn”.
(Tháng Đời Lênh Đênh - trang 87)

Một chiều, nhìn mưa rơi bên hiên nhà, Nhà thơ bồng bềnh theo từng giọt mưa rơi, lòng cảm thấy cô liêu gợi nhớ mông lung. Mưa gieo “thương nhớ”, mưa “đong kín nỗi đợi chờ”, mưa còn có thể “đau dặm mỏi miền mơ”. Giây phút, tác giả tự nhủ với lòng mình, ước muốn được bình yên, cho “nguôi ngoai phiến hờn sóng dậy”, bằng những lời tự vấn “làm sao?”; với niềm hy vọng mong manh, dễ vỡ, như bong bóng mưa, hiu hắt ngoài kia. Xa xăm, vời vợi!
“… Làm sao chiều thôi mưa bay
Nguôi ngoai phiến hờn sóng dậy
Làm sao đầy trên đôi tay
Bình yên nụ hồng xưa ấy?”.
(Làm Sao Chiều Thôi Mưa Bay - trang 118)

Làm Sao Thôi Mưa Bay của nhà thơ Ca Dao là những sợi tơ rung nhẹ nhàng, lảng đảng; cũng là những khúc tự tình như khói sương, mong manh, bay bổng, cho dầu cõi mộng mơ kia ít thực tế của đời sống.
Ngoài làm thơ, theo tôi được biết Ca Dao còn viết truyện ngắn, tùy bút, tạp bút. Tôi thường đọc những bài viết của Ca Dao trên trang haibogiay.com, trên vài Tập san Văn Nghệ. Những truyện ngắn, những bài tùy bút đều có phong cách, nhẹ nhàng, như những vần thơ bay bổng của cô. Nhìn chiếc lá vàng rơi, Ca Dao muốn nắm bắt lại cái khoảnh khắc đó bằng ngòi bút, như ghi lại bằng máy ảnh. Với một tâm hồn nhạy cảm, cô nhìn thấy sự “trở về” của lá, là một sự linh thiêng, huyền diệu và đẹp đẽ, như đời người. Sự trở về của chiếc lá thật nhẹ nhàng, tự tại; và cô, cũng như tôi, cũng như những bạn đọc khác, ai cũng muốn mình cũng sẽ được như chiếc lá, hòa vào đất thật bình yên, trút bỏ tất cả mọi ưu tư, muộn phiền của đời sống đảo điên, khi trở về cõi vĩnh hằng.
“Tôi thích ngắm những chiếc lá vào giai đoạn về chiều của nó, không chỉ chụp lại mà còn theo dõi đường rơi của những chiếc lá vàng.
Hình ảnh của chiếc lá vàng rơi (trở về), với tôi là một hình ảnh huyền diệu, linh thiêng và đẹp đẽ.
Nó, chiếc lá, có mặt trên cõi đời cùng với mầm cây, thân cây, hoa, quả… Lá xanh góp niềm vui, ươm mầm sống cho đời.
Và lá vàng.
Và gió.
Gió về làm lá lìa cành.
Gió nhè nhẹ. Lá cũng nhè nhẹ, lượn một vòng trong không trung rồi đáp xuống mặt đất một cách bình yên, tự tại… Lá trở về với đất… hôn nhẹ vào đất… hòa cùng vào đất…!”. (Đường Rơi Của Lá).

Là một nhà giáo tâm huyết, Ca Dao rất yêu quý học trò của mình. Có biết bao kỷ niệm buồn vui đáng nhớ trong cuộc đời “làm thầy”, nhưng cô luôn canh cánh, ray rứt, về số phận bất hạnh của một cô bé là học trò của mình, đôi lúc làm cô phải bật khóc. Với lời văn nhẹ nhàng, lôi cuốn, Ca Dao đã làm tôi thêm quý mến cô hơn, khi cô viết về cô học trò đáng yêu của mình. Hãy nghe Ca Dao tâm sự:
“Tôi đã trải qua trên 30 năm công tác trong ngành GD và có rất nhiều kỷ niệm, có vui, có buồn, có hạnh phúc, có niềm đau. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ, dù là kỷ niệm thật buồn. Có một cô học trò bé bỏng đã làm tôi khóc, cô bé mãi mãi là khúc ca dao ru hời ngọt ngào trong quãng đời làm nhà giáo của tôi”. (Một Nửa Thế Giới Của Con Là…).

Trong bài viết, cô giáo phải luôn là chỗ dựa cho các em học sinh có thể nói là cá biệt - mặc cảm, xa lạ với tất cả mọi người, khi ba mẹ em ly hôn, hay gặp cảnh ngộ bắt trắc. Nhiều lúc, cô bé ước muốn cô giáo là người mẹ thứ hai của mình; thường để lại lời nhắn cho cô giáo: “Cô ơi! Mẹ ơi! Hôm nay cho con mượn bờ vai”, hay “Cô ơi! Hôm nay cho con nép vào trái tim cô nhé!”; đã làm cô giáo xúc động rơi nước mắt, nhiều lúc phải quay mặt giấu đi những giọt lệ.
Cô giáo đã trầm ngâm trước bài viết của cô bé khi em tham gia cuộc thi của một trang web và em có gởi cho cô nhân ngày 20/11 của năm sau đó, khi đã lên cấp 2. Bài viết của em, thay lời em muốn nói cùng cô giáo cũ của mình - một lời cảm ơn, tri ân sâu sắc!
“… Ấy vậy mà cô đã hiểu, kiên trì giúp con gần gũi mẹ hơn. Cô có biết con hạnh phúc như thế nào khi mà con được ngồi giữa cô và mẹ để chuyện trò, được tựa vào bờ vai cô kể cho cô nghe chuyện ba mẹ, được nghe giọng cô ngọt ngào khuyên nhủ để con nhận ra đâu là đúng, đâu là sai không hả cô? Cô đã khơi gợi trong con những ước mơ, hoài bảo, đã cho con nguồn cảm xúc để viết những bài văn. Mẹ con rưng rưng nước mắt khi được nhìn thấy những lời cô khen phê đỏ chói trong trang vở với từng sự tiến bộ của con…”. (Một Nửa Thế Giới Của Con Là…).
“Vòng vèo cùng gió hanh hao
Lá về với đất nghẹn ngào cơn đau
Bờ thu rót nắng úa nhàu
Câu kinh ai tụng để sầu hư không”.
(Miền Lá Chênh Chao).

Nhìn chung, nhưng bài tạp bút, tùy bút hay truyện ngắn của Ca Dao đều thấm đẫm tính nhân văn, tính giáo dục sâu sắc! Phản ảnh rõ tâm hồn nhân hậu, yêu đời của một người thầy - người cầm bút, có trách nhiệm với đời sống!
Có thể nói, những trang Thơ & Văn của Ca Dao - cô giáo đam mê Văn chương, luôn để lại cho người đọc một sự rung cảm nhẹ nhàng, mênh mang; những dấu ấn sâu đậm khi khép lại trang sách.

Nha Trang, tháng 2.2020

  Trở lại chuyên mục của : Tiểu Nguyệt